30. Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây

(Cùlasàropama sutta)


Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú tại Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi Bà-la-môn Pingalakoccha đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời hỏi thăm, chúc tụng xã giao, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Pingalakoccha bạch Thế Tôn:

— Tôn giả Gotama, có những Sa-môn, Bà-la-môn này là vị Hội chủ, vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng Giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khi Tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, như Purana Kassapa, Makkhali Gosala, Ajita Kesakambali, Pakudha Kaccayana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nataputta, tất cả những vị này tự xưng là nhứt thiết trí hay tất cả không phải là nhứt thiết trí, hay một số là nhứt thiết trí và một số không phải nhứt thiết trí?

— Thôi vừa rồi, này Bà-la-môn, hãy dừng lại ở đây: “Tất cả những vị này tự xưng là nhứt thiết trí hay tất cả không phải là nhứt thiết trí? Hay một số là nhứt thiết trí và một số không phải nhứt thiết trí?” Này Bà-la-môn, Ta sẽ thuyết pháp cho Ông, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Pingalakoccha vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

— Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi và tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy, có thể nói: “Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết rằng đó là lõi cây. Và người này đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Cũng vậy, này Bà-la-môn, ở đây, có người do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ, Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy, còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người ấy sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống như ví dụ ấy.

Nhưng ở đây, này Bà-la-môn, có người vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bi chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu giới đức. Vì thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Vì thành tựu giới đức này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta trì giới, theo thiện pháp. Các Tỷ-kheo khác phá giới, theo ác pháp”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt lấy vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống như ví dụ ấy.

Nhưng ở đây, này Bà-la-môn, có người vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy, không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu giới đức. Vì thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu Thiền định. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta có Thiền định, nhứt tâm. Các Tỷ-kheo khác không có Thiền định, tâm bị phân tán”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu Thiền định. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy vỏ trong mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống như ví dụ ấy.

Nhưng ở đây, này Bà-la-môn, có người vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy, không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy, không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu giới đức này, khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước và tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu giới đức. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu Thiền định. Vì thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu Thiền định. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy, do tri kiến này, hoan hỷ tự mãn. Vị ấy, do tri kiến này, khen mình, chê người: “Ta sống, thấy và biết. Các Tỷ-kheo khác sống không thấy và không biết”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống ví dụ ấy.

Nhưng ở đây, này Bà-la-môn, có người vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Do vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu giới đức này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu giới đức. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu Thiền định. Do thành tựu Thiền định, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định, khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước và tinh tấn, chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu Thiền định. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy do tri kiến này hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do tri kiến này, khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước, cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động.

Và này Bà-la-môn, những pháp gì cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến?

Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định), sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Này Bà-la-môn, các pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, lấy và mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống như ví dụ ấy.

Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Pingalakoccha bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh Pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Và nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Mục lục Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 56 – Kinh Ưu Ba Ly (Upàli sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 14 – Tiểu Kinh Khổ Uẩn (Cùladukkhakkhanda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 77 – Ðại kinh Sakuludàyi (Mahàsakuludàyin sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 101 – Kinh Devadaha (Devadaha sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 29 – Kinh Thanh Tịnh (Pàsàdika Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 104 – Kinh Làng Sama (Sàmagàma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 27 – Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cùlahatthipadopama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 58 – Kinh Vương Tử Vô Úy (Abhayaràjakumàra sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 36 – Ðại Kinh Saccaka (Mahàsaccaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 35 – Tiểu Kinh Saccaka (Cùlasaccaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 99 – Kinh Subha (Subha sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 96 – Kinh Esukàrì (Esukàrì sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 73 – Ðại kinh Vacchagotta (Mahàvacchagotta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 95 – Kinh Cankì (Cankì sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 04 – Kinh Chủng Ðức (Sonadanda Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 80 – Kinh Vekhanassa (Vekhanassa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 91 – Kinh Brahmàyu (Brahmàyu sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 71 – Kinh Dạy Vacchagotta Về Tam Minh (Tevijjavacchagotta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 103 – Kinh Nghĩ Như Thế Nào? (Kinti sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 93 – Kinh Assalàyana (Assalàyana sutta) - Kinh Tạng