Ed Halliwell – nhà báo; thầy dạy thiền; tác giả các bài báo về sức khỏe, tâm lý học, và Phật giáo – đặt câu hỏi, liệu các công trình nghiên cứu khoa học, mặc dù đã cho chúng ta thấy rõ những hiệu quả của quán niệm, có thể đánh giá đúng những biến đổi về mặt tâm linh mà người thực hành quán niệm cảm nhận được hay không.

Hàng tháng hộp thư điện tử của tôi đều nhận được một bản tóm lược những công trình nghiên cứu mới nhất về thiền định. Những năm gần đây, khối lượng các công trình nghiên cứu đã phát triển cực nhanh – một bản tổng kết gần nêu đưa ra 35 bài nghiên cứu mới, trình bày tỉ mỉ về những hiệu quả của thiền định đối với những người có vấn đề như bệnh tim hay rối loạn nhân cách, về một chương trình quán niệm mới dành cho các trường học, và về tác động trên cấu trúc não bộ của những khóa thực hành giảm stress dựa vào quán niệm (hình như thực hành quán niệm làm giảm bớt mật độ trong hạch hạnh nhân).

Nếu việc thực hành quán niệm có thể giúp người ta được như vậy thì tất cả những bằng chứng này chỉ có thể là một điều tốt. Thiền định đã không được đánh giá cao một thời gian dài trong thập niên 60 của thế kỷ trước vì khuynh hướng quy ngã của phong trào hippie hay sự phóng tứ của thời mới đã làm hỏng hình ảnh của thiền định. Bây giờ mọi chuyện đã khác. Thiền định đã được mọi người nhận định một cách nghiêm túc, từ những trí thức hàng đầu cho đến các nghị sĩ, dân biểu và các cơ quan chính phủ ở Hoa Kỳ.

Nhưng trong lúc khoa học đã là khuôn vàng thước ngọc để minh chứng điều này điều nọ trong nền văn hóa của chúng ta, liệu các dữ liệu khoa học có lý giải được tất cả mọi vấn đề liên quan đến quán niệm không? Trong cuốn sách của chúng tôi The Mindful Manifesto (Bản Tuyên Ngôn Quán Niệm), tôi và Jonty Heaversedge miêu tả cách người ta đang giới thiệu quán niệm như một phương pháp để chữa bệnh trong đời thường, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy điều quan trọng là phải thừa nhận rằng trong hàng ngàn năm qua, quán niệm đã gắn liền với việc rèn luyện tâm linh. Những công trình nghiên cứu khoa học có thể cho ta thấy quán niệm giúp cải thiện sức khỏe và an lạc của chúng ta về phương diện vật chất, nhưng liệu những công trình nghiên cứu đó có thể đánh giá đầy đủ những biến đổi sâu xa trong nhiều người thực hành quán niệm không? Có phải chúng ta đã bỏ sót một điều gì khi giới thiệu những hiệu quả của quán niệm chỉ đơn thuần là những lợi ích về sức khỏe vật chất và tinh thần? Thật vây, khi chúng ta xác định quán niệm như là một phương cách mang lại kết quả chắc chắn về sức khỏe, liệu chúng ta có làm sai lạc một trong những thông điệp chính yếu của quán niệm – thông điệp đó là cố gắng để có một tương lai cụ thể là đi ngược lại mục đích của việc thực hành quán niệm, vốn là để chúng ta sống với cái hiện tại bất định?

Tôi có được kinh nghiệm quán niệm đầu tiên qua truyền thống Phật giáo. Lúc đó tôi bị trầm uất và lo âu nhiều, một phần cuộc sống của tôi không phản ánh được những giá trị bên trong của chính mình. Bị sa lầy trong chủ nghĩa khoái lạc hối hả, tôi đã không suy ngẫm đủ để nhận ra những điều nghịch lý trong tôi, và khi ảo tượng rốt cuộc bị vỡ tung, tôi bị rơi vào trong cơn lốc tâm thần với những cảm xúc bộc phát. Tôi thấy khó mà kiềm chế được cơn rối loạn này, nhất là khi tôi thấy rằng cuộc đời tôi cần phải thay đổi một cách sâu sắc. Nhiều người khuyên tôi nên tập thiền định như là một cách để qua cơn hoảng loạn.

Tuy nhiên, tôi đã thực sự bắt đầu ngồi thiền bởi vì lúc đó tôi đang khao khát tìm kiếm một con đường tâm linh. Trước đó tôi đã kiếm một mớ sách viết về Phật giáo, và những giáo lý của đạo Phật phù hợp với tôi. Những trãi nghiệm của tôi đã giúp tôi nhận thức rõ ràng hai đế đầu tiên trong Tứ diệu đế – Khổ đế và Tập đế – và việc có thể tìm được một con đường để thoát ra khỏi khổ đau đã hấp dẫn tôi. Tôi không tin  có Thượng đế, nhưng tôi ý thức mạnh mẽ rằng cuộc đời này còn có một cái gì hơn là những gì ta thấy trước mắt và tôi thích cái ý tưởng về một phương cách thực tiễn có thể giúp tôi tìm hiểu những vấn nạn của mình mà không đòi hỏi tôi phải ‘tin’ vào một tín ngưỡng nào đó.

Tôi hết bị trầm cảm và tôi tin chắc rằng việc học được những kỷ năng siêu nhận thức thông qua thiền quán đã đem lại cho tôi khả năng phục hồi nhanh, giống như các công trình nghiên cứu đã nói như vậy. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng tôi đã trở nên hài lòng hơn bởi vì thiền định đã làm phong phú cuộc đời tôi bằng cách cho tôi có ý thức về một ý nghĩa sâu xa và giúp tôi có được một lối sống không chỉ dựa vào việc xoa dịu hạch hạnh nhân của tôi.

Quán niệm: Khoa học chưa lý giải đầy đủ được
Ed Halliwell

Phật giáo không mang lại cho tôi những điều chắc chắn vì tôi càng thực hành thiền định thì những niềm tin bất di bất dịch trước đây của tôi càng bị lung lay. Đã có một sự thay đổi rất tinh tế trong nhận thức của tôi – cách tôi nhìn những trãi nghiệm của mình khác hẳn với cách tôi nhìn chúng mười năm trước đây, một năm trước đây, hoặc thậm chí một tuần trước đây. Tôi càng ngày càng ý thức được rằng những gì tôi hiểu được bây giờ không thể là tòan bộ chân lý bởi vì nhận thức của tôi thay đổi liên tục.

Quán niệm có thể mang lại nhiều lợi ích lớn lao – thật vây, một tiền đề của cuốn sách Mindful Manifesto (Bản Tuyên Ngôn Quán Niệm) là sự khẳng định rằng việc thiền định được phổ biến rộng rãi có thể tạo nên một sự khác biệt lớn lao cho những vấn đề của thời đại chúng ta. Nhưng trong khi một số người có thể bị lôi cuốn đến với thực hành quán niệm vì sự hứa hẹn về mặt khoa học là sẽ có được sức khỏe tốt hơn, biết đâu sau rốt họ sẽ thấy rằng một khi họ đã bắt đầu, con đường họ đi sẽ trở nên thú vị hơn nhiều, không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khỏe, thể chất và tinh thần.

 * Hạch hạnh nhân (amygdala hay amygdaloid nucleus) là một trong những hạch căn bản, một khối hình hạnh nhân không đều của chất xám ở sâu bên trong mỗi bán cầu não. Hạch này có liên quan đến những cảm xúc như sợ hãi và hung hăng, ưa gây hấn (Chú thích của người dịch).