Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XXI. TỨ SINH

[112c] Gồm sáu phần: Lời dẫn, Hội danh, Tương nhiếp, Ngũ sinh, Trung ấm, Thụ thai.

XXI.1. Lời dẫn

Thực hành điều thiện thì cảm báo vui, gần thì sinh lên cõi trời người, xa thì thành Phật đạo. Còn làm ác sẽ chịu quả khổ, gần thì rơi vào ba đường ác, xa thì trái với quả thánh. Người ngu không tin, nhưng kẻ trí nhận biết. Cho nên mới có bốn loài tướng trạng chẳng đồng, sáu nẻo thân hình sai khác, sáng tối đôi đường riêng lẻ, thăng trầm muôn lối khác nhau. Lý nghiệp nhân duyên đã quá rõ ràng, báo ứng nhân quả muôn đời chẳng lệch.

XXI.2. Tổng hợp các tên gọi về bốn hình thái sinh (hội danh)

Như kinh Bát-nhã ghi: “Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hoá sinh”.

Kinh Giải thập nhị nhân duyên trong A-hàm ghi: “Có bốn hình thái sinh: sinh từ bụng là loài người và súc sinh (thai sinh); sinh do nóng lạnh hòa hợp là các loài trùng, bướm, bò chét, rận (thấp sinh); sinh do biến hóa là trời và địa ngục (hóa sinh); sinh từ trứng là chim, cá v.v… (noãn sinh).”

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Súc sinh nhiều vô số, gom thành ba loại: loài sống dưới nước như cá v.v…, loài đi trên mặt đất như voi v.v…, loài bay trên hư không như chim v.v… Hoặc bằng thiên nhãn, thấy các loài súc sinh có bốn hình thái sinh: thai sinh, là những loài như voi, ngựa, trâu, dê; noãn sinh, là các loài chim như rắn rít, ngỗng, vịt, gà và chim trĩ; thấp sinh, là những loài như bò chét, kiến; hoá sinh, là các loài như rồng có thân hình dài”.

Cho nên, kinh ghi: “Sinh là các căn mới được sinh khởi, chết là các căn cũ bị hoại diệt”.

Luận Thiện kiến ghi: “Một, sắc[52] sinh; hai, vô sắc[53] sinh. Sắc sinh thì bị hoại diệt, Vô sắc sinh không hoại diệt. Vô sắc sinh nương vào sắc mà sinh, sắc và tâm nương nhau, tạo thành một giả thể, nên gọi là sinh. Khi thân trước không cảm biết thân sau, thân sau không liên hệ với thân trước, nên gọi là chết”.

Kinh Niết-bàn ghi: “Phật tính của chúng sinh ở trong thân ngũ ấm, nếu giết thân ngũ ấm thì gọi là sát sinh; đã sát sinh thì bị đọa đường ác”.

Căn cứ vào sinh tử này, mà có tứ sinh. Từ trứng sinh, gọi là noãn sinh; từ chỗ dung chứa sinh, gọi là thai sinh; nhờ vào ẩm thấp để sinh, gọi là thấp sinh;[113a] bỗng nhiên xuất hiện, gọi là hóa sinh. Bốn loài này bao gồm tất cả chúng sinh.

XXI.3. Phối thuộc giữa bốn loài và sáu đường (tương nhiếp)

Luận Bà-sa ghi: “Trong cõi Dục gồm cả sáu đường, cõi Sắc và Vô sắc cũng là một phần trong sáu đường. Sở dĩ có sự phân chia như vậy, vì cõi Dục là nơi hỗn loạn, chúng sinh tạp ác khởi nghiệp không thuần nhất, hoặc thiện hay ác. Chính vì bất đồng, nên theo nghiệp thụ quả báo, mới có nhiều sai biệt. Tuy nhiên, ở cõi Sắc và Vô Sắc là nơi tâm dễ an định, chúng sinh thanh tịnh, khởi nghiệp cũng thuần thiện, cho nên không có nhiều đường khác nhau”.

Hỏi: Sự phối thuộc giữa bốn loài và sáu đường như thế nào?

Đáp: Luận Tạp a-tỳ-đàm tâm ghi: “Trời và địa ngục chỉ có hóa sinh, loài ngạ quỷ có thai sinh và hóa sinh. Loài người và súc sinh đều có đủ bốn hình thái sinh”.

Cho nên, luận ấy hỏi: “Sinh thâu nhiếp cõi, hay cõi thâu nhiếp sinh?”. Rồi chính luận này đáp:

Sinh thâu nhiếp các cõi,

Chẳng phải cõi nhiếp sinh,

Nếu là thân trung ấm,

Chẳng thuộc về cõi nào.

Cho nên biết bốn loài thì rộng, sáu cõi thì hạn hẹp. Vì loài hóa sinh rất nhiều, nên tóm thâu cả hai cõi và một phần của cõi thứ ba (cõi Dục), ở địa ngục toàn là hóa sinh.

Hỏi: Chúng sinh ở sáu tầng trời cõi Dục hành dâm giống như người, tại sao không có thai sinh?

Đáp: Thụ dục tuy giống nhau, nhưng hành vi khác nhau, cho nên kinh Lâu thán chính pháp niệm ghi: “Hai cõi Tứ thiên và Đao Lợi thuộc cõi trời, khi hành dâm, thân thể của nam nữ giao hợp giống với cõi người, nhưng không xuất tinh. Những cõi trời trên thì hoàn toàn khác, trong đó, cõi trời Diệm-ma khi hành dâm chỉ khởi ý ôm nhau, hoặc nắm tay là thành. Cõi trời Đâu-suất thì ý vui vẻ, nói cười với nhau là thành. Cõi trời Hóa Lạc chỉ nhìn nhau là xong, không cần nói cười. Cõi trời Tha Hóa chỉ nghe tiếng nói, hoặc ngửi mùi hương là thành dâm. Cho nên hình thái sinh ở cõi trời hoàn toàn khác với cõi người và được hóa sinh từ đầu gối mẹ”.

Việc hóa sinh ở ngạ quỷ có thể tự biết được. Còn thai sinh thì hơi khó thấy, như phần Quán bất tịnh có ghi: “Thuở xưa, trong thành Vương Xá có một người thiếu nữ bị dính tinh của loài quỷ, nên sinh ra năm trăm quỷ con”. Lại luận Câu-xá ghi: “Có một con quỷ nói với tôn giả Mục-liên: ‘Ban ngày, tôi sinh năm đứa con, ban đêm sinh năm đứa con, sinh được đứa con nào liền ăn hết mà vẫn không no’. Đây là quỷ thai sinh”.

[113b] Loài a-tu-la cũng có hóa sinh và thai sinh, vì có vợ chồng giao phối nên có thai sinh. A-tu-la vào kiếp sơ, từ trời sinh ra, tức là hóa sinh. Lại nữa, theo kinh Quán Phật tam-muội ghi: “Nguồn gốc của nữ a-tu-la vốn từ trứng bùn dưới biển lớn, nhờ ẩm ướt sinh ra, đây chính là noãn và thấp sinh. Cho nên loài a-tu-la gồm đủ bốn hình thái sinh”.

Người có đủ bốn hình thái sinh: thai sinh hiện thấy có thể biết; noãn sinh như kinh Niết-bàn ghi: “Như Tỳ-xá-khư mẫu sinh ra một cái trứng thịt, trong quả trứng ấy lại sinh ra ba mươi hai trứng”.

Như luận Tỳ-bà-sa ghi:

Hỏi: Vì sao biết trong loài người có noãn sinh?

Đáp: Đức Phật dạy: “Cõi Diêm-phù-đề-lợi có nhiều thương nhân vào biển tìm châu báu, bắt được hai con chim hạc đem về, tùy theo ý thích mà dạy dỗ. Sau đó, một con chết, hằng ngày thương nhân cùng vui đùa với con còn lại, đêm đến nằm ngủ chung một nhà và cùng giao hợp với nó, sinh ra hai quả trứng. Đến ngày, trứng nở ra hai đồng tử, một vị tên là Thi-bà-la, một vị tên là Ưu-bát-thi-bà, về sau lớn lên cho xuất gia học đạo, chứng quả A-la-hán”.

Hỏi: Vì sao biết trong loài người có hình thái thấp sinh?

Đáp: Như kinh dạy: “Có vua Đỉnh Sinh, tôn giả Già-la, tôn giả Ưu-ba-già-la, Lê nữ và Nại nữ” là những người thuộc thấp sinh!

Hỏi: Làm sao biết được trong loài người có hóa sinh?

Đáp: Như loài người trong kiếp Sơ và người đã được thánh pháp. Vì đã chứng thánh pháp thì không còn noãn sinh và thấp sinh.

Hỏi: Vì sao không còn noãn sinh và thấp sinh?

Đáp: Vì noãn sinh và thấp sinh là thuộc về loài súc sinh.

Súc sinh có đủ bốn hình thái sinh. Trong đó thai sinh, noãn sinh và thấp sinh có thể biết. Còn hoá sinh, theo kinh Lâu thán ghi: “Như bốn loài kim sí điểu (noãn, thai, thấp, hóa) ăn thịt bốn loài rồng (noãn, thai, thấp, hóa). Trong đó, kim sí điểu hóa sinh ăn bốn loài rồng, kim sí điểu thai sinh ăn ba loài rồng (trừ loài rồng hóa sinh), kim sí điểu noãn sinh ăn hai loài (trừ hóa và thai), kim sí điểu thấp sinh ăn một loài rồng thấp sinh”.

Lại nữa, kinh Khởi thế ghi: “Ở phía bắc biển lớn có các rồng chúa, các kim sí điểu chúa, và có một cây lớn tên là Cư-trá-xa-ma-ly. Chu vi của gốc cây ấy rộng bảy do-tuần, rễ ăn sâu vào đất hai do-tuần, thân cao một trăm do-tuần, cành lá che phủ năm mươi do-tuần. Phía đông của cây ấy có rồng noãn sinh và kim sí điểu noãn sinh, phía nam cây ấy có rồng thai sinh và kim sí điểu thai sinh, phía tây cây ấy có rồng thấp sinh và kim sí điểu thấp sinh, phía bắc cây ấy có rồng hóa sinh, kim sí điểu hóa sinh. Bốn phương đều có cung điện, diện tích sáu trăm do-tuần, có bảy lớp tường và bảy báu trang nghiêm, [113c] mùi hương vi diệu xông khắp nơi, có những loài chim ca hót. Lại nữa, kim sí điểu chúa noãn sinh ở nơi đó, khi muốn bắt rồng noãn sinh liền bay đến đậu trên cành phía đông của cây Cư-trá-xà-ma-ly, nhìn biển lớn, rồi đáp xuống dùng đôi cánh quạt mạnh, khiến nước rẽ ra hai trăm do-tuần, bắt rồng noãn sinh, rồi mang ra khỏi biển ăn thịt. Kim sí điểu chúa noãn sinh chỉ bắt được rồng noãn sinh, chứ không thể bắt được rồng thai sinh, thấp sinh và hóa sinh. Nếu kim sí điểu thai sinh, muốn bắt rồng noãn sinh thì trở lại vùng biển phía đông cây ấy để bắt; muốn bắt rồng thai sinh thì đến vùng biển phía nam cây ấy rẽ nước bốn trăm do-tuần để bắt. Kim sí điểu thai sinh chỉ bắt được loài rồng thai sinh và noãn sinh, không thể bắt được rồng thấp sinh và hóa sinh.

Lại nữa, kim sí điểu thấp sinh, muốn bắt rồng noãn sinh thì trở lại vùng biển phía đông cây ấy bắt ăn; muốn bắt rồng thai sinh thì đến vùng biển phía nam cây ấy rẽ nước bốn trăm do-tuần để bắt ăn; muốn bắt rồng thấp sinh thì đến vùng biển phía tây của cây ấy rẽ nước tám trăm do-tuần để bắt; kim sí điểu thấp sinh chỉ bắt được rồng thai sinh, noãn sinh và thấp sinh, không thể bắt được rồng hóa sinh.

Lại nữa, kim sí điểu chúa hóa sinh muốn bắt rồng noãn sinh thì đến vùng biển phía đông cây ấy để bắt; muốn bắt rồng thai sinh thì đến vùng biển phía nam cây ấy để bắt; muốn bắt rồng thấp sinh thì đền vùng biển phía tây của cây ấy để bắt; muốn bắt rồng hóa sinh thì đến vùng biển phía bắc của cây ấy rẽ nước một nghìn sáu trăm do-tuần để bắt. Các loài rồng đều là thức ăn của kim sí điểu chúa”.

Kinh Quán Phật tam-muội ghi: “Đức Phật dạy: trong cõi Diêm-phù-đề và tứ thiên hạ có loài kim sí điểu tên Ca-lâu-la vương, nó rất tự tại trong các loài chim. Nghiệp báo của loài chim này là thích ăn thịt các loài rồng. Ngày thứ nhất ở cõi Diêm-phù-đề, nó ăn một con rồng chúa và năm trăm con rồng nhỏ; ngày thứ hai ở cõi Phất-bà-đề, ngày thứ ba ở cõi Cù-da-ni, ngày thứ tư ở cõi Uất-đan-việt đều ăn một con rồng chúa và năm trăm rồng nhỏ. Cứ lần lượt xoay vần như thế, trải qua tám nghìn năm, chim này chết rồi lại xuất hiện. Bấy giờ, các loài rồng nhả độc để nó không thể ăn được. Loài chim kia bị đói khát bức bách, hoảng hốt đi tìm thức ăn, [114a] bay lượn khắp các núi mà cũng không được. Nó bay đến núi Kim Cương rồi dừng lại, từ đây nó bay thẳng đến Thủy luân[54]; từ Thủy luân bay đến Phong luân, tại đây, nó bị gió thổi bay trở về lại núi Kim Cương. Qua lại bảy lần như thế thì chết. Sau khi chết, do nọc độc của nó mà mười núi báu đồng thời phát cháy. Bấy giờ, rồng chúa Nan-đà sợ cháy núi này bèn phun mưa lớn như trút nước, thịt chim tan hết chỉ còn quả tim. Tim của nó cũng bay lên rơi xuống bảy lần như trước. Sau đó, quả tim trở lại ở trên đỉnh núi Kim Cương. Rồng chúa Nan-đà lấy quả tim của chim này làm hạt minh châu. Về sau, Chuyển luân vương có được ngọc này, cho đó là ngọc như ý”.

Lại nữa, kinh Lâu thán ghi: “Các rồng chúa trong bốn phương thiên hạ bị ba thứ nóng thiêu đốt, chỉ riêng rồng chúa A-nậu-đạt tránh khỏi. Bởi ba lý do là các rồng chúa khác bị mưa cát nóng tắp vào thân, thiêu đốt rất đau đớn; các rồng chúa khác khởi tâm dâm liền có ngọn gió nóng thổi đến thiêu đốt thân, nên nhan sắc bị hủy hoại, làm thân rắn, nên sợ hãi không vui; các rồng chúa khác bị kim sí điểu ăn, nên rất sợ hãi. Do đó, các rồng chúa khác trong thiên hạ đều bị độc nóng thiêu đốt, chỉ có rồng chúa A-nậu-đạt không bị thiêu đốt”.

Kinh Thiện kiến ghi: “Đức Phật dạy: loài rồng có năm trường hợp không lìa thân rồng. Một, khi hành dâm, nếu rồng với rồng hành dâm thì được thân rồng, còn rồng hành dâm với người thì không hiện thân rồng; hai, lúc sinh ra; ba, khi thay da; bốn, khi ngủ; năm, khi chết”.

Hỏi: Bốn loại thức ăn và các cõi tương quan như thế nào?

Đáp: Luận Tì-đàm ghi: “Trong sáu đường đều có bốn loại thức ăn, nhưng tính chất khác nhau. Như ở địa ngục có đoàn thực là hòn sắt nóng và nước đồng sôi, tuy khổ đau tăng mà vẫn còn đói khát; như trong địa ngục Khinh Hệ có hai ngọn gió nóng và lạnh cùng thổi vào thân, đó là đoàn thực[55]. Riêng hai cõi Sắc và Vô sắc không có đoàn thực, vì thân ở đó rất nhẹ nhàng”.

Bài kệ trong luận ghi:

Dục có bốn thức ăn,

Xúc, đoàn, thức, thiền duyệt,

Bốn loài trong sáu nẻo,

Cũng đầy đủ như thế,

Cõi Sắc và Vô sắc,

Chỉ có ba thức ăn,

Vốn không có đoàn thực.

Hỏi: Chưa biết chúng sinh trong sáu nẻo dùng thức ăn gì để tăng trưởng?

Đáp: Trong luận Tì-đàm ghi: “Chúng sinh trong sáu nẻo thì loài quỷ, loài noãn sinh và chư thiên ba tầng trời dưới ở cõi Vô sắc đều chỉ nhờ vào tư thực[56] mà được tăng trưởng. [114b] Vì sao? Vì chúng sinh trong loài ngạ quỷ nhiều ý hành[57]. Chúng sinh thuộc noãn sinh khi còn ở trong trứng nhờ nhớ nghĩ đến mẹ, nên trứng không bị hư. Chư thiên thuộc ba tầng trời dưới của cõi Vô sắc cũng giống như ý hành, nhiều tư duy, cho nên đều dùng tư thực để tăng trưởng.

Lại, trong cõi người và sáu tầng trời cõi Dục, đều dùng đoàn thực mà tăng trưởng. Vì sao? Vì chúng sinh trong hai cõi này nhờ vào đoàn thực để nuôi sống thân mạng.

Còn toàn bộ chúng sinh trong các địa ngục và cõi Phi tưởng đều nhờ thức thực[58] để tăng trưởng. Vì sao? Vì chúng sinh trong địa ngục nhờ thức để giữ danh (tâm) và sắc (thân); còn chúng sinh cõi Phi tưởng dùng thức để giữ danh (tâm).

Lại, chúng sinh ở cõi Sắc và loài thấp sinh đều nhờ xúc thực mà tăng trưởng. Vì sao? Vì chúng sinh ở cõi Sắc cảm thụ niềm vui tu thiền định để nuôi thân; chúng sinh thuộc loài thấp sinh nhờ tiếp xúc với sự ẩm ướt để duy trì sự sống”.

XXI.4. Ngũ sinh

Luận Địa trì ghi: “Sinh thân của bồ-tát có năm loại trụ trong các hạnh, làm an lạc cho tất cả chúng sinh: sinh thân dứt khổ; sinh thân tùy loại; sinh thân thù thắng; sinh thân tăng trưởng và sinh thân sau cùng.

Vì nguyện lực mà bồ-tát ở trong đời đói khát làm thân loài cá lớn v.v… dùng thịt mình để cứu tất cả chúng sinh. Ở trong đời có nhiều bệnh tật, bồ-tát làm vị đại y vương chữa trị bệnh cho các chúng sinh. Ở trong đời binh đao, bồ-tát làm vua có thế lực mạnh để chấm dứt chiến tranh, dùng chính pháp để giáo hóa kẻ tà ác. Như thế, bồ-tát cứu vô lượng chúng sinh được vãng sinh, nên gọi là sinh thân dứt khổ.

Dùng năng lực của nguyện tự tại, nếu các loại chúng sinh như trời, rồng, quỷ, thần thay nhau nhiễu loạn và các hàng ngoại đạo khởi tà kiến, bồ-tát hiện thân vào trong đó, làm vị đứng đầu, chỉ dạy và dẫn dắt họ vào chính đạo. Đây gọi là sinh thân tùy loại.

Bồ-tát dùng tính để thụ thân, nên tuổi thọ và hình tướng của thân thù thắng hơn người ở thế gian, nên gọi là sinh thân thù thắng.

Từ bồ-tát Tịnh tâm trụ cho đến bồ-tát Tối thượng trụ, tự tại thụ sinh ở cõi Diêm-phù-đề, tất cả chỗ thụ sinh đều đặc biệt, đó là thân tăng thượng.

Bồ-tát tối thượng trụ thụ sinh, điều phục các nghiệp, bồ-đề tăng trưởng đầy đủ, sinh vào nhà sát-đế-lợi, bà-la-môn và chứng Vô thượng đẳng chính giác, làm tất cả các Phật sự, đó là sinh thân sau cùng.

Bồ-tát trong ba đời đều có năm loại sinh thân này, tất cả đều là thân tối thượng, nhân đó mà mau thành Vô thượng chính đẳng giác”.

[114c] Luận Du-già ghi: “Sinh thân của bồ-tát đại khái có năm loại, thâu nhiếp tất cả sinh thân. Tất cả bồ-tát thụ sinh thân không có tội, làm lợi ích an lạc cho các loài hữu tình. Năm sinh thân đó là sinh thân trừ tai họa; sinh thân tùy loại; sinh thân có thế lực lớn; sinh thân tăng thượng và sinh thân sau cùng.

Bồ-tát ở trong cảnh đói khát, làm loài cá lớn cứu giúp cho tất cả chúng sinh được no đủ. Hoặc có chúng sinh nào đau ốm, bồ-tát làm vị đại y vương, chữa trị cho họ lành bệnh; hoặc gặp lúc chiến tranh, bồ-tát làm vị vua có thế lực lớn, khéo dùng phương tiện để chấm dứt chiến tranh; hoặc nước có vua ác cai trị không đúng đạo lý, thì bồ-tát dùng nguyện lực thương yêu tất cả; hoặc khởi tà kiến để dứt trừ tà ác. Đó là lược nêu về sinh thân trừ tai họa.

Bồ-tát dùng sức nguyện lớn, sinh vào cõi có nhiều loài khác nhau, dùng phương tiện giáo hóa, khiến họ thực hành điều thiện. Đây là lược nêu sinh thân tùy loại.

Có bồ-tát khi nương vào tính thụ sinh, thụ hưởng phúc báo về tuổi thọ, thân thể, dòng họ tự tại, giàu sang v.v… rất thù thắng. Tất cả các việc làm đều lợi mình, lợi người. Đây là lược nêu sinh thân có thế lực lớn.

Có bồ-tát giai vị Thập địa[59], thụ Thập vương hoa báo[60] rất tối thắng, thành tựu viên mãn. Đó là nhờ phúc nghiệp tăng thượng cảm ứng. Đây là lược nêu sinh thân tùy tăng thượng.

Có bồ-tát ngay trong đời này đã viên mãn tư lương bồ-đề, hoặc sinh vào nhà quốc vương tôn quý, có khả năng thị hiện bậc Đẳng giác, làm nhiều Phật sự. Đây là lược nêu sinh thân tối hậu.

Chỗ sinh về thanh tịnh, hiền thiện, thù thắng của các bồ-tát ở trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều thuộc vào năm thân này. Ngoài năm sinh thân này ra, không có sinh thân nào hơn, chỉ trừ phàm địa bồ-tát[61] thụ sinh. Vì ở đây ý muốn nêu sinh thân bồ-tát, là nơi nương gá của quả đại Bồ-đề, giúp cho các bồ-tát mau chứng quả Bồ-đề”.

XXI. 5. Trung ấm

Như luận Tân Bà-sa ghi: “Trung ấm có rất nhiều tên: trung hữu[62], kiền-đạt-phược, cầu hữu, ý thành.

Hỏi: Thế nào gọi là trung hữu?

Đáp: Vì thân này tồn tại trong khoảng thời gian từ một niệm sau khi thân này chết đến một niệm trước khi thụ sinh. Tức tự thể tồn tại trong thời gian giữa tử hữu[63] và sinh hữu[64].

Hỏi: sao trung hữu gọi là kiền-đạt-phược?

Đáp: Vì thân trung hữu chỉ ngửi hương để sống. Tên gọi này chỉ gọi thân trung hữu ở cõi Dục.

Hỏi: Vì sao thân trung hữu lại có tên là cầu hữu?

Đáp: Vì cầu sinh hữu ở sáu cõi.

Hỏi: Vì sao thân trung hữu lại gọi là ý thành?

Đáp: Vì từ ý sinh, nghĩa là các hữu tình từ ý sinh, hoặc từ nghiệp sinh, hoặc [115a] từ quả báo dị thục sinh, hoặc từ dâm dục sinh. Từ ý sinh là loài người ở kiếp sơ, thân trung hữu ở cõi Sắc, Vô sắc và thân biến hóa. Từ nghiệp sinh là chúng sinh trong các địa ngục. Như khế kinh ghi: “Loài hữu tình ở trong địa ngục, do nghiệp lực trói buộc không thể thoát ly, đó là sinh từ nghiệp lực, không phải từ ý. Từ quả dị thục sinh là các loài chim và quỷ thần; do năng lực quả báo dị thục của các loài ấy nhẹ, nên có khả năng bay trên hư không, không bị ngăn ngại. Từ dâm dục sinh là sáu tầng trời ở cõi Dục và loài người. Các thân trung hữu từ ý sinh, nên mọi hoạt động cũng đều theo ý. Đó gọi là ý thành”.

Lại nữa, luận Bà-sa ghi:

Hỏi: Thân trung hữu đầy đủ các căn không?

Đáp: Tất cả thân trung hữu đều đầy đủ các căn. Khi vừa mới thụ quả báo dị thục thì đã hoàn hảo. Nhưng cũng có thuyết cho rằng không toàn vẹn các căn, như cái ấn đóng vào vật thì hình tượng hiện ra. Từ thân trung hữu đến bản hữu[65] cũng như thế, khi ở giai đoạn bản hữu thì các căn không đầy đủ”.

Trong hai thuyết này, thuyết thứ nhất là đúng, nghĩa là thân trung hữu cầu thụ sinh ở sáu cõi thì các căn đầy đủ. Ở đây nói các căn như mắt v.v… chứ chẳng phải nam nữ căn. Thân trung hữu ở cõi Sắc thì không có các căn, còn thân trung hữu ở cõi Dục thì có, nhưng các căn ấy không nhất định. Thân trung hữu của hai hình thái thai sinh và noãn sinh đều có nam căn và nữ căn, đến khi vào thai thì trở thành thiếu khuyết; nếu không như vậy thì không có nghĩa thai sinh và noãn sinh.

Hỏi: Hình tướng của thân trung hữu trong các đường như thế nào?

Đáp: Thân trung hữu trong địa ngục thì đầu hướng xuống chân hướng lên. Cho nên kệ ghi:

Rơi vào trong địa ngục,

Chân lên, đầu quay xuống,

Do hủy báng chư tiên,

Khổ hạnh nơi vắng lặng.

Thân trung hữu của các cõi trời, chân hướng xuống, đầu hướng lên, như người bắn mũi tên lên bầu trời, tư thế của thân trung hữu này hướng thẳng đến cõi trời. Còn các thân trung hữu của các loài khác đều hướng đi ngang, như chim bay ngang trong bầu trời hướng về tổ của nó; lại như các vị tiên bay được vẽ trên bức tường, toàn thân bay ngang tìm đến những nơi sẽ sinh về.

Hỏi: Tướng di chuyển của thân trung hữu đều như thế hết sao?

Đáp: Không hẳn như thế! Hơn nữa, căn cứ vào khi chết của loài người mà nói, nếu chúng sinh ở địa ngục chết sinh trở lại địa ngục thì không hẳn chuyển theo tư thế đầu hướng xuống, chân hướng lên. Nếu loài trời chết, sinh lại cõi trời thì không hẳn với tư thế chân hướng xuống, đầu hướng lên. Nếu chúng sinh ở địa ngục chết mà sinh vào cõi người thì chuyển theo tư thế đầu hướng lên. Nếu loài trời chết mà sinh về cõi người thì đầu quay xuống dưới. Nên biết, tướng di chuyển của thân trung hữu loài quỷ và bàng sinh như thế nào thì tùy theo nơi sinh đến của chúng.

[115b] Hỏi: Khi thân trung hữu sinh, có mặc áo không?

Đáp: Trung hữu ở cõi Sắc, hầu hết đều có áo, vì chúng sinh ở cõi Sắc rất hổ thẹn, hổ thẹn chính là y phục của pháp thân. Như pháp thân đầy đủ y phục tốt đẹp, thì sinh thân cũng vậy, cho nên thân trung hữu ở cõi ấy đều mặc áo. Thân trung hữu ở cõi Dục phần nhiều không có áo, vì chúng sinh trong cõi Dục phần lớn ít tàm quí, chỉ trừ bồ-tát và tì-kheo-ni bạch tịnh khi thụ thân trung hữu thường có y phục rất đẹp. Có thuyết khác ghi: Thân trung hữu của bồ-tát cũng có khi không mang y phục, nhưng thân trung hữu của tì-kheo-ni bạch tịnh thường mặc y phục.

Hỏi: Vì sao thân trung hữu của bồ-tát không có y phục, mà tì-kheo-ni bạch tịnh lại có y?

Đáp: Vì tì-kheo-ni bạch tịnh thường dùng y phục cúng dường cho tăng bốn phương, cho nên thân trung hữu của họ thường có y phục.

Hỏi: Nếu như thế, bồ-tát vào thời quá khứ cũng cúng dường y phục đẹp cho tăng bốn phương, dù tì-kheo-ni bạch tịnh cúng dường nhiều như vi trần cũng không thể so sánh với bồ-tát, sao thân trung hữu của bồ-tát không có y phục, mà họ lại có?

Đáp: Nguyện lực của họ khác với bồ-tát, vì sau khi tì-kheo-ni bạch tịnh cúng dường y phục cho tăng bốn phương xong, liền phát nguyện: “Nguyện con đời đời được mang y phục, cho đến thân trung hữu cũng không thể để lộ thân hình”. Do nguyện lực ấy, cho nên khi được sinh về bất cứ nơi nào họ thường được đầy đủ y phục. Đến thân sau cùng, khi thụ thân trung hữu cũng mang y phục vào thai mẹ và y phục không lìa thân cho đến khi xuất thai. Thân ấy cứ như thế, dần dần lớn lên, về sau xuất gia thụ giới cụ túc, liền chuyển thành ngũ y[66], nỗ lực tu chính hạnh, không lâu liền chứng quả A-la-hán. Về sau, khi chứng Niết-bàn, họ liền dùng y này trùm thân để thiêu. Bồ-tát trong quá khứ ba a-tăng-kì, tu tập vô lượng hạnh thiện thù thắng đều hồi hướng Vô thượng bồ-đề, làm lợi ích an lạc cho mọi chúng sinh, do hạnh nguyện này, nên tuy được tướng hảo, nhưng không có y phục. Đó là nguyện lực thù thắng của bồ-tát chứ không phải nạn.

Hỏi: Có phải thức ăn của thân trung hữu là đoàn thực không?

Đáp: Trung hữu của chúng sinh ở cõi Sắc không dùng đoạn thực. Thân trung hữu của chúng sinh ở cõi Dục thì dùng đoàn thực.

Hỏi: Trung hữu ở cõi Dục dùng đoàn thực như thế nào?

Đáp: Có thuyết ghi: “Trung hữu cõi Dục đến chỗ có thức ăn liền ăn; đến chỗ có thức uống liền uống. Nhờ thức ăn, thức uống đó để sinh sống, tồn tại”.

Thuyết này không đúng! Vì sao? Bởi vì trung hữu của chúng sinh rất nhiều, khó cứu tế hết được, cho nên khế kinh chép: [115c] “Như đổ lúa gạo đầy vào trong chảo lớn. Chúng sinh trong năm đường, thụ thân trung hữu khắp nơi, số lượng gấp bội với số lúa gạo kia. Gom hết tất cả thức ăn, thức uống ở thế gian cũng chỉ đủ cung cấp cho trung hữu loài chó mà thôi. Trung hữu của một loại chúng sinh còn không thể cung cấp đủ, huống có thể cung cấp đủ cho tất cả trung hữu của các loài chúng sinh khác ư?” Lại, trung hữu rất nhẹ và nhỏ nhiệm, nếu thụ thức ăn thô nặng thân sẽ bị tan hoại. Nói đúng hơn, trung hữu chỉ hưởng mùi hương, chứ không thể ăn sắc chất thô, cho nên nếu không có tội lỗi trong quá khứ thì gọi đó là chúng sinh có phúc, hưởng thụ các thứ hoa quả thanh tịnh, mùi hương nhẹ nhàng để sinh tồn. Nếu chúng sinh không có phúc thì hưởng các thứ không sạch, có mùi hôi thối, để sinh tồn. Lại nữa, các trung hữu ấy hưởng rất ít mùi hương, cho nên trung hữu dù nhiều vẫn cung cấp đủ.

Lại nữa, luận Đại tì-bà-sa trích dẫn lời dạy của Đức Thế Tôn: “Ba việc hòa hợp sẽ vào thai mẹ: một, cha mẹ đều có nhiễm tâm hòa hợp; hai, thân thể người mẹ an vui không bị bệnh, đúng thời; ba, kiền-đạt-phạ[67] đang ở ngay đó; bấy giờ kiền-đạt-phạ này lần lượt khởi hai tâm[68] mà nhập thai mẹ”. Cũng tức là: cha mẹ yêu thương giao phối nhau; thân thể người mẹ đúng thời an vui; Kiền-đàn-phạ hiện diện.

Cha mẹ đều có nhiễm tâm hòa hợp, nghĩa là cha mẹ đều khởi tâm tham dâm, rồi cùng nhau giao hợp.

Thân thể người mẹ đúng thời, an vui, nghĩa là người mẹ khởi tham dâm, thân tâm đều vui thích. Người trì luật cho là do người mẹ khởi tâm tham dâm, thân tâm vẩn đục như nước mùa xuân, mùa hạ chảy ra không thể tự kiềm chế, đó gọi là thân vẩn đục. Bụng mẹ không có các chứng phong nhiệt thay nhau bức bách, nên gọi là không mắc bệnh. Từ đây thai nhi được bảo bọc trong bụng mẹ khoảng chín hoặc mười tháng không bị hư hoại. Nói “đúng thời” là thân người mẹ có các chất dơ xấu, hằng tháng thường có khí huyết chảy ra. Nếu khí huyết chảy nhiều thì do quá ẩm ướt, nên thai không thành; nếu chảy ít, thì khiến cho quá khô, nên thai cũng không thành. Nếu khí huyết này vừa đủ, không khô không ướt thì thai nhi mới thành, gọi là đúng thời. Lúc thân trung hữu này nhập thai, chính là lúc còn lại hai giọt huyết sau cùng của người mẹ, kết hợp với một giọt tinh sau cùng của người cha, tinh và huyết này hòa quyện với nhau mới thành thai.

Kiền-đạt-phạ hiện diện, chính là thân trung hữu có mặt tại chỗ ấy, ngay lúc đó, không phải ở nơi khác, không sớm không muộn. [116a] Bấy giờ, kiền-đạt-phạ này hiện khởi hai tâm, liền nhập thai mẹ. Nghĩa là khi kiền-đạt-phạ sắp nhập thai, nếu kiền-đạt-phạ là nam thì khi sắp nhập thai thì khởi tâm thương yêu người mẹ; khởi tâm sân đối với người cha, và ngược lại.

Hỏi: Thân trung hữu nhập thai mẹ từ đâu ?

Đáp: Có thuyết ghi: thân trung hữu không bị ngăn ngại, tùy theo chỗ nó ưa thích đều có thể vào thai.

Hỏi: Nếu thân trung hữu không có gì ngăn ngại, tại sao lại phải nương thai mẹ?

Đáp: Do nghiệp lực dẫn dắt cho nên nương thai mẹ. Nghiệp lực của chúng sinh không thể nghĩ bàn, từ không chướng ngại thành có chướng ngại, vì thế chẳng nên gạn hỏi điều này. Phải nói: trung hữu nhập thai ắt từ sinh môn, chính là chỗ nó ưa thích. Từ lí này đưa đến song sinh, người sinh ra sau là anh, chị. Vì sao? Vì người nhập thai trước ắt sinh ra sau.

Hỏi: Trung hữu của bồ-tát nhập thai từ đâu?

Đáp: Bồ-tát nhập thai từ hông bên phải, biết rõ việc nhập thai, đối với người mẹ biết rõ là mẹ, không khởi tâm dâm ái. Lại có thuyết ghi: nhập thai từ sinh môn, vì các loài noãn sinh, thai sinh đều như thế cả. Lại có thuyết khác nói: bồ-tát có phúc trí rất lớn, cho nên khi sắp nhập thai, tâm hoàn toàn không điên đảo, không khởi dâm ái. Còn Chuyển luân thánh vương, độc giác tuy cũng có phúc trí nhưng không lớn, nên khi sắp nhập thai tuy không điên đảo cũng khởi dâm ái. Do vậy, khi nhập thai nhất định phải qua sinh môn.

Lại nữa, luận này trích dẫn: “Nếu cha mẹ nhiều phúc đức, con kém phúc đức thì không thể nhập thai. Nếu cha mẹ kém phúc đức mà con phúc đức lớn, cũng không thể nhập thai. Phúc và nghiệp của cha, mẹ và con bằng nhau mới nhập thai”.

Hỏi: Nếu bậc trượng phu giàu sang, giao hợp với người nữ bần cùng, hoặc người nữ giàu sang giao hợp với người nam bần cùng, thì trung hữu nhập thai như thế nào?

Đáp: Nếu người nam giàu sang giao hợp với người nữ bần cùng thì tự thân khởi tưởng thấp hèn, đối với người nữ kia sinh tâm tôn kính. Nếu người nữ giàu sang giao hợp với người nam bần cùng thì tự thân khởi tưởng thấp hèn, đối với người nam kia khởi tâm tôn quý. [116b] Nếu người nam bần cùng giao hợp với người nữ giàu sang thì tự thân khởi tưởng tôn quí, đối với người nữ khởi tưởng thấp hèn. Nếu người nữ bần cùng giao hợp với người nam giàu sang thì tự thân khởi tưởng tôn quí, đối với người nam kia khởi tưởng thấp hèn. Người con đối với cha mẹ khi sắp nhập thai cũng như thế, cho nên khi nhập thai đều có nghĩa bình đẳng.

Luận hỏi: Thân trung hữu nhỏ nhiệm, tất cả tường vách núi đồi, cây cỏ đều không thể ngăn ngại, còn trung hữu này với trung hữu kia có bị ngăn ngại với nhau không?

Đáp: Có thuyết ghi: thân trung hữu này với thân trung hữu kia cũng không ngăn ngại nhau, vì nó rất nhỏ nhiệm, nên khi thân tiếp xúc nhau, không hay biết. Lại có thuyết chép: thân trung hữu này với thân trung hữu kia cũng có ngăn ngại, vì khi tiếp xúc, hai bên có lời lẽ qua lại nhau.

Hỏi: Nếu như thế thì đâu thể cho rằng thân trung hữu không ngăn ngại?

Đáp: Không ngăn ngại đối với các vật, chứ không nói với thân trung hữu khác.

Hỏi: Tất cả thân trung hữu đều ngăn ngại nhau sao?

Đáp: Cùng loại thì ngăn ngại nhau, khác loại không ngăn ngại. Nghĩa là thân trung hữu ở địa ngục ngăn ngại thân trung hữu ở địa ngục; cho đến thân trung hữu ở cõi trời luôn ngăn ngại thân trung hữu cõi trời. Có thuyết ghi: thân trung hữu thấp kém ngăn ngại thân trung hữu thù thắng, do thô nặng. Thân thù thắng không ngăn ngại thân thấp kém, do thân nhẹ. Thân trung hữu của chúng sinh ở địa ngục ngăn ngại thân trung hữu của năm đường; thân trung hữu bàng sinh ngăn ngại thân trung hữu bốn đường; thân trung hữu ngạ quỉ ngăn ngại thân trung hữu trong ba đường; thân trung hữu loài người ngăn ngại thân trung hữu của hai đường; thân trung hữu ở cõi trời chỉ ngăn ngại thân trung hữu loài trời.

Lại nữa, kinh Chính pháp niệm ghi: “Có mười bảy loại trung ấm hữu. Ông nên buộc niệm thực hành đạo tịch diệt. Nếu trời, hoặc người nhớ nghĩ đạo này, trọn không sợ sứ giả Diêm-la làm hại. Mười bảy thân trung ấm hữu là gì?

  1. Chúng sinh ở cõi người, sau khi chết nếu sinh về cõi trời, thì thấy tướng vui, bấy giờ trung ấm giống như tấm lụa trắng tinh, mềm mại, rơi xuống; lại thấy vườn, rừng, hoa, ao; nghe các tiếng ca múa đùa cười; ngửi các mùi thơm. Các thứ đáng ưa thích như thế nhiều vô lượng. Trung ấm lần lượt an vui, tiếp xúc, liền sinh về cõi trời. Nhờ nghiệp thiện nên nay được thú vui ở cõi trời, tâm vui vẻ, miệng mỉm cười, thân thể thanh tịnh. Dù thân quyến thương xót khóc than, nhưng nhờ tướng thiện nên không nghe, không thấy, tâm cũng không nhớ nghĩ. Sau khi chết, liền sinh về chỗ vui, thân giống chư thiên, như in như ấn, thấy cõi trời thù thắng nên sinh tâm ưa thích cảnh trời, liền thụ thân trời.
  2. Nếu thân trung ấm của người ở cõi Diêm-phù-đề sau khi chết, sinh về cõi Uất-đan-việt. [116c] thì thấy tấm lụa màu đỏ mềm mại đáng ưa, liền sinh tâm đắm trước và đưa tay nắm bắt như nắm bắt hư không, quyến thuộc cho rằng hai tay quờ quạng vào hư không. Lại có gió thổi đến, nếu người bệnh gặp lúc mùa đông lạnh, thì có gió ấm thổi đến đẩy lùi nỗi khổ bị lạnh; nếu gặp lúc nóng bức thì gió mát thổi đến xoa tan không khí nóng, khiến tâm vui vẻ. Vì tâm duyên theo sự vui vẻ ấy mà không nghe tiếng than khóc xót thương. Nếu nghiệp của người ấy dấy động thì tâm họ dấy động, nghe tiếng bi ai kia liền bị thổi đến nơi khác. Cho nên khi có người thân chết, mà thương xót khóc than thì rất chướng ngại. Nếu không bị trở ngại thì sẽ được sinh về cõi Uất-đan-việt. Trong thời gian đó, lần lượt có tướng thiện xuất hiện, thấy ao sen xanh, trong ao có nhiều ngỗng, vịt, uyên ương, thân trung ấm liền chạy đến, vào đó vui đùa. Nếu muốn vào thai mẹ, thì trung ấm từ ao sen này đi đến mặt đất, ngay lúc cha mẹ nhiễm dục giao hợp. Do việc bất tịnh này, đồng thời từ kiến chấp điên đảo, nên thấy người cha chính là ngỗng đực, người mẹ là ngỗng cái. Nếu sinh làm người nam thì tự thấy thân mình là ngỗng đực; nếu sinh làm người nữ thì tự thấy thân mình là ngỗng cái. Nếu sinh làm người nam thì ghét cha; mà yêu thích mẹ. Nếu sinh làm người nữ thì yêu mến cha mà ghét mẹ.
  3. Nếu chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề chết, sinh về cõi Cù-da-ni, thì khi sắp chết, chúng sinh đó thấy nhà cửa đều màu vàng như mây màu vàng ròng che phủ; thấy trong hư không có dải lụa vàng, liền đưa tay nắm bắt. Anh em, thân quyến cho rằng hai tay người bệnh cào cấu hư không. Bấy giờ, tướng thiện người này sắp hết, thấy thân mình như trâu và thấy các bầy trâu, như thấy trong giấc mộng. Nếu sinh làm người nam thì thấy cha mẹ mình giao hợp, hành bất tịnh, thấy thân người và nhiều phòng nhà. Thấy hình tướng cha mình giống như trâu đực, liền đuổi người cha đi để giao hợp cùng người mẹ. Nếu sinh làm người nữ thì tự thấy thân mình giống như trâu cái, liền nghĩ như vầy: “Cớ gì trâu đực kia giao hợp với trâu cái này mà không giao hợp với ta?”. Nghĩ như vậy rồi liền thụ thân người nữ.
  4. Nếu người cõi Diêm-phù-đề sau khi chết sinh về cõi Phất-bà-đề, thì thấy một dãi lụa xanh, màu xanh trùm khắp hư không và thấy phòng nhà trống rỗng. Sợ tấm lụa màu xanh ẩn mất liền dùng tay ngăn lại. [117a] Anh em quyến thuộc cho rằng người này ngăn hư không. Khi sắp chết, thân trung ấm như hình dáng con ngựa, thấy cha mình giống như ngựa đực, mẹ giống như ngựa cái. Khi cha mẹ ân ái giao hợp, nếu sinh làm người nam thì nghĩ: “Ta đang cùng với con ngựa cái này giao hợp”. Nếu sinh làm người nữ, thì tự thấy thân mình như hình ngựa cái và nghĩ: “Ngựa đực như thế, tại sao ta không giao hợp?”, nghĩ như vậy rồi, liền thụ thân người nữ.
  5. Nếu người ở cõi Uất-đan-việt thuộc nghiệp bậc hạ khi sắp chết, trung ấm có tướng di chuyển lên phương trên. Nếu tâm nghiệp lớn, tự tại sinh về cõi trời, thì đưa tay nắm bắt hư không. Như những gì đã thấy trong mộng, ngửi mùi hương vi diệu của hoa, nắm trong tay hoa đẹp có màu sắc và hương thơm bậc nhất, thấy hoa sinh tâm tham đắm, liền suy nghĩ ta nên leo lên cây đẹp này! Nghĩ như vậy rồi liền leo lên cây, chính là leo lên núi Tu-di, thấy hoa quả ở cõi trời vô cùng xinh đẹp. Nghĩ rằng “Ta đang dạo chơi”.
  6. Người ở cõi Uất-đan-việt, do nghiệp thuộc bậc trung, khi sắp chết sinh về cõi trời, thì thấy ao sen nở rất đẹp, có nhiều đàn ông cũng xinh đẹp, các nơi đều tỏa hương thơm; người đó bước lên hoa sen này rồi trong khoảng sát-na bay lên hư không. Giống như trong giấc mộng được sinh về cõi trời, liền nghĩ như vầy: “Nay ta sẽ đến ao sen tuyệt đẹp này!”.
  7. Người ở cõi Uất-đan-việt do nghiệp thù thắng, sinh về Thiện pháp đường[69] của cõi trời Ba Mươi Ba. Khi sắp chết, người này thấy pháp đường xinh đẹp trang nghiêm bậc nhất. Bấy giờ, người này liền bay lên pháp đường, sinh làm thiên tử trong cung điện này.
  8. Người ở cõi Uất-đan-việt sinh về cõi trời Ba Mươi Ba khi sắp chết, thấy đang vui đùa ở trong vườn rừng, hương thơm dễ chịu, nghe càng thích thú, không có các khổ não, tâm không vẩn đục. Nhờ tâm thanh tịnh nên bay lên cung điện trong hư không, cũng thấy các vị trời bay trong hư không, giống như trong mộng, thấy cõi trời Ba mươi ba thật xinh đẹp, có đầy đủ năm món dục lạc. Thế là, người này chết liền sinh về cõi trời Uất-đan-việt. [117b]
  9. Người ở cõi Cù-da-ni sau khi chết sinh về cõi trời, có hai loại nghiệp là Dư nghiệp và Sinh nghiệp. Khi sinh về cõi trời, nhờ nghiệp thiện, cho nên khi sắp bỏ thân mạng, hơi thở không uất nghẹn, mạch không đoạn dứt, các căn thanh tịnh. Người này thấy một ao lớn, nước trong ao mát mẻ, dễ chịu, ròng rã tuôn ra, chảy đến bờ kia. Lại thấy các thiên nữ xinh đẹp tuyệt vời, trang điểm đủ loại, ca múa cười đùa. Thấy các cảnh ấy, người này muốn gần gũi, đến ôm người nữ, lập tức được sinh về cõi trời hưởng thụ khoái lạc như trong giấc mộng, trung ấm liền diệt. (Người ở cõi Cù-da-ni sinh về cõi trời có ba phẩm nghiệp thượng, trung và hạ đều có thân trung ấm như nhau, ánh sáng như nhau, không giống như ba loại người ở cõi Uất-đan-việt thụ sinh khác nhau).
  10. Người ở cõi Phất-bà-đề khi lâm chung thấy tướng chết, thấy nghiệp của chính mình, hoặc nghiệp của người khác, hoặc thấy cung điện trang nghiêm thù thắng, tâm sinh hoan hỷ, muốn được sinh về chỗ ấy. Ở bên ngoài cung điện thấy có nhiều thể nữ vui chơi, ca hát cùng với những người nam. Ngay lúc đó, thân trung ấm nghĩ: “Ta muốn cùng vui chơi”, liền nhập vào nhóm đó, giống như đi vào giấc ngủ, liền sinh về cõi trời.
  11. Các loài ngạ quỉ khi nghiệp ác đã hết, thụ các nghiệp thiện. Các nghiệp thiện này vốn được tạo ở các cõi khác, giống như cha mẹ, sắp sinh về cõi trời thì có các tướng xuất hiện. Chúng sinh ở trong cõi ngạ quỉ chết, sinh về cõi trời, thì lúc ở trong cõi ngạ quỉ, chúng sinh ấy bị đói khát thiêu đốt, thường ham ăn, thường nhớ thức uống, nhưng khi sắp chết, lại không khởi niệm này, tất cả đều diệt, xa lìa được tất cả nghiệp ác. Nay tuy thấy ăn uống, nhưng chỉ dùng mắt nhìn, như người trong mộng thấy việc ăn uống và cõi trời xinh đẹp này, chạy đến, liền sinh về cõi trời.
  12. Chúng sinh do ngu si nên thụ thân súc sinh, chịu trăm nghìn ức thân sinh tử, đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh trôi lăn trong thế gian không thể cùng tận. Do còn nghiệp thiện, nên sau khi bỏ thân súc sinh [117c] liền được sinh về cõi Nhị thiền hoặc tầng trời Tứ Thiên Vương. Súc sinh, khi quả báo khổ sắp hết sẽ được thoát khỏi thân súc sinh. Khi sắp chết, nhờ còn nghiệp thiện nên thấy ánh sáng hiện, tâm ngu si mỏng dần; hoặc thấy cõi an vui, giống như những điều đã thấy trong mộng, liền chạy đến, ngay đó được sinh về cõi trời.
  13. Chúng sinh trong địa ngục khó được sinh lên cõi trời, nhưng nhờ còn nhân duyên thiện, nên khi nghiệp thành thục, nghiệp báo hết sẽ được giải thoát. Chúng sinh trong địa ngục này, khi mạng sắp hết thì có các tướng hiện ra, như bị các ngục tốt ném vào trong chảo thì giống như tắm, hết tội không còn sinh về địa ngục; nếu dùng gậy đánh, ngay khi bị đánh liền chết, không còn sinh trở lại địa ngục nữa; nếu bị ném vào trong thùng sắt, ngay khi ném liền chết thì không còn sinh về địa ngục; nếu bị ném vào sông tro, vừa bị ném xuống liền tiêu tan, không còn sinh vào địa ngục; nếu bị đánh bằng gậy sắt, liền chết, không còn sinh vào địa ngục nữa; nếu bị các loài chim sắt, các loài thú dữ ăn thịt, thì không còn sinh vào địa ngục nữa. Chúng sinh trong địa ngục này, nghiệp ác đã hết, sau khi chết không còn thấy Diêm-la ngục tốt, như dầu hết thì đèn tắt, thân trung ấm trong địa ngục không xuất hiện, bỗng nhiên nghe giữa hư không có tiếng ca múa, cười đùa, gió thơm thổi vào thân, chúng sinh này cảm thụ sự vui sướng tột bậc, liền được sinh về cõi trời Ba Mươi Ba, hoặc sinh về tầng trời Tứ Thiên Vương.
  14. Nếu chúng sinh trong cõi người chết sinh lại cõi người, thì lúc đó họ thấy bóng núi đá lớn đang ở trên đầu. Bấy giờ, người này nghĩ: “Quả núi này sẽ đè trên thân ta!”, cho nên đưa tay muốn ngăn quả núi lại. Thân quyến thấy vậy, cho là người này nắm bắt hư không. Thấy như vậy rồi, người này lại thấy quả núi giống như dải lụa trắng, liền bay lên dải lụa ấy; rồi thấy dải lụa đỏ… lần lượt thấy như thế cho đến lúc sắp chết thì thấy ánh sáng, thấy cha mẹ ân ái hòa hợp liền khởi tâm điên đảo. Nếu sinh làm người nam, thì tự thấy thân mình giao hợp với người mẹ; người này cho người cha là vật ngăn ngại. Nếu sinh làm người nữ, thì tự thấy thân mình giao hợp với người cha, cho người mẹ là vật ngăn ngại. Ngay lúc ấy, thân trung ấm này hoại, thân kế tiếp hình thành, như ấn sáp ấn xuống bùn, ấn sáp hoại thì đường nét thành.

[118a] 15. Chư thiên ở cõi trời sau khi chết sinh về cõi trời trên thì không có khổ não. Như các vị trời khác khi sắp chết, do có nỗi khổ thương yêu chia lìa, nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Các vị trời này không mất những vật dụng trang nghiêm thân mình, cũng không có vị trời khác ngồi vào chỗ của mình, liền sinh về cõi trời tốt đẹp hơn. Như các vị trời ở Tứ Thiên Vương sau khi chết sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba có tướng tốt đẹp đáng ưa thích.

  1. Nếu các vị trời từ cõi trời trên sinh xuống cõi trời dưới, thì lúc đó thấy các cảnh hoa sen, vườn cây, ao hồ v.v… đều không giống như nơi mình ở. Khi thấy như vậy rồi, liền đói khát, khổ não mong muốn được sinh đến cõi ấy. Như vậy, tuy cùng sinh về cõi trời, nhưng trung ấm có hai loại tướng sinh khác nhau.
  2. Nếu chúng sinh ở cõi Phất-bà-đề sinh vào cõi Cù-đà-ni, có những tướng như thế. Còn chúng sinh ở cõi Cù-đà-ni sinh vào cõi Phất-bà-đề thì có những tướng gì? Người trong hai cõi ấy sinh qua lại lẫn nhau đều cùng một tướng. Khi sắp chết, họ thấy một hang tối, trong hang đó có tia chớp đỏ chiếu xuống như lá phướn, hoặc màu đỏ, hoặc màu trắng. Người ấy nhìn thấy liền đưa tay nắm bắt, vin theo phướn mà vào trong hang này, sinh ấm liền diệt, thụ thân trung ấm. Khi sắp thụ thân sau, cũng giống như đã trình bày ở trước. Hoặc thấy hai con trâu, hoặc hai con ngựa ân ái giao hợp, liền sinh tâm dục; khi sinh tâm dục liền thụ sinh ấm”.

XXI.6. Thụ thai

Luật Thiện kiến ghi: “Người nữ khi sắp mang thai, thì nguyệt hoa thủy (một loại máu) chảy ra, nơi mang thai sinh một cục máu, sau bảy ngày tự vỡ rồi chảy ra. Nếu máu chảy không dứt thì tinh trùng của người nam không bám vào được mà cùng chảy ra ngoài. Nếu máu hết chảy, thì tinh trùng trở lại vùng ấy, sau đó mới kết thành thai. Lại nữa, người nữ có bảy việc đưa đến thụ thai: một là tiếp xúc nhau; hai, nhận áo; ba, rơi tinh; bốn, xoa tay; năm, thấy sắc; sáu, nghe tiếng; bảy, ngửi mùi”.

Hỏi: Thế nào là tiếp xúc nhau thụ thai?

Đáp: Khi người nữ có nguyệt thủy, rất thích người nam, nếu người nam [118b] dùng thân mình tiếp xúc với phần thân của người nữ, liền sinh yêu thích mà mang thai.

Hỏi: Sao gọi là nhận áo thụ thai?

Đáp: Như Ưu-đà-di cùng với vợ xuất gia, nhưng dục ái vẫn không dứt, nên hai người thăm hỏi nhau, tâm dâm bộc phát, xuất tinh vấy vào áo, người vợ dùng lưỡi liếm tinh đó và bỏ vào nữ căn, do đó mà thụ thai.

Hỏi: Thế nào là hạ tinh thụ thai?

Đáp: Như Lộc Mẫu do dục tâm mà uống tinh của đạo sĩ, liền mang thai sinh ra đạo sĩ Lộc Tử.

Hỏi: Sao gọi là thụ thai do dùng tay xoa?

Đáp: Như cha mẹ của bồ-tát Thiểm Tử sắp bị mù, Đế Thích biết được, bèn xuống gặp và bảo: “Âm dương hòa hợp mới sinh con!”. Nhưng vợ chồng người ấy đã xuất gia, nên thưa với Đế Thích: “Chúng tôi đã xuất gia, theo giới luật thì không được làm như vậy”. Đế Thích mới bảo: “Như vậy nên lấy tay xoa rốn”. Hai vợ chồng bèn làm theo lời chỉ bảo của Đế Thích liền mang thai sinh ra Thiểm Tử.

Hỏi: Sao gọi là thấy sắc thụ thai?

Đáp: Có một người nữ, đến kỳ kinh nguyệt mà không được giao hợp với người nam, vì tình dục quá mạnh, nên chỉ thấy người nam liền thụ thai, như cung nữ.

Hỏi: Sao gọi là nghe âm thanh thụ thai?

Đáp: Như loài hạc trắng chỉ có chim mái mà không có chim trống, đến mùa xuân, khí dương bắt đầu bao phủ, tiếng sấm vừa phát ra, chim hạc mái lắng nghe tiếng sấm, liền mang thai. Gà cũng có khi nghe tiếng gà trống mà mang thai.

Hỏi: Sao gọi là ngửi mùi thơm liền thụ thai?

Đáp: Như trâu cái chỉ ngửi mùi trâu tơ mà mang thai.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo, có ba nhân duyên thần thức không thể thụ thai: một, người mẹ khởi tâm dục, cha mẹ cùng ở một chỗ, nhưng bên ngoài thần thức chưa đến, thì không thụ thai; nếu thần thức đến mà cha mẹ không cùng ở một chỗ, thai cũng không thành; hai, nếu người mẹ không khởi tâm dục, người cha tâm dục khởi mạnh, người mẹ không ưa thích việc dục nên không thụ thai; ba, nếu cha mẹ cùng ở một chỗ, người mẹ khởi dục mạnh, nhưng người cha không ưa thích thì cũng không thụ thai.

Lại có ba trường hợp: một, nếu cha mẹ cùng ở một chỗ, cha bị bệnh phong, mẹ bị bệnh hàn, thì không thụ thai; hai, nếu mẹ có bệnh phong, cha có bệnh phong thì cũng không thành thai; ba, nếu thân thể người cha có nhiều thủy khí, mẹ không bị bệnh này cũng không thụ thai.

Lại có ba trường hợp: một, nếu cha mẹ cùng ở một chỗ, mà tướng cha có con nhưng tướng mẹ không có con thì không thụ thai; hai, nếu tướng mẹ có con nhưng tướng cha không có con thì cũng không thụ thai; ba, nếu tướng cha mẹ đều không có con thì không thụ thai.

Lại có ba trường hợp: một, đúng thời, thần thức đến, nhưng cha đi xa thì không thụ thai; hai, nếu đã đúng thời, cha mẹ lẽ ra cùng ở một chỗ, [118c] nhưng mẹ đi xa thì cũng không thụ thai; ba, cha mẹ cùng ở một chỗ thì thụ thai.

Lại có ba trường hợp: một, nếu đã đúng thời cha mẹ cùng ở một chỗ, nhưng thân cha bị bệnh nặng, dù thần thức đến, cũng không thụ thai; hai, nếu thân mẹ bị bệnh nặng, cũng không thụ thai; ba, nếu cha mẹ đều bị bệnh nặng thì không thụ thai, cha mẹ không bị bệnh, thần thức đến, cha mẹ đều đủ tướng có con thì thụ thai”.

Luận Du-già ghi: “Lại nữa, thai tạng này có tám vị khác nhau: yết-la-lam; át-bộ-đàm; bế-thi; kiện-nam; bát-la-xa-khư; phát mao trảo; căn; hình. Thai vừa kết tụ nhưng vẫn còn lỏng, gọi là yết-la-lam. Nếu trong ngoài như sữa đặc, mà chưa phát triển thành thịt, gọi là át-bộ-đàm. Khi đã phát triển thành thịt, nhưng còn rất mềm thì gọi là bế-thi. Khi đã cứng chặt, có khả năng chịu đựng xúc chạm gọi là kiện-nam. Khối thịt này phát triển lớn dần và xuất hiện các tướng chi phần, gọi là bát-la-xa-khư. Khi tóc, lông, móng… xuất hiện, thì gọi là phát mao trảo. Từ đây về sau các căn như mắt, tai v.v… phát sinh, gọi là căn. Từ đây về sau, sở y của các căn hiện bày rõ ràng, gọi là hình.

Ở trong thai, đứa bé do nghiệp lực trước kia, hoặc do mẹ không tránh được sự bất bình nên buồn vui tức giận, tác động đến bào thai, khiến thai này, hoặc tóc, hoặc màu sắc, hoặc da, cho đến các chi phần đều bị biến đổi. Tóc biển đổi, là do nghiệp tạo tác đời trước, có thể chiêu cảm nghiệp ác bất thiện này và do người mẹ có thói quen dùng các vị mặn, hoặc ăn mặn hoặc uống mặn, khiến cho tóc của thai nhi thưa thớt. Màu sắc biến đổi, là do nghiệp đời trước và do người mẹ khi mang thai hay gần với khói lửa, nên khiến cho thai nhi khi sinh ra có da màu đen. Lại do người mẹ khi mang thai ở gần chỗ quá lạnh, nên khiến thai nhi sinh ra có da màu trắng. Lại do người mẹ ăn nhiều đồ nóng, khiến thai nhi sinh ra có da màu hồng. Da biến đổi là do nghiệp đời trước và do thói quen của người mẹ khi mang thai thường khởi dâm dục, khiến thai nhi khi sinh ra hoặc da bị xấu xí lở loét v.v… Chi phần biến đổi là do nghiệp đời trước và do người mẹ khi mang thai không có oai nghi, bôn ba chạy nhảy và không kiêng cử, không quân bình v.v… [119a] nên khiến thai nhi khi sinh ra các căn và các chi phần khuyết thiếu.

Lại nữa, nếu thai nhi là nữ thì nằm bên hông phải của người mẹ, tựa vào xương sống, mặt hướng về bụng; nếu thai nhi là nam thì nằm bên hông trái của mẹ, tựa vào bụng, mặt hướng vào xương sống.

Lại khi thai nhi đã đầy đủ vóc hình, người mẹ không mang nổi, sức gió bên trong liền phát sinh, rất khổ não, cũng do nghiệp báo của thai nhi này mà gió sinh phần phát khởi, khiến cho đầu hướng xuống, chân hướng lên, bọc thai quấn kín rồi hướng đến chỗ sinh ra. Đúng thời kỳ sinh nở, bọc thai liền tách ra thành hai lá. Khi ra khỏi bụng mẹ, gọi đó là đã sinh. Sau khi sinh, các căn lần lượt tiếp xúc với cảnh, tức là nhãn xúc cho đến ý xúc”.

Bài tụng:

Lẽ nghiệp thật nhiều mối,

Đường sống cũng vô cùng,

An, nguy thành đôi ngã,

Dơ sạch, đâu cùng nguồn.

Chết đi không hình dáng,

Thần thức lần theo hương,

Đọa lạc nẻo tăm tối,

Bước lên con đường sáng,

Khí âm thật giá buốt,

Uy thanh xướng rền vang,

Ném mình trong nhà cỏ,

Vui nghĩ vào vườn hoa,

Tình vợ chồng nhiễu loạn,

Tham sân mê muội mình,

Biến Tri xưng Chính Giác,

Đưa tay độc xưng Tôn.

***

Chú thích:

[36] Cái 蓋 (S: Āvaraṇa): phiền não ngăn che thiện tâm. Cái gồm có năm thứ như tham dục, sân khuể, thùy miên, trạo cử và nghi.

[37] Năm dục (ngũ dục 五欲; S: panca Kamah): năm thứ ham muốn sinh ra từ sự nhiễm trước của năm trần. Có năm thứ: sắc dục là ham muốn sắc đẹp của thế gian; thanh dục: ham muốn âm thanh; hương dục: ham muốn mùi thơm; vị dục: ham muốn những thức ăn ngon; xúc dục: ham muốn sự xúc chạm.

[38] Bốn niệm xứ (tứ niệm xứ 四念處): một khoa trong bảy khoa thuộc ba mươi bảy phẩm trợ đạo, là bốn phương pháp tập trung tâm niệm vào một điểm, đề phòng và ngăn ngừa không cho tạp niệm vọng tưởng sinh khởi để đạt được chân lí.

[39] Lạc 酪: chất dinh dưỡng đặc chế từ sữa bò, có mùi vị thơm ngon tuyệt hảo, là một trong năm vị bổ dưỡng nhất.

[40] Khẩn-đà-la 緊陀羅 (S: Kiṃnara): chỉ các vị thần trong thần thoại Ấn Độ, sau được Phật giáo dung nạp và xếp vào bộ thứ bảy trong tám bộ chúng, hình dáng của vị thần này giống như người, nhưng trên đảnh đầu có một cái sừng.

[41] Cây đàn của a-tu-la (a-tu-la cầm 阿修羅琴): loài a-tu-la do phúc đức mới có cây đàn này. Khi a-tu-la muốn nghe một nhạc khúc, dù không có người đàn, cây đàn ấy cũng có khả năng phát ra âm thanh đúng theo sở thích của họ.

[42] Kết sử 結使: tên khác của phiền não. Kết là phiền não trói buộc chúng sinh làm cho họ không thoát khỏi sinh tử; sử là các phiền não sai khiến làm não loạn chúng sinh. Kết có chín loại, sử có mười loại, gọi là chín kết mười sử.

[43]Thằng sàng 繩床: loại ghế làm bằng dây, dùng để ngồi hoặc nằm; một trong mười tám vật của tì-kheo.

[44] Bản sinh 本生: sự tích Đức Phật trong đời quá khứ thụ các thân hình và thân phận khác nhau mà tu đạo Bồ-tát.

[45] Tứ vô lượng tâm 四無量心 (S: catvāry apramāṇāni): bốn tinh thần phải có của Phật và bồ-tát để độ khắp vô lượng chúng sinh, làm cho chúng sinh lìa khổ được vui. Đó là từ, bi, hỷ, xả.

[46] Ngũ thần thông 五神通 (S: pañcābhijñā): năng lực siêu việt tự nhiên đạt được do tu tập bốn tĩnh lự căn bản. Đó là thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông.

[47] Dục giác 欲覺: cảm giác của tham dục, một trong ba ác là dục giác, sân giác và hại giác.

[48] Ưu-đà-na 優陀那 (S: udāna): đây có nghĩa là hơi thở.

[49] Ác giác quán 惡覺觀: tư tưởng xấu, có tám thứ khác nhau. Theo Đại Thừa Nghĩa chương thì tư tưởng sai gọi là giác, trái với lẽ thật gọi là ác.

[50] Nhân không 人空: quán con người do năm uẩn giả hợp làm duyên sinh ra, biết nó là ngã thể vô thường, nên gọi là nhân không.

[51] Bốn dòng (tứ lưu 四流): chúng sinh bị bốn pháp này mà sinh tử không dứt. Kiến lưu là sự thấy sai lầm trong ba cõi; dục lưu là tất cả các sai lầm trong cõi Dục, chỉ trừ kiến và vô minh; hữu lưu là sự mê lầm của cõi Sắc và Vô sắc, chỉ trừ kiến và vô minh; vô minh lưu là sự vô minh trong ba cõi.

[52] Sắc 色 (S: rūpa): từ gọi chung cho tất cả vật chất tồn tại; theo nghĩa hẹp thì sắc chỉ riêng những đối tượng của nhãn căn, nói rộng là sắc uẩn trong năm uẩn, sắc pháp trong năm vị. Sắc có tính chất biến hoại và ngăn ngại.

[53] Vô sắc 無色 (S: ārūpya): thế giới siêu việt vật chất, là cõi trời sẽ sinh về sau khi chết của những người nhàm chán sắc tưởng vật chất mà tu Tứ vô sắc định; nghĩa là sự sinh tồn của hữu tình ở thế giới này hoàn toàn không có sắc pháp, nơi chốn, do đó nên không có không gian khác nhau, nhưng do quả báo tốt xấu sai biệt nên chia thành bốn không xứ, đó là Không Vô Biên xứ, Thức Vô Biên xứ, Vô Sở Hữu xứ, Phi Tưởng Phi Thi Tưởng xứ.

[54] Thủy luân 水輪 (S: jala-maṇḍala): nằm trên Phong luân và ở dưới Kim luân. Ba luân này là sự thành lập đầu tiên của thế giới bắt đầu từ dưới lên trên, do ba lớp kiên cố này giữ gìn.

[55] Đoàn thực 段食 (S: kavaḍiṃkārāhāra, kavlī-kārāhāra): cõi Dục lấy hương, vị, xúc làm thể, ăn từng nắm từng miếng, từng phần bằng miệng và mũi. Đoàn thực chia làm hai phần: thô là cơm, cá, thịt; tế là sữa, hương và các thức uống.

[56] Tư thực 思食: (S: manaḥ-saṃcetanā-āhāra): thức ăn của ý thức, là một trong bốn loại thức ăn, một trong chín loại thức ăn. Khi tâm sở tương ưng với thức thứ sáu, đối với cảnh vừa ý thì khởi tâm mong cầu, khiến cho các căn sinh trưởng liên tục. Như người đói khát chỉ nghĩ đến ăn uống khiến cho họ no.

[57] Ý hành 意行: những tâm sở pháp nương ở tâm, trói buộc tâm, nương vào tâm mà lưu chuyển, trợ giúp tâm, cho nên suy nghĩ gọi là ý hành.

[58] Thức thực 識食 (S: vijñānākārāhāra): thức hữu lậu do thế lực của đoàn thực, xúc thực và tư thực mà tăng trưởng. Lấy thức a-lại-da làm thể, duy trì thân mạng hữu tình không hư hoại, như chúng sinh cõi Vô sắc và địa ngục lấy thức làm thức ăn.

[59] Thập địa 十地 (S: bhūmi): mười giai vị trong quá trình tu tập của bồ-tát để tiến lên quả vị Phật. Đó là Hoan Hỷ địa, Li Cấu địa, Minh địa, Diệm địa, Nan Thắng địa, Hiện Tiền địa, Viễn Hành địa, Bất Động địa, Thiện Huệ địa và Pháp Vân địa.

[60] Thập vương hoa báo 十王華報: hàng bồ-tát thập địa tu tập giáo hóa thành tựu công đức lớn, nên được quả báo làm vua cõi Diêm-phù-đề cho đến vua cõi trời Ma-ê-thủ-la và thập đại thiên vương, luôn giáo hóa chúng sinh. Vì làm thập vương là nói theo quả của bồ-tát thập địa, nên gọi là hoa báo.

[61] Phàm địa bồ-tát 凡地菩薩: bồ-tát ngoại phàm trước Thập tín, hoặc chỉ cho bồ-tát trước Thập địa.

[62] Trung hữu 中有 (S: antarā-bhava): thức thân của chúng sinh trong khoảng thời gian từ khi chết đến lúc được thụ sinh.

[63] Tử hữu 死有 (S: maraṇa-bhava): sát na cuối cùng của thọ mạng, tức là phần sắc tâm sau bản hữu, trước trung hữu.

[64] Sinh hữu 生有 (S: upapatti-bhava): sát-na đầu tiên khi sinh duyên thành thục, thoát li trung hữu và thác sinh vào thai mẹ.

[65] Bản hữu 本有 (S: pūrva-kāla-bhava): từ sau khi thụ sinh cho đến khi chết, hiện thân trong khoảng đó gọi là thân bản hữu.

[66] Ngũ y 五衣 (S: pañca cīvarāṇi): y năm điều, y phục mặc bình thường của tì-kheo.

[67] Kiền-đạt-phạ (Kiền-đạt phược 健達縛; S: gandharva): tên khác của thân trung hữu.

[68] Hai tâm (nhị tâm 二心): đình tâm và tán tâm. Đình tâm là đình chỉ vọng niệm tạp lự, tâm trụ một cảnh; tán tâm là tâm rong ruổi theo sáu trần.

[69] Thiện pháp đường 善法堂: pháp đường ở góc tây nam bên ngoài thành Thiện Kiến, trên đỉnh núi Tu-di là nơi nhóm họp của chúng trời Đao-lợi.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Sư Tử Tố Đà Bà Không Ăn Thịt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 29 – Xem Tướng - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng