Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XIX. NGHIỆP NHÂN

Gồm năm phần: Lời dẫn, Phát nghiệp, Hành vi tội, Hành vi phúc, Các nghiệp khác.

XIX.1. Lời dẫn

[103a] Đáng thương thay! Chúng sinh mê muội, nghiệp chướng sâu dày mà ba xe[1] pháp chẳng chịu ngồi; nổi chìm trong biển khổ, mặc cho lửa dữ đốt thiêu mà không hề biết mệt mỏi. Như ruồi nhặng chỉ ham thích mùi tanh hôi, như thiêu thân mãi đâm đầu vào lửa. Bởi do mê nhân, lầm quả, chẳng biết phân biệt thiện ác, cho nên thích gây tạo nhân đau khổ, theo duyên mà tạo nghiệp; từ đó nếm đủ vị đắng cay, chịu nhiều nỗi khổ cực, mãi đến nay vẫn còn chịu thiêu đốt, chưa từng dừng nghỉ. Đức Như Lai đại từ đại bi, không nỡ bỏ rơi, nên Ngài chỉ cho chúng sinh biết rõ khổ để nhàm lìa, biết rõ vui để ưa thích.

XIX.2. Phát nghiệp

Hỏi: Thế nào là nghiệp đạo?

Đáp: Tướng tự thể của bảy nghiệp thuộc thân và miệng là nghiệp đạo. Ba nghiệp thuộc ý là tương ưng tâm[2]. Bảy nghiệp ấy hay tạo ra đạo quả, nên gọi là nghiệp đạo.

Hỏi: Nếu nghiệp gọi là đạo thì tất cả đều có thể dẫn đến địa ngục v.v… tại sao ba nghiệp thuộc ý kia không phải là nghiệp đạo?

Đáp: Bởi vì ba nghiệp của ý là nền tảng của bảy nghiệp, lại vì tương ưng với tâm, không thể tạo tác như bảy nghiệp, cho nên không gọi là nghiệp đạo.

Như luận Đối pháp[3] ghi: “Lại nữa, có bốn loại nghiệp khác nhau: hắc hắc dị thục nghiệp; bạch bạch dị thục nghiệp; hắc bạch hắc bạch dị thục nghiệp; phi hắc bạch vô dị thục nghiệp năng tận chư nghiệp.

  1. Hắc hắc dị thục nghiệp: nghiệp bất thiện; do tâm nhiễm ô, cảm quả dị thục không vừa ý.
  2. Bạch bạch dị thục nghiệp: nghiệp thiện trong ba cõi; do tâm không nhiễm ô, cảm quả dị thục vừa ý.
  3. Hắc bạch hắc bạch dị thục nghiệp: tạp nghiệp ở cõi Dục, tức nghiệp thiện ác xen lẫn nhau.
  4. Phi hắc bạch vô dị thục nghiệp năng tận chư nghiệp: các nghiệp vô lậu trong phương tiện đạo[4], vô gián đạo[5]. Vì phương tiện đạo, vô gián đạo là những pháp đối trị các nghiệp. Phi hắc là lìa các phiền não,[103b] bạch là hoàn toàn thanh tịnh; vô dị thục là trái với sinh tử; năng tận chư nghiệp là do nghiệp vô lậu mà vĩnh viễn đoạn trừ sạch hết ba nghiệp hữu lậu và tập khí dị thục”.

Vả lại, kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu người nam nào không hiểu rõ được nghiệp duyên như thế, thì bị trôi lăn sinh tử trong nhiều đời, nhiều kiếp, dẫu có sinh về cõi Phi tưởng phi phi tưởng, thọ tám vạn kiếp, khi phúc báo hết thì cũng bị đọa trở lại trong ba đường ác, cho nên Đức Phật dạy:

– Này thiện nam!

Hết thảy các họa sư,

Không gì tài hơn ý,

Ý vẽ ra phiền não,

Phiền não vẽ ra nghiệp,

Nghiệp lại vẽ ra thân.

Lại nữa, phẩm Nghiệp trong luận A-tỳ-đàm tạp tâm có bài kệ:

Nghiệp kiến tạo thế gian,

Các cõi và chủng tính,

Chính đều do tư nghiệp[6],

Cầu giải thoát thế gian,

Thân, miệng, ý tạo nghiệp,

Trong tất cả các hữu[7],

Nghiệp ấy là các hành[8],

Tạo ra các loại thân,

Thân nghiệp có hai loại,

Là tác và vô tác,

Khẩu nghiệp cũng như thế,

Ý chính là tư nghiệp.

Lại nữa, luận Di-lặc bồ-tát sở vấn kinh ghi: “Tất cả pháp ác trong mười nghiệp bất thiện này, đều phát sinh từ tham, sân, si.

Từ ba độc khởi nghiệp sát sinh: như có người do lòng tham khởi, ưa thích thịt cá, tiền tài mà giết hại sinh mạng v.v… Như có người do tâm sân khởi, dẫn đến giết hại kẻ thù oán v.v… Như có người do tâm si khởi, nói giết rắn, rít v.v… để bớt đi khổ não cho chúng sinh, nên tuy giết hại, nhưng không có tội. Hoặc nước Ba-la-tư v.v… cho rằng giết bỏ cha mẹ già và những người bệnh nặng thì không bị tội báo.

Từ ba độc khởi nghiệp trộm cắp: như người do lòng tham khởi, hoặc vì bản thân mình mà làm, hoặc vì người khác, hoặc vì ăn uống v.v… mà trộm cắp. Đó gọi là do tâm tham khởi nghiệp trộm cắp. Như người do tâm sân khởi mà trộm lấy vật của người mình giận, cho đến vật của hàng thân thuộc của người ấy. Đó gọi là từ sân khởi nghiệp trộm cắp. Từ tâm si khởi, như có bà-la-môn nói tất cả tài sản trên quả đất này đều là của ta. Vì sao? Vì trước kia, vị vua của nước ấy đã cấp cho ta rồi, nhưng do ta không có sức lực nên bị người ngoài đoạt lấy. Thế nên, nay ta lấy dùng, vì nó chính là vật của ta, không phải là trộm cắp. Đó gọi là từ tâm si khởi trộm cắp.

[103c] Từ ba độc mà khởi tà dâm: như người do lòng tham khởi, đối với chúng sinh khởi tâm tham nhiễm, không tu hành đúng như pháp v.v… Từ tâm sân dấy khởi tà dâm, như có người giữ gìn của cải cho người khác, do tâm sân khởi lên, liền hành dâm với thê thiếp của người cừu oán, hoặc hành dâm với người thương yêu của người ấy v.v… Từ tâm si dấy khởi, như có người nói tất cả người nữ như hoa nở, trái chín, đồ ăn thức uống, dòng sông, đường đi v.v… nên hành dâm với họ là không có tội; hoặc như phong tục ở nước Ba-la-tư cho rằng tà dâm với mẹ v.v… không có tội. Đó gọi là từ tâm si mà khởi tà dâm.

Như người do tham, sân, si mà dấy khởi vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ đều có thể biết. Do tâm tham dấy khởi, do tâm tham kết sinh[9], theo thứ tự hai tâm[10] hiện tiền, gọi là do tâm tham dấy khởi. Từ tâm sân kết sinh, gọi là do tâm sân dấy khởi; từ tâm si kết sinh, gọi là do tâm si dấy khởi. Tham sân và tà kiến cũng như thế.

Hỏi: Trong nghiệp đạo, nghiệp nào là tiền quyến thuộc, nghiệp nào là hậu quyến thuộc?

Đáp: Nếu khởi phương tiện sát sinh, như người đồ tể bắt dê, dẫn con vật đến lò mổ, ngay nhát đao đầu tiên, hoặc hai, ba nhát tiếp theo mà con vật vẫn chưa chết, những nghiệp ác đó gọi là tiền quyến thuộc. Còn bất cứ một nhát đao nào đâm theo, làm chết con vật, trong tâm niệm lúc ấy, dầu khởi tác nghiệp hay vô tác nghiệp[11], đều gọi là căn bản nghiệp đạo. Những nghiệp tạo tác do thân gây ra tiếp theo sau gọi là nghiệp hậu quyến thuộc sát sinh; cho đến ỷ ngữ cũng như vậy. Nên biết, trong các nghiệp tham, sân, si khác, không có tiền quyến thuộc vì vừa khởi tâm liền thành tựu căn bản nghiệp đạo.

Vậy tất cả mười nghiệp bất thiện của thân, khẩu, ý đều có tiền quyến thuộc, hậu quyến thuộc. Nghĩa này là thế nào? Như người khởi tâm muốn đoạn mạng sống của chúng sinh này, rồi lại giết chúng sinh khác. Như muốn cúng tế trời mà giết hại chúng sinh, tức là đoạt mạng sống của sinh vật khác. Hay muốn giết người kia để hành dâm với vợ của họ, đã khởi tâm như vậy rồi, lại còn xúi giục người vợ về giết chồng. Lại dùng nhiều ngôn từ bạo loạn phá hoại gia quyến của người kia; tham tài sản rồi khởi tâm sân mà muốn giết người kia. Sinh ý nghĩ hành động sai lầm như thế, rồi liên tục làm việc sai lầm để giết hại, còn muốn giết cả vợ con của họ nữa. [104a] Người này lần lượt khởi sinh đủ mười nghiệp bất thiện. Những nghiệp bất thiện như thế gọi là tiền quyến thuộc. Tất cả mười nghiệp bất thiện cũng như vậy.

Lại nữa, xa lìa pháp thiện chẳng phải là phương tiện. Tu hành thiện nghiệp chính là phương tiện, bởi vì đã xa lìa căn bản, xa lìa phương tiện. Phương tiện như một vị sa-di muốn thọ giới cụ-túc, đưa đến giới trường đỉnh lễ túc số tăng, thỉnh hòa thượng đàn đầu, thọ trì ba y, tác bạch lần thứ nhất, tác bạch lần thứ hai. Như thế, tất cả các việc đó đều gọi là tiền quyến thuộc. Khi tác bạch lần thứ ba đến khi tác pháp yết-ma xong, thì khởi tác nghiệp hay khởi vô tác nghiệp … tất cả đều gọi là căn bản nghiệp đạo. Tiếp đến nói về tứ y[12], cho đến không bỏ những thiện hạnh đã thọ, tác nghiệp hoặc vô tác nghiệp của thân khẩu. Những việc như thế đều gọi là hậu quyến thuộc.

Giải thích: Từ đầu đến đây, tuy trích dẫn kinh luận rất nhiều để minh chứng nghiệp nhân, nhưng đến khi định tội thì chưa nói rõ nặng nhẹ, cho nên trích dẫn kinh Ưu-bà-tắc giới phân biệt, để nói về các nghiệp khác nhau. Tất cả có bốn loại: so sánh hữu tình và tâm, có bốn trường hợp; nặng nhẹ khác nhau, có tám trường hợp; thượng, trung, hạ không giống nhau, cũng có tám trường hợp; căn cứ luận Tát-bà-đa thì hữu tâm, vô tâm không giống nhau, cũng có tám trường hợp. Nhưng đến khi phán xét tội thì đều gom nhiếp tất cả. Do đó, kinh ghi:

Thứ nhất, so sánh hữu tình với tâm thì có bốn trường hợp:

  1. Hữu tình nặng tâm nhẹ: như người giết hại cha mẹ với tâm không ác độc.
  2. Hữu tình nhẹ tâm nặng: như người giết hại súc sinh với tâm ác độc.
  3. Hữu tình nặng tâm nặng: như người giết hại cha mẹ với tâm vô cùng ác độc.
  4. Hữu tình nhẹ tâm nhẹ: như người giết hại súc sinh với tâm không ác độc.

Thứ hai, nghiệp ác như thế, lại có tám trường hợp nặng nhẹ khác nhau:

Phương tiện nặng, căn bản và thành dĩ[13] nhẹ.

Căn bản nặng, phương tiện và thành dĩ nhẹ.

Thành dĩ nặng, phương tiện và căn bản nhẹ.

Phương tiện và căn bản nặng, thành dĩ nhẹ.

Phương tiện và thành dĩ nặng, căn bản nhẹ.

Căn bản và thành dĩ nặng, phương tiện nhẹ.

Phương tiện, căn bản và thành dĩ nặng.

Phương tiện, căn bản và thành dĩ nhẹ.

Chỉ là một loại hữu tình, do tâm lực cho nên chiêu cảm quả nặng nhẹ khác nhau. Như kinh Thập thiện nghiệp đạo ghi: “Có ba việc phương tiện, căn bản, thành dĩ. Như có người siêng năng lễ bái, cúng dường [104b] các bậc có ân đức như cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng; trước khởi tâm thăm hỏi, kế đến nói lời dịu dàng, đó là phương tiện. Như các việc đã làm xong, tâm niệm luôn vui vẻ không hối hận, đó gọi là thành dĩ. Khi hành động luôn chuyên chú, gọi là căn bản”. Mười nghiệp thiện đã thế, mười nghiệp ác cũng vậy.

Thứ ba, mười thiện nghiệp này lại có ba giai đoạn: giai đoạn trước, giai đoạn giữa và giai đoạn sau. Có trường hợp phương tiện là giai đoạn trước, căn bản giai đoạn giữa, thành dĩ là giai đoạn sau; có trường hợp phương tiện giữa, căn bản trước, thành dĩ sau; có trường hợp phương tiện sau, căn bản trước, thành dĩ giữa (Xáo trộn qua lại tạo thành tám trường hợp, căn cứ theo trước có thể biết).

Thứ tư, theo luận Tát-bà-đa thì phương tiện, căn bản và thành dĩ do hữu tâm hoặc vô tâm tạo tác (có tám trường hợp). Sau đây, căn cứ ba cõi, sáu đường mà phát khởi nghiệp ít hay nhiều có khác nhau.

Trường hợp thứ nhất, phát khởi nghiệp bất thiện ở địa ngục như luận A-tỳ-đàm ghi: “Có năm nghiệp đạo: ác khẩu, ỷ ngữ, tham, sân, tà kiến. Trong đó, khi người phạm tội thụ khổ thì ba nghiệp ác khẩu, ỷ ngữ và sân hiện hành mắng nhiếc ngục tốt. Khi ác khẩu hiện hành, tội nhân sẽ nói lời ác không đúng thời, trái phép tắc, bất chính thì rơi vào ỷ ngữ; bấy giờ, phẫn nộ nổi lên tức là tâm sân hận. Đây là ba nghiệp bất thiện hiện khởi ở địa ngục. Còn nghiệp tham và tà kiến thì thành ở trong tâm chứ không hiện hành. Vì tâm thô của phàm phu trong địa ngục kia chưa đoạn được phiền não, cho nên tham và tà kiến thành tựu ở trong tâm. Trong địa ngục, các nam nữ đều thường phải chịu khổ bức, nên không có việc nam nữ hành dâm với nhau, nên tâm tham không hiện hành. Vì thường chịu khổ bức, nên tâm thức bị ám độn, không thể tìm cầu nhân quả, có không, do đó, cũng không có tâm tà kiến hiện hành. Những nghiệp khác như giết hại, trộm cướp, vọng ngữ, lưỡng thiệt ở địa ngục cũng hoàn toàn không hiện hành.

Hỏi: Nếu ở địa ngục không có nghiệp tham và tà kiến hiện hành, tại sao nói hai nghiệp ấy đã thành tựu?

Đáp: Hai nghiệp này, nếu phiền não thuộc tâm pháp chưa đoạn trừ, dù không hiện hành, nhưng tính hằng thành dĩ, không giống với bảy nghiệp của thân và miệng thuộc về sắc pháp, là những pháp tạo tác thô, chỉ cần phát động liền thành tựu, không có chỗ tạo tác thì không thành tựu. Vì thế luận Tạp tâm nói: “Ở địa ngục không có tướng giết hại, nên không có nghiệp giết hại; không thụ tài vật, nên không có nghiệp trộm cướp; không đắm say người nữ, nên không có nghiệp dâm. Lời nói khác với ý nghĩ nên gọi là vọng ngữ, ở địa ngục không có như thế nên không có nghiệp vọng ngữ; thường muốn nhàm lìa, nên không có lưỡng thiệt; vì bị khổ bức bách, nên có ác khẩu; nói không đúng thời, nên có ỷ ngữ; tham và tà kiến thành tựu ở trong tâm mà không hiện hành”.

Trường hợp thứ hai và thứ ba phát khởi nghiệp bất thiện trong ngạ quỉ và súc sinh, [104c] đều có đủ mười nghiệp ác, nhưng không có bảy ác luật nghi[14] của thân và miệng.

Hỏi: Ngày nay, loài súc sinh không biết nói, tuy có phát ra âm thanh, nhưng có tạo thành khẩu nghiệp không?

Đáp: Khi loài súc sinh phát khởi tâm sân, từ miệng phát ra tiếng, tuy không phải lời nói, nhưng vẫn thành khẩu nghiệp.

Do đó luận Thành thật ghi:

Hỏi: Âm thanh của súc sinh có phải là khẩu nghiệp không?

Đáp: Tuy không có ngôn ngữ, nhưng vẫn do tâm phát khởi, cũng gọi là nghiệp. Cũng có loài đầy đủ mười nghiệp, như vua rồng có thể biết được ý người, nên có đủ mười nghiệp. Riêng loài súc sinh ngu si, ám độn, chỉ có sáu nghiệp của thân và ý, còn bốn nghiệp của miệng thì không đủ, vì không nói và không hiểu được lời nói. Nếu là súc sinh trong kiếp sơ, hiểu và nói được tiếng nói của người, thì cũng có thể đủ mười nghiệp ác”.

Trường hợp thứ tư, phát khởi tội nghiệp ở loài người. Loài người ở bốn châu thiên hạ, trong đó, người ở trong ba châu Nam Diêm, Đông Phất, Tây Da[15] đều khởi nhiều nghiệp ác, nên có đủ mười nghiệp ác. Nhưng Đông và Tây thì nhẹ, còn Nam rất nặng, vì có thụ ác luật nghi. Còn Bắc Đơn[16] thì chỉ có bốn nghiệp bất thiện: ỷ ngữ, tham, sân và tà kiến. Do có ca vịnh nên có ỷ ngữ, tham, sân và tà kiến thành tựu, nhưng không hiện hành.

Hỏi: Phương bắc có việc hành dục, tại sao nói không có nghiệp tà dâm?

Đáp: Phương ấy không có việc vợ chồng giao phối nhau, tuy có việc dâm, nhưng không có sự cưỡng bức, lăng nhục lẫn nhau, do đó không có tà dâm.

Hỏi: Đã có hành dâm, tức là tham dục hiện hành, tại sao lại cho là chỉ thành tựu chứ không hiện hành?

Đáp: Ở phương ấy khởi tham dâm, chẳng phải tục, nên có thể đoạn dứt, tuy có hiện hành, nhưng Phật cho là không tội. Nhưng nghiệp dâm do tâm tham này phát khởi, còn chẳng phải tội, không đưa đến khổ báo, huống gì tham chỉ khởi trong tâm; như vợ chồng ở thế gian, không ngăn cấm tham ái.

Hỏi: Người ở phương bắc đã có ca vịnh v.v… việc này không đúng pháp, tức là vọng ngữ, tại sao nói không có nghiệp vọng ngữ?

Đáp: Người ở phương ấy mộc mạc, chân thật, không gian xảo, không dối gạt, cho nên chẳng có vọng ngữ. Người ở phương ấy thọ nghìn tuổi nên không giết hại mạng sống; cơm ăn, áo mặc, lúa gạo ngon ở phương ấy do đất sinh ra; từ cây tự nhiên lưu xuất áo quí báu, không cần cất giữ, nên không có trộm cướp. Người ở phương ấy hòa thuận dịu dàng, cho nên không có nghiệp lưỡng thiệt, ác khẩu v.v…

Luận Tạp tâm ghi: “Uất-đơn có bốn nghiệp thiện, tuổi thọ ổn định, nên không có nghiệp sát sinh; không tham tài của, nên không có nghiệp trộm; không có người nữ thương yêu tạp loạn, nên không có nghiệp tà dâm; không dối người khác, nên không có nghiệp vọng ngữ; thường hòa hợp, nên không có nghiệp lưỡng thiệt; vì nhu thuận, nên không có lời nói thô ác; vì có [105a] ca vịnh, nên có không ỷ ngữ. Còn như luận về nghiệp của ý thì tuy có mà không hiện hành”.

Trường hợp thứ năm: phát khởi tội ở cõi trời. Trước là nói về sáu tầng trời cõi Dục[17] có nghiệp sát sinh, trộm cướp. Trong đó tuy có mười nghiệp bất thiện, nhưng không có bảy ác luật nghi của thân và miệng, nên luận Tạp tâm ghi: “Sáu tầng trời cõi Dục có mười nghiệp đạo, nhưng xa lìa bất luật nghi, tuy không hại loài trời, nhưng lại giết hại những loài khác, như giết hại a-tu-la. Nếu chặt đứt tay chân, thì liền được sinh lại, nhưng nếu chặt đầu thì chết ngay, xoay vần đoạt mạng lẫn nhau, cho đến hết thảy mười nghiệp đạo đều có đủ. Cũng có các vị trời bạc phúc, thiếu của cải, tài sản, nên lén lấy của nhau, do đó có nghiệp trộm cắp; hoặc có các trời tự bội bạc vợ mình, hành dâm với những thiên nữ đẹp khác, nên có nghiệp tà dâm”. Còn bảy nghiệp kia, theo ý có thể biết rõ.

Căn cứ mười nghiệp thiện để phân biệt, như luận A-tỳ-đàm ghi: “Chúng sinh ở địa ngục, chỉ có ba nghiệp thiện của ý, nhưng chỉ thành tựu trong tâm chứ không hiện hành. Phương bắc cũng giống như vậy. Ngoài ra, tất cả đều có đủ mười nghiệp”. Theo văn có thể biết.

Nếu luận về cõi Sắc và Vô sắc, theo A-tỳ-đàm thì đều là nghiệp thiện. Xét theo lí thì cũng có ba nghiệp bất thiện vi tế, đó là ý nghiệp có tà mạn v.v… Về lỗi của nghiệp thân, miệng, như trong Sơ thiền, vua Bà-già-phạm nói với Phạm chúng:

– Các người được trụ ở đây, ta có thể khiến các người khỏi cảnh già, chết, các người không cần phải đến chỗ Cù-đàm!”.

Tì-kheo Hắc Xỉ hỏi:

– Tam-muội cõi Sơ thiền, nương vào tam-muội nào mà sinh, từ tam-muội nào mà diệt?

Phạm vương đáp:

– Ta là bậc tôn kính trong Phạm chúng.

Tì-kheo Hắc Xỉ nói:

– Tôi không hỏi Phạm vương là bậc tôn quí hay hạ tiện, mà chỉ hỏi tam-muội Sơ thiền từ tam-muội nào sinh, từ tam-muội nào diệt?

Phạm vương kia không trả lời được, bèn đuổi tôn giả Hắc Xỉ ra khỏi chúng, rồi nói với tôn giả:

– Ta không thể biết được tam-muội cõi Sơ thiền từ tam-muội nào sinh, từ tam-muội nào diệt. Sao ông nỡ mạ nhục ta trước Phạm chúng thế?

Lời của Phạm vương siểm trá, bất thiện, phiền não. Ông ta nói Phật không có khả năng giúp cho người giải thoát, tức là ỷ ngữ, ác khẩu hủy báng Phật. Ở hai cõi này chỉ có lời siểm trá này, phát động thân, khẩu hành nghiệp bất thiện nhỏ nhiệm, nhưng không khởi những hạnh thô gây tổn hại cho người khác. Vì người sinh về hai cõi này từng được định, lìa bỏ các tâm tham, sân v.v… ở cõi Dục, nên được quả báo ở cõi ấy, lại thường hay tu thiền định, nên tuy có phiền não, nhưng chỉ là tâm si. Vì không ngộ đạo nên khởi ái, mạn v.v… thích tu tập pháp thiện, mong được hơn người. [105b] Những phiền não này bị thiền định phá trừ, nên không gây tổn hại vật, không nghịch hại lẫn nhau. Nếu căn cứ A-tỳ-đàm thì phiền não ở hai cõi này không phải bất thiện, mà đó là vô ký. Tâm tham vi tế này có thể làm nhiễm ô tâm thanh tịnh; tuy là vô ký, nhưng là nhiễm ô, không giống với báo sinh[18], các pháp sắc, tâm, khổ vui và oai nghi đều là bạch tịnh vô ký. Luận cho là nhiễm ô vô ký; vì nhiễm ô này mà nhuận nghiệp thọ sinh[19]. Nếu phiền não này không có nhuận nghiệp thì hạt giống nghiệp sẽ bị tiêu hủy, không còn khả năng dẫn đến quả báo. Chúng sinh hai cõi trên không phải sinh trở lại, nhưng vì có nhuận nghiệp nên mới có sinh trở lại.

Hỏi: Phiền não ở hai cõi trên, đã có năng lực nhuận nghiệp, nhuận sinh thụ quả báo, tại sao cho là vô kí?

Đáp: Phiền não ở hai cõi trên tuy có nhuận nghiệp, nhưng chỉ là tổng báo[20] thụ sinh chung mà thôi. Không phải do những hoặc này làm nhân chính để cảm ứng quả vui, chiêu cảm quả khổ. Cho nên nó là vô kí, không giống với những bất thiện, phiền não ở các cõi dưới chiêu cảm quả khổ tổng báo và biệt báo.

Nếu theo luận Thành thật thì tà kiến phát khởi trong hai cõi trên, đều gọi là bất thiện. Như luận ghi: “Chúng sinh ở cõi Sắc và Vô sắc cho đây là niết-bàn, khi lâm chung thấy thân trung ấm ở cõi Dục và cõi Sắc liền sinh tà kiến cho rằng không có niết-bàn, rồi hủy báng pháp vô thượng”. Vì thế, nên biết nơi ấy có nghiệp bất thiện. Lại nữa, luận ghi: “Tà kiến ở hai cõi trên là nhân duyên khổ. Theo lẽ thì hai cõi trên phải căn cứ theo địa vị của họ mà phán định. Tâm chúng sinh vi tế, phát khởi phiền não nhỏ nhiệm, phần nhiều không thành nghiệp, cho nên gọi là vô kí. Nếu luận chung thì đối với thân trung hữu[21] cũng khởi tà kiến thô thành nghiệp bất thiện. Ở đây đúng với nghĩa mà luận A-tỳ-đàm đã nói ở trước, cũng thích hợp với nghĩa mà luận Thành thật sẽ trình bày ở sau.

Lại nữa, nói về lí thì phiền não nhỏ nhiệm kia đều trái với đạo lí, đều là bất thiện. Theo luận Thành thật thì nghiệp ác, bất thiện trong ba cõi đều phát khởi như nhau, chỉ có khác nhau là nhiều hay ít, tăng hay giảm mà thôi.

Giải thích: Từ trước đến đây chỉ đứng trên phương diện phàm phu mà trình bày các tội chướng phát khởi từ thân và miệng. Nếu đứng trên phương diện thánh nhân mà luận thì như các bậc tu-đà-hoàn khi xuất định, mất chính niệm vẫn khởi ý bất thiện nhỏ nhiệm, sinh các ác nguyện, đầy đủ phiền não cõi Dục. Tham sân tuy mạnh, hơi giống với phàm phu, có thể khởi ngay tham, dục, sân, mạn, nhưng không suy nghĩ tính lường để khởi tâm tà kiến, và không khởi tâm giết hại, trộm cắp v.v…. Theo luận A-tỳ-đàm, đối với quyến thuộc có những việc đánh đập thì đó chỉ là những nghiệp bất thiện nhỏ nhiệm. Nếu như căn cứ luận Thành thật thì giả sử có tâm bất thiện, dấy động thân, miệng cũng không thành nghiệp báo, như giọt nước rơi trên lò sấy nóng, tuy ướt liền khô ngay.

XIX.3. Hành vi tội

[105c] Giải thích: phần này nói về bậc thánh, căn cứ hành vi phúc ở sau mà nói có hành vi tội. Hành vi tội ở đây chính là do vọng thấy có cảnh nhiễm ô, chấp trước có ngã nhân, dính mắc vào cảnh thuận nghịch, phân biệt tự tha, đều thành nghiệp ác. Cho nên kinh ghi:

Tham dục không sinh diệt,

Không khiến tâm phiền não.

Nếu người chấp có “ta”

Và người chấp có “đắc”.

Người ấy bị tham dục,

Lôi kéo vào địa ngục.

Cho nên ngoài tâm không có cảnh, nhưng vì mê lầm, vọng thấy có rồi khởi tâm đắm nhiễm. Như người nằm mộng thấy cảnh rồi khởi các tâm tham sân, vì người nằm mộng đó cho rằng có cảnh thật. Thật ra, hoàn toàn không có cảnh, chỉ do tâm vọng thấy. Do đó luận Trí độ ghi: “Như người ở trong mộng, không có việc vui mà cảm thấy vui; không có việc sân mà khởi tâm sân; không có việc sợ hãi mà sợ hãi. Chúng sinh trong ba cõi cũng như thế. Do vô minh che lấp nên việc không đáng sân mà sân”. Cho nên biết được, ngoài tâm không có cảnh, nhưng vì mê, vọng thấy rồi khởi đắm nhiễm. Ngoài tâm tuy không có tướng địa ngục v.v… nhưng khi nghiệp ác thành thục thì vọng thấy có thụ nhận khổ.

Như kinh Chính pháp niệm ghi: “Ngục tốt ở Diêm-ma-la chẳng phải là chúng sinh, nhưng người bị tội thấy họ là chúng sinh, trong tay cầm kềm sắt cháy đỏ. Người ở địa ngục, đến lúc nghiệp ác hết, sau khi thân hoại mạng chung thì không còn thấy ngục tốt ở trong địa ngục ấy nữa. Vì sao? Bởi vì họ chẳng phải là chúng sinh. Giống như đèn hết dầu thì không cháy; nghiệp tận cũng như thế, cho nên không còn thấy ngục tốt Diêm-la nữa. Như ánh sáng mặt trời ở cõi Diêm-phù-đề xuất hiện thì bóng tối không còn; khi nghiệp ác không còn thì ngục tốt Diêm-la cũng như thế. Mắt dữ, miệng ác giống như sắc tướng đáng sợ của chúng sinh đều dần dần tiêu diệt. Như phá bỏ bức bích họa thì hình vẽ cũng bị mất; cũng vậy, bức bích họa nghiệp ác phá đi thì không còn thấy cảnh đáng sợ của ngục tốt ở Diêm-la nữa”.

Đoạn kinh này chứng minh chúng sinh tạo nghiệp ác chiêu cảm quả khổ, đều là tự nhiên trong chỗ rỗng không, vọng thấy có cảnh địa ngục.

Hỏi: Người thấy địa ngục, thấy những cảnh ngục tốt cho đến hổ, sói v.v… có thể cho là vọng thấy, nhưng trong địa ngục kia, thật có cảnh vua Diêm-la ngồi phán xử tội nhân, tại sao nói là không có?

Đáp: Người kia thấy có chúa ngục cũng là vọng thấy, chính do nghiệp ác của tội nhân huân tập vào tâm, khiến cho tâm người ấy biến dị, trong chỗ rỗng không mà vọng thấy có, chứ thật ra không có Diêm-la trong địa ngục. Cho nên luận Duy Thức ghi: “Như trong địa ngục, không có chúa ngục, mà chúng sinh trong địa ngục chỉ do nghiệp tự nhiên thấy có chúa ngục và các thứ khổ. Từ tâm phát khởi mà thấy đây là địa ngục, đây là ban đêm, đây là ban ngày. [106a] Hoặc vì nghiệp ác mà thấy chó, chim, hoặc thấy núi đồi, sông hồ”.

Đoạn văn này chứng minh nghiệp thiện ác huân tập vào tâm, khiến tâm biến hiện cảnh khác nhau, thật ra hoàn toàn không có địa ngục. Cho nên ngoài tâm tuy không có địa ngục, nhưng khi nghiệp ác thành thục thì tự vọng thấy.

Hỏi: Nghiệp báo khổ này chẳng phải thiện. Há chẳng phải là ngài nói việc thiện để chúng sinh tu tập sao? Đâu cần phải lượng tâm mà trình bày nghiệp khổ?

Đáp: Nhân quả thiện ác là pháp đối lập nhau, nếu không nói tham v.v… là ác, thì lấy gì để hiển bày bố thí v.v… là thiện; nếu không thuyết tam đồ là chốn khổ đau, thì lấy gì để hiển bày cõi trời, người là cảnh an vui. Do đó, cần phải nói hành vi tội của phàm phu, khiến cho người tu biết rõ mà xa lìa việc ác để quay về điều thiện. Nếu kẻ độn căn nghe nghiệp khổ này, liền sinh tâm xa lìa, tìm cầu niềm vui ở đời, từ đó chuyên tâm tu tập các phúc nghiệp. Nếu người lợi căn nghe nghiệp khổ này, liền sinh tâm xa lìa, mong cầu giải thoát, từ đó chuyên tâm tu quán, ngay trong phiền não, phát khởi nhân xuất thế. Cho nên kinh nói: “Tất cả phiền não đều là hạt giống Phật! Nên biết nghiệp khổ chính là căn bản của sự xa lìa, là nhân duyên phát khởi tâm thiện”, vì thế cần phải nêu rõ. Nếu không nêu rõ hành vi tội, nghiệp ác này, thì chúng sinh không nhận biết, cứ mãi gây tạo, không đoạn trừ. Tuy lượng định tâm mà nói các nghiệp ác, nhưng thật ra, ngoài tâm không có nghiệp khổ nào khác, chỉ có thức, không có cảnh, thể của tâm thường thanh tịnh. Cho nên, kinh ghi: “Tuy nói lỗi của tham dục, nhưng thật ra không thấy có pháp nào đáng để tham đắm; tuy nói lỗi của sân khuể, nhưng thật ra không thấy có pháp nào đáng để sân hận; tuy nói lỗi của ngu si, nhưng biết các pháp không si không ngại; tuy trình bày nỗi khổ bị đọa trong tam đồ đáng sợ, nhưng thật không có các tướng địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh”.

Đoạn văn này chứng minh biết được tội hạnh nhân quả không ở ngoài tâm. Người ngu không hiểu, nên lượng định tâm mà lập phương tiện, cần nêu rõ nghiệp khổ qua hai môn ở trên. Theo Thật giáo trình bày, thể của tội vốn chân thật, không có gì đáng phá, nhưng vì người ngu si không hiểu, nên cần phải nêu rõ tội. Đây là chỉ trình bày cho người ngu, mê chân, khởi vọng nên nhất định phải nêu rõ hành vi tội.

XIX.4. Hành vi phúc

Giải thích: Đối lại với hành vi tội ở trước mà nói về hành vi phúc.

Trước tiên luận về phàm phu tu thiện ở cõi Dục. Tức người với tâm tán loạn, tu các phúc nghiệp mà sinh về cõi dưới thì gọi là nghiệp cõi Dục. Trong năm đường đều phát khởi nghiệp này.

  1. Cõi địa ngục

Theo A-tỳ-đàm, chúng sinh ở địa ngục cũng có ba nghiệp thiện, chính là [106b] ba thiện căn của tâm. Ba thiện căn này chỉ là thành tựu trong tâm chứ không hiện hành, vì chúng sinh ở nạn xứ[22] này, phần nhiều không được nghe pháp, tư duy hướng đến đạo, nên không hiện hành. Nếu luận về việc phát sinh thiện căn thì ở địa ngục cũng có. Như quốc vương Tiên Dự, giết hại năm trăm bà-la-môn, bị đọa vào địa ngục, nhưng nhờ phát tín tâm mà được sinh về nước Cam Lộ. Cho nên biết thiện căn vẫn hiện hành. Luận Thành thật cũng cho địa ngục có thiện căn hiện hành. Tuy không có sức phương tiện khởi tu thiện để đạt được thánh đạo, nhưng nhờ sinh thiện căn mà phát tâm thiện. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, chúng sinh ở trong thế gian từng tu các pháp tín, tấn, niệm v.v… chưa khởi tâm tà kiến, hủy báng không có nhân quả, pháp thiện này không diệt, cho nên vừa sinh ra liền có được, gọi là sinh đắc thiện; rồi nương vào thiện căn này mà phát khởi thiện tâm. Nếu nghiệp xưa cảm được duyên mạnh, gặp Đức Phật ứng hiện, chuyển hóa khiến khổ não chấm dứt, thuyết pháp cho chúng sinh ấy nghe mà được pháp tu phương tiện.

Cõi súc sinh, rồng v.v… cũng có tu thiện. Như kinh Niết-bàn ghi: “Khi Đức Phật thuyết pháp, thì có vô lượng chim, thú phát tâm bồ-đề, được sinh lên cõi trời. Theo A-tỳ-đàm ghi: “Mười điều thiện của ngạ quỷ, súc sinh thuộc về phi luật nghi[23], vì tất cả các loài chúng sinh đều phát sinh bảy luật nghi thiện của thân, miệng, nhưng riêng loài quỷ thần không thể phát được”. Cho nên luận Tát-bà-đa cho súc sinh ngu si ám độn, nên không phát khởi luật nghi. Nếu căn cứ theo luận Thành thật thì quỷ thần, súc sinh, v.v… đều có khả năng đắc giới.

  1. Luận về cõi người, người ở châu Bắc-đơn-việt ba nghiệp thiện chỉ thành tựu trong tâm chứ không hiện hành, không đoạn mất, đến kiếp tân[24] thì mọi người đều tu thiền định. Riêng người ở châu này hoàn toàn không xa lìa dục, còn người ở ba châu kia đều có mười nghiệp thiện, nhưng cũng có người không đủ.

Sáu tầng trời cõi Dục hoàn toàn không có giới biệt giải thoát[25] của hàng xuất gia, chỉ có mười thiện và giới tại gia. Cho nên, luận Thành thật ghi: “Như trời Đế Thích và loài rồng v.v… cũng thọ bát quan trai, chứ không chỉ riêng cõi người”. Về các tầng trời cõi Sắc, luận A-tỳ- đàm ghi: “Khi chúng sinh được sinh lên tầng trời trên, thì mất đi nghiệp thiện tầng trời dưới”. Nghĩa là tầng trời trên không phát khởi nghiệp thiện ở tầng trời dưới, vì nhân quả ở tầng trời ấy đã đoạn mất; thân được sinh lên tầng trời trên, thì pháp ở tầng trời dưới không còn. Đây là căn cứ theo nghiệp hữu lậu ở tầng trời dưới mà tu tập sinh lên tầng trời trên, khi được sinh lên tầng trời trên rồi, thì mất hết nghiệp thiện ở tầng trời dưới, không thể tu tập phát khởi. Nếu theo luận Thành thật thì tầng trời trên được thành tựu là nhờ ở tầng dưới, cũng là nương vào nghiệp thiện ở cõi dưới. Như các Phạm thiên thấy Phật liền đỉnh lễ, nói lời khen ngợi, tức là tán thiện[26]. Đây là nương vào Tán thiện phát khởi nghiệp thiện cõi Dục. Nếu theo các luận A-tỳ-đàm, Tỳ-bà-sa, Phạm thiên đỉnh lễ, khen ngợi Phật, chẳng phải là thiện cõi Dục. Đây là tâm oai nghi cõi Sơ thiền phát khởi. Theo sở y thì đây là vô kí, chẳng phải thiện, còn thân, miệng chính là nghiệp cõi Sắc. [106c] Đây là trình bày về nghiệp phúc thiện tán loạn ở cõi Dục nương vào thân phát khởi.

  1. Trình bày về nghiệp tứ thiền[27] cõi Sắc nương phát khởi: nếu trong loài quỷ, súc sinh, khi gặp Phật, nhờ duyên mạnh cũng có thể ngộ đạo, cũng có được nghiệp thiện do tu phát khởi. Vì nghiệp vô lậu này nương vào thiền định mà phát khởi, dù không có chính thể của thiền định căn bản sâu xa, ắt cũng có tâm thiền định tương lai cạn cợt. Thiền định tương lai này là nghiệp cõi Sắc, khi nương vào Thiền định tương lai này đoạn trừ phiền não cõi Dục thì nghiệp này cảm được quả Sơ thiền ở Phạm thiên. Nếu từ cõi trời người mà luận, tức là tu tập nghiệp cõi Sắc, trừ người ở châu Bắc-đơn-việt không tu thiền, còn ba châu kia cho đến các trời cõi Dục đều có mười thiện cõi Sắc do tu tập phát khởi. Người chứng đắc Sơ thiền, trong tâm có ba pháp: vô tham, vô sân và chính kiến. Nếu luận về bảy nghiệp thiện của thân và miệng, thì nương vào tâm định để phát khởi thiền giới. Thiền giới chính là bảy nghiệp thiện của thân và miệng. Cho nên khi đắc thiền vẫn có mười nghiệp thiện ở cõi Sắc. Nếu từ cõi Vô sắc mà luận, theo A-tỳ-đàm thì các trời cõi Vô sắc không có nghiệp thiền định cõi Sắc do tu tập khởi, vì khi sinh về cõi trên thì đoạn trừ thiện ở cõi dưới. Nếu theo luận Thành thật thì khi sinh về cõi Vô sắc cũng vẫn có nghiệp cõi Sắc. Đây là trình bày phúc nghiệp thiền định và mười nghiệp thiện của chư thiên cõi Sắc nương vào thân để phát khởi.

Nếu luận về nghiệp Tứ không định cõi Vô sắc nương vào thân phát khởi, thì nghiệp của trời, người trong ba cõi đều có do tu tập phát khởi. Trên đây là trình bày về các hành vi phúc nương vào thân phát khởi. Nếu luận về phúc nghiệp phát khởi của thánh nhân, thì không liên quan đến phàm phu, nên không đề cập.

XIX. 5. Nghiệp khác

Lời bàn: tên gọi của hành nghiệp này, chư Phật không nói nhất định. Về hành vi tội, có kinh gọi là hắc hắc nghiệp; có kinh gọi là Bất thiện nghiệp. Hành vi phúc của phàm phu, có kinh gọi là hắc bạch nghiệp; có kinh gọi là thiện nghiệp. Tên gọi tuy có nhiều, nhưng thể của hành vi không khác.

Thể của hành vi là gì? Như luận Trí độ ghi: “Giết hại v.v… là nghiệp bất thiện, bố thí v.v… là nghiệp thiện. Đây là hai hành vi tội phúc”. Nói giết hại v.v, tức gồm cả mười điều ác đều gọi là hành vi tội. Nói bố thí v.v, tức gồm tất cả giới, định v.v, là nghiệp thiện thế gian, đều gọi là hành vi phúc. Trong nghiệp thiện thế gian, tám thiền định[28] nếu nói theo tán thiện ở cõi Dục là bất động hạnh[29]; nếu theo trí tuệ lí quán xuất thế, thì thiền định này duyên nơi sự mà lập, nên gọi là hành vi phúc. [107a] Như thiền định trong sáu độ, cũng gọi là phúc. Nhưng hành vi tội phúc của mỗi người khác nhau. Có người chuyên tu phúc, có người chuyên tạo tội, lại cũng có người tạo cả tội lẫn phúc. Người chuyên tu phúc là người có tâm thanh tịnh, làm những việc lợi ích cho người khác như bố thí, trì giới v.v…. Người chuyên tạo tội là người không phát khởi lòng từ, mỗi khi nói hay làm hoặc suy nghĩ đều làm tổn hại cho người khác. Người tạo cả phúc lẫn tội, là khi tu phúc, tâm người ấy không thanh tịnh, có khi còn làm tổn hại vật. Đây chính là nghiệp xen tạp ở cõi Dục, chẳng phải là thuần thanh tịnh, cũng gọi là bất tịnh. Nếu luận về hành vi tội, thì những hành vi thô biểu hiện ra có thể biết rõ. Nếu luận về hành vi tội phúc lẫn lộn, so với hành vi thanh tịnh thì phúc có đồng có dị, hơi ẩn kín khó biết. Nghĩa là những người tu phúc, xét hình tướng bên ngoài, đối với việc làm thì có sự tin thích và hành động giống nhau; nhưng xét tâm ý bên trong thì có sự mong cầu cho mình, cho người mỗi mỗi khác nhau, tinh tế hay thô thiển đều không giống. Vì các việc tu phúc, bên ngoài thì giống nhau, nhưng bên trong khác nhau; cho nên có hai nghiệp thuần và tạp. Nếu có năng lực điều phục tâm từ bi, thương xót chúng sinh, tùy theo sự mong cầu của chúng sinh mà thực hành bố thí thì thành tựu nghiệp thiện lớn. Nếu không chế ngự tâm ý, nhìn tướng để tu phúc, thì bên trong thô thiển, bên ngoài vi tế, chỉ tạo thành tạp nghiệp, thích hợp với những kẻ ngu; tuy hơn hẳn lí thế gian, nhưng trái với đạo, cũng chẳng phải là phúc thanh tịnh. Vì khi tu phúc mà không quán xét lí sinh không[30], ngã chấp điên đảo[31] thường hiện hành khắp ba tính[32], những nghiệp tạo tác đều tương ưng với điên đảo, đây là hư vọng chấp tính, cho nên mê đạo. Vì không chí tâm, mà phần nhiều chỉ cầu phúc báo thế gian và cầu danh, cho nên chẳng phải là phúc thanh tịnh. Vì phần nhiều không hiểu rõ nghiệp thế tục thuần tạp lẫn lộn này, nên luận bàn sơ lược để mọi người biết mà thực hành.

Trước trình bày về tạp nghiệp, sau trình bày về phúc nghiệp thanh tịnh. Tạp nghiệp có thô có tế. Thô thì vừa xấu ác vừa làm tổn hại cho người khác. Tế thì chỉ mong cầu phúc báo thế gian. Trước luận về tạp nghiệp thô, như có người dùng tài vật phi pháp để bố thí, như vật trộm của người khác. Nghiệp này cảm quả báo ở đời sau thường bị suy hao. Bố thí rồi sinh tâm hối tiếc cũng bị quả báo như vậy. Cho nên kinh Ưu-bà-tắc ghi: “Nếu người nào bố thí rồi sinh tâm hối tiếc, hay cướp đoạt của người khác để bố thí thì đời sau người ấy tuy có được tài vật, nhưng thường bị suy hao, phân tán. Hoặc người vừa bố thí vừa làm tổn hại người khác, nghĩa là trong lúc bố thí không nghĩ đến điều thiện, hoặc sinh tâm sân giận, hoặc khởi tâm kiêu mạn, thì sẽ bị rơi vào đường ác. Tuy được phúc báo, nhưng chỉ thụ thân trong loài súc sinh chứ không cảm được quả báo trời người. Cho nên kinh Phân biệt nghiệp báo có bài kệ:

Tu hạnh bố thí lớn,

Nóng tính, nhiều sân hận,

Không nương vào chính niệm,

Đời sau cảm thân rồng,

Đã tu hạnh bố thí,

Cống cao lăng mạ người,

[107b]Do nghiệp này chiêu cảm,

Sinh làm chim cánh vàng[33].

Tu phúc cầu quả báo thế gian, như khi xả bỏ tài sản, mong cầu quả báo tốt đẹp ở đời sau, hoặc sợ thân mạng, tài sản vô thường mà xả bỏ, hoặc vì mong được nổi tiếng, cầu lợi ích cho mình mà bố thí thì chẳng phải là hành động xuất phát từ lòng từ bi cứu giúp người nghèo khổ, chỉ giống như chuyện mua bán ở chợ; như vậy chẳng phải là nghiệp thuần thanh tịnh, vì thế trong kinh gọi là bất tịnh thí. Như Bách luận[34] ghi: “Người vì mong cầu quả báo mà thực hành bố thí, đó là bố thí không thanh tịnh, giống như buôn bán”. Quả báo của sự bố thí này có hai loại: hiện báo, đời này có tiếng tăm, mọi người kính yêu v.v…; hậu báo đời sau được giàu có v.v… tất cả đều gọi là bất tịnh thí. Thí như người khách buôn đến phương xa, tuy mang nhiều đồ vật khác nhau, làm nhiều lợi ích, nhưng chẳng phải vì thương chúng sinh, mà chỉ mong cầu lợi riêng cho mình, đây là nghiệp bất tịnh. Bố thí để mong cầu quả báo cũng giống như vậy. Từ minh chứng này biết rõ, hễ bố thí mà không có lòng thương xót, chỉ cầu tiếng tăm, hoặc cầu quả báo đời sau, dẫu có bố thí rộng lớn cũng chẳng phải là nghiệp thanh tịnh; nghiệp đã không thanh tịnh, thì quả báo cũng không thanh tịnh.

Thế nên kinh Phân biệt nghiệp báo ghi: “Nếu người muốn sinh về cõi trời, mong cầu danh tiếng, đền ơn, vì mong báo đáp, hoặc sợ hãi mà thực hành bố thí, thì quả không thanh tịnh, chịu nhiều việc xấu. Bố thí đã như vậy thì các việc thiện của trì giới v.v… cũng không thanh tịnh giống như thế”.

Vì vậy Bách luận ghi: “Giữ giới với tâm không thanh tịnh, tức là giữ giới để mong cầu quả báo dục lạc. Như giữ giới vì mong cầu sinh về cõi trời để cùng hưởng lạc với thiên nữ, hoặc mong cầu giàu sang ở cõi người để hưởng thụ năm món dục lạc. Vì lòng dâm dục, như người có tướng tráo trở, bên trong ham muốn sắc đẹp của người, bên ngoài thì biểu lộ vẻ thân thiện, đó gọi là bất tịnh. Đây chính là ngoại đạo với tâm vi tế không thanh tịnh trì giới”.

Như bài kệ mà tôn giả A-nan nói với Nan-đà:

Như dê đực húc nhau,

Húc tới rồi đẩy lui.

Người vì dục giữ giới,

Việc ấy cũng như vậy!

Người mở tâm rộng chỉ vì lợi ích người khác thì được phúc rất nhiều. Lại nữa, bố thí cho người nghèo, người bịnh, người biết pháp mà thiếu duyên tu tập, giúp họ được lợi ích lớn thì người thực hành bố thí kia sẽ đạt được nhiều phúc báu.

Cho nên kinh Hiền ngu ghi: “Đức Phật khen ngợi năm pháp bố thí đạt được phúc vô lượng. Đó là bố thí cho người từ phương xa đến, bố thí cho người sắp đi xa, bố thí cho người bịnh tật, bố thí cho người bị đói khát, bố thí cho người biết pháp. Bố thí cho năm đối tượng như vậy thì hiện đời được nhiều phúc báo”, cách bố thí này đúng pháp, không giống như bố thí để cầu danh. Nếu bố thí không đúng chỗ, mặc dầu xả bỏ tài sản nhiều nhưng không được quả báo thanh tịnh.

Lại nữa, người thấy người khác bố thí mà vui theo, nếu so với người làm các việc bất thiện lớn thì người này cũng được gọi là thiện; nhưng so với người li dục và luôn vì lợi ích người khác thì nghiệp này chính là tội.Cho nên luận Trí độ ghi: [107c] “Người hành động thô thiển có tội thô thiển, người hành động vi tế có tội vi tế, cho nên tạp nghiệp này có đủ cả hành vi tội phúc. Tâm mong cầu không thuần chính là bất tịnh nghiệp”.

Trên đây vừa trình bày hành vi tội phúc lẫn lộn, chính là tạp nghiệp bất tịnh ở cõi Dục.

Nếu luận về nghiệp thanh tịnh, thì ngược lại phần trước, cho nên Bách luận ghi: “Người bố thí thanh tịnh, thì được mọi người cung kính, thương mến, được phúc cũng nhiều”.

Kinh Nhân quả có bài kệ:

Như có người nghèo khó,

Không có của bố thí,

Khi thấy người bố thí,

Khởi sinh tâm tùy hỷ,

Phúc báo tùy hỷ kia,

Cũng bằng người bố thí.

Lại nữa, luận Đại trượng phu có bài kệ:

Với lòng thương chân thật,

Bố thí cho một người,

Công đức lớn vô cùng.

Vì cầu lợi riêng mình,

Dẫu bố thí nhiều người,

Phúc chỉ bằng hạt cải.

Cứu một người gặp nạn,

Hơn bố thí nhiều người,

Ánh sáng của nhiều sao,

Đâu bằng một mặt trăng!

Nếu phàm phu tạo tội phúc, không hiểu nhân quả, thiện ác là vô tính, chính là mê sự, chấp tính thường bị trói buộc trong ba cõi. Luận Trí độ ghi: “Giống như ruồi nhặng, không chỗ nào không bu đậu, trừ lửa dữ; chúng sinh cũng như vậy, đều đắm trước vào pháp thiện và bất thiện này, cho đến cõi Phi tưởng, chỉ trừ lửa dữ tính không của bát-nhã ba-la-mật”. Đoạn văn này chứng minh rằng không có tính thiện ác thường luôn chuyển trong năm đường, tức sẽ không có Phật tính, chúng sinh. Đây là nêu sơ lược kinh luận chứng minh hai hành vi tội phúc của phàm phu do mê sự, chấp tính đã xong.

Lại nữa, kinh Tạp bảo tạng ghi: “Khi Đức Phật còn ở đời, vua Ba-tư-nặc có một người con gái, tên là Thiện Quang, thông minh, đoan chính. Vua và hoàng hậu hết lòng thương yêu, tất cả cung phi đều kính mến. Vua cha nói với Thiện Quang:

– Con nhờ oai lực của ta mà trong cung ai cũng kính mến.

Thiện Quang thưa:

– Con vốn có nghiệp riêng, đâu cần nhờ vào phụ vương!

Vua cha nghe Thiện Quang nói, liền nổi giận nói:

– Nay ta sẽ thử xem con có sức tự lập như thế nào?

Vua liền sai cận thần tìm một người hết sức thấp hèn, xin ăn nghèo khó, gả Thiện Quang cho người nghèo đó.

Vua nói:

– Con vốn có nghiệp riêng, không cần nhờ vào ta, từ nay có thể kiểm chứng!

– Con vốn có nghiệp riêng!

Thiện Quang vẫn trả lời như vậy, rồi cùng người nghèo ấy dắt nhau ra đi. Thiện Quang hỏi chồng:

– Chàng có cha mẹ không?

Người chồng đáp:

– Cha mẹ ta trước đây là một vị trưởng giả đứng đầu trong thành Xá-vệ này.[108a] Nay cha mẹ ta đã qua đời cả rồi, ta không còn chỗ nương tựa, do đó phải đi xin ăn.

Thiện Quang hỏi:

– Nay chàng còn nhớ ngôi nhà cũ của mình không?

Người chồng đáp:

– Nhớ chứ! Nhưng ngôi nhà đã bị hư hoại chỉ còn đất trống thôi!

Nói xong, người chồng dắt vợ trở về ngôi nhà cũ. Thiện Quang đi dạo quanh, nơi nàng đi qua thì kho báu[35] tự nhiên xuất hiện. Thiện Quang liền dùng châu báu ấy, xây dựng nhà cửa, chưa đầy một tháng, hoàn thành tòa nhà như cung điện, kĩ nữ, nô tỳ, phục dịch nhiều không kể xiết.

Một hôm, vua chợt nhớ đến con gái và nghĩ: “Không rõ cuộc sống của con ta như thế nào?”.

Lúc đó, có người tâu:

– Công chúa Thiện Quang hôm nay có cung điện, tiền của không kém bệ hạ!

Một ngày nọ, công chúa liền bảo chồng đến thỉnh vua cha, vua cha nhận lời mời, đến thăm con gái, vua thấy nhà cửa, cung thất của con trang nghiêm, trong lòng mừng chưa từng có. Vua đem việc này đến thưa hỏi Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Người con gái này đời trước tạo phúc nghiệp gì, mà đời nay được sinh vào dòng vua chúa, thân có ánh sáng?

Đức Phật dạy:

– Vào thời quá khứ xa xưa, cách đây chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi nhập niết-bàn, có vua Bàn-đậu tôn thờ xá-lợi Phật trong bảo tháp bằng bảy báu. Phu nhân của vua thấy vậy, liền dùng thiên quan đội lên đầu tượng, dùng hạt ngọc như ý trong thiên quan treo vào đầu cửa tháp, nhân đó phát lời nguyện: “Xin cho con đời sau, thân có ánh sáng màu vàng ròng, được sinh vào nhà giàu có tôn quý, không bị đọa vào ba đường ác, tám chỗ nạn”. Phu nhân ngày xưa nay chính là Thiện Quang.

Về sau, vào thời Đức Phật Ca-diếp, người vợ dùng món ăn ngon để cúng dường Phật và tăng, nhưng bị người chồng ngăn cản, người vợ liền cầu xin:

– Nay thiếp đã cầu thỉnh rồi, mọi việc đã xong!

Người chồng đồng ý.

Người vợ lúc ấy, chính là Thiện Quang bây giờ. Người chồng nay chính là chồng của Thiện Quang, do ngày xưa ngăn cản vợ cúng dường nên thường bị nghèo khó; nhờ đồng ý cho vợ cúng dường, mà thành nhân chính được làm chồng của Thiện Quang giàu sang; khi không còn làm chồng nữa thì lại nghèo khó. Do nhân duyên này, mà nghiệp thiện ác đeo đuổi theo thân, cảm thọ quả báo, chưa hề trái mất.

Lại nữa, kinh Tạp bảo tạng ghi: “Khi Đức Phật còn tại thế, vua Ba-tư-nặc lúc đang ngủ, nghe hai vị quan thị vệ cùng tranh luận đạo lý. Một vị nói:

– Ta nương nhờ vua để sống.

Vị kia nói:

– Ta vốn sống theo nghiệp của mình, không nhờ vào vua.

Vua nghe người nói sống nương nhờ vào vua, liền muốn ban thưởng cho ông ấy. Lập tức sai người hầu báo với phu nhân:

– Nay ta sẽ sai một người đến, nàng ban thưởng tài vật cho người ấy!

Vua liền sai người nói “sống nương nhờ vào vua” mang rượu đến dâng cho phu nhân. Người này vừa ra khỏi cửa, thì hộc máu mũi không thể đi được, bèn nhờ người nói “sống do nghiệp” đi thay. Phu nhân gặp người này [108b]liền ban thưởng tài vật y phục, anh lạc rất hậu. Khi trở về chỗ vua, vua lấy làm lạ, liền gọi người nói câu “sống nhờ vua” đến và hỏi:

– Ta sai ngươi đi, tại sao ngươi không đi?

Người kia liền thưa đầy đủ sự việc lên vua. Nghe xong, vua rất vui và nói:

– Lời của Đức Phật rất chân thật! Tự tạo nghiệp thì nhận lấy quả báo, không thể thay thế được.

Do đó, biết rõ thiện ác báo ứng do nghiệp dẫn dắt, chứ không do trời, không do vua ban tặng, chính là do tự làm thì tự hưởng. Phát khởi chính kiến, cho là quả báo là do nghiệp; gần thì đạt được quả báo trời người, xa thì đạt được quả Phật; nếu trái với thánh giáo, thì chịu đủ những đau khổ như trước đã nêu.

Xét nhân, đường có khác,

Xả bỏ, cõi giống nhau,

Khổ hết, liền an vui,

Vui hết, khổ lại sinh.

Tội phúc có khác chăng?

Đều do tâm đắm trước,

Nếu đoạn nghiệp hữu lậu,

Thường thấy rõ Pháp thân!

***

Chú thích:

[1] Ba xe (tam xa 三車): phẩm thí dụ trong kinh Pháp hoa nói về ba xe. Xe dê dụ cho hàng thanh văn tu hạnh tứ đế, cầu ra khỏi ba cõi, nhưng chỉ muốn tự độ, không nghĩ đến người khác; xe nai dụ cho hàng duyên giác tu mười hai nhân duyên để cầu ra khỏi ba cõi, có tâm vị tha; xe trâu dụ cho hàng bồ-tát tu hạnh lục độ, tự lợi lợi tha viên mãn.

[2] Tương ưng tâm 相應心: vọng tâm duyên với các phiền não mê lầm.

[3] Luận Đối Pháp (Đối pháp luận 對法論): tức luận Câu-xá do ngài Thế Thân trước tác, hàm nhiếp diệu nghĩa của luận Lục túc, luận Phát trí v.v.

[4] Phương tiện đạo 方便道: một trong bốn quá trình đoạn trừ phiền não chứng đắc chân lí.

[5] Vô gián đạo 無間道: sự tu hành bắt đầu đoạn trừ các phiền não phải đoạn trừ mà không bị phiền não làm chướng ngại, nhờ đó có thể tiến đến giải thoát đạo không có xen hở.

[6] Tư nghiệp 思業: tư duy trước những việc phải làm và suy nghĩ muốn làm việc gì đó.

[7] Các hữu (chư hữu 諸有): tất cả những nghiệp do chúng sinh gây tạo, từ nhân sinh quả, những nhân duyên và quả báo này thật có, không hư dối; cho nên gọi là Hữu. Hữu có thể chia làm các loại: tam hữu, tứ hữu, thất hữu, cửu hữu, nhị thập ngũ hữu, gọi chung là chư hữu.

[8] Các hành (chư hành 諸行): tất cả các pháp hữu vi. Hành là biểu thị cho pháp do nhân duyên hòa hợp mà thành.

[9] Kết sinh 結生 (S: pratisaṃdhi): thân trung hữu gá sinh vào thai mẹ.

[10] Hai tâm (nhị tâm 二心): chân tâm và vọng tâm.

[11] Tác nghiệp, vô tác nghiệp 作業,無作業: pháp tạo tác và pháp không do tạo tác.

[12] Tứ y 四依 (S: catvāri pratisaraṇāni): bốn hành pháp mà người tu phải nương theo để nhập đạo, là chỗ y chỉ của bậc thượng căn lợi khí: một, mặc y phấn tảo, cũng gọi là áo nạp, là lượm năm thứ y phục vứt bỏ ngoài đồng, coi như thứ bẩn lau phân, lấy về may lại mặc; hai, thường đi khất thực để nuôi sống; ba, ở dưới gốc cây hay hang đá để tu tập; bốn, khi dùng trần hủ dược, hay dùng các vị thuốc do súc vật bài tiết chế thành, hoặc chôn nước tiểu trâu và quả đại hoàng vào lòng đất đợi lên men rồi uống. Nếu tì-kheo thực hành theo bốn pháp này thì cuộc sống tự tại giải thoát.

[13] Phương tiện, căn bản, thành dĩ 方便根本成已: quá trình tạo nghiệp được chia làm ba giai đoạn, đó là gia hành, căn bản và hậu khởi.

[14] Ác luật nghi 惡律儀: vô biểu sắc bất thiện sinh khởi do tham lợi hoặc do cuộc sống mà làm các nghiệp sát sinh …. Kinh Đại phương tiện Phật báo ân nêu ra mười hai loại ác luật nghi: kẻ làm hàng thịt; đầu đảng giết người; nuôi heo; nuôi gà; đánh cá; săn bắn; giăng lưới bắt chim; bắt rắn; chú rồng; cai tù; làm kẻ cướp; vương gia sai bắt giặc.

[15] Nam Diêm, Đông Phất, Tây Da 南閻東弗西耶: ba châu trong bốn đại châu. Theo thế giới quan của người Ấn Độ thời xưa cho rằng trong lớp biển mặn giữa bảy lớp núi vàng và núi đại Thiết Vi, ở bốn phía núi Tu-di có, bốn đại châu.

[16] Bắc Đơn 北單 (Cg: Bắc Câu-lô châu; Hd: Thắng xứ): châu này nằm trong biển mặn ở phía bắc núi Tu-di, hình vuông, mỗi cạnh dài hai nghìn do-tuần, giống như nắp hộp, bao quanh có núi Thất Kim, núi Đại Thiết Vi, đất bằng vàng ròng, ngày đêm chói sáng. Đất có đủ bốn tính chất: bằng phẳng, vắng lặng, sạch sẽ và thoải mái. Nhân dân ở châu này có gương mặt chữ điền giống như hình thể cuộc đất họ sống, ai nấy sắc diện giống nhau và đều cao một trượng tư (4,8m). Họ sống bình đẳng, an lạc, không có điều gì trói buộc… sống đủ một nghìn năm. Sau khi chết, họ được sinh lên cõi trời Đao-lợi hoặc Tha Hóa Tự Tại.

[17] Sáu tầng trời cõi Dục (Lục Dục thiên 六欲天): Tứ Thiên Vương thiên; Tam Thập Tam thiên; Diêm Ma thiên; Đâu-suất thiên; Hóa Tự Tại thiên; Tha Hóa Tự Tại thiên.

[18] Báo sinh 報生: quả báo tự nhiên sinh ra, không phải do tu tập mà được. Bồ-tát từ bát địa trở lên, lúc thụ thân biến dịch, ngay lúc sinh ra tự nhiên đã định, gọi là báo sinh tam-muội.

[19] Nhuận nghiệp thụ sinh 潤業受生: lấy phiền não câu sinh khởi để tưới tẩm nghiệp đã tạo mà sinh ra quả khổ ở vị lai.

[20] Tổng báo 總報: do sức nghiệp dẫn của thức thứ tám có công năng dắt dẫn chúng sinh chiêu cảm tổng thể của dị thục như ngũ thú, tứ sinh. Thí như loài người, cùng sinh làm quả báo cõi người thì gọi là tổng báo.

[21] Trung hữu 中有 (S:antarā-bhava): thân của chúng sinh trong khoảng thời gian từ khi chết đến lúc được thụ sinh; một trong bốn hữu; một trong bảy hữu.

[22] Nạn xứ 難處 (Gđ: Bát nạn xứ): tám nơi khó thể tu tập Phật pháp. Đó là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, cõi trời trường thọ, biên địa, chư thiên ở cõi Sắc và Vô sắc, Bắc-câu-lô châu, người thông hiểu học thuyết thế gian, người sinh trước Phật hoặc sau Phật.

[23] Phi luật nghi 非律儀: tì-kheo như người nông dân gần gũi người hiền, lắng nghe chính pháp, suy nghĩ những điều hay lẽ phải, lấy đó làm cảnh giới tu tập, khiến họ sinh ra những hạt giống lành. Nếu tâm tính người kia nhiều tham lam chưa từng tu tập và cũng chưa từng biết hổ thẹn, nên khi gặp cảnh vừa ý thì khởi tâm tham, chấp chặt không bỏ, tâm tham trói buộc nên không giữ giới, buông thả theo đời, suy nghĩ những điều phi lý, giống như con trâu vào ruộng phá hoại lúa của người. Cũng vậy, vị tì-kheo này phá hoại hết các hạt giống thiện.

[24] Kiếp tân 劫新: kiếp mới được hình thành.

[25] Biệt giải thoát giới 別解脫戒: một trong ba thứ luật nghi, là giới luật mà bảy chúng mỗi mỗi phân biệt thụ trì để xả bỏ các điều ác ở bảy chi nơi miệng và thân.

[26] Tán thiện 散善: thiện nghiệp được tu tập với tâm tán loạn. Sư Thiện Đạo thì cho rằng tu ba phúc chín phẩm đều là tán thiện.

[27] Tứ thiền 四禪 (Cg: Tứ thiền định; S: catvāri dhyānāni): bốn loại thiền định căn bản dùng để đối trị hoặc nghiệp và sinh ra các công đức. Đó là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền thuộc cõi Sắc, nên còn gọi là Sắc giới định.

[28] Tứ thiền bát định 四禪八定 (S: catvāri-dhyānāni): tứ thiền cõi Sắc và tứ định cõi Vô sắc hợp chung thành bát định. Do cõi Sắc và cõi Vô sắc đối nhau nên ở cõi Sắc là thiền, còn ở cõi Vô sắc là định; nếu cõi Sắc và cõi Vô sắc đối lại với “Tán” ở cõi Dục thì cõi Sắc và cõi Vô sắc đều gọi là định. Nếu phân biệt thiền định cõi Sắc và cõi Vô sắc thì thiền định cõi Sắc là “Định, huệ bằng nhau”, còn thiền định cõi Vô sắc thì tướng của nó vi tế và “Định nhiều huệ ít”.

[29] Bất động hạnh 不動行: các thiện hữu lậu của bốn định cõi Vô sắc.

[30] Sinh không 生空 (S: ātma-śūnyatā): chúng sinh do năm uẩn sắc, thụ, tưởng, hành, thức giả hợp mà thành, không có ngã thể thường nhất.

[31] Ngã đảo 我倒: Kiến chấp hư vọng, điên đảo cho là có thật ngã.

[32] Ba tính (tam tính 三性): thiện, ác, vô kí.

[33] Chim cánh vàng (Kim sí điểu 金翅鳥; S: suparṇa ): một loại chim giống như chim diều hâu trong thần thoại Ấn Độ. Đây là loại chim được thần thoại hóa, thân to lớn và hung dữ, là loài chim trời Tì-thấp-nô cưỡi. Tương truyền lúc mới sinh ra, thân nó phát ánh sáng chói lọi, chư Thiên lầm tưởng là Hóa thiên nên kéo nhau đến lễ bái. Trong các kinh điển Phật giáo thường có nói đến loại chim này.

[34] Bách luận 百論 (S: Śataśāstra): luận, hai quyển, do ngài Đề-bà ở Ấn Độ soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch, được xếp vào Đại Chính tạng, quyển 30. Nội dung bộ luận này nói về nghĩa lí không, vô ngã của Phật giáo Đại thừa để bác bỏ các kiến chấp của ngoại đạo Số Luận.

[35] Kho báu (phục tạng 伏藏): nơi cất giữ báu vật hoặc kinh điển được thiết lập trong lòng đất. Phục tạng dụ cho chúng sinh không biết ngay tự thân mình có Phật tính, đợi đến lúc Phật thuyết pháp chỉ dạy mới giác ngộ.

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 93 – Kinh Assalàyana (Assalàyana sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 19 – Suy Nghĩ Thận Trọng - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 27 – Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganana Sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Kinh Mười Pháp Tu Vãng Sanh Cực Lạc - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 20 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 28 – Kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasàdaniya Sutta) - Kinh Tạng
  • Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Xá Đầu Voi – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 09 – Thụ Thỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 90 – Kinh Kannakatthala (Kannakatthala sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm - Kinh Tạng