Tên nhân vật và một số tình tiết được hư cấu

I. Một ngày với Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc

1. Thức dậy hơi thở tinh khôi

Tiếng chuông báo thức giòn giã vang lên trong căn phòng ngủ vẫn còn in đậm ánh trăng. Căn phòng được trang trí với nhiều màu xanh, màu của hy vọng và sự sống. Đã bốn giờ sáng và trời khá lạnh. Ngoài trời, dường như ai đó đang treo một vầng trăng rồi dùng bút lông chấm thêm vài ngôi sao. Gió nhè nhẹ thổi nhưng trăng sao vẫn đứng chờ, chỉ có những tàn cây khẽ đu đưa. Sương mai lạnh buốt rơi từ chiếc lá vàng xuống cọng cỏ xanh làm ánh lên vầng trăng. Toàn bộ vũ trụ nằm trong giọt sương, nhỏ bé nhưng vĩ đại. Trăng cũng đi vào giọt sương, sao cũng đi vào giọt sương, và  tàn cây hay ngọn cỏ cũng đi vào giọt sương. Giọt sương không chỉ nằm trên cây, giọt sương còn có mặt ở mi mắt, ở giọt mồ hôi, ở ly nước, ở dòng suối con sông và đại dương mênh mông. Buổi sáng nhờ giọt sương mà đẹp, cái đẹp làm chạnh lòng người đi xa, xua tan nỗi nhớ quê nhà và tâm hồn dạt dào thương mến mảnh đất này.

Anan thức giấc và chầm chậm ngồi dậy. Ông bước xuống giường, đến bên cửa sổ ngắm nhìn ánh trăng sáng. Từng sóng trăng vỗ vào mặt, ông nhắm mắt đón nhận bình yên của sự sống, thật dễ  chịu và  khoan khoái. Cuộc sống bình dị như giữa chốn địa đàng khi biết tận hưởng, tạm lắng dịu mọi lo toan. Anan vẫn không vội vàng, ông tạm biệt vầng trăng đi vào phòng vệ sinh. Kem đánh răng Colgate gần sắp hết nhưng vẫn còn đủ cho gia đình sử dụng trong khoảng hai ngày. Chiếc bàn chải Oral-B xinh xắn nằm trên kệ. Ông biết hết tên gọi của các dụng cụ vệ sinh được sử dụng mỗi ngày. Đánh răng chỉ để đánh răng thôi, tận hưởng hạnh phúc đánh răng như khi đang ngắm trăng vậy. Ngắm trăng có cái thú của ngắm trăng và đánh răng có cái thú của đánh răng. Nếu suy nghĩ về lịch trình làm việc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ông sẽ không có cơ hội thưởng thức cái thú đánh răng đó. Cái răng cái tóc là gốc con người nên phải nâng niu đôi hàm răng. Khi chải răng biết là đang chải răng. Chải cho răng đẹp chải cho răng xinh, chải cho bình minh hiện tiền. Răng đẹp không phải để ngắm nhìn hay quảng cáo kem đánh răng, mà để nói lời ái ngữ, lời chánh ngữ, lời của tự tâm. Anan biết tự chải răng khi lên ba tuổi nhưng chưa bao giờ thấy thích thú và phấn khởi khi đang chải răng như bây giờ. Ông biết ơn những chiếc răng cho ông cơ hội được chải răng. Sau này khi lớn tuổi rồi, chắc ông chỉ có cơ hội ngâm răng chứ không được chải răng. Ông không cho phép mình chiều chuộng hàm răng, bởi lẽ dĩ nhiên cái gì được chiều chuộng quá mức sẽ trở nên hư hỏng.

Thiền phòng được thắp ánh sáng nhẹ giúp cho việc ngồi thiền được thoải mái. Căn phòng không lớn cũng không nhỏ, có đủ chỗ cho khoảng tám đến mười người ngồi thiền. Phía đối diện cửa ra vào là bức tượng Phật rất nhỏ làm bằng gỗ, nghe nói được mang qua từ Việt Nam. Ở bên phải có một cái chuông nhỏ và một cuốn kinh được xếp ngay ngắn trên kệ. Ngày nào Anan cũng ngồi thiền vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần như vậy khoảng ba mươi phút đến một tiếng đồng hồ. Ngồi thiền đã trở thành thói quen, trước khi đi ngủ ông ngồi thiền, trước khi dùng bữa sáng để đi làm ông cũng ngồi thiền. Thiền với ông như hít thở không khí, như ăn cơm hay chải răng. Mỗi khi có chuyện bực mình hay đầu óc căng thẳng là ông ngồi thiền. Xung đột ở Gaza vừa rồi, ông ngồi thiền rất lâu, hình ảnh trẻ em ở Gaza với ánh mắt sợ hãi và mất ngủ không thể nào làm ông không căng thẳng. Gia đình thường không làm phiền mỗi khi ông ngồi thiền và một số thành viên cũng bắt đầu bắt chước ông. Thiền đã trở thành văn hóa của gia đình, đó không phải là niềm tin mà là sự thực tập. Quán niệm hơi thở mang hơi thở lại với thân, nhận diện những căng thẳng trong đời sống chính trị và xoa dịu các căng thẳng đó thành giọt sương tươi mát. Ngồi thiền trong tư thế hoa sen, bán già hoặc kiết già, là cách ngồi thoải mái nhất, lưng thẳng nhưng buông thư toàn thân. Khi thở vào ta biết mình đang thở vào. Khi thở ra ta biết mình đang thở ra. Chỉ có vậy thôi. Khi hơi thở trở về với cơ thể, hơi thở biết chỗ nào đau nhức của thân tâm và chữa lành các vết thương biến chúng thành an lạc và thảnh thơi. Hơi thở thật tinh khôi, êm dịu và  trong lành. Đi thiền hành cũng vậy, từng bước chân đi vào tỉnh thức, từng bước chân đi vào chốn địa đàng. Khi đi thiền ta tiếp xúc với mặt đất, với cỏ cây hoa lá xung quanh, trăng sao trên đầu và giọt sương trên mặt đất. Mỗi bước chân thật chậm đạp vào sự sống làm sinh sôi nảy nở vạn vật, thấy được những điều kỳ diệu mà chỉ có sống chậm mới tiếp xúc được.

Thiền hành xong, Anan không bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn mặt trời mọc. Ông đã nhiều lần nhìn ngắm mặt trời ngoài biển, nhưng ít có dịp nhìn thấy mặt trời mọc từ sườn đồi. Việc làm này không hề làm ông mất thời gian, chỉ có khoảng mười lăm phút nhưng thiên nhiên kỳ thú đâu phải ai cũng ngắm được. Nhiều người vì chính trường hay thương trường mà dính vào vòng xoáy của tranh quyền đoạt lợi hay rầu rĩ vì lợi nhuận trên đầu tư. Họ đâu có đủ thì giờ ngồi nhìn mặt trời mọc, cái mà họ nhìn là tháng này được cử tri ủng hộ bao nhiêu phiếu, kế hoạch này có được quốc hội thông qua và phải làm gì trong đợt tranh cử sắp tới. Mặt trời ngày nào cũng mọc, nhưng điều đó có quan trọng bằng việc ta biết mặt trời đang mọc. Mặt trời mọc là một sự kiện đáng được quan tâm ngang bằng hoặc nhiều hơn sự kiện Barack Obama làm lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20/01/09. Nếu ngày này mặt trời không mọc, có lẽ loài người sẽ quan tâm đến mặt trời nhiều hơn. Ta thường hay thờ ơ với những điều bình thường nhưng vĩ đại và quan tâm đến điều được cho là vĩ đại nhưng lại rất bình thường. Anan không muốn mình là con người như vậy. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phải biết nhìn ngắm mặt trời. Mặt trời mang lại hơi ấm, thức ăn được nấu chín, cây cỏ mọc lên và mùa màng tươi tốt. Biết rong chơi và đồng hành với mặt trời, con người thấy được ánh sáng của văn minh. Nếu ngày nào đó mặt trời trở nên dữ dội thiêu đốt mọi thứ hay ánh thái dương không còn nữa như cách nói của một bài hát, nhân loại sẽ không có thì giờ để đưa ra các học thuyết chính trị hay kinh tế gì nữa.

Thiền phòng bây giờ tràn ngập ánh nắng mặt trời, sự sống khắp mọi nơi và gương mặt đức Phật vẫn y như cách đây hơn 2500 năm. Anan chấp hai tay lên trán, miệng thầm niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” và lạy xuống từ tốn. Tư thế của ông phủ phục trước bức tượng nhỏ bé. Năm vóc gieo xuống đất với tất cả tâm thành kính, không suy nghĩ, không cầu mong, có chăng chỉ là tinh thần tư bi của đức Phật tràn ngập cả châu thân. Hai tay, hai chân, và đầu đều chạm đất. Mọi kiêu căng, ngạo mạn tan biến hết. Khi ta chào cờ trước một buổi lễ hay thứ hai đầu tuần, đâu phải ta chào một miếng vải có in chữ đang bay phấp phới. Thực chất ta đang chào tinh thần dân tộc, chào cờ giúp đồng bào tiếp xúc với hồn thiêng sông núi, với tổ tiên, với những người dựng nước và giữ nước, với những người vì xây dựng hòa bình cho non sông mà hy sinh không tiếc thân mạng. Lạy tượng Phật cũng vậy, đâu phải ta lạy một bức tượng vô tri vô giác. Khi lạy như thế, ta tiếp xúc với đại địa, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và đặc biệt là tiếp xúc với tinh thần đức Phật. Lạy Phật nhắc nhở ta hãy noi gương theo Người, học theo tính cách của Người và hành xử trong nhân gian luôn bất động, an nhiên, tự tại. Đây là một bài thực tập vi diệu, có thể gọi là thiền lạy. Bất cứ chính trị gia nào cũng có thể làm được. Nếu chào cờ giỏi thì lạy Phật cũng phải giỏi như vậy.

Thiền định hay lạy Phật đều mang lại hạnh phúc cho tinh thần, nhưng hạnh phúc ấy không thể không tính đến chuyện bao tử. Anan thích làm bữa sáng chung với vợ của mình, ông ăn nhiều rau xanh và trái cây. Trong bữa ăn, Anan ăn thật chậm, tâm bám sát vào hàm răng đang nhai. Thỉnh thoảng ông nhìn ngắm vợ con và hài lòng khi biết họ đang có mặt cho ông. Ông không có thói quen vừa ăn vừa đọc báo hay vừa ăn vừa xem ti vi. Tất cả những điều này đều có hại cho bao tử và không tôn trọng vợ con. Ăn sáng là bữa ăn quan trọng, giúp ông có thể làm việc cả buổi sáng một cách hoàn thiện mà không cần sự trợ giúp của y tá hay bác sĩ. Nhưng ăn cơm như thế nào để có hạnh phúc, hạnh phúc như đang ngắm trăng, đi thiền hành hay lạy Phật. Trước khi ăn cần phải quán niệm, đối với chính trị gia nên quán niệm như sau: “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác, con nguyện ăn trong chánh niệm với ý thức nuôi dưỡng lòng từ bi, bảo vệ sự sống của muôn loài, nguyện muôn loài luôn được đầy đủ thức ăn, nguyện thế giới không còn chiến tranh, nguyện trái đất xanh tươi mãi mãi.” Khi ăn ta hiến tặng sự có mặt của ta cho người thân, đặc biệt là vợ con hay cha mẹ. Đầu óc không nghĩ đến chuyện ngày hôm qua tình hình chiến sự ở Gaza như thế nào, lát nữa đến trụ sở phải phát biểu cái gì và không chê bai thức ăn hợp hay không hợp khẩu vị. Anan thực tập ăn sáng trong chánh niệm nhiều lần và đã thành thục. Ông hạnh phúc khi được ăn sáng với gia đình. Ông biết ông có gia đình hạnh phúc, một người làm chính trị chỉ  thành công khi thực sự có một gia đình hạnh phúc. (1) (2)

2. Tỉnh thức đến nơi làm việc

Sau bữa sáng nhẹ nhàng, Anan vào thiền phòng xá chào đức Phật. Hình ảnh đức Phật nhắc nhở ông thực tập chánh niệm khi đi làm, nói chuyện bằng lời ái ngữ và luôn áp dụng tinh thần Phật giáo trong việc ra quyết định và điều hành trụ sở. Anan không cho phép mình vội vã hay hấp tấp kể cả các ứng xử thông thường hàng ngày, ông muốn mọi thứ đều bình thường và từ tốn. Từ nhỏ ông theo cha mẹ đi chùa, lạy Phật và chơi đùa với các chú tiểu. Lớn lên ông tập nghe pháp thoại, đọc các cuốn sách về cuộc đời đức Phật và thực tập các pháp môn áp dụng tinh thần Phật giáo vào đời sống. Tinh thần này góp phần vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có kinh tế và chính trị. Quan điểm sống trong hiện tại, văn hóa chánh niệm và hành bốn tâm vô lương giúp ông có cách nhìn đúng đắn về chính trị, hoà bình và con người. Con người nhiều khi quên sống trong hiện tại, cứ mải mê theo những học thuyết chính trị mà bản thân cho là bất di bất dịch, làm đánh mất hoà bình của tự thân, thế giới trở nên khô cằn và hỗn loạn. Xá chào đức Phật trước khi đi làm là thói quen tốt ông không bao giờ quên, không phải để cầu xin hay ước nguyện, mà là thực tập hạnh phúc, hạnh phúc khi tiếp xúc với phong cách vĩ đại của Phật, phong cách của hoà bình mà bất cứ phần tử bạo động nào khi nhìn hay nghe thấy đều trở nên hiền hoà và nương tựa.

Vợ Anan rất hiểu tính chồng, bà thường hay hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho ông thực tập. Bản thân bà không bao giờ quên những lời nói mẫu mực mà ông thường chia sẻ. Bổn phận làm vợ luôn kề vai sát cánh bên chồng, ủng hộ và chia sẻ không những công việc gia đình mà còn lấy nền tảng đạo đức nuôi dạy con cái. Bà tự hào về Anan và cũng cảm nhận được điều đó trong ánh mắt của ông. Tiễn Anan ra đến tận nơi đậu xe, bà mỉm cười yêu thương nhìn ông, trao cho ông chiếc cặp táp, giúp ông khoác chiếc áo ngoài và không quên chúc một ngày tốt lành. Anan cũng vậy, ông hạnh phúc khi có một người vợ hiểu mình, biết lắng nghe và luôn thống nhất mọi ý kiến với ông. Không phải ông không có những bất đồng với vợ, nhưng lời nói nhẹ nhàng có tính chuyển hóa, có những lúc ông tìm cơ hội để đồng thuận và có những lúc ông cũng chiều ý vợ. Nhờ vậy gia đình luôn êm ấp, chuyện cãi cọ được xem là kỳ lạ, trong nhà lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Anan mở cửa xe bước vào sau khi vẫy tay chào bà xã. Chiếc xe có vẻ hơi thô kệch đối với thân hình nhỏ bé của người đứng đầu Liên Hiệp Quốc. Điều đặc biệt chiếc xe này được chạy bằng năng lượng mặt trời và dĩ nhiên không tốn bất cứ chi phí nhiên liệu nào. Anan chủ trương sử dụng các nhiên liệu thay thế, nên mọi thứ trong gia đình đến máy móc trong nhà đều sử dụng năng lượng mặt trời. Sắp tới đây toàn bộ hệ thống điện và sưởi ấm ở trụ sở Liên Hiệp Quốc đều được thay bằng hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời. Chi phí đầu tư ban đầu có thể hơi cao nhưng về lâu dài, ý thức tiết kiệm hình thành và chi phí tiêu thụ điện năng sẽ giảm xuống đáng kể, giúp đỡ phần nào khoản chi tài chính. Toà thánh Vatican đã sử dụng hệ thống này và có những thành công khả quan. Anan hy vọng mô hình thân thiện sẽ được nhân rộng toàn thành phố New York, khắp nước Mỹ và toàn thế giới, những phụ thuộc vào nhiên liệu dầu lửa hay năng lượng nước giảm thiểu. Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng vô tận và biết bao sáng chế sẽ xuất phát từ đó.

Chiếc xe chạy êm ru trên đường. Anan biết mọi người đang nhìn mình, thỉnh thoảng ông mỉm cười với họ. Ông thực tập lái xe trong chánh niệm. Chánh niệm là chú trọng vào một đối tượng, niệm đối tượng này trong suốt quá trình thực tập. Chánh niệm lái xe là chú trọng vào việc lái xe. Tâm không rong ruổi về bữa ăn sáng với gia đình và không tất tả về nghị trình làm việc trong ngày. Một chủ đích duy nhất của việc lái xe chính là lái xe, không mục đích gì khác. Chạy xe có ý thức sẽ không xảy ra tai nạn, biết vậy người chạy xe không uống rượu, không hút thuốc lá, không nghe điện thoại di động, không vừa chạy vừa nghe nhạc, không nói chuyện với người bên cạnh và nhất là không chạy xe khi chưa có bằng lái hay đang buồn ngủ. Sinh mạng của người đi cùng quí như vàng và sinh mạng của người lái xe cũng vậy. Chạy xe phải biết mình đang chạy xe, mình và xe trở thành một. Đến ngã tư gặp đèn đỏ thì dừng lại, nguyên tắc này tài xế nào cũng biết nhưng khi dừng đèn đỏ cần trân quý sự có mặt của đèn đỏ. Đó là lúc Anan thư giãn trên đường, nhìn người băng qua đường, ngắm những hàng cây xanh mướt và có thể tranh thủ uống một hớp nước.

Đường đến trụ sở rợp bóng cây xanh. Dự án New York xanh mà hội đồng thành phố này đưa ra nhằm chống lại hiệu ứng nhà kính và nạn ô nhiễm môi trường góp phần cải thiện môi trường. Mọi vỉa hè, mọi con đường phủ kín cây xanh. Anan rất thích đi trên những con đường như vậy, có khi ông mở cửa kính cho hơi thở màu xanh tràn ngập. Ông sung sướng hít đầy lồng ngực cho màu xanh lan tỏa. Ai cũng phải vui cười trước màu xanh của sự sống. Ông biết tên gọi của từng loại cây ở New York, thậm chí trên mỗi con đường ông đi qua, mỗi con đường trồng bao nhiều cái cây ông cũng biết. Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó, địa cầu khô cằn, không còn cây cối nào nữa, một ngọn cỏ dại cũng buồn không chịu mọc, thì con người sẽ ra sao? Không cần biện bạch lôi thôi, hãy biến thành phố đang ở thành thành phố sinh thái, sinh thái bền vững con người sẽ bền vững. Những ngụy biện về việc phát triển kinh tế thì phải tổn hại sinh thái không còn tác dụng. Tiến trình lịch sử không chấp nhận làm tha hóa sinh thái phục vụ kinh tế. Kinh tế sinh thái học chứng minh con người sống còn hoàn toàn dựa vào sinh thái, địa cầu là hành tinh sinh thái, sự nóng lạnh của địa cầu ảnh hưởng đến tồn vong của nhân loại. Hãy ôm lấy từng cái cây, nâng niu từng ngọn cỏ, biết ơn muôn loài đã ban tặng con người những nhiệm mầu của sự sống. Mọi thứ đang có mặt cho ta, nuôi dưỡng ta và giúp ta khôn lớn. Anan biết vậy, ông mỉm cười với sự sống, biết mình cần phải sống và thực thi các đường lối chính trị phục vụ sự sống.

Chẳng mấy chốc Anan đến nơi làm việc. Trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là nơi làm việc của các đại sứ, gặp gỡ của các nguyên thủ quốc gia và hội họp về các vấn đề toàn cầu liên quan đến gìn giữ hoà bình, an ninh lương thực hay bảo vệ quyền con người. Phía trước trụ sở, ai cũng nhìn thấy hình ảnh khẩu súng bị bẻ cong nòng tượng trưng cho sứ mệnh kiến tạo hoà bình, xóa bỏ bạo động và hàn gắn thế giới của Liên Hiệp Quốc. Là nơi có nhiệm vụ hòa bình nhưng an ninh lúc nào cũng phải thắt chặt. Liên Hiệp Quốc còn phải kiểm soát an ninh, huống chi phần còn lại của thế giới. Khi nào nơi này mọi người ra vào thoải mái như đi chợ, lúc đó mới mong hòa bình thực sự đang có mặt trên địa cầu. Các quốc gia đua nhau trưng bày các phẩm vật thể hiện giá trị truyền thống của nước mình. Việt Nam đặt ở đây chiếc trồng đồng Ngọc Lũ, thuộc loại trống đẹp nhất quốc gia này. Nhưng có một điều chú ý, giữa những vật phẩm truyền thống, tượng Phật Thích Ca được đặt uy nghi ngay giữa tầng cao nhất toà nhà, bất cứ ai đến đây làm việc đều có cơ hội ngắm nhìn và xá chào. Kể từ khi Anan nắm giữ cương vị Tổng Thư ký, ông không quên đề nghị đặt bức tượng. Bức tượng là biểu hiện của hoà bình và thịnh vượng, là nơi bảo vệ các giá trị hoà bình, không có lý do gì mà Liên Hiệp Quốc không đặt bức tượng ở đó. Anan để xe trong bãi đậu và bước thong dong về phía trụ sở. Ông vẫn đi như thiền hành nhưng có lẽ nhanh hơn một chút. Chân phải rồi đến chân trái, nhịp nhàng, khoan thai. Ông không đi như bị ma đuổi bởi vì ông đã tới nơi cần đến từ lâu, đâu cần phải vắt chân lên cổ. Ông tận hưởng hạnh phúc được đi ở nơi làm nhiệm vụ thiêng liêng cho nhân loại, nếu bước chân không có hòa bình, làm sao ông có thể truyền bá hòa bình đến quốc gia khác. Bước đi vội vàng không thể hiện sự năng động mà biểu hiện tính bạo động. Bước chân êm dịu mang hòa bình đến khắp nơi và có khả năng truyền cảm hứng. Điều đầu tiên ông làm khi rời khỏi nhà là xá chào Phật, nên khi đến trụ sở, ông không quên làm việc tương tự. Ông biến Liên Hiệp Quốc thành nơi thực tập hòa bình, điểm khởi đầu từ bước chân, từng bước tỉnh thức, từng bước vào Niết Bàn.

Nhiều vị khách tham quan nhận ra Anan và vẫy tay chào. Ông đáp lại bằng nụ cười thân thiện. Các đại sứ cũng rục rịch đến văn phòng làm việc, các nhân viên cũng đi về vị trí của mình. Khi bắt gặp họ, Anan đều mỉm cười, có người được ông hỏi thăm sức khỏe, có người được ông bắt tay và có người được ông đồng ý chụp chung một tấm hình. Điều đặc biệt chú ý là nụ cười của ông, đó không phải là nụ cười của một nhà ngoại giao, mà là nụ cười chánh niệm. Ông không chỉ mỉm cười cho bản thân, mà còn mỉm cười cho người vừa mới gặp, bạn tặng cho họ ngày mới tinh khôi. Nụ cười chánh niệm rất chân thật, cười từ trái tim, từ hơi thở nồng ấm và từ hòa bình của tự thân. Nụ cười là biểu tượng của hòa bình, quyết tâm cùng chung sống an lạc và xây đắp tình địa cầu. Con người có những vết thương, tinh thần có nhiều căng thẳng và thân tâm đầy dẫy hận thù. Nụ cười làm các điều này tan biến. Trong phúc chốc, hoà bình được lập lại. Nụ cười như hoa xuân đang nở, vì vậy đừng keo kiệt nụ cười. Nụ cười xuất phát nơi tình thương, là cội nguồn sự sống, là tia nắng ban mai ấm áp trong ngày đông lạnh giá hay cơn mưa chiều ngọt ngào tung bay giữa sa mạc. (3).

3.  Lời nói chánh niệm

Cuộc họp buổi sáng bắt đầu bằng việc tất cả mọi người tham dự cùng Anan đọc một câu thần thú phát nguyện nói lời ái ngữ trong suốt buổi họp và cam kết đưa ra kết luận đúng đắn phù hợp với các giá trị đạo đức và tính nhân bản. Lời chú nguyện như sau: “Chúng tôi nguyện chia sẻ các quan điểm trên tinh thần lắng nghe và ái ngữ, đem sứ mệnh từ bi và hòa bình làm chuẩn mực cho buổi thảo luận này để đi đến thống nhất ý kiến, đoàn kết và an vui giữa các quốc gia với nhau.” Anan có quyền lên tiếng nhắc nhở những ai đi quá trớn trong việc ăn nói, yêu cầu người này ra khỏi khán phòng và chỉ quay lại khi có khả năng nói lại lời ái ngữ. Lời nói chánh niệm là lời nói đẹp, không bao hàm sự chỉ trích, lên án, trách móc và buộc tội, ngược lại lời nói chứa chan sự thông cảm, hiểu biết, hàn gắn, hòa giải và thương yêu. Nhà chính trị có tâm bạo động thường xuyên đánh mất chánh niệm khi nói và lời nói ra có thể làm mất tình mất nghĩa bấy lâu xây dựng giữa các quốc gia từ thế hệ tổ tiên. Khi ý nghĩ an bình, nói lên chính kiến hay sự thật có tác dụng đi vào lòng người, được lắng nghe nhiều hơn và tìm kiếm sự đồng thuận trở nên dễ dàng.

Lời nói chánh niệm đi song song với lắng nghe chánh niệm. Tự do ngôn luận đưa ra trong tuyên bố về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được đưa thêm vào từ chánh niệm. Anan nhiều lần yêu cầu điều này, mặc dù nhiều cuộc họp đã thực tập nhưng văn bản chính thức vẫn chưa được đưa ra, ông hy vọng qua sự thực tập ở các buổi họp, lời đề nghị sẽ được thông qua. Bên cạnh đó tự do ngôn luận không chỉ đơn thuần là nói, mà còn là nghe, tức là tự do lắng nghe, không bị bịt miệng hay bịt tai. Nếu cho phép nói, nhưng bịt tai lại thì lời nói cũng trở nên vô ích. Cho nên phải biết lắng nghe trước khi nói. Lắng nghe chánh niệm diễn ra khi đại sứ này nghe đại sứ kia phát biểu từ đầu đến cuối. Có thể lời nói vị đó chưa đúng với sự thật, còn nhiều hận thù và khổ đau, nhưng trước hết phải lắng nghe đã. Sau khi lắng nghe xong thì mới nói, nói làm sao tinh thần thấu hiểu và hoà giải được thực hiện. Lắng nghe chánh niệm và nói lời chánh niệm là nền tảng của hòa bình, mỗi đại sứ là một sứ giả hòa bình. Anan lắng nghe rất nhiều phía, suy xét thật kỹ sự thật, khuyến khích các đại sứ thảo luận trong hòa bình. Buổi họp tại nơi gìn giữ hòa bình mà cứ đấu đá tranh cãi nhau như đang có chiến tranh thì rất kỳ khôi. Muốn đem hoà bình ra thế giới, phải xây dựng nó từ trong nôi. Liên Hiệp Quốc phải thật sự hòa bình từ mọi ngõ ngách. Một mình Anan không thể tạo nên hành vi lắng nghe và ái ngữ nếu như không có sự hợp tác từ người khác. Cả tập thể Liên Hiệp Quốc cần thực tập văn hóa hoà bình, thực hiện sứ mệnh là một chuyện, nhưng để thực hiện điều đó, các kỹ năng cần thiết phải được gọt dũa. Anan luôn nuôi tâm huyết xây dựng các giá trị tinh thần này, cải tổ Liên Hiệp Quốc muốn thành công phải đi từ cái nhỏ nhặt nhất.

Cơ sở thực hiện lời nói chánh niệm là công bằng xã hội. Khi con người được nói và được nghe, hoà bình dễ dàng thiết lập. Chiến tranh xảy ra vì hai bên hay nhiều bên không hiểu nhau. Các bên đều mang trong mình đầy dẫy các tri giác sai lầm chỉ vì không chịu nghe và không chịu nói, và nếu có làm như thế thì nghe không đủ và nói không xong. Nhiều cuộc xung đột mà Anan tìm cách hòa giải đều không thành tựu, hoặc thành tựu chậm, hoặc thành tựu không như mong đợi, đơn giản là do các bên không chịu gặp nhau, không chịu đối thoại, không chịu nói cho nhau nghe. Bên nào cũng khư khư ôm giữ tri giác sai lầm về đối phương. Ai cũng muốn hòa bình, chẳng ai muốn chiến tranh. Vậy mà không biết buông bỏ các định kiến cá nhân để tâm sự với nhau. Quốc gia nào cũng cho rằng mình đúng bên kia sai và ngược lại, sau đó đưa ra các hành động gây tổn hại đến dân vô tội và tự hào ảo về các chiến tích của mình. Anan luôn lắng nghe các ý kiến trái ngược nhau, sử dụng các tiêu chuẩn chung của Liên Hiệp Quốc để ra quyết định, đồng thời xem xét áp dụng tinh thần Phật giáo vào tiến trình gìn giữ hoà bình. Công bằng xã hội hiện tiền nếu như không có sự áp đặt giữa quốc gia này và quốc gia kia, có chăng chỉ là sự chia sẻ những giá trị xã hội tiến bộ và lịch sử tự nhiên sẽ đào thải các giá trị xã hội không tiến bộ. Khi tự do lắng nghe xảy ra, lời nói dù khó chịu cách mấy vẫn nghe được và khi tự do ngôn luận xảy ra, người nghe khó chịu cách mấy vẫn chấp nhận được lời nói.

 Vấn đề cải tổ Liên Hiệp Quốc trong buổi họp sáng nay chưa thể thành công vì các quốc gia tìm kiếm cơ hội bảo vệ lợi ích của riêng quốc gia đó hơn là vì lợi ích chung của toàn thế giới. Anan mong muốn lợi ích thế giới cần đặt lên hàng đầu. Khi chiến tranh xảy ra ở một quốc gia hay khu vực, không phải chỉ có các bên liên quan mới chịu trách nhiệm, cả thế giới phải chịu trách nhiệm. Thế giới làm ăn như thế nào để tình hình chiến sự trở nên trầm trọng. Cải tổ Liên Hiệp Quốc trên cơ sở các vấn đề đều chung tay xây dựng, không quốc gia nào nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Trong lĩnh vực kinh tế, thế giới ngày càng phẳng, ảnh hưởng tốt hay xấu của một nền kinh tế cũng theo chiều phẳng như vậy, nghĩa là có sự tương tác ngay lập tức đến nền kinh tế khác. Chính trị cũng thế, chiến tranh xảy ra ở quốc gia này luôn có ảnh hưởng dù gián tiếp hay trực tiếp đến các quốc gia khác. Thế kỷ 21 mà nói đến chiến tranh đúng là một thứ xa xí phẩm. Chiến tranh không bao giờ giải quyết được vấn đề, có chăng chỉ làm gia tăng thêm cường độ thù hận. Cải tổ Liên Hiệp Quốc cần dung hòa về các quan điểm khác nhau và xem trọng giá trị bình đẳng. Muốn làm vậy phải thực tập lắng nghe bình đẳng và lời nói bình đẳng. Quan điểm của bên nào cũng nghe, lời nói của bên nào cũng được phép. Đồng thời, sử dụng tiêu chuẩn Phật giáo để lựa chọn quan điểm. Quan điểm đưa ra để tạo hạnh phúc và vì tiến bộ con người, quan điểm có lợi cho một bên nhưng tổn hại nặng nề cho bên kia chẳng khác nào ép người quá đáng, không thể phục vụ toàn nhân loại. Anan nêu ra hai vướng mắc về cải tổ. Một là có nên tăng thêm số nước được hưởng quy chế ủy viên thường trực hay không và nếu nên thì đó là những nước nào. Hai là quyền phủ quyết có còn được duy trì hay không và nếu còn thì quốc gia nào sẽ được hưởng quyền đó. Việc này đâu cần gì bàn cãi nhiều. Tuy nhiên, Anan chú ý đến việc tiêu chí lựa chọn quyết định cho hai vướng mắc này. Tiêu chí thứ nhất là không dựa vào số lượng dân số mà dựa vào chất lượng dân số. Tiêu chí thứ hai là không dựa vào chất lượng kinh tế mà dựa vào chất lượng hoà bình. Hai tiêu chí này cần được nói và nghe rõ ràng trong các buổi họp bàn về cải tổ. Tu viện có rất đông tu sĩ chưa chắc có phẩm chất tu học cao, ngược lại  tu viện có rất ít tu sĩ nhưng phẩm chất tu học được đánh giá cao, tu viện thứ hai giỏi hơn. Quốc gia có kinh tế phát triển nhưng tỷ lệ tội phạm lớn, vũ khí không kiểm soát được, người dân không được tôn trọng …, quốc gia này chưa chắc có hòa bình. Lựa chọn quốc gia vào ủy viên thường trực hay quốc gia có quyền phủ quyết không phải chứng tỏ quyền lực hay bảo vệ lợi ích riêng của quốc gia đó, mà quốc gia đảm nhận có trách nhiệm lắng nghe thế giới và đem lời nói hoà bình đến toàn thể thế giới. Tư tưởng của họ mang yếu tố trung lập và bình đẳng, không bị áp đặt bởi quan điểm của dân tộc mình hay chịu sự chi phối bởi quyền lực nào.

Buổi trưa, Anan tham dự cuộc họp về Những Vấn Đề Của Người Bản Xứ (UNPFII – United Nations Permanent Forum On Indigenous issues). Ông lại có dịp lắng nghe các nước thành viên chia sẻ những vấn đề liên quan đến lịch sử đau thương, làm sao để sống dễ thương với quá khứ trong giây phút hiện tại, không phải để đi đến tương lai xa vời mà sống hạnh phúc ngay trong hiện tại. Lắng nghe giúp người bản xứ chia sẻ các nỗi đau, mất mát trong quá khứ, các cản trở, khó khăn trong hiện tại. Lúc này các thành viên mới hiểu được những gì mình nghe và chia sẻ các phương pháp làm lắng dịu vết thương chiến tranh, chế tác hạnh phúc trong hiện tại. Sai lầm trong quá khứ không nên nhắc lại, nếu muốn nói lên sự thật thì sử dụng lời nói ôn hoà, nhã nhặn. Vấn đề nhân quyền đưa ra thảo luận trên cơ sở lời nói chánh niệm và lắng nghe nhau hơn là chỉ trích và áp đặt. Quốc gia A có quyền nhận xét về tình hình nhân quyền của quốc gia B và ngược lại. Tuy nhiên khi có lời nhận xét tốt thì không vội kiêu ngạo mà nên tìm cách phát huy mặt tích cực đó, đồng thời không hấp tấp lên án lời nhận xét chưa tốt mà nên tìm hiểu vì sao quốc gia kia có lời như vậy. Nhận xét về tình hình nhân quyền như thực tập soi sáng hay đánh giá năng lực làm việc nhân viên. Nếu không có sự đánh giá, quốc gia sẽ mãi nghèo nàn nhân quyền và các tiêu chuẩn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trở thành vô ích, cho nên phải biết cám ơn quốc gia khác vì mình mà đưa ra lời nhận xét về nhân quyền. Người bản xứ có quyền nêu ý kiến về nhân quyền, đề xuất, sửa đổi hay bổ sung các quyền làm người, đồng thời tham gia vào quá trình đánh giá việc thực hiện các tiến trình bảo đảm quyền làm người. Nhân quyền không phải là điều đem ra tranh cãi, mà đem ra để thực tập, có thực tập giỏi thì mới nói, khi đó lời nói mới có hiệu quả và ảnh hưởng mạnh. Anan không than phiền vì bản thân được ví như cỗ máy nghe, vì ông muốn con người nói lên bức xúc của họ, ông nghĩ chỉ có tình thương họ mới nói lên điều cần phải giữ và điều cần phải thay đổi. Tuy nhiên ông nhắc mãi điệp khúc với tất cả người chia sẻ thực tập lời nói chánh niệm để giúp người nghe có cơ hội nghe sâu và hiểu sâu, từ đó có thể thay đổi thái độ và thực tập sâu các hành vi hoà bình.

4.Chọn ai làm Tổng Thư Ký?

Buổi chiều được kết thúc bởi cuộc thảo luận về tiêu chuẩn của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, trong đó các quốc gia mong muốn thay đổi tiêu chuẩn bầu chọn Tổng Thư Ký. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho tiêu chuẩn của nguyên thủ quốc gia, người làm chính trị hay người đứng đầu một tổ chức. Đại sứ Thái Lan cho rằng người đứng đầu Hội đồng Bảo An phải là người gương mẫu không chỉ trong lối sống thường ngày mà còn đời sống chính trị, ông phải chứng minh bản thân thật sự liêm khiết, khiêm cung nhưng mạnh mẽ, đầy nghị lực. Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, người đã có nhiều ảnh hưởng đến hình thành Liên Hiệp Quốc, cho rằng tổ chức này nên được lãnh đạo bởi một nhà hoà giải dân tộc và hoà bình thế giới. Đại sứ Pháp bổ sung thêm, người này cần lên tiếng bảo vệ quyền làm người ở những nơi được cho là có hoà bình nhưng đang đi lệch lạc với quyền làm người và đóng góp vào tôn trọng phẩm hạnh của người phụ nữ, cho nên cần có xen kẽ giữa người nam và người nữ trong việc giữ chiếc ghế cao nhất.

Đến từ một quốc gia Châu Phi đang tiến bộ, đại sứ Nam Phi đề nghị tiếp tục qui ước chức vụ Tổng Thư Ký được chọn tuần tự theo các khu vực địa lý giống như trường hợp Boutros Boutros – Ghali đến từ Ai Cập và Kofi Annan đến từ Châu Phi. Ý kiến của Braxin được cho là khá táo bạo khi đại sứ nước này muốn người lãnh đạo cao nhất am tường tất cả các tôn giáo lớn của thế giới và có thể dung hòa giữa các tôn giáo với nhau nhằm chuyển hóa các nguy cơ chiến tranh tôn giáo hay sắc tộc thành môi trường các tôn giáo cùng sống chung hòa thuận. Đến phiên đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng, ông nêu lên vấn đề quan điểm trung lập trong đó người đứng đầu cần xem xét các vấn đề trên khía cạnh bình đẳng, không vì lợi ích quốc gia này mà chèn ép quốc gia khác. Việt Nam là một trong các quốc gia đưa ra đề xuất sớm nhất về tiêu chuẩn bầu chọn nguyên thủ Liên Hiệp Quốc, người này phải minh bạch mọi hoạt động của tổ chức, nhất là từ vụ đổi dầu lấy lương thực vừa qua, uy tín của tổ chức cần phải được làm mới, không thể chấp nhận chuyện một tổ chức chính trị lớn nhất thế giới làm việc không rõ ràng, đồng thời việc bầu chọn không nên theo kiểu bầu chọn Đức Giáo Hoàng tại toà thánh Vatican, mà cần dân chủ hóa qui trình bầu cử và hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Các đề xuất tiếp tục trôi ra, không phải là bế tắc như người ta tưởng. Chỉ có điều ý kiến nhiều quá, nếu sử dụng hết thì Tổng Thư Ký trở thành người cực kỳ hoàn hảo, vẹn toàn đến mức không cần phải đi tắm. Cuộc viễn chinh tìm kiếm người mới cho nhiệm kỳ tiếp theo cứ thế mà tiếp tục đến sáng ngày hôm sau vẫn chưa ngã ngũ.

Sáng nay, ý kiến người Nhật có vẻ sát với thực tế. Sở dĩ nhiều yêu cầu ban ra từ phía tổ chức như ngừng bắn, cho phép viện trợ nhân đạo hay đề nghị khảo sát vũ khí hạt nhân… không được các nước khác lắng nghe. Nguyên nhân là do họ không trực tiếp tham gia vào qui trình bầu chọn, lá phiếu của họ ít ỏi hoặc không có trọng lượng. Phẩm chất của nguyên thủ cần đưa vào tiêu chí đánh giá và cường độ hòa bình của thế giới khẳng định tài năng của Tổng Thư Ký, người cần có bảng mô tả công việc rõ ràng và mọi người dân trên toàn thế giới có quyền đánh giá năng lực làm việc của ông. Úc mang đến buổi thảo luận tư tưởng mới. Liên Hiệp Quốc phải lưu động và uyển chuyển hơn trong thế giới phẳng. Trụ sở của nó không chỉ nằm ở Hoa Kỳ mà nên có nhiều trụ sở khắp nơi trên thế giới. Trước mắt, mỗi châu lục phải có một trụ sở và có thể người đương nhiệm thuộc châu lục nào thì làm việc chủ yếu tại trụ sở châu lục đó, hoặc mỗi năm di chuyển thay đổi một châu. Đại sứ Canada không thích ý kiến này lắm vì có thể làm gia tăng chi phí hoạt động trong thời buổi thắt lưng buộc bụng, mọi chính phủ đều cần tiết kiệm chi tiêu. Ông nhắc lại việc Tổng Thư Ký chỉ biết kêu gọi chấm dứt chiến tranh, điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Chấm dứt chiến tranh khi còn trong thời bình là việc làm cấp thiết hơn nữa, trong đó kêu gọi mọi quốc gia thực tập hòa bình ngay từ khi đang hoà bình. Điều này có nghĩa là học cách giải quyết mọi vấn đề trong hòa bình, ý thức hiện trạng hòa bình của dân tộc, giải pháp nào khi chiến tranh xảy ra và nhất là trước khi có chiến tranh, mọi người phải làm gì để ngăn chặn nó. Giữ gìn hòa bình không chỉ giữ cho chiến tranh lắng dịu, tái lập hòa bình, mà giữ gìn hòa bình còn có nghĩa phát huy điều đó ngay khi đang hòa bình.

Hội trường trở nên im lặng khi xuất hiện một đứa trẻ người Zimbawe. Bé gái khoảng mười tuổi, ánh mắt của em thật sáng và tha thiết. Em chạy thẳng lên khán đài và xin phép Anan được phát biểu. Anan hơi chần chừ và mọi người chưa hết ngạc nhiên vì sự có mặt của em thì em đã tiến đến bục, nơi để micro. Một anh bảo vệ lực lưỡng chạy đến chuẩn bị bồng em đi, nhưng Anan ra hiệu cứ để cho em bé nói. Đứa trẻ cất tiếng. Con đến từ Zimbawe, quốc gia của dịch bệnh và lạm phát. Con may mắn hơn nhiều trẻ con khác vì được đi học và chăm sóc. Nhưng các vị hãy đến quê hương con, nơi điều kiện y tế và vệ sinh không được đảm bảo. Nhiều người cha không có việc làm, nhiều người mẹ phải vất vả lo từng miếng ăn, kinh tế khủng hoảng triền miên và không biết bao giờ mới có thể vượt qua nổi. Trẻ em đang chết ở đó, người già đang bệnh tật ở đó, mọi thứ còn tệ hại hơn cả chiến tranh. Học hành hay giáo dục đối với trẻ em là thứ xa hoa. Trẻ em muốn được chăm sóc, muốn được vui chơi, muốn được học hỏi và muốn được yêu thương. Trẻ em phải có tiếng nói tại Liên Hiệp Quốc. Người lớn nên dừng việc tranh cãi để có thì giờ lắng nghe trẻ em. Hãy đến Zimbawe để xem trẻ em sinh sống ra sao. Sự sống còn của trẻ em còn khó nói chi đến phát triển. Nguyên thủ phải có trái tim yêu thương trẻ em, vì cộng đồng trẻ em và thường xuyên có mặt vì trẻ em. Lời em vừa dứt, mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Nhưng sau tiếng vỗ tay đó cần có hành động. Năm 2001, UNICEF (United Nations Children’s Fund) đã có chiến dịch “Nói đồng ý cho trẻ em” diễn ra toàn cầu khuyến khích mọi người tạo thay đổi thế giới bằng cách lưu tâm đến trẻ em và tìm cách nâng cao đời sống trẻ em. Thiết nghĩ Tổng Thư Ký trong trái tim phải xem trẻ em là đại sứ của hoà bình, vì trẻ em mà yêu chuộng hòa bình.

Cuối buổi làm việc, Anan trình bày lời dạy của đức Phật về Mười bổn phận của người đứng đầu quốc gia hay đứng đầu một tổ chức. Điều này đã được đức Phật nêu lên trong những thuyết giảng của mình về “Mười bổn phận cùa nguyên thủ quốc gia”. Thứ nhất, nhà lãnh đạo phải phóng khoáng, hào hiệp, nhân từ. Vị cầm quyền cao nhất không được tham lam và gắn chặt với của cải và sở hữu, mà phải dùng những thứ đó vì phúc lợi của dân chúng. Tôn trọng quyền tư hữu và minh bạch mọi hoạt động của chính phủ. Người dân có quyền biết số tiền họ đóng góp cho chính phủ được sử dụng như thế nào. Thứ hai nhà lãnh đạo không bao giờ được lừa đảo, trộm cắp hay bóc lột người khác, không phạm tội tà dâm, nói những điều sai lạc, không uống rượu quá đáng. Vị này không lấp liếm dân chúng bằng các hành vi giả tạo, che dấu sự thật, tham nhũng, quốc hữu hóa tài sản của dân, lợi dụng quyền hạn để xâm hại tình dục, ăn chơi trác táng, huỷ hoại hình ảnh quốc gia và sĩ diện dân tộc. Thứ ba, nhà lãnh đạo phải hy sinh vì hạnh phúc của dân chúng. Vị này sẵn sàng từ bỏ những tiện nghi, tên tuổi và tiếng tăm của mình vì lợi ích của dân chúng. Bên cạnh đó, vị này không tự mãn và không chăm bẵm vào sự cung kính của dân chúng hay xem thường tính mạng con người. Phải biết vui với cái vui của dân và khổ với cái khổ của dân. Thứ tư, nhà lãnh đạo phải trung thực và liêm khiết. Vị này phải thoát được sự lo sợ cũng như sự ưu đãi khi thực hành những bổn phận của mình, phải thành thật trong các ý định và không được đánh lừa công chúng. Phải an trú trong sự thật và nói lên sự thật không bao giờ dời đổi, đồng thời sẵn sàng từ chức khi cảm thấy không đủ khả năng, tạo cơ hội cho người tài làm việc. Thứ năm, nhà lãnh đạo phải nhã nhặn và lịch thiệp. Vị này phải có tính khí hiền dịu, sử dụng lời nói ái ngữ và chỉ nói lời hòa giải. Nhà lãnh đạo giỏi không bao giờ có kẻ thù, không xem ai là bất đồng chính kiến, mà chỉ có bạn bè và bằng hữu. Thứ sáu, nhà lãnh đạo biết khắc khổ trong tập quán. Vị này phải sống giản dị và không được tự cho phép xa hoa, cho nên phải tự chủ. Thực tập khiêm cung trong việc chi tiêu, tiết kiệm chính phủ và tiết kiệm xã hội. Ngân sách để phát triển giáo dục, sức khoẻ dân chúng và chính sách cộng đồng hơn là nghiên cứu vũ khí hay chấn hưng quốc phòng. Thứ bảy, nhà lãnh đạo không bao giờ thù ghét, không có ý muốn xấu xa, luôn có tính gương mẫu, không thù oán với ai cả. Đối với vị này, quan điểm khác biệt luôn được lắng nghe, người đồng thuận hay không cũng là cơ hội để đổi mới và không có khái niệm phản động, bởi vì ai cũng là bạn, là thân thiết. Thứ tám, nhà lãnh đạo không bạo lực, nghĩa là không làm điều xấu cho ai, mà còn phải cố gắng làm cho hòa bình ngự trị. Án tử hình được xoá bỏ, luôn ân xá tù nhân, nhất là người biết thực tập yêu thương và luôn xem chính sách nhân đạo hàng đầu, lấy yêu thương và tha thứ trị quốc hơn là hận thù và đối đầu. Thứ chín, nhà lãnh đạo phải kiên nhẫn, dung thứ, khoan hồng, thông cảm, phải chịu đựng những thử thách khó khăn và những nhục mạ mà không nổi giận. Vị này thực hiện chính sách chậm mà chắc, nhìn điểm mạnh của nước khác mà học hỏi, luôn soi rọi điểm yếu bản thân để thay đổi. Chấp nhận mọi lời nói xấu và phản biện của người khác để tiến bộ, đồng thời sức khỏe và bản lĩnh thực sự tốt đế có thề làm êm dịu mọi tai nạn quốc gia một cách trung thực, nhất là thực tập tính điềm đạm, cởi mở nhưng khiêm cung. Thứ mười, nhà lãnh đạo không đối lập, không trù dập, nghĩa là không đối lập với ý chí dân chúng, không được cản trở bất cứ biện pháp nào có lợi cho phúc lợi dân chúng, phải hòa hợp dân chúng. Vị này luôn hành xử bất bạo động từ suy nghĩ, lời nói và hành động. Đối với dân chúng phải một mực phụng sự, sẵn sàng vì dân chúng mà hy sinh, dù nằm gai nếm sương cũng phải làm. Đó là mười điều mà một nguyên thủ quốc gia phải có khả năng. Anan nhắc lại lời của đức Phật cách đây đã lâu nhưng vẫn có tác dụng tươi mới nguyên xi vào lúc này. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng phải như vậy. Có khi phải hay hơn thế.

5. Từng bước đi thảnh thơi

Tâm bình thế giới bình - Tâm an cảnh sẽ an (Phần 1)

Cuộc họp buổi chiều về phương thức lựa chọn Tổng Thư ký có nhiều tranh cãi và ý kiến chưa đồng thuận, Anan không vì thế mà cảm thấy bất an trong lòng, ông rời trụ sở trong sự thảnh thơi. Cảm nhận về buổi chiều khác hẳn buổi sáng. Nếu buổi sáng trông ai cũng như mới thì buổi chiều có vẻ ai cũng cần thư giãn. Ánh nắng buổi chiều hiu hắt hơn nhưng lại cho không gian lớp áo của màn đêm tĩnh lặng. Dù sáng hay chiều với Anan vẫn có điểm giống nhau, thảnh thơi đi làm và thảnh thơi ra về. Đây không phải là dấu hiệu của thờ ơ hay bàng quan với thực tại khi mọi vấn đề về hòa bình, sức khỏe hay an ninh thực phẩm vẫn chưa ngã ngũ. Thảnh thơi biết mình thực sự đang làm gì, giữ gìn sức khỏe và đảm bảo tinh thần sáng suốt để có thể đưa ra các quyết định có lợi cho con người. Bản thân Anan không cho phép mình quá nóng nảy, bực mình hay khó chịu trong cơ thể. Như vậy sẽ không hay cho quá trình làm việc ở cương vị của ông. Mọi thứ đều phải quân bình và điều độ. Trở về nhà, ông lại có dịp ngắm nhìn những hàng cây hai bên đường với diện mạo mới hơn và đẹp hơn. Khủng hoảng kinh tế không đem lại vẻ hồ hởi hay lạc quan trên gương mặt của người New York. Họ vẫn đi hối hả như thể ngày mai đôi chân không đi được nữa, đôi mắt nhìn chăm chăm xuống đất để coi đường và tìm khoảng trống để bước đi cho nhanh. Họ không nhìn thấy bầu trời về đêm, hay hình ảnh của người đi đường. Trong đầu vẫn còn in sâu chỉ số chứng khoán trong phiên giao dịch cuối cùng trong ngày và khi về đến nhà họ vùi đầu vào các phân tích tài chính hay tham khảo báo đài theo dõi tình hình kinh tế. Vợ con nhìn họ ngao ngán và thầm mong họ bình tâm trở lại. Anan ước gì mọi người có thể tập thảnh thơi như ông, vẫn làm việc và sinh hoạt như ông, nhưng đừng quá sầu khổ bất cứ điều gì. Tinh thần minh mẫn thì quyết định đưa ra sẽ thư thái, làm đẹp lòng các đại sứ và thực thi dễ dàng. Càng căng thẳng càng dễ bị thần kinh. Cuộc sống cần những khoảng lặng trong hành trình tất bật. Làm chính trị phải thảnh thơi, hoà bình mới hiện tiền, làm chính trị mà vội vàng thì chiến tranh hiện tiền.

Có lần Anan đến Phuket ở Thái Lan để thăm khu vực bị sóng thần. Sân bay Bangkok lúc nào cũng đông, sân bay Phukhet cũng không kém bằng. Ông vẫn bình tĩnh nhận diện mọi sự kiện đang diễn ra ở đây và góp ý với chính quyền địa phương trong việc cứu trợ nhân đạo. Chứng kiến những xác chết trôi dạt vào bờ hay khóc lóc thảm thiết về sự ra đi đột ngột của người thân, người Thái có vẻ như không biết chuyện gì đang xảy ra nữa, mọi người đều hoảng loạn và tâm trí chỉ trông ngóng vào tận cùng xa xăm của biển khơi. Trong giây phút hiện tại, nếu như họ biết quay về với hơi thở, nhận diện các khổ đau trong tâm và tập trung vào các hành động một cách có chánh niệm, họ sẽ vơi được phần nào nỗi đau mất mát. Bước đi thảnh thơi không có nghĩa là chỉ đi chậm, đi nhanh vẫn thảnh thơi như thường. Đối với những trường hợp khẩn cấp, hành động và lời nói cần phải nhanh. Ý thức mình đi nhanh, đang làm việc nhanh, đang nói chuyện nhanh giúp giải phóng các ý niệm đau đớn để quay về với thực tại nhằm tìm kiếm giải pháp cho việc đang xảy ra một cách nhanh chóng và đúng đắn. Đi đứng thảnh thơi giúp Anan làm việc nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người Thái hơn và ngủ ít hơn nhưng vẫn không biết mệt. Và trong quá trình đi cứu trợ đó, Anan nhận ra việc cần làm ngay là chăm sóc những người còn sống hơn là trách móc chính quyền địa phương trong việc thông báo sóng thần. Trách móc đâu cứu vãn được tình thế, có khi làm gia tăng sự đau đớn của con người. Giống như vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam. Điều cần làm là phía Hoa Kỳ và Việt Nam nên hợp tác với nhau trong việc điều trị nạn nhân nhiễm độc và tìm cách làm sạch môi trường bởi vì họ đang cần điều đó. Như vậy tốt hơn việc một bên chỉ lo đi kiện và một bên lo chỉ trích vụ kiện. Nếu mải mê kiện tụng hay chỉ trích, nạn nhân nhiễm độc chưa được điều trị gì nhiều, sinh mạng của họ ngày càng bị cướp đi, môi trường vẫn chưa được làm sạch và số người nhiễm bệnh càng tăng. Trong tích truyện Phật giáo đề cập mẫu chuyện giống như vậy. Một người bị tên có tẩm thuốc độc bắn trúng nhưng không lo chữa trị vết thương và uống thuốc giải độc, chỉ lo hùng hổ tức giận để hỏi ai là kẻ làm chuyện này. Cái giận làm anh ta mất mạng vì không kịp thời cứu chữa. Ở đây cũng vậy, sóng thần hay chất độc hóa học thực sự đã xảy ra. Hiện tại nên tìm cách xoa dịu các nỗi đau đó bằng các phương thức chữa trị, kết quả sẽ khả quan hơn là ngồi chứng minh ai đúng ai sai. Khi con người an nhiên trong tao loạn, các đề xuất và hành động đúng đắn sẽ xuất hiện nơi suy nghĩ của họ và thúc đẩy họ làm điều đó.

Thực tập chánh niệm giúp Anan thảnh thơi trong đời sống chính trị. Đi thăm trẻ mồi côi, trở về quê hương, đi công tác ở nước ngoài, mọi lúc mọi nơi cũng có thể thực tập chánh niệm. Nhờ thế, thảnh thơi đi qua cuộc đời, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc đời để không bao giờ hối tiếc. Cách sống của nguyên thủ quốc gia hay người làm chính trị ảnh hưởng lớn đến người dân, nó truyền tải thông điệp của hòa bình hay bạo động. Chính trị gia thực hiện lý tưởng đạo đức và nhân đạo cao thượng của đức Phật sẽ tạo ra môi trường chính trị thấm nhuần truyền thống tâm linh cực kỳ sinh động và giúp cho thế giới trở nên cao cả hơn. Chính trị phục vụ cho con người, đem lại hòa bình cho con người, không phải phục vụ cho đảng phái chính trị hay hay quan điểm cá nhân. Lối tư duy hẹp hòi và thiển cận vì tư lợi có thể phá hoại nét nhân bản vốn có của con người. Thay đổi cách suy nghĩ, mang đời sống chính trị đậm nét Phật giáo, đất nước mãi mãi hòa bình, con người thân thiện và môi trường sạch sẽ. Thực tập chánh niệm là thực tập hòa bình, đem hòa bình trở về với thân, làm lắng dịu mọi nóng nảy, bực bội, đảng phái nào cũng đoàn kết, đất nước nào cũng tôn trọng nhau và sẵn sàng tương thân tương ái. Anan học hỏi từ thông điệp của đức Phật, đó là hoà bình và từ bi, trong đó luôn lấy con đường tỉnh thức soi rọi chính bản thân của mình, hành động của mình và thế giới xung quanh mình. Không ai quyết định vận mệnh mình bằng chính bản thân. Khi con người suy nghĩ thế nào, họ có thể sẽ làm như vậy, cho nên muốn thế giới hòa bình, phải suy nghĩ hòa bình. Chánh niệm trong suy nghĩ giúp phát huy tư tưởng bất bạo động. Không có gì gọi là trả thù hay không có gì gọi là tử vì đạo. Không có quan điểm nào đúng và không có quan điểm nào sai. Chấp vào đúng hay sai là tà kiến. Sống chết vì quan điểm là sai lầm. Những việc đang xảy ra không phải tự nhiên mà có. Chiến tranh hay hòa bình không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều do nguyên nhân của nó mà nguyên nhân chủ yếu là chấp vào sự phán xét đúng sai. Thảnh thơi trong suy nghĩ là thực tập chánh niệm, làm dung hòa mọi sự phán xét, dừng lại việc đánh giá quan điểm khác để quay lại với chính quan điểm của mình. Quan điểm hiện tại có đem lại hạnh phúc cho bản thân và loài người hay không. Người làm sứ mạng hòa bình trước hết phải là người hoà bình từ suy nghĩ, lời nói và hành động. Làm Tổng Thống hay Chủ Tịch một quốc gia mà chỉ biết lên án, chỉ trích hay hăm dọa thì còn lâu mới kiến tạo được hòa bình thế giới, có chăng chỉ đem hận thù chồng chất thêm hận thù, hòa bình đâu không thấy chỉ thấy đầy dẫy kế  hoạch trang bị vũ khí, diễn tập quân sự hay truyền bá thông điệp chiến tranh. Họ nói rằng vũ khí mới tạo ra để bảo vệ đất nước và mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc đâu không thấy, chỉ thấy trẻ em bơ vơ, người mẹ mất con, người vợ mất chồng hay cha mẹ già phải khóc măng non.

Anan đã về đến nhà từ lâu. Ông đi tản bộ trong vườn. Trăng cũng vừa mới lên. Tháng nào cũng vậy gần đến rằm thì trăng lại mọc. Ông thấy mình may mắn vì có thể ngắm trăng trong không gian đẹp đẽ. Người tù trong trại giam Guantanamo chỉ có thể nhìn trăng qua song cửa sắt. Ông hoan ngênh quyết định đóng cửa nhà tù này của Barack Obama. Trên thế giới đâu cần những nhà tù như vậy. Có người ở ngoài đời mà không chịu tận hưởng sự sống thênh thang, cố tình bỏ tù mình trong năm thứ dục, trong chấp cái có cái không hay tư tưởng hơn thua. Có người ở trong tù, trong nhà tu kín hay suốt đời chỉ ngồi một chỗ, ấy vậy mà tự do hết mình. Họ không vướng bận vào bất cứ điều gì, không chạy theo tiền tài, danh vọng và nhất là ai nói gì mặc kệ, bản thân biết mình là ai cũng đủ rồi. Nhiều người chỉ thích đi dạy đời người khác hay giáo dục theo kiểu nhồi sọ, trong khi bản thân chẳng bao giờ làm được. Vậy đi dạy làm gì trong khi dạy bản thân không nổi. Người chiến binh vĩ đại là người chiến thắng tâm của mình, chiến thắng mọi cám dỗ và dục vọng, để có thể thảnh thơi mọi nhu cầu, nhẹ nhàng mọi ước muốn và làm lắng dịu mọi tranh đua. Anan luôn nhắc nhở mình như vậy.

6. Cởi mở để lắng nghe

Cách đây hơn ba mươi năm, danh từ thuyền nhân xuất hiện lần đầu tiên khi hàng trăm ngàn người Việt Nam vượt biển đến vùng đất mới, thì bây giờ danh từ đó lại xuất hiện với tên gọi thuyền nhân Miến Điện. Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ắt hẳn cũng đau đầu về việc ngày càng có nhiều thuyền nhân nước này vượt biển. Trong khi ngay trong nước, người dân không được lắng nghe, đành rời bỏ quê hương xin tỵ nạn nơi khác. Họ ra đến biển, dạt vào vùng biển Thái Lan và cũng không được cứu giúp. Lúc này, Anan đề nghị Thái Lan cho phép nhân viên Cao ủy tiếp xúc với người dân xin tỵ nạn. Nhìn vào tình cảnh có thể thấy nhiều đối tượng trái ngược nhau, bên muốn lắng nghe nhưng không có cơ hội để nghe và bên không muốn nghe thì có quá nhiều sự thật để biết. Hành động đẩy người ra biển với tình trạng không có thức ăn hay nước uống chẳng khác nào đưa con người vào chỗ chết. Trong khi người ta kêu gọi bảo vệ sự sinh tồn của các loài động vật và thực vật, thì cơ hội cứu người lại không được quan tâm đến. Nghịch lý xã hội cho thấy con người tranh đấu cho các yếu tố không mang tính người và thờ ơ trước các yếu tố mang tính người. Dù người tỵ nạn Miến Điện như thế nào, trước hết cũng nên tìm cách cứu giúp họ, cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp chùa. Sau đó lắng nghe họ nói và cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết sự kiện. Hành động này không chỉ mang tính nhân đạo mà còn thể hiện tấm gương sáng trong việc thực tập tinh thần đạo Phật: cứu giúp người không phân biệt người đó là ai.

Anan khuyến khích người Thái lắng nghe các thuyền nhân nói và tìm hiểu vì sao họ rời bỏ quê hương. Có thể ở nơi họ sinh sống, nghèo đói cướp đi mạng sống người trẻ, con cái không được giáo dục như mong muốn, điều kiện y tế thấp kém hay họ không có cơ hội nói lên tiếng gọi công bình… Nếu như vậy họ đã khổ sở nhiều lắm. Không ai muốn rời khỏi quê cha đất tổ. Không ai muốn xa lìa tổ tiên quyến thuộc. Nhưng vì sự an toàn, cái ăn cái mặc, họ đành liều thân dứt áo ra đi, mong có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt giúp đỡ gia đình và nuôi dạy con cái. Nếu tiếp tục đẩy họ vào con đường cùng, chẳng khác nào mang tội diệt chủng. Quân đội Thái Lan nên lắng nghe thuyền nhân, không áp đặt định kiến của riêng mình hay phân biệt đối xử để không tiếp đãi thuyền nhân như thể họ là tội phạm chiến tranh. Sử dụng lắng nghe bằng lòng từ bi và cởi mở lòng ra, chia sẻ cho những người đang trong cơn nguy khốn. Hãy thử suy nghĩ vì sao Ấn Độ và Indonesia lại quyết định cứu vớt các thuyền nhân trong khi mình lại không. Giữa quốc gia cứu giúp thuyền nhân và quốc gia không làm như vậy, thế giới sẽ ca ngợi quốc gia nào?

Trong các vấn đề của thế giới, Anan chủ trương cứu người và cho họ con đường sống hơn là trừng phạt và nêu ra bản án. Giải quyết các tranh chấp quốc tế cần nói ít nhưng lắng nghe nhiều hơn. Khi lắng nghe, hai bên có thể hiểu nhau và tạo cơ hội nói lên mong muốn của mình. Có thể mong muốn của quốc gia này khác biệt với quốc gia kia, nhưng trước hết phải lắng nghe đã. Mọi mong muốn đều phục vụ cho con người, nếu vì sự khác biệt mà gây ra đối đầu hay chiến tranh thì mong muốn kia phải xem lại, bởi vì phục vụ con người đâu chưa thấy, chỉ thấy toàn hành động bạo động hay lời nói hăm dọa đầy bạo lực. Con người sinh ra có gương mặt khác nhau, kể cả anh em sinh đôi cũng không thể giống nhau hoàn toàn. Vậy mà họ sống chung một nhà hay cộng đồng vì biết nhường nhịn và hỗ trợ nhau. Trong khi đó, hai hay nhiều quốc gia kề cận đường biên giới chỉ vì lời ăn tiếng nói hay mong muốn khác biệt đã đem đại bác và tên lửa để công kích nhau. Như vậy sống làm gì cho chật đất. Sống làm gì khi chỉ biết có riêng mình. Thế giới này không có gì gọi là riêng biệt. Thế giới càng phẳng thì đường biên giới càng xóa nhòa. Nỗi khổ của một quốc gia làm cả thế giới đau đớn. Đừng tưởng rằng chỉ có trừng phạt mới đem lại hoà bình. Đó là quan niệm sai lầm hết sức. Như cấm vận một quốc gia, không chỉ mang lại sự đau khổ cho người dân nước đó mà chính nước đi cấm vận chẳng có vui vẻ gì. Lắng nghe tích cực trong các cuộc đối thoại có chủ đích giúp tiến trình hợp tác nhanh chóng được diễn ra. Giống như một bên đồng ý ngừng bắn, nhưng bên kia không nghe, chiến sự lại tiếp tục. Rồi bên này lại tiếp tục trả đũa việc vi phạm hiệp định ngừng bắn của bên kia và bắn trả lại. Vấn đề chưa giải quyết được bao nhiêu nhưng người dân lại chết như rạ. Làm chính trị mà không biết lắng nghe thì đừng làm. Lắng nghe hoà bình là như thế nào mà vẫn không hiểu thì làm chính trị làm gì. Sự cởi mở và lắng nghe là phong thái của nhà chính trị ngoại giao. Khi quyết định phải suy nghĩ cho an ninh của quốc gia và an ninh khu vực. Không thể vì an ninh của riêng quốc gia mình mà thờ ơ và mặc kệ an ninh quốc gia khác. Con sông Mêkong bắt nguồn từ Tây Tạng xuôi về biển Đông chảy qua sáu nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Nếu như vùng sông ở Trung Quốc bị ô nhiễm, Việt Nam và các nước khác không thể tránh khỏi hậu quả. Ngược lại nếu vùng sông ở Việt Nam bị ô nhiễm, Trung Quốc và các nước khác cũng không thể nằm ngoài vùng phủ sóng. Sự yên bình của con sông giúp sáu nước được hưởng, sự ô nhiễm của con sông làm sáu nước phải vạ lây. Hoà bình và chiến tranh cũng vậy. Hoà bình của một quốc gia, cả khu vực và thế giới vui mừng. Chiến tranh ở một quốc gia, cả khu vực và thế giới đau xót. Nếu như gây chiến tranh ở một quốc gia, điều này đồng nghĩa cả thế giới đang bị cày xéo, tội lỗi biết chừng nào. Giống như một tên trộm đột nhập vào gia đình nọ, giết chết người cha của bốn đứa trẻ, người con của cha mẹ và người chồng của một phụ nữ, sau đó cướp đi toàn bộ gia sản của gia đình.  Khi chết, tên cướp này phải đọa địa ngục hàng triệu kiếp. Vì sao không phải chỉ là một kiếp, theo kiểu một mạng đổi một mạng? Rất đơn giản, người đàn ông bị giết là trụ cột cả gia đình tám miệng ăn. Khi ông ta chết đi, cha mẹ không ai cưu mang nên ra đường ăn xin, người vợ sức yếu lam lũ không nuôi nổi bốn đứa con. Bốn đứa trẻ không ai dạy dỗ và nuôi dưỡng, bỏ nhà đi lang thang và cuối cùng cũng trở thành tên trộm cướp như vậy. Đối với chính trị, suy nghĩ bộp chộp thiếu sự lắng nghe cởi mở đưa đến hành động chiến tranh, trái đất này sẽ không còn màu xanh nữa. Mọi việc đều bắt đầu từ lắng nghe, như một đứa trẻ khi sinh ra đã tập lắng nghe. Người làm chính trị cũng thế, nếu không lắng nghe còn tệ hơn cả một đứa trẻ.

Anan nhiều lúc suy nghĩ mang tính hẹp hòi, trong đó ý kiến riêng của ông được chú trọng quá mức hay tinh thần dân tộc lên cao quá độ tạo ra tư tưởng chèn ép và đè nén việc lắng nghe dân tộc khác. Mỗi lần như vậy ông đều nhận ra và quyết tâm dẹp bỏ  mọi hẹp hòi riêng tư. Sứ mệnh của ông phục vụ tất cả nhân loại và muốn chấn hưng nhân loại, ông phải chấn hưng chính bản thân mình. Khi lắng nghe, ông không phán xét hay phản ứng, thậm chí bày tỏ thái độ khuyến khích và sẵn sàng lắng nghe. Ông không khoan nhượng một đảng phái chính trị hay xem khía cạnh tài chính là yếu tố quyết định cho mọi quyết định. Làm như vậy không khác gì phân biệt đối xử. Ý thức về quyền con người không cho phép ông cung phụng quốc gia này và áp đặt quốc gia kia. Mọi quốc gia đều có quyền bình đẳng như nhau như mọi người đều có quyền công bằng giống nhau. Lắng nghe là lắng nghe, nhưng không vì thế mà sa đà vào việc lắng nghe những lời nói đi ngược lại tiến bộ xã hội, chống lại loài người và hủy hoại trái đất. Điều này có nghĩa ông sẵn lòng lắng nghe tất cả nhưng với điều kiện người nói cần có chừng mực khi bày tỏ mong muốn cũng nên chừng mực. Nhà chính trị muốn nghe giỏi phải có thái độ kiên nhẫn. Kiên nhẫn khẳng định yếu tố thành công trong mọi lĩnh vực, không phải một sớm một chiều. Uy tín của nhà chính trị cũng xây dựng nên như thế. Kiên nhẫn nếu không được áp dụng, việc lắng nghe bị cản trở, cuộc đối thoại trở nên bế tắc. Mọi buổi đàm phán nào cũng cần kiên nhẫn và thật đáng trách nếu rời khỏi bàn đàm phán mà không thu được kết quả gì. Việc này chỉ làm tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức kỳ vọng của người dân.

Sở dĩ Anan đôi khi có tính hẹp hòi cá nhân chỉ vì trong lòng còn nhiều nghi ngờ và niềm tin chưa vững. Đập tan mọi nghi kỵ có thể kéo con người lại với nhau, kẻ thù trở thành anh em và chiến tranh thành hoà bình. Một giảng viên đại học thích nói hơn nghe, giảng viên này chắc chắn mệt sức và chỉ muốn khoe khoang bản thân. Trong khi giảng viên khác tạo cơ hội cho sinh viên nói nhiều hơn và lắng nghe sâu hơn, giảng viên này không chỉ hiểu được sinh viên mà còn làm giàu bản thân. Lãnh đạo quốc gia cũng vậy. Lãnh đạo nói nhiều quá người dân dễ nghi ngờ. Lãnh đạo biết lắng nghe sẽ hiểu dân và đi vào lòng dân. Công nghệ tiến bộ nhằm phục vụ cho việc nói và nghe, làm chính trị chính là làm công việc nghe nhiều hơn nói. Khi đó hòa bình có thể được thiết lập từ việc thực hiện những gì dân muốn hơn là những gì nhà lãnh đạo muốn. Như người làm marketing giỏi, chỉ bán cái lắng nghe, không bán cái anh ta nói. (4)

7. Cái nhìn sâu lắng

Anan luôn tìm mọi cách đặt mình vào sự kiện, nhìn mọi việc bằng trái tim từ bi và quán chiếu nguyên nhân sâu xa của nó. Như muốn hiểu người đồng tính hay cô gái bán phấn buôn hương, ông phải đặt mình vào vị trí của người đó mới hiểu được họ có đau khổ và hạnh phúc gì. Liên tục đặt các câu hỏi tại sao để đi đến tận cùng của vấn đề. Nhìn bằng ánh mắt của tình thương sẽ không thấy ai là kẻ thù, tất cả đều là bạn. Nhìn sâu sẽ thấy con người đau khổ như thế nào trong kiếp sống, họ không có đủ điều kiện để lên tiếng, để tiếp xúc với tri thức hay thực tập đời sống tâm linh, cho nên nhiều người tôn thờ điều sai lạc. Hành động họ làm, họ không hề biết đó là sai và cứ đinh ninh cái sai này là điều đúng. Nếu Anan ra lệnh trừng phạt hay cấm vận một quốc gia  mà không nhìn sâu vào hành động của họ chẳng qua là thiếu hiểu biết, có thể quyết định này dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho cả dân tộc như nội chiến, nghèo đói, thất học hay cướp bóc. Cái mong muốn thực hiện chưa làm được thì biết bao vấn đề khác lại đẻ ra. Như khi nhìn một nụ hoa chưa nở đã vội héo tàn vì nụ hoa thiếu sự chăm sóc, không đủ ánh sáng, nước tưới không được cung cấp… Con người không khác gì nụ hoa, con người héo úavì không được chăm sóc, không được nuôi dưỡng và thiếu thốn đủ thứ, cho nên họ có suy nghĩ và hành động theo kiểu héo úa như thế. Phải nhìn cho kỹ để biết thương họ.

Vấn đề biên giới giữa Thái Lan và Campuchia trong việc giải quyết tranh chấp khu vực đền Preah Vihear nên áp dụng cái nhìn sâu lắng. Các nhà sư tu hành tại đền chắc chắn không yên lòng khi nhìn thấy hai bên cầm súng chĩa vào nhau và chẳng nhà sư nào muốn điều đó xảy ra. Các nhà sư hãy mời các binh sĩ vào đền ngồi tham thiền và đi thiền hành chung. Hình ảnh bước đi nhẹ nhàng khoan thai của các nhà sư chắc chắn làm mủi lòng các binh sĩ và họ sẽ không làm theo cái gọi là tranh chấp lãnh thổ. Đền thờ là nơi thiêng liêng, cho dù nằm trên lãnh thổ của đất nước nào cũng mang giá trị tâm linh cho toàn nhân loại, cho nên đó là của chung, mọi người dân thế giới có quyền đến đây để chiêm ngưỡng, lễ bái và thực tập cùng các nhà sư. Ngôi đền không của riêng quốc gia nào. Nếu như nó được công nhận thuộc địa phận quốc gia Thái Lan hay Campuchia, quốc gia kia cũng nên lấy làm vui và hãnh diện, đồng thời góp tay cùng với quốc gia còn lại tôn tạo, gìn giữ vẻ đẹp hay không gian hòa bình của khu vực ngôi đền. Thế giới sẽ vui tươi khi nhìn thấy nơi luôn sống vì hoà bình chỉ tiếp sức cho các hoạt động hoà bình. Đem quân đội ra dằn xé nhau chỉ làm hoen ố hình ảnh ngôi đền, khách du lịch bỏ đi và các Phật tử không có cơ hội thực tập các pháp môn hòa bình tại ngôi đền. Cái gì cũng mang tính vô thường, ngôi đền cũng vậy, ngôi đền không thể tồn tại một triệu năm, nên khi nó còn đang tồn tại, hãy trân quý và thưởng thức nó. Nếu như chẳng may một quả đạn rocket nào đó rơi trúng ngôi đền, các nhà sư thiệt mạng, ngôi đền phá hủy, khu vực hoang tàn, hai nước sẽ lấy cái gì để tranh chấp.

Cái nhìn sâu lắng có thể áp dụng cho vấn đề môi trường và thay đổi khí hậu. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 17/11/2007 cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu rất rõ ràng và không chỉ các nước nghèo mà các nước giàu cũng không thể nằm ngoại vi ảnh hưởng. Việc phát triển kinh tế ồ ạt, đua nhau đứng đầu danh sách các quốc gia giàu có nhất, làm cho môi trường bị khai thác một cách kinh khủng. Cho nên tác động của khủng hoảng kinh tế, thiên tai, bệnh tật cũng là hậu quả của nó, làm giảm nhiệt kinh tế thế giới, tạo cơ hội cho con người nhìn lại thực chất hoạt động kinh tế. Chủ nghĩa tiêu thụ tiếp tục hoành hành các nước phát triển, lan sang các nước đang phát triển và tấn công các quốc gia tập tành kinh tế thị trường. Nhu cầu sản xuất, khai thác nguyên nhiên liệu cao tới mức trái đất trở nên kiệt quệ và bầu khí quyển oằn vai đón nhận các đợt khí thải. Không chỉ các nước giàu mà các nước nghèo cần nhanh chóng thay đổi thái độ, hoạt động sản xuất và thành phần sản phẩm nhằm góp phần làm giảm tiến trình hâm nóng toàn cầu. Kinh tế suy thoái trong năm 2008 tuy có nhiều tiêu cực cho thế giới nhưng lại làm giảm khả năng sản xuất của các nhà máy, có thể đây là hậu quả của việc phát triển kinh tế theo kiểu tàn sát thiên nhiên. Địa cầu sẽ không biến thành sao hỏa nếu con người biết gìn giữ nó, bằng không thảm hỏa toàn cầu và những hình ảnh chỉ thấy trong điện ảnh Hollywood sẽ nhanh chóng thành hiện thực.

Cái nhìn sâu lắng không chỉ với tranh chấp lãnh thổ hay biến đổi khí hậu, phương pháp này còn đem ra thực tập đối với vấn đề Tây Tạng, nơi mà cả thế giới lúc nào cũng chú ý khi nhắc tới Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc hãy nhìn kỹ vì sao đức Đạt Lai Lạt Ma thường hay lên tiếng cho vùng đất này và cả đức Đạt Lai Lạt Ma cũng hãy nhìn kỹ vì sao Trung Quốc muốn ngài phải từ bỏ hy vọng đòi hỏi một Tây Tạng độc lập và quyền lãnh đạo của ngài. Nếu như Trung Quốc xem xét khía cạnh tình thương của một người xa quê hương lúc nào tâm trí cũng hướng về đất nước như đức Đạt Lai Lạt Ma thì sẽ đồng ý cho ngài trở về Tây Tạng thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh, giúp người dân thực tập các pháp môn của Phật giáo trong hoà bình, gắn bó và đoàn kết. Cách làm như vậy không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo của người dân mà còn chứng minh một Trung Quốc cởi mở, không có kẻ thù và giao tiếp với mọi thành phần của xã hội. Còn đức Đạt Lai Lạt Ma nhiều lần nhấn mạnh ngài chỉ là người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, bởi vì ngài là người tu hành, ngài không tham dự vào bất cứ cuộc đấu tranh nào về mặt chính trị. Nếu chính quyền Trung Quốc hiểu và chịu nghe những gì ngài nói thì việc ngài trở về Tây Tạng, cùng nhau chung sống với người dân, yên vui thái bình thì đâu có gì phải tranh cãi. Trung Quốc cũng như đức Đạt Lai Lạt Ma nên lắng nghe nhau và có thể lắng nghe sáu triệu người Tây Tạng để biết xem họ muốn gì và cần điều gì. Suy nghĩ và hành động vì người dân để tránh khỏi những sai lầm, người dân có quyền quyết định ai sẽ lãnh đạo họ về mặt chính trị hay tâm linh.

Anan nhớ lại khi ông đọc tích truyện cuộc hoà giải dòng họ Thích Ca. Vào một thời bấy giờ, đức Phật đang cư ngụ tại chùa Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ. Trong một thời kinh thuyết pháp cho đại chúng nghe, Người có kể lại sự tranh chấp giữa dòng họ Thích Ca và bộ tộc Koliya cùng sống ở hai bên bờ sông Rohini. Lúc ấy, thành Kapilavatthu của dòng họ Thích Ca nằm bên bờ sông Rohini, còn bờ bên kia là thành Koliya của bộ tộc này. Cả hai bộ tộc đều nhờ nước sông mà trồng trọt làm ruộng sinh sống. Vào năm kia, trời đại hạn, một giọt mưa cũng không có, nước sông trở nên cạn kiệt, nên không đủ cho người dân hai bên bờ sử dụng. Dân Koliya dùng cuốc xẻng đào sông, làm mương, dẫn dòng nước chảy sang khu vực của mình, khiến đồng ruộng vườn tược bên phía bộ lạc Thích Ca trở nên khô cằn, cây cối héo úa hết. Sự tranh chấp giữa nông dân hai bên bờ sông ngày càng trầm trọng, khiến dân chúng và vua quan ở hai thành chuẩn bị chiến tranh để đánh nhau, giành quyền sử dụng nguồn nước sông. Buổi sáng hôm đó, đức Phật được tin bộ tộc Thích Ca đang sửa soạn vũ khí để đánh nhau với bộ tộc Koliya, Người lập tức yêu cầu Anan theo Người đến bờ sông và đi thuyền ra giữa sông. Khi ấy, ở bờ sông bên này, những người quen thuộc của đức Phật nhìn thấy Người đang ngồi trên thuyền, liền buông hết vũ khí, chấp tay cung kính đảnh lễ. Ở bờ bên kia, dân chúng bộ tộc Koliya cũng vứt bỏ khí giới và quỳ lạy đức Phật. Người bắt đầu nói: Này dân chúng bộ tộc Thích Ca và Koliya, các người đánh nhau đổ máu để giành vài giọt nước sông mà quên mất tánh mạng mình còn quí hơn nhiều. Nếu các người chẳng chịu hòa giải với nhau, máu đôi bên sẽ chảy nhiều hơn nước sông kia. Con sông này là của chung, vì sao không chia nhau sử dụng, bên nào cũng có nước để xài, sống phải biết cưu mang và yêu thương nhau. Đừng vì miếng cơm manh áo mà giành giựt. Qua cơn hạn hán sẽ gặp cơn mưa rào, chỉ có tình thương là bất diệt. Sau khi nghe lời dạy của Thế Tôn, hai dân tộc lấy làm xấu hổ vì hành động của mình, nên cùng bắt tay hòa giải, chia sẻ nguồn nước và quí mến nhau như anh em một nhà. Nói vậy để thấy tranh chấp quyền khai thác mỏ khí gần khu vực biển đông Trung Hoa giữa Nhật và Trung Quốc, vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Kuril giữa Nhật và Nga, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác, biên giới khu vực đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan, biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh hay mọi tranh chấp khác đều có thể hòa giải giữa các bên và tôn trọng  hành vi bất bạo động. Đức Phật nói rõ mọi tài nguyên đều phục vụ con người, còn bạo động và chiến tranh chỉ tàn hại con người. Lợi ích đâu không thấy, chỉ thấy những hành động chỉ trích và giành giựt nhau. Người dân là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mấy triệu lít dầu, mấy triệu mét khối khí hay mấy thước vuông đất đâu có bằng mạng người, nụ cười của trẻ thơ hay giọng nói ngọt ngào thân thương của người mẹ. Cho dù đánh đổi tài sản của cả quốc gia để cứu một mạng người, ngắm nhìn một nụ cười trẻ thơ hay tận hưởng lời ru êm đềm của mẹ cũng đáng để làm. Đơn giản chỉ vì con người cần mạng sống, trẻ thơ cần tiếng cười và người mẹ cần tiếng nói dịu êm. (5)

8. Nguồn cảm hứng cho đời sống

Anan xem chánh pháp là nguồn cảm hứng cho đời sống gia đình và chính trị. Đạo Phật ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, quan điểm và quyết định của ông. Nhờ thực tập các pháp môn Phật giáo, ông hiểu được nụ cười của đức Phật, nụ cười nhẹ nhàng thanh thoát như điểm tựa của hoà bình. Đạo Phật không chủ trương làm chính trị nhưng tinh thần Phật giáo lại là nguồn cảm hứng hoà bình cho đời sống chính trị của ông. Nghe đến tên của đức Phật thôi, người ta đã cảm thấy an lành, nói chi thực tập theo chánh pháp của Người. Sở dĩ con người cứ sống mãi trong chiến tranh, hay thời bình nhưng tâm địa đầy bạo động là vì họ mất cảm hứng với đời sống. Đời sống đối với họ là điều gì đó chứng minh cho cái tôi hay bản ngã và thỏa mãn những ham muốn thoáng qua. Anan ngược lại, ông thích nghe câu nói đời sống này đầy dẫy những mầu nhiệm: bông hoa là một mầu nhiệm, cây thông là một mầu nhiệm, hòn sỏi là một mầu nhiệm… Con người mải mê chạy theo những thứ đặt tên nhưng lại không thể nắm được mà quên đi mình là ai, mình đang làm gì và mình đang có nhiều điều kiện để hạnh phúc như thế nào.

Đời sống giản dị mang đến tinh thần ít đòi hỏi. Một người làm chính trị đòi hỏi quá nhiều trong nhu cầu dễ phạm giới, nhất là ăn hối lộ hay tham nhũng. Nhu cầu lớn với đồng lương ít ỏi biến con người phụng sự thành con người tiêu thụ và nghĩ ra trăm phương ngàn kế đáp ứng nhu cầu của mình. Khi biết tự chủ, mọi đòi hỏi và cố gắng thoả mãn được xoa dịu. Con người hướng hạnh phúc đến mục tiêu khác và lựa chọn con đường đơn giản để đi. Đơn giản không có nghĩa là an phận, và đơn giản nhiều lúc phải tranh đấu mới có. Sống trong môi trường tràn ngập điều giản dị, con người dễ dàng có ý thức giản dị. Sống trong môi trường đầy dẫy căng thẳng, con người có khuynh hướng bị lôi kéo theo sự căng thẳng đó. Thực tế lại cho thấy cảm hứng cho đời sống dâng trào với những gì được cho giản dị hơn căng thẳng. Thi sĩ làm thơ khi ông ở trạng thái thanh thản và ngắm nhìn những sắc thái mộc mạc. Bình hoa được cắm vài bông hoa, không gian căn phòng trở nên đẹp hơn là cả bó hoa có rất nhiều loại hoa chen chúc khó thở. Con người thấy ngột ngạt khi gấp gáp trong chuyến xe buýt không còn chỗ đứng và bình yên giữa cánh đồng thênh thang. Anan chán ngấy làm việc giữa bốn bức tường, giữa trụ sở cao tầng và ngắm nhìn các toà nhà chọc trời. Cái mà ông thèm nhiều nhất là hòa tan vào thiên nhiên vô tận để thấy mình và thiên nhiên là của nhau. Cuộc sống thiếu vắng những giản dị, cuộc sống đó thật rối rắm. Đời sống chính trị tự thân làm cho nó rối rắm như tư vò. Giản dị chút đi, con người cảm thấy thoải mái và vui tươi. Chính trị như kinh tế, giáo dục hay y tế, đem hạnh phúc cho tự thân và cộng đồng. Vậy đâu cần gán ghép cho nó những gì cao siêu hay phức tạp. Bản thân của nó cực kỳ đơn giản, chỉ tại người làm chính trị thích làm cho nó biến tướng và mai một sắc thái đơn giản đó.

Nhân loại trải qua nhiều nền văn minh và nền văn minh dù xa xưa hay hiện đại đều chứng minh tính vô thường của nó. Người Maya trước đây ắt hẳn tôn thờ và hãnh diện về nền văn minh của họ nhưng nếu còn sống đến bây giờ, họ không thể ngờ nền văn minh đó đã bị xóa sổ từ lâu. Điều này cho thấy cái được gọi là văn minh hiện nay chưa chắc được chấp nhận trong vòng 10,000 năm hay trăm ngàn năm tới. Nhưng chỉ có một thứ văn minh không bao giờ bị xóa sổ là văn minh chánh niệm. Chánh niệm trong từng bước đi, lời nói, suy nghĩ và biết mình trong giây phút hiện tại. Đây chính là cốt tủy của Phật giáo, bảo vệ hơi thở, bảo vệ mạng sống. Nhờ vậy, đời sống có nhiều cảm hứng, nhiều mầu nhiệm. Thân đang ở New York và tâm vẫn đang ở chung với thân, tâm biết thân đang làm điều gì và thân đồng lòng với tâm. Nếu như thân ở một đằng và tâm ở một nẻo, tức là con người đang ở trong tình trạng bị chia cắt. Con người dễ dàng rơi vào trạng thái hỗn độn, căng thẳng và suy nhược. Anan không muốn bản thân bị chia cắt. Bản thân ông phải thống nhất và hoà bình. Khi đã hòa bình, nguồn cảm hứng làm việc, sáng tạo và điều tiết các ham muốn thành công một cách vững chãi hơn. Đời sống vốn là một thể thống nhất và nương tựa nhau. Tâm nương tựa vào thân và thân nương tựa vào tâm. Tâm đẹp giúp các hành động đẹp của thân hiện tiền và các hành động đẹp của thân là biểu hiện của tâm đẹp. Hành động gây chiến và phát khởi chiến tranh chứng tỏ con người đang bị chia cắt nặng nề, tâm có nhiều bạo động và điều khiển các hành vi bạo động.

Khi cả dân tộc chìm trong biển lửa, chỉ nghe thấy tiếng trẻ con kêu gào, xác mẹ nằm vất vưởng bên những hàng rào kẽm gai hay xác cha trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Con người tiếp tục cày xéo lẫn nhau, tranh giành ý thức hệ, của cải, đất đai và quyền lực. Nhưng trước sức mạnh của thiên tại, đói khát, tham dục và sân hận thì không thể chiến thắng nổi. Tuy nhiên, chỉ bằng một hơi thở, lắng nghe cởi mở và cái nhìn sâu lắng, con người có thể chiến thắng mọi thứ. Chiến thắng không phải là triệt tiêu đối thủ và đề cao cái tôi. Chiến thắng trong chính trị là hiểu được đối phương, hòa giải được với họ và làm bạn với họ, chuyển hóa mọi thù hận thành tình bạn và cùng sống chung an lạc. Yêu thương nguồn cội là quay về với thực tại, làm giảm các địa ngục trần gian, biến trần gian thành thiên đường hạnh phúc, đâu cũng là bạn, đâu cũng là người thương. Anan quay về với truyền thống, với nguồn cội, mà truyền thống và nguồn cội chính là hoà bình. Hoà bình mang cảm hứng cho nhân loại, thiết tha với sự sống, cần mẫn với cuộc đời và xoa dịu mọi khổ đau. Nguồn cảm hứng có trong tự thân, chưa bao giờ bị khô cằn, chưa bao giờ bị héo hắt bởi bom đạn hay chỉ trích. Cuộc sống cần phải tranh đấu, nhưng không tranh đấu con người, đảng phái chính trị hay tư tưởng mà tranh đấu ngay chính bản thân. Bản thân có sự si mê, hờn giận, ghen tuông, bực tức, trách móc… Làm cho bản thân hòa bình, mọi thứ khác đều hoà bình, đâu cần phải tranh đấu gì nữa.

Anan làm cho thân mình lắng dịu khi ông trầm mình vào thiên nhiên bất tận. Không thể nào kể hết những cảm hứng trong thiên nhiên: tiếng chim hót, con nai vàng ngơ ngác, cánh rừng bạt ngàn, đồng ruộng xanh mơn mản, suối chảy róc rách, gió thổi xào xạc… Bấy nhiêu thôi cũng khơi gợi cho Anan tâm hồn thi sĩ. Ông làm thơ không giỏi nhưng trước cảnh đẹp mê hồn không thể không làm một bài thơ. Hoa lá gió và nắng, Hạt sương mai lấp lánh, Óng ánh mặt trời lên, Bên hiên cành hoa đậu. Làm chính trị khiến con người căng thẳng và bận rộn, nên nhiều lúc không thể nhận ra trời mưa hay nắng. Lối sống sinh thái có khi lại hay hơn lối sống hiện đại. Văn minh chọc trời và tốc độ làm sao có thể bì kịp văn minh sinh thái. Các lâu đài sang trọng kia có chăng cũng bắt nguồn từ sinh thái và đến lúc nào đó trở về với sinh thái. Con người chính là nguồn cảm hứng của thiên nhiên và ngược lại, nói chung tuy hai mà một và cùng nuôi dưỡng nhau. Tâm của con người ảnh hưởng mạnh đến thiên nhiên và thiên nhiên cũng tác động không nhỏ đến con người. Khai thác thiên nhiên nhiều cũng làm cho nó khô cằn, chẳng qua vì tâm ham muốn tiêu thụ. Thiên nhiên được bảo vệ, khí hậu trong lành và ít thiên tai bệnh tật, chủ yếu là do tâm giảm thiểu đòi hỏi hưởng thụ. Đem khu rừng vào thành phố như Vancouver còn gì bằng, dân chúng ở đó có phước hơn dân chúng sống ở vùng thiếu thốn cây xanh. Con người có thể mệt mỏi vì công nghệ và giải trí nhưng chẳng bao giờ từ chối ngằm nhìn thiên nhiên thơ mộng. Mùa nào cũng đẹp, xuân, hạ, thu, đông. Ngày nào mặt trời cũng lên và đến rằm thì trăng lại mọc. Vạn vật đi theo chu trình và làm nhiệm vụ riêng của nó. Con người cũng vậy. Con người vốn dĩ hoà bình và cũng làm nhiệm vụ hoà bình. Con người không có hoà bình là dấu hiệu của chiến tranh và bệnh tật.

Sự sống có vô số nguồn cảm hứng như thế nên phải trân quý sự sống. Anan vì muốn bảo vệ sự sống nên không bao giờ đồng ý chuyện phá thai. Khi tinh cha huyết mẹ tạo nên phôi, sự sống đã bắt đầu. Chấp nhận phá thai là giết chết sự sống và phạm tội sát sanh. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cần xem xét lại quyết định của mình trong việc gỡ bỏ lệnh cấm tài trợ phá thai. Liên Hiệp Quốc, các chính phủ toàn cầu, các giáo hội tôn giáo và nhất là người trẻ phải nói không với nạn phá thai, nói không với chính sách đồng ý phá thai và nói không với việc sử dụng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu nếu việc nghiên cứu này liên lụy đến hủy diệt một phôi thai. Sự sống của một cái cây hay một ngọn cỏ còn phải được bảo vệ, huống chi sinh mạng của một phôi thai. Nếu như người trẻ không muốn có thai thì đừng để tình trạng có thai xảy ra. Kế hoạch hóa gia đình, sinh hoạt lành mạnh và thực tập yêu thương đích thực thì sẽ biết trân quý và giữ gìn cho người mình thương. Khi đó tình trạng có thai sẽ không phát sinh và nếu như có thai, cha mẹ sẽ có trách nhiệm và biết ơn cái thai của mình. Thai nhi là kết quả của tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà, phá bỏ nó chẳng khác nào gây ra cuộc chiến tranh, trong đó sự sống và sinh mạng trẻ em bị xem thường, đồng thời giết bỏ kết quả tình yêu của chính bản thân họ. Nhà nước cộng sản hay tư sản luôn tuyên bố bảo vệ hoà bình, vậy thì hãy bảo vệ hoà bình cho con người khi họ từ trong trứng nước. Bác sĩ được mệnh danh lương y như từ mẫu, tức người bác sĩ cứu người như mẹ hiền, đã là người mẹ thì không giết con mình, không dung túng cho các hành vi hỗ trợ và tiến hành phá thai. Hổ còn không ăn thịt con, huống chi là con người. Hãy nhớ rằng, nụ cười và hạnh phúc trẻ thơ là nguồn cảm hứng to lớn cho người lớn vượt qua mọi khó khăn trong đời sống, đem hạnh phúc cho cha mẹ và vun đắp tình cảm gia đình. Con cái hiếu thảo với cha mẹ là chuyện đương nhiên nhưng cha mẹ cũng phải biết ơn con cái vì con cái đã chọn mình làm cha mẹ, không phải chọn gia đình khác. Người làm chính trị xây đắp hoà bình thì hãy xây đắp từ sự an toàn cho thai nhi, nụ hoa vừa mới hé nở.

9. Biết rõ từng cái bắt tay

Thường ngày Anan gặp gỡ và tiếp xúc nhiều vị đại sứ, nguyên thủ quốc gia hay phái đoàn ngoại giao. Ông không nhớ mình bắt tay bao nhiêu người nhưng ông biết tìm kiếm hạnh phúc và bình an trong mỗi cái bắt tay. Từng cái bắt tay nếu được biết rõ sẽ là bài thực tập chánh niệm có giá trị. Kiểu bắt tay theo phương thức xã giao của giao tiếp ngoại giao hay giao tiếp kinh doanh mang nhiều tính hình thức. Bắt tay chánh niệm tiếp xúc được với tình bạn, niềm đam mê hòa bình và khả năng hợp tác mạnh mẽ. Bắt tay thể hiện tinh thần trách nhiệm của người bắt và thái độ tin cậy với người được bắt. Niềm tin bắt đầu từ những phương tiện tưởng chừng bình thường mặc dù chưa có cuộc hội thoại hay đàm phán nào diễn ra. Sự đồng thuận hay mối bang giao thân thiết giữa các quốc gia thể hiện ra bên ngoài và sau đó là những cái ôm thắm thiết kết hợp với nụ cười không đơn thuần mang tính ngoại giao. Bắt tay hết lòng mang đến tình cảm sâu sắc, mong muốn được kết bạn và hóa giải mọi khác biệt. Nhiều khó khăn chưa giải quyết được gì nhưng nhờ vậy con người tạm thời có thể kiềm chế mọi bất đồng và tư tưởng bạo động. Trong xúc chạm qua đôi bàn tay, cảm giác lo lắng hay bình thản của người kia được nhận biết và nhờ hành vi tiếp xúc, người kia có cơ hội cân bằng tâm lý và giúp cho cuộc gặp gỡ tự nhiên và dễ dàng hơn. Các dân tộc kết nối với nhau qua ngôn ngữ, âm nhạc, giao thoa văn hóa và kể cả bắt tay. Nhà chính trị tận dụng điều này để khởi đầu hàn gắn thế giới, đơn giản chỉ vì thế giới đã là một thực thể thống nhất không thể tách rời.

Người làm luật biết rõ cái bắt tay với ngành y khoa, trong đó điều đáng quan tâm là có hay không chấp thuận cái chết êm ả đối với người sống dạng thực vật hay người bệnh đau đớn trong tình trạng không còn khả năng cứu chữa. Anan từng lên tiếng bảo vệ môi trường, trong đó tìm cách nhân bản và bảo hộ các loài động vật quý hiếm. Các nhà bảo vệ môi trường nâng niu từng cái cây, ngọn cỏ và không đồng tình với các hành vi làm thiên nhiên hoang tàn. Từ thời xa xưa, người ta đã biết cách ướp xác để giữ cho xác chết được bảo tồn hàng trăm năm hay lâu hơn nữa. Vậy thì không có lý do gì để biện hộ cho việc chấp thuận cái chết êm ả trong y khoa. Cho dù người bệnh đang trong tình trạng thực vật mất hết cảm giác và suy nghĩ, hay trong tình trạng ốm đau hết phương cứu chữa của y bác sĩ, điều này không có nghĩa người đó không có sự sống. Người ấy vẫn có quyền sống dù tia hy vọng thật nhỏ nhoi. Sự sống dù nhỏ cách mấy cũng phải bảo vệ. Nhà làm luật phải cho người đó cơ hội bắt tay với sự sống và dứt khoát khước từ mọi đề nghị về việc đưa cái chết êm ả vào luật. Các bác sĩ làm hết sức mình để kéo dài tối đa mạng sống cho tất cả bệnh nhân và không ai có quyền tự cho phép mình giết người mà được gọi là hợp pháp. Hà Lan nên xem xét lại đạo luật này nhằm bảo vệ sự sống của muôn loài, trong đó loài người là quan trọng hơn cả thảy. Khoa học y tế là cứu lấy sự sống chứ không phải để tiêu diệt nó. Phật giáo không cho phép giết hại sinh mạng trong bất kỳ tình huống nào, kể cả các loài côn trùng và hành vi hủy hoại môi trường. Tổng thống Nilolas Sarkozy không nên chấp thuận nguyện vọng của bà Chantal Sebire về quyền được chết. Sống hay chết là quy luật của tự nhiên và nếu bà Chantal Sebire có chết, Tổng thống có chắc chắn bà Sebire sẽ hết đau đớn hay bà tiếp tục bị hành hạ như vậy ở kiếp sống tiếp theo. Bà Sebire bị căn bệnh ung thư ác tính làm biến dạng khuôn mặt và hai mắt trở nên mù loà. Vấn đề là các bác sĩ và các nhà tôn giáo hãy giúp bà sống chung an lạc với căn bệnh của mình. Thực tập thiền định và tiếp xúc với các mầu nhiệm của sự sống bằng khả năng có thể của bà. Thực tế gương mặt của bà thay đổi, con mắt không còn trông thấy gì và thân thể đau nhức, nhưng bà vẫn còn có trái tim yêu thương, đôi bàn tay thân thiện và khối óc lành mạnh, vậy thì không có lý do gì bà phải chết và không có quyền gì gọi là quyền được chết cả.

Mọi hoạt động của Liên Hiệp Quốc là phụng sự hoà bình và hoà bình là bảo vệ sự sống, sự sống còn thì hoà bình còn, hoà bình còn thì sự sống phải được trân quý, cho nên phải trân quý sự sống, dù con người đang ở trong bất kỳ trạng thái hay tình huống nào cũng không có quyền chối bỏ sự sống của mình. Anan khuyến nghị chính phủ các quốc gia không nên chấp nhận cái chết êm ả trong y khoa và các bác sĩ không nên tiếp tay cho bất cứ yêu cầu và hành vi nào thực hiện điều này. Nói như vậy vấn đề giết hại sinh mạng trong chiến tranh bằng bom đạn, đại bác, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học hay vũ khí hạt nhân là những điều không thể chấp nhận được. Kể cả các công trình phục vụ dân sự sử dụng các chất độc này cũng không cần thiết phải áp dụng. Thảm họa nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 được xem nặng nề hơn cả thảm hoạ bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Sử dụng công nghệ nguyên tử làm nhà máy điện là điều không nên ủng hộ, nói chi đến việc chế tạo bom nguyên tử. Các quốc gia cần bắt tay với Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân trong hoà bình, đồng thời Liên Hiệp Quốc tổ chức buổi vận động toàn thề giới đưa ra nghị quyết không phổ biến vũ khí hạt nhân, kể cả việc nghiên cứu phát triển nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân, chấm dứt hoàn toàn chạy đua vũ trang hạt nhân và giải trừ đầy đủ vũ khí hạt nhân. Sử dụng hạt nhân trong dân sự cũng không được phép. Không có hành vi nào được cho là hoà bình khi sử dụng công nghệ hạt nhân khi nó được sử dụng cho quân sự hay dân sự. Nhà máy điện Chernobyl là công trình xây dựng năng lượng nguyên tử phục vụ dân sự nhưng hòa bình đâu không thấy, chỉ thấy thảm hoạ về môi trường và sinh mạng con người. Vậy thì chẳng có cớ gì phải tiếp tục chấp thuận việc sử dụng công nghệ hạt nhân nữa. Iran, Triền Tiên, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan hay bất cứ quốc gia nào đang sở hữu công nghệ hạt nhân dù cho quân sự hay dân sự cũng phải từ bỏ hết mọi kế hoạch phát triển của mình. Khi bản thân hay nói về hòa bình mà hành động không hề phục vụ cho hòa bình thì mọi lời nói đều là vọng ngữ.  Các nước lớn chuyên yêu cầu quốc gia khác từ bỏ sản xuất hạt nhân nhưng muốn được nghe thì bản thân phải từ bỏ trước đã. Ngược lại các nước khác đang tìm cách sản xuất và sở hữu hạt nhân cũng chẳng có gì vui vẻ vì thường xuyên bị chỉ trích và dòm ngó. Điều này cho thấy, cơ hội hòa bình từ công nghệ hạt nhân đâu không thấy, chỉ thấy toàn những thấp thỏm, lo sợ, chia rẽ và thù hận. Hãy xem lại cách hành xử của mình, công nghệ hạt nhân chưa bao giờ chứng minh tính hòa bình của nó. Nói đến hạt nhân, con người chỉ nghĩ đến chết chóc, ô nhiễm, tàn lụi và cố tình biến địa cầu thành sao hỏa hay mặt trăng để loài người ở trái đất khác bay đến nghiên cứu và chắc lưỡi nuối tiếc loài người ở địa cầu này tại sao lại tự diệt vong.

Từ bỏ công nghệ hạt nhân và các qui trình đi theo sau nó là hành vi nhân đạo, biết thương bản thân, thương cha mẹ, vợ con và dân tộc. Bằng không bản thân phản bội lại tất cả những gì mình trân quý. Liên Hiệp quốc có nhiều hoạt động nhân đạo gắn liền với cơ quan nhân đạo của mình nhưng nhân đạo không chỉ nằm ở chỗ viện trợ, chữa bệnh hay giáo dục, mà nhân đạo còn nằm ở chỗ giải giáp công nghệ hạt nhân trên toàn thế giới, đây mới là hành vi nhân đạo cao nhất. Tuy nhiên, trong các hành vi nhân đạo cao đẹp nhất, việc thực hiện cứu trợ và bảo hiểm cho tâm con người sống an lạc hoà bình là hành vi nhân đạo cao hơn cả. Các cơ quan nhân đạo không chỉ đóng vai trò ủng hộ vật chất mà còn làm công tác xoa dịu nỗi đau. Thật hay nếu kết hợp với cơ sở tôn giáo địa phương để giúp cho các nạn nhân chiến tranh, thiên tai hay bệnh tật biết ôm ấp và chuyển hóa khổ đau trong giây phút hiện tại, vượt thắng mọi sân hận và dễ thương với bản thân. Các chính phủ có tâm bạo động cũng cần được viện trợ nhân đạo theo kiểu này, theo đó Liên Hiệp Quốc cho người hợp tác với tôn giáo của họ đến chia sẻ,  giúp họ hòa giải và làm thanh tịnh trước hết trong tâm. Quan niệm nhân đạo cho rằng bố thí vật thực là chưa đủ, quan niệm còn thể hiện rõ yếu tố tha mạng cho kẻ thù, bắt tay với kẻ từng là kẻ thù và yêu thương ngay chính người mình hùng hổ cho là kẻ thù. Quốc gia thêm bạn bớt thù và dần dần làm bạn với tất cả các nước mới giỏi, còn quốc gia ngày càng có nhiều kẻ thù và ít bạn đi, quốc gia đó dở ẹt. Người lãnh đạo quốc gia phải có trái tim từ bi và nhân đạo là hạt giống của từ bi. Nếu đối trị với bom đạn bằng từ bi, bom đạn sẽ thành hoa trái tươi mát. Nếu đối trị với bom đạn bằng bom đạn, bom đạn cũng chỉ là chính nó và có khi tinh vi hay huỷ diệt nhiều hơn. (6)

10. Phụng sự hòa bình

Nhiệm vụ chủ yếu của Liên Hiệp Quốc là phụng sự hòa bình. Anan cùng với từng đại sứ các quốc gia thực hiện chung một sứ mệnh, nên vấn đề chiến tranh hay hòa bình của quốc gia này không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của quốc gia kia. Nếu nói rằng việc này là nội bộ của quốc gia chưa chắc hoàn toàn đúng vì quyết định của quốc gia đó tác động đến tiến bộ chung của toàn Địa Cầu.  Thế giới có quan tâm sẽ lên tiếng những vấn đề được cho là nội bộ nhưng đi ngược lại văn minh nhân loại. Thế giới sẽ chẳng nói gì trong trường hợp họ bỏ mặc quốc gia muốn ra sao thì ra. Hai cuộc chiến tranh thế giới cướp đi không biết bao nhiêu mạng sống và hệ lụy của nó đến ngày hôm nay vẫn khó có thể xóa bỏ. Nỗi đau của những người còn sống to lớn đến nỗi nước mắt của họ lấp đầy năm châu bốn biển vẫn không đủ. Tính hơn thua và tranh giành của loài người qua bao thế hệ hầu như không thay đổi, thậm chí ngày càng gia tăng một khi dân số thêm đông và tài nguyên thêm cạn kiệt. Nguồn năng lượng bạo động tuôn ra khủng khiếp đến mức nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba cứ rình rập. Đủ thứ kiểu chủ nghĩa ra đời, đề cao quan điểm cá nhân và tôn thờ vật chất nhấn chìm tinh thần vốn trong sáng của nhân loại. Phụng sự hoà bình không đơn thuần là xoá bỏ và ngăn chặn chiến tranh, hòa bình còn hiện tiền trong việc giải trừ tranh chấp chủ nghĩa, đề cao sự tương tức giữa các quan điểm cá nhân và làm lắng dịu các nhu cầu tiêu thụ.

Phụng sự hòa bình không có mặt của sự kỳ thị, đặc biệt là giới tính. Trong quá khứ, người đàn ông được coi trọng trong khi người phụ nữ được xem như công cụ phục vụ. Ngày nay quyền bình đẳng nam nữ trở thành tất yếu và người phụ nữ có quyền ngang bằng với nam giới, đồng thời có một số ưu tiên hay ưu đãi hơn. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi là giới tính thứ ba: người đồng tính. Anan có quan điểm không kỳ thị và không phân biệt đối xử với người đồng tính. Điều này dễ hiểu, người phụng sự hoà bình chỉ có mong mỏi duy nhất là đem niềm vui cho tất cả mọi người cho dù người đó là đồng tính hay chuyển đổi giới tính. Họ xứng đáng thừa hưởng hạnh phúc và các thành quả của hoà bình. Phật giáo không nói là chấp nhận cũng không nói là không chấp nhận người đồng tính. Bản thân người đồng tính có nhiều đau khổ bởi sự kỳ thị, hành vi tính dục và sự lên án của xã hội. Họ không có quyền lựa chọn giới tính cho mình. Nhiều người tìm cách trốn chạy cuộc đời hay lừa dối chính mình để được yên ổn. Vậy người phụng sự hòa bình phải làm gì cho người đồng tính? Ngăn cấm hay chấp thuận? Hoà bình là biểu hiện của tình thương, con người có nhu cầu về tình thương. Người đồng tính cũng là con người, cho nên họ muốn thương và được thương. Các tôn giáo ra đời để tạo dựng tình thương, Liên Hiệp Quốc ra đời để tái lập tình thương. Tôn giáo hay Liên Hiệp Quốc đưa ra những qui định ràng buộc người đang đau khổ trở nên đau khổ hơn thì nên xem xét lại vai trò của mình. Một tu sĩ Phật giáo không thể nói anh là đàn ông đúng nghĩa, tôi ban phước lành đến anh, cô là phụ nữ đúng nghĩa, tôi rải tâm từ đến cô, còn cậu, cậu là người đồng tính, tôi không thể ban phước lành và rải tâm từ đến cậu được. Thật vô lý hết sức. Đi tu mà phân biệt giới tính thì đi tu làm gì. Người phụng sự hoà bình chỉ phục vụ đàn ông và đàn bà, còn người đồng tính thì cho ra ngoài vùng phủ sóng. Người này hãy xem lại quan niệm hòa bình. Tình thương chân thật là dàn trải tất cả chúng sanh không phân biệt giới tính. Khi tình thương đều khắp, con người không ghanh ghét và đố kỵ nhau, dù đồng tính hay không, vẫn phải yêu thương bình đẳng không mảy may mang bất kỳ yếu tố nào của kỳ thị. Anan suy nghĩ như vậy.

Hoà bình có mặt đồng nghĩa với chiến tranh vắng mặt hay đang ngủ yên. Xây dựng hoà bình không phải là đối trị với chiến tranh một cách bạo động mà hoà bình được nở hoa từ những hành vi bất bạo động đem ra tưới mát vạn vật. Kỳ thị người đồng tính hay chuyển đổi giới tính biểu thị tâm đang dằn xé, ích kỷ, hẹp hòi và dĩ nhiên bạo động không phải ít. Điều này có thể đem quán chiếu cho trường hợp của hải tặc Somalie. Anan hiểu rõ vì sao một số người Somalie trở thành hải tặc. Soi xét để hiểu ngay vì sao họ làm như vậy. Chắc chắn họ không muốn thế. Nhìn vào đất nước Somalie, nền kinh tế kiệt quệ, thất nghiệp tràn lan và giáo dục yếu kém. Người trẻ Somalie không có cơ hội tìm việc làm, cái ăn cái mặc còn không đủ nói chi đến trường để học. Bần cùng sanh đạo tặc. Vì gia đình, vì con cái phải đan tâm đi vào con đường cướp biển. Dấn thân vào đường này coi như chết vì làm cướp thì chẳng có gì là đẹp cả. Không ai cảm thấy tự hào khi chấp nhận số kiếp trên biển lênh đênh cùng với chuyến hàng cướp được và số tiền chuộc người. Số tiền này có thể đem về ăn chơi hả hê, nuôi vợ con và tiếp tục sống cho qua ngày đoạn tháng. Trong nước không còn gì cho họ cướp nên đành phải lao ra biển để kiếm chác. Nhưng ngoài biển đâu chỉ được bình yên. Sóng to, gió lớn, tàu chiến các nước đang bủa vây. Làm cướp cũng cơ cực chứ không phải chuyện dễ. Suy nghĩ như vậy để thương cả người hải tặc dù họ cướp đi của cải làm ra bằng mồ hôi nước mắt của người khác. Liên Hiệp Quốc từng kêu gọi thế giới ngăn chặn nạn hải tặc, nhưng ngăn chặn không phải bằng cách huy động tàu chiến, sung sướng khi tàu hải tặc chìm hay bó tay bằng cách trả tiền chuộc. Giải quyết vấn đề hải tặc bằng gốc của nó, đó là từ trong nước. Nếu kinh tế có đủ việc làm, giáo dục được triển khai rộng khắp và việc kiểm soát an ninh xã hội ngay chính bên trong nước Somalie thì tình trạng hải tặc sẽ không xảy ra. Giải quyết bằng cách bắt đi lớp hải tặc này chỉ là phần ngọn. Lớp hải tặc khác sẽ xuất hiện. Và biết đâu cái tên hải tặc Somalie sẽ không còn đơn độc khi tình trạng thất nghiệp gia tăng, kinh tế tiếp tục suy thoái và bệnh tật hoành hành tại Phi Châu, xuất hiện bên cạnh đó là hải tặc của nhiều quốc gia khác nữa, tình hình vận chuyển hàng hóa đường biển ngày càng khó khăn, các hãng bảo hiểm trở nên thận trọng hơn. Sứ mệnh hoà bình đi đôi với phát triển kinh tế. Kinh tế suy thoái, hoà bình khó mà thịnh vượng. Những bất an xã hội phát sinh, bạo động nổi lên, không phải từ bên ngoài mang đến mà chính trong nội bộ của quốc gia.

Nếu hoà bình đồng nghĩa với sự vắng mặt của hải tặc thì nó cũng đồng nghĩa với sự vắng mặt của bệnh tật. Anan tỏ ra quan ngại về tình hình lạm phát và dịch bệnh tại Zimbawe, nơi mà người dân đang phải vật lộn với miếng ăn hàng ngày và những căn bệnh đang chực chờ. Ở Việt Nam, trẻ em đã được dạy về hai câu ca dao dân gian: Ai ơi nhớ lấy câu này, Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan. Người dân Zimbawe đã nghèo lại càng kiệt quệ khi phải cung phụng cho chính phủ của họ. Là người lãnh đạo đất nước do dân bầu lên, hoà bình trước hết phải đem đến cho dân. Dân là gốc, dân nghèo đói bệnh tật, chính phủ cũng nghèo đói và bệnh tật. Mọi việc chính phủ làm là phục vụ cho dân, nếu dân nghèo đói và bệnh tật, chính phủ là người đứng ra chịu nghèo đói và bệnh tật thay cho dân. Nếu dân đói và bệnh rồi chết hết, chính phủ lấy ai mà cai trị, lúc này bản thân chính phủ phải oằn lưng ra mà cày bừa. Làm quan ăn trên ngồi trước, người dân cung kính như mẫu nghi thiên hạ. Bổn phận người làm quan xem dân và thương dân như con trong thời đại phong kiến. Bây giờ phải tiến bộ hơn, người phục vụ dân phải xem dân như cha mẹ. Bất hiếu với dân chẳng khác nào bất hiếu với cha mẹ. Dân nói một đằng mà người phục vụ làm một nẻo thì đứa con phục vụ này hết thuốc chữa. Để cho dân đói, để cho dân bệnh chẳng khác nào hành hạ cha mẹ, người đã sinh thành ra mình. Hoà bình không là gì cao siêu đến mức trừu tượng. Hoà bình đến từ cái ăn cái mặc con người. Khi đủ ăn đủ mặc, sức khoẻ đường hoàng, con người không sa vào những hành vi bạo động, an ninh bảo đảm, hoà bình có mặt. Hoà bình không mang yếu tố dân phải cung phụng bề trên để được yên thân. Thời buổi này không có chế độ phong kiến, vua sai dân chết thì dân phải chết, không có chuyện đó. Nếu quốc gia nào có kiểu hành xử như vậy thật hết chỗ nói, chẳng qua cũng chỉ là phiên bản khác của chế độ phong kiến. Lục địa đen sau bao năm thăng trầm, bây giờ đã có cơ hội bước ra thế giới. Thế giới hãy giang tay đón nhận và hỗ trợ họ tiến bộ. Nỗi khổ của họ cũng là nỗi khổ của bốn châu còn lại. Họ có hạnh phúc, bốn châu còn lại mới có hạnh phúc. Cánh tay của Chúa luôn giang rộng khắp năm châu bốn biển, ôm lấy tất cả, dù da trắng hay da màu. Đức Phật cũng vậy, Người gần gũi với những người cùng đinh nhất và trân quý mạng sống của từng người, từng loài, kể cả cỏ cây cũng không thể nào xem thường.

Trăng đã lên cao, trời đã khuya. Thức đêm mới biết đêm dài. Người có tâm thường hay trăn trở. Anan nguyện suốt đời phụng sự hoà bình thế giới, dù cho sức cùng lực kiệt, dù cho máu có cạn, xương có mòn, ông cũng vì nhân loại mà làm. Không việc làm nào cao quí bằng đóng góp sức lực để chấn hưng nhân loại. Muốn làm được thế, bản thân ông phải có sự tu tập và Phật giáo là tinh thần vững chắc để ông dựa dẫm và tin cậy. Dù cho thế giới đầy rẫy những đen tối, tình trạng khủng bố tràn lan, đói khát bệnh tật khắp nơi, đam mê dục vọng nhan nhản, bạo động căm thù chất đầy, ông vẫn hứa với lòng bản thân giữ cho tâm hoà bình, dễ thương với mọi thứ và hy sinh vì nhân loại. Hạnh phúc đang có mặt trong giây phút này, nó đang có mặt cho ông và nhân loại. Ông muốn ôm hết tất cả, ông chính là họ và họ cũng chính là ông.

TG Minh Thạnh