69. Kinh Gulisàni

(Gulisàni sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc).

Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo Gulissani là vị sống tại rừng núi, hành động thô tháo đã đến giữa Tăng chúng do một vài công vụ. Ở đây, Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) nhân vì Tỷ-kheo Gulissani, bảo các Tỷ-kheo:

— Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng không biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả ấy lại không tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, phải biết khéo léo về chỗ ngồi, nghĩ rằng: “Ta sẽ ngồi, không có chiếm lấy chỗ ngồi các Thượng tọa Tỷ-kheo, không có trục xuất chỗ ngồi của các niên thiếu Tỷ-kheo. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không biết khéo xử về chỗ ngồi, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại không biết hành động như pháp!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng phải biết khéo xử về chỗ ngồi.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo, sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên vào làng quá sớm và trở về ban ngày. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chư Tăng, nếu vào làng quá sớm và trở về ban ngày, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại vào làng quá sớm và trở về ban ngày”. Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên vào làng quá sớm, và trở về ban ngày.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo, sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau buổi ăn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau buổi ăn, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Có phải Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, lại đi phí thời giờ quá nhiều, và xử sự như vậy đối với chúng Tăng?” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau buổi ăn.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng không nên trạo cử, dao động. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng mà trạo cử, dao động, thời sẽ có người nói về vị ấy như sau: “Có phải Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, lại trạo cử, dao động quá nhiều và xử sự như vậy đối với chúng Tăng?” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên trạo cử, dao động.

Này Chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, không nên nói nhiều lời và nói tạp nhạp. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, nói nhiều lời và nói tạp nhạp thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại nói nhiều lời và nói tạp nhạp!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên nói nhiều lời và nói tạp nhạp.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, phải là người dễ nói và là người thiện hữu. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng là người khó nói và là người ác hữu, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại khó nói và là người ác hữu!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, phải là người dễ nói và là người thiện hữu.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thủ hộ các căn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không thủ hộ các căn, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại không thủ hộ các căn!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thủ hộ các căn.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải tiết độ trong sự ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không có tiết độ trong sự ăn uống, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại không có tiết độ trong sự ăn uống!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có tiết độ trong sự ăn uống.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chú tâm cảnh giác. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không chú tâm cảnh giác, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại không chú tâm cảnh giác!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chú tâm cảnh giác.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải tinh cần tinh tấn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi mà biếng nhác, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại biếng nhác!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, cần phải tinh cần tinh tấn.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chánh niệm tỉnh giác. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi mà thất niệm, thời sẽ có người nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại thất niệm!”. Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, cần phải chánh niệm tỉnh giác.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có Thiền định. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không có Thiền định, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại không có Thiền định!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có Thiền định.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có trí tuệ. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi chỉ có liệt tuệ, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại chỉ có liệt tuệ!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có trí tuệ.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập thắng pháp (abhidhamma), thắng luật (abhivinaya). Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỷ-kheo sống ở rừng núi về thắng pháp, thắng luật. Nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về thắng pháp, thắng luật mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này được hỏi về thắng pháp, thắng luật lại không có thể trả lời được!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có thực tập thắng pháp, thắng luật.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp tịch tịnh giải thoát (santavimokha), vượt khỏi các sắc pháp, và các vô sắc pháp. Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỷ-kheo sống ở rừng núi về các pháp tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp, các vô sắc pháp. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về các pháp tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này được hỏi về các pháp tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp lại không có thể trả lời được!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp thượng nhân. Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỷ-kheo về những pháp thượng nhân. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về các pháp thượng nhân mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này được hỏi về những pháp thượng nhân lại không có thể trả lời được!”. Như vậy sẽ có người nói về vị ấy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp thượng nhân.

Khi được nói vậy, Tôn giả Mahamoggallana nói với Tôn giả Sariputta như sau:

— Hiền giả Sariputta, các pháp này cần phải được chấp trì và thực tập chỉ bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi hay bởi Tỷ-kheo sống ở gần thôn làng?

— Hiền giả Moggallana, các pháp này cần được phải chấp trì và thực tập bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi, huống chi Tỷ-kheo sống gần thôn làng!


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Mục lục Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 97 – Kinh Dhànanjàni (Dhànanjàni sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 32 – Ðại Kinh Rừng Sừng Bò (Mahàgosinga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 67 – Kinh Càtumà (Càtumà sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 37 – Tiểu Kinh Ðoạn Tận Ái (Cùlatanhàsankhaya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 144 – Kinh Giáo Giới Channa (Channovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 151 – Kinh Khất Thực Thanh Tịnh (Pindapàtapàrisuddhi sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 5 – Kinh Không Uế Nhiễm (Anangana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 111 – Kinh Bất Đoạn (Anupada sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 141 – Kinh Phân Biệt Về Sự Thật (Saccavibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 114 – Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabba-asevitabba sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 124 – Kinh Bạc Câu La (Bakkula sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 143 – Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc (Anàthapindikovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 50 – Kinh Hàng Ma (Màratajjanìya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 15 – Kinh Tư Lượng (Anumàna sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 3 – Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadàyàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 77 – Ðại kinh Sakuludàyi (Mahàsakuludàyin sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 43 – Ðại Kinh Phương Quảng (Mahàvedalla sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 74 – Kinh Trường Trảo (Dìghanakha sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 24 – Kinh Trạm Xe (Rathavinìta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 28 – Ðại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Mahàhatthipadopama sutta) - Kinh Tạng