Vài tia nắng nhạt chiều tà còn chen mình qua hàng tầm vông đong đưa trước gió. Những cơn gió nhè nhẹ thổi làm cho những chiếc lá khô vàng rời cành xoe mình bay lượn trong không để rồi nằm lại sóng soài trên đất.

Bình minh đã dậy đằng Đông, ánh sáng mặt trời bắt đầu tỏa rạng. Sương tan dần, hòa quyện vào không gian mênh mông. Từ ngôi chùa cổ kính ngân vang những hồi chuông sớm như một giai điệu hữu tình làm rung động lòng khách trần trong bể khổ. Những chú chim non đang ríu rít trên cành chào nắng  sớm, hòa với tiếng ve sầu mùa hè, ngân vang một bản nhạc buồn man mác trong buổi bình minh.

Bên trong ngọ môn của ngôi chùa cổ, vị sư già đang quét rác chầm chậm trước sân chùa, nét mặt hiền hoà khả kính, điệu bộ khoan thai, dáng vẻ tĩnh thức thoát tục.

Cách chùa không xa là nhà ở của đôi bạn trẻ Oanh và Phượng. Hai người chơi rất thân với nhau. Oanh năm nay mười ba tuổi, còn Phượng thì kém hơn Oanh một tuổi. Nhà gần nhau, nên hai trẻ qua lại cùng nghịch cùng đùa những trò trẻ con: nhà chòi, đánh đũa, bún thun…như bao trẻ khác trong làng.

Nhà hai  em gần chùa, nhưng chưa bao giờ đến chùa chơi hay lễ Phật, tụng kinh gì cả, vì em cứ nghĩ đó là nơi tôn nghiêm, để cho những người lớn đi cầu nguyện, sinh hoạt, tuổi trẻ như chúng nó là không được vào. Hàng ngày con đường trước chùa luôn làm những thảm hoa nâng gót các em ngày hai buổi đến trường. Mặc dù vậy, đối với em, chùa cũng là những cái gì rất xa la ïtrong cõi tĩnh mịch u huyền của tâm thức.

Ánh dương đã nghiêng hẳn về Tây, không khí của một buổi chiều càng hiện rõ, tâm trạng mừng vui của những người lao động sắp được nghỉ ngơi. Vài tia nắng nhạt chiều tà còn chen mình qua hàng tầm vông đong đưa trước gió. Những cơn gió nhè nhẹ thổi làm cho những chiếc lá khô vàng rời cành xoe mình bay lượn trong không để rồi nằm lại sóng sòi trên đất.

Không biết động cơ nào, tại sao hôm nay trên đường đi học về, Oanh và Phượng không đi thẳng về nhà mà lại rảo bước vào sân chùa. Đến cửa hậu đường, hai đứa bổng khựng lại rụt rè, đứng núp ló bên ngoài không dám vào. Đứa này xô đẩy đứa kia:

–   Chị vào trước đi!Phượng nói.

–   Em vào trước đi! Oanh nói.

Hai đứa đang giằng co, thì vị sư già vừa ra tới của. Hai đứa giựt mình run lên, muốn quay mình bỏ chạy ra ngoài.

Bổng vị sư già cất lên giọng nói hiền từ của một vị chân tu. 

– Các con cứ vào chơi tự nhiên, đâu có gì phải sợ. Vào lễ Phật cho được phước. Phật độ các con học giỏi hơn! 

Nghe tiếng nói hiền từ, hai đứa cảm thấy an tâm hơn, trầm tỉnh  đứng lại vòng tay chào: “thưa ông” rồi nhìn nhau ấp a ấp úng muốn nói điều gì nhưng chẳng nói thành lời.

Dường như hiểu ý, vị sư liền dắt hai trẻ vào chùa, hướng dẫn cho các em lễ Phật, giải thích ý nghĩa một vài hình tượng trong chánh điện, rồi đi ra ngoài, để các em tự nhiên nhìn ngắm trau đổi chuyện trò.

Lần đầu tiên các em được thấy những tượng Phật to lớn, hơi phát sợ, nhưng lòng cũng tự nhủ, đây là Phật mà, Ngài rất từ bi! Tự nhiên lòng hai em cảm thấy sung sướng vô hạn tràn ngập niềm tôn kính. Nhìn hình ảnh Phật Di Lặc và những đứa trẻ vây quanh, các em cảm thấy đức Phật cũng yêu thương trẻ thơ, gần guiõ trẻ thơ chứ đâu  chỉ “chơi” với người lớn không như mình đã từng nghĩ ! Càng ngắm nhìn, các em càng cảm thấy say sưa thích thú. Nhìn tượng Bồ tát Quan Thế Âm, Phượng thì thầm nói với Oanh: Tượng này em thấy rất hiền lành, hiền cũng như mẹ của mình ở nhà hen chị! Oanh chỉ gật đầu nhẹ một cái thôi không nói không rằng. Dường như Oanh đang suy nghĩ một  điều gì đó.   Rồi cả hai  cùng dắt tay nhau lặng lẽ trở xuống hậu đường. Oanh và Phượng đi quanh tìm vị sư già.Thì ra sư đang nhổ cỏ mấy luống rau. Nghe tiếng chân đi, sư đoán chắt là hai đứa trẻ hồi nãy.Ngẩn mặt lên nhìn hai trẻ, sư  ôn tồn nói:

–   Phật  có thương tụi con không?

–   Dạ thương! Hai trẻ đồng nói.

–  Phật chẳng những thương tụi con, còn thương hết tất cả mọi loài. Nhà các con ở đâu?

–  Dạ thưa ông nhà chúng con cách đây chừng vài dây đất.

Rồi dường như chúng muốn nói thêm điều gì, nhưng lại im lặng không dám nói ra.

Vị sư hỏi:

–   Các con muốn hỏi gì?

–   Dạ thưa, con muốn … con muốn … Lại ngập ngừng. Rồi Oanh quay xang Phượng bảo: mày nói đi!

–   Nói cái gì? Phượng đáp.

–   Thì hồi nãy vừa đi tao vừa với mày đó.

Vị sư chen lời vào:

–   Các con cứ tự nhiên mà nói, có gì đâu phải ngại.

–   Thưa Ông! Con muốn làm “Phật nữ”- Oanh thưa.

Nhất thời, vị sư chưa hiểu ý, bèn hỏi lại:

–   Con muốn hỏi về tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, có tóc để dài đó chớ gì?

–   Dạ không! Con muốn làm “Phật Nữ” để mỗi đêm được đi tụng kinh như các bàø, các cô vậy đó. 

Vị sư cười lên khanh khách, đứng dậy phủi tay, đưa đôi mắt trìu mến thân thương nhìn và xoa đầu hai trẻ. Sự cảm xúc trào dâng biểu lộ lòng thương yêu hoan hỷ tuyệt đối với những ước muốn được xuất phát từ tâm hồn trong trắng ngây thơ của hai trẻ làng.

–   Tốt thôi các con ạ! Hai con muốn đi tụng kinh mỗi tối như các cô Phật tử chớ gì. Các con ham thích đi tụng kinh là điều rất quí. Nhưng muốn tụng kinh thì trước hết phải hiền ngoan, hiếu thảo, siêng năng học tập thì Phật mới thương nhiều… Thôi chiều rồi các con hãy về nhà, kẻo cha mẹ trông, hôm nào rảnh thì cứ đến chùa tụng kinh. 

Nghe lời dạy, hai đứa cúi đầu chào sư ra về. Vị sư già gật đầu tươi cười dõi mắt trông theo hai trẻ  cho đến khuất dạng.

Rời khỏi cổng chùa, Phượng cười rộ lên và nói:

–   Trời ơi! Người ta kêu là Phật tử mà chị nói làm Phật nữ thì Ông làm sao mà biết được.

Trong tâm trạng mừng mừng lo lo, Oanh hỏi Phượng:

–   Không biết mình làm Phật tử có sao không, có còn bị bắt buộc những điều gì không? Tại sao hôm nay hai đứa mình gan thật, đã hứa với ông nếu không đi là nói láu,  rất là có tội đấy.

–   Đi chùa tụng kinh vui, được Phật thương, Phật phù hộ chị em mình học còn thêm giỏi nữa chớ có bắt buộc gì đâu, Phượng nói.

Về đến cổng nhà thì trời đã chạng vạng tối. Oanh bước vào nhà:

–   Thưa mẹ con đi học mới về.

Mày đi học kiểu gì mà dữ vậy. Mẹ con Phượng mới vừa qua hỏi tao có nhờ nó với mày đi công chuyện gì đó không … Mặc dù rầy la như vậy nhưng bà vẫn ôm con vào lòng, vuốt tóc con và kề tai thủ thỉ: Đi học là phải nhớ về sớm nghen con, còn muốn đi chơi đâu  phải hỏi mẹ, không được tự  ý nghe chưa!

Oanh cảm thấy an tâm và sung sướng vô cùng. Đêm đó cả hai, Oanh và Phượng, ước mơ nghĩ ngợi đủ điều rồi lịm vào giấc ngủ hồi nào chẳng rõ.

Kể từ đó, Oanh và Phượng thường hay đến chùa chơi, theo sư ông nghe kể chuyện về sự tích Phật Thích – ca, Mục – liên Thanh – đề … Đêm nào rảnh bài, hai đứa tranh thủ đến chùa tụng kinh. Càng đi chùa các em càng thấy vui tươi thêm càng thấy yêu mến đạo pháp một cách kỳ lạ. Và dường như thói quen, đêm nào không đi chùa, hai đứa cảm thấy buồn buồn, thiếu thiếu một cái gì đó. Hai trẻ thấy vô cùng sung sướng khi được sư ông ban cho pháp danh là Diệu Từ(Oanh), Diệu Hạnh(Phượng). Chùa giờ đây trở thành nơi vui chơi, giải trí tinh thần lành mạnh cho hai trẻ. Trong thâm tâm của hai trẻ không còn mến thiết gì lắm với những niềm vui khác.

Một tối nọ, trời mưa to, mẹ Phượng qua nhà tìm mẹ Oanh để hỏi thăm:

–   Con Phượng có ở bên  nhà chị không?

–    Đâu có! Mẹ Oanh đáp.

–   Chừng nửa tháng rày, tối tối nó có qua nhà chị chơi với con Oanh không?

–   Đâu có. Mà con Oanh nhà tôi hổm nay cũng vậy, tối tối nó lại vắng nhà, tôi cứ tưởng nó qua nhà thím chơi chứ!

Vậy tụi nó đi đâu? Hơn nữa hôm nay trời mưa mà! Mẹ Phượng hốt hoảng.

Rồi hai  bà mẹ cứ lo toan, nghĩ ngợi đủ điều.

Trong khi cơn mưa còn đang say hạt, vì lo lắng cho con, nên hai bà xăn quần đội nón, mang theo cây đèn lồng đi tìm con trẻ. Đã đi hết xóm dưới rồi lên đầu trên hỏi thăm bảy tám căn nhà, nhưng chẳng biết được tin tức gì cả. Trong tâm trạng vừa lo lắng vừa tức giận,  hai bà hăm doạ đủ điều: về chuyến này là tui đánh cho mà biết tay, tui  trói lại trong nhà không cho đi đâu hết … Cuối cùng hai bà ghé vào một cái quán nhỏ gần chùa, vì trời mưa không có khách, nên chủ quán chuẩn bị đóng cửa để nghỉ sớm. Thấy có người bước vào, chủ quán vội mở lời đón khách:

–    Hai chị cần mua gì à?

–    Dạ không, cho tui hỏi thăm chút việc.

–   Bộ có việc gì quan trọng lắm sao mà hai chị có vẻ hốt hoảng dử vậy? Thôi  trời mưa mời hai chị vào nhà rồi hãy nói.

–   Không tui cần phải đi gấp. Từ chạng vạng tới giờ, chị có thấy mấy đứa trẻ nhà tui không vậy?

–   À, con Oanh con Phượng đó hả? Hình như hổm rày tôi thấy tụi nó hay đến chùa chơi, chị thử vào coi tụi nó có ở trong chùa không. Nhưng mà khoan đã, chùa còn đang tụng kinh.

Không nói không rằng, hai bà liền đi thẳng vô chùa. Qua cửa sổ chánh điện, dưới ngọn nến lung linh,  hai  bà thấy sau lưng vị sư già, có hai đứa trẻ đang ngồi trang nghiêm chấp tay tụng kinh một cách thành kính. Thì ra đó chính là con bà,  trên đầu tụi nó còn thấm ướt nước mưa.

Hai bà ngạc nhiên, giận tức, mừng rỡ, bất giác nghẹn nghào rơi lệ. Thân thể buốt giá khi nảy giờ đang được sưởi ấm bằng những dòng lệ nóng được chảy từ trái tim yêu thương con không có bến bờ.

Sau thời kinh tối nay, hai  trẻ không ở lại ăn bánh kẹo, hay nghe kể chuyện như thường khi,vội vàng vái chào sư ông ra về. Ra khỏi cửa hai đứa vừa co chân định chạy về nhà, thì nghe tiếng gọi tên mình thật lớn và rất quen thuộc – Đó là tiếng của mẹ. Hai đứa kinh hoàng sửng sốt, hốt hoảng van xin tha tội; qua ánh sáng đèn lồng, lại thấy thân thể mẹ bùn lầy ước xủng. Hai trẻ vừa khóc vừa nói những lời xin tha thứ như chất chứa niềm xúc cảm tự bao giờ.

Trong giây phút nín lặng, hai bà vội ôm con vào lòng lau nước mắt cho con.Vuốt tóc con bà cảm thấy con mình dường như lạnh buốt bởi những hạt mưa vô tình còn thấm trên áo của con. Được ấp ủ trong vòng tay  mẹ Oanh và Phượng chỉ còn nghe những lời trách cứ thì thầm bên tai: đi như vầy, tại sao con không hỏi mẹ! Con biết là mẹ lo lắng cho con lắm không.

Những tiếng nói của mọi người làm vang vọng khắp chùa, buộc nhà sư phải ra ngoài quan sát. Vị sư đã thấy và nghe mọi việc. Trong cơn xúc động thương tâm trào dâng, nhà sư đến gần hai bà mẹ kia và từ tốn nói rằng:

–    Hai cô đừng trách tụi nó làm chi nữa. Cũng tại tôi, vì thấy hai cháu còn nhỏ mà có tâm đạo như  vậy, nên tôi rất mừng vội cho hai cháu vào chùa tụng kinh. Và nhà sư đã kể hết sự tình cho hai bà nghe.

Khoé mắt vẫn còn đọng vài giọt nước mắt long lanh, mẹ Oanh buông con ra và cùng đứng hầu chuyện với thầy.

–   Thưa thầy! Con rất sung sướng và hạnh phúc biết bao khi có được đứa con sớm có duyên với Phật pháp. Con năm nay tuổi ngoài bốn mươi, vì gia duyên buộc ràng nên ít có thời gian đến chùa lễ Phật, tụng kinh. Lại cũng ít có thời gian  hướng dẫn con cái, lo cái ăn cái mặc cho tụi nó là hết ngày hết buổi rồi. Được thầy dìu dắt dạy dỗ sau này nó nên người là phúc báu cho gia đình con, cũng chính là nhờ hồng phúc của thầy.

Sau buổi trò chuyện, cả bốn người cùng từ biệt thầy ra về. Ngoài trời tối mịt mưa còn rơi hạt rỉ rắt, đường bùn lầy trơn trợt, gió từng cơn thổi lạnh buốt cả người, nhưng lạ thay, hôm nay chỉ có một ngọn đèn lồng cũng đủ ấm đủ sáng để hướng dẫn bốn người trên đường về tràn đầy hạnh phúc

“Đạo vốn không nhan sắc
Mà ngày càng gấm hoa
Trong ba ngàn cõi ấy
Đâu không phải là nhà”.

Thích Phước Tiến

Theo Phật Pháp Ứng Dụng