TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 39

(Tiếp theo phần Niết-bàn và thuyết minh sự việc năm trăm vị kết tập)

Tụng mười trong biệt môn tám.

Khi ấy, thấy mọi người vì muốn tranh giành xá-lỵ nên chiến đấu với nhau, sợ họ bị tổn thương trái lời Phật dạy, nên trong chúng có vị Bà-la-môn tên Ðột Lộ Noa cầm cây cờ lớn thay mặt đại chúng bảo với các tráng sĩ thành Câu Thi Na:

– Quý vị hãy tạm ngừng lại, tôi xin vì các vị trình bày sự lợi hại. Tôi từng nghe đức Ðại Sa-môn Kiều Ðáp Ma này thương yêu tất cả các loại hữu tình, đã hùng dũng tinh tấn chịu đựng các việc oán hại trong vô lượng kiếp, chịu khổ lâu dài như vậy mà còn tán thán việc nhẫn nhục, nhờ vậy nên chứng thành Vô-thượng-giác, tâm hành bình đẳng cũng như hư không, tế độ khắp cả các hữu tình, chúng sinh hết phước xả bỏ Niết-bàn nên Ngài vừa an nghỉ mới được bảy ngày thì đã hưng binh đánh nhau, thật là trái nghịch. Xin các vị chớ nên cạnh tranh nhau, tôi sẽ chia đều, làm cho mọi người hoan hỷ, đem xá-lỵ thân Phật phân làm tám phần, mỗi đoàn đem về cúng dường làm lợi cho quần sinh, bình chia xá-lỵ xin cho tôi được thỉnh đưa về nước mình xây tháp thờ phụng.

Nghe nói như vậy, các tráng sĩ thành Câu Thi Na nói:

– Rất đúng, vì đức Thế Tôn Ðại sư luôn luôn tu tập nhẫn nại, không nên vì Ngài mà sát hại … nói rộng như trước. Ngài hãy thuận theo pháp mà phân chia cho chúng tôi, đây là việc tốt.

Ðược chấp nhận rồi, Bà-la-môn ấy chia xá-lỵ Phật ra làm tám phần:

Phần thứ nhất trao cho các tráng sĩ thành Câu Thi Na để cúng dường trọng thể.

Phần thứ hai trao cho các tráng sĩ ấp Ba Ba.

Phần thứ ba trao cho ấp Giá La- Bác.

Phần thứ tư trao cho xứ A La Ma.

Phần thứ năm trao cho ấp Phệ Suất Noa.

Phần thứ sáu trao cho các Thích-tử thành Kiếp Tỷ La.

Phần thứ bảy trao cho các vị Lật Cô Tỳ thành Phệ Xá Ly.

Phần thứ tám trao cho đại thần Hành Vũ nước Ma-Gia Ðà.

Sau khi được phân chia xá-lỵ, những người này thỉnh về nước mình xây tháp cung kính tôn trọng, đem hương hoa âm nhạc cúng dường trọng thể.

Bà-la-môn Ðột Lộ Noa đem cái bình chia xá-lỵ về tụ lạc của mình xây tháp cúng dường.

Trong đại chúng, có thanh niên tên Tất Bát La bảo mọi người:

– Ân đức của Phật Thích Ca ban bố khắp nơi, Ngài đã nhập Niết-bàn nơi tụ lạc quý vị. Không được chia xá-lỵ của Thế Tôn, vậy tôi xin phần tro tàn, đem về xứ Tất Bát La xây tháp cúng dường.

Như vậy, tại Chiêm Bộ Châu, có tám tháp xá-lỵ của Thế Tôn; tháp thứ chín thờ bình; tháp thứ mười thờ tro. Xá-lỵ của Như Lai gồm có sáu đấu lớn, phân làm tám phần. Bảy phần thờ tại Chiêm Bộ Châu. Phần thứ tư do xứ A La Ma nhận lấy, đem cúng dường ở Long Cung.

Lại nữa đức Phật có bốn răng xá-lỵ, một ở cõi trời Ðế Thích; một ở nước Kiền Ðà La; một ở nước Yết Lăng Già; một ở cung long vương dưới biển thuộc ấp A Ma La, đều có xây tháp cúng dường.

Sau này, vua Vô ưu ấp Ba Tra Ly, khai quật bảy tháp ra, lấy xá-lỵ ấy, xây tám vạn bốn ngàn tháp uy linh cúng dường khắp cả cõi Chiêm Bộ Châu. Do uy đức của tháp làm trang nghiêm thế gian nên trời, rồng, dược-xoa, nhân loại thần Thánh … đều cung kính tôn trọng cúng dường, làm cho chánh pháp được sáng rực không bị tiêu diệt, ai có cầu mong điều gì cũng được toại ý.

(Từ đây về sau nói về việc Ngũ-bá kết-tập ở thành Vương-xá).

Ðức Thích Ca Như Lai sinh trong giòng họ Thích, thành Chánh Ðẳng Giác tại nước Ma Kiệt Ðà, chuyển Diệu-pháp-luân tại Bà La Ny Tư, nhập Diệt tại vùng đất của bộ tộc Tráng-sĩ thuộc thành Câu Thi Na. Tôn giả Xá-Lợi Tử cùng chúng tám vạn đại Bí-sô đồng nhập Niết-bàn. Tôn giả Ðại Mục Liên cùng bảy vạn Bí-sô cũng nhập Niết-bàn. Thế Tôn cùng một vạn tám ngàn Bí-sô cũng nhập Niết-bàn. Khi ấy, có chư Thiên sống lâu nhiều kiếp (Ða kiếp trường thọ thiên) thấy Phật Niết-bàn nên cùng nhau bi thương, lại thấy các vị Thánh đều diệt độ nên hiềm trách rằng Kinh Luật Luận pháp tạng chân chánh của Thế Tôn nói ra đều chưa được kết tập, lẽ nào để cho chánh giáo thành tro tàn hay sao?

Biết ý của chư Thiên ấy, tôn giả Ðại Ca Nhiếp Ba bảo các Bí-sô:

– Các thầy nên biết rằng cụ thọ Xá Lợi Tử, cụ thọ Ðại Mục Kiền Liên cùng rất nhiều chúng đại Bí-sô không nỡ nhìn Phật vào Ðại Niết-bàn nên đã viên-tịch trước. Hiện nay, Thế Tôn và một vạn tám ngàn Bí-sô cùng vào Niết-bàn nên có vô lượng chư Thiên trường thọ nhiều kiếp cùng nhau than tiếc, lại hiềm trách rằng vì sao không kết tập Tam-tạng Thánh giáo, lẽ nào để cho diệu pháp thậm thâm của Như Lai thành ra tro tàn hay sao. Hãy báo cho mọi người biết nên cùng nhau kết tập, đây là đại sự.

Ðại chúng đồng thanh:

– Rất tốt! Chúng ta cùng làm.

Khi ấy, Ca Nhiếp Ba thưa với Tăng già:

– Trong chúng Tăng này, ai nhỏ nhất?

Ðáp:

– Cụ thọ Viên Mãn.

Ðại Ca Nhiếp Ba bảo:

– Này Viên Mãn! Thầy hãy đánh kiền-chùy ra lệnh Tăng già tập họp lại hết.

Nghe xong, Viên Mãn đến nơi yên tịnh nhập vào tứ thiền, theo định lực của mình chánh niệm quán sát, sau khi quán sát, xuất định đi đánh kiền-chùy.

Bấy giờ, có bốn trăm chín mươi chín vị đại A-la-hán từ các phương vân tập đến và an tọa vào chỗ ngồi. Tôn giả Ca Nhiếp Ba bạch:

– Thưa các cụ thọ, Bí-sô Tăng già đã tập họp hết chưa, hãy quan sát kỹ xem vị nào chưa đến?

Sau khi cùng nhau xem xét, các Bí-sô báo với đại Ca Nhiếp Ba:

– Bí-sô ở các nơi đều đã tập họp hết, chỉ riêng cụ thọ Ngưu Chủ chưa đến.

Khi ấy, Bí-sô Ngưu Chủ đang ở yên tịnh tại cung Thi Lợi Sa.

Ðại Ca Nhiếp Ba bảo tôn giả Viên Mãn:

– Thầy hãy đến chỗ ở của cụ thọ Ngưu Chủ nói với thầy ấy rằng Bí-sô Tăng già với đại Ca Nhiếp Ba là thượng thủ có lời thăm hỏi sức khỏe tôn giả. Tăng già đang có việc cần, thầy hãy mau đến.

Nghe xong, tôn giả Viên Mãn nhập định thậm thâm, với định lực lực ấy biến mất khỏi thành Câu Thi Na, xuất hiện ở cung Thi Lợi Sa.

Ðến nơi, Viên Mãn đảnh lễ sát chân tôn giả Ngưu chủ và bạch rằng:

– Bí-sô Tăng già với đại Ca Nhiếp Ba là thượng thủ chúc sức khỏe tôn giả và báo rằng Tăng già đang có việc cần làm hãy mau đến.

Tuy đã thoát ly các dục nhưng tập khí luyến ái cũng còn, tôn giả nói với Viên Mãn:

– Chào cụ thọ mới đến, có phải Ðại sư Thích Ca Mâu-Ny Như Lai đi giáo hóa ở thế giới khác phải không; hay là Tăng già xảy ra tránh-sự; vì sự chuyển pháp luân vô thượng của đức Như Lai nên các ngoại đạo phỉ báng phải không; hay là ngoại đạo kết bè đảng gây tai nạn cho Thanh-văn đệ tử của Như Lai; hay là các đệ tử của Như Lai do phiền não bốc lên nên khinh chê nhau; hay là có Sa-môn Bà-la-môn trái nghịch lại lời Phật dạy; hay là những kẻ ngu si sắp phá Tăng; hay là kẻ ác kiến định đem những văn từ tương tợ pháp để gây loạn chánh pháp của Phật; hay là có nhiều vị đồng phạm hạnh bỏ phế hạnh nghiệp thù thắng là tụng Kinh và Thiền quán mà ưa thích bàn luận việc thế sự vô ích; hay là có tâm nghi ngờ do dự hai đường, phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp, phi luật nói là luật, luật nói là phi luật; hay là có các Bí-sô bị tâm tham lam cấu uế quấy loạn nên vứt bỏ sáu pháp hòa-kính, thấy có khách đến cùng đồng phạm hạnh thì không yêu mến nhau; hay là có Bí-sô với ác tính làm cho các tín tâm trưởng giả Bà-la-môn quay lưng lại chánh pháp mà hướng về ngoại đạo; hay là có Bí-sô sống theo tà mạng cày ruộng mua bán, nịnh hót, phục vụ vua, xem tướng họa phúc, tận lực tích trữ tài sản bất tịnh; hay là có Bí-sô ít sống chánh hạnh, nhận lấy ngọa cụ xấu thì sinh ra khinh chê, không thật là Sa-môn tự xưng Sa-môn, gây phiền não cho đồng phạm hạnh; cho nên thầy Viên Mãn từ xa phải đến đây, lẽ ra thầy nói rằng Ðại đức Thế Tôn an ổn vô sự mà lại nói Ca Nhiếp Ba là thượng thủ; hay là đức Ðại-bi Thế Tôn đã xả bỏ hàm-thức vĩnh viễn vào cảnh giới vô-dư đại-Niết-bàn, hay là bị mất vị Thầy-lái-thuyền nên thế gian kinh sợ; hay là đức Thập Lực Vô Úy bị quỷ Vô-thường nuốt mất, hay là Ðấng làm cho tất cả hữu tình thức tỉnh vì lợi ích nên ngủ không thức nữa; hay là ánh sáng mặt trời Phật đã lặn; hay là mặt trăng Như Lai tròn sáng bị A-tu-la ghét nên che mất ánh sáng; hay là đại thọ thù thắng như ý Ðại sư tối tôn trong ba ngàn thế giới, được trang sức bằng hoa giác-ngộ, trái là quả bốn bậc Thanh-văn, với hương thơm khả ái, bị voi điên vô-thường xô ngã, hay là đèn trí tuệ Như Lai bị gió vô-minh thổi tắt phải không?

Nghe hỏi như vậy, cụ thọ Viên Mãn nói kệ:

Chúng Thanh-văn đã tập,
Trí tuệ đều sáng suốt,
Ðể chánh pháp trường tồn,
Chỉ còn chờ tôn giả,
Thuyền Phật pháp đã chìm,
Núi trí tuệ cũng sụp,
Chúng thù thắng của Phật,
Ðều sắp về viên-tịch,
Xin ngài mau gặp họ,
Cùng kết tập pháp-Phật,
Việc này rất trọng đại,
Nên sai con gặp ngài.

Cụ thọ Ngưu Chủ bảo Viên Mãn:

– Thôi đừng nói nữa, hãy nghe kệ:

Ðèn sáng Vô-thượng còn ở đời,
Tôi xin đến đó lễ Tôn-nhan,
Nay đã hết duyên, vào Niết-bàn,
Có người trí nào lại đến đó.
Thầy hãy đem y bát của tôi,
Ðưa cho đại chúng ứng-cúng ấy,
Tôi vào diệt độ, không tái sinh,
Xin thánh chúng từ bi tha thứ.

Nói kệ xong, tôn giả rời khỏi tòa ngồi, vọt lên hư không hiện mười tám pháp biến hóa, phóng các loại ánh sáng, hóa ra lửa thiêu thân, tự diệt độ. Từ thân tôn giả chảy ra bốn dòng nước.

Dòng thứ nhất nói kệ:

Chúng sinh chúng ta hết phúc đức,
Hiện nay bỗng nhiên bị bỏ rơi,
Mặt trời trí tuệ đã lặn rồi,
Tất cả quần-mê, không ai cứu.

Dòng nước thứ hai nói kệ:

Các hành bị diệt từng sát-na,
Từ sinh đến diệt đều khổ não,
Chỉ do phàm phu chấp hư vọng,
Kẻ tạo người nhận đều không thật.

Dòng nước thứ ba nói kệ:

Bậc trí không để tâm phóng dật,
Gắng tu thiện-pháp mau thành tựu,
Tuổi trẻ xinh đẹp cũng phải chết,
Bị quỷ vô-thường nuốt tất cả.

Dòng nước thứ tư nói kệ:

Tôi xin đảnh lễ đệ tử Phật,
Việc cần phải làm, đã thành tựu,
Kính thuận Ðại sư vào viên tịch,
Như trâu chúa đi, trâu nhỏ theo.

Sau khi cúng dường di thân xá-lỵ của tôn giả Ngưu-Chủ xong, Viên Mãn cầm y bát vị ấy, nhập vào định thậm thâm, biến mất khỏi cung Thất Lỵ Sa, hiện ra tại rừng Song Lâm thành Câu Thi Na, đến chỗ Ðại Ca Nhiếp Ba và năm trăm Bí-sô, sau khi kính lễ tùy từng vị, đặt y bát của Ngưu Chủ trước thượng tọa, nói kệ:

Vị ấy nghe Phật đã viên-tịch,
Tất cả phước nghiệp đều đi theo,
Ðây là y bát, con đem về,
Cầu xin được Tăng già tha thứ.

Tôn giả Ðại Ca Nhiếp Ba bảo các Bí-sô:

– Các vị đồng phạm hạnh hãy nghe nói.
Vị theo thánh giáo đã nhập diệt,
Nhiều Ứng-cúng khác đã Niết-bàn,
Hiện tại, Tăng hòa hợp đồng tâm,
Khắp vì trời người mà kết tập.

Tôn giả Ca Nhiếp Ba lại nói kệ bảo đại chúng hãy kiên quyết chí niệm, đừng nhập Niết-bàn:

Các vị đừng làm theo Ngưu Chủ,
Viên tịch tại cung Thất Lỵ Sa,
Không nên vội vã vào Niết Bàn,
Hãy làm lợi ích cho quần sinh.

Bấy giờ, cụ thọ Ca Nhiếp Ba và năm trăm Bí-sô cùng lập quy chế:

– Quý vị hãy nghe tôi nói, mặt trời Phật đã lặn, sợ pháp cũng mất theo, nên nay muốn cùng nhau tập họp lại để kết tập Pháp-tạng. Mới an táng Ðại sư xong nên mọi người đều buồn khổ, nếu kết tập tại đây ngay thì Tăng già bốn phương đến làm cho phiền phức. Tâm đã không an thì việc khó thành tựu. Nhưng đức Phật Thế Tôn thành Chánh Ðẳng Giác dưới gốc Bồ-đề tại nước Ma Yết Ðà, pháp thân đã đi qua. Hiện nay, chúng ta nên đến đó kết tập.

Có vị nói rất tốt, có vị nói chúng ta nên đến dưới cây Bồ-đề.

Ðại Ca Nhiếp Ba nói:

– Vua Vị Sinh Oán con vua Hắng Thân nước Ma-yết-đà, mới phát tín tâm, có thể đem bốn loại vật dụng cần thiết cho đời sống cúng dường đầy đủ đến chúng Tăng. Chúng ta nên đến đó kết tập.

Ðại chúng đều khen phải, có người nói rằng tất cả chúng ta đều chứng quả A-la-hán, chỉ trừ A Nan Ðà còn ở địa vị hữu học nhưng khi Phật còn tại thế, cụ thọ này đích thân làm thị giả nên thọ trì hết pháp tạng của Phật mà quả vị chưa viên mãn, vậy phải làm sao đây?

Ðại Ca Nhiếp Ba nói:

– Nếu như vậy, hãy làm pháp lựa chọn vì sợ vị hữu học khác sinh khó chịu, nên sai A Nan Ðà làm người cấp nước, người khác tự ra ngoài.

Ðại chúng đều tán đồng.

Trước đại chúng, cụ thọ Ca Nhiếp Ba bảo A Nan Ðà:

– Thầy có thể làm người cung cấp nước cho đại chúng không?

Ðáp:

– Làm được.

Ca Nhiếp Ba bạch nhị yết-ma để sai:

– Ðại đức Tăng lắng nghe, cụ thọ Bí-sô A Nan Ðà này đã từng đích thân phục vụ đức Phật nên thọ trì khắp các pháp tạng. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng đồng ý, nay Tăng sai Bí-sô A Nan Ðà làm người cung cấp nước cho chúng Tăng. Ðây là lời tác bạch.

Ðại đức Tăng lắng nghe, cụ thọ Bí-sô A Nan Ðà này đã từng đích thân phục vụ đức Phật nên thọ trì khắp các pháp tạng. Nay Tăng sai Bí-sô A Nan Ðà làm người cung cấp nước cho chúng Tăng. Nếu cụ thọ nào đồng ý Bí-sô A Nan Ðà làm người cung cấp nước cho chúng Tăng thì im lặng, vị nào không đồng ý thì nói ra.

Tăng già đã sai Bí-sô A Nan Ðà làm người cung cấp nước cho chúng Tăng. Tăng đã đồng ý vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.

Ðại Ca Nhiếp Ba lại bảo A Nan Ðà:

– Thầy cùng đại chúng du hành nhân gian, hãy đi đến nước Ma Yết Ðà, còn tôi đi đường thẳng.

Khi A Nan Ðà cùng đại chúng đi đến thành Vương-xá thì Ðại Ca Nhiếp Ba đã đến trước rồi. Vua Vị Sinh Oán rất tin tưởng Phật, khi cỡi voi lớn mà trông thấy Ngài thì bước ngay xuống đất nhưng nhờ vào uy thần của Phật nên không bị thương tổn. Ðang cỡi voi, trông thấy Ca Nhiếp Ba, vua nhớ đến Như Lai, liền nhảy xuống ngay.

Dùng thần lực đỡ vua xuống đất nên không bị thương tổn, Tôn giả bảo:

– Ðại vương biết cho, Ðại-sư Như Lai, tâm luôn chánh định còn các Thanh văn đệ tử thì không được như vậy. Nếu không nhiếp niệm quán sát thì không biết việc ở trước rõ hay không rõ, thế nên từ nay tôi cùng vua quy định, nếu khi vua đang cỡi voi ngựa mà thấy đệ tử Thanh văn của Như Lai thì không được vội vàng nhảy xuống, phải bảo trọng thân thể.

Vua thưa:

– Xin vâng lời tôn giả dạy, Thánh giả biết cho, khi Phật tại thế, con đích thân cúng dường, nay đã Niết-bàn vậy bày tỏ sự cung kính ở đâu; tôn giả chính là nơi để con tôn kính Thế tôn. Vì sao, giáo pháp Như Lai đều ủy thác cho tôn giả.

Sau khi thưa như vậy, vua lại bảo đại thần:

– Hãy luôn cúng dường bốn vật cần dùng đến tôn giả không được thiếu sót.

Tôn giả nói:

– Ðại vương nên biết, đức Phật chứng đại Bồ-đề thành tựu pháp thân tại đất nước này, vậy nên ngày nay dựng ngọn cờ pháp kết tập tam tạng tại xứ của nhà vua. Ðại chúng Bí-sô đang trên đường đi đến.

Vua thưa:

– Lành thay, con xin cung cấp tất cả những vật cần dùng cho Thánh chúng.

Không bao lâu, các Thánh chúng đều đến đại thành Vương-xá. Nghe vậy, muốn đến gặp, vua ra lệnh cho đại thần:

– Tất cả nhân dân xa gần sang hèn đều phải trang hoàng thành phố, quét dọn đường sá.

Mang hoa hương đẹp tràng phan lọng quý cùng trăm ngàn các loại âm nhạc, vua cùng phi hậu, thái tử, thể nữ trong cung, nhân dân trong nước đồng thời xuất thành nghênh đón Thánh chúng. Sau khi vào thành, đại chúng an tọa. Trước thượng tọa, nhà vua cung kính quỳ rạp chắp tay thưa:

– Ðại đức Ðại Ca Nhiếp Ba, hôm nay Thánh chúng đều đến đây làm lợi ích lớn cho chúng sinh, con xin cung cấp tất cả những gì cần dùng. Hiện nay, con không biết có thể tổ chức đại hội kết tập ở nơi nào?

Tôn giả nói:

– Nếu tổ chức kết tập tại vườn Trúc Lâm trong thành này, chư Tăng các nơi đến gây huyên náo, sợ bị gián đoạn. Nếu trên núi Thứu Phong cũng không yên tịnh, dưới hang Tất Bát La có thể kết tập được nhưng không có ngọa cụ.

Nghe nói như vậy, vua rất vui mừng, thưa với Ca Nhiếp Ba:

– Nếu xác định kết tập tại chỗ ấy, con xin cúng dường tất cả các loại ngọa cụ theo nhu cầu.

Ca Nhiếp Ba nói với đại chúng:

– Vì Thánh chúng đến hang Tất Bát La để kết tập, vị đại vương này xin phục vụ tất cả những nhu cầu cần dùng không để thiếu thốn. Ðại chúng các vị hãy mau đến đó.

Vua bạch với Tôn giả Ca Nhiếp Ba:

– Khi đại giác Thế Tôn nhập Niết-bàn mà không báo cho con biết, cầu xin tôn giả ở mãi thế gian, nếu sắp viên tịch xin cho con biết trước.

Tôn giả im lặng nhận lời. Tôn giả lại suy nghĩ: “Trong mùa hạ này, tiền an cư nên sắm sửa phòng nhà và ngọa cụ và khi hậu an cư thì kết tập”.

Tôn giả quán sát tâm của A Nan Ðà rồi bảo cụ thọ A Ny Lư Ðà:

– Trong đại chúng được Thế Tôn tán thán này, thầy biết ai còn là hữu học có tham, sân, si, còn đủ ái thủ, việc làm chưa hoàn tất?

Nhập vào định thứ tư, A Ny Lư Ðà quán sát trong chúng, thấy chỉ có tôn giả A Nan Ðà còn địa vị hữu học, bị phiền não trói, việc làm chưa xong. Sau khi quán sát, tôn giả nói với Ca Nhiếp Ba:

– Thưa tôn giả! Trong chúng đại Thanh văn này đều thanh tịnh không còn các phần hư mục chỉ có cốt lõi, đầy đủ phúc đức, việc đã làm xong, đáng nhận sự cúng dường của trời người, chỉ riêng A Nan Ðà còn là hữu học, còn bị phiền não trói, việc làm chưa xong.

Tôn giả Ca Nhiếp Ba quán sát xem A Nan Ðà cần được điều phục bằng khuyên nhủ hay quở trách. Thấy cần dùng cách quở trách vị này mới được điều phục nên giữa đại chúng, tôn giả lớn tiếng bảo A Nan Ðà:

– Thầy hãy ra ngoài, không được cùng kết tập với đại chúng thù thắng này.

Nghe nói lớn tiếng như vậy, như bị tên bắn vào tim, toàn thân run rẩy sợ hãi, A Nan Ðà thưa:

– Ðại đức Ca Nhiếp Ba, hãy bỏ qua việc ấy, xin dung thứ cho, tôi không phá giới, phá kiến, phá uy nghi, phá chánh mạng, không phạm lỗi với Tăng này, vì sao bỗng nhiên bị đuổi ra ngoài?

Tôn giả bảo:

– Chính thầy thân cận hầu Phật, làm sao phá kiến giới uy nghi chánh mạng, việc ấy nào có gì lạ; nhưng nói không phạm lỗi trong Tăng thì hãy đem thẻ ra đây để tôi nêu lên để cho thầy biết.

Tôn giả A Nan Ðà liền rời chỗ ngồi. Khi tôn giả đứng dậy, ba ngàn thế giới chấn động ba cách; đó là chấn nhỏ, vừa và lớn; lay nhỏ, lay vừa, lay lớn; động nhỏ, động vừa, động lớn. Trên hư không, có chư Thiên trợn mắt, nói rằng: “Than ơi, Ðại Ca Nhiếp Ba, làm sao nói lên được lời đúng đắn, lời chân thật như vậy. A Nan Ðà này gần rời Thế Tôn rồi.”

Nói như vậy xong, họ cùng nhau than thở, chê trách.

Ca Nhiếp Ba bảo A Nan Ðà:

– Thầy nói không phạm lỗi trong Tăng nhưng làm sao mà thầy không phạm lỗi với Tăng được? Thầy biết Thế Tôn không cho phép người nữ với tánh kiêu mạn dối trá được xuất gia. Như Phật bảo rằng này A Nan Ðà, ông đừng cầu xin việc cho người nữ xuất gia và thọ cận viên. Vì sao? Nếu cho người nữ xuất gia trong pháp của Ta thì chánh pháp không trường tồn như ruộng lúa tốt bị sương muối mưa đá thì không còn hạt chắc.

Như vậy này A Nan Ðà! Nếu cho người nữ xuất gia, giáo pháp bị tổn giảm không trường tồn. Vậy mà thầy thỉnh Phật độ họ, chẳng phải là lỗi hay sao?

A Nan Ðà thưa:

– Ðại đức hãy bỏ qua, xin dung thứ cho, tôi không có ý riêng xin độ cho người nữ, chỉ vì Ðại-thế-chủ là di mẫu của Phật. Khi sinh Phật được bảy ngày thì phu nhân Ma-Da qua đời, đích thân di mẫu dưỡng dục cho bú mớn, với ân sâu như vậy sao lại không báo đáp.

Lại nữa, nghe chư Phật quá khứ đều có bốn chúng nên tôi muốn Thế Tôn cũng như vậy. Một là báo ân sâu của di mẫu, hai là nghĩ đến tình thân tộc, do đó nên thỉnh Phật độ người nữ xuất gia; xin tha lỗi này cho tôi.

Ca Nhiếp Ba bảo:

– Này A Nan Ðà! Việc này không phải là báo ân, chính là phá hoại thân chánh pháp, cho sương muối mưa đá lớn rơi xuống ruộng Phật. Ðúng ra, chánh pháp trụ thế đủ 1000 năm, do thầy nên thời gian tồn tại bị giảm xuống. Lại nữa, thầy nói nghĩ đến tình thân tộc thật là phi lý, vì người xuất gia vĩnh viễn từ bỏ ân ái. Thầy lại nói rằng tôi nghe chư Phật trong quá khứ đều có bốn chúng nên mong Thế Tôn đồng như vậy, trong thời xa xưa ấy loài người đều thiểu dục, đối với tham sân si và phiền não đều cạn mỏng nên họ xuất gia được. Nay không phải như vậy nên Thế Tôn không cho phép. Vậy mà thấy họ cố sức cầu khẩn nên thầy xin Phật cho phép. Ðây là lỗi thứ nhất của thầy, hãy bỏ một thẻ xuống.

Ca Nhiếp Ba lại nói:

– Này A Nan Ðà! Có lỗi khác nữa, người nào tu tập nhiều bốn thần túc thì được trú thế một kiếp hay hơn một kiếp. Thầy không vì chúng sinh mà thỉnh Phật Thế Tôn trú thế một kiếp.

A Nan Ðà thưa:

– Tôn giả! Tôi không có ý riêng, chỉ vì ngay lúc ấy bị Ma ngăn che.

Hỏi:

– Ðây là lỗi lớn! Làm sao tha thứ được. Thầy thân cận Thế Tôn, tập khí trần lao đều hết vậy mà còn để Ma La Ba Tỳ ngăn che. Ðây là lỗi thứ hai, hãy bỏ xuống một thẻ nữa.

Ca Nhiếp Ba nói:

– Thầy còn có lỗi, khi còn tại thế, Thế Tôn nói ví dụ, ngay trước Phật, thầy lại nói rõ việc ấy ra. Ðây là lỗi thứ ba, hãy bỏ xuống một thẻ nữa.

Thầy lại có lỗi khác, có lúc Thế Tôn đưa nội y màu hoàng kim cho thầy giặt, thầy dùng chân đạp lên y để vắt nước, không phải là lỗi hay sao?

A Nan Ðà thưa:

– Lúc ấy không có người khác, thế nên tôi dùng chân đạp lên y, chứ không có ý khinh mạn.

Tôn giả nói:

– Nếu không có người, sao thầy không ném lên trên, chư Thiên ở hư không sẽ hỗ trợ cho thầy. Ðây là lỗi thứ tư, hãy bỏ xuống một thẻ nữa.

Thầy lại có lỗi khác, khi sắp đến rừng Song Lâm để Niết-bàn, Thế Tôn khát nước. Thầy đem nước đục dâng lên Phật, chẳng phải là lỗi hay sao?

A Nan Ðà nói:

– Tôi lấy nước tại cuối sông Câu Ðà, khi ấy có năm trăm chiếc xe đi qua sông nên không thể tìm được nước trong chứ không phải lỗi của tôi.

Ca Nhiếp Ba bảo:

– Ðây là lỗi của thầy, bấy giờ sao không đưa bát lên không trung, chư Thiên sẽ rót nước tám công đức vào bát ấy. Ðây là lỗi thứ năm, hãy bỏ xuống một thẻ.

Thầy lại có lỗi khác, như Thế Tôn dạy Ta bảo các Bí-sô cứ mỗi nữa tháng thuyết kinh Biệt Giải Thoát. Có những giới nhỏ thuộc chi tiết, Ta muốn bỏ đi để các Bí-sô Tăng già sinh hoạt an lạc. Thầy đã không thưa hỏi nên không biết trong số đó giới nào gọi là giới nhỏ thuộc chi tiết, nay không còn nơi nào để hỏi vậy phải làm sao đây.

Hiện nay, nếu chỉ nói bốn pháp Ba-la-thị-ca, mười ba pháp Tăng-già-phạt-thi-sa, hai pháp Bất-định, ba mươi pháp Ny-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, chín mươi pháp Ba-dật-để-ca, bốn pháp Ba-la-để-đề-xá-ny, các pháp chúng học, ngoài ra gọi là giới nhỏ thuộc chi tiết. Có người nói từ pháp Tha-thắng đến bốn pháp Ðối-thuyết, ngoài ra gọi là giới nhỏ thuộc chi tiết. Có người nói từ bốn pháp Tha-thắng đến chín mươi tội đọa, ngoài ra gọi là giới nhỏ thuộc chi tiết. Có người nói từ đầu đến ba mươi Xả-đọa, ngoài ra gọi là giới nhỏ thuộc chi tiết. Có người nói từ đầu đến hai Bất-định, ngoài ra là Giới nhỏ thuộc chi tiết. Có người chỉ nói bốn pháp Tha-thắng, ngoài ra là giới nhỏ thuộc chi tiết.

Bấy giờ, các Bí-sô không biết giới nào là giới nhỏ thuộc chi tiết. Nếu nơi ấy, có ngoại đạo nghe biết, tìm được sơ hở nên nói rằng Sa-môn Kiều Ðáp Ma quy định nghiêm ngặt, khi vị ấy còn sống, các đệ tử Thanh văn thi hành toàn bộ giáo pháp, vị ấy qua đời, sau khi hỏa thiêu, giáo pháp cũng diệt theo. Với những giới cấm, ai thích thì giữ, không thích thì bỏ, phần lớn không còn phụng hành. Tại sao thầy không vì chúng sinh đời vị lai mà thưa hỏi đức Thế Tôn, như vậy đáng bị tội truy hối.

A Nan Ðà đáp:

– Ðại đức! Chẳng phải tôi có ý khác lên không thưa hỏi, chỉ vì khi ấy bị chia lìa Như Lai nên tôi rất đau khổ ưu buồn.

Ca Nhiếp Ba nói:

– Như vậy cũng có lỗi, thầy thân cận với Phật, sao không biết các hành vô thường mà lại buồn khổ đến như thế, đó là lỗi lớn. Ðây là lỗi thứ sáu, hãy bỏ xuống một thẻ nữa.

Thầy lại có lỗi, giữa những người thế tục, hiện tướng âm tàng của Phật ra trước các người nữ.

Ðáp:

– Ðại đức! Tôi không có ý khác, chỉ vì những người nữ ấy bị dục nhiễm cường thịnh, phiền não bao vây, nếu thấy được âm tàng của Thế Tôn thì dục nhiễm chấm dứt.

Tôn giả nói:

– Thầy không có tuệ nhãn tha tâm trí làm sao biết được phụ nữ thấy được âm tàng của Phật thì hết dục nhiễm? Ðây là lỗi thứ bảy, hãy bỏ xuống một thẻ nữa.

Thầy lại có lỗi nữa, tự tiện bày thân kim sắc của Như Lai cho các người nữ. Trông thấy Phật, họ khóc rơi nước mắt làm ướt bẩn tôn-nghi Phật; đây là lỗi của thầy.

A Nan Ðà nói:

– Chẳng phải tôi không ngại ngùng nhưng nghĩ rằng có những chúng sinh nếu thấy được thân kim sắc của Phật, đều nói rằng nguyện cho thân tướng của tôi sẽ được như Phật.

Ca Nhiếp Ba nói:

– Thầy không có tuệ nhãn tha tâm trí làm sao biết chúng sinh phát nguyện như vậy. Ðây là lỗi thứ tám của thầy, hãy bỏ xuống một thẻ nữa.

Lại nữa, thầy chưa ly dục mà ở giữa chúng Tăng ly dục thì không được. Thầy hãy đi ra, Thánh chúng thù thắng không thể kết tập cùng thầy được.

Bị tôn giả Ca Nhiếp Ba kết tám tội ác tác ấy, A Nan Ðà nhìn khắp bốn phía trong lòng buồn bã than thở, nói:

– Than ơi khổ thay, tại sao ta đến nỗi như thế này, mới rời xa Như Lai thì đã không còn nơi nương tựa giúp đỡ, mất ánh sáng lớn rồi, sẽ nói với ai đây!

Khi tôn giả Ca Nhiếp Ba kết tội ấy, chư Thiên trên không cùng nhau thán phục bảo:

– Ðại tiên nên biết, Thiên chúng tăng thịnh, A-tu-la suy giảm. Chánh pháp của Thế Tôn sẽ trường tồn. Ðạo lực của đại Thanh văn này gần bằng Phật, nên đem tám sự việc ra kết tội tôn giả kia. Ðức của Thanh văn kia chỉ dưới Phật, thế nên ta biết Phật Pháp bất diệt.

Khi ấy, A Nan Ðà lại bạch tôn giả:

– Ðại đức hoan hỷ bỏ qua cho, tôi xin như pháp sám hối tội ấy, không dám tái phạm. Nhưng khi Phật Thế Tôn sắp Niết bàn, có dạy: – Này A Nan Ðà! Sau khi Ta diệt độ, chớ có ưu sầu khóc lóc; Ta giao thầy cho Ðại Ca Nhiếp Ba. Vậy lẽ nào tôn giả thấy tôi có chút lỗi nhỏ mà không dung nạp, xin hoan hỷ phụng hành lời dạy của Ðại sư.

Ca Nhiếp Ba nói:

– Thầy chớ buồn khóc, thiện pháp do nơi thầy mà được phát triển không bị tiêu diệt. Chúng tôi cần phải kết tập Thánh giáo của Như Lai, thầy hãy đi khỏi nơi này, Thánh chúng không thể cùng thầy kết tập.

Tôn giả A Ny Lư Ðà thưa với Ca Nhiếp Ba:

– Không có A Nan Ðà, chúng tôi làm sao kết tập?

Ðáp:

– Tuy A Nan Ðà có đủ các đức nhưng chưa thoát ly dục nhiễm sân si, hữu học chưa làm xong việc, nên không thể cùng vị ấy kết tập.

Ca Nhiếp Ba lại bảo A Nan Ðà:

– Hãy mau ra ngoài, phải nổ lực đối với việc cần phải làm, khi chứng quả A-la-hán rồi Thánh chúng sẽ cùng thầy kết tập.

Vừa ly biệt Ðại sư nên trong lòng đang buồn bã thương nhớ, lại bị kết tội đuổi ra, A Nan Ðà càng thêm áo não, đi đến thôn Tăng Thắng kết hạ an cư, lấy đồng tử trong thôn làm thị giả. Trong thời gian ấy, cụ thọ A Nan Ðà hết sức chuyên cần, thường thuyết diệu pháp cho bốn chúng. Ðồng tử suy nghĩ: “Bổn sư của ta là bậc hữu học ly dục hay vô học ly dục, ta hãy nhập định tương ứng để quán sát tâm vị ấy”.

Sau khi nhập định quán sát, đồng tử thấy tâm tôn giả là bậc hữu học ly dục. Sau khi xuất định, đồng tử đến gặp tôn giả, đứng qua một bên nói kệ:

Nên ở yên tịnh dưới bóng cây,
Nhất tâm chánh niệm Niết-bàn-cung,
Thầy nên cẩn thận chuyên cần tu,
Vào đường viên-tịch không lâu nữa.Nghe đồng tử nói yếu nghĩa rồi, suốt ngày đêm dù ngồi hoặc đi lại, tôn giả hết sức chuyên chú mài dũa tâm tư, trừ các chướng pháp. Vào đầu đêm, luôn luôn đi hoặc ngồi, tôn giả hết sức kiên tâm trừ sạch các chướng pháp. Vào giữa đêm, tôn giả rửa chân vào phòng, nằm nghiêng bên phải, hai chân gác lên nhau, tưởng đến ánh sáng, nghĩ đến lúc thức dậy. Khi tác ý như vậy, đầu chưa đụng gối, tôn giả đã đoạn trừ hết tâm hữu lậu, được giải thoát, chứng quả A-la-hán, hưởng thụ an lạc của giải thoát, liền đi đến đại chúng ở thành Vương Xá.

Biết tôn giả đã chứng quả, đại chúng đều tán thán là bậc đại trượng phu. Khi ấy, Ðại Ca Nhiếp Ba cùng năm trăm A-la-hán cùng đến hang Tất Bát La. Sau khi tập họp, tôn giả nói với đại chúng:

– Quý vị biết cho, trong đời tương lai sẽ có những Bí-sô độn căn tán loạn, nếu không có tụng tóm lược thì không thể đọc tụng và thọ trì Kinh Luật Luận. Thế nên, trong buổi sáng, chúng ta nên kết tập kệ tụng tóm lược tương ứng theo sự việc, sau khi ăn sẽ kết tập Kinh Luật và Luận.

Nghe như vậy, các Bí-sô bạch với tôn giả:

– Bây giờ, có thể kết tập kệ tụng trước.

Sau khi ăn trưa, họ lại bạch:

– Kết tập phần nào trước?

Tôn giả bảo:

– Nên kết tập Kinh trước.

Khi ấy, năm trăm trăm vị A-la-hán cùng nhau thỉnh Ðại Ca Nhiếp Ba lên tòa sư tử. Sau khi an tọa, tôn giả bảo A Nan Ðà:

– Cụ thọ có thể chọn lựa kết tập những kinh mà Như Lai đã thuyết không?

Ðáp:

– Ðược.

Tôn giả tác bạch:

– Ðại đức Tăng già lắng nghe, Cụ thọ A Nan Ðà này có thể chọn lựa kết tập những kinh pháp mà Như Lai đã dạy. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng đồng ý, nay Tăng sai Cụ thọ A Nan Ðà sẽ chọn lựa kết tập những kinh pháp mà Như Lai đã dạy. Ðây là lời tác bạch.

Thứ đến tác yết-ma

– Ðại đức Tăng già lắng nghe, Cụ thọ A Nan Ðà này có thể chọn lựa kết tập những kinh pháp mà Như Lai đã dạy. Nay Tăng sai cụ thọ A Nan Ðà sẽ chọn lựa kết tập những Kinh pháp mà Như Lai đã dạy. Nếu các Cụ thọ đồng ý A Nan Ðà này sẽ chọn lựa kết tập những kinh pháp mà Như Lai đã dạy thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói ra. Tăng đã đồng ý A Nan Ðà này sẽ chọn lựa kết tập những Kinh pháp mà Như Lai đã dạy rồi. Tăng đã đồng ý vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.

Khi Cụ thọ A Nan Ðà sắp thuyết lại pháp, năm trăm A-la-hán đều lấy Tăng-già-chi trải lên tòa ấy. A Nan Ðà nhìn khắp bốn phía, phát tâm thương mến các loại hữu tình, với tâm rất tôn trọng chánh pháp, sinh tâm cung kính với các vị đồng phạm hạnh, đi nhiễu bên phải tòa cao ấy, cúi đầu kính lễ, y theo pháp kính lễ ngay trước thượng tọa, tưởng đến vô thường, dùng tay vịn tòa, ngồi yên ngay thẳng, thứ đến quán sát kỹ, thấy chư Thánh chúng cũng như biển lớn sâu thẳm yên tịnh, nên suy nghĩ: “Ta đích thân nghe Kinh ấy từ Phật, hoặc nghe nói lại, hoặc nói ở cung rồng, hoặc nói ở trên trời, đều thọ trì hết không quên gì cả, vậy ta nên nói ra”.

Khi ấy, chư Thiên bảo nhau:

– Các vị nên biết! Thánh giả A Nan Ðà sắp tuyên thuyết kinh pháp mà Như Lai đã dạy, hãy nhất tâm lắng nghe.

Có thiên tử nói kệ:

Ai kiến lập diệu-pháp,
Lợi ích ba ngàn cõi,
Pháp bậc thánh không sợ,
Cũng như sư-tử rống,
Các vị hãy chí thành,
Nghe thuyết vi-diệu-pháp,
Người muốn sự an lạc,
Hãy biết nghĩa thật này.

Tôn giả Ca Nhiếp Ba nói kệ bảo A Nan Ðà:

Cụ thọ hãy tuyên thuyết lời Phật,
Là pháp tối thượng trong các pháp,
Những pháp Ðại sư đã giảng dạy,
Ðều làm lợi ích khắp quần sinh.

Nghe nói đến danh hiệu của Ðại sư, tôn giả A Nan Ðà sinh tâm luyến mộ, quay đầu hướng về chỗ Niết-bàn, chí thành chắp tay dùng ngữ âm phổ thông nói rằng:

– Như vầy tôi nghe. Một thời tại rừng Thi Lộc, Tiên-nhân-đọa-xứ, thuộc Ba La Ny Tư, đức Thế Tôn bảo năm Bí-sô:

– Ðây là Khổ thánh đế, đối với pháp được nghe này mà suy nghĩ đúng lý thì sinh mắt, trí, sáng suốt, giác ngộ … nói đầy đủ như trong Kinh Ba lần chuyển pháp luân ở trên.

Bấy giờ, cụ thọ A Nhã Kiều Trần Như nói với Ðại Ca-Nhiếp Ba:

– Pháp vi diệu này, chính tôi được nghe từ nơi Phật. Thế Tôn từ bi giảng dạy cho tôi. Do năng lực của Kinh làm cho chúng tôi khô cạn biển lớn máu lệ không bờ, vượt qua núi xương, đóng bít cửa đường ác Vô-gián, khéo mở con đường thiên cung và giải thóat. Khi được nghe thuyết Kinh vi diệu thậm thâm này, đối với tất cả pháp, tôi được xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, tám vạn chư Thiên đều được lợi ích.

Khi nghe những lời như vậy, chư Thiên trên hư không và các Bí-sô chưa ly dục rất đau khổ như bị ngàn mũi tên bắn vào tim, kêu gào khóc lóc, đồng thanh nói:

– Khổ thay, khổ thay.

Họ nói kệ:

Tai họa thay đời này,
Vô thường không phân biệt,
Phá hoại kho trân bảo,
Làm khô biển công đức,
Chính tôi ở chỗ Phật,
Nghe pháp giải thóat này,
Nay lại ở nơi khác,
Truyền lại lời Như Lai.

Khi nghe thuyết Kinh, đại chúng đều than thở:

– Khổ thay! Tai họa thay! Sức rất mạnh của vô thường không chừa gì cả, phá hoại con mắt của thế gian như vậy.

Khi ấy, Kiều Trần Như rời khỏi tòa, ngồi xổm lên. Thấy như vậy, các La-hán khác đều cung kính rời tòa, ngồi xổm lên và nói:

– Khổ thay! Tai họa thay, sức rất mạnh của vô thường, vì sao chính chúng ta đích thân nghe Thế Tôn thuyết pháp, nay chỉ còn nghe nói lại.

Họ nói kệ:

Chí tôn tám bộ đã đi rồi,
Vì sao chúng ta không nhập diệt,
Phật đã không còn, đời trống rỗng,
Ai sẽ đưa cuộc sống đi lên.

Khi ấy, các vị A-la-hán đều nhập vào đệ tứ thiền, dùng nguyện lực quán sát thế gian, rồi xuất định, bảo cụ thọ A-Nan Ða :

– Thầy đến vì pháp?

Ðáp:

– Ðại đức! Tôi đến vì pháp, các vị cũng đến vì pháp?

Ðáp:

– Ðúng vậy.

Khi ấy, Ma Ha Ca Nhiếp Ba suy nghĩ: “Ta đã kết tập Kinh điển mà đức Phật thuyết đầu tiên, không bị các vị đồng phạm hạnh chống đối, không bị chê bai, như vậy biết là Kinh này thật đúng là lời Phật dạy”.

Tôn giả lại bảo A Nan Ðà:

– Thế Tôn thuyết kinh thứ hai ở đâu?

Bằng âm thanh rõ ràng, A Nan Ðà đáp:

– Thế tôn cũng thuyết tại Bà La Ny Tư.

Hỏi:

– Thuyết cho ai?

Ðáp:

– Cho năm Bí-sô.

Hỏi:

– Thuyết như thế nào?

Ðáp:

– Thuyết giảng như vầy: Này các Bí-sô, nên biết có Bốn thánh đế. Bốn đế là gì?

– Ðó là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo thánh đế.

Khổ thánh đế là gì?

– Ðó là Sinh khổ, Bệnh khổ, Lão khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Cầu bất đắc khổ, tóm lại khổ vì chạy theo năm uẩn nên gọi là khổ.

Khổ Tập thánh đế là gì?

– Nghĩa là Hỷ và Ái câu hữu khắp nơi sinh ra nhiễm trước nên gọi là Tập.

Khổ Diệt thánh đế là gì?

– Ðó là đối với hỷ ái câu hữu khắp nơi sinh nhiễm trước để tiếp tục nhận lấy hậu hữu, đều trừ diệt vứt bỏ hết. Nhiễm ái diệt hết thì chứng diệu Niết-bàn.

Con đường đưa đến diệt khổ thánh đế là gì?

– Nghĩa là tám chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định; gọi là con đường đưa đến Diệt khổ thánh đế. Khi pháp này được thuyết ra, cụ thọ A Nhã Kiều Trần Như tâm giải thóat khỏi các phiền não, bốn Bí-sô kia lìa các trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ, Cụ thọ A Nhã Kiều Trần Như bảo với cụ thọ Ca Nhiếp Ba:

– Những pháp như vậy, đích thân tôi được nghe Phật dạy. Nghe pháp xong, tâm tôi giải thóat khỏi các phiền não. Bốn Bí-sô kia lìa các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh.

Tôn giả suy nghĩ:

– Ta đã kết tập Kinh giáo thứ hai mà Thế Tôn đã thuyết, không bị các vị đồng phạm hạnh chống đối, chê bai, thế nên biết rằng Kinh này đúng là lời Phật dạy.

Tôn giả lại hỏi A Nan Ðà:

– Thế Tôn thuyết Kinh thứ ba nơi nào?

Bằng âm thanh trong trẻo rõ ràng, A Nan Ðà đáp:

– Thế Tôn cũng thuyết tại Ba La Ny Tư.

Hỏi:

– Thuyết cho ai?

Ðáp:

– Cho năm Bí-sô.

Hỏi:

– Thuyết những gì?

Ðáp:

– Thuyết như thế này: Như vầy tôi nghe. Một thời tại rừng Thi Lộc, thuộc Ba La Ny Tư, Thế Tôn bảo năm Bí-sô: Này các Bí-sô nên biết, sắc không phải là ta, nếu sắc là ta thì sắc không bị bệnh và chịu những khổ não. Ta muốn sắc như thế này, ta không muốn sắc như thế này, sắc đã không hoạt động theo ý mình như vậy. Thế nên biết rằng sắc không phải là ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy … nói đủ như trước.

Phật bảo năm Bí-sô:

– Ý các ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Ðại đức, sắc là vô thường.

Phật dạy:

– Sắc đã là vô thường thì tức là khổ, hoặc khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Như vậy, đệ tử Thanh văn đa văn của Ta chấp có ngã hay không, sắc là ngã, ngã có các sắc, sắc thuộc về ngã, ngã ở trong sắc không?

– Bạch Thế Tôn! Không.

Như vậy, các ông nên biết, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường … cũng như vậy. Những sắc nào hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, hơn kém, xa gần, tất cả đều vô ngã.

– Này các Bí-sô, nên quán sát thật kỹ sắc ấy bằng chánh trí. Như vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức, nào hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, đều nên quán sát kỹ bằng chánh trí tuệ như trước. Nếu Thanh văn thánh đệ tử của Ta quán sát năm thủ uẩn này không có ngã hay ngã sở, quán sát được như vậy rồi thì biết thế gian không có chủ thể và đối tượng để chấp thủ và cũng không bị chuyển biến theo, tự giác ngộ như vậy nên chứng Niết bàn: Ta sinh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thân sau.

Khi Phật thuyết pháp này, tâm năm Bí-sô giải thóat các phiền não.

Khi ấy, các vị la-hán đều suy nghĩ:

– Ta đã kết tập Kinh thứ ba của Phật dạy mà không bị đồng phạm hạnh chống đối và chê bai, vậy nên biết Kinh này chính là lời Phật dạy.

Những kinh pháp khác mà Thế Tôn thuyết giảng tại nơi vương cung, tụ lạc, thành ấp, đều được A Nan Ðà nói lại hết. Các vị A La Hán cùng nhau kết tập, những Kinh tương ưng với năm uẩn thì xếp vào phẩm Uẩn; Kinh nào tương ưng với sáu xứ, mười tám giới thì xếp vào phẩm Xứ giới; Kinh nào tương ưng với duyên khởi thánh đế thì xếp vào phẩm Duyên khởi; Kinh nào do Thanh văn nói thì xếp vào phẩm Thanh văn; Kinh nào do Phật nói thì xếp vào phẩm Phật; Kinh nào tương ưng với niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, lực, giác, đạo phần thì xếp vào phẩm Thánh đạo; Kinh nào tương ưng với kệ tụng thì gọi là Tương ưng A Cấp Ma (Tương ưng xưa dịch theo nghĩa là Tạp); Kinh dài, nói dài thì gọi là Trường A Cấp Ma; Kinh trung bình, nói trung bình thì gọi là Trung A Cấp Ma; Kinh nói một vấn đề, hai vấn đề cho đến mười vấn đề thì gọi là Tăng nhất A Cấp Ma.

Khi ấy, Ðại Ca Nhiếp Ba nói với A Nan Ðà:

– Kinh tạng chỉ có những kinh A Cấp Ma (Agama, A-hàm) ấy, ngoài ra không có Kinh khác nữa.

Sau khi nói như vậy xong, tôn giả xuống khỏi tòa cao và nói với đại chúng:

– Các vị nên biết, đã cùng nhau kết tập xong những Kinh mà Phật đã thuyết, tiếp theo là kết tập Tỳ Nại Da (Vinaya – Luật).

Nghe nói như vậy, mọi người đều khen:

– Lành thay!

Bấy giờ, trong chúng chỉ có cụ thọ Ô Ba Ly là rất thông thạo duyên khởi của luật. Ca Nhiếp Ba lại lên tòa cao thưa với đại chúng:

– Các vị nên biết, cụ thọ Ô Ba Ly thông suốt hết về Luật, được Thế Tôn thọ ký là bậc trì luật đệ nhất, cho nên tôi thỉnh làm người kết tập Luật.

Ðại chúng nói:

– Xin vâng.

Khi ấy, Ca Nhiếp Ba nói với Ô Ba Ly:

– Cụ thọ, thầy có thể chọn lựa kết tập Luật do Như Lai thuyết giảng không?

Ðáp:

– Ðược.

Tôn giả tác bạch:

– Ðại đức Tăng lắng nghe, cụ thọ Ô Ba Ly này có thể chọn lựa kết tập về Luật do Như Lai nói ra. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng đồng ý, nay Tăng sai cụ thọ Ô Ba Ly sẽ chọn lựa kết tập về Luật do Như Lai nói ra. Ðây là lời tác bạch.

Thứ đến tác yết ma, chuẩn theo văn bạch.

Sau khi tác yết-ma xong, cụ thọ Ca Nhiếp Ba xuống tòa. Tôn giả Ô Ba Ly bước lên tòa sư tử.

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 12. Người - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 4. Tự Tứ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 13. Phú Tàng - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 2. Thuyết Giới - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 10. Chiêm Ba - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 6. Tỳ Ni Tăng Nhất - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 17. Tỳ Kheo Ni - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng