1
2
3

Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé

Phật Thuyết [Trường, Trưởng] Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni Kinh

Đường Phật Đà Ba Lợi Dịch

Bản Việt dịch (1) của Nguyên Thuận

Bản Việt dịch (2) của Thích Thiện Thông

Bản Việt dịch (3) của Không Trú

***

Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé

Việt dịch: Nguyên Thuận

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá, cùng với 1.250 vị đại Tỳ-kheo, 12.000 vị đại Bồ-tát, chư thiên long bát bộ quỷ thần, người và phi nhân đồng đến hội họp để nghe Phật thuyết Pháp.

Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng thần lực và từ khuôn mặt, Ngài phóng ra muôn loại tia sáng với nhiều màu sắc, như là xanh, vàng, đỏ, trắng và những màu sắc khác. Trong mỗi màu sắc có vô lượng hóa Phật. Mỗi hóa Phật có thể làm Phật sự chẳng thể nghĩ bàn. Mỗi hóa Phật lại có vô lượng hóa Bồ-tát đang tán dương và ca tụng công đức của Phật.

Các tia sáng ấy rất vi diệu và nhiều chẳng kể xiết. Chúng lượn quanh 80.000 vòng và chiếu sáng khắp nơi, trên lên đến trời Phi Phi Tưởng, dưới đến tận Địa ngục Vô Gián, không chỗ nào là chẳng rọi tới. Khi các chúng ở trong đó thấy được ánh hào quang của Phật, họ tự nhiên niệm Phật và đều đắc Sơ Địa Phương Tiện Chánh Định.

Lúc bấy giờ trong đại chúng có 49 vị sơ phát tâm Bồ-tát. Ai ai cũng muốn hỏi Đức Phật làm sao để sống lâu, nhưng họ đều chẳng biết phải hỏi như thế nào.

Khi ấy Diệu Cát Tường Bồ-tát biết họ có điều nghi vấn, nên ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo lộ vai phải, chắp tay và hướng về Đức Phật, rồi bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con thấy một số vị trong đại chúng đây có điều nghi vấn muốn hỏi, nhưng họ đều chẳng biết phải hỏi như thế nào. Thế nên, bây giờ con muốn thay họ để thưa hỏi. Kính mong Như Lai cho phép con nói.”

Đức Phật bảo:

“Lành thay, lành thay! Này Diệu Cát Tường! Ông có điều nghi vấn. Ông hãy cứ hỏi.”

Ngài Diệu Cát Tường bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sanh ở trong biển sanh tử, họ gây tạo các nghiệp ác. Từ kiếp này đến kiếp khác, họ luân hồi trong sáu đường. Cho dù được thân người nhưng do quả báo nên mạng sống ngắn ngủi.

Họ phải làm thế nào mới có thể diệt trừ các nghiệp ác và được sống lâu? Ngưỡng mong Thế Tôn giảng dạy phương pháp để được trường thọ.”

Đức Phật bảo:

“Này Diệu Cát Tường! Lòng đại từ của ông thật vô lượng. Ông vì thương xót chúng sanh tội khổ nên mới hỏi việc ấy. Nếu Ta thuyết giảng tường tận thì hết thảy chúng sanh đều không thể tín thọ.”

Ngài Diệu Cát Tường lại bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Ngài có Nhất Thiết Chủng Trí, là thầy của trời người, là cha lành của tất cả chúng sanh. Ngài làm bậc đại Pháp Vương và có thể diễn nói hết thảy diệu Pháp với chỉ một âm thanh. Kính mong Thế Tôn hãy thương xót chúng sanh mà rộng thuyết giảng Pháp này.”

Khi ấy Đức Phật liền mỉm cười và bảo toàn thể đại chúng:

“Các ông hãy lắng nghe. Ta sẽ phân biệt và giảng giải cho các ông.

Vào thuở quá khứ có một thế giới tên là Thanh Tịnh Vô Cấu. Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật ấy có vô biên chư Bồ-tát đại chúng cung kính vây quanh.

Trong giáo Pháp của Đức Phật đó có một Thanh Tín Nữ tên là Điên Đảo. Khi biết Phật đã xuất hiện ở thế gian, nàng đến chỗ của Phật và xin muốn xuất gia.

Khi ấy người nữ Điên Đảo khóc lóc thảm thiết rồi thưa với Đức Phật kia rằng:

‘Thưa Thế Tôn! Con đã trót tạo nghiệp ác. Con nay muốn cầu xin sám hối. Kính mong Thế Tôn hãy nghe con kể rõ sự tình.

Xưa kia con từng có mang và thai nhi đã tròn tám tháng tuổi. Do vì gia pháp nên con không thể có con cái. Thế là con uống thuốc độc để phá thai. Bào thai do con phá khi ấy đã đầy đủ hình người.

Sau đó, con gặp một người trí và vị ấy đã bảo con rằng:

“Nếu ai cố ý phá thai thì hiện đời người này sẽ bị quả báo bệnh nặng và thêm thọ mạng ngắn ngủi. Còn lúc chết thì sẽ đọa Địa ngục Vô Gián để chịu đau đớn khôn xiết.”

Giờ con suy nghĩ lại thì cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Cầu mong Thế Tôn với sức đại từ bi, xin Ngài hãy vì con mà thuyết Pháp và cho phép con được xuất gia để thoát miễn khổ báo này.’

Lúc bấy giờ Đức Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai bảo người nữ Điên Đảo rằng:

‘Ở thế gian có năm loại nghiệp ác khó mà sám hối cho sạch. Những gì là năm?

1. giết cha

2. giết mẹ

3. phá thai

4. làm thân Phật chảy máu

5. phá hòa hợp Tăng

Tội lỗi của những nghiệp ác này rất khó diệt trừ.’

Lúc bấy giờ người nữ Điên Đảo nghẹn ngào khóc than, lệ tuôn như mưa, cúi đầu đảnh lễ sát đất, và quỳ lết đến trước Phật, rồi thưa với Phật rằng:

‘Đức Thế Tôn, bậc đại từ cứu hộ tất cả. Cúi mong Thế Tôn thương xót, xin hãy thuyết Pháp cho con.’

Đức Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai lại bảo rằng:

‘Nghiệp ác do con gây ra sẽ khiến con đọa Địa ngục Vô Gián và phải chịu đau đớn không chút tạm ngưng.

Ở trong địa ngục nóng bỏng, luồng gió lạnh bỗng nhiên thổi đến và làm cho người tội tạm thoáng được lạnh. Ở trong địa ngục lạnh buốt, luồng gió nóng bỗng nhiên thổi đến và làm cho người tội tạm thoáng được nóng.

Địa ngục Vô Gián thì không phải như vậy. Ở địa ngục này, lửa từ trên bắn xuống, lửa ở dưới bốc lên. Ở bốn phía tường của ngục này đều làm bằng sắt. Bên trên có màn lưới sắt bao phủ. Trên bốn cửa thành của đông tây nam bắc đều có lửa nghiệp cháy hừng hực.

Nếu một người thọ tội thì thân họ cũng đầy chật cả ngục và thân dài đến 80.000 do-tuần. Nếu nhiều người thọ tội thì thân họ cũng đầy khắp cả ngục.

Toàn thân của người tội có những con rắn sắt khổng lồ quấn quanh. Nọc độc của nó còn thống khổ hơn cả lửa dữ. Có con bò vào miệng rồi chui ra mắt hoặc tai của người tội. Chúng siết chặt toàn thân của họ từ kiếp này đến kiếp khác. Tứ chi và các đốt xương của người tội luôn có lửa cháy rực phun ra.

Lại có quạ sắt mổ ăn thịt tội nhân. Hoặc có chó đồng cắn xé thân xác người tội. Các ngục tốt đầu trâu cầm binh khí và thét ra tiếng ác vang dội như sấm sét nổ.

Con cố ý phá thai nên sẽ chuốc lấy khổ này. Nếu Ta nói dối thì Ta không gọi là Phật.’

Khi người nữ Điên Đảo nghe Phật nói xong thì nghẹn ngào đau xót và xỉu trên đất.

Một hồi sau thì mới dần dần tỉnh dậy và lại thưa với Phật rằng:

‘Thưa Thế Tôn! Có phải chỉ riêng một mình con là sẽ thọ lãnh thống khổ này, hay tất cả những chúng sanh nào phá thai thì cũng đều phải thọ lấy nỗi khổ đó?’

Đức Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai bảo người nữ Điên Đảo rằng:

‘Thai nhi của con đã phát triển đầy đủ hình người. Nó nằm ở giữa các bộ phận dạ dày và đường ruột mà như là đang ở địa ngục với hai tảng đá đè ép vào thân. Nếu mẹ ăn đồ nóng thì con như ở địa ngục nóng. Nếu mẹ ăn đồ lạnh thì con như ở địa ngục lạnh. Suốt ngày nó phải chịu thống khổ.

Thế mà ở trong vô minh, con còn ác tâm cố ý uống thuốc độc. Nghiệp ác này sẽ tự động dẫn con đọa Địa ngục Vô Gián. Các tội nhân ở địa ngục chính là bạn đồng hành của con đó.’

Người nữ Điên Đảo kêu gào và lại thưa rằng:

‘Con đã từng nghe người trí nói lời như thế này:

“Nếu ai trót tạo các việc ác mà gặp được Phật hoặc chư Tăng, rồi chí thành sám hối thì tội sẽ được tiêu trừ. Giả như đã mạng chung và rơi vào các địa ngục, nhưng nếu thân bằng quyến thuộc tạo một ít phước cho họ, thì người chết sẽ được sanh lên trời.”

Có thật đúng như vậy không, thưa Thế Tôn? Xin Ngài hãy nói cho con biết!’

Đức Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai bảo người nữ Điên Đảo rằng:

‘Nếu có chúng sanh nào tạo các trọng tội mà gặp được Phật hoặc chư Tăng, rồi chí thành sám hối và quyết không bao giờ tái phạm, thì tội sẽ được tiêu trừ.

Giả như họ đã mạng chung và còn trong lúc Diêm Vương Thiên Tử vẫn chưa tra hỏi định đoạt, nếu lục thân quyến thuộc của người chết có thể lễ Phật cùng thỉnh chư Tăng để cúng dường, lại trong bảy ngày chuyển đọc Đại Thừa Phương Quảng Kinh điển và thắp hương rải hoa, thì khi ấy sứ giả khảo xét thiện ác của Diêm Vương sẽ cầm cây thần phan năm màu mà đến trước chỗ của Diêm Vương. Ở trước và phía sau của cây tràng phan này sẽ có tiếng ca tụng ngợi khen với âm thanh vi diệu và nhu hòa hiền từ vang ra.

Họ trình tấu cho Diêm Vương rằng:

“Người này tích nhân làm thiện!”

Hoặc giả như người chết lúc sanh thời tin theo tà kiến điên đảo, không tin Kinh điển trong Phật Pháp Đại Thừa, chẳng có tấm lòng hiếu thảo và không có tâm từ bi, lại chẳng có ai làm công đức cho họ trong bảy ngày sau khi mất, thì khi ấy sứ giả của Diêm Vương sẽ cầm một cây tràng phan màu đen mà đến trước chỗ của Diêm Vương. Ở trước và phía sau của cây tràng phan này sẽ có vô lượng ác quỷ.

Họ trình tấu cho Diêm Vương rằng:

“Người này tích nhân làm ác!”

Lúc bấy giờ, khi Diêm Vương Thiên Tử thấy cây thần phan năm màu đi đến thì lòng vui mừng vô cùng, ngài lớn tiếng nói rằng:

“Nguyện việc thiện của ta cũng bằng như hắn vậy!”

Ngay lúc đó, các địa ngục sẽ biến thành những dòng suối trong. Núi đao rừng kiếm biến thành hoa sen. Tất cả tội nhân đều thọ hưởng vui sướng.

Còn nếu Diêm Vương thấy cây tràng phan màu đen thì lòng phẫn nộ và hét ra tiếng dữ tợn như sấm nổ. Người tội lập tức rơi vào trong 18 đại địa ngục.

Tội nhân bị ép phải leo lên rừng kiếm, vào trong núi đao, ngồi trên giường sắt, hay phải bắt ôm trụ đồng. Lưỡi bị kéo ra để cày bừa, hoặc bị nhét vào trong cối xay để nghiền nát.

Trong một ngày có muôn lần chết đi và muôn lần sống lại. Triển chuyển như thế cho đến khi đọa Địa ngục Vô Gián để chịu thống khổ cùng cực; từ kiếp này cho đến kiếp khác, không chút tạm ngưng.’

Đức Như Lai kia còn chưa nói xong, thì lúc bấy giờ trong hư không có âm thanh ghê rợn hét ra:

‘Điên Đảo! Ngươi cố ý phá thai nên phải chịu quả báo đoản mạng. Ta là quỷ sứ đến để truy bắt ngươi đó!’

Khi ấy người nữ Điên Đảo kinh hoàng, nàng ôm chân của Đức Như Lai kia và khóc than.

‘Cúi xin Thế Tôn hãy rộng thuyết giảng Pháp tạng của chư Phật và phương pháp tiêu trừ nghiệp tội cho con. Nếu được như thế thì dù có chết đi con cũng cam lòng.’

Lúc bấy giờ Đức Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai dùng uy lực của Phật mà bảo quỷ sứ rằng:

‘Này sát quỷ vô thường! Ta bây giờ muốn giảng Kinh Trường Thọ Diệt Tội cho người nữ Điên Đảo. Hãy đợi thêm một lát nữa thì tự ông sẽ có điều chứng ngộ.

Này Điên Đảo! Con hãy lắng nghe. Ta sẽ thuyết Pháp bí mật của chư Phật cho con, đó là Kinh Trường Thọ mà 1.000 Đức Phật quá khứ cũng đã giảng dạy, thời sẽ khiến con cùng chúng sanh xa lìa đường ác.

Này Điên Đảo! Nên biết rằng, sát quỷ vô thường này đây không bao giờ lay động trước tình cảm van xin. Dù con có đem vô lượng trăm ngàn vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, và mã não để mua chuộc tánh mạng thì vẫn không thể nào được thoát miễn đâu. Dẫu cho những người có thế lực, như là quốc vương, hoàng tử, đại thần, hay trưởng giả, nhưng lúc quỷ vô thường đến tước đi mạng sống quý báu của họ thì không một ai có thể thoát khỏi.

Này Điên Đảo! Nên biết rằng, duy nhất một chữ Phật mới có thể thoát miễn khổ ách đó.

Này Điên Đảo! Thế gian có hai loại người rất là hy hữu; họ khó gặp như hoa linh thụy.

– Một là những người không bao giờ làm điều ác.

– Hai là những người có thể sám hối khi phạm lỗi lầm.

Những người như thế rất là quý hiếm. Do con đã có thể thành tâm sám hối ở trước Ta, nên Ta sẽ vì con mà thuyết Kinh Trường Thọ, thời sẽ khiến con thoát khỏi khổ ách bị quỷ vô thường truy sát.

Này Điên Đảo! Nên biết rằng, trong đời ác năm trược vào đời vị lai, nếu có chúng sanh nào gây tạo các trọng tội, như là: giết hại cha mẹ, uống thuốc độc phá thai, hủy hoại chùa tháp, làm thân Phật chảy máu, và phá hòa hợp Tăng.

Các chúng sanh gây tạo năm tội ngỗ nghịch như thế, nếu họ có thể thọ trì Kinh Trường Thọ này, rồi biên chép đọc tụng, hoặc tự biên chép, hay bảo người khác biên chép, thì tội sẽ tiêu trừ và sẽ được sanh lên cõi Phạm Thiên. Huống chi là con nay còn đích thân thấy được Ta.

Lành thay Điên Đảo! Ở trong vô lượng kiếp, con đã gieo trồng các thiện căn. Nhân do câu hỏi khéo léo và sự ân cần sám hối của con, Ta nay sẽ thuyết Pháp cho con. Không bao lâu, con sẽ có thể chuyển Pháp luân vô thượng, có thể vượt qua vô biên đại hải của sanh tử, có thể chiến đấu với Thiên ma Ác Giả, có thể bẻ gãy cờ chiến thắng đã dựng lên của Thiên ma Ác Giả. Con hãy lắng nghe! Ta sẽ thuyết Mười Hai Nhân Duyên mà chư Phật quá khứ cũng đã dạy.

vô minh duyên hành → hành duyên thức → thức duyên danh sắc → danh sắc duyên lục nhập → lục nhập duyên xúc → xúc duyên thọ → thọ duyên ái → ái duyên thủ → thủ duyên hữu → hữu duyên sanh → sanh duyên già chết và các ưu sầu khổ não →

vô minh diệt thì hành diệt → hành diệt thì thức diệt → thức diệt thì danh sắc diệt → danh sắc diệt thì lục nhập diệt → lục nhập diệt thì xúc diệt → xúc diệt thì thọ diệt → thọ diệt thì ái diệt → ái diệt thì thủ diệt → thủ diệt thì hữu diệt → hữu diệt thì sanh diệt → sanh diệt thì già chết và các ưu sầu khổ não diệt.

Này Điên Đảo! Nên biết rằng, do bởi tất cả chúng sanh không thể quán chiếu Mười Hai Nhân Duyên, nên họ phải luân chuyển trong các đường sanh tử để thọ khổ. Nếu ai có thể quán chiếu Mười Hai Nhân Duyên thì họ sẽ liền thấy như thật của các pháp. Do người đó thấy như thật của các pháp nên họ sẽ liền thấy Phật. Khi đã thấy Phật thì họ sẽ liền ngộ Phật tánh.

Vì sao thế? Bởi hết thảy chư Phật đều dùng Mười Hai Nhân Duyên để làm Pháp tánh.

Bây giờ con đã nghe được Ta thuyết Mười Hai Nhân Duyên này, thời con sẽ đắc Phật tánh thanh tịnh và có thể làm bậc Pháp khí. Ta nay sẽ vì con mà nói một Đạo chân thật. Con hãy tư duy và gìn giữ một niệm này. Một niệm này gọi là Bồ-đề tâm. Mà Bồ-đề tâm còn gọi là tâm Đại Thừa.

Vì căn tánh của chúng sanh bất đồng, nên chư Phật và Bồ-tát phân biệt mà nói có ba thừa. Trong niệm niệm con phải luôn luôn gìn giữ Bồ-đề tâm này và chớ để quên mất. Dẫu thân bị năm uẩn [sắc, thọ, tưởng, hành, thức] thiêu đốt, bị bốn con rắn [đất, nước, gió, lửa] ăn nuốt, bị ba độc [tham, sân, si] não loạn, bị sáu tên giặc [sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp] chiếm đoạt, và bị hết thảy chúng ma đến xâm nhiễu, thì cũng không thể nào biến đổi Bồ-đề tâm này.

Nhân do được Bồ-đề tâm như thế, nên thân sẽ kiên cố như kim cang, tâm bao la như hư không, và không gì có thể trở ngại hay phá hoại.

Nhân do được thân tâm bất hoại, nên liền đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nhân do đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nên sẽ có thường lạc ngã tịnh.

Khi đã có đầy đủ bốn đức của Niết-bàn, thì sẽ liền có thể xa rời sát quỷ vô thường này cùng sanh già bệnh chết và các sự thống khổ ở địa ngục.’

Khi Đức Phật kia ở giữa đại chúng thuyết Pháp này xong, lúc bấy giờ quỷ sứ đang ở trong hư không khởi nghĩ như vầy:

‘Ta đã nghe được Thế Tôn thuyết giảng Pháp yếu này. Cho dù là địa ngục thì cũng có thể biến thành ao hoa sen thanh tịnh. Bây giờ ta phải xả bỏ cảnh giới của quỷ này mới được.’

Quỷ sứ lại nói với người nữ Điên Đảo rằng:

‘Điên Đảo! Khi cô đắc Đạo thì xin hãy hóa độ cho ta!’

Lúc bấy giờ Đức Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai lại bảo người nữ Điên Đảo rằng:

‘Này Điên Đảo! Ta đã giảng Mười Hai Nhân Duyên cho con. Giờ đây Ta sẽ lại vì con mà nói Sáu Độ. Đó là: Bố Thí Độ, Trì Giới Độ, Nhẫn Nhục Độ, Tinh Tấn Độ, Thiền Định Độ, và Trí Tuệ Độ. Đây là Sáu Độ, con hãy gắng thọ trì.

Nay Ta sẽ lại vì con mà nói bài kệ vô thường của chư Phật quá khứ đã nói khi các Ngài thành Phật Đạo.

Các hành đều vô thường

Là pháp của sanh diệt

Khi sanh diệt diệt rồi

Tịch diệt an vui nhất’

Khi nghe Pháp xong, người nữ Điên Đảo hoan hỷ vô cùng, tâm hoát nhiên thanh tịnh, minh liễu khai ngộ. Sau đó, nàng nương thần lực của Phật rồi thăng lên hư không với độ cao bằng bảy cây cọ và ngồi tĩnh tọa an nhiên.

Lúc bấy giờ có một đại tánh Phạm Chí, gia tài giàu sang không ai sánh bằng, bỗng nhiên lâm trọng bệnh. Sau khi khám, thầy thuốc bảo là cần phải có mắt người trộn với dược thảo thì mới trị lành.

Khi ấy ông trưởng giả liền sai đồng bộc đến các ngã tư đường mà lớn tiếng rao rằng:

‘Ai có thể nhẫn chịu đau đớn để bán đôi mắt của mình? Tôi sẽ cho ngàn lượng vàng với kho tàng trân bảo; tùy ý muốn bao nhiêu cũng được và sẽ không bao giờ nuối tiếc.’

Khi người nữ Điên Đảo nghe được lời rao đó, trong lòng vui mừng vô cùng và tự nghĩ thầm:

‘Mình đã nghe được Kinh Trường Thọ từ Đức Phật, và giờ đây hết thảy nghiệp ác cũng đã tiêu trừ. Tâm đã liễu ngộ Phật tánh. Lại còn rời xa sát quỷ vô thường và các sự thống khổ ở địa ngục. Ta phải xả bỏ thân này để báo đáp ân huệ từ bi của Phật.’

Sau khi nghĩ như thế rồi, nàng hô lớn rằng:

‘Tôi nay đã 49 tuổi. Sau khi nghe được Kinh Trường Thọ từ Đức Phật, bây giờ tôi muốn xả bỏ thân mạng này mà không hề luyến tiếc để biên chép 49 quyển Kinh Trường Thọ. Tôi chỉ mong sao tất cả chúng sanh đều có thể thọ trì đọc tụng Kinh này. Tôi cần bán đôi mắt của mình để trả tiền công cho những người biên chép Kinh. Mắt của tôi vô giá và muốn trả bao nhiêu cũng được.’

Lúc bấy giờ Thiên chủ Đế Thích và các vị thiên tử biến hóa thành 49 người phàm, rồi họ đến chỗ của người nữ Điên Đảo và nói rằng:

‘Chúng tôi nguyện sẽ biên chép Kinh này cho cô, nhưng sau khi đã thấy Kinh rồi thì cô phải bán đôi mắt của mình.’

Lúc ấy người nữ Điên Đảo mừng rỡ khôn xiết, nàng tự rạch thịt từ nơi chân tay để lấy xương chẻ làm bút và chích máu làm mực mà cung cấp cho những người biên chép Kinh. Chỉ nội trong bảy ngày thì việc biên chép Kinh hoàn mãn.

Sau đó những người biên chép Kinh nói với người nữ Điên Đảo rằng:

‘Bây giờ chúng tôi đã biên chép Kinh xong. Chúng tôi hy vọng cô vẫn còn giữ lời hứa của mình. Sau khi xem Kinh xong, xin cô hãy trao đôi mắt của mình để chúng tôi đem đi bán cho Phạm Chí.’

Lúc bấy giờ người nữ Điên Đảo liền sai một kẻ làm nghề mổ giết để khoét đôi mắt của mình. Nàng cũng thỉnh cầu 49 người biên chép Kinh hãy chia một phần cho hắn.

Kẻ làm nghề mổ giết tuân lệnh và khi sắp sửa khoét mắt nàng thì 49 người kia đều xướng lên rằng:

‘Hiếm có thay, hiếm có thay! Thật là chẳng thể nghĩ bàn! Vì muốn biên chép Kinh này, người nữ Điên Đảo này đây đã có thể nhẫn chịu đau đớn để chẻ xương làm bút và chích máu làm mực mà chẳng hề luyến tiếc thân mạng. Chúng tôi làm sao mà đành nỡ lấy đi đôi mắt của cô chứ?’

Rồi với lòng từ bi, họ bảo người nữ Điên Đảo rằng:

‘Chúng tôi không còn muốn bán đôi mắt của cô cho Phạm Chí nữa. Nhưng khi nào cô đắc Đạo thì xin hãy cứu độ chúng tôi.

Xin nguyện chúng tôi đời đời sẽ luôn được sanh chung một nơi với cô để làm Thiện Tri Thức và cùng tuyên dương Kinh này để cứu độ hết thảy chúng sanh tội khổ.’

Lúc bấy giờ Hỷ Lạc Long Vương dùng đại uy lực, ngài thi triển các huyễn thuật mà trộm lấy Kinh của người nữ Điên Đảo, rồi cất giữ chúng ở trong long cung để thọ trì và cúng dường.

Chỉ trong khoảnh khắc, người nữ Điên Đảo bỗng hốt nhiên chẳng còn thấy Kinh nữa nên nàng nghẹn ngào rơi lệ mà thưa với Phật rằng:

‘Thưa Thế Tôn! Con đã xả bỏ thân mạng để biên chép Kinh Trường Thọ. Con chỉ mong sao Kinh này sẽ lưu truyền đến hết thảy chúng sanh. Bỗng nhiên bây giờ con không biết các Kinh đó ở đâu nữa. Lòng con giờ đây tràn đầy sầu muộn và nỗi thống khổ này thật khó mà nhẫn cho đành.’

Đức Phổ Quang Như Lai bảo người nữ Điên Đảo rằng:

‘Kinh của con đã được long vương thỉnh xuống long cung để thọ trì và cúng dường. Con nên vui mừng và không cần phải ưu sầu.

Lành thay Điên Đảo! Do bởi năng lực từ công đức đó nên sau khi thọ mạng chấm dứt, con sẽ sanh về các cõi trời Vô Sắc Giới để thọ hưởng mọi điều vui sướng và vĩnh viễn sẽ không còn thọ thân nữ.’

Khi ấy người nữ Điên Đảo thưa với Phật rằng:

‘Thưa Thế Tôn! Ước nguyện của con không phải muốn sanh lên trời. Con chỉ nguyện đời đời kiếp kiếp sẽ luôn được gặp Thế Tôn. Như thế, Bồ-đề tâm sẽ không bao giờ thối chuyển. Ở bất cứ nơi nào mà con đến, con sẽ luôn tuyên dương Pháp này cho hết thảy chúng sanh tội khổ.’

Đức Phổ Quang Như Lai bảo rằng:

‘Có phải con đang vọng ngữ?’

Người nữ Điên Đảo lại thưa rằng:

‘Thưa Thế Tôn! Nếu con vọng ngữ, xin hãy khiến con bị quỷ vô thường truy bắt như lúc trước. Nếu con thật lòng thì bây giờ ở trước Phật, xin hãy khiến vết thương của con được lành hẳn.’

Do bởi nguyện lực nên người nữ Điên Đảo liền lập tức được bình phục như cũ.

Đức Phổ Quang Như Lai lại bảo người nữ Điên Đảo rằng:

‘Nếu nhất tâm niệm Phật thì con có thể du hành từ Phật độ này đến Phật độ khác. Con sẽ liền có thể thấy vô lượng vô biên thế giới của chư Phật và cũng như thông hiểu bất khả thuyết văn tự ngữ ngôn ở nơi đó.’

Lúc bấy giờ chỉ ở trong một thoáng chốc, người nữ Điên Đảo liền đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Diệu Cát Tường! Nên biết rằng, Đức Phổ Quang Như Lai lúc ấy chính là tiền thân của Ta. Người nữ Điên Đảo chính là tiền thân của ông đó. Còn 49 người biên chép Kinh thuở đó, nay chính là 49 vị sơ phát tâm Bồ-tát đây vậy.

Từ vô lượng kiếp đến nay, Ta luôn tuyên giảng Kinh này cho các ông và Pháp hộ thân để khiến cho hết thảy chúng sanh nào đã gây tạo nghiệp ác, dẫu họ chỉ nghe được nửa bài kệ trong Kinh Trường Thọ, thì thảy đều được tiêu trừ. Huống chi là nay Ta còn thuyết giảng thêm một lần nữa.”

Lúc bấy giờ vua Thắng Quân đang ở trong hoàng cung. Bỗng vào khoảng nửa đêm, ngài nghe có tiếng của một người đàn bà kêu gào khóc lóc. Tiếng gào khóc bi ai thảm thiết của bà khó ai kiềm lòng cho được.

Nhà vua tự nghĩ thầm:

“Trong thâm cung của ta chưa từng có việc này. Tại sao lại có tiếng bi ai như thế?”

Vào sáng sớm hôm sau, ngài lập tức sai người đến khắp mọi nẻo đường trong thành để tìm cho ra người đàn bà đó. Sứ giả tiếp lãnh sắc lệnh của quốc vương, họ tìm được và mang về. Khi người đàn bà ấy thấy quốc vương, bà hốt hoảng và xỉu ngay tại chỗ. Sau đó, nhà vua sai người xối nước lạnh vào mặt và dần dần thì bà tỉnh dậy.

Nhà vua hỏi rằng:

“Tối qua có tiếng kêu khóc. Có phải là ngươi không?”

Người đàn bà đó thưa rằng:

“Dạ thưa chính là thảo dân!”

Nhà vua hỏi rằng:

“Tại sao ngươi lại khóc lóc thảm thiết như thế? Ai đã ăn hiếp ngươi?”

Người đàn bà đó thưa rằng:

“Tâu đại vương! Nỗi uất hận của con thật không có ai ăn hiếp cả. Kính mong đại vương hãy nghe lời nói của thảo dân.

Con xuất giá theo chồng lúc con mới 14 tuổi. Trải qua 30 năm, thảo dân đã sanh được 30 đứa con. Dung nhan của chúng thù diệu, gương mặt hồng hào, môi đỏ như son, và răng trắng như ngọc. Chúng rất đáng yêu và xinh tươi như bông hoa giữa mùa xuân.

Con thương yêu chúng như xương, như não, và cũng như ruột gan của mình. Thậm chí con quý chúng còn hơn tánh mạng của mình nữa. Nhưng khi chúng vừa chớm lớn và còn chưa đầy một tuổi, thì khoảng vào mùa hè hoặc mùa thu, thì chúng liền bỏ con mà chết.

Bây giờ chỉ còn lại một đứa cuối cùng. Nó là mạng sống của con, nhưng hiện giờ nó trông ủ rũ. Con e rằng nó cũng sắp ra đi. Đó là nguyên nhân mà vì sao tối qua con đã khóc than.”

Khi nghe lời ấy xong, nhà vua rất ư sầu não và tự nghĩ thầm:

“Tất cả bá tánh đều trông cậy nơi ta. Nếu ta không thể cứu giúp họ thì ta không gọi là vua.”

Thế là ngài liền triệu tập quần thần và cùng họ thảo luận.

Nhà vua có sáu vị đại thần:

– Vị thứ nhất tên là Kiến Sắc.

– Vị thứ nhì tên là Văn Thanh.

– Vị thứ ba tên là Hương Túc.

– Vị thứ tư tên là Biện Tài.

– Vị thứ năm tên là Tùy Duyên.

– Vị thứ sáu tên là Dị Nhiễm.

Sáu vị đại thần này cùng tâu với nhà vua rằng:

“Tâu đại vương! Khi em bé mới chào đời thì nên lập đàn thất tinh và nhị thập bát tú để kéo dài thọ mạng, như thế em bé sẽ không bị chết yểu. Kính mong đại vương hãy tuyên cáo phương pháp này đến khắp thiên hạ.”

Khi ấy có một vị đại thần tài trí, đã từng gieo trồng các thiện căn nơi vô lượng chư Phật, tên là Định Tuệ.

Ngài đến trước nhà vua và tâu rằng:

“Tâu đại vương! Đại vương nên biết rằng, phương pháp của sáu vị đại thần đều không thể giúp em bé thoát miễn chết yểu.

Hiện tại có một vị đại sư, họ Cù-đàm, tên Siddhārtha, là bậc vô sư tự ngộ. Bây giờ Ngài đã thành Phật và đang thuyết Kinh Trường Thọ ở tại núi Thứu Phong. Kính mong đại vương hãy đến nơi đó để nghe.

Nếu ai nghe được nửa câu kệ của Kinh này thì hết thảy trọng tội mà họ đã tạo suốt trăm ngàn kiếp sanh tử đều sẽ tiêu diệt. Tất cả những đứa trẻ nào nghe được Kinh này, mặc dầu chúng không hiểu nghĩa lý, nhưng do bởi công đức của Kinh này nên chúng sẽ tự nhiên trường thọ.”

Vua Thắng Quân nói rằng:

“Trẫm đã từng nghe sáu vị đại sư nói là tài học của Sa-môn Cù-đàm kém cỏi, chỉ là đứa con nít, tuổi tác non nớt. Theo luận thuyết của sáu vị đại sư thì Cù-đàm dùng yêu thuật huyễn hóa. Nếu ai tôn sùng thì đa số là họ sẽ mất Chánh Đạo.”

Lúc bấy giờ Đại thần Định Tuệ dùng kệ thưa với nhà vua rằng:

“Thích-ca-mâu-ni Thiên Nhân Sư

Trong vô lượng kiếp tu khổ hạnh

Nay được thành Phật chuyển Pháp luân

Tuyên lại quá khứ lời chư Phật

Chẳng trái hết thảy chúng sanh nguyện

Sức đại từ bi cứu quần mê

Thấy Phật như rùa gặp gỗ trôi

Cũng như linh thụy tối diệu hoa

Kính mong đại vương đến nghe Pháp

Đừng tin ngoại đạo lục sư ngôn”

Khi nói bài kệ này xong, Đại thần Định Tuệ dùng sức thần thông, ngài từ dưới đất thăng vọt lên hư không với độ cao bằng bảy cây cọ. Ngài liền ở trước nhà vua mà đọc các chú thuật. Và chỉ trong thời gian của một niệm, Đại thần Định Tuệ khiến núi Diệu Cao cùng nước của các biển cả vào trong tim ngài mà thân thể vẫn an nhiên vô ngại.

Khi vua Thắng Quân thấy việc này, nhà vua khen thật hiếm có và biết ngay là Thiện Tri Thức chân chánh.

Rồi ngài đảnh lễ ở trước Đại thần Định Tuệ và hỏi rằng:

“Thầy của thần là ai?”

Đại thần Định Tuệ tâu rằng:

“Tâu đại vương! Thầy của vi thần là Đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Bây giờ Ngài đang thuyết Kinh Trường Thọ Diệt Tội ở trên núi Thứu Phong gần Đại thành Vương Xá.”

Sau khi nghe xong, nhà vua rất vui mừng. Ngài liền tạm ủy thác quốc sự cho Đại thần Định Tuệ, rồi với vô lượng quyến thuộc, đại thần, và trưởng giả cùng đi lên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá. Ở trước và phía sau của những cỗ xe báu với bốn ngựa của nhà vua có cung nữ với đồng bộc cầm theo tràng hoa và hàng trăm loại phẩm vật cúng dường. Khi đến nơi, họ cởi các trang sức trên mình xuống, đi nhiễu Phật bảy vòng, rồi chắp tay đảnh lễ và rải hoa cúng dường. Tiếp đến, nhà vua thưa rõ sự việc trên với Đức Phật.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo vua Thắng Quân:

“Vào thuở quá khứ, người nữ này đã từng làm mẹ kế. Bởi lòng ganh tị, bà dùng thuốc độc giết chết 30 đứa con của người vợ trước.

Những đứa con bị giết đó đều thề rằng:

‘Ta nguyện đời đời kiếp kiếp luôn sanh làm con của bà ấy, rồi sẽ liền chết yểu để khiến bà khổ xiết và đau đớn thảm thiết.’

Nhưng bây giờ người nữ này đã tới đây nghe Ta giảng Kinh Trường Thọ, dẫu chỉ nghe được một bài kệ thì oan gia trái chủ sẽ từ đây vĩnh tuyệt.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo các đại chúng:

“Khi người mẹ có thai, Ma vương Ác Giả liền phóng rắn độc của bốn đại và ác tặc của sáu trần vào ở trong thai nhi. Nếu bất cứ một thứ nào ở trên không điều hòa thì mạng căn liền đứt. Ta có một thần chú, khéo có thể giúp tăng thêm thọ mạng của em bé. Nếu đứa bé nào bị bệnh hoạn khốn khổ, một khi nghe chú này của Ta qua lỗ tai, thì không gì là chẳng lành. Ngoài ra, chú này còn có thể khiến ác quỷ tháo chạy biệt tăm.”

Chú thuyết như vầy:

|| ba đầu di, ba đầu di đề tỳ, hề ni, hề ni, hề di, chư lê, chư ra, chư li, hầu ra, hầu ra, do li, do ra, do li, ba ra, ba li văn, chế sân, điệt tần điệt, bàn thệ, mạt điệt, trì na ca lê, tô ba ha. ||

|| padmi padmi-devī kṣīni kṣīni kṣemin, jūre jūra jūrī, hūrā hūrā, yu rī, yu ra, yu rī, para pari-muñca, chide bhide bhañje māthe chida-kare svāhā ||

Đức Phật bảo:

“Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào thọ trì đọc tụng thần chú này, như họ muốn tụng chú này cho em bé đang ở trong bào thai, hoặc cho em bé đã sinh rồi, hay cho các em bé mắc bệnh, thì trong bảy ngày bảy đêm hãy thắp hương rải hoa, biên chép Kinh này để cúng dường, và chí tâm tín thọ, thời tất cả trọng bệnh cùng nghiệp chướng ở đời trước của chúng đều sẽ được tiêu trừ.”

Lúc bấy giờ có y vương Bồ-tát tên là Cố Hoạt, ngài đến trước Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con làm đại y vương và có thể chữa trị mọi chứng bệnh. Các trẻ nít có chín loại bệnh khiến chúng có thể bị chết yểu. Những gì là chín?

1. Cha mẹ phi thời hành dục.

2. Nơi sinh nở có máu chảy ô uế trên đất, khiến địa thần không chịu ở nên ác quỷ thừa cơ đột nhập.

3. Lúc sinh nở, rốn của em bé do không khử trùng đàng hoàng nên bị nhiễm vi khuẩn.

4. Lúc sinh nở đã không dùng bông gòn thấm thuốc khử trùng để lau sạch máu dơ từ bào thai bọc em bé.

5. Giết hại động vật để mở tiệc ăn mừng.

6. Khi mang thai hoặc lúc cho em bé bú, người mẹ ăn tạp nhạp những quả trái cây lạnh.

7. Khi em bé bị bệnh, chúng được cho ăn với các loại thịt hỗn tạp.

8. Đương lúc sinh nở, điềm chẳng lành xuất hiện tại chỗ sanh. Nếu dây rốn vẫn còn dính vào người mẹ, thì người mẹ sẽ có thể bị chết. Nếu dây rốn đã cắt rồi, thì sẽ khiến em bé bị chết.

Thế nào là điềm chẳng lành? Mắt con người có thể thấy tất cả những loại xác chết và các điều quái dị. Do bởi mắt thấy những điều bất tịnh cho nên gọi là điềm chẳng lành. Nếu lấy ngưu hoàng, trân châu, và cát trắng tinh đem nghiền nát, rồi trộn với mật ong và cho em bé dùng, thì sẽ định tâm của em bé và có thể thoát miễn việc không cát tường.

9. Khi dẫn em bé đi vào buổi tối, chúng bị ác quỷ đánh đập.

Nếu có thể thận trọng chín việc này cho tất cả em bé thì chúng sẽ không bị chết yểu.”

Giữa lúc bấy giờ, Thiên ma Ác Giả ở trong ma cung, do cũng có Tha Tâm Thông nên thiên ma biết Đức Phật đang thuyết Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé cho đại chúng, thế nên thiên ma sanh lòng phẫn nộ dữ dội, rồi thét ra tiếng ác vang dội, ưu sầu không vui.

Khi ấy ba con gái của thiên ma đến trước phụ vương thưa rằng:

“Thưa đại vương! Vì sao cha lại ưu sầu khổ não như thế?”

Ma vương đáp rằng:

“Hiện giờ Sa-môn Cù-đàm đang thuyết Kinh Trường Thọ cho vô lượng vô biên chúng sanh ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá. Cù-đàm muốn lưu truyền Kinh này đến hết thảy chúng sanh để họ trường thọ an vui. Ông ấy đang xâm phạm cảnh giới của cha nên khiến cha khởi sanh lòng tà ác.

Cha bây giờ muốn thống lãnh các hàng quyến thuộc cùng tất cả ma binh để đến chiến đấu. Cho dù là không thể cản trở Sa-môn Cù-đàm, thì cha cũng sẽ dùng uy lực mà bịt tai của chư thiên và đại chúng lại, để khiến họ không thể nghe Phật giảng Kinh Trường Thọ.”

Khi ấy ba con gái của ma vương dùng kệ can ngăn phụ vương:

“Thiên ma Ác Giả có ba con gái

Đến trước phụ vương cúi đầu thưa rằng

Sa-môn Cù-đàm thầy của trời người

Chẳng phải ma lực có thể cấm ngăn

Ngày xưa Phật ở dưới cội Bồ-đề

Khi vừa ngồi lên Pháp tòa Cát Tường

Ba chúng con đây khêu gợi sắc đẹp

Trong hàng thiên nữ chúng con đẹp nhất

Trăm loại nhảy múa mưu toan muốn dụ

Nhưng tâm Bồ-tát đều chẳng nhiễm trước

Quán ba chúng con như các cụ bà

Rồi thành chánh giác bậc thầy tất cả

Cung tên của cha muốn làm khiếp sợ

Ma binh vũ khí đầy khắp hư không

Bồ-tát xem như trò chơi trẻ nít

Chẳng chút hãi kinh tâm không thối chuyển

Hôm nay thành Đạo làm bậc Pháp Vương

Kính mong phụ vương ác ý hãy dừng”

Sau khi Ma vương Ác Giả nghe bài kệ từ ba con gái của mình xong, thiên ma chọn những binh sĩ anh dũng và nói với họ rằng:

“Ta và các ngươi sẽ cùng đi đến chỗ của Phật. Chúng ta giả vờ đầu hàng Phật, rồi sau đó dùng phương tiện khéo léo để làm cho Phật tin tưởng. Nếu được Phật tín nhiệm, chúng ta tha hồ mà làm việc của ma để cản trở Kinh này.”

Nói xong, ma vương liền dẫn quyến thuộc đồng đến chỗ của Phật, rồi đi nhiễu Đức Phật bảy vòng và bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Ngài thuyết Pháp không mệt mỏi chứ? Con nay thống lãnh chúng ma quyến thuộc để đến nghe Kinh Trường Thọ và chúng con muốn làm đệ tử của Phật. Cúi mong Thế Tôn hãy cho chúng con được mãn nguyện.”

Lúc ấy Thế Tôn quở trách ma vương rằng:

“Ông đã ở tại ma cung của mình sanh tâm phẫn nộ. Mưu kế của ông là giả vờ quy thuận, rồi thừa cơ làm ma sự. Ở trong Pháp của Ta không dung chứa việc dối trá của ông.”

Khi ấy Ma vương Ác Giả cảm thấy hổ thẹn, rồi từ bỏ cái dáng điệu gian xảo mà bạch với Đức Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Mưu kế ngu si của con thật không thể che giấu được Ngài. Cầu mong Thế Tôn đại từ bi, xin hãy tha thứ lỗi lầm của con. Bây giờ con đã nghe được Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé.

Con xin phát thệ nguyện rằng:

‘Vào thời Mạt Pháp, nếu có ai thọ trì đọc tụng và biên chép Kinh này, thì ở nơi đó, con sẽ ủng hộ họ và không để ác quỷ có cơ hội gây hại.

Giả như ở địa ngục, nếu có tội nhân nào tưởng nhớ đến Kinh này chỉ trong một thoáng thôi, thì con sẽ dùng sức đại uy thần để lấy nước của biển lớn mà xối vào người tội, và con cũng khiến cho đại địa ngục biến thành như ao hoa sen.'”

Lúc bấy giờ lại có chúng phi đằng la-sát, với La-sát Ăn Thịt Con Nít làm thủ lãnh của họ, cùng với các hàng quyến thuộc đồng loại từ trên không bay xuống.

Sau đó họ đi nhiễu Đức Phật ngàn vòng, rồi bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Chúng con đã thọ sinh làm thân la-sát từ vô lượng kiếp đến nay. Quyến thuộc của chúng con thì nhiều như cát sông Hằng.

Chúng con ai nấy đều phải bị đói khát giày vò. Ở khắp mọi nơi, chúng con chỉ ăn thai nhi và uống máu ăn thịt của các em bé sơ sinh. Quyến thuộc của chúng con luôn rình rập tất cả chúng sanh. Đợi đến lúc vợ chồng giao hợp, chúng con ăn tinh dịch của họ và khiến họ không thể có con.

Hoặc chúng con cũng theo vào trong thai nhi để gây hại và uống máu.

Hoặc trong vòng bảy ngày từ lúc em bé mới sanh, chúng con tìm cơ hội để đoạt mất tánh mạng của nó. Cho dù là đứa bé đã đến mười tuổi, quyến thuộc của chúng con cũng có thể biến làm muôn loại trùng ác độc để vào trong bụng của em bé, rồi ăn nuốt ngũ tạng và tinh huyết của nó. Khi đó sẽ có thể khiến cho em bé bị ói sữa và mắc bệnh lỵ.

Hoặc làm chúng mắc bệnh đường ruột, bệnh sốt rét, mắt sưng húp, và bụng báng nước. Rồi dần dần chúng con sẽ đoạt mất mạng sống của nó.

Nay chúng con đã nghe Phật giảng Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé, chúng con sẽ phụng trì lời giáo sắc của Thế Tôn. Dẫu cho quyến thuộc của chúng con bị đói khát bức bách, thì chúng con cũng không bao giờ dám ăn thai nhi và uống máu ăn thịt của các em bé sơ sinh.”

Phật bảo các la-sát:

“Các ông nên thọ trì giới cấm của Ta. Như thế sẽ khiến các ông sau khi xả thân la-sát này, thời sẽ sanh lên trời để thọ hưởng vui sướng.”

Phật bảo đại chúng rằng:

“Nếu có em bé nào mắc bệnh ngặt nghèo, thì mẹ hiền của chúng nên lấy một ít sữa của mình rồi rưới lên không trung để bố thí cho các la-sát. Lại với tâm thanh tịnh, người mẹ hãy thọ trì, biên chép, và đọc tụng Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé này, thì bệnh của em bé sẽ liền tiêu trừ.”

Khi ấy chúng la-sát vui mừng vô cùng và bạch với Đức Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nếu chúng con có thể sanh lên cõi trời thì quyến thuộc của chúng con sẽ không bao giờ xâm đoạt sữa của em bé. Cho dù là phải nuốt viên sắt, chúng con cũng không bao giờ uống máu con nít.

Sau khi Phật diệt độ, nếu ai có thể đọc tụng và thọ trì Kinh này thì dù ở bất cứ nơi đâu, giả như có kẻ ác muốn não loạn vị Pháp sư này, hoặc có ác quỷ muốn não hại các em bé, chúng con sẽ cầm chày kim cang của Phật mà hộ vệ họ và không để cho ác quỷ thừa cơ hãm hại.”

Lúc bấy giờ tất cả chư thiên đại vương cùng quyến thuộc, tất cả vua rồng, tất cả chúa dạ-xoa, chúa phi thiên, chúa kim sí điểu, chúa nghi thần, chúa đại mãng xà, chúa quỷ đói, chúa quỷ hút tinh khí, chúa quỷ xú uế, và cho đến chúa quỷ cực xú uế. Khi ấy, hết thảy chư vương cùng hàng quyến thuộc đều lễ bái Đức Phật.

Sau đó, họ cùng chắp tay và nói lời như vầy:

“Bạch Thế Tôn! Kể từ bây giờ, ở bất cứ nơi đâu mà có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh Tín Nam, hoặc Thanh Tín Nữ nào thọ trì hay biên chép Kinh Trường Thọ này, thì quyến thuộc của chúng con sẽ luôn hộ vệ người ấy.

Chư vương chúng con đây sẽ đuổi trừ tất cả ác quỷ. Giả như có chúng sanh nào bị ác quỷ não hại và khiến họ gặp hoạn nạn khổ bức, nếu họ có thể thanh tịnh thân tâm mà biên chép Kinh này, thời chư vương chúng con đây sẽ chế phục ác quỷ, khiến người ấy không bị chết oan và cũng không bị loài ác quỷ gây hại.”

Lúc bấy giờ Kiên Lao Địa Thần từ chỗ ngồi đứng dậy và nói lời như vầy:

“Bạch Thế Tôn! Nếu có đệ tử nào của Phật thọ trì Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé này, thì địa thần chúng con sẽ làm cho đất đai của người đó luôn được phì nhiêu màu mỡ. Khi ăn thực vật trồng trên đó sẽ khiến họ tăng thêm thọ mạng.

Chúng con sẽ luôn dùng vô số vàng bạc, cùng đủ mọi tài vật, và muôn loại cốc mễ mà cung cấp đầy đủ cho người có tín tâm này. Như thế họ sẽ không bị thiếu hụt, cuộc sống an ổn, không có lo âu, tâm thường hoan hỷ, được phước điền tốt lành, và sẽ không có ác quỷ đoạt mất mạng sống của họ.

Nếu có em bé nào mới chào đời trong vòng bảy ngày, thì địa thần chúng con sẽ bảo hộ và không để chúng bị chết yểu.”

Lúc bấy giờ trong đại chúng, vị Kim Cang Lực Sĩ cũng bạch với Đức Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Sau khi Đức Như Lai đã giảng Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé này rồi, thì các vị đại thí chủ cùng hàng quyến thuộc đều nên phát tâm hộ trì, đọc tụng, và biên chép Kinh này. Họ cũng nên cúng dường đầy đủ và chớ để thiếu hụt.

Con đã từng nghe Đại Đức Thế Tôn tuyên thuyết Cát Tường Đại Thần Lực Chương Cú. Ngài bảo rằng, nếu có chúng sanh nào nghe qua thần chú này một lần thì ở suốt trăm ngàn đời họ sẽ không bao giờ bị đoản mạng. Họ sẽ được trường thọ và không mắc bệnh khổ. Tuy họ có bốn loại ma đang cư ngụ trong thân thể, nhưng chúng sẽ không thể ngang ngược lộng hành. Thần chú này giúp họ tăng trưởng thọ mạng. Họ có thể sống đến trọn 120 tuổi, hoặc không già không chết, và cho đến được quả vị không thối chuyển.

Nếu có đệ tử nào của Phật đang mắc bệnh hoạn trầm trọng mà nghe được thần chú này, thì sẽ liền thoát khỏi bị chúng ác quỷ đoạt mất tánh mạng.”

Chú thuyết như vầy:

|| đa địa dạ tha, chiên đạt rị, chiên đạt ra tỳ đề, chiên đạt ra ma hồng, chiên đạt ra bạt đế, chiên đạt ra bất lê, chiên đạt ra xá di, chiên đạt ra để lê, chiên đạt phệ mế, chiên đột lâu, chiên đạt ra bà ra tử, chiên đạt ra vật đạt lê, chiên đạt ra bà địa di, chiên đạt ra bà mế, chiên đạt ra khư kỳ, chiên đạt ra lô ký, tẩu bà ha. ||

|| tadyātha, candri, candra-vide, candrama hūṃ, candravate, candra-pūre, candra-jaye, candra-tire, candra-vime, candra-dhuru, candra-prabhe, candra-uttare, candra-patīye, candra-bhāme, candra-khaḍge, candrāloke svāhā ||

Đức Phật bảo:

“Lành thay, lành thay, Kim Cang Lực Sĩ! Ông nay có thể tuyên thuyết Thần Chú Cát Tường để Bảo Hộ Các Em Bé này, thời ông sẽ sớm làm bậc đại đạo sư của tất cả chúng sanh.

Này Diệu Cát Tường! Nên biết rằng, chư Phật quá khứ đều tuyên thuyết thần chú như vậy. Nó có năng lực bảo hộ người tu hành, khéo có thể tăng trưởng thọ mạng cho hàng trời người, có thể diệt trừ hết thảy tội cấu ác kiến, và có thể hộ vệ tất cả người trì Kinh để họ tăng thêm thọ mạng.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử:

“Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược, nếu có Tỳ-kheo nào phá giới cấm của Ta, gần gũi Tỳ-kheo-ni cùng với các đàn bà con gái; hoặc cùng với Cần Sách Nam hay Cần Sách Nữ uống rượu ăn thịt, gian dâm hẫy hừng. Chính những kẻ này sẽ hủy diệt Pháp của Ta và làm cho hàng cư sĩ khinh rẻ. Chúng kinh doanh như người thế tục và làm những việc bất tịnh. Chúng không có lòng hổ thẹn và tâm như cái đầu gỗ. Phải biết hạng người này là những kẻ tạo năm tội ngỗ nghịch, không phải đệ tử của Ta, là quyến thuộc của ma, và chúng được gọi là lục sư ngoại đạo. Ở đời hiện tại, các Tỳ-kheo đó sẽ mắc quả báo đoản mạng. Các Tỳ-kheo-ni nào như thế thì cũng sẽ mắc quả báo như vậy. Nhưng nếu họ có thể sám hối và không bao giờ tái phạm, cùng thọ trì Kinh này thì sẽ liền được trường thọ.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược, nếu có Bồ-tát nào phỉ báng người khác, rồi tự khen việc thiện của mình, hay không muốn chia sẻ và truyền dạy Phương Quảng Kinh điển cho người khác, Bồ-tát như thế chính là bạn lữ của ma, không phải là Bồ-tát chân thật. Nhưng nếu họ có thể chí tâm thọ trì Kinh này cùng biên chép đọc tụng, thì sẽ liền được thân kim cang bất hoại và thường hằng của chư Phật.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược, nếu có quốc vương nào giết hại cha mẹ, tru trảm lục thân, không y theo vương pháp, và khởi binh xâm chiếm nước khác; khi trung thần can gián thì liền bị giết, dâm dục hẫy hừng, đi ngược lại chính sách an dân của tiên đế; lại còn phá hủy tháp tự và thiêu đốt Kinh tượng. Do bởi quốc vương vô đạo như thế nên trong nước ấy sẽ có lũ lụt và hạn hán thất thường, dân chúng đói khát và mắc bệnh dịch nên phải tử vong. Ở đời hiện tại, quốc vương như thế sẽ bị đoản mạng. Khi chết sẽ đọa vào Đại địa ngục Vô Gián. Nhưng nếu họ có thể biên chép, lưu thông, và cúng dường Kinh này, cùng chí thành sám hối và làm theo chính sách an dân của tiên đế thì sẽ liền được trường thọ.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược, nếu có đại thần cùng những quan thần nào thọ bổng lộc của vua mà không làm tròn chức vụ của mình; họ không có lòng hổ thẹn, nịnh hót bất trung, chuyên làm điều dối trá; họ là những tặc thần nguy hại, khiến cho đất nước bất an; giả như có người đến trình thưa thì họ không làm đúng theo quốc pháp, hà hiếp bá tánh, phóng túng tham lam, giết hại kẻ vô tội, và cướp đoạt tài bảo của dân chúng; họ còn khinh mạn Kinh điển và làm chướng ngại sự truyền bá của Phật Pháp Đại Thừa. Ở đời hiện tại, những hạng người như thế sẽ bị đoản mạng. Khi chết sẽ đọa Địa ngục Vô Gián mà không có kỳ hạn thoát khỏi. Nhưng nếu họ có thể sám hối, biên chép đọc tụng, và thọ trì Kinh này thì sẽ liền được trường thọ và luôn mãi có bổng lộc.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ tin theo tà kiến điên đảo, không tin Chánh Pháp trong Kinh điển Đại Thừa. Các chúng sanh như thế, cho dù được sở hữu vô lượng trăm ngàn vàng bạc đi nữa thì vẫn ôm lòng bỏn xẻn. Họ chỉ tham cầu tiền tài danh lợi, không thể bố thí, hoặc tương cứu những ai nghèo khổ túng thiếu. Lại không thể biên chép, thọ trì, và đọc tụng Mười Hai Bộ Kinh. Họ sẽ không bao giờ thoát ra khỏi khổ ách vô thường của đường ác. Những người như vậy, cảnh nhà sa sút: chim đậu ở dưới bếp lò, rắn bò vào phòng, chó thình lình trèo lên nóc nhà, chuột kêu hàng trăm tiếng lạ khác nhau, các loài cầm thú hoang dã tranh nhau vào nhà, hoặc hàng trăm loại yêu tinh quỷ quái xuất hiện nơi cư trú. Bởi thấy những điều quái dị như thế nên trong lòng sanh phiền não. Do phiền não tích tập nên họ bị đoản mạng. Nhưng nếu họ có thể biên chép, thọ trì, lưu thông, và đọc tụng Kinh này thì sẽ liền có thể tồi phá các điều quái dị như thế và sẽ được trường thọ.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có các bậc làm cha mẹ, tuy con cái đã lớn khôn nhưng vẫn luôn thương nhớ và lo lắng. Thế nên họ sanh ra tâm bệnh.

Vì sao thế? Thí dụ như khi con trai trưởng thành và bị bắt đi quân dịch. Bởi là pháp luật của đất nước nên không thể làm gì hơn, vì thế mà cha mẹ lo âu. Đây gọi là tâm bệnh. Hoặc khi con gái khôn lớn và xuất giá theo chồng. Ở bên phía chồng, chúng bị người khinh khi, vợ chồng không hòa thuận, vì thế mà cha mẹ lo âu. Đây gọi là tâm bệnh. Do bởi tâm bệnh nên sanh ra ưu sầu khổ não. Do bởi bệnh tích tập từ ưu sầu khổ não nên hiện đời phải đoản mạng. Nhưng nếu họ có thể biên chép và thọ trì Kinh này thì sẽ được trường thọ. Do bởi uy lực của Kinh nên con cái của họ bình an, sống hòa thuận, và tâm bệnh của bản thân cũng được tiêu trừ.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh không có một chút lòng từ bi. Chúng giết hại sinh mạng và ăn thịt của mọi loài chúng sanh, bao gồm 10 loại thịt [thịt người, thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn, thịt sư tử, thịt cọp, thịt beo, thịt gấu, và thịt linh cẩu].

Này Diệu Cát Tường! Nên biết rằng, việc đó thì cũng như là việc giết cha mẹ và ăn thịt lục thân. Hoặc do bởi sát sanh mà lại còn phá thai, nhân vì tạo nghiệp như thế nên hiện đời bị đoản mạng. Giả sử khi vợ chồng giao hợp, tinh dịch sẽ bị ác la-sát ăn nuốt nên khiến họ không thể có con. Nhưng nếu họ có thể biên chép và thọ trì Kinh này thì sẽ liền thoát miễn khổ báo đó.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh không biết việc đời trước. Khi tạm được thân người thì chúng chỉ biết hưởng thụ khoái lạc. Thế nhưng chúng còn phỉ báng, hoặc cậy thế ỷ quyền và hăm dọa tánh mạng người khác. Chúng dấy khởi muôn loại ác tâm, cống cao ngã mạn, và không tin Kinh điển Đại Thừa. Ở đời hiện tại, những hạng người như thế sẽ bị đoản mạng. Nhưng nếu họ có thể thành tâm sám hối, sửa đổi tâm tánh, cùng biên chép đọc tụng và thọ trì Kinh này, thì do bởi năng lực từ thiện căn ấy mà họ được trường thọ. Giả như dẫu họ mắc bệnh hoạn đi nữa thì cũng không bao giờ bị chết một cách oan uổng.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh thi hành sắc lệnh vua hoặc lời dạy bảo của cha mẹ mà đến nơi tha phương. Họ băng qua những con đường hiểm trở để buôn bán và đi tìm các trân bảo. Do vì tiền tài danh lợi, họ cống cao ngã mạn, chơi bời cờ bạc, gần gũi dâm nữ, và kết giao với kẻ xấu ác. Bởi không tuân theo sắc lệnh vua cùng lời căn dặn của cha mẹ, họ rượu chè đàng điếm nên khiến thân tàn mạng mất. Hoặc giả sử có được tài bảo đi nữa, nhưng do rượu làm tâm trí hôn mê nên họ không biết con đường nào dẫn đến chỗ an toàn. Cuối cùng là phải lạc vào hiểm lộ nên bị bọn ác tặc cướp đoạt tài bảo. Thế nên tánh mạng cũng mất đi. Nhưng nếu họ có thể biên chép Kinh này và phát lời thệ nguyện quảng đại, thì dù ở bất cứ nơi đâu, ác tặc sẽ thoái lui và chúng sanh tâm hoan hỷ, các loài thú dữ sẽ không thể nhiễu hại, thân tâm an ổn, và có được nhiều tài bảo. Do bởi uy lực của Kinh mà họ được trường thọ.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh do vì gây tạo nghiệp ác nên khi chết phải đọa địa ngục. Khi từ địa ngục ra khỏi, họ sẽ sinh vào chốn bàng sanh. Giả như dẫu họ có được thân người đi nữa thì sáu căn cũng không hoàn chỉnh. Khi sinh ra thì bị mù điếc, câm ngọng, hoặc gù lưng. Nếu sanh làm thân nữ thì họ sẽ không hề biết đến văn tự trong Kinh điển. Giả như sanh làm thân người nam, nhưng do bởi nghiệp ác, họ ngu si ám độn và không thể chuyển đọc Kinh Trường Thọ này. Thế nên tâm họ sẽ khởi sanh ưu sầu khổ não. Do bởi có ưu sầu khổ não nên gọi là tâm bệnh. Do bởi có tâm bệnh nên hiện đời bị đoản mạng. Nhưng nếu họ có thể thỉnh cầu Thiện Tri Thức biên chép Kinh này, rồi đích thân truyền trao cho người khác, từ đầu đến cuối, họ một lòng tôn kính và đội mang Kinh này trên đỉnh đầu. Do bởi chí thành nên sẽ được vô lượng công đức. Họ sẽ không bao giờ còn thọ lại các nghiệp ác như trên. Ở hiện đời, người ấy sẽ được trường thọ.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược, nếu có chúng sanh nào sau khi mạng chung, lại được hàng quyến thuộc vì người chết ấy mà tu tạo các phước lành từ 7 ngày cho đến 49 ngày, thì trong bảy phần công đức, người chết chỉ được một phần. Nhưng nếu có thể trong 49 ngày ở lúc sanh thời, họ ngưng tất cả chuyện nhà để biên chép Kinh này, rồi cúng dường hương hoa, đảnh lễ Phật, và thỉnh chư Tăng đến để thiết chay cúng dường bảy lần, thì công đức có được sẽ nhiều như cát sông Hằng. Ở đời hiện tại, người ấy sẽ được trường thọ và vĩnh viễn lìa xa khổ ách của ba đường ác. Còn nếu người ấy đã chết, người thân cốt nhục có thể mang tài sản của họ mà tu tạo phước đức, thời người chết sẽ hưởng trọn bảy phần công đức.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh bất hiếu ngỗ nghịch. Đối với cha mẹ, chúng chẳng nhớ ơn nghĩa sinh thành. Còn đối với anh chị em, chúng vong ân phụ nghĩa. Lúc bấy giờ, khi Hành Đạo Thiên Vương đi tuần ở bốn châu thiên hạ, ngài trỗi muôn loại âm nhạc và dẫn hàng quyến thuộc đến châu Thắng Kim vào ba tháng chay [tháng Giêng, tháng Năm, và tháng Chín] của mỗi năm để làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu có chúng sanh nào đang bị các chứng bệnh hành hạ, thời Hành Đạo Thiên Vương sẽ giúp đuổi trừ ác quỷ và khiến họ được lành bệnh. Nhưng nếu có chúng sanh nào bất hiếu, ganh tị, và tạo nghiệp ác, thì lúc bấy giờ Hành Bệnh Quỷ Vương liền thổi khí độc để họ mắc mọi chứng bệnh ôn dịch nguy kịch. Họ bị nóng, bị lạnh, hay bị sốt rét làm đuối sức, tà ma quỷ độc thừa cơ đột nhập, hoặc mắc phải bệnh hủi ngặt nghèo. Nhưng nếu họ có thể vào mùng một của tháng Giêng âm lịch mà thắp hương rải hoa cùng thanh tịnh thân tâm để biên chép Kinh này. Hoặc từ ngày đó cho đến bảy ngày, họ đảnh lễ Phật, thỉnh chư Tăng đến cúng dường, ăn chay, trì giới thanh tịnh, và đọc tụng Kinh này, thì do bởi thiện căn ấy mà trọn đời họ sẽ không bao giờ mắc phải bệnh tật và ôn dịch. Do bởi không mắc phải bệnh tật và ôn dịch nên họ sẽ sống lâu.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh phước bạc. Khi kiếp sắp tận, lúc đó sẽ có bảy mặt trời đồng chiếu sáng. Cho dù không có bảy mặt trời đi nữa, nhưng nếu có quốc vương vô đạo nên sẽ khiến trời hạn hán. Tất cả mọi cỏ cây, rừng rậm, trăm loại hạt, cây mía, bông hoa, và rau quả ở trên đất sẽ khô héo và chết đi. Trái lại, nếu có quốc vương nào vì hết thảy chúng sanh mà có thể thọ trì đọc tụng Kinh điển này, thì Hỷ Lạc Long Vương, Hiền Hỷ Long Vương, và các vị long vương khác sẽ thương xót chúng sanh. Rồi các vị vua rồng sẽ lấy nước từ biển lớn và giáng xuống những cơn mưa để thấm nhuần tất cả rừng rậm, trăm loại hạt, dược thảo, và cây cối; khi ấy chúng sanh vui mừng. Do bởi uy lực từ Kinh này nên mọi người sẽ được trường thọ.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh buôn bán gian lận và kiếm tiền một cách bất nghĩa. Do bởi tạo nghiệp tội đó nên khi chết, họ sẽ đọa địa ngục. Khi từ địa ngục ra khỏi, họ sẽ sinh làm các loài động vật, như là: trâu, lừa, voi, ngựa, heo, chó, dê, muỗi, nhặng, rận, kiến, cùng mọi loài cầm thú. Nếu có vị đại Bồ-tát nào với lòng từ bi mà chuyển đọc Kinh này ở trước những động vật ấy để khiến chúng nghe được một lần qua tai, thì do bởi uy lực của Kinh này nên tùy theo mỗi loài mà thảy đều giải thoát. Khi các loài động vật ấy xả bỏ thân đó rồi, chúng sẽ được sanh lên trời để thọ hưởng vui sướng. Nếu có Bồ-tát nào mà chẳng có lòng từ bi và không thể rộng thuyết giảng Kinh điển này, thì họ không phải là đệ tử của Phật, mà là bạn lữ của ma.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những chúng sanh ngã mạn, không tin Kinh điển, và hủy báng Pháp của Ta. Hoặc giả sử có nơi giảng Pháp, chúng không có lòng muốn nghe hay muốn học. Do bởi tạo những nghiệp tội đó nên hiện đời bị đoản mạng và sau khi chết phải sa vào các địa ngục. Nhưng nếu có nơi nào thuyết giảng Kinh Trường Thọ này, và tất cả chúng sanh có thể đến nghe, hoặc họ có thể khuyên người khác đến nghe, hay san sẻ chỗ ngồi của mình cho người mới tới, thì người như vậy chính là hộ Pháp của Phật. Họ sẽ trường thọ và không rơi vào đường ác. Nếu ai muốn chuyển đọc Kinh Pháp này, họ có thể lập đàn thanh tịnh, lớn nhỏ tùy theo kích cỡ của căn phòng.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược sẽ có những người nữ đang mang thai mà giết hại động vật để lấy ăn thịt, hoặc ăn các loại trứng chim, và không có một chút lòng từ mẫn. Ở đời hiện tại, họ sẽ mắc phải quả báo đoản mạng và quả báo sanh khó. Do bởi sanh khó nên họ có thể bị chết. Hoặc dẫu có sinh được đứa con này ra đi nữa, nhưng nó là oan gia trái chủ chứ không phải đứa con hiền đức. Nhưng nếu họ có thể phát thệ nguyện rộng lớn và biên chép Kinh này, thì sẽ liền sanh dễ dàng, không có các tai chướng, mẹ con đều an vui. Như muốn con trai hay con gái thì sẽ tùy theo ước nguyện mà được sanh cả.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Diệu Cát Tường Bồ-tát:

“Ta nay giảng Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Mười Hai Nhân Duyên Phật Tánh này, thì chư Phật quá khứ cũng đã đồng thuyết giảng. Nếu có chúng sanh nào thọ trì đọc tụng Kinh này, thời họ sẽ đạt được rất nhiều phước lợi và có thể sống trọn đến 120 tuổi. Khi lâm chung, họ sẽ không bị đao bay cắt xẻo thân thể và cũng chẳng phải chịu hết thảy mọi khổ ách khác. Do bởi nghe Kinh Phật Tánh nên họ sẽ được thân kim cang bất hoại và thường hằng của chư Phật. Thân ấy là trạm nhiên thanh tịnh, niệm niệm kiên cố. Khi họ sắp mạng chung thì sẽ có hai vị Bồ-tát xuất hiện. Vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm. Vị thứ nhì tên là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ-tát này sẽ cưỡi mây năm màu và ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà. Các ngài mang theo đài hoa sen để tiếp dẫn người niệm Phật sanh về cõi nước Bất Động. Lúc đó, hành giả sẽ tự nhiên được an vui và sẽ không rơi vào tám nạn.

Này Diệu Cát Tường! Nên biết rằng, tất cả những chúng sanh ngu si đều chẳng hay chẳng biết gì về thọ mạng ngắn ngủi, mỏng manh của họ như cục đá cọ sát xẹt ra tia lửa, như bọt trên mặt nước, và như tia điện chớp.

– Bởi thế mà họ ở trong đó chẳng kinh chẳng sợ.

– Bởi thế mà họ ở trong đó tham lam tài lợi.

– Bởi thế mà họ ở trong đó rượu chè đàng điếm.

– Bởi thế mà họ ở trong đó sanh lòng đố kỵ.

Cho nên, họ cứ phải trôi dạt trên sóng biển lớn của sanh tử. Duy chỉ có chư Phật và Bồ-tát mới có thể đến bờ kia. Còn chúng sanh phàm phu thì chắc chắn phải bị trầm luân. Sát quỷ vô thường sẽ chợt đến bất kỳ. Dẫu cho có dùng vô lượng vô biên vàng bạc với tài bảo để cầu xin tha mạng thì cũng chỉ là vô ích.

Chúng sanh nên biết và cần quán thân này mà khởi nghĩ như vầy:

‘Thân này như bốn con rắn độc và luôn bị vô lượng loài trùng táp ăn. Thân này là xú uế, ham muốn dục lạc, trói buộc như lao ngục. Nó là thân đáng ghét và giống như con chó đã chết. Thân này bất tịnh và có chín lỗ luôn tiết ra đồ dơ bẩn. Thân này như thành trì để cho quỷ la-sát ẩn náu. Thân này không bền lâu và sẽ bị quạ, diều hâu, và chó đói ăn thịt. Vì thế ta cần phải xả bỏ thân ô uế này mà cầu tâm Bồ-đề.’

Hãy quán sát lúc thân này mất đi, mồ hôi trắng chảy ra, hai tay ngửa lên, đau đớn khó mà nhẫn cho đành. Khi mạng căn đã hoàn toàn dứt hẳn, từ một ngày, hai ngày, và cho đến năm ngày, thân xác trương sình với máu ứ xanh bầm, máu mủ xì ra. Thật gớm ghiếc đến ngay cả cha mẹ vợ con còn không dám nhìn.

Cho dù thân này đã chôn xuống đất thì thịt và xương cũng đều phân tán. Như là xương chân, xương vai, xương chày, xương hông, xương sườn, xương sống, xương sọ, và đầu lâu, thì mỗi thứ mỗi nơi. Còn thịt, ruột, dạ dày, tim, gan, phổi, thận, và lá lách thì bị các loài trùng làm ổ.

Nếu quán sát như vậy thì làm gì có cái ngã ở đâu? Cho dù đương lúc còn sống đi nữa, thì vàng bạc, trân bảo, tiền tài, và kho tàng, chúng có liên quan gì với ta đâu?

Nếu có chúng sanh nào muốn cầu thoát khỏi những thống khổ này, thì chớ đau tiếc quốc gia, thành trì, vợ con, và cho đến xả bỏ đầu mắt tủy não của họ để biên chép Kinh này cùng thọ trì đọc tụng.

Mười Hai Nhân Duyên này là bí tạng của chư Phật. Nếu ai lưu thông cúng dường và niệm niệm tu hành, thời sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và không gì có thể chướng ngại hay phá hoại người ấy. Họ sẽ không bao giờ bị chết yểu hay bị chết đột ngột.”

Khi Phật ở giữa đại chúng thuyết Pháp Mười Hai Nhân Duyên Phật Tánh này xong, hết thảy chúng hội–Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, thiên long bát bộ, người và phi nhân, cùng vua Thắng Quân với hàng quyến thuộc–số lượng đại chúng tham dự nhiều như cát sông Hằng, họ đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tất cả đều tán thán là việc chưa từng có. Sau đó, họ nhất tâm đảnh lễ và hoan hỷ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Công Đức Tin Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Đồng Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Trị Bệnh Hợp Dược - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà-ra-ni - Kinh Tạng
  • Kinh Người Phụ Nữ Gặp Điều Bất Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Đức Từ Thị Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 123 – Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật dạy Lão Bà La Môn Ở Vườn Hoàng Trúc - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi - Kinh Tạng