Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XXX. LINH TINH

Gồm mười ba phần: Lời dẫn, Oán khổ, Bát khổ, Trùng ngụ, Ngũ tân, Hắc hơi, Đại tiểu tiện, Hộ tịnh, Minh chung, Nhập chúng, Suy tướng, Ngủ mộng, Tạp hạnh.

XXX.1. Lời dẫn

[184b] Lý thể không có âm thanh, nhưng nhờ vào ngôn từ để biểu đạt ý nghĩa. Ngôn từ không có dấu vết, nhưng nương vào văn tự để diễn phát âm thanh. Cho nên văn tự là công cụ để hiển bày ngôn từ, ngôn từ là phương tiện để diễn đạt nghĩa lý. Âm nghĩa phù hợp, không sai lạc, nên văn tự được ứng dụng khắp nơi. Mặc dù dấu tích đầy khắp trong kinh điển, mà lý vẫn phù hợp với tâm thể. Nhưng vì kinh luận phong phú, khó ghi chép hết, còn truyện ký thì phức tạp, mỗi việc có rộng có lược. Sở dĩ đạo được truyền bá khắp nơi, khai thị cho hậu học là bởi vì dấu tích của nhân duyên lập giáo vẫn rõ ràng đầy đủ, nguồn gốc của việc hóa độ thế gian vẫn còn nguyên vẹn. Cho nên sưu tầm nghiên cứu các chương điều, tóm thâu chỗ cốt yếu để biên tập thành văn, và được ghi chép đầy đủ ở các chương trước. Còn những vấn đề lặt vặt khác nhằm dẫn dắt giúp đỡ cho người, hiện có thể thực hành thì ghi chép sau đây. Mong sao vén được mây mờ hôn ám cho ngọn đèn chính pháp rạng chiếu muôn nơi!

XXX.2. Oán khổ

Kinh Trung a-hàm ghi: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dạy các tì-kheo:

– Chúng sinh từ vô thỉ đến nay luân chuyển mãi trong đêm dài sinh tử, không biết được cội nguồn của khổ đau. Các tì-kheo nghĩ sao? Nếu chặt tất cả cỏ cây trên đại địa này làm thẻ, mỗi thẻ dài bốn lóng tay, thì số lượng thẻ này vẫn chưa đủ để so với số lượng cha mẹ mà các vị đã nương gá từ vô thỉ kiếp sinh tử. Các tì-kheo! Chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử dài lâu cũng như thế đó!

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Trong vòng luân hồi sinh tử các thầy đã bú sữa mẹ nhiều hơn nước sông Hằng và bốn biển. Vì sao? Vì trong đêm dài sinh tử, các thầy khi sinh trong loài voi, bú sữa voi mẹ vô số vô lượng. Hoặc sinh trong loài cầm thú như lạc đà, ngựa, trâu, lừa v.v… bú sữa loài mẹ cũng không kể xiết. Trong đêm dài sinh tử các thầy bỏ thân mạng nơi nghĩa địa, máu mủ chảy ra cũng giống như thế. Hoặc đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, máu tủy chảy ra cũng y như vậy.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Trong đêm dài sinh tử lưu chuyển, máu thân ta chảy ra cũng nhiều vô kể, hơn cả nước trong sông Hằng và bốn bể. Trong đêm dài sinh tử ấy, các thầy đã từng sinh trong loài voi, bị cắt tai, mũi, đầu, đuôi, bốn chân, máu tuôn ra vô lượng. Hoặc thụ làm thân loài cầm thú như ngựa, lạc đà, trâu, lừa v.v… bị cắt thân thể, như cắt tai, mũi, đầu, chân… máu tuôn ra cũng không thể lường. Hoặc khi thân hoại mạng chung bỏ xác nơi nghĩa địa, máu mủ chảy ra cũng vô lượng vô biên. Hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, rã xác tiêu hình máu huyết chảy ra cũng y như thế! Trong đêm dài sinh tử lưu chuyển, [184c] nước mắt khóc tiễn biệt cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè thân thuộc, hoặc khóc khi mất của cải cũng nhiều không thể lường, hơn cả nước trong bốn biển.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Nếu các thầy gặp chúng sinh sống bình an vui vẻ thì phải nghĩ: “Trong đêm dài sinh tử, ta cũng từng cảm thụ vô lượng niềm an vui này”. Hoặc gặp chúng sinh chịu nhiều đau khổ thì phải nghĩ: “Ta từ xưa đến nay lưu chuyển trong đêm dài sinh tử, cũng từng chịu vô lượng nỗi khổ như thế”. Hoặc gặp chúng sinh mà lòng sợ hãi, rùng mình dựng tóc thì phải nghĩ: “Trong quá khứ chúng ta nhất định đã từng sát sinh, làm tổn thương, là kẻ ác tri thức của họ, nên bị lưu chuyển trong đêm dài sinh tử từ vô thỉ đến nay không biết được cội gốc, bờ mé của nỗi khổ”. Hoặc gặp chúng sinh mà sinh tâm vui mừng yêu mến thì phải nghĩ: “ Trong đời quá khứ chúng ta đã từng làm cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, thân thuộc, thầy, bạn tốt, lưu chuyển trong đêm dài sinh tử đến nay, nhưng do vô minh che lấp, ái nhiễm ràng buộc, mà không biết được cội nguồn của khổ đau”. Cho nên các thầy phải nên tu học như thế, siêng năng lập phương tiện đoạn trừ tận gốc khổ não, đừng cho tăng trưởng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ :

Một người trong một kiếp,

Nếu lưu giữ hài cốt,

Đừng để cho hủy hoại,

Chất bằng Tì-phú-la.[8]

Như các thánh đệ tử,

Chính trí đạt chân đế,

Khổ và nguyên nhân khổ,

Lìa khổ được tịch diệt.

Tu tập bát chính đạo,

Hướng thẳng đến niết-bàn,

Tột cùng trong bảy cõi[9],

Sinh qua lại trời người,

Cởi bỏ mọi ràng buộc,

Vượt khỏi bờ khổ đau.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Chúng sinh từ vô thỉ đến nay lưu chuyển mãi trong đêm dài sinh tử, không biết được nguồn gốc của khổ đau. Không một nơi nào mà Ta chưa từng sinh ra và chết đi. Cũng không một nơi nào mà không có cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, dòng họ và thầy của Ta.

Ví như trời mưa lớn, bọt nước chợt thành chợt tan. Cũng như vậy, chúng sinh bị vô minh che lấp, ái nhiễm buộc ràng, xoay vần trong đêm dài sinh tử mà không biết được nguồn gốc của khổ đau.

Ví như một trận mưa lớn, đông, tây, nam, bắc nơi nào cũng ngập nước. Cũng như thế, [185a] sự thành hoại của vô lượng quốc độ trong bốn phương như trời mưa khắp nơi không sót một chỗ nào. Nỗi khổ sinh tử của chúng sinh xoay vần trong đêm dài cũng không bờ mé.

Ví như tung gậy lên hư không, có thể đầu gậy rơi xuống trước, hoặc đuôi gậy rơi xuống trước, hoặc gậy rơi ngang xuống đất. Cũng như thế, chúng sinh từ vô thỉ chìm đắm trong đêm dài sinh tử, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sinh, hoặc đọa vào ngạ quỷ”.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Bấy giờ vua trời Dạ-ma nói với thiên chúng:

– Cõi trời, cõi người thuộc về đường lành có mười sáu nỗi khổ, đó là thân trung ấm, ở trong thai, lúc sinh, mong cầu ăn uống, ghét nhau mà gặp nhau, thương yêu mà xa lìa, thời tiết nóng lạnh, bệnh hoạn, bị người sai khiến, tìm cầu lao nhọc, gần ác tri thức, người thân lâm nạn, đói khát, bị người khác khinh chê, già, chết.

Đây là mười sáu nỗi khổ lớn trong nhân gian, đến chết vẫn còn những nỗi khổ khác. Ở trong sinh tử thật không thể chịu nổi! Trong cõi hữu vi chẳng có mảy may vui thú, tất cả đều vô thường, tất cả đều hủy hoại. Bấy giờ, vua trời Dạ-ma nói bài kệ:

Ở trong cõi đời này,

Có thân thì có khổ,

Có sinh thì có diệt,

Có diệt thì có sinh.

Khi thụ thân trung ấm,

Do nghiệp chịu khổ đau,

Trong đêm dài tăm tối,

Khổ này nói sao cùng!

Như rơi vào hố xí,

Như lửa đốt cháy thân,

Lúc ở trong thai bào,

Khổ này nói sao cùng!

Vì tham mùi vị ngon,

Tâm luôn luôn mong cầu,

Sinh ra muôn nghìn khổ,

Khổ này nói sao cùng!

Phàm phu luôn mong cầu,

Tham muốn không biết đủ,

Sinh ra các khổ não,

Khổ này nói sao cùng!

Ghét nhau mà gặp nhau,

Giống như ngọn lửa độc,

Gây ra bao não phiền,

Khổ này nói sao cùng!

Thương yêu mà lìa xa,

Lòng vô cùng khổ não,

[185b] Làm sao kham chịu nổi,

Khổ này nói sao cùng!

Thời tiết không điều hòa,

Cũng sinh muôn nghìn khổ,

Không muốn cũng phải chịu,

Khổ này nói sao cùng!

Bệnh hoạn hại thân người,

Sứ giả của thần chết,

Chúng sinh chịu khổ này,

Nói sao cho hết được!

Bị người khác sai khiến,

Mất hết quyền tự do,

Chịu bao điều cay đắng,

Khổ này nói sao cùng!

Lửa ái dục thiêu thân,

Vẫn cầu để chịu khổ,

Dần dần đến ngày chết,

Khổ này nói sao cùng!

Gần gũi với người ác,

Chịu khổ sở vô cùng,

Đưa mình về nẻo ác,

Khổ này nói sao cùng!

Thấy người thân buồn khổ,

Thì sinh lòng đau thương,

Còn hơn ở địa ngục,

Khổ này nói sao cùng!

Bị đói khát hoành hành,

Như lửa đốt ruột gan,

Hủy hoại cả thân tâm,

Khổ này nói sao cùng!

Bị bạn bè, thân thuộc,

Và mọi người khinh chê,

Thì sinh lòng buồn chán,

Khổ này nói sao cùng!

Cho đến khi già nua,

Thân gầy, tâm suy sụp,

Đi đứng phải chống gậy,

Khổ này nói sao cùng!

Thần chết cướp mạng người,

Đời này sang đời khác,

Đây là nỗi khổ lớn,

Sao nói được bằng lời!

XXX.3. Bát khổ

Kinh Ngũ vương[10] ghi: “Đức Thế Tôn dạy năm vị vua:

– Người đã sinh ra trong đời thì thân phải chịu muôn nghìn đau khổ. Nay Ta lược nói tám nỗi khổ, các ông hãy lắng nghe. Đó là sinh, già, bệnh, chết, thương yêu mà xa lìa, mong cầu mà không thỏa mãn, ghét nhau mà gặp nhau, lo lắng buồn phiền.

XXX.3.1. Thế nào là khổ do sinh?

Con người khi chết, thần thức không biết sẽ đi về đâu? Khi chưa tìm được nơi sinh thì phải thụ thân trung ấm. Trong khoảng hai mươi mốt ngày, đợi khi cha mẹ giao hợp liền vào thụ thai. Ở trong thai, bảy ngày đầu tựa như sữa loãng, [185c] bảy ngày thứ hai như sữa đong, bảy ngày thứ ba như sữa đặc, bảy ngày thứ tư như hòn thịt, bảy ngày thứ năm thai hình thành. Bấy giờ gió mát nhập vào bụng mẹ thổi vào thai nhi khiến cho hình thành sáu căn. Ở trong thai mẹ, thai nhi nằm dưới sinh tạng,[11] trên thục tạng[12]. Khi mẹ ăn chén canh nóng thì thai nhi như nằm trong vạc nước sôi. Nếu mẹ uống bát nước lạnh thì thai nhi như băng giá xát vào thân. Khi mẹ ăn no thì ép ngặt thai nhi, đau không thể nói. Lúc mẹ đói, trong bụng trống rỗng thì thai nhi như bị treo ngược, chịu khổ vô cùng. Đến thời kỳ sinh, đầu hướng xuống sản môn như bị chẹt giữa khe núi đá. Lúc sinh, mẹ nguy cấp, cha lo sợ, hài nhi mới sinh ra thân thể mềm yếu, chạm phải lá cỏ cũng đau như dao cắt, cất tiếng khóc lớn! Như thế có khổ không?

Năm vị vua đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.2. Thế nào là khổ do già?

Cha mẹ nuôi nấng đến lúc trưởng thành, dốc hết sức lực, không quản khó nhọc, chẳng màng gian lao, khiến thân thể già nua, thịnh đi suy đến, đầu bạc, răng long, mắt mờ, tai điếc, da chùn mặt nhăn, xương khớp đau nhức, đi lại khó khăn, đứng ngồi than thở, ôm lòng buồn tủi, tinh thần sa sút, khi nhớ khi quên, ngày chết sắp đến, đứng ngồi nhờ người, nói ra thật chảy nước mắt! Như thế có khổ không?

Đáp : Thật là quá khổ!

XXX.3.3. Thế nào là khổ do bệnh?

Con người do bốn đại hòa hợp mà thành, một đại không thuận thì một trăm lẻ một bệnh phát sinh, bốn đại không hòa thì bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng thời phát sinh, địa đại không thuận thì toàn thân nặng nề, thủy đại không thuận thì toàn thân phù thủng, hỏa đại không thuận thì toàn thân nóng bức, phong đại không hòa thì toàn thân sôi động, xương cốt đau nhức như bị gậy đập. Bốn đại không thuận thì chân tay run rẩy, khí lực cạn kiệt, đứng ngồi nhờ người, môi miệng khô khan, gân đứt, mũi nghẹt, mắt không thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, thân tiết ra đồ bất tịnh rồi nằm trên đó, ôm lòng khổ não, cất tiếng bi thương! Thân nhân ở bên cạnh đêm ngày chăm sóc, không lúc nghỉ ngơi, thức ăn ngon đưa vào miệng liền thành vị đắng. Những điều như thế có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ!

XXX.3.4. Thế nào là khổ do chết?

Con người lúc chết, bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng thời phát sinh. Bốn đại sắp tan rã, thần thức bất an. Lúc sắp chết, có ngọn gió lạnh bén như dao thổi cắt thân thể, đau đớn vô cùng. Bấy giờ mồ hôi toát ra, hai tay quờ quạng, người thân ở hai bên khóc lóc thảm thiết, đau tận xương tủy, không thể kiềm chế. Người chết, hơi thở ngừng đập,[186a] khí lực chấm dứt, hơi ấm không còn, thân thể cóng lạnh. Khi chết phong đại đi trước, hỏa đại theo sau, rồi thần thức mới lìa khỏi xác, thân thể trở thành vô tri. Khoảng một tuần sau, toàn thân trương phình, máu thịt tan rã hôi thối không ai dám gần. Bỏ thây ngoài đồng trống chim chóc ăn thịt, thịt hết xương khô, ngổn ngang đây đó. Như thế có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ!

XXX.3.5. Thế nào là khổ do yêu thương mà xa lìa?

Gia đình, anh em, vợ con, nội ngoại, sum họp thương mến nhau. Một hôm li tán, bị người cướp đoạt, khiến cho mỗi người mỗi ngả, cha đông, mẹ nam, con trai tây, con gái bắc, không ở một chỗ, hoặc bị ép buộc phải làm tôi tớ, chỉ biết tự buồn than. Tình cốt nhục chia lìa, biệt tăm biệt tích, xa xăm mù mịt, không biết khi nào mới được gặp nhau. Những điều như thế có khổ hay không?

Năm vị vua đều đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.6. Thế nào là khổ do mong cầu không thỏa mãn?

Những người dùng tiền tài trong nhà mua lấy chức quan, hi vọng được giàu sang, nên luôn dốc lòng tìm cầu, đến khi được làm chức quan ở vùng biên địa, chưa được bao lâu thì tham lấy của dân, bị người tố cáo. Một hôm quan phủ đưa xe ngục đến, họ đau khổ vô cùng, không biết cái chết sẽ đến lúc nào? Như vậy có khổ không?

Năm vị vua đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.7. Thế nào là khổ do ghét nhau mà gặp nhau?

Hàng phàm phu thế gian cùng ở trong ái dục, tranh giành những điều tầm thường mà sát hại lẫn nhau, không khi nào dứt, gieo nên oán thù. Mọi người xa lánh, nhưng không nơi trốn tránh, nên tự mài dao, vót tên, mang cung, cầm gậy chống giữ đề phòng. Họ rất sợ gặp nhau, nhưng oan gia ngõ hẹp đâu thể tránh được! Thế là đao, kiếm, cung, tên, chém giết lẫn nhau, chưa biết ai thắng ai thua, ngay lúc đó sợ hãi vô cùng. Như thế có khổ không?

Năm vị vua đều đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.8. Thế nào là khổ do lo lắng buồn phiền?

Người ở đời, sống thọ thì đến trăm năm, đoản mạng thì chết trong bào thai. Cho dù, người sống đến một trăm năm, nhưng ban đêm chiếm hết một nửa, còn lại năm mươi năm; trong đó say sưa, bệnh tật, không biết làm người giảm mất năm năm. Từ nhỏ đến mười lăm tuổi khờ khạo chưa biết lễ nghĩa, tám mươi tuổi trở lên, đần độn vô trí, không còn minh mẫn, tai điếc, mắt mờ, quên cả phép tắc, lại mất bốn mươi năm. Tổng cộng mất chín mươi năm. Mười năm còn lại, có lắm chuyện lo buồn như thiên hạ loạn lạc cũng lo, hạn hán cũng lo, lũ lụt cũng lo, sương lạnh cũng lo, mất mùa cũng lo; con cháu nội ngoại bệnh tật cũng lo; kinh doanh sợ mất của cũng lo; [186b] quan gia chưa đến thu thuế cũng lo; người trong nhà bị tù tội chưa biết khi nào tha cũng lo, anh em đi xa chưa về kịp cũng lo; gia đình nghèo nàn không đủ cơm áo cũng lo; xóm giềng có việc cũng lo; không tròn nghĩa vụ đối với đất nước cũng lo; trong nhà có người chết, không tiền chôn cất cũng lo; đến mùa gieo giống mà không có trâu cày cũng lo. Cứ như thế, mỗi thứ mỗi lo, không lúc nào vui vẻ. Đến ngày lễ cùng nhau tụ tập, đáng lẽ vui vẻ, nhưng lại nhìn nhau thương khóc. Những điều như thế có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ!

Lại nữa, kinh Kim Sắc vương ghi: “Có vị thiên nữ nói cho Kim Sắc Vương nghe bài kệ:

Pháp nào là khổ?

Đó là nghèo hèn.

Khổ nào lớn nhất?

Đó là nghèo hèn.

Khổ nghèo, khổ chết,

Cả hai giống nhau.

Thà chịu chết khổ,

Không chịu sống nghèo!

XXX.4. Trùng ngụ

Kinh Thiền bí yếu ghi: “Lại nữa, Xá-lợi-phất! Lúc hành giả nhập thiền định, dục giác[13] dấy khởi, gió tham dâm phát khởi khiến cho bốn trăm lẻ bốn mạch máu từ nhãn căn cho đến thân căn đồng thời dao động, các căn bế tắc, kích động gió tâm, khiến tâm điên cuồng. Do sự phát cuồng này, mà bị quỷ mị bám lấy. Cho nên ngày đêm suy nghĩ, phải nhanh chóng trị tham dục như cứu lửa cháy trên đầu.

Phương pháp trị dục tâm là dạy cho hành giả quán tử tạng. Tử tạng nằm dưới sinh tạng, trên thục tạng, có chín mươi chín lớp màng, như cái bào thai heo chết. Bốn trăm lẻ bốn mạch nơi tử tạng tủa ra như rễ cây, lan khắp các căn, như bọc chứa phân dơ. Một nghìn chín trăm chi tiết phân bố như tàu lá chuối, tám mươi ổ vi trùng bao quanh. Một trăm lẻ bốn mạch và tử tạng như ruột ngựa, nối thẳng xuống sản môn như vòng đeo tay, đoạn to đoạn nhỏ, trên tròn dưới nhọn, giống như bối xỉ[14]. Trong chín mươi chín lớp, giữa mỗi lớp có bốn trăm lẻ bốn con trùng, mỗi con trùng có mười hai đầu và mười hai miệng. Khi người uống nước, tinh chất của nước thấm vào mạch, phân ra khắp các con trùng, rồi vào đầu trùng Tì-la, thẳng xuống sản môn, cứ mỗi nửa tháng xuất ra nước bất tịnh, các loài trùng đều nhả nước giống như bọc mủ vỡ, chảy vào miệng chín mươi con trùng khác. [186c] Từ trong sáu lỗ của hai mươi con trùng lại tiết ra một chất như dịch đỏ, trong đó lại có những con trùng nhỏ như đầu sợi lông.

Các Thiện nam! Do tội ác từ đời trước, nên bốn trăm lẻ bốn mạch máu từ nhãn căn phân tán ra tứ chi, rồi dẫn vào ruột, đến dưới sinh tạng, trên thục tạng. Ở hai bên mạch của phổi, tì, thận, mỗi mạch đều có sáu mươi bốn con trùng, mỗi con cũng có mười hai đầu và mười hai miệng, quấn lấy nhau cuộn tròn như chiếc nhẫn, chứa đầy mủ màu xanh như tinh heo rừng, hôi tanh không chịu nổi. Khi đến âm tạng thì phân làm ba nhánh, hai nhánh ở trên phân bố giống như tàu lá chuối, có mười nghìn hai trăm mạch, trong mỗi mạch lại sinh ra Phong trùng rất nhỏ, giống như mỏ chim Tì-lan-đa. Các trùng này lại sinh ra trùng Cân sắc[15]. Bảy vạn tám nghìn trùng quấn bọc lấy nhau, tạo thành hình như nhiều chiếc vòng xếp chồng, giống như mắt chim Cù-sư-la[16]. Chín mươi tám mạch xông thẳng vào tim cho đến đỉnh đầu.

Các Thiện nam! Mắt tiếp xúc với nữ sắc, thì Phong trùng kích động đến tâm, khiến cho bốn trăm lẻ bốn mạch chuyển động không ngừng. Tám mươi vạn trùng đồng thời há miệng, từ mắt tiết ra mủ, chảy vào các mạch, cho đến đầu trùng, các trùng vỡ ra, khiến cho ta điên cuồng không tự chủ, muốn chạm vào nữ căn. Tinh của người nam màu trắng xanh là nước mắt của các trùng, tinh của người nữ màu đỏ hồng là mủ của các trùng. Chín mươi tám sử [17] là pháp để huân tu, tám mươi ổ trùng do đất, nước, lửa, gió tác động mà sinh ra.

Đức Phật bảo:

– Này Xá-lợi-phất! Nếu có bốn chúng đắp y hổ thẹn, uống thuốc hổ thẹn, muốn cầu giải thoát, cứu khổ cho đời, phải học pháp này như uống cam lộ. Người học pháp này, trước hết quán tử tạng rồi đến nữ căn, nam căn, đều có các trùng to nhỏ há miệng, nhe răng, trừng mắt, nhả mủ. Kế đến ngửa hai bàn tay đặt ngay ngắn trên gối trái, dùng phép quán sổ tức để định tâm, quán một nghìn chín trăm chín mươi chín lần. Phép quán này thành rồi, thì chuyển qua gối phải, cũng quán như vậy. Lại dùng tay úp trên đỉnh đầu, quán tưởng những chất bất tịnh của các trùng, trước tiên chảy vào hai mắt, đến tai, mũi và miệng không sót chỗ nào. Quán việc này rồi, thì khi thấy sắc đẹp của người nữ, người nam, cho đến thiên tử, thiên nữ, cũng như thấy trùng trong mụt ghẻ Na-lợi của người bệnh hủi, hình dạng như quỷ thần Bán-đa-la trong địa ngục Mũi Tên, như lửa cháy hừng hực của ngục A-tì. Hành giả phải nên quán sát thật kĩ thân mình và thân người, thân của hết thảy chúng sinh trong cõi Dục này đều bất tịnh.

Xá-lợi-phất! Ông nên biết! Hạt giống căn bản tạo nên thân của chúng sinh đều bất tịnh, [187a] không thể nói hết, chỉ nên dùng phép sổ tức để nhất tâm quán sát nó. Nếu ai uống được thuốc này là bậc đại trượng phu, thầy của trời người, là bậc Điều Ngự, thoát khỏi vũng lầy ái dục, không bị chìm nổi trong dòng sông ân ái. Người dâm dật không nhận rõ sự nguy hại của yêu quỷ huyễn sắc, phải biết người này chưa thoát khỏi sinh tử. Hương người tu tập thanh khiết như Ưu-ba-la. Người này là hương tượng, là long vương, là lực sĩ trong loài người, trời Ma-hê-thủ-la cũng không thể bì kịp. Đó là bậc đại lực trượng phu, trời người phải kính trọng.

Đức Phật lại bảo:

– Xá-lợi-phất! ông hãy khéo thụ trì và nói cho bốn chúng nghe, chớ quên sót! Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất và A-nan v.v… nghe Phật dạy xong, vui mừng cung kính vâng theo”.

Lại nữa kinh Chính pháp niệm ghi: “Tì-kheo tu hành, phải thấy rõ như thật về thân, tuần tự quán sát từ đầu đến chân. Từ đó dùng văn huệ hoặc thiên nhãn quán trong đầu lâu có trùng di chuyển, gọi là não hành. Trùng đi trong xương, sống trong não, hoặc đi hoặc đứng, luôn ăn não này. Lại có các trùng ở trong đầu lâu, hoặc đi hoặc ăn, trở lại ăn đầu lâu. Lại có trùng Tóc ở bên ngoài xương, ăn chân tóc, vì trùng nổi giận nên tóc rơi rụng. Lại có trùng Tai, ở trong tai, ăn thịt trong tai, vì trùng nổi giận nên tai người đau, hoặc bị điếc. Lại có trùng Mũi, ở trong lỗ mũi, ăn thịt trong mũi, khi trùng nổi giận thì hút hết nước bọt do não tiết ra, nên làm cho người ăn uống không cảm thấy ngon. Lại có trùng Mỡ, ở trong mỡ, thường ăn mỡ người, vì trùng nổi giận mà khiến người đau đầu. Lại có trùng Tục, sống ở giữa các khớp. Trùng Thân xâm nhập vào trong mạch, khi trùng nổi giận thì khiến cho mạch người đau đớn như bị kim châm. Lại có trùng Thực diên ở cuống lưỡi, vì trùng nổi giận mà khiến cho miệng người khô nóng. Lại có trùng Nha căn, ở dưới chân răng, vì trùng này nổi giận mà khiến người nhức răng. Lại có trùng Ẩu thổ, người dùng thức ăn không phù hợp thì trùng này làm cho nôn mửa.

Đây là nội tu, hành giả tuần tự quán thân. Trước quán mười loại trùng ở trong đầu, hoặc dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn mà quán. Đầu tiên quán yết hầu có trùng Thực diên, lúc nhai ăn giống như nôn mửa, nước bọt hòa lẫn, khi nuốt hòa hợp với nước nhờn trong óc, trùng Diên trong cổ cùng ăn thức ăn này, để tự nuôi sống. Nếu trùng tăng trưởng thì khiến người ho, đau. Nếu ăn nhiều chất béo, hoặc nhiều thức ăn không vệ sinh, hoặc ăn những thức ăn cay nồng, [187b] hoặc ăn chua, hoặc uống nước lạnh, trùng liền tăng trưởng khiến cổ họng người bị đau đớn.

Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Tiêu thóa sống trong cổ họng. Nếu người không dùng những thức ăn béo, cay… kể trên, thì trùng an ổn giúp tiêu trừ nước miếng, cùng với các vị ngon từ trong mười mạch tiết ra, nếu người có nhiều nước bọt thì trùng sẽ bị bệnh, vì trùng bệnh nên khiến người tiết ra nước bọt nhạt nhẽo và bị tức ngực. Quán trùng tiêu thóa như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Thổ sống trong thân. Trùng này ở trong mười mạch và di chuyển đi các nơi. Khi người ăn uống, trùng này từ mạch dưới nhảy vọt lên, chạy vào cổ họng khiến người nôn mửa. Có năm trường hợp nôn mửa: phong, ấm, thóa, tạp, dăng.

Nếu trùng này an ổn thì ta ăn uống được ngon miệng.

Lại dùng văn huệ, hoặc thiên nhãn quán con ruồi ăn đồ bất tịnh bay vào trong cổ họng làm kích động trùng Thổ khiến người nôn mửa.

Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Túy vị. Trùng này sống nơi đầu lưỡi, cho đến huyết mạch, ở trong đó hoặc đi hoặc đứng, nhỏ bé không chân. Khi ta ăn thức ăn ngon thì trùng say mê thưởng thức mà ngày càng sinh trưởng, ngược lại trùng sẽ suy yếu dần dần, còn nếu ta không ăn, trùng sẽ bệnh, không an ổn. Quán trùng Túy như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

Lại dùng văn huệ hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Phóng dật ở trên đỉnh đầu. Trùng này chuyển đến vùng não thì gây bệnh, ở trên gáy thì làm cho mọc mụt, vào trong cổ họng sẽ gây ngứa ngáy khó chịu như kiến bò, nếu trùng ở yên thì không gây ra bệnh. Quán trùng Phóng dật như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Lục vị. Nếu trùng này thích hay ghét vị nào thì ta cũng thích hay ghét vị đó. Nếu ta mắc bệnh nhiệt [18] thì trước đó trùng đã bị bệnh này. Do vậy mà khiến người bệnh ăn uống chẳng thấy ngon. Quán trùng Vị như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

Lại dùng văn huệ hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Trữ khí. Trùng này nổi giận sẽ ăn lủng não người, hoặc làm cổ họng đau đớn, hoặc bị tắc nghẽn. Nên dù ta đang sống mà phải chịu khổ như chết. Trùng này cùng với tất cả các trùng khác sống trong cổ họng cùng nhau quấy nhiễu sinh ra mọi sự thống khổ. Trùng Khí thường bị nước bọt vây phủ. Loại trùng này ngắn nhỏ, có mặt và chân. Quán trùng Khí như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

[187c] Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Tắng vị ở trong cuống họng. Tại sao trùng này làm ta đau bệnh, hoặc an ổn? Trùng này ghét tất cả các vị, chỉ thích một vị, hoặc là ngọt, hoặc là chua… Trùng này ưa thích hay chán ghét vị nào thì ta cũng ưa thích hay chán ghét vị đó. Các mạch ở đầu lưỡi tùy thuận theo vị mà khiến lưỡi khô nóng. Khi trùng nổi giận khiến cho lưỡi đau nhẹ rồi sưng phù lên, hoặc làm cho cổ họng bị đau. Nếu trùng an ổn thì không có các chứng bệnh như trên. Quán trùng Tắng vị như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Thị thùy. Trùng này nhỏ như hạt bụi, sống ở trong tất cả các mạch, di chuyển đến nơi có vị, hoặc sống trong tủy, trong thịt, trong xương đầu, xương gò má, xương răng, xương cổ, trong tai, trong mắt, trong mũi, trong tóc mai, theo hơi thở di chuyển khắp nơi. Khi trùng bị bệnh hoặc mỏi mệt thì ở tại tim. Tim giống như đóa hoa sen, ban ngày xòe nở, ban đêm khép lại, trùng ẩn náu trong đó, lấn chiếm nhiều chỗ. Khi các căn mỏi mệt, trùng sẽ ngủ nghỉ; lúc ấy người cũng vậy. Tất cả chúng sinh ai ai cũng nghỉ ngơi. Nếu trùng này ban ngày mỏi mệt thì người cũng buồn ngủ. Quán trùng Thùy như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Thủng. Trùng này di chuyển trong thân, hình dáng rất nhỏ bé. Trùng hút máu nơi nào thì nơi ấy sưng nhẹ rồi đau nhức. Trùng này ở trên mặt, trên đỉnh đầu, trong cổ họng, trong vùng não, chỗ nào trùng ở đều bị phù thủng, còn nếu ở trong gân thì không gây ra bệnh. Quán trùng Thủng như thế rồi, ta thấy rõ như thật về thân.

Lại dùng văn huệ, hoặc thiên nhãn quán mười loại trùng di chuyển đến gan và phổi gây ra bệnh. Mười loại đó là:

  1. Trùng Thực mao.
  2. Trùng Khổng huyệt hành.
  3. Trùng Thiền-đô-ma-la.
  4. Trùng Xích.
  5. Trùng Thực trấp.
  6. Trùng Mao đăng.
  7. Trùng Sân huyết.
  8. Trùng Thực nhục.
  9. Trùng Tập tập.

10.Trùng Thố.

Các trùng này có hình dáng cực kì nhỏ bé, không có chân và mắt, chuyển động trong máu, làm cho người đau đớn, ngứa ngáy.

[188a] Lại dùng văn huệ hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Thực mao. Trùng này nổi giận sẽ ăn lông, tóc làm cho rơi rụng, nên người bị hói.

Lại quán trùng Khổng huyệt hành. Trùng này nổi giận di chuyển trong máu làm cho thân thể sần sùi, đầu óc tê liệt khù khờ.

Lại quán trùng Thiền-đô-ma-la. Trùng này di chuyển trong máu, trong mũi, hoặc trong miệng gây nên mùi hôi khó chịu.

Lại quán trùng Xích. Trùng này nổi giận, di chuyển trong máu, làm mọc mụt nhọt ở cổ họng.

Lại quán trùng Thực trấp. Trùng này nổi giận, chuyển động trong máu gây ra bệnh, làm cho thân thể xanh xao, đen thâm hay vàng vọt.

Lại quán trùng Mao đăng. Trùng này nổi giận di chuyển trong máu làm phát sinh ra các bệnh như mọc mụt, nóng sốt, ghẻ lở.

Lại quán trùng Sân huyết. Trùng này nổi giận, di chuyển trong máu làm người bị bệnh xích, người nữ thì bị chảy máu, thân thể ngứa ngáy, mọc mụt ung mủ, lở loét.

Lại quán trùng Thực nhục. Trùng này nổi giận thì gây ra bệnh khổ, làm cho đầu óc quay cuồng, khiến cổ họng, trong miệng, hạ môn đều mọc mụt.

Lại quán trùng Tập tập. Trùng này di chuyển trong máu làm phát sinh các bệnh tật, khiến cơ thể mỏi mệt, ốm yếu, chẳng thích ăn uống.

Lại quán trùng Thố. Trùng này nổi giận cũng làm cho người mắc phải những chứng bệnh như trên.

Lại quán mười loại trùng di chuyển trong thân: trùng Sinh sang, trùng Thích, trùng Bế cân, trùng Động mạch, trùng Thực bì, trùng Động chỉ, trùng Hòa tập, trùng Xú, trùng Thấp sinh, trùng Nhiệt.

Lại dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Sang. Chỗ nào có vết thương thì trùng này vây quanh gặm rỉa, hoặc sống ở nơi cổ họng làm cho mọc mụt.

Lại quán trùng Thích. Trùng này nổi giận thì gây ra chứng kết lị, nóng bức như lửa thiêu, trong miệng thường khô khan, ăn uống chẳng tiêu. Nếu người buồn khổ thì trùng sẽ vui mừng. Trùng này cắn mạch máu, nên người bị suy yếu, hoặc bị hạ huyết áp, bị kiết lị.

Hoặc quán trùng Bế cân. Trùng này di chuyển trong những sợi gân lớn, gân nhỏ. Nếu người có cảm giác trùng đi trong gân thì bị đau đớn, ngược lại thì không. Do đó tất cả xương thịt đều bị suy tổn hao gầy, trong thân đau nhức, trùng nổi giận khiến người không ăn được, nếu trùng sống trong gân mà hút máu thì khiến người sức lực kém, nếu trùng ăn thịt thì làm cho người gầy yếu.

Lại quán trùng Động mạch. Trùng này đi khắp tất cả các mạch, vì nhỏ nên di chuyển rất dễ dàng không bị trở ngại. Nếu trùng ở trong thực quản thì gây ra bệnh làm cho thân khô nóng, chẳng thích ăn uống. Nếu trùng ở trong mạch Thủy thì làm cho[188b] miệng khô khan, nếu trùng ở trong tuyến mồ hôi thì làm cho tất cả các lỗ chân lông đều không tiết mồ hôi. Nếu ở trong đường tiết niệu thì người mắc bệnh lâm,[19] hoặc làm suy tinh, phải chịu sự thống khổ. Nếu trùng nổi giận sẽ di chuyển xuống hạ môn khiến cho đại tiện không thông, phải chịu khổ như sắp chết.

Lại quán trùng Thực bì. Vì người ăn quá nhiều khiến cho trùng tức giận, làm cho sắc diện của người xấu xí, hoặc mắc bệnh pháo,[20]ngứa ngáy, ửng đỏ, vàng vọt, hoặc bị lở loét, tóc móng rơi rụng, hay bị các chứng bệnh trầm trọng, hoặc bị nứt da, thịt thối rữa.

Lại quán trùng Động chỉ. Trùng này sống trong mỡ, nếu người ăn nhiều hay ngủ nhiều, trùng sẽ nổi giận không giúp tiêu hóa thức ăn, hoặc sinh ghẻ lở, hoặc bị viêm chân lông, ung bướu, trướng bụng, táo bón, thân hôi, hoặc khi ăn chảy mồ hôi.

Lại quán trùng Hòa tập. Trùng này có hai thân: thân giác và thân bất giác. Thân giác gồm da, thịt, má; thân bất giác gồm tóc, móng, răng. Người ăn uống quá no trùng sẽ suy yếu, do đó mà người cũng không còn sức lực, đi lại không nhanh nhẹn, ngủ thường mộng mị, hoặc bị nóng sốt; da thịt, xương máu, tinh tủy đều bị tổn giảm.

Lại quán trùng Xú. Trùng này ở trong thịt, phân, nước tiểu. Vì người ăn uống quá nhiều khiến trùng nổi giận làm cho da thịt, phân, nước tiểu, nước mắt, nước miếng đều hôi hám, làm trong mũi ung mủ. Hễ trùng đến chỗ nào thì chỗ đó hôi thối, như quần áo, tọa cụ, thức ăn, chân răng. Vì trùng này hôi hám nên tất cả cũng hôi theo, cho đến trên lưỡi có nhiều mạch dơ thối, thân cũng hôi hám.

Lại quán trùng Thấp hành. Trùng này di chuyển trên lưng, khi biết thức ăn đã tiêu rồi thì đi vào ba lỗ nơi hông, xử lí những chất dơ uế của con người, nước bẩn thì thành nước tiểu, cặn bã thành phân, khiến cho thải ra ngoài.

Lại nữa, người tu hành quán chiếu, tuần tự quán xét nội thân, quán mười loại trùng chuyển động trong thân. Tất cả con người đều nhờ đây mà có. Mười loại đó là: trùng Tập tập, trùng Chuyết chuyết, trùng Miêu hoa, trùng Hỏa diễm, trùng Hắc, trùng Đại thực, trùng Noãn hành, trùng Tác nhiệt, trùng Hỏa, trùng Đại hỏa.

Tất cả các loại trùng này đều sống trong ngũ tạng.

Lại dùng văn huệ hoặc dùng thiên nhãn quán trùng Tập tập. Vì người ăn quá nhiều, nên trùng nổi giận ăn lông mi, làm ứa nước mắt, chảy ghèn.[188c] Trùng này nhỏ bé, màu đỏ, nếu di chuyển trong mắt thì gây ra nhiều bệnh, hoặc làm mù mắt, nếu vào con ngươi thì mắt bị màng trắng. Nếu trùng không nổi giận thì không gây ra bệnh.

Lại quán trùng Chuyết chuyết. Trùng này sống trong thân người, di chuyển trong bao tử, ruột già. Trùng này nếu vào trong xương sẽ khiến người nóng bức; nếu di chuyển ở trong thịt thì suốt ngày đêm thịt và tay chân đều nóng; nếu vào trong da thì thân đổ mồ hôi.

Lại quán trùng Miêu hoa. Trùng này di chuyển trong bao tử, có mỏ nhọn, chân ngắn, thân như đống lửa, khiến người chẳng muốn ăn uống. Trùng đến chỗ nào thì chỗ đó nóng hực, thân nhiệt tăng trưởng và nóng bức. Nếu trùng di chuyển tự nhiên thì không gây ra bệnh.

Lại quán trùng Hỏa diệm. Trùng này di chuyển trong bao tử, có lúc an ổn có lúc không. Vì người ăn quá nhiều, nên trùng này nổi giận di chuyển xuyên suốt từ đầu đến chân, làm cho tất cả máu nóng trong thân sinh ra ung nhọt, hoặc khiến tai, miệng, bao tử chảy máu. Nếu trùng không giận dữ thì không có những bệnh này.

Lại quán trùng Hắc. Trùng này di chuyển trong bao tử, có lúc được an có lúc không. Vì người ăn quá nhiều, nên trùng nổi giận làm cho da mặt nhăn nheo; hoặc mọc nhiều nốt ruồi đen, vàng hay đỏ; hoặc làm cho thân hôi thối, đỏ mắt; mọc mụt ở trong miệng và chỗ cơ quan đại tiện, tiểu tiện. Nếu trùng không giận dữ thì không có những bệnh này.

Lại quán trùng Đại thực. Vì người ăn quá nhiều, nên trùng này nổi giận. Trùng Đại thực ở trong bao tử hấp thụ thức ăn đã tiêu hóa, làm cho các chức năng của mắt, tai, mũi, lưỡi… trên cơ thể đều bị suy giảm. Nếu trùng không giận dữ thì không gây ra bệnh.

Lại quán trùng Noãn hành. Trùng này ưa thích thức ăn nóng, ghét thức ăn lạnh, nếu người ăn thức ăn lạnh, trùng này sẽ nổi giận, miệng tiết ra nhiều nước, hoặc khiến người lười biếng, buồn ngủ, tâm ý mơ màng, thân thể đau đớn dữ dội, có nhiều nước bọt, trong cổ họng sinh bệnh. Nếu trùng không giận dữ sẽ không có những bệnh này.

Lại quán trùng Nhiệt sống trong thân. Vì người ăn quá nhiều nên sinh ra nhiều loại bệnh làm trở ngại đường hô hấp, thân thể thô kệch, cổ họng không thông, đại tiện, tiểu tiện đều có chất nước màu trắng, không thích lạnh, không muốn ăn thức ăn nhạt.

Lại quán trùng Thực hỏa sống trong thân. Trùng này di chuyển trong bao tử. Lúc khí trời lạnh thì trùng này vui vẻ, khiến người thèm ăn uống; còn lúc nóng nực, nhiệt độ tăng cao thì trùng suy yếu, khiến người không muốn ăn. Vì thế vào mùa đông trời lạnh thì bao tử mát mẻ, lúc nóng thì bao tử nóng bức.

Lại quán trùng Đại hỏa. Nếu người có tâm tính bất thường, gắng gượng ăn nhiều, thì sẽ làm cho trùng này nổi giận ăn những con trùng khác ở trong thân, khiến cho ruột, tay và chân của người bị nhói đau, nó ăn trùng ở chỗ nào thì chỗ ấy bị đau đớn. Nếu trùng không giận dữ thì không có những triệu chứng trên.

[189a] Lại nữa, người tu hành dùng văn huệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trong xương có mười loại trùng. Mười loại đó là trùng Thỉ, trùng Khiết cốt, trùng Cát tiết, trùng Xích khẩu xú, trùng Lạn, trùng Xích khẩu, trùng Đầu-đầu-ma, trùng Thực bì, trùng Phong đao, trùng Đao khẩu.

Mười loại trùng này di chuyển trong xương. Nếu làm trái ý, chúng sẽ nổi giận gây tổn hại cho thân. Nội dung được ghi đầy đủ trong kinh Chính pháp niệm xứ.

Lại nữa, người tu hành dùng văn huệ hoặc dùng thiên nhãn quán mười loại trùng chuyển động trong nước tiểu. Đó là trùng Sinh, trùng Châm khẩu, trùng Tiết, trùng Vô túc, trùng Tán trấp, trùng Tam tiêu, trùng Phá tràng, trùng Bế tắc, trùng Thiện sắc, trùng Uế môn sang.

Mười loại trùng này có màu sắc xấu xí, sống trong phân tiểu. Nếu làm trái ý, chúng sẽ nổi giận gây tổn hại cho thân. Nội dung được ghi đầy đủ trong kinh Chính pháp niệm xứ.

Lại nữa, người tu hành dùng văn huệ hoặc dùng thiên nhãn quán mười loại trùng di chuyển trong tủy, trong tinh trùng. Mười loại đó là trùng Mao, trùng Hắc khẩu, trùng Vô lực, trùng Đại thống, trùng Phiền muộn, trùng Hỏa, trùng Hoạt, trùng Hạ lưu, trùng Khởi thân căn, trùng Ức niệm hoan hỷ.

Mười loại trùng này nếu bị trái ý, chúng sẽ nổi giận gây tổn hại cho thân. Nội dung được ghi đầy đủ trong kinh Chính pháp niệm xứ.

XXX.5. Ngũ tân

Kinh Lăng-già[21] ghi: “Đức Phật dạy: Này Ðại Huệ! Đúng như vậy, tất cả những thứ như hành, hẹ, tỏi đều hôi hám bất tịnh, làm chướng ngại đạo thánh,[22] cũng làm ô uế nơi thanh tịnh trong cõi trời, người; huống gì là cõi thanh tịnh của chư Phật, cho đến rượu cũng như thế”.

Kinh Đại bát niết-bàn ghi: “Ăn những thứ hành, hẹ, tỏi, nén đều hôi hám bất tịnh, sẽ sinh vào những chỗ đau khổ, ô uế, làm chướng ngại đạo thánh, cũng làm ô uế nơi thanh tịnh trong cõi trời, người; huống gì là cõi thanh tịnh của chư Phật. Rượu cũng như vậy, hay làm chướng ngại đạo thánh, làm tổn hại nghiệp thiện, phát sinh ra những tội lỗi”.

[189b] Kinh Tạp a-hàm[23] ghi: “Không được ăn ngũ tân: hành, kiệu, tỏi, nén, hưng cừ.” [24]

Kinh Phạm võng[25] ghi: “Đệ tử Phật không được ăn năm thứ cay nồng: hành, kiệu, tỏi, nén, hưng cừ”.

Kinh Ngũ tân báo ứng ghi: “Bảy chúng[26]… không được ăn thịt uống rượu và những thứ cay nồng. Nếu ăn mà đọc tụng kinh thì sẽ phạm tội. Nếu có bệnh cần phải ăn thì Phật cho dùng, nhưng phải ra khỏi đất già-lam, đến nhà của cư sĩ. Khi hết bệnh rồi, phải dùng nước thơm tắm rửa đủ bốn mươi chín ngày, sau đó mới cho phép đọc tụng kinh. Như thế mới không phạm tội”.

Trong các bộ luật như Tăng-kì,[27] Thập tụng, [28] Ngũ phần[29] đều nói: “Nếu không có cách nào khác để trị bệnh thì cho phép được dùng ngũ tân, nhưng trong bảy ngày phải ở riêng một căn phòng nhỏ. Không được nằm lên giường chiếu của chúng tăng, không được đến giảng đường, vào nơi tiểu tiện của đại chúng, cũng không được nhận lời thỉnh cùng tăng đi thọ trai; không được đến lễ Phật, phải ở dưới gió, từ xa lễ lạy. Sau khi mãn bảy ngày thì tắm rửa sạch sẽ, xông ướp y phục mới được vào chúng. Nếu bị mụt ghẻ lở loét, thầy thuốc bảo phải dùng hương điều trị, thì trước hết phải đem hương ấy cúng Phật, sau đó mới dùng để xoa, rồi trở về chỗ thanh vắng, làm giống như trước”. (Người xuất gia thanh tịnh còn thực hiện như vậy, huống gì kẻ thế tục ô uế lại tự ý ăn sao?)

XXX.6. Hắt hơi

Kinh Tăng-kì nói: “Nếu ở trong đất già-lam, muốn hắt hơi thì không được để phát ra tiếng lớn, mà phải kiềm chế, dùng tay bịt mũi, nếu không thể nhịn được thì dùng tay che mũi rồi hắt hơi, đừng để cho nước bọt, nước mũi văng ra làm dơ bẩn người bên cạnh. Nếu người ở trên pháp tòa hắt hơi thì nên nói ‘xin kính lễ’, còn người ở dưới thì im lặng”.

Luật Tứ phần ghi: “Lúc Đức Thế Tôn hắt hơi, các tì-kheo nguyện ‘Trường thọ’. Bấy giờ, cư sĩ đang lễ bái tì-kheo thì hắt hơi, Đức Phật dạy các tì-kheo nên chú nguyện ‘Trường thọ’”.

Luật Tăng-kì ghi: “Đức Phật dạy: Nếu người sắp đánh rắm mà không thể kiềm chế được thì phải ra phía sau, không được ở trước mà tự ý xả hơi. Nếu đang đi với người buôn bán trên đường cũng không được tùy tiện đánh rắm ở trước họ. Nếu hơi tống ra không thể kiềm chế được thì phải ra lề đường ở phía dưới gió mà xả”.

Kinh Tì-ni mẫu[30] ghi: “Khí có hai loại là ợ và đánh rắm. Khi ợ, không được há miệng trước mặt người khác mà phải xoay về phía không có người. Khi sắp đánh rắm không được ở trong chúng, [189c] phải tìm cách đi ra ngoài, chỗ không có người mà hạ khí, sau đó mới được vào, không được để cho chúng chê trách là dơ uế; lúc vào tháp thì không được hạ khí, ở trong tháp, gốc cây, trong đại chúng cũng không được hạ khí; ở trước bổn sư, đại đức, thượng tọa cũng không được hạ khí phát ra tiếng. Nếu có bệnh bức bách thì nên ra ngoài, đừng để mọi người khởi tâm cho là dơ uế”.

XXX.7. Đại tiểu tiện

Kinh Ưu-bát-kỳ vương ghi: “Người nào tùy ý đại tiểu tiện nơi đất già-lam thì năm trăm đời đọa vào địa ngục Bạt-ba. Trải qua hai mươi tiểu kiếp tay thường nắm chỗ đất ô uế đã tiểu tiện, cho đến khi chết”.

Kinh Tì-ni mẫu ghi: “Trước phòng các tì-kheo, chỗ nào cũng bị tiểu tiện, nên bốc lên mùi hôi thối không thể chịu được. Phật biết việc này nên dạy các tì-kheo: ‘Từ nay về sau, các tì-kheo không được tiểu tiện bừa bãi trong chốn già-lam, nên tập trung đến một chỗ khuất mà tiểu, hoặc tiểu vào bình sành, ống tre, ống trúc, trong hầm đất. Sau khi tiểu xong phải đậy lại chớ để bốc lên mùi hôi’. Khi đi nhà xí, trước hết ta phải lấy thẻ tre, cỏ, rồi đem đến trước cửa nhà xí khảy móng tay ba lần, để cho người hoặc phi nhân ở trong biết. Nếu không có thẻ tre thì không được chà lên trên vách, cũng không được chà lên trên ván hoặc trên cột nhà xí, không được dùng đá, cỏ tươi, cho đến đất nhuyễn, vỏ cây mềm, lá cây, và các loại cây lạ. Chỉ được dùng gỗ, tre, cỏ lau làm thành thẻ, kích thước dài nhất là một gang tay, ngắn là bốn lóng tay. Cái nào đã sử dụng rồi thì không được vung ném làm dơ bẩn thẻ sạch, cũng không được treo chung với thẻ sạch. Đây là cách dùng thẻ đi vệ sinh.

Nhà xí có hai nơi: nơi đại tiểu tiện và nơi dùng nước rữa ráy. Khi đến nơi dùng nước thì ngồi xuống và đứng lên phải vén áo quần gọn gàng, các cách thức còn lại đều giống như nơi dùng thẻ. Trước cửa nhà xí, phải treo một bình nước sạch và treo thêm một bình nước nhỏ. Nếu người nào có bình riêng thì tự dùng. Nếu người nào không có bình thì dùng bình nước nhỏ. Không được dùng bình lớn của tăng khiến dơ bẩn. Đây là cách dùng nước lúc đi nhà xí.

Trước tháp, chúng tăng, hòa-thượng, a-xà-lê[31] không được hỉ mũi khạc nhổ khiến cho nước bọt, nước mũi văng ra trên đất. Nếu muốn nhổ nước bọt hỉ mũi, thì phải đi đến chỗ khuất, đừng để người thấy ghê tởm. Đây là cách nhổ nước bọt và hỉ nước mũi”.

Tam Thiên oai nghi ghi: “Nếu tì-kheo đại tiểu tiện mà không rửa thì phạm tội Đột-cát-la[32], [190a] không được ngồi lên tọa cụ của chúng tăng và lễ tam bảo, dẫu có lễ tam bảo cũng chẳng có phúc”.

Lại nữa, đi nhà xí ở sau phòng tăng có hai mươi lăm việc:

  1. Khi muốn đại tiểu tiện thì phải đi ngay. Trên đường đi không được lễ bậc thượng tọa [33].
  2. Không nhận lễ lạy của người.
  3. Đi nên cúi đầu nhìn xuống đất.
  4. Đến nơi thì phải khảy móng tay ba tiếng.
  5. Nếu có người khảy móng tay đáp thì không được hối thúc.
  6. Khi đến, đứng khảy móng tay thì thân phải ngay ngắn.
  7. Khi ngồi cũng phải ngay ngắn đúng vị trí.
  8. Không được ngồi chân trước chân sau.
  9. Khi ngồi, thân không được tựa.
  10. Phải vén áo quần gọn gàng, không được để phủ xuống nhà xí.
  11. Không được cố rặn khiến cho đỏ mặt.
  12. Phải nhìn thẳng về phía trước, không được để ý lắng nghe.
  13. Không được làm dơ vách.
  14. Không được cúi xuống nhìn lỗ cầu.
  15. Không được nhìn chỗ kín.
  16. Không được lấy tay cầm chỗ kín.
  17. Không được lấy cỏ vẽ lên đất.
  18. Không được lấy cỏ viết chữ trên vách.
  19. Dùng nước, không được phung phí.
  20. Không được vẩy nước làm dơ bẩn.
  21. Dùng nước, không được tay trước vướng tay sau.
  22. Nếu dùng đất thì phải qua ba lần.
  23. Phải dùng xà phòng.
  24. Được dùng nước ba lần.
  25. Nếu thấy nước, cỏ và đất hết thì phải nói với người trực nhật, hoặc tự tay mình làm thì tốt.

Luật Tăng-kì ghi: “Nếu tì-kheo đại tiểu tiện xong, không dùng nước rửa sạch mà thọ dùng toạ cụ và mền chiếu của chúng tăng thì phạm tội”.

Luật Thập tụng ghi: “Nếu đại tiểu tiện xong mà không rửa sạch thì không được ngồi hay nằm lên tọa cụ của chúng tăng. Nếu nằm lên thì phạm tội”.

Luận Ma-đức-lặc-già ghi: “Nếu đại tiểu tiện xong mà không rửa sạch sẽ thì không được lễ lạy, trừ khi chỗ đó không có nước, hoặc là phi nhân nổi giận, hoặc là thần nước nổi giận, hoặc vì cấm kị để uống thuốc thì Phật cho phép, không phạm”.

Kinh Tạp thí dụ ghi: “Có một vị tì-kheo, không khảy móng tay báo trước, liền vào đại tiểu tiện, làm dơ bẩn mặt quỷ thần, quỷ thần tức giận, muốn giết vị tì-kheo này, nhưng vị này trì giới tinh nghiêm, nên quỷ không có cơ hội để làm hại.” (Đã biết như thế, nên khi đi đến nhà xí, trước cần phải khảy móng tay ra tiếng ba lần để báo trước).

Kinh Hiền ngu ghi: “Thuở xưa, khi Đức Phật còn tại thế, ở trong thành Xá-vệ có người tên là Ni-đề. Người này bần cùng, thường làm nghề gánh phân, Đức Phật biết Ni-đề căn cơ đã thuần thục nên muốn độ, liền dẫn A-nan đi đến chỗ Ni-đề, gặp lúc ông đang gánh phân ra khỏi thành để đổ, do chậu phân bị vỡ làm dơ bẩn cả thân, nên khi thấy Đức Thế Tôn từ xa đến thì lòng hổ thẹn không dám gặp. [190b] Đức Phật biết được đi thẳng chỗ Ni-đề và nói pháp. Nghe xong, Ni-đề sinh tín tâm muốn được xuất gia. Đức Phật bảo A-nan dẫn xuống sông tắm rửa sạch sẽ, rồi đưa về tinh xá Kì-hoàn. Đức Phật lại nói pháp cho Ni-đề nghe. Nghe xong, ông chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau khi xuất gia, ông chứng quả A-la-hán. Bấy giờ, vua và dân trong nước nghe tin Ni-đề là hạng người bần cùng xuất gia đều rất tức giận, và nói: ‘Vì sao Đức Phật cho phép người này xuất gia?’ Vua Ba-tư-nặc liền đi đến chỗ Đức Phật để ngăn cản việc này. Khi vua đến thì gặp Ni-đề đang ngồi vá áo trên tảng đá lớn ở trước cửa tinh xá Kì-hoàn và có bảy trăm chư thiên rải hoa cúng dường. Vua thấy thế sinh tâm hoan hỷ, xin Ni-đề được vào gặp Đức Phật. Tì-kheo Ni-đề ẩn thân vào đá ra vào tự tại. Sau khi Ni-đề bạch Phật xong, vua đến gặp Phật và thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn! Vị tì-kheo kia tên là gì?

Đức Phật bảo:

– Đó chính là người bần cùng làm nghề gánh phân tên là Ni-đề ở trong nước của đại vương.

Vua nghe Đức Phật nói như thế, không còn tâm khinh thường phỉ báng, liền đến chỗ Ni-đề xin đỉnh lễ sám hối, và bạch Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Tì-kheo Ni-đề kiếp trước đã tạo nghiệp gì mà nay phải chịu thân hèn hạ như thế?

Đức Phật bảo:

– Vào thuở xa xưa, sau khi Đức Phật Ca-diếp nhập niết-bàn, có một tì-kheo lo việc của tăng. Một hôm mới bị bệnh nhẹ mà làm biếng đi nhà xí, nên đã tiểu tiện trong chậu rồi sai đệ tử mang đi đổ. Người đệ tử này đã chứng quả Tu-đà-hoàn, vì nhân duyên như thế, nên ông bị lưu chuyển trong sinh tử, thường làm kẻ hạ tiện, năm trăm đời làm nghề gánh phân. Do thuở xưa làm người xuất gia có công đức trì giới, nên nay mới gặp được Phật xuất gia tu hành đắc đạo”.

(Vì ý nghĩa này nên không được tiểu tiện ở trong phòng, nếu không sẽ chiêu cảm quả báo. Thường thấy người đời vì làm biếng, không chịu đi lại, nên đã đặt cái chậu ở trong phòng để tiểu tiện rồi ngày khác đem đổ; người này đời sau nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục. Khi được ra khỏi địa ngục vẫn còn phải bị đọa làm heo, chó, bò hung, trùng ăn phân dơ ở trong nhà xí).

Kinh Phật thuyết tiêu trừ tai hoạn ghi: “Đức Phật bảo A-nan:

– Vào thời Đức Phật Ca-diếp ở quá khứ, con người thọ đến hai vạn tuổi, việc làm đã xong, Đức Phật nhập niết-bàn. Bấy giờ, vua Thiện Cảnh muốn tôn thờ xá-lợi[34], nên đã xây tháp bảy tầng cao một do-tuần. Tất cả chúng sinh đều đến tháp đốt đèn, dâng hoa hương, tơ lụa cúng dường lễ bái.

Lúc đó, có nhóm người nữ muốn cúng dường tháp, họ cùng nhau đến quét dọn đất tháp[35]. Khi đến, thấy phân chó làm ô uế, có một người nữ dùng tay hốt bỏ, người nữ khác thấy vậy liền nhổ nước bọt, cười chê:

– Tay của ngươi đã dơ uế, không được đến gần tháp!

Người nữ này mắng lại:

– Ngươi là dâm nữ xấu xa! Nước có thể rửa sạch tay ta, Phật là thầy của trời người, luôn phải kính trọng.

Khi hốt bỏ phân dơ xong, người nữ đó rửa tay, đi nhiễu tháp cầu nguyện: ‘Nay con đã quét sạch đất tháp, [190c] nguyện cho phiền não trần lao nhiều đời của con điều được tiêu trừ, thanh tịnh không dơ uế’.

Nhóm người nữ quét tháp lúc ấy, nay chính là những người nữ ở trong hội này, vì lúc quét đất tháp đã phát nguyện dẹp bỏ những trần lao [36] được uống vị cam lồ. [37] Còn người nữ hốt bỏ phân chó lúc ấy, nay chính là Nại nữ.[38] Khi ấy người nữ này đã phát nguyện sinh vào chỗ thanh tịnh, do phúc báu này nên không sinh vào bào thai dơ uế, mà thường sinh từ hoa. Nhưng vì lúc ấy đã mắng người kia là dâm nữ, nên nay phải chịu mang tên Dâm Nữ, được gặp Phật nghe pháp đắc quả Tu-đà-hoàn”.

Kinh Tạp bảo tạng [39] ghi: “Theo tục lệ của Nam Thiên Trúc, nhà có người nữ thì buổi sáng phải thức dậy sớm quét dọn nhà cửa. Bấy giờ có một người nữ con ông trưởng giả, sáng sớm đang quét rác thì gặp Đức Phật đi qua, liền sinh tâm hoan hỷ chăm chú nhìn Phật. Lúc đó thọ mạng của cô vừa hết, liền được sinh lên cõi trời. Thông thường hễ người nào được lên cõi trời, thì nhớ lại ba việc là trước đó là thân gì; liền tự biết là thân người; hiện giờ sinh ở đâu? Liền biết ngay là cõi trời; trước kia đã tạo nghiệp gì mà được sinh đến đây, cô liền biết mình do thiện nghiệp gặp Đức Phật sinh tâm hoan hỷ, mới được sinh ở đây. Thiên nữ cảm đến ân đức của Phật, nên đến cúng dường Ngài. Đức Phật liền nói pháp cho thiên nữ nghe. Nghe xong, thiên nữ chứng được quả Tu-đà-hoàn”.

Luận Tân-bà-sa [40] ghi: “Xưa kia, ở nước Hằng-xoa-thi-la[41] có một người nữ đến chỗ xả nghìn đầu của vua Nguyệt Quang, lễ lạy linh miếu do vua Vô Ưu xây dựng. Người nữ thấy có bãi phân chó trước tòa Phật, cô suy nghĩ: Chỗ này thanh tịnh vì sao để phân chó làm ô uế? Rồi cô dùng tay hốt dọn, rải hương bột lên. Nhờ thiện nghiệp này, nên khắp thân người nữ đều tỏa ra mùi thơm như gỗ chiên-đàn,[42] hơi thở thơm như hương hoa sen xanh.

Các chúng sinh do không biết gìn giữ ba nghiệp thanh tịnh, nên bị phiền não, bên trong chiêu cảm ra các thứ ô uế bên ngoài. Bài tụng ghi:

Cỏ dại trên thế gian,

Làm ruộng tốt bạc màu,

Cũng như tâm tham lam,

Làm nhiễm ô chúng sinh.

Cỏ dại trên thế gian,

Làm ruộng tốt bạc màu,

Cũng như tâm sân hận,

Làm nhiễm ô chúng sinh”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Khi Đức Phật còn tại thế, ở bên thành La-duyệt có một hồ nước sâu, bùn lầy và phân tiểu của người dân đều đổ xuống, nên rất dơ uế. Trong đó có một sinh vật lớn, thân của nó như rắn, có thêm bốn chân, bơi lội khắp nơi, [191a] có lúc thì lặn xuống có khi thì nổi lên, trải qua nhiều năm luôn ở trong đó chịu vô lượng nỗi khổ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dẫn các tì-kheo đến hồ sâu ấy và hỏi:

– Các ông biết con vật này kiếp trước đã tạo nghiệp gì không?

Các vị tì-kheo đều không biết.

Đức Phật dạy:

– Vào thời Đức Phật Tì-bà-thi, có một đoàn thương buôn vào biển tìm của báu, họ tìm được rất nhiều và bình an trở về. Họ chọn ra những báu vật quý giá cúng dường chúng tăng để lo việc ăn uống. Chư tăng nhận rồi trao cho vị tri sự.[43] Về sau, hết lương thực, chư tăng liền đi đến xin vị tri sự, nhưng vị này không cho, chúng tăng cố nài nỉ. Vị tri sự tức giận nói: ‘Các ông ăn phân đi, của báu này thuộc về tôi, vì sao cứ đòi mãi thế?’. Do nói lời ác, mắng chửi khinh thường chúng tăng, sau khi mạng chung phải đọa vào địa ngục Phí thỉ,[44] trải qua chín mươi mốt kiếp, lúc ra khỏi địa ngục thì bị đọa vào trong hồ sâu này từ thời Thất Phật[45] cho đến nay, phải làm thân loài này cho đến nghìn Đức Phật ra đời vào Hiền kiếp[46] cũng còn chịu như vậy”.

Lại nữa, kinh Bách duyên ghi: “Khi Đức Phật ở vườn tre Ca-lan-đà tại thành Vương Xá,[47] tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên trước khi thọ thực thường quán xét ba cõi: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, rồi sau đó mới dùng. Mục-kiền-liên thấy một ngạ quỷ thân như cột đồng cháy, bụng lớn như núi Thái, cổ nhỏ như cây kim, tóc nhọn như đao bén quanh thân, giữa các khớp xương đều phát ra lửa. Quỷ này rên rỉ gào thét chạy khắp nơi tìm phân để ăn, nhưng cực khổ tìm cầu cả ngày mà vẫn không được. Mục-kiền-liên hỏi quỷ:

– Ngươi đã tạo nghiệp gì mà nay phải chịu khổ như vậy?

Quỉ đáp:

– Nơi có mặt trời thì đâu cần phải đốt đuốc. Nay Đức Thế Tôn đang hiện hữu trên đời, ông có thể đến đó hỏi. Bây giờ tôi đói khát, không thể trả lời cho ông được.

Lúc ấy, Mục-kiền-liên liền đến chỗ Đức Thế Tôn thưa:

– Con quỷ kia đã tạo nghiệp gì mà phải chịu khổ như thế?

Đức Thế Tôn bảo:

– Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho ông rõ! Vào kiếp Hiền tại thành Xá-vệ có một ông trưởng giả, của cải vô số, không thể tính hết, ông thường sai người hầu ép nước mía để bán cho những nhà giàu. Khi đó, có vị bích-chi phật bị bệnh ôn,[48] thầy thuốc bảo phải uống nước mía thì bệnh mới thuyên giảm. Bích-chi phật liền đi đến nhà ông trưởng giả xin nước mía. Trưởng giả nhìn thấy vị này đến, sinh tâm hoan hỷ, liền bảo vợ tên Phú-na-kỳ:

– Tôi có việc gấp phải đi ra ngoài, bà ở nhà hãy lấy nước mía cúng dường cho bích-chi phật này!

[191b] Người vợ đáp:

– Ông cứ đi, tôi sẽ cho!

Khi người chồng vừa bước ra khỏi nhà, bà lấy bát của bích-chi phật đem vào chỗ khuất, tiểu tiện vào trong đó rồi phủ nước mía lên trên, đem ra đưa cho vị bích-chi phật. Bích-chi phật biết, nên đổ hết xuống đất, mang bát không trở về. Sau khi qua đời, bà bị đọa vào địa ngục, thường bị đói khát bức bách. Vì nghiệp ác đó mà phải chịu khổ như thế.

Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:

– Người vợ của ông trưởng giả lúc đó nay chính là ngạ quỷ Phú-na-kỳ.

Nghe Đức Phật dạy xong, các tì-kheo đều bỏ hết xan tham, nhàm chán sinh tử, có vị chứng được Tứ quả[49], có người phát tâm Bích-chi Phật, có người phát tâm Vô thượng bồ-đề. Tất cả các tì-kheo đều hoan hỷ phụng hành”.

XXX.8. Hộ tịnh

Luật Thập tụng ghi: “Súc miệng như thế nào?

Đức Phật dạy:

– Ngậm nước vào miệng đảo ba lần, làm cho miệng sạch”.

Luật Tăng-kì ghi: “Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp trong pháp hội lớn, có một tì-kheo bị hôi miệng, ngồi ở dưới gió. Phật biết mà vẫn cố hỏi:

– Tì-kheo đó sao lại ngồi một mình?

– Bạch Thế Tôn! Vì Thế Tôn chế giới không cho dùng cây chà răng, vì thế miệng hôi, sợ ảnh hưởng đến người khác, nên con phải ngồi dưới gió.

Đức Phật dạy:

– Từ nay cho phép dùng cây chà răng, dài nhất là mười sáu lóng tay, ngắn nhất bốn lóng tay. Khi chà phải rửa tay sạch và ở chỗ vắng vẻ. Chà xong phải rửa cây chà rồi mới được bỏ. Không được nuốt nước chà răng. Nếu tì-kheo bị bệnh, thầy thuốc bảo phải nuốt thì cho phép. Nếu người không có răng thì dùng tro, muối, đất, gạch, gừng, đá, cỏ, cây làm cho sạch miệng rồi mới ăn.

Khi ăn muốn rót nước, trước hết nên dùng nước sạch rửa tay, rửa bát, sau mới rót. Nếu tay bẩn thì phải dùng lá lót bát. Khi uống, không được ngậm miệng vào bát, không được để cho bát chạm vào trán, phải tựa môi vào uống, không được uống hết, phải chừa lại một ít nước để súc miệng rồi nhổ đi. Người rót nước phải khéo giữ bát nước cho sạch. Nếu thấy vành bát đã bị ngậm rồi hoặc đã đụng vào trán, thì phải để riêng một chỗ, lấy cỏ làm dấu để cho người khác biết là bát nước không sạch. Nếu rót nước phi thời, thì cách thức cũng giống như trên”.

Luật Tăng-kì ghi: “Tì-kheo sáng sớm thức dậy phải rửa tay sạch sẽ, không được rửa qua loa, nên rửa năm đầu ngón tay trước, không được rửa tới nách mà chỉ rửa từ cổ tay trở xuống, không được rửa một cách vội vàng, không nên chà xát quá mạnh, khiến chảy máu. [191c] Nên dùng đá, cỏ hoặc tro mà rửa. Nếu dùng tro hoặc xà phòng thì phải kỳ cho ra tiếng. Sau khi rửa tay rồi, nếu vò hai tay mà còn nhờn thì chưa sạch, phải rửa lại. Tì-kheo trước bữa ăn phải giữ tay cho sạch. Nếu gãi đầu hoặc cầm y…. thì phải rửa tay lại (Tì-kheo mà còn như vậy thì cư sĩ cũng phải làm như vậy). Khi tụng kinh, thọ trai cũng vậy, tay sạch mà vẫn còn làm như thế huống gì tay thường hay giết hại chúng sinh, ăn uống máu thịt, thân miệng hôi hám, buông lung mà truyền pháp, tâm chẳng được thanh tịnh!”

Luật Tứ phần ghi: “Bấy giờ các tì-kheo sợ trong phòng có mùi hôi. Đức Phật dạy: “Nên rưới nước quét dọn, nếu còn hôi thì rải bột hương. Nếu vẫn còn hôi thì treo hương thơm ở bốn góc phòng.”

Luật Thập tụng ghi: “Bấy giờ có tì-kheo vì không chà răng, nên miệng hôi, đến bạch Phật.

Đức Phật dạy:

– Cho phép tì-kheo chà răng. Vì chà răng có năm điều lợi ích:

1- Miệng không đắng

2- Miệng không hôi

3- Trừ bệnh phong

4- Trừ bệnh nhiệt.

5- Trừ đàm.

Lại có năm điều lợi ích:

1- Trừ bệnh phong

2- Trừ nhiệt

3- Phân biệt rõ mùi vị

4- Ăn ngon miệng

5- Mắt sáng”.

Luật Tứ phần ghi: “Không chà răng có năm lỗi:

1- Miệng hôi

2- Không phân biệt được mùi vị

3- Bệnh nóng sốt không giảm

4- Ăn không ngon miệng

5- Mắt không sáng”.

Luật Ngũ phần ghi: “Chà răng xong thì phải rửa cho sạch cây chà rồi mới bỏ, vì sợ trùng ăn vào sẽ chết”.

Tam thiên oai nghi ghi: “Có năm điều cần phải biết khi sử dụng cây chà răng:

1- Đúng kích thước

2- Vất bỏ đúng như pháp

3- Đầu chà không quá ba phân

4- Răng thưa nên chà trong kẽ ba lần

5- Phải tự rửa”.

Nạo lưỡi có năm việc:

1- Không được nạo quá ba lần.

2- Trên lưỡi chảy máu thì phải ngừng.

3- Không vung tay khiến vấy bẩn Tăng-già-lê và chân.

4- Không được bỏ cây nạo lưỡi nơi đường đi.

5- Phải bỏ ở chỗ khuất.

XXX.9. Minh chung

Kinh Phó pháp tạng ghi: “Lúc bấy giờ có một vị vua tên là Kế-ni-trá tham lam, bạo ngược, vô đạo, thường đem quân đi chinh phạt các nước, bắt dân chúng sai dịch khổ sở mà không biết dừng. Nhà vua muốn thống nhất thiên hạ, nên đem quân đóng ngoài biên ải, khiến cho thân thích bị chia lìa, nỗi khổ ấy không biết khi nào mới hết. Do đó, quan dân đồng tâm trừ diệt vị vua này để được an vui. [192a] Nhân lúc nhà vua bị bệnh nặng, họ liền lấy mền trùm vua lại, rồi ngồi đè lên, lát sau vua tắt thở. Nhờ lúc trước vua đã từng nghe tì-kheo Mã Minh[50] thuyết pháp, nên tái sinh vào trong biển lớn làm thân cá nghìn đầu. Cá này luôn bị kiếm chém đứt đầu, đứt rồi lại mọc ra, rồi lại bị chém đứt, phải chịu vô số lần sinh ra rồi bị chém như thế, trong bỗng chốc thì đầu đầy cả biển lớn.

Một hôm, cá thưa với một vị a-la-hán[51] làm duy-na[52] trong chùa :

– Con nghe tiếng kiền chùy thì vòng kiếm chém còn liền dừng lại, ngay lúc đó nỗi đau khổ tạm ngừng. Cúi mong đại đức lòng thương xót, nếu đánh kiền chùy thì ngài hãy đánh cho thật dài.

Vị a-la-hán từ bi, nên đã đánh kiền chùy rất dài, trải qua bảy ngày cá liền thoát khỏi tội khổ, tái sinh vào chùa. Do câu chuyện của vị vua này, mà tương truyền về sau, đánh kiền chùy thì phải đánh cho thật dài, cho đến ngày nay vẫn còn như vậy”.

Lời bàn: Theo như ý kinh, đánh chuông để cứu khổ cho chúng sinh, lại còn dùng để nhóm họp chúng tăng. Vị duy-na đánh chuông, chắp tay trang nghiêm phát nguyện lợi ích chúng sinh. Chúng sinh nhờ nghe tiếng chuông liền nghĩ nhớ đến điều thiện, dứt hết các khổ đau.

Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Lúc đánh chuông, nên nguyện cho tất cả những đau khổ trong đường ác đều dứt. Nếu khi nghe tiếng chuông và bài kệ thì trừ được tội nặng sinh tử trong năm trăm ức kiếp.

Diệt trừ sức ma oán,

Dứt sạch mọi não phiền,

Đất trống đánh kiền chùy,

Tì-kheo nghe, vân tập.

Người được nghe pháp này,

Vượt ra khỏi sinh tử,

Nghe âm vi diệu này,

Hãy mau đến vân tập”.

Trong kinh Tạp có bài kệ:

Nghe chuông, nằm không dậy,

Hộ pháp thiện thần giận,

Hiện đời duyên phúc mỏng,

Đời sau đọa làm rắn.

Ngay lúc nghe tiếng chuông,

Đang nằm phải ngồi dậy,

Chắp tay khởi tâm lành,

Hiền thánh đều hoan hỷ.

Hồng chung vang vọng khắp muôn nơi,

Thức tỉnh chúng sinh thoát cõi đời,

Sinh tử đêm dài bao tội khổ,

Nghe chuông phiền não thảy đều vơi.

Sáu thức[53] mê mờ vô cùng khổ,

Vô minh che lấp vạn mê đồ,

Đêm ngày nghe chuông bừng giác ngộ,

Lòng vui cõi tịnh đắc thần thông.

XXX.10. Nhập chúng

[192b] Luật Tứ phần ghi: “Tì-kheo muốn nhập chúng, phải đủ năm pháp:

1- Có tâm từ

2- Phải khiêm hạ, xem mình như khăn lau bụi

3- Phải biết phép tắc ngồi đứng. Nếu thấy thượng tọa đến thì phải đứng dậy, còn thấy hạ tọa thì được ngồi yên

4- Vào trong tăng, không được nói chuyện tạp và bàn luận đến việc thế sự. Nên tự mình nói pháp hay thỉnh người nói pháp

5- Nếu thấy trong tăng có việc không đúng, không thể nhẫn nhịn thì cũng nên im lặng ngồi đó”.

Cho nên, luận Đại trí độ ghi: “Đệ tử của Phật sống hòa hợp với nhau, cần phải thực hiện hai pháp: nói như hiền thánh, im lặng như hiền thánh”.

(Ngày nay, thường thấy nơi trai hội, những kẻ hậu học đến trước chiếm chỗ ngồi sang trọng, khi nhìn thấy thượng tọa, giáo thụ đến mà không đứng dậy đón tiếp, không nhường chỗ ngồi. Nguyên nhân làm cho chính pháp suy đồi, quả thật là do tăng trẻ! Hoặc đến nhà quyền quí, hoặc đến đám tang, đám giỗ, kẻ tăng người tục mặc tình buông lung cười nói, gây huyên náo cả đại chúng, khiến cho người thế gian chê bai luôn cả đến các vị tăng đạo hạnh).

Kinh Tam thiên oai nghi ghi:

Khi lên giường phải đủ bảy việc:

1- Khoan thai ngồi lên giường.

2- Không được bò trên giường.

3- Không được khua động mạnh làm giường phát ra tiếng.

4- Không được lau quét mạnh làm giường phát ra tiếng.

5- Không được sầu than, suy nghĩ việc thế tục.

6- Không được nằm chung nhiều người.

7- Nên tùy theo khí hậu từng mùa mà dậy sớm.

Luận Địa trì[54] ghi: “Bồ-tát nhìn thấy chúng sinh thì phải hỏi thăm, trước khi nói, dung mạo phải vui vẻ, sắc diện hài hòa, nhìn thẳng, giữ gìn chính niệm. Nếu bồ-tát biết chúng sinh kia có công đức, nhưng hiềm giận họ, nên không nói cho người khác biết, cũng không ca ngợi, nếu có người khen thì cũng không nói là ‘rất tốt’. Đó là phạm Chúng đa phạm[55]. Phạm này từ tâm nhiễm ô sinh khởi”.

Nhiếp luận[56] ghi: “Bồ-tát nhìn thấy chúng sinh, trước hết phải có thái độ vui vẻ, rồi mới nói chuyện”.

Luật Ngũ phần ghi: “Người không có tâm nhẫn nhục sẽ phạm năm lỗi:

1- Hung ác bất nhẫn

2- Về sau sẽ hối hận

3- Nhiều người không thích

4- Tiếng xấu đồn khắp

5- Chết bị rơi vào đường ác”.

XXX.11. Suy tướng

Kinh Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn[57] ghi: “Đức Thế Tôn dạy, người già có năm suy tổn:

1- Râu tóc suy tổn, do màu sắc biến hoại

2- Thân thể suy tổn, do hình thể, sức lực đều hao mòn

3- Hành động suy tổn. Khi nói lấy hơi lên, thở dồn dập, thân thể run rẩy; dáng đứng lòm khòm, vì xương sống không đủ lực để nâng đỡ; ngồi thì lưng cong sát đất vì thân thể suy nhược; đi đứng phải cần gậy vì thân đã yếu ớt; đầu óc suy nghĩ nhận biết chậm chạp, nhớ lộn xộn

4- Thụ dụng suy tổn. [192c] Đối với các vật ưa thích vẫn không thể thụ dụng. Đối với trần cảnh, các căn chẳng thể xử lý một cách bén nhạy, sáng suốt, hay không còn hoạt động được nữa.

5- Thọ mệnh suy giảm. Tuổi thọ sắp hết, cái chết kề bên. Gặp một duyên xấu, dù nhỏ cũng không thể chịu nổi”.

Kinh A-hàm ghi: “Có bốn nguyên nhân mái tóc bị bạc trắng: nóng, lo nhiều, bệnh nhiều, di truyền.

Có bốn nguyên nhân khiến người bị gầy: ăn ít, lo, buồn, bệnh.

Có bốn việc mà người không thể biết trước, không thể tránh, cũng chẳng thể chối từ: đầu bạc, già nua, bệnh tật, chết chóc.

Tất cả mùi vị không ngoài tám loại: đắng, chát, cay, mặn, nhạt, ngọt, chua, vị hỗn tạp”.

XXX.12. Ngủ mộng

Luật Thiện Kiến[58] ghi: “Có bốn nguyên nhân sinh mộng:

1- Do bốn đại bất hòa[59]

2- Do trước đã thấy

3- Trời báo

4- Do tưởng”.

Mộng do bốn đại bất hòa: mộng thấy núi sụp lở, thân hình bay bổng lên hư không, hoặc thấy cọp, sói, sư tử giặc cướp rượt đuổi, mộng này không có thật.

Mộng do thấy trước: ban ngày thấy các cảnh tượng như màu đen, màu trắng, nam, nữ… ban đêm nằm mộng thấy lại giống như vậy, mộng này cũng không có thật.

Mộng do trời báo: nếu người tu thiện thì cảm được chư thiên hiện cho thấy mộng lành, làm cho thiện căn người ấy được tăng trưởng. Nếu người làm điều ác thì cũng được chư thiên hiện cho thấy ác mộng. Mộng này có thật.

Mộng do tưởng: người thấy mộng này do đời trước đã tạo nhiều phúc đức hay đã gây nhiều tội ác, nếu người có nhiều phúc đức thì thấy được mộng lành, còn người có nhiều tội chướng sẽ thấy ác mộng. Như mẹ của thái tử Tất-đạt-đa, trước khi bà thụ thai thái tử, nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà từ trên cung trời Đao-lợi bay xuống chui vào bên hông phải. Đây chính là mộng do tưởng. Hoặc mộng thấy làm những việc như: lễ Phật, tụng kinh, trì giới, bố thí… thì cũng được gọi là mộng do tưởng.

Mộng là thiện, bất thiện hay vô kí? [60] Mộng có khi là thiện, có khi là bất thiện, có khi là vô kí. Như mộng thấy lễ Phật, nghe pháp, giảng pháp… là mộng thiện. Mộng thấy sát sinh, trộm cướp, dâm dục là mộng bất thiện. Mộng thấy các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng… là mộng vô kí.

Nằm mộng có chịu quả báo không? Không bị quả báo! Vì sao? Vì tâm nghiệp yếu ớt, nên không chiêu cảm quả báo. [193a] Cho nên các bộ luật có ghi: “Trong mộng thì không phạm”.

Luận Ca-chiên[61] ghi:

Hỏi: Thụy và miên đều tương ưng với nhau phải không?

Đáp: Thụy (ngủ gật) không tương ưng với miên (ngủ say). Lúc chưa miên, thân tâm không thư thái, thân tâm nặng nề, thân tâm lờ đờ, thân tâm mê mờ, thân tâm buồn ngủ, cho nên bị thụy ràng buộc, nên gọi là thụy không tương ưng với miên.

Hỏi: Thế nào là miên không tương ưng với thụy?

Đáp: Ngủ say với tâm không ô nhiễm.

Hỏi: Thế nào là thụy tương ưng với miên?

Đáp: Ngủ say với tâm ô nhiễm.

Hỏi: Thế nào là không miên không thụy?

Đáp: Ngoài các trường hợp trên.

Hỏi: Miên là thiện, là bất thiện hay vô kí?

Đáp: Miên có thể là thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô kí.

Hỏi: Thế nào gọi miên là thiện?

Đáp: Vì khi ngủ với tâm thiện.

Hỏi: Thế nào gọi miên là bất thiện?

Đáp: Khi ngủ với tâm bất thiện.

Hỏi: Thế nào gọi miên là vô kí?

Đáp: Ngoài hai trường hợp trên.

Hỏi: Thế nào là những việc làm phúc đức trong lúc ngủ, là hồi ức ?

Đáp: Như trong giấc mộng làm những việc như bố thí, trì giới, trì trai… là ngủ với tâm thiện, tâm hồi ức lại những việc làm phúc trước đó.

Hỏi: Thế nào là những việc làm không phúc đức trong lúc ngủ, là hồi ức ?

Đáp: Như trong giấc mộng thấy làm những việc như giết hại, trộm cướp… là ngủ với tâm bất thiện, tâm nhớ lại những việc làm không có phúc đức.

Hỏi: Thế nào là những việc phúc đức và không có phúc đức trong lúc ngủ không phải hồi ức ?

Đáp: Lúc ngủ tâm không hồi ức những việc có phúc và không có phúc, tức là ngủ với tâm vô kí, thì những việc làm có phúc và không phúc sẽ không quay hiện trở lại.

Hỏi: Mộng gọi là pháp gì?

Đáp: Đó là vô minh, một trong ngũ cái.

Luật Thập tụng ghi: “Trong giờ thiền, có vị tì-kheo ngủ gật. Đức Phật dạy: ‘Cho phép lấy nước rưới lên đầu’. Nhưng tì-kheo khi dùng nước rưới lên đầu người khác phải biết năm điều:

1- Vì lòng thương

2- Không vì não loạn người khác

3- Người ngủ gật

4- Đầu dựa vào tường vách

5- Ngồi duỗi chân.

Nếu vẫn còn ngủ gật thì chạm tay vào thân. Nếu vẫn còn ngủ thì Phật cho phép dùng thiền cúc[62], nếu vẫn chưa tỉnh thì Phật cho phép dùng thiền trượng[63]. Người cầm thiền trượng phải khởi tâm cung kính, dùng hai tay đặt thiền trượng lên đầu. Nếu vẫn còn buồn ngủ, nên đứng dậy đi xem, nếu có ai ngủ thì dùng thiền trượng gõ nhẹ cho thức, rồi về lại chỗ ngồi. Nếu không có người ngủ gật thì đem thiền trượng để lại chỗ cũ, rồi trở về ngồi. Nếu còn ngủ gật, Phật cho phép sử dụng thiền trấn[64] để đánh thức. Thiền trấn là tấm gỗ nhỏ, có đục một lỗ để xỏ dây, đầu dây có khuy, móc vào tai đặt trên đầu, cách trán bốn lóng tay. [193b] Lúc ngồi, nếu thiền trấn rơi xuống. Đức Phật dạy: Nên đứng dậy đi kinh hành, dáng đi an tường như ngỗng”.

XXX.13. Tạp hạnh

Luật Tứ phần ghi: “Tì-kheo Bạt-nan-đà đi trên đường, che lọng tròn lớn. Các cư sĩ từ xa nhìn thấy tưởng là vua hay đại thần nên sợ sệt tránh đường. Khi họ nhìn kĩ mới biết là tì-kheo Bạt-nan-đà. Các tì-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: ‘Tì-kheo đi đường không được che dù, lọng sang trọng, cũng không được che khi trời mưa’.

Ở trong chùa thì nên dùng vỏ cây, lá, hoặc tre làm tàn lọng, không được cầm quạt lớn như vua. Tì-kheo đi đường gặp thời tiết nóng, bạch Đức Phật, Đức Phật cho phép dùng lá cây, cành cây hay các vật khác để làm quạt. Lúc đó, có các tì-kheo sợ bị trùng, bụi, cỏ, sương bay bám bẩn thân, nên bạch Phật.

Đức Phật dạy:

– Cho phép làm phất trần. Hoặc làm bằng cỏ, vỏ cây, lá cây, hoặc dùng sợi kết lại, hoặc dùng lụa vụn cắt may.

Khi ấy, có tì-kheo nhặt được đuôi súc vật để phẩy bụi, Đức Phật cho phép dùng; tì-kheo niên thiếu tân học tính toán mọi việc còn lẫn lộn, Ngài cũng cho phép dùng thẻ để tính”.

Luật Tứ phần ghi: “Lúc bấy giờ các tì-kheo trỗi nhạc, hoặc thổi tù và, để cúng dường. Đức Phật dạy: ‘Không được làm như vậy’. Tì-kheo không dám, liền bảo bạch y[65] trỗi nhạc cúng dường’.

Bây giờ, mọi người không biết thức ăn cúng dường tháp rồi, thì ai có thể dùng được.

Đức Phật dạy:

– Tì-kheo, sa-di, ưu-bà-tắc, hay người xây dựng tháp được ăn”.

Luận Tát-bà-đa ghi: “Người xuất gia ra chợ mua đồ không được trả hạ giá. Nếu trả hạ giá thì phạm tội Đột-kết-la.

Y của tăng khi chưa rao giá ba lần thì được phép tăng giá, khi đã rao giá ba lần rồi thì không được tăng, chúng tăng cũng không được cho, vì y đã thuộc về người khác. Ba lần rao giá rồi, người được y không nên đổi ý, dẫu có hối tiếc cũng không cho trả lại, và cũng không cho trả giá lại”.

Luận Tần Bà-sa ghi:

Hỏi: Phàm phu và thánh nhân ai có nỗi lo sợ?

Đáp: Phàm phu có nỗi lo, còn thánh nhân thì không. Vì sao? Vì thánh nhân đã lìa được năm điều lo sợ:

1- Sợ túng thiếu

2- Sợ tiếng xấu

3- Sợ hãi khi đứng trước oai đức của đại chúng

4- Sợ chết

5- Sợ đọa vào đường ác.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đức Phật dạy: Như ý bảo châu[66] lấy từ não của cá Ma-kiệt.[67] Thân cá dài hai mươi tám vạn dặm. Bảo châu này gọi là Kim cương kiên, có ba công dụng:

1- Người bị trúng độc, khi nhìn thấy, [193c] hoặc được ánh sáng của nó chiếu vào thân thì chất độc đều tiêu tan

2- Người bệnh nhiệt, khi thấy hoặc được ánh sáng chiếu vào thân thì mọi bệnh nhiệt đều được tiêu trừ

3- Người có nhiều oan gia, trái chủ, khi cầm được ngọc này thì những oan gia trái chủ trở thành thân thiện.

Một móng tay của chư thiên giá trị bằng cả cõi Diêm-phù-đề”.

Luật Tứ phần ghi: “Rắn bò vào phòng làm cho các tì-kheo chưa ly dục sợ hãi. Phật cho phép đuổi, hoặc dùng ống tre nhốt, hoặc lấy dây cột nó rồi đem đi thả.

Có chuột vào phòng tì-kheo.

Đức Phật dạy: ‘Lấy lồng bắt đem thả’.

Có bò cạp, rít, sâu vào phòng tì-kheo. Đức Phật dạy: ‘Dùng vật xấu hay bùn, bọc túm lại đem đi thả’.

Ban đêm, tì-kheo sợ dơi, còn ban ngày sợ chim én bay vào phòng, Đức Phật cho phép bện lưới thưa để ngăn, hoặc làm song cửa.

Có tì-kheo lớn tuổi bị bệnh, bắt rận bỏ dưới đất, Phật dạy: ‘Không nên làm như vậy’. Phật cho phép dùng đồ để đựng, hoặc là dùng bông. Nếu rận bò ra thì nên dùng ống để đựng và phải đậy lại. (Tuỳ theo thời tiết nóng hay lạnh mà lấy thức ăn thích hợp để nuôi chúng)

Bấy giờ, lục quần tì-kheo tụng các loại thần chú cầu kiết hung, an trí nhà cửa như: chú chi tiết, chú sát-lợi, chú biết người sống chết, tốt xấu, chú hiểu rõ các thứ âm thanh. Phật dạy: ‘Không được tụng’. Các tì-kheo dạy cho người khác. Đức Phật bảo: ‘Không được, vì họ sẽ lấy đây làm kế sinh sống’.

Đức Thế Tôn ở tại nước Tỳ-xá-ly, bấy giờ có các Ly-xa[68] cỡi voi, ngựa, xe cộ, cầm đao kiếm để ngoài cửa chùa, rồi vào trong thăm hỏi Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, có bạch y đem đao kiếm đến gửi nhờ các tì-kheo cất, các tì-kheo e ngại không dám nhận, liền bạch Phật. Đức Phật dạy: ‘Cho phép cất giữ cho đàn-việt’.

Kinh Ngũ bách vấn sự ghi: “Không được dùng miệng thổi bụi trên kinh tượng. Nếu kinh tượng cũ thì nên sửa lại, cho dù chẳng phải chính kinh cũng phải xem trọng. Không được đốt kinh sách, nếu đốt thì mắc tội nặng như tội đốt cháy cha mẹ của mình. Người không biết thì phạm tội nhẹ”.

Luật Tăng-kì ghi: “Đốt lửa có bảy sự tai hại:

1- Tổn thương mắt

2- Tổn hoại hình sắc

3- Thân khô gầy

4- Y phục bị dơ bẩn

5- Làm hỏng ngọa cụ

6- Nảy sinh cơ hội phạm giới

7- Luận bàn việc thế tục”.

Kinh Nguyệt Thượng nữ [69] nói: “Vợ của Duy-ma-cật tên là Vô Cấu, mang thai chín tháng thì [194a] sinh ra một người con gái, tên là Nguyệt Thượng”.

Kinh Li cấu thí nữ [70] ghi: “Vua Ba-tư-nặc có người con gái tên là Duy-ma-la-đạt, Trung Quốc dịch là Li Cấu Thí. Đến năm mười hai tuổi, cô có nhan sắc xinh đẹp lạ thường và cực kì thông minh”.

Kinh Chuyển nữ thân nói: “Vợ của trưởng giả Tu-đạt tên là Tịnh Nhật, sinh một người con gái tên là Vô Cấu Quang.

Bài tụng:

Bớt làm những việc không đâu,

Thì lìa xa các phiền não,

Vạn hạnh gìn giữ tinh chuyên,

Lục trần mới mong chấm dứt.

Tâm trí thuần khiết sáng tỏ,

Nghi dung đẹp đẽ rỡ ràng,

Giống như viên ngọc quỳnh kia,

Trong sáng không một tì vết”.

***

Chú thích:

[8] Tì-phú-la 毘富羅 (S: Vipula; Hd: Quảng Bác Hiệp sơn): tên một ngọn núi thuộc nước Ma-kiệt-đà. Ngọn núi này mọi người thường thấy, nên Đức Phật lấy làm ví dụ.

[9] Bảy cõi (thất hữu 七有): địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, nhân, thiên, nghiệp, trung hữu.

[10] Kinh Ngũ vương (Ngũ vương kinh 五王經): kinh, một quyển, đã mất tên người dịch. Nội dung, Đức Phật thuyết tám nỗi khổ ở thế gian, năm vị vua nghe xong đều xin xuất gia.

[11] Sinh tạng 生藏: ruột non.

[12] Thục tạng 熟藏: ruột già.

[13] Dục giác 欲覺: tham dục, trong dục giới không khởi mong cầu. Một trong ba ác dục (dục giác, sân giác, hại giác).

[14] Bối xỉ 貝齒: vỏ răng của loài động vật.

[15] Cân sắc 筋色: tinh trùng có hình thể như sợi gân nối liền với tử tạng, có khả năng kích động cho các mạch hấp thụ tinh ra vào. Tinh người nam màu trắng xanh, người nữ màu đỏ hồng.

[16] Chim Cù-sư-la (Cù-sư-ca điểu 瞿師羅鳥): loài chim có tiếng hót rất hay.

[17] Chín mươi tám sử (cửu thập bát sử 九十八使): chín mươi tám loại tùy miên, là tổng số kiến hoặc (tám mươi tám tùy miên) và tư hoặc (mười tùy miên) trong ba cõi, do tông Câu-xá lập ra.

[18] Bệnh nhiệt (nhiệt bệnh 熱病): một trong chín bệnh của chúng sinh, do nóng bức làm cơ thể không điều hòa nên sinh bệnh.

[19] Bệnh lâm (lâm bệnh 淋病): người tiểu ra đục như nước vo gạo, dưới bụng đau cứng, lan đến giữa rốn.

[20] Bệnh pháo (ác pháo 惡皰): bệnh trái rạ, khi bị bệnh này toàn thân mọc mụn lớn, mọng nước như nốt phỏng.

[21] Kinh Lăng-già (Lăng-già kinh 楞伽經; S: Laṅkāvatāra-sūtra): kinh, bốn quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đa-la dịch vào năm 443, được xếp vào Đại chính tạng, tập 16. “Lăng-già” là tên núi; “A-bạt-đa-la” nghĩa là nhập, tức là bộ kinh quí được Đức Thế Tôn nói tại núi Lăng-già, là một trong sáu bộ kinh được tông Pháp Tướng y cứ.

[22] Đạo thánh (thánh đạo 聖道): đạo thánh thiện, chân chính, được thực hành bởi trí vô lậu.

[23] Kinh Tạp a-hàm (Tạp a-hàm kinh 雜阿含經; S: Saṃyuktāgama): kinh, năm mươi quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đa-la dịch vào đời Lưu Tống, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 2, là một trong bốn bộ A-hàm Bắc truyền.

[24] Hưng cừ 興渠 (S: Hiṅgu): một loại thực vật có mùi hôi như tỏi, sống ở các vùng như Hoa Điền, tỉnh Tân Cương, Tây Tạng, Ấn Độ.

[25] Kinh Phạm võng (Phạm võng kinh 梵網經; S: Chos-kyi rgya-mo saṅs-rgyas rnam-par snaṅ-mdsad-kyis byaṅ-chub sems-dpaḥi sems-kyi gnas bśad-pa leḥu bcu-pa): kinh, hai quyển, tương truyền do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 24. Nội dung kinh này nói về giai vị và mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của bồ-tát.

[26] Thất chúng 七眾: bảy chúng đệ tử Phật. Đó là tì-kheo, tì-kheo-ni, sa-di, sa-di ni, thức-xoa-ma-na, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.

[27] Luật Tăng-kì (Tăng-kì luật 僧祇律; S: Mahāsāṃghika-vinaya): luật, bốn mươi quyển, do ngài Phật-đà-bạt-đà-la và ngài Pháp Hiển cùng dịch vào đời Đông Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 22. Đây là bộ luật của Đại Chúng bộ thuộc Phật giáo bộ phái. Toàn bộ sách chia làm hai phần: tì-kheo giới pháp (ba mươi lăm quyển đầu) và tì-kheo-ni giới pháp (năm quyển sau).

[28] Luật Thập tụng (Thập tụng luật十誦律): luật, chia giới luật thành mười phần để giải thích nên gọi là luật Thập tụng, là bộ Quảng luật của Tát-bà-đa bộ, sáu mươi mốt quyển, do hai ngài Phất-nhã-đa-la và Cưu-ma-la-thập cùng dịch vào đời Diêu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 23.

[29] Luật Ngũ phần (ngũ phần luật五分律): luật, ba mươi quyển, do ngài Phật-đà-thập và Trúc Đạo Sinh cùng dịch vào thời Lưu Tống, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 22. Đây là bộ giới luật do Hóa Địa bộ (Di-sa-tắc-bộ) lưu truyền và được ngài Pháp Hiển thỉnh bản Phạn về từ nước Sư Tử (Tích Lan).

[30] Kinh Tì-ni Mẫu (Tì-ni Mẫu kinh 毘尼母經): kinh, tám quyển, mất tên người dịch, được xếp vào Đại chính tạng, tập 24, kinh số 1463.

[30] Tiểu kiếp 小劫 (S: Antara-Kalpa): một giai đoạn tăng giảm, thành hoại của vũ trụ. Theo luận Câu-xá thì kiếp sống con người cứ mỗi thế kỷ là tăng một tuổi, cứ tăng như thế cho đến khi tăng tới tám vạn tư tuổi thì lại bắt đầu giảm dần, cứ một trăm năm một tuổi, cho đến khi tuổi thọ chỉ còn mười tuổi. Mỗi chu kỳ tăng hoặc giảm như vậy là một tiểu kiếp. Theo luận Đại Trí độ thì hợp chung một tăng một giảm là một tiểu kiếp.

[31] A-xà-lê 阿闍梨 (S: ācārya; Hd: quỷ phạm sư, chính hạnh): người có thể uốn nắn hành vi cho đệ tử, có đủ giới hạnh, có đủ nghi thức để truyền dạy đạo lý. Đây là từ gọi tôn kính đối với bậc cao tăng.

[32] Đột-cát-la 突吉羅 (S: Dukkaṭa; Hd: ác tác, khinh cấu): tên tội trong giới luật, tức những tội nhẹ như ác tác, ác thuyết. Là một trong năm thiên, một trong sáu tụ giới. Trong hai trăm năm mươi giới tì-kheo, tội này bao gồm hai giới bất định và một trăm giới chúng học, bảy giới diệt tránh.

[33] Thượng tọa 上座 (S: Sthavira): trưởng lão, thượng lạp, thủ tọa… Vị tăng hoặc ni có tuổi hạ cao ở địa vị trên. Kinh Tỳ-ni Mẫu 6 ghi: “căn cứ vào tuổi hạ thì từ hai mươi tuổi hạ đến bốn mươi chín tuổi hạ thì gọi là thượng tọa”.

[34] Xá-lợi 舍利 (S: Śarīra): thông thường chỉ cho di cốt của Phật, gọi là Phật xá-lợi, về sau cũng chỉ cho xương còn sót lại sau khi thiêu nhục thân vị cao tăng. Kinh Kim quang minh 4, phẩm Xả thân ghi: “Xá-lợi là vật được huân tu bởi giới, định, huệ, rất khó có được, là phúc điền tối thượng”.

[35] Tháp 塔 (S: Stpa): vốn chỉ cho nơi an trí xá-lợi Phật.

[36] Trần lao 塵勞: tên khác của phiền não. Vì phiền não làm nhiễm ô tâm, giống như trần cấu làm cho thân tâm mệt mỏi.

[37] Cam lộ 甘露 (S:amṛta): sương ngọt, dụ cho giáo lí của Đức Phật giúp nuôi lớn thân tâm chúng sinh.

[38] Nại nữ 柰女 (S: Mra): người nữ này hóa sinh từ cây nại, nên gọi là Nại nữ, là vợ của Bình Sa vương nước Ma-kiệt-đà, là mẹ của lương y Kì-bà.

[39] Kinh Tạp bảo tạng (Tạp bảo tạng kinh 雜寶藏經; S: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra): kinh nói về các sự tích liên quan đến Đức Phật và đệ tử cùng những duyên sự sau khi Đức Phật nhập diệt.

[40] Luận Tân-bà-sa (Tần-bà-sa luận 新婆沙論; S: Abhidharma-mahvibhs-strahay): luận, hai trăm quyển, được xếp vào Đại chính tạng, tập 27, do ngài Huyền Trang dịch.

[41] Hằng-xoa-thi-la 怛叉尸羅 (S: Takṣaśilā Cg: Đát-xoa-thỉ-la): một nước cổ ở Bắc Ấn Độ. Nước này đất đai phì nhiêu, hoa trái sum suê, già-lam tuy nhiều, nhưng tăng chúng rất ít tu tập theo giáo pháp Đại thừa.

[42] Chiên-đàn 栴檀 (S: Candana): một loại cây có mùi thơm, cao khoảng 8m, lá nhọn, dài độ 5m mọc cân đối, hoa có ô, trái tròn to cỡ bằng cái kén tằm, khi chín có màu đen nhiều nước, hạt cứng gỗ thơm, rễ được nghiền ra làm bột đàn hương hoặc chế dầu thơm. Sách Bản thảo cương mục gọi cây này là bạch đàn, đàn hương.

[43] Tri sự 知事: chức vụ quản lí các công việc thứ yếu của chư tăng trong chùa, thường do các vị tăng thuận theo nguyện vọng của đại chúng, nghiêm trì giới luật, có tâm công bằng chính trực đảm nhiệm.

[44] Phí Thỉ 沸屎: địa ngục Phí Thỉ. Địa ngục này trị phạt chúng sinh bằng phẩn sôi.

[45] Thất Phật 七佛: bảy Đức Phật đời quá khứ, theo thứ tự là Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca-mâu-ni.

[46] Hiền kiếp 賢劫 (S: Bhadrakalpa): kiếp trụ. “Hiền” nghĩa là thiện, “kiếp” nghĩa là thời phần. Trong kiếp này có một nghìn bậc hiền thánh ra đời, nên gọi là Hiền kiếp, Thiện kiếp.

[47] Ca-lan-đà Trúc lâm 迦蘭陀竹林 (S: Veṇuvana-kalandakanivāsa): vườn tre ở phía Bắc thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đà, thuộc Trung Ấn Độ. Tương truyền chim Ca-lan-đà thích đậu ở khu vườn này, nên gọi là Ca-lan-đà Trúc lâm.

[48] Bệnh ôn (ôn bệnh 溫病): là bệnh do nhiễm gió lạnh mà mắc phải.

[49] Tứ quả 四果: quả vị A-la-hán.

[50] Mã Minh 馬鳴 (S: Aśvaghoṣa): vị tổ thứ mười hai được phó pháp tạng, cũng là một đại luận sư, một thi nhân Phật giáo, thuộc giòng Bà-la-môn, người ở thành Ta-chỉ-na nước Xá-vệ, Trung Ấn Độ.

[51] A-la-hán 阿羅漢 (S: Arhat): bậc thánh đã đoạn hết kiến hoặc, tư hoặc trong ba cõi, chứng được Tận trí, xứng đáng được nhận tất cả sự cúng dường của thế gian; một trong bốn quả Thanh văn; một trong mười đức hiệu của Như Lai.

[52] Duy-na: 維那 (S: karma-dāna): chức vụ quản lí, điều hành và lo liệu các việc của đại chúng trong chùa.

[53] Sáu thức (lục thức 六識; S: Saḍvijñāna): nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

[54] Luận Địa trì (Địa trì luận 地持論; S: Bodhisattva-bhūmi.): luận nêu rõ phương tiện tu hành của bồ-tát Đại thừa, chia làm ba phần: Sơ phương tiện xứ, Thứ pháp phương tiện xứ và Tất cánh phương tiện xứ, gồm hai mươi bảy phẩm. Do có thêm phần giới Đại thừa nên kinh này rất được xem trọng.

[55] Chúng đa phạm 眾多犯: tội khinh cấu trong giới Bồ-tát.

[56] Nhiếp luận 攝論: một trong năm bộ Luận Nhiếp. Đây là bản Hán dịch bộ Đại Thừa luận Nhiếp thích, mười lăm quyển, do pháp sư Chân Đế dịch vào đời Lương, được xếp vào Đại chính tạng, tập 31.

[57] Kinh Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn (Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn kinh 分別緣起初勝法門經): kinh nói về mười một loại thù thắng của chi vô minh. Đó là sở duyên thù thắng, hành tướng thù thắng, nhân duyên thù thắng, đẳng khởi thù thắng, chuyển dị thù thắng, tà hạnh thù thắng, tướng trạng thù thắng, tác nghiệp thù thắng, chướng ngại thù thắng, tùy phược thù thắng, đối trị thù thắng.

[58] Luật Thiện kiến (Thiện kiến luật 善見律; S: Samantapāsādikā): luật, mười tám quyển, do ngài tăng-già-bạt-đà-la dịch vào đời Nam Tề, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 24. Đây là một trong năm bộ luận của luật Tiểu thừa, chú thích luật tạng do Thượng Tọa bộ của Tích Lan truyền.

[59] Tứ đại bất hòa 四大不和: thân người do bốn đại như địa, thủy, hỏa, phong hợp thành. Nếu bốn đại không điều hòa thì sẽ làm cho thân người cảm thấy khó chịu.

[60] Vô kí 無記 (S: Avyākṛta): là loại tâm sở không ghi nhớ là thiện hay ác. Vô kí chia làm hai loại là hữu phú vô kí và vô phú vô kí.

[61] Luận Ca-chiên (Ca-chiên luận 迦延論; Cg: là A-tì-đàm bát kiền-độ luận; S: Abhidharmāṣṭagrantha): luận, ba mươi quyển, do ngài Ca-chiên-diên tử người Ấn Độ soạn, ngài Tăng-già-đề-bà và Trúc Phật Niệm cùng dịch vào năm 383, thời Phù Tần, được xếp vào Đại chính tạng, tập 26.

[62] Thiền cúc 禪毱: quả cầu lông, dùng trong lúc ngồi thiền có ngủ gật thì ném cầu lông để cho tỉnh ngủ.

[63] Thiền trượng 禪杖: chiếc gậy dùng để đánh thức người tọa thiền ngủ gục. Gậy này được làm bằng tre, lau, một đầu được bao lại bằng vải.

[64] Thiền trấn 禪鎮: đạo cụ được đặt trên đầu khi tọa thiền để đánh thức lúc ngủ gục.

[65] Bạch y 白衣 (S: Avadta-vasana): nguyên nghĩa là áo màu trắng, Phật giáo dùng từ bạch y này để gọi người học Phật tại gia. Từ ngữ này phát xuất từ Ấn Độ.

[66] Như ý bảo châu 如意寶珠 (S: Cint-maṇi): bảo châu có khả năng biến hiện ra các thứ trân bảo như ý muốn của mình. Bảo châu này còn có công năng trừ bệnh, dứt khổ… Thông thường bảo châu này thường để dụ cho pháp và đức tính của Phật, đồng thời còn biểu trưng cho công đức của kinh điển.

[67] Cá Ma-kiệt (Ma-kiệt ngư 摩竭魚; S: Makara): một loại cá lớn được đề cập nhiều trong kinh luận và xem là đồng loại với ngạc, sa ngư, hải đồn (lợn biển); hoặc là loại cá trong giả tưởng.

[68] Ly-xa 離奢 (S: Licchavi Lecchavi): chủng tộc Sát-đế-lợi ở thành Tì-xá-li thuộc miền trung Ấn Độ, là một bộ phận của chủng tộc Bạt–kì.

[69] Kinh Nguyệt thượng nữ (Nguyệt thượng nữ kinh 月上女經; S: Candrottarā-dārikā-paripṛcchā): kinh nói về quá trình thụ kí cho nàng Nguyệt Thượng, con gái của trưởng giả Tì-ma-la-cật trong thành Tì-da-li thời xưa ở Ấn Độ.

[70] Kinh Li cấu thi nữ (Ly cấu thi nữ kinh 離垢施女經): kinh, một quyển, do ngài Bát-nhã-lưu-chi dịch vào đời Nguyên Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 09 – Thụ Thỉnh - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Về Đối Trị Bệnh Tật - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 51 Đến Phẩm 60 - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng