Những người chủ nghĩa duy lý không hiểu sao người ta lại cứ ngồi lâm râm niệm Phật từ giờ này qua giờ khác, thật là mê tín, vô ích, vô lý và rõ ràng là thiếu cơ sở.

Một người trong nhóm họ không chịu nổi sự vô lý đó nên đến hỏi Sư cho ra lẽ:

– Không ai thấy Phật ở đâu sao người ta lại niệm?

Sư nói:

– Nhưng nếu có Phật ở đâu thì ai lại niệm làm gì?

۞

Lời góp ý:  

 Nguyên nghĩa của niệm Phật không phải là lâm râm khấn vái danh tánh của một vị Phật hay Bồ Tát để cầu xin một điều gì. Niệm Phật là ghi nhớ đức tánh của bậc giác ngộ. Như Araham là tánh thanh tịnh giải thoát, Buddho là tánh giác, Vijjà-carana-sampanno là tánh sáng suốt và công hạnh viên mãn v.v… Niệm Phật như vậy là để phát huy tánh giác nơi chính người niệm, nhờ thế những đức tánh như tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, từ bi, hỷ xả,… sẵn có nơi mọi người được khai mở và sử dụng. Và chính những đức tính Phật này cứu họ ra khỏi thất niệm bất giác của vô minh ái dục, phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. Đó chính là niệm Phật tại tâm vậy.

Nhưng về sau, để vận dụng cho căn cơ đức tin, các nhà hoằng pháp đặt ra phương pháp niệm nhiều danh hiệu Phật và Bồ Tát tượng trưng cho những đức tánh từ bi, tánh giác, vô sanh, thanh tịnh v.v… Nhờ tin ở Phật và Bồ Tát bên ngoài này, người ta cố gắng niệm Phật ngày đêm mà vô tình phát huy được chánh niệm, tỉnh giác, từ bi, thanh tịnh ngay nơi tự tánh của họ.

Như, do niệm Phật thành tâm mà lòng từ phát khởi, khổ báo được yên nên nhân cách hóa Đức Quán Thế Âm. Do niệm Phật trong lành mà phát khởi thiện tâm, không thoại hóa vào đường ác, nên nhân cách hóa thành Đức Địa Tạng. Do niệm Phật thanh tịnh mà tâm hồn sáng suốt thoát khỏi mê đồ, nên nhân cách hóa thành Đức Di đà. Do niệm niệm trầm tĩnh mà chân khí hoàn nguyên, tiêu tan tật bịnh nên nhân cách hóa thành Đức Dược Sư …

Vậy người niệm Phật đến chỗ vô biệt niệm thì đâu cần phải có Phật ở đâu, vì ngay nơi một niệm bất động bất thối chuyển thì cả tam thiên đại thiên thế giới đều trở thành vô nghĩa, huống gì nói đến cái gọi là “cơ sở” của người trần mắt thịt!