Tâm thức của chúng ta có thể tạo ra vô số ý nghĩ, và tâm có tiềm năng vô tận trong việc cho ra đời những sản phẩm mới. Giống như những ý nghĩ, chúng có thể không nhất thiết phải là hữu ích hoặc có lợi.
Trong quá khứ, những thiết bị công nghệ làm thay đổi văn hóa như điện thoại và thiết bị điện phải mất một thời gian dài để tạo ra nó và các nền văn hóa có nhiều thời gian để hấp thu và suy ngẫm về tác động của chúng. Còn bây giờ, đặc biệt là với phương tiện truyền thông điện tử, những giá trị văn hóa và đạo đức mới đang được phát triển và bị thách thức. Mọi thứ thì đang thay đổi quá nhanh còn chúng ta thì có ít thời gian để suy ngẫm và thích ứng với sự ảnh hưởng của chúng.
Giống như nhiều thứ khác, công nghệ cũng có thể phục vụ tốt hoặc gây tác hại cho chúng ta. Nếu chúng ta tiếp cận nó với tầm nhìn sáng suốt thì chúng ta có thể sử dụng nó. Còn nếu chúng ta thiếu tầm nhìn, công nghệ có thể uy hiếp chúng ta, phát hiện những điểm yếu hoặc sự thiếu quyết tâm của chúng ta, chẳng hạn như tính lan man hoặc tính thích ngồi lê đôi mách của chúng ta. Hoặc nó làm chúng ta sao nhãng với cuộc sống hiện tại của mình.
Bằng cách này, các thiết bị công nghệ có thể quyến rũ chúng ta trong vài phút, rồi biến thành nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm.
Chúng ta có thể biết là mình đã được phục vụ bởi thiết bị công nghệ nếu chúng ta cảm thấy được nâng lên, được cập nhật thông tin hoặc được hạnh phúc nhờ nó. Đây là những dấu hiệu cho thấy chúng ta đã sử dụng thiết bị công nghệ đúng cách.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cảm thấy buồn tẻ hoặc bị mất liên lạc thì rõ ràng là công nghệ đã làm tê liệt giác quan của chúng ta. Nếu chúng ta ít nhạy bén về tinh thần và tình cảm thiếu thân thiết thì biết rằng mình đã bị thiết bị công nghệ điều khiển mình, thay vì mình sử dụng nó, bởi vì nó đã làm tiêu hao năng lượng của chúng ta.
Công nghệ có thể là một nhân tố xúc tiến vĩ đại cho đức hạnh, và nó cũng có thể tạo ra những tiêu cực. Với điện thoại hoặc email, chúng ta có thể dễ dàng an ủi, chia sẻ hoặc chúc mừng người khác. Cùng lúc đó, bởi vì chúng ta không đối diện trực tiếp nên chúng ta có thể nói hoặc làm những điều mà bình thường chúng ta không nói hoặc làm. Như vậy, sự tiêu cực của chúng ta có thể tăng lên rất nhiều lần do sự ảnh hưởng và sức mạnh của công nghệ thông tin. Chúng ta cũng có thể có xu hướng dấu mặt đằng sau các phương tiện điện tử bởi vì chúng ta ít lộ diện.
Mặc dù công nghệ đã giúp nâng cao khả năng giao tiếp của chúng ta, nhưng năm thông số cơ bản của nghiệp vẫn không thay đổi: nảy sinh chủ ý, quyết định thực hiện hành động, chuẩn bị thực hiện hành động, thực hiện hành động và không có hối tiếc. Chúng ta có thể quyết định xin lỗi hoặc trừng phạt một cá nhân và một khi nút “gửi” (send) được nhấp vào thì nghiệp đã được bắt đầu. Sau đó, nếu chúng ta ngồi ở đó và cảm thấy hài lòng thì đó là một hành động nghiệp hoàn chỉnh. Hành động đó không diễn ra với sự thiếu chú ý.
Trong kỷ nguyên hiện đại, chúng ta cần phải quan tâm hơn về đức hạnh, quyết tâm để thể hiện chúng ta là ai và chúng ta muốn thể hiện như thế nào. Nói chung, cách tiếp cận tốt nhất với công nghệ thông tin là để nhìn lại nhân phẩm của chúng ta và quan tâm đến người khác.
Vì vậy, khi chúng ta sản xuất những chương trình mới cho máy tính xách tay và các ứng dụng cho điện thoại thông minh, chúng ta cần phải ý thức rõ về các nguyên tắc đạo đức trong tâm trí của chúng ta. Điều này là để nuôi lớn tâm yêu thương và không lạm dụng thiết bị công nghệ.
Nếu chúng ta duy trì sự quan tâm đến những nguyên tắc và những sự ưu tiên của chúng ta, giống như chúng ta làm trong lúc hành thiền, thì chúng ta có thể sử dụng thiết bị công nghệ để đánh thức ý thức kỷ luật và nhân phẩm của chúng ta thay vì, để cho nó điều khiển cuộc sống của chúng ta.
Sakyong Mipham Rinpoche – Minh Nguyên dịch