106. Kinh Bất Động Lợi Ích

(Anenjasappàya sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru (Câu-lâu). Kammassadhamma (Kiềm-ma-sắt-đàm) là thị trấn của dân chúng Kuru. Tại đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

— Này các Tỷ-kheo, các dục là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tánh. Này các Tỷ-kheo, đây là lời chào xáo của kẻ ngu xây dựng trên giả dối. Các dục hiện tại, và các dục tương lai, các dục tưởng hiện tại và các dục tưởng tương lai, cả hai đều thuộc lãnh vực của ma, là cảnh giới của ma, là chỗ dinh dưỡng của ma, là chỗ ăn uống của ma.

Bất động

Ở đây, các ác bất thiện ý này dẫn đến tham dục, sân hận, khích động, và chính những pháp ấy tác thành chướng ngại ở đây cho Thánh đệ tử học tập. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Các dục hiện tại và các dục tương lai… cho Thánh đệ tử học tập. Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, sau khi chiến thắng thế giới, sau khi xác định vị trí của ý. Khi ta an trú với tâm quảng đại, đại hành chiến thắng thế giới, xác định vị trí của ý, các ác bất thiện ý: tham dục, sân hận, khích động sẽ không khởi lên; với các pháp ấy được đoạn trừ, tâm của ta không trở thành hạn hẹp, trái lại thành vô lượng, khéo tu tập”. Trong khi ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến (samvattanikam vinnanam) có thể tùy theo đây đạt đến Bất động. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích Bất động”.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại, và những dục tưởng tương lai, phàm bất cứ sắc pháp gì, là bốn đại chủng và sắc do bốn đại tạo thành”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Bất động ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Bất động. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhị hành đạo về lợi ích Bất động.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những sắc tưởng hiện tại và những sắc tưởng tương lai, cả hai đều vô thường. Cái gì vô thường thời không đáng để được hoan hỷ, không đáng để được hoan nghênh, không đáng để được chấp trước”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Bất động ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Bất động. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ tam hành đạo về lợi ích Bất động.

Vô hữu xứ

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại… và những sắc tưởng tương lai, và những bất động tưởng, tất cả tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là vô sở hữu”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đi đến khu rừng hay đi đến dưới gốc cây và suy nghĩ như sau: “Trống không là tự ngã hay ngã này sở hữu”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhị hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào, và sở thuộc của ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong trú xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ tam hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.

Phi tưởng, phi phi tưởng xứ

Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại.. và những sắc tưởng và những Bất động tưởng, và những Vô sở hữu xứ tưởng, tất cả các tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong trú xứ (của nó) . Với tâm an tịnh vị ấy có thể thành tựu Phi tưởng phi phi tưởng xứ ngay trong hiện tại, hoặc thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là hành đạo về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Niết-bàn

Khi được nói như vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: “Nếu trước không có như vậy, thời có thể không là của ta; nếu nay không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có”. Và như vậy vị ấy được xả. Bạch Thế Tôn, môt vị Tỷ-kheo như vậy có chứng được cứu cánh Niết-bàn không?

— Ở đây, này Ananda, một số Tỷ-kheo có thể chứng được cứu cánh Niết-bàn, và ở đây, một số Tỷ-kheo có thể không chứng được cứu cánh Niết-bàn.

— Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một số Tỷ-kheo có thể chứng được cứu cánh Niết-bàn, và ở đây, một số Tỷ-kheo có thể không chứng được cứu cánh Niết-bàn?

— Ở đây, này Ananda, một Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: “Nếu trước không có như vậy thời có thể không là của ta. Nếu nay không có như vậy, thời có thể sẽ không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có”. Và như vậy vị ấy được xả. Vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, hoan nghênh, chấp trước xả ấy. Do vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, hoan nghênh, chấp trước xả ấy, thức lệ thuộc xả ấy và thủ trước xả ấy. Có thủ trước, này Ananda, vị Tỷ-kheo không chứng cứu cánh Niết-bàn.

— Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo ấy thủ trước là thủ trước chỗ nào?

— Này Ananda, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

— Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng?

— Này Ananda, Vị Tỷ-kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng. Này Ananda, đây là thủ trước tối thượng, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: “Nếu (trước) không có như vậy thời có thể không là của ta. Nếu (nay) không có như vậy, thời có thể không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có”. Như vậy, vị ấy được xả, vị ấy không hoan hỷ trong xả ấy, không hoan nghênh, không chấp trước xả ấy. Do vị ấy không hoan hỷ trong xả ấy, không hoan nghênh, không thủ trước xả ấy, thức không lệ thuộc xả ấy và không thủ trước xả ấy. Không thủ trước, này Ananda, vị Tỷ-kheo chứng cứu cánh Niết-bàn.

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Chính mười y cứ sự này sự kia, bạch Thế Tôn, sự vượt thoát dòng nước mạnh đã được Thế Tôn nói lên. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Thánh giải thoát?

— Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những Bất động tưởng, những Vô sở hữu xứ tưởng, và những Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, cái gì thuộc tự thân, là tự thân. Ðây là bất tử tức là tâm giải thoát không thủ trước”. Này Ananda, đây là đạo lộ về lợi ích Bất động được Ta thuyết giảng, đạo lộ về lợi ích Vô sở hữu xứ được Ta thuyết giảng, đạo lộ về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ được Ta thuyết giảng, là sự vượt qua dòng nước mạnh do y cứ sự này sự kia được Ta thuyết giảng, Thánh giải thoát được Ta thuyết giảng.

Những gì, này Ananda, vị Ðạo sư cần phải làm, vì lòng từ mẫn mưu tìm hạnh phúc cho các đệ tử, những điều ấy đã được Ta làm, vì lòng từ mẫn của Ta đối với Ông. Này Ananda, đây là những gốc cây, đây là những khoảng trống. Hãy tu Thiền, này Ananda, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Ðây là lời dạy của Ta cho Ông.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Mục lục Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 88 – Kinh Bàhitika (Bàhitika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 59 – Kinh Nhiều Cảm Thọ (Bahuvedanìya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 115 – Kinh Ða Giới (Bahudhàtuka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 104 – Kinh Làng Sama (Sàmagàma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 142 – Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhinàvibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 64 – Ðại Kinh Màlunkyà (Mahà Màlunkyà sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 10 – Kinh Tu Ba (Subha Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 123 – Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 83 – Kinh Makhàdeva (Makhàdeva sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 81 – Kinh Ghatìkàra (Ghatìkàra sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 18 – Kinh Xà Ni Sa (Janavasabha Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 17 – Kinh Ðại Thiện Kiến Vương (Mahà-Sudassana Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 52 – Kinh Bát Thành (Atthakanàgara sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 132 – Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả (Anandabhaddekaratta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 76 – Kinh Sandaka (Sandaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 143 – Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc (Anàthapindikovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 32 – Ðại Kinh Rừng Sừng Bò (Mahàgosinga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 6 – Sáu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 53 – Kinh Hữu Học (Sekha sutta) - Kinh Tạng