Tên nhân vật và một số tình tiết được hư cấu

Ngày Thế Giới Ăn Chay – Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại

Tâm bình thế giới bình - Tâm an cảnh sẽ an (Phần 2)

Các ngày thế giới mới

1. Ngày Thế Giới Ăn Chay 1-1

Anan đề nghị sử dụng ngày đầu tiên của năm mới 1-1 làm Ngày Thế Giới Ăn Chay, theo đó ông khuyến khích con người sử dụng các thức ăn nhẹ có nguồn gốc từ ngũ cốc, rau củ và hoa quả. Khá nhiều món ăn chay được chế biến phù hợp với khẩu vị của nhiều người và các vị đầu bếp phục vụ tại Liên Hiệp Quốc đều giỏi cách làm món chay. Nếu có thể, người làm chính trị tập ăn chay nhiều ngày trong tuần hay ăn chay trường, giúp cơ thể an lành và khỏe nhẹ. Các loại rau củ có đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cơ thể, không chỉ tiết kiệm chi tiêu gia đình mà còn góp phần phát triển nông nghiệp.

Ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi và bảo vệ sự sống muôn loài. Một ngày không ăn mặn, toàn thế giới có thể kéo dài sự sống hay cứu sống không biết bao nhiêu sinh mạng động vật. Nhiều tôn giáo đã áp dụng ăn chay dù thời gian ngắn hay dài để nuôi dưỡng tình thương. Thế giới đang kêu gọi bảo tồn sinh mạng cho các loài động vật quí hiếm, chúng cần được bảo vệ và chăm sóc. Tuy nhiên nếu tất cả các loài động vật đều quí hiếm như nhau thì không nên ăn nhiều hoặc thậm chí chấm dứt tình trạng giết hại sinh vật làm thịt phẩm. Theo triết lý luân hồi của nhà Phật, con người làm điều bất thiện tái sanh vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh. Một con vật có thể là người thương của mình tái sanh trong kiếp thú, ăn thịt nó chẳng khác nào ăn thịt người mình thương. Muôn loài đều sợ chết như loài người vì thế hãy tránh xa sự sát sanh. Người Hàn Quốc hãy xem lại việc nuôi chó lấy thịt và người Nhật Bản hãy xem lại việc đánh bắt cá voi. Giảm thiểu các lò sát sinh thì cõi súc sinh an lành, lúc này cõi người mới an lành. Miền Bắc Việt Nam có nơi làm lễ cầu siêu cho các thú cưng được nuôi trong nhà đã mất. Việc này nghe có vẻ buồn cười nhưng thực sự cũng cần thiết vì đó là biểu hiện của tình thương đối với các loài động vật. Nếu như có trai đàn chẩn tế cầu siêu cho các hương linh thì cũng nên có trai đàn chẩn tế cho các vong linh động vật. Bây giờ chúng là động vật, chưa phải là con người nhưng đến lúc nào đó chúng sẽ tái sanh làm người khi đầy đủ nhân duyên. Bảo vệ động vật là bảo vệ chính loài người, trong đó muôn loài sống hoà bình với nhau. Kinh Từ Bi nói rõ các loài từ nhỏ, lớn, thấp, bé, béo, gầy, bình, trung hay loài hữu tình đều phải được bảo vệ. Thật vô lý nếu tụng Kinh Từ Bi mà miệng lại đành lòng ăn thịt. Các phim hoạt hình của Walt Disney đều sử dụng hình tượng các loài động vật để tôn vinh vẻ dễ thương và lối sống hài hòa của muôn thú, đồng thời giáo dục trẻ em bảo vệ chúng, vậy thì là người lớn, ta không có quyền đi ngược lại hay xóa bỏ những điều tươi đẹp đó. Có nhiều loại thịt mà đức Phật cấm ăn vì đời sống của nó rất gần với con người, trong đó có thịt chó, thịt ngựa, thịt mèo và thịt rắn. Dĩ nhiên thịt người hoàn toàn không thể, bởi vì con người không phải là sa tăng hay ma vương.

Trong Kinh Tử Nhục, đức Phật kể lại cặp vợ chồng trẻ vượt biên tỵ nạn đã ăn thịt đứa con của mình khi đi ngang qua một sa mạc không còn thức ăn. Tình trạng thiếu thốn lương thực làm con người ăn thịt động vật và khi thiếu thốn động vật thì lại quay sang chính đồng loại của mình. Trong các loài động vật cho là nhẫn tâm và ác độc nhất, con người đứng hàng đầu. Trong các loài động vật cho là thân thiện và từ bi nhất, con người cũng đứng hàng đầu. Vậy tại sao ta không chọn điều thứ hai? Cặp vợ chồng vừa ăn thịt con vừa đấm ngực chảy nước mắt than khóc, không biết con mình bây giờ ở đâu và có oán trách gì họ không? Ngay cả loài cầm thú còn không ăn thịt con, lấy cả thân mạng hy sinh vì đứa con. Nhìn gà mẹ giang rộng đôi cánh chở che đàn gà con, và lấy hết sức lực xua chúng vào nơi an toàn, tránh khỏi nanh vuốt của diều hâu, dù cho có bị mổ mù mắt hay lông lá rơi lả tả. Vậy mà con người lại ăn ngay chính con ruột của mình cho đành lòng. Chắc chắn cặp vợ chồng đến được nước tỵ nạn vẫn không thể nào hạnh phúc, dù họ tìm đến nơi thái bình hay tự do hơn, họ vẫn đau khổ như thường. Khi ta bị đứt tay hay nhức răng tuy rất nhẹ, nhưng vẫn cảm thấy đau và xuýt xoa cho cái đau của mình. Vậy ta nỡ lòng nào giết hại một sinh mạng để lấy thịt, nói chi đến việc ăn thịt đứa con. Nỗi đau này cặp vợ chồng phải gánh chịu và trả nghiệp không biết bao nhiêu số kiếp. Ăn như thế nào để giữ được chất liệu từ bi trong trái tim. Trái tim có từ bi mới có hành vi hòa bình và thế giới hoà bình. Ăn chay là bài thực tập hoà bình tươi mát nhất. Hàng chục ngàn trẻ em khắp thế giới không có đủ một hạt cơm để ăn, vậy mà cơm gạo được dùng để nuôi gia súc lấy thịt và làm rượu bia. Cái nghịch lý này diễn ra biết bao thế kỷ vẫn không thể thay đổi. Hành động như vậy chẳng khác nào giết hại gián tiếp sinh mạng trẻ em, trẻ em nghèo đói và thất học lâm vào tình trạng trộm cướp và tham gia đội quân đánh bom cảm tử. Nạn khủng bố quốc tế chớ có trách phe phái nào, nhìn lại chính bản thân để thấy mình khủng bố chính mình. Kỹ nghệ nuôi gia súc lấn chiếm kỹ nghệ nuôi cây trồng, đồng nghĩa với việc phá bỏ cây xanh làm chuồng trại. Một cây xanh ngã xuống, biết bao sanh mạng con người bị đe dọa, giết hại thêm nhiều gia súc và động vật, càng nhiều sanh mạng bị giết hại hơn nữa. Con người ngày càng sa vào tội lỗi của giết chóc, đầu óc thấm nhuần tư tưởng chém giết động vật, cho nên tâm bạo động hay tâm chiến tranh không thể trách được. Khi ăn thịt, ta ăn thịt con cháu, ăn thịt đất đai và ăn thịt hành tinh này. Hành tinh này có cái gì là ta ăn hết, ấy vậy ta còn khoe khoang mình đã ăn đến loại thịt kỳ lạ và mới nhất. Bất cứ người nào cũng có khả năng ăn chay và biết bao người vẫn sống khỏe, sống thọ. Xây dựng hoà bình cho Địa Cầu, không chỉ cho con người mà còn cho các loài động vật và màu xanh cây cối. Chỉ cần ăn chay thôi là đã có hoà bình rồi, quốc gia không cần quân đội và thế giới không cần đến Liên Hiệp Quốc. Tiền bạc sử dụng cho quân sự hay hòa bình dùng để bảo vệ đất đai và cây cối, như vậy sẽ tốt hơn nhiều. Địa Cầu sẽ được cứu khi tất cả mọi người có ý thức bảo vệ lẫn nhau và bảo vệ muôn loài. Không thể chỉ có một người thực tập hoà bình mà cả thế giới hoà bình được. Nhiều người quá sợ hãi khi phải ăn chay trong khi việc giết hại sinh mạng thì lại không. Con người thường thích kiểu tôn thờ sai trái và sợ hãi điều không đáng. Âu cũng là tâm địa con người, đã quen thói hung hăng thì sợ hãi điều nhẹ nhàng, giống như có người sợ hãi sự yên tĩnh và chỉ thích ồn ào náo nhiệt. Ăn chay là cách hành xử văn minh, lối sống thân thiện với môi trường và hiếu thảo với đất mẹ. Một đứa con hiếu thảo không có nghĩa đem nhiều tiền bạc về cho cha mẹ mà đứa con hiếu thảo biết chăm sóc chính bản thân nó, không để cho những điều ô nhiễm thâm nhập vào thân và tâm. Mặc dù chưa làm gì cho cha mẹ, chỉ giữ gìn thân tâm trong sáng thôi, đứa con đó đã hiếu thảo lắm. Đứa con biết tổ tiên và cha mẹ đã trao truyền cho mình những hạt giống lành mạnh nên trong đời sống hàng ngày, đứa con chỉ ăn uống những thức ăn thức uống lành mạnh, thân thể kiện khương khỏe khắn, cha mẹ không cần phải lo. Đứa con bất hiếu ăn uống cẩu thả, bệnh tật phải mang, chưa báo hiếu được gì đã khiến cho cha mẹ phải rầu rĩ sầu khổ thêm. Con người chuyên đi hành hạ động vật khác và đồng loại, đồng thời tự hào chinh phục mặt trăng hay sao hỏa, nhưng lại sợ sệt và bó tay trước các loài sinh vật vô cùng nhỏ bé. Hằng hà sa số loại vi trùng tấn công con người ngày đêm không cho họ ăn ngon, không cho họ ngủ yên. Nhiều căn bệnh do vi trùng tấn công chưa tìm ra thuốc chữa là cái nghiệp con người phải trả vì cách sống của họ. Muốn phòng bệnh phải ăn uống đàng hoàng và thực tập lối sống đàng hoàng. Bất sinh bất diệt là bản chất của vạn pháp. Bệnh tật không tự nhiên đến và không tự nhiên đi. Khủng bố không tự nhiên đến và không tự nhiên đi. Khi nhân duyên đầy đủ bệnh tật sẽ không còn và cũng khi nhân duyên đầy đủ bệnh tật sẽ có mặt. Người ăn chay có thể giữ gìn sức khỏe, thanh lọc cơ thể và làm giảm quá trình nóng ấm toàn cầu. Cơ thể chất chứa nhiều thứ cặn bã và dơ dáy nhưng cơ thể cũng chứa đựng nhiều yếu tố thiêng liêng và cao quí. Cơ thể là con thuyền giúp chúng sinh vượt biển. Cơ thể có thể hành động sai trái và hành động đúng đắn. Con thuyền dù gặp nhiều phong ba bão táp nhưng vẫn có thể tấp vào bờ, sóng yên gió lặng. Hãy thanh lọc cơ thể để chuyển hóa cặn bã thành thiêng liêng. Ăn chay là một trong các phương thức thanh lọc cơ thể kỳ diệu nhưng ăn chay chánh niệm còn mầu nhiệm hơn thế. Chánh niệm khi ăn giúp có ý thức gìn giữ hoà bình, trân quý sự có mặt của muôn loài và hằng hà sa số yếu tố tự nhiên góp mặt trong bữa ăn. Ăn với lòng biết ơn và hứa thực tập bảo vệ sự sống muôn loài. (7)

Ăn chay là phương thức sống chậm hiệu quả. Anan sống chậm thấy cuộc sống kéo dài và những gì diễn ra đều được tiếp xúc trọn vẹn. Sống nhanh thấy thời gian trôi nhanh và nhiều lúc nuối tiếc vì thì giờ thấm thoát như tên bay. Anan học cách trồng rau và chế biến món ăn chay. Ông có cả một danh sách dinh dưỡng và vitamin có mặt trong các loại rau củ nào để có thể ăn uống hiệu quả. Nhiều người nói sống chậm như rùa nhưng Anan cho đó là lời khen. Ăn chay là cách sống chậm mang lại nhiều hòa bình cho sự sống. Bằng chứng là các loài rùa thường sống lâu, có khi sống đến hàng ngàn năm. Rùa ấy vậy mà hay.

[3. Nền tảng từ bi và bảo vệ sự sống cho mọi quyết định hoạt động của Liên Hiệp Quốc hay bất kỳ nền chính trị nào]

2. Ngày Thế Giới Thực Tập Nuôi Dưỡng Từ Bi 1-2

Anan không hề ngạc nhiên khi toàn thể Hội đồng thông qua việc lấy ngày 1-2 hàng năm làm Ngày Thế Giới Thực Tập Nuôi Dưỡng Từ Bi. Người làm chính trị nào cũng có khả năng từ bi và thực tập từ bi đâu có nằm đơn thuần trong Phật giáo. Tất cả các tôn giáo đều dạy về từ bi, kể cả người không tôn giáo cũng học theo từ bi. Từ bi đơn giản là tha thứ và thương yêu. Vì thương yêu nên tha thứ và tha thứ để có cơ hội thương yêu. Người ôm ấp thù hận, tìm cách trả thù, sử dụng các biện pháp trả đũa có khả năng thương yêu rất thấp, không xứng đáng làm chính trị nói chi làm Tổng thống hay Thủ tướng. Người biết tha thứ, bao dung, nói không với thù hận, không tìm cách trả thù, không nghĩ chuyện trả đũa, chỉ lo thực tập thương yêu có khả năng từ bi rất cao, xứng đáng làm chính trị và lấy chính trị làm phương tiện xây dựng từ bi. Con người được cấu tạo bởi chất liệu của từ bi. Từ là mang hạnh phúc đến cho người, xem hạnh phúc của người là hạnh phúc của mình, nên hằng mong mỏi kiên trì vì người mà chế tạo hạnh phúc. Bi là tình xót thương nỗi khổ của muôn loài, biết muôn loài đang đau khổ, nên chẳng bao giờ tạo tác hay tiếp tay cho việc tạo ra thêm nỗi khổ nào nữa, đồng thời giúp muôn loài chuyển hóa cái khổ, sống an lạc và hòa bình. Nhà chính trị đã thực tập đức tính này chưa? Nếu chưa thì hãy làm ngay đi thôi, bản thân khi đã có một tấm lòng từ bi làm việc gì cũng thành công dù cho việc khó khăn cách mấy. Con người trở nên vĩ đại khi từ bi chan hoà trong mọi hành vi của mình. Yếu tố vĩ đại không nằm ở việc chiến thắng bao nhiêu kẻ địch hay dẫn nền kinh tế phát triển đến đâu, mà nằm ở chỗ từ bi có cao như núi. Vì từ bi nên thắng kẻ địch không cần binh đao và phát triển kinh tế không cần cứu trợ. Toàn thế giới thực tập từ bi, toàn thế giới thành bồ tát hết, lúc này thế giới là chốn địa đàng, là Tây phương cực lạc, không cần chính phủ, không cần Liên Hiệp Quốc, khái niệm chiến tranh hay hoà bình cũng không còn, bởi vì mọi thứ tự nhiên đã hoà bình rồi.

Tổng thống làm sai thì xin lỗi dân và sửa sai, Thủ tướng làm sai thì sám hối và sửa sai. Cái sai nặng quá thì nên từ chức, nhường chỗ cho người khác làm, như vậy là giúp nước. Sám hối là hình thức công nhận tội lỗi của mình trong đạo Phật giống như hình thức xưng tội trong đạo Chúa. Đó là dịp người làm sai được soi sáng nhận ra cái sai và sửa đổi. Đây không là điều gì phải xấu hổ vì giúp cho mình thay đổi, phát triển và dễ thương hơn. Nguyên thủ quốc gia muốn có cơ hội sám hối nên cho phép mình được người dân đánh giá. Hình thức trưng cầu dân ý khá tốt để biết người dân có đánh giá cao về cách chính phủ cư xử và hành động hay không. Nếu không sửa sai, cái sai có thể bị cho là đúng và cái đúng bị cho là sai. Người dẫn đoàn tàu đi sai sẽ sai đường, và cứ thế sai mãi, đến lúc nào đó chắc chắn hoà bình khó gìn giữ. Sám hối hay xin lỗi chỉ là hình thức, quan trọng là biết sửa sai và đổi mới. Nếu cứ mãi vì sĩ diện ngu ngốc mà sa đà vào cái sai thì chẳng khác nào tự làm hại mình, xã hội vô đạo đức và con người không ra con người nữa.

Sứ mệnh của con người là thương yêu như lòng mẹ thương con, lúc nào cũng bao la cần mẫn, trăm cay ngàn đắng vẫn vui cười, dù cho sanh mạng mất tất cả, tình thương vẫn bao la thiên hạ, từ bi thênh thang như trời xanh. (9) Kinh Từ Bi nói rất rõ thương người như mẹ thương con, suốt đời che chở cho con, chấp nhận mọi trăm cay ngàn đắng, sẵn sàng hy sinh vì con, yêu thương dàn trải khắp chúng sanh, bầu trời cao rộng bao nhiêu tình thương rộng lớn bấy nhiêu. Nhà chính trị thực tập lòng từ bi, khuyến khích muôn dân thực tập từ bi. Vì từ bi, không gây khổ cho dân, nghe dân ca thán biết lắng nghe và giải oan cho họ. Ăn nói khéo léo có chánh niệm giúp hòa giải giữa các dân tộc, dùng tình người mang con người lại với nhau, vì người mà phục vụ. Sinh mạng chẳng là gì cả, không phải của ta cũng chẳng phải của người, nhưng lìa bỏ thân mạng và hy sinh vì hạnh phúc của người thật hay biết bao. Đem thân mạng của mình ra đứng mũi chịu sào trước phong ba bão tố của đất nước, chấp nhận mọi oan nghiệt, chấp nhận mọi đau đớn với lòng thành duy nhất: đồng bào ấm no, đồng bào hạnh phúc, đồng bào vui cười. Tuy nhiên hy sinh phải chính đáng, biết hy sinh cái gì và không nên hy sinh cái gì. Hy sinh vì tình thương con người, giúp người thoát khổ, tìm niềm vui đích thực trong giây phút hiện tại là điều đáng làm, còn hy sinh vì bảo vệ quan điểm, đấu tranh ý thức hệ, tranh cãi các học thuyết thì không đáng, có chăng là sự đối đầu, thù hận và chiến tranh. Bản chất của hy sinh là hạnh phúc và hạnh phúc phải chính đáng, còn nếu không chỉ làm mồi cho tư tưởng tranh quyền đoạt lợi, nhu cầu tiêu thụ và tôn vinh cái tôi giả tạo hay sĩ diện mù quáng.

Chính trị gia hay chính phủ mang tiếng là bạo động hay khủng bố vì họ chưa biết cách thực tập từ bi, không phải không có khả năng từ bi. Hoa Kỳ phải thực tập để thương được Iran, Cuba, Triều Tiên, Venezuela, Osama Bin Laden hay Sadam Hussein, và ngược lại. Ngày 1-2 đem ra rủ rê các nước cùng nhau nói lời yêu thương, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Việc Iran phóng vệ tinh lên quỹ đạo hay xây dựng nhà máy điện hạt nhân là quyền của họ nếu như họ nhận thấy việc làm này mang lại hòa bình và lợi ích cho nhân dân, Hoa Kỳ có thể lên tiếng nhưng cần hiểu rằng nếu họ sử dụng sai mục đích, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ không làm ngơ. Cấm vận Cuba nên xóa bỏ, người dân Cuba có quyền hưởng lợi từ việc trao đổi mua bán giữa các quốc gia. Việc xóa bỏ này không đồng nghĩa Hoa Kỳ và đồng minh nhượng bộ với chính quyền Cuba mà là tạo điều kiện cho trẻ em Cuba có đầy đủ thuốc men, lương thực hay người dân có công ăn việc làm nuôi sống gia đình của họ. Làm bạn với Triều Tiên cũng tốt, Hoa Kỳ không có gì phải ngại ngùng hay đòi hỏi về điều kiện. Tính từ bi của một chính quyền không bao hàm sự phân biệt chính quyền khác có phải đồng minh hay không đồng minh với mình. Từ bi thúc giục chính quyền làm bạn với tất cả các nước. Nước khác có thể có định kiến không giống mình nhưng lịch sử sẽ trả lời tất cả, cái đúng sẽ được đền đáp và cái sai sẽ bị tẩy trừ. Nếu đấu tranh để kiến tạo hòa bình thực sự thì nên làm, còn đấu tranh khiến cho tình hình thêm căng thẳng và thù hận dâng cao, mọi người cần bàn lại cách đấu tranh của mình. Hoa Kỳ và Venezuela cứ mãi chỉ trích qua lại, hết đuổi đại sứ đến dùng lời lẽ hăm dọa, làm vậy có ích gì. Nếu giỏi, hãy chứng minh việc biết lo cho dân, hy sinh vì dân và đem hòa bình cho dân. Lời nói chỉ trích nhau chỉ làm hiểu lầm thêm, kết quả là chưa vấn đề gì được giải quyết mà mâu thuẫn càng chất chồng. Người làm cho các quốc gia đối đầu nhau tội nặng như gây ra chiến tranh hay diệt chủng. Trách nhiệm của nguyên thủ quốc gia và nội các của họ là thực tập từ bi, mà từ bi thì không gây nên sự căng thẳng khu vực hay gây lo sợ cho người khác. Nếu Hoa Kỳ biết Osama BinLaden hay Sadam Hussein có những hành vi được Hoa Kỳ cho là gây phương hại đến an ninh của mình thì phải suy nghĩ vì sao họ có hành động như vậy. Tất cả hành động gây hấn bắt nguồn từ ganh tỵ, sợ hãi, bực tức, âu lo, thèm khát hay hận thù. Nếu giết chết Osama Binladen hay Sadam Hussein, Hoa Kỳ có giết được ganh tỵ, sợ hãi, bực tức, âu lo, thèm khát và hận thù không. Hay là sau đó hận thù tiếp tục dâng cao, các kế hoạch và ngân sách chống khủng bố tiếp tục kéo dài, vòng lẩn quẩn không bao giờ dứt được. Lòng từ bi của Chúa tha thứ và cầu nguyện ngay cho kẻ đã đóng đinh mình lên Thập Tự Giá. Đức Phật tha thứ ngay cho Đề Bà Đạt Đa, người muốn làm hại và ám sát mình. Còn ta, từ bi có đầy nhưng chẳng chịu thực tập, chẳng biết tha thứ. Ai nói động tới, ai làm giảm giá trị của mình hay có hành vi bạo động, thì nhảy dựng lên, phát động chiến tranh, đánh chỗ này, sát hại chỗ kia, chả trách bản thân chẳng bao giờ thành Chúa, chẳng bao giờ thành Phật. Năng lượng từ bi giúp ta thương được người mình thương, người không thương mình và người mình cho là kẻ thù. Khi từ bi bùng nổ, cái gọi là người không thương mình hay kẻ thù đều không còn, tất cả đều là người đáng được  mình thương. Nếu Osama Binladen cho người khủng bố Hoa Kỳ và bị gán tội sát nhân thì việc đem quân tiêu diệt trở lại ta giống y chang Osama, cũng là kẻ sát nhân thôi. Nếu biết tha thứ và thương được cả người giết hại mình, mình chẳng hề yếm thế và hèn nhát gì cả mà mình thật sự to lớn và vĩ đại. Đức Chúa và đức Phật được ca ngợi và tôn kính vì sự to lớn và vĩ đại ấy. Con ta, ta chẳng được như thế vì ta quá hung hăng và thích được sát phạt lẫn nhau. Mọi hành vi sử dụng bạo lực bảo vệ đất nước chỉ là nguỵ biện cho tính hung hăng của mình.

Lửa hận thù dập tắt bằng cơn mưa từ bi. Chỉ có từ bi có thể biến khủng bố thành Chúa hay Phật. Kinh Diệt Trừ Phiền Giận giải thích rõ năm phương pháp làm thế nào để thương được người làm ta giận. Nhà chính trị nên thực tập kinh này để thấy tất cả mọi người đều dễ thương. George Bush làm theo kinh này có thể thương được Osama Bin Laden và Osama Bin Laden có thể thương được nước Mỹ. Thứ nhất, nếu một người có hành động không dễ thương mà lời nói dễ thương, kẻ trí sinh tâm phiền giận thì nên quán chiếu trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ hai, nếu một người lời nói không dễ thương nhưng hành động dễ thương, kẻ trí sinh tâm phiền giận thì nên quán chiếu trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ ba, nếu một người lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương nhưng trong tâm còn chút dễ thương, kẻ trí sinh tâm phiền giận thì nên quán chiếu trừ bỏ phiền giận ấy đi. Thứ tư, nếu một người lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương và tâm cũng chẳng còn chút gì gọi là dễ thương, kẻ trí sinh tâm phiền giận thì nên quán chiếu trừ bỏ phiền giận ấy đi. Thứ năm, nếu một người lời nói dễ thương, hành động dễ thương và tâm cũng rất dễ thương, kẻ trí sinh tâm phiền giận thì nên quán chiếu để diệt trừ phiền giận ấy đi. (8) Lại nữa, một người chửi mắng mình, người này rất dễ thương vì chưa đánh mình. Một người đánh mình, người này vẫn dễ thương vì chưa cầm dao chém mình. Một người cầm dao chém mình, người này vẫn còn dễ thương vì chưa giết chết mình. Một người giết chết mình, người này hãy vẫn dễ thương vì cho mình cơ hội được chết để người khác được sống. Thực tập từ bi bằng tha thứ đến tận cùng của cái chết để thấy mình thực sự sống và trân quý sự sống. Hy sinh không có nghĩa là bạt mạng mà là trân quý sự sống. Làm cho thế giới hoà bình bằng cách thực tập từ bi nơi chính bản thân. Các thế lực chính trị gia cho là đen tối hay khủng bố có mặt để thử thách quí vị, xem xem quí vị có thực tập từ bi nổi không, nếu không quí vị giúp họ thêm thỏa mãn và khoái chí, nếu làm được, quí vị thật giỏi, các thế lực đó sẽ tự nhiên suy yếu, kiệt quệ và giải tán. (9)

[3. Nền tảng từ bi và bảo vệ sự sống cho mọi quyết định hoạt động của Liên Hiệp Quốc hay bất kỳ nền chính trị nào]

3. Ngày Thế Giới Trồng Cây 1-3 và 16-7

Thế giới đã lấy ngày 16-7 làm Ngày Trồng Cây Thế Giới nhưng Anan thấy như vậy vẫn chưa đủ, ông đề nghị lấy thêm ngày 1-3 làm Ngày Thế Giới Trồng Cây. Vào hai ngày này, các đại sứ cùng nhân viên Liên Hiệp Quốc khắp nơi trên thế giới chỉ làm mỗi một việc là chăm sóc cho cây cối đã có sẵn và trồng mới các loại cây tốt cho môi trường. Trồng cây là làm phúc và cây mang phước đến cho nhân loại. Có những cây sống dài hơn tuổi thọ con người rất nhiều và giúp đời không biết bao nhiêu mà kể. Các khu rừng sinh thái thanh lọc môi trường, nuôi dưỡng các loài sinh vật, ngăn chặn lũ lụt, cản đường đi của bão tố và mang hơi thở trong lành cho nhân loại. Môi trường trở thành đối tác không thể thiếu với đời sống kinh doanh và đời sống chính trị. Qua quá trình quang hợp trao đổi diệp lục tố, cây xanh thải ra oxy cần thiết, làm sạch khí độc và thoát ra hơi nước giúp không khí tươi mát trong lành. Nhà chính trị cũng là con người nên cần đến không khí để thở. Nếu người mẹ cho sự sống thì cây xanh nuôi dưỡng sự sống. Nhà chính trị sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình bảo vệ sự sống bắt đầu từ môi trường. Dù thành phố hay thôn quê, cây xanh cần thay thế các toà nhà chọc trời và biến các toà nhà thành nơi làm việc sinh thái. Quyết định phá rừng làm đường, sân golf hay xây dựng đô thị cần cân nhắc thật kỹ vì chỉ cần một cây xanh khoảng mười năm tuổi bị đốn ngã, không biết bao nhiêu sinh vật và con người bị ảnh hưởng. Phát triển kinh tế  tàn hại cây xanh thì không nên phát triển làm gì. Chiến tranh ở một khu vực và ném bom xuống mảnh rừng ảnh hưởng đến môi sinh toàn thế giới. Hoa Kỳ nếu giúp Việt Nam tẩy sạch chất độc da cam là giúp chính Hoa Kỳ và thế giới. Cháy rừng đầu năm 2009 tại nước Úc tác động đến môi sinh của toàn cầu, không phải của một mình nước Úc. Hãy xem băng tan ở Bắc cực, các nước gần xích đạo bị ngập lụt nhiều hơn. Điều này cho thấy môi trường ô nhiễm của một khu vực không chỉ khu vực đó gánh chịu mà cả thế giới cũng gánh chịu. Việt Nam khai thái bauxite tại Tây Nguyên nếu có thảm họa về môi trường đâu phải chỉ có Việt Nam mà cả Đông Dương và Châu Á phải oằn lưng. Tinh thần Phật giáo nói rõ bảo vệ con người và sinh vật phải bảo vệ môi trường mà họ sinh sống bởi vì môi trường tác động rất lớn đến sức khoẻ, trí tuệ và sự sống muôn loài. Tàn hại môi trường là giết chết muôn loài, không cho muôn loài cơ hội và điều kiện sống nữa. Nhà chính trị khi đi nghỉ, chẳng bao giờ muốn chọn nên ồn ào, thiên nhiên ô nhiễm và thiếu thốn không khí trong sạch mà thường hay đến nơi có nhiều cây xanh, mát mẻ và trong lành. Con người thích sống ở nơi như vậy thì cần biết xây dựng và bảo tồn nó. Nếu mọi nơi tràn ngập màu xanh thì khỏi cần đi nghỉ mát, ở đâu cũng là nhà. Các nơi làm việc của chính phủ tràn ngập cây xanh, là điều kiện thoải mái giúp viên chức thực tập lời nói chánh niệm, lắng nghe nhiều hơn và phục vụ người dân hết lòng. Chính phủ Singapore đã biến quốc gia bé nhỏ của mình tràn ngập màu xanh và chính quyền Vancouver ở Canada đã biết lợi dụng màu xanh tô điểm thành phố, họ thực sự biết lo cho dân bằng những hành động cụ thể. (10)

Diện tích cây xanh giảm đi cùng với các hoạt động khai thác tài nguyên là một trong các nguyên nhân gây nêu hiệu ứng nhà kính hay nóng ấm toàn cầu. Nhà chính trị thường cho việc khai thác tài nguyên hay gia tăng sản xuất để phát triển kinh tế và gần đây là phục hồi kinh tế, nhưng thực ra lại làm môi trường thêm ô nhiễm, nhiệt độ Địa Cầu gia tăng, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho thế hệ loài người hiện tại và tương lai. Các tài nguyên rất vô giá nhưng không phải là vô hạn. Sống phải chết và xài phải hết. Dầu lửa khai thác mãi cũng sẽ không còn, bauxite khai thác cũng sẽ xong, than đá mang từ lòng đất lên cũng sẽ cạn kiệt… Vậy đến lúc nào đó không còn không khí trong lành, loài người sẽ ra sao? Nhà chính trị xây dựng các ý thức hệ khác nhau và theo đuổi chúng nhưng điểm chung giữa các học phái chính trị không chịu nhìn cho ra: ai cũng phải hít thở. Nếu hít thở không khí ô nhiễm và bệnh tật, không ai dành thời gian đi tranh cãi học thuyết mà hợp tác với nhau làm sạch môi trường. Khi lá phổi của sự sống không còn, con người nằm thoi thóp, không còn sức để đi vệ sinh nói chi đến tranh cãi. Học thuyết kia không còn quan trọng nữa, không khí trong lành quan trọng hơn. Nhiệt độ tăng lên kéo theo nước biển dâng. Nhiều khu vực đất liền có thể chìm xuống biển, con người và sinh vật chạy đi đâu khi không còn đất để sống. Bộ phim Thế Giới Nước có thể sẽ thành sự thật nếu khắp nơi bao phủ bởi nước biển. Có nơi nằm sâu trong đất liền từ chối tiếp nhận người dân ở các quốc gia bị chìm xuống biển. Lời từ chối thật tệ hại vì nước biển chưa dâng bao nhiêu mà đã như vậy, nếu như nước biển dâng cao hơn con người sẽ chém giết nhau dành đất sống diễn ra ghê gớm như thế nào. Không cần phải có chiến tranh thế giới thứ ba, nước biển dâng đã là chiến tranh thế giới thứ ba rồi. Nếu quốc gia có nhiều đất liền thu nạp và cưu mang người dân ở quốc gia khác bị chìm thì quốc gia đó phước báu rất lớn, có khi góp phần làm giảm sự nóng ấm toàn cầu, còn như từ chối, tức là gây ra thảm hoạ nhân đạo, không những nhiệt độ Địa Cầu càng tăng mà nước biển cũng không tha bất kỳ ai. Tất cả tai họa này không phải do nhiệt độ, khí quyển hay nước biển dâng, mà là do con người tạo ra, con người sinh sống thế nào, kinh doanh thế nào, làm chính trị thế nào mà có hiện tượng như vậy xảy ra. Đừng có trách ai mà hãy tự trách mình và cũng đừng có mất thì giờ trách mình mà hãy tìm cách khôi phục lại. Biết sai thì sửa sai, biết sai không sửa chẳng khác nào có tội. Tội này là tội diệt chủng, tội diệt chủng không chỉ đơn thuần là sát hại con người mà còn sát hại môi trường. Bất cứ tổ chức kinh tế hay tổ chức chính trị có những dự án và quyết định có thể làm tàn hại môi trường hay bầu khí quyển đều tương đương với tội diệt chủng. Con người không thể đối kháng với thiên nhiên vì bằng chứng cho thấy con người chỉ có thể chạy trốn thiên tai chứ chưa thể điều khiển thiên tai. Khoa học đã chứng minh thiên nhiên đã trong tình trạng đối kháng và càng làm chủ con người. Vì vậy, con người phải chủ động hòa giải với thiên nhiên bằng các biện pháp tích cực như ăn chay, trồng cây, giảm khí thải, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường… Các thể chế chính trị thôi chỉ trích nhau mà hãy đoàn kết nhau. Toàn thể nhân loại nắm tay xây dựng màu xanh và khí hậu ôn hòa. Việc môi trường toàn cầu thay đổi và nhiệt độ tăng dần là hình thức cộng nghiệp, theo đó quả xấu do nhân xấu mang lại. Nếu bây giờ tạo nhân tốt thì quả tốt sẽ được gặt hái. Từ ái với thiên nhiên là lương tâm của loài người, lương tâm còn và lòng từ ái vẫn còn. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể làm nhiều người thất nghiệp nhưng việc khai thác thiên nhiên có thể giảm xuống, âu cũng là cái giá phải trả khi nhân loại tiêu thụ và hưởng thụ quá mức. Thành quả kinh tế không bao giờ là thành tích của bất kỳ chính phủ nào hay kế hoạch kinh tế nào mang lại. Tất cả thành quả kinh tế đều do thiên nhiên tạo nên. Nếu một mai thiên nhiên không còn, chính phủ sẽ thất nghiệp và các kế hoạch kinh tế kia trở nên vô dụng. Trong trường học và các trường đại học, học sinh và sinh viên được giảng dạy về khoa học hay cách làm giàu quá nhiều nhưng bảo vệ môi trường quá ít. Điều mà các nhà khoa học tự hào về phát triển công nghệ vượt bậc của thế kỷ này so với thế kỷ trước chẳng có gì đáng giá nếu công nghệ đó không có khả năng tái tạo thiên nhiên hay giữ vững môi trường sống.

Liên Hiệp Quốc với sự hậu thuẫn của các tôn giáo đưa ra chương trình toàn cầu về việc giảm tiêu thụ, và chỉ tiêu thụ các sản phẩm cần thiết hay sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này nghe có vẻ đi ngược lại với các biện pháp kích cầu của các chính phủ khi quốc gia của họ đang trong cơn suy thoái kinh tế.  Nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ, tiêu thụ càng nhiều, môi trường càng khai thác và đến khi không còn gì khai thác nữa, nền kinh tế chắc chắn quay trở lại tình trạng suy thoái. Xây dựng các mô hình sán xuất và thiết kế những sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường phục vụ nhu cầu đích thực cho việc bảo toàn sự sống hơn là phục vụ cho các tiện nghi và hưởng thụ. Nhà chính trị phụ trách kinh tế hoạch định chính sách phát triển theo phương thức của kinh tế sinh thái học, tức là lấy cấu trúc sinh thái làm nền tảng cơ bản để xây dựng phương án. Thành quả của nền kinh tế không phải tạo ra của cải vật chất mới lạ mà là đảm bảo sự sống con người và muôn loài bằng các chỉ số sinh thái. Hạnh phúc không đo lường bằng việc tiêu thụ mà với tiêu thụ trong sạch, con người có thể sống còn để tu tập và thương yêu. Câu nói sống không phải để ăn hiểu rộng ra là sống không phải để tiêu thụ. Nền kinh tế phục vụ tiêu thụ vì thế sẽ xa rời sự sống. Nền kinh tế phục vụ sự sống còn của muôn loài, tức là sinh vật và thiên nhiên gắn kết chặt chẽ với sự sống. Chủ nghĩa tiêu thụ không hề phục vụ nhân loại mà ngược lại, nhân loại làm nô lệ cho nó và đau khổ khi nó trở nên khủng hoảng. Kinh tế khủng hoảng thực chất là con người khủng hoảng, khủng hoảng vì không thỏa mãn được ước nguyện tiêu thụ của mình. Con người từ lâu hay có thể nói hiển nhiên là một yếu tố của môi trường, vì thế chính phủ biết lo cho dân sẽ biết chăm sóc môi trường, từ chối các dự án khai thác vô tội vạ và tìm cách phát triển kinh tế sinh thái. Con người khi chết trở về cát bụi, hoà tan vào đất và có thể là phân bón nuôi sống cây. Trồng và chăm sóc cây giúp môi trường thở và tiếp xúc với Niết Bàn. Môi trường trong sạch và tươi mát chính là Niết Bàn, môi trường ô nhiễm sẽ trở thành địa ngục. Niết Bàn và địa ngục không nằm ở cõi nào hay thế giới nào xa lắc, tất cả đều ngay ở Địa Cầu này. Trồng cây là hình thức bảo vệ tiện nghi cho môi trường, cung cấp cho môi trường cơ hội trở nên thân thiện và quay về sự tươi mát vốn có thuở ban đầu của nó. Giúp cho môi trường trẻ lại là trách nhiệm không của riêng ai, người cầm cương một quốc gia không được quên điều đó, không thể vì chiều chuộng một thế lực, một nhu cầu, một địa vị mà đi ngược lại tiếng nói của môi trường. Lắng nghe cây cối nói chuyện, người khô khan cách mấy vẫn có thể hiểu được.

[3. Nền tảng từ bi và bảo vệ sự sống cho mọi quyết định hoạt động của Liên Hiệp Quốc hay bất kỳ nền chính trị nào].

4. Ngày Thế Giới Ngồi Thiền 2-5

Với kiến nghị của giáo hội Phật giáo các nước và cả Thiên Chúa giáo, Anan cùng Hội đồng Bảo an thông qua việc lấy ngày 2-5 hàng năm làm Ngày Thế Giới Ngồi Thiền. Theo đó tất cả mọi người già, trẻ, lớn, bé từ khắp thế giới không phân biệt tôn giáo, màu da, sắc tộc, tiếng nói, ý thức hệ… từ tờ mờ sáng đến ngôi chùa của mình, giáo đường hay những nơi có thể tập trung đông người để cùng ngồi thiền và cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc là nơi đầu tiên đem hương vị thiền vào trong các giờ làm việc. Vào ngày này, từ người gác cổng đến vị đại sứ, từ chị lao công đến ngài Tổng thư ký đều sẽ tập đi thiền hành, ngồi thiền, thiền nằm, thiền trị liệu, thiền tha thứ, thiền ăn cơm, thiền lắng nghe, thiền ái ngữ, thiền trà, thiền làm việc… Nói chung từ sáng tới chiều đều thực tập thiền hết. Sau đó các cơ quan chính phủ, nguyên thủ quốc gia, nội các, trường học, bệnh viện, cảnh sát, tù nhân,… thực tập thiền ngay tại cơ quan của mình. Ở mỗi gia đình, cha mẹ, anh em, con cái, bạn bè, đồng nghiệp cùng nhau ngồi thiền. Trong một ngày, mọi tiếng động đều tắt ngấm. Công việc duy nhất phải làm là theo dõi hơi thở, lắng dịu thân tâm và thực tập lắng nghe bản thân. Tất cả quảng trường các quốc gia nơi thường xuyên tổ chức lễ hội hay nguyên thủ đọc diễn văn đều được tận dụng làm nơi tọa thiền. Không khí thiền tràn ngập bốn phương tám hướng, hạnh phúc bàng bạc trong không gian, hoà bình ngự trị trên Địa Cầu dù chỉ một ngày nhưng nó sẽ có tính cộng hưởng cao.

Bảo vệ hoà bình của quốc gia, trước hết bảo vệ chính ta. Người làm chính trị ngồi thiền chẳng có gì phải xấu hổ mà đó là hành vi của một người rất thông minh, biết bảo vệ bản thân và biết gìn giữ hoà bình. Thiền chuyển hóa mọi tư tưởng bạo động thành ra bất bạo động và đem áp dụng vào đời sống chính trị thấm nhuần từ bi và tình thương dàn trải khắp chúng sinh. Anan nhờ ngồi thiền mà ông biết chỉ có bất bạo động mới giải quyết được mọi thứ vì bạo động chỉ được đáp trả bằng bạo động mà thôi. Tâm hồn có bình an sẽ làm mọi việc bình an: thức dậy bình an, làm chính trị bình an, giải quyết vấn đề bình an… Liên Hiệp Quốc là nơi đem bình an đến cho mọi người thì không có lí do gì không biết cách thực tập bình an và thiền làm việc là cách đem bình an vào mọi ngõ ngách của đời sống chính trị. Chiến tranh, tù binh, hận thù, tàn sát lẫn nhau xảy ra khắp nơi. Con người dễ đánh mất lòng từ bi với chúng sinh khi trong lòng cứ mãi ôm ấp thù hận và quyết phục thù. Nhưng có ngờ đâu cách phục thù hay nhất là xoá bỏ thù hận bằng lòng từ bi chân thật. Trong những lúc gian nan nguy hiểm, con người vẫn mỉm cười, đứng bật dậy giang rộng đôi cánh tay ôm hết tất cả chúng sinh. Nhà chính trị hãy thực tập tình thương to lớn như thế. Tình thương không gói ghém trong một đảng phái chính trị, một quốc gia, một dân tộc mà tình thương đó dàn trải hết nhân loại, đem sức mạnh của từ bi để chuyển hóa mọi bạo động trên thế gian. Làm chính trị có từ bi sẽ không tham nhũng, không hối lộ, không che dấu sự thật và dùng quyền lực của mình thực tập từ bi. Hành thiền kêu gọi tình thương sống dậy trong tự thân của nhà chính trị. Đây là lúc họ chăm sóc thân tâm bấy lâu mệt mỏi vì các quyền lợi chính trị, có dịp nhìn lại mình, xem xem mình có đáng phải chạy theo những quyền lợi kia không và nhận ra nhiệm vụ của người làm chính trị là ban phát quyền lợi cho kẻ khác, không phải thu tóm quyền lợi về mình. Việt Nam nhiều lúc phân vân không biết nên chơi với Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Phân vân chi cho mất công. Chơi với cả hai nước không cần phân biệt ai với ai. Vấn đề là làm sao giữ được hoà bình và tình nghĩa nhân loại với cả hai quốc gia. Đồng minh hay không đồng minh không quan trọng, điều quan trọng là dù xa hay gần đều là bạn, đều có thể xây dựng tình huynh đệ, dư dả hay khó khăn cũng nên trân quý hoà bình của nhau. Thiền huấn luyện chính trị gia các yếu tố tích cực và chuyển hóa các yếu tố tiêu cực. Khi bạo động trong nước xảy ra, chỉ cần vài phút ngồi thiền để quán chiếu cái gọi là bạo động kia, thiền giả biết được trong yếu tố bạo động có yếu tố bất bạo động. Sử dụng bất bạo động giải quyết cái bạo động mang lại hoà bình ngay trong thời khắc bạo động đó. (11)

Chăm sóc hơi thở để phụng sự hoà bình. Trước cuộc họp chính phủ hay quốc hội liên bang, các nhà chính trị ngồi lại với nhau cùng thiền tập. Mọi khổ đau, giận dữ và thù hận chẳng ai mang đến cho mình, chính mình khơi gợi các hạt giống đó lên rồi đổ thừa bên này hay bên kia. Nguyên nhân chủ yếu là do tham lam vô biên và sân hận khủng khiếp. Ngồi thiền sẽ làm lắng dịu cái cho là tham lam và sân hận rồi chế tác hạt giống buông bỏ và tha thứ. Mahatma Ghandi, người đề cao hành vi và tư tưởng bất bạo động, sống một cuộc sống khiêm nhường đến mức tối thiểu nhưng luôn được người đời ca tụng vì thái độ hoà nhã và không biết bao nhiêu nhà chính trị noi theo. Những người sử dụng bạo động để thống trị con người đều không có kết quả tốt đẹp. Lịch sử nhân loại lấy đó làm sự chê cười và nhạo báng. Nhẫn nhục là đức tính tối cao nhà chính trị cần thực tập cho được. Người có khả năng nhẫn nhục mỉm cười trước mọi hành vi gây hấn, khích bác, chê bai và bạo động. Vụ đụng độ tàu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tháng 3 năm 2009 là một minh chứng cho thấy cả hai nước đều cần phải ngồi thiền vì khả năng nhẫn nhục còn yếu kém. Hoa Kỳ nhanh chóng đưa tàu chiến đến biển Đông và Trung Quốc cũng so tài bằng cách đem tàu tuần tra lớn nhất đến diễu hành. Điều này chẳng qua muốn chứng minh sức mạnh quân sự hay sĩ diện quốc gia trước cái gọi là đe doạ an ninh khu vực biển. Nhẫn nhục không phải là chịu đựng cho người ta sỉ nhục mà trước hết nhẫn nhục là phát khởi tình thương với người gây hấn hay làm hại mình. Người đó đang trong tình trạng sợ hãi, đau khổ và tự mãn nên có lời nói và hành động khiêu khích với mình. Nếu nhìn thấy điều đó, mình không khiêu khích trở lại vì nếu không mình cũng sẽ là người đang sợ hãi, đau khổ và tự mãn giống y chang như vậy. Thiền tập giúp cho các vị chủ tịch và tổng thống biết thế nào là nhẫn nhục bởi vì thiền tập mang tính nhẫn nhục. Lúc này, mọi thứ thấy được đều là trò trẻ con nhưng nếu không biết thực tập, trẻ con sẽ gây tai họa và người lớn phải trả giá.

Ngồi thiền còn giúp giảm sự nóng ấm toàn cầu. Sự thật là như vậy. Ngồi thiền, mọi nhu cầu tiêu thụ đều giảm. Tự thân của thiền giả toát ra năng lượng dễ chịu và làm cho năng lượng toàn cầu cũng trở nên dễ chịu. Những người ăn nói nóng nảy, chất chứa đầy bạo động cũng toả ra năng lượng bực bội khó chịu làm cho nhiệt độ Địa Cầu khó chịu theo. Việc Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố tăng cường vũ trang quân sự cho nước mình chứng minh ông đang tỏa ra một thứ năng lượng cực nóng và năng lượng này góp phần làm Địa Cầu nóng lên. Nhà chính trị thử đến những tu viện nơi mọi người đang tọa thiền, nói thiền, nghe thiền, làm việc thiền… Tất cả tu sĩ đều tỏa ra năng lượng dễ thương và vì thế không gian xung quanh đều dễ thương, nhiệt độ khu vực họ sống cũng trở nên dễ thương như vậy. Cho dù các tu viện đó tọa lạc ở nơi khí hậu nóng bức, con người vẫn hưởng được năng lượng mát mẻ và chính họ làm cho nhiệt độ Địa Cầu giảm trở lại. Vậy thì đâu cần phải tìm kiếm các biện pháp xa xôi cho việc làm chậm lại quá trình hâm nóng toàn cầu. Chỉ cần ngồi thiền thôi, nhiệt độ chắc chắn sẽ giảm. Chính tấm lòng bao dung và cởi mở giữa các quốc gia, dân tộc và con người tạo ra thứ năng lượng ngọt ngào như dòng nước tưới mát khắp Địa Cầu. Không nhất thiết phải tốn tiền nghiên cứu khoa học để xử lý nhiệt độ, với công việc theo dõi hơi thở, thực tập từ bi, ăn chay trong chánh niệm và bảo vệ sự sống muôn loài, con người đã có thể thừa hưởng được bản chất mát mẻ của Địa Cầu.

5. Ngày Thế Giới Thực Tập Chuyển Hoá Khổ Đau 2-6

2-6, Ngày Thế Giới Thực Tập Chuyển Hoá Khổ Đau. Con người có đem khổ đau vào cõi chết hay muôn kiếp cứ phải chịu như vậy? Đời là bể khổ nhưng đời vẫn có thể là Niết Bàn hay Thiên Quốc nếu biết chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc đích thực. Anan tiếp xúc với khổ đau nhưng không phải do bản thân ông phát xuất ra mà vì chứng kiến quá nhiều khổ đau và với cương vị của mình, bắt buộc ông phải hoà tan vào chúng, ông mới thấm thía được nỗi khổ của con người. Nghèo khổ, bệnh khổ, chiến tranh khổ, ô nhiễm khổ, tệ nạn xã hội khổ, ma tuý khổ, cướp bóc khổ… và hằng hà sa số các yếu tố khổ khác. Chuyển hóa khổ đau không có nghĩa đơn thuần là biến nghèo thành giàu, bệnh thành khỏe, ô nhiễm thành trong sạch… mà nó còn có nghĩa sống an lạc với cái khổ, tìm hiểu nguyên nhân của khổ, chấp nhận và thay đổi nó. Quán chiếu nỗi khổ một cách sâu sắc sẽ thấy được con người dính mắc và làm nô lệ cho những đòi hỏi cũng như quyền lợi. Mong muốn bao nhiêu không đạt thì đau khổ bấy nhiêu. Một cặp vợ chồng không có con cái với mong mỏi có một đứa con nhưng không được sẽ đau khổ vô cùng và ông chồng bắt đầu đi lăng nhăng, cả ông chồng và người vợ đều khổ. Nếu từ bỏ mong mỏi đó đi, hai vợ chồng sẽ hạnh phúc nhường nào. Có thể xin con nuôi hoặc đến với khoa học  tìm cách thụ tinh nhân tạo. Người có tình thương thực sự là người có khả năng nếm trải khổ đau nhiều. Người chỉ sống trong sự suôn sẻ, ít có vấn đề, ít có khổ đau chưa chắc biết yêu thương thực sự. Xoá bỏ những ham muốn, những bức tường ngăn cách và phân biệt, con người sẽ không còn khổ đau nữa. Chiến tranh gieo rắc khổ đau khắp nơi cũng bởi các rào cản, nó ngăn không cho con người đến gần nhau dù chung một quả Địa Cầu nhưng mãi vẫn không nhìn mặt nhau. Chuyển hoá khổ đau để không còn cảm thấy nhỏ bé, lạc lõng, bơ vơ, yếu đuối, tuyệt vọng hay bị bức bách. Khổ đau không thực sự có và cũng không thực sự không. Trong bóng đêm vẫn có hạnh phúc như phiền não tức bồ đề.  Không có khổ đau nào kéo dài mãi và khi thực sự có tình thương, dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến mấy vẫn hạnh phúc và tràn trề niềm tin. (12)

Tình thương có được nhờ biết trải qua những khổ đau. Giống như người vợ ghen chồng, có thương mới ghen, nếu không chẳng ghen làm gì. Người nói chẳng bao giờ biết khổ đau là giả dối. Ai cũng phải trải qua cái khổ, ai cũng phải trải qua cái đau. Liên Hiệp Quốc chắc chắn biết rõ nơi nào trên Địa Cầu này còn khổ đau và dĩ nhiên chẳng có nơi nào hoàn toàn chấm dứt khổ đau. Nơi này khổ đau ít nơi kia khổ đau nhiều và những nỗi khổ chồng chất lên nhau. Nhưng ngồi than van cho cái khổ của mình thì có ích gì nếu không biết chuyển hoá chúng. Cả thế giới thực tập chuyển hóa khổ đau, khổ đau sẽ không còn nữa và nếu có chúng được hóa giải nhanh chóng. Sóng gió cuộc đời có thể mạnh hay nhẹ nhưng với tình thương vô biên, sóng thần hay bão tố cũng phải chùn bước nhường chỗ cho sóng yên biển lặng. Ý chí và niềm tin khiến con người vượt qua những đau đớn tột cùng. Chánh niệm đưa con người sống hoàn toàn trong hiện tại, không bao giờ để đau khổ của quá khứ và tương lai giày vò. Nếu có đau khổ trong hiện tại, ngay lập tức nó được nhân diện và chuyển hóa. Con người có quá nhiều luyến ái và đam mê, thế giới này ca ngợi chúng như chân lý vĩnh hằng, dĩ nhiên đằng sau đó là những cái khổ mênh mông. Buông bỏ tất cả, cái khổ tan biến, bình yên thênh thang. Thực sự cái khổ không hề hiện hữu vì làm gì có thể nắm được, nên nói như vậy có nghĩa cái khổ tan biến rồi. Mọi người thường nghĩ niềm vui hay nỗi buồn do người khác mang tới nhưng đâu biết chúng thực sự do mình chế tác ra rồi đổ lỗi cho người này người kia. Khi khổ đau có mặt, con người thật sự trân quý tình thương và thực tập yêu thương hết lòng. Xung đột, ganh tỵ, ích kỷ, độc ác, thờ ơ, tha hóa, sân hận, kiêu ngạo, tự mãn… gây biết bao đau khổ cho nhân loại. Chấp nhận hết một cách thanh thản và bước đi một cách thảnh thơi thì đâu có gì phải lo lắng. Thời gian rất quý báu, dành thời gian yêu thương hơn là cho những yếu tố bất thiện như vậy. Những hoàn cảnh khó khăn và đau đớn còn gọi là nghịch cảnh. Nếu thái độ xem chúng là những thử thách, những bài thực hành thì con người sẽ nhìn nhận khổ đau theo chiều hướng tích cực hơn. Người A nghĩ người B gây đau khổ cho mình nhưng nhìn lại thấy người B có lòng ghen tỵ và tính tật đố, nếu mình giận người B thì không phải, mình đang giận cái tính ghen tỵ và tật đố ấy chứ nào có giận người B, người B nào có gây đau khổ cho người A. Thế giới này choảng nhau cũng vì tham lam và hẹp hòi, tham lam và hẹp hòi đánh nhau chứ nào có ai đánh nhau đâu. Phản ứng của Iran trước tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có vẻ thiếu niềm tin trong khi Hoa Kỳ bật đèn xanh nhằm hòa giải và xây dựng mối quan hệ với Iran. Chưa gì hết Iran đã lên tiếng phàn nàn và bắt đầu đòi hỏi đủ thứ, thậm chí có người bắt Hoa Kỳ phải xin lỗi. Khi một người tỏ ý đối thoại hay hòa giải thì trước hết hãy tiếp nhận và lắng nghe. Người có tình thương sẽ không phản bác trở lại hay nhân cơ hội để khích bác và đả kích. Lời nói không ái ngữ khó mà giữ được hoà bình cho bản thân, huống chi hoà bình cho dân tộc và thế giới. Người làm chính trị có thấy người dân khổ sở thế nào khi lãnh đạo các quốc gia cứ choảng nhau bằng câu này câu kia? Nhìn Osama Binladen xem, ông ta có hạnh phúc hay không? Chắc chắn là không. Một người cứ mãi trốn chui trốn nhủi, lấy khủng bố làm niềm vui và chuyên dùng những lời lẽ đầy bạo động để hù dọa thì tội nghiệp biết chừng nào. Nhà chính trị đừng dùng lời lẽ khủng bố, bởi vì nó chẳng có ích gì, có chăng là biểu hiện của một tâm trạng sợ hãi, bế tắc, nên họ dùng lời lẽ để khỏa lấp và khống chế. Bản thân người này có nhiều khổ đau và khổ đau đó lại đi gieo rắc cho chính dân tộc mình. Nếu Hoa Kỳ không tấn công Afghnistan và Iraq thì đâu có chuyện gọi là lính Mỹ chết trên các chiến trường vùng Vịnh. Hoà bình đâu chưa thấy, chỉ thấy con em của mình phải chết. Nói cách khác, hạnh phúc chưa được hưởng mà đau khổ đã lan tràn. Hãy yêu thương như chưa từng được yêu thương. Dù nhà lãnh đạo kia có nói năng đủ điều mà mình vẫn nói được lời hoà giải, mình đáng làm lãnh đạo hơn. Ngày Tình Yêu tôn vinh tình yêu. Tình yêu này đâu chỉ nằm trong phạm vi nam nữ mà còn là tình yêu gia đình, tình đồng nghiệp, tình dân tộc, tình bạn bè giữa các quốc gia. Khi người khác chìa tay ra với mong muốn nắm lấy tay mình hoặc mời mình nắm tay lấy, nhưng mình không chịu và đành đoạn quay lưng đi. Đau khổ sẽ đến với mình và mình tự chuốc hậu quả, tại sao mình còn than thở trách móc gì nữa?

Cuộc đời có mỏng manh cách mấy vẫn tràn đầy bình yên. Không có gì gọi là bế tắc, tuyệt vọng hay bước đường cùng. Đó chỉ là biểu hiện lười biếng nhất thời của con người. Chủ nghĩa tư bản để làm gì, chủ nghĩa cộng sản để làm gì khi mà chủ nghĩa nào cũng ca ngợi học thuyết của mình, nhưng hòa bình vẫn chưa thực sự có, chỉ thấy xung đột, đối đầu, chiến tranh và khổ đau chồng chất. Dẹp bỏ hết mấy thứ chủ nghĩa đó đi thì khỏe re, đâu cần tranh cãi gì nữa, cuộc sống trở nên bình yên, vui vẻ và tươi đẹp biết dường nào. Hạnh phúc là những thứ buông bỏ chứ không phải là những thứ chất đầy. Giải pháp nào cho biển Đông? Tại sao các nhà chính trị không đặt câu hỏi: tại sao biển Đông lại cần phải có giải pháp? Không lẽ con người không thích bình yên con người lại đi thích những yếu tố làm cho biển Đông dậy sóng. Biển đông chỉ là biển, phía dưới nó có bao nhiêu lít dầu, có bao nhiêu khí nhiên liệu, có bao nhiêu con cá mà làm gì dữ vậy? Nước nào cũng đòi quyền giữ an ninh và quyền tuần tra trên biển nhằm bảo vệ hoà bình nhưng hoà bình đâu không thấy, chỉ thấy sự hiềm khích, sự căng thẳng và sự chỉ trích nhau. Vậy cái gọi là tuần tra biển để giữ an ninh và hoà bình kia chỉ là ngụy biện, nếu không muốn nói là buồn cười. Cùng nhau sinh sống, cùng nhau chia sẻ, có thì cùng xài, không có thì thôi. Tại sao phải tranh giành? Hết giành ăn rồi giành uống, hết giành mặc rồi giành lời nói, đủ thứ chuyện giành, … Ấy vậy không thấy ai giành yêu thương, giành làm từ thiện, giành hy sinh, giành buông bỏ cả. Một trận đại hồng thủy hay một ngôi sao chổi đụng vào trái đất làm hủy diệt sự sống không còn gì, lúc đó lấy gì mà giành. Những kiểu chủ nghĩa mà quý vị đặt ra là để giành như vậy thì các chủ nghĩa đó có chi đáng phải đi theo và tôn thờ đâu. Mời quý vị về nhà lo chăm sóc ông bà cha mẹ nuôi dạy con cái yêu thương gia đình hết mực, như vậy là hay lắm rồi, thế giới sẽ hoà bình. Bằng ngược lại, những đau khổ dồn dập trên cõi đời cứ tuôn chảy không thôi và nếu không chuyển hóa được, thế giới này mãi mãi không có hoà bình. Nỗi đau nào lớn bằng đứa con bị chính cha mình hãm hiếp và giam cầm.  Cô Kerstin Friztl đã chịu đựng biết bao năm tháng bị giam cầm và lạm dụng tình dục. Nỗi đau này có thể được chuyển hoá và bù đắp khi cô được mọi người cưu mang, chia sẻ, giúp đỡ và yêu thương. Nhưng khi ra đến bên ngoài, có chắc cô sẽ tìm thấy được hòa bình không hay thế giới bên ngoài lại tiếp tục có đầy dẫy những khổ đau, nơi mà con người đang tranh giành nhau từng miếng ăn, từng miếng đất, từng vùng biển, từng hòn đảo. Chỉ có tình thương mới mang hoà bình cho biển Đông, chỉ có tình thương mới giúp Iran và Hoa Kỳ trở thành bạn của nhau và chỉ có tình thương mới giúp cô Kerstin xoa dịu những nỗi đau. Vậy tình thương ở đâu? Tình thương có nằm ở chiến xa đại bác, ở chiến hạm tàu bay, ở bom nguyên tử và máy bay tàng hình? Tình thương có nằm ở chỗ đòi hỏi phải là siêu cường quốc đứng số một và cố gắng để trở thành siêu cường quốc? Các nhà lãnh đạo và chính trị trả lời thử xem. Nếu không trả lời được, xin quí vị từ chức hết để người biết yêu thương lên làm.

6. Ngày Thế Giới Thực Tập Năm Giới Cư Sĩ 1-7

Năm giới Cư sĩ là bài thực tập cơ bản không chỉ dành cho cư sĩ Phật giáo mà còn tất cả các cư sĩ khác và nhất là nhà chính trị. Người thực tập Năm giới rất đẹp, đi đâu tới đâu cũng vững mạnh, làm gì nghĩ gì cũng an toàn. Con người trở nên tự do, thánh thiện, lúc nào cũng đi  về nẻo lành và làm bạn với những học thuyết lành mạnh. Nhà chính trị không lấy bất kỳ ai làm nơi nương tựa, không cho rằng vị tổng thống, chủ tịch hay bất cứ người hùng nào làm kim chỉ nam soi rọi bước đường. Có thể học tập những điểm hay từ họ nhưng không tôn thờ quá đáng đến mức mù quáng. Chỉ có giới luật thực sự xứng đáng làm thầy, mọi quyết định căn cứ vào giới luật, tinh thần giới luật đưa ra các chính sách thích hợp về mặt kinh tế hay chính trị. Hơn nữa, chính trị là mảnh đất màu mỡ cho việc ứng dụng giới luật Phật giáo xây dựng thế giới hoà bình, bảo vệ môi trường và đưa con người trở về với nét đẹp thuần khiết vốn có. Trải qua bao thời đại, giới luật cũng sẽ thay đổi cho phù hợp và một khi chúng được ứng dụng uyển chuyển, nhà chính trị đẹp như một tu sĩ và môi trường chính trị là môi trường tu tập không thua kém gì thiền viện hay tự viện. Anan được mệnh danh là con người của giải phóng, giải phóng mọi đen tối và đem ánh sáng trở về. Ông huy động toàn thế giới thực tập giới luật như ông đã từng huy động cho Giờ Trái Đất 28-3. 1-7 hàng năm là Ngày Thế Giới Thực Tập Năm Giới Cư Sĩ. Không phải mọi người chỉ thực tập vào ngày này mà dĩ nhiên mọi ngày đều thực tập và 1-7 chỉ là hình thức nhắc nhở, tạo điều kiện thực tập và góp phần chuyển hóa khổ đau. Liên Hiệp Quốc khuyến khích các chính phủ sử dụng Năm giới làm tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất chính trị của người làm chính trị và nếu có thể áp dụng thêm 14 giới tiếp hiện. Học thuyết chính trị cũng nên dựa vào Năm giới làm nền tảng và nếu học thuyết nào đi ngược lại tinh thần của Năm giới xem như đi ngược lại sự tiến bộ của loài người. Sau đây là Năm giới Cư sĩ và 14 giới tiếp hiện.

Năm giới Cư sĩ (14)

Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống của muôn loài.

Con nguyện thực tập bảo vệ sự sống bằng cách không giết hại sanh mạng con người và muôn loài, kể cả môi trường. Con quý trọng thân mạng mình và của kẻ khác dù ở trong bất cứ trường hợp nào. Con biết chỉ có thực tập yêu thương mới xóa bỏ hận thù, thân tâm nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành và nét mặt hiền hòa.

Giới thứ hai là tôn trọng quyền tư hữu.

Con nguyện thực tập tôn trọng quyền tư hữu của người bằng cách không trộm cướp, không cưỡng ép, không cậy thế ủy quyền, không tích trữ đầu cơ, không làm giàu bất chính bằng bất công xã hội hay mồ hôi nước mắt của kẻ khác. Con quý trọng quyền tư hữu, thực tập nếp sống khiêm cung, đơn giản và thanh bạch. Con biết tôn trọng sự công bằng bình đẳng chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, có nhiều thì giờ để tu tập chuyển hóa thân tâm và tránh nghiệp báo oán thù. Thực tập buông bỏ, sẻ chia với người đang thiếu thốn, cưu mang những người đang cần giúp đỡ sẽ mang lại cho con đời sống hiện tại được an toàn, tin cậy và thảnh thơi.

Giới thứ ba là bảo vệ tiết hạnh.

Con nguyện thực tập bảo vệ tiết hạnh cho bản thân con và cho những người khác bằng cách không sống thử, không quan hệ trước hôn nhân, không quan hệ bất chính với người không phải là chồng hay vợ của mình. Dù là nam, nữ, hay người đồng tính, con quý trọng sự đoan chánh, hạnh phúc gia đình và bảo vệ từng tế bào của tổ tiên trong cơ thể. Con biết thực tập cho thân tâm khỏe mạnh thì gia đình và xã hội khỏe mạnh, cho nên con luôn điều phục con được trong sạch, lựa chọn sống trong môi trường trong sạch và tiếp xúc với các phương tiện trong sạch.

Giới thứ tư là tôn trọng sự thật.

Con nguyện thực tập nói lời sự thật để dâng tặng niềm vui và hạnh phúc đến cho người bằng cách không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều và không nói lời ác ngữ. Tôn trọng sự thật là nuôi dưỡng tình thương, bảo tồn sự trung tín trong xã hội và xây dựng niềm tin giữa người với người. Con nguyện không tham gia chỉ trích, lên án hay phê bình những điều mà con không biết rõ, những điều có thể gây chia rẽ hay căm thù, và những điều tạo nên sự bất hoà của đoàn thể tu học, cộng đồng dân chúng, hòa giải dân tộc, an ninh khu vực và hoà bình thế giới.

Giới thứ năm là bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm.

Con nguyện thực tập bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm bằng cách không sử dụng rượu bia, các chất say, các chất ma tuý và những sản phẩm độc hại. Để bảo toàn hạt giống trí tuệ quý báu, ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi và không làm mất tự chủ hay rơi vào tình trạng ốm đau của thân tâm, con chỉ sử dụng các thức ăn thức uống lành mạnh có thể đem lại sự an lạc và thanh tịnh cho thân tâm. Con biết thực tập giới này giúp cho gia đình yên vui, thân thể kiện khương, trí tuệ phát triển và xã hội hài hòa, cho nên bây giờ và về sau con không bao giờ uống các loại rượu bia, không hút các loại thuốc lá, không sử dụng các chất ma tuý, không ăn uống các sản phẩm có độc tố, và không tiêu thụ các sản phẩm độc hại có chứa đựng bạo động, khủng bố, cuồng tín, sợ hãi, thèm khát và hận thù.

Mười Bốn Giới Tiếp Hiện (13)

Đây là Giới Thứ Nhất.

Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.

Đây là Giới Thứ Hai.

Ý thức được những khổ đau do kiến chấp và vọng tưởng gây ra, con xin nguyện thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể cởi mở và đón nhận tuệ giác và kinh nghiệm của người khác. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ con đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch, và tuệ giác chân thực chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chấp kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút. Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.

Đây là Giới Thứ Ba.

Ý thức được những khổ đau do sự cưỡng bức kẻ khác vâng theo ý kiến của mình, con nguyện không ép buộc người khác, kể cả trẻ em, theo quan điểm của con, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải dùng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.

Đây là Giới Thứ Tư.

Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ, con nguyện không trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của chúng sanh. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con biết rằng sự thật thứ tư là đạo đế chỉ hiển lộ khi nào con quán chiếu và thấy được tự tánh của sự thật thứ nhất là khổ đế, và con sẽ luôn luôn nhớ rằng mục đích của sự tu tập là chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc.

Đây là Giới Thứ Năm.

Ý thức rằng hạnh phúc chân thực không thể đạt tới được bằng tiền tài và danh vọng mà chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành và sự hưởng thụ dục lạc làm mục tiêu của đời mình. Con nguyện tập sống giản dị và học chia sẻ thì giờ, khả năng và tài vật của mình với những kẻ thiếu thốn.

Đây là Giới Thứ Sáu.

Ý thức được rằng sân hận và oán thù có tác dụng cắt đứt truyền thông giữa người với người và tạo ra đau khổ cho cả hai phía, con nguyện học hỏi phương pháp chăm sóc và đối xử với năng lượng sân hận và oán thù khi chúng phát khởi trên ý thức con và phương pháp quán chiếu để nhận diện và chuyển hóa hạt giống của sân hận và oán thù trong chiều sâu tâm thức con. Con nguyện tập luyện để mỗi khi cơn giận hoặc sự bực tức phát khởi, con sẽ không nói gì và làm gì cả mà chỉ thực tập hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành ngoài trời để chăm sóc tâm niệm sân hận và oán thù của con bằng năng lượng chánh niệm và để nhìn sâu vào bản chất của các tâm niệm sân hận và oán thù ấy. Con cũng nguyện sẽ học hỏi nhìn sâu vào tự tánh của người mà con nghĩ đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của con và để có thể nhìn được người ấy bằng con mắt từ bi.

Đây là Giới Thứ Bảy.

Ý thức được rằng sự sống chỉ có thể thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, và ta chỉ có thể sống an lạc ngay trong giây phút ấy, con nguyện tập luyện để có thể sống sâu sắc từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của con. Con nguyện không để cho những hối tiếc về quá khứ, những lo lắng về tương lai và những tham dục, giận hờn và ganh tỵ đối với những gì đang xảy ra trong hiện tại lôi kéo con và làm cho con đánh mất sự sống mầu nhiệm. Con nguyện thực tập giáo lý hiện pháp lạc trú, sử dụng hơi thở và nụ cười chánh niệm để tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh trong con và chung quanh con, để liên tục gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống an lành, hiểu biết và thương yêu trong con, làm động lực chuyển hóa chiều sâu tâm thức và đi tới trên đường thành tựu đạo nghiệp.

Đây là Giới Thứ Tám.

Ý thức được rằng những khó khăn trong việc truyền thông giữa người với người luôn luôn đưa tới ngăn cách và khổ đau, con nguyện thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Con nguyện học hạnh lắng nghe chăm chú mà không phán xét và chỉ trích và không nói ra bất cứ một lời nào có thể tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Con nguyện tu tập để tái lập sự truyền thông giữa con và mọi người khác, và để giúp giải quyết mọi vụ bất hòa, dù lớn dù nhỏ.

Đây là Giới Thứ Chín.

Ý thức được rằng lời nói có thể tạo ra khổ đau hay hạnh phúc, con xin nguyện luyện tập để chỉ nói những lời nói chân thật có tác dụng hòa giải, gây niềm tin tưởng và hy vọng. Con nguyện không nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù, không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những gì con không biết rõ. Con nguyện can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công, dù hành động này có thể đem lại sự đe dọa cho sự an thân của mình.

Đây là Giới Thứ Mười.

Ý thức rằng mục đích và bản chất của một đoàn thể tu học là sự thực hiện tuệ giác và từ bi, con nguyện không bao giờ lợi dụng đạo Phật và các đoàn thể giáo hội vào mục tiêu quyền bính, không biến các giáo đoàn thành những tổ chức hoạt động chính trị. Tuy nhiên, con nhận thức rằng các đoàn thể tu học phải có ý thức và thái độ rõ rệt về những tình trạng áp bức và bất công xã hội và có thể sử dụng ảnh hưởng mình để chuyển đổi các tình trạng ấy mà không cần và không nên dấn thân vào những cuộc tranh chấp phe phái.

Đây là Giới Thứ Mười Một.

Ý thức rằng thiên nhiên và xã hội con người đã bị tàn phá trầm trọng vì bạo động và bất công, con nguyện thực tập chánh mạng, quyết tâm không sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên, không đầu tư vào những doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác. Con nguyện chọn một nghề có thể giúp con thực hiện được lý tưởng từ bi và cứu khổ của đạo Phật.

Đây là Giới Thứ Mười Hai.

Ý thức được những khổ đau do chiến tranh và các cuộc xung đột tạo ra, con nguyện thực tập sống đời sống hàng ngày của con theo tinh thần bất hại, hiểu biết và thương yêu. Con nguyện góp phần vào công việc giáo dục hòa bình và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết, và thường xuyên quán chiếu với tăng thân con để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sinh mạng, ngăn chặn chiến tranh và xây dựng hòa bình.

Đây là Giới Thứ Mười Ba.

Ý thức được sự khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Đây là Giới Thứ Mười Bốn.

Ý thức được rằng sự tìm tới và phối hợp giữa hai cơ thể do sự thúc đẩy của dục tình không những đã không thể giải tỏa được nỗi cô đơn của con người mà còn tạo thêm nhiều khổ đau, chua cay và xa cách, con nguyện không ăn nằm vói những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng hành động tà dâm sẽ gây ra khổ đau cho kẻ khác và cho chính con trong hiện tại và trong tương lai. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những điều mà mình và kẻ khác đã cam kết. Con nguyện sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện bảo trọng thân thể con, xem thân thể mình là đền thờ của tâm linh, là chiếc thuyền vượt biển, và thường xuyên học hỏi bảo tồn tinh, khí và thần để có đủ năng lực hành đạo. Con ý thức được trọn vẹn trách nhiệm của con về sự cho ra đời những sinh mạng mới và thường xuyên quán chiếu về môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng này.

7. Ngày Thế Giới Thực Tập Buông Bỏ 1-8

Thực tập buông bỏ những điều có thể làm bản thân đau khổ, đánh mất niềm vui thật sự trong phút giây hiện tại. Đối tượng của buông bỏ rất nhiều, có thể là buông bỏ các ý niệm, điều dính mắc, thói quen không hay và cả những khổ đau kéo dài. Buông bỏ không phải là chuyện dễ làm vì bị kẹt vào đối tượng nhiều quá, nhưng nếu làm được, thân tâm khoẻ re và cuộc sống dễ chịu hơn. Buông bỏ những suy nghĩ, hành động và lời nói biểu thị cái tôi để có thể dấn thân vào cái chung của nhân loại hay thế giới. Thế giới này có hàng tỉ người, hàng triệu sắc tộc, hàng ngàn ngôn ngữ… nhưng thực chất đâu có gì khác nhau. Dân tộc này đang trên đà phát triển có nghĩa là đến lúc nào đó sẽ đạt mức phát triển, dân tộc kia đã phát triển nhưng cũng sẽ chùn lại và đối mặt với nhiều khó khăn. Điều quan trọng dù bất cứ đâu con người đều hướng tới sự cao đẹp và cố gắng hoàn thiện mình. Các dân tộc khó gần nhau vì không chịu buông bỏ những cái tôi, chấp vào sự riêng biệt và lúc nào cũng thích gây khổ đau cho bản thân và người khác. Sự sống có yếu tố nương tựa tức là các dân tộc đều phải nâng đỡ nhau để phát triển. Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn năm 2009 là minh chứng cho việc mỗi dân tộc không thể giải quyết khủng hoảng một cách đơn độc mà phải đoàn kết với nhau để giải quyết vấn đề. Một bài báo trên trang web điện tử BBC đã có lời chê bai sự giao tế của Trung Quốc tại hội nghị này. Điều này thật sự không cần thiết. Trung Quốc cũng như các quốc gia khác đến với hội nghị vì quyết tâm giải quyết khủng hoảng kinh tế và cùng chung tay góp sức cho tiến trình. Ai cũng có thể góp công tùy theo sức của mình. Buông bỏ những thành kiến hay lời nhận xét sẽ không thấy quốc gia này hay hay quốc gia kia dở. Buông bỏ là một nghệ thuật và hoa trái của nó được gặt hái không bao giờ hết. Quốc gia nào cũng vì dân tộc của mình và nói đến Liên Hiệp Quốc thì cái gọi là dân tộc kia chắc chắn không có biên giới. Công việc của tổ chức không thể phân biệt đối xử, không thể xem nhẹ dân tộc này và coi nặng quốc gia khác. Mọi quốc gia đều được đối xử và tôn trọng một cách bình đẳng. Việc Liên Hiệp Quốc lấy ngày 1-8 làm Ngày Thế Giới Thực Tập Buông Bỏ là minh chứng cho thấy toàn thể nhân loại là một, Địa Cầu này là một, năm châu bốn biển là một và khi thế giới thống nhất, không có gì gọi là đường biên giới hay phân chia đường biển nữa.

Địa cầu nóng dần lên và càng nóng hơn khi một số nước không buông bỏ việc tranh giành Bắc Cực.  Ngày 27/3/2009 nước Nga tuyên bố thiết lập một quân đội đặc biệt bảo vệ quyền lợi của mình tại Bắc Cực. Cùng với một số nước khác, lời nói của Nga chẳng hề góp phần vào qui trình làm giảm sự nóng ấm toàn cầu. Băng tuyết ở Bắc Cực sẽ tan, nguyên do đều là hành động của con người và tiến trình đó sẽ nhanh hơn khi loài ngoài nghĩ đến việc xâm chiếm hay tranh giành vùng đất đã từng rất lạnh giá. Sau này đến phiên Nam Cực tan chảy, người ta lại có thể chạy đến Nam Cực để giành tiếp. Với ý niệm cho rằng dưới lòng Bắc Cực có rất nhiều tài nguyên dầu lửa, một thứ vàng đen của nhân loại, con người thi nhau cho rằng đó là sở hữu của mình, chứ không phải của một ai khác. Dầu lửa khai thác riết rồi cũng hết, lúc này con người sẽ lấy gì làm nhiên liệu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ. Dầu lửa phục vụ con người, nhưng không thể đem lại hoà bình cho nhân loại, vậy dầu lửa chỉ là một thứ ma quỷ. Dầu lửa nếu giành được nhưng tình người mất hết thì thà không có dầu lửa còn hơn. Việc khẳng định chủ quyền vùng biển đã trở thành thông lệ của các quốc gia có đường  biên giới tiếp giáp với biển. Nước nào cũng tuyên bố khu vực biển này là của mình khiến cho biển không còn được bình yên. Biển trở nên tức giận và dâng cao lên gây ra sóng thần, bão tố, lụt lội, nhấn chìm các vùng đất. Vậy mà con người vẫn chưa tỉnh ngộ. Kiểm soát dân số và tiêu thụ hiệu quả sẽ không có chuyện giành biển như vậy. Buông bỏ ý niệm cho rằng khu vực này là chiến lược, vùng biển nọ là quan trọng rồi buông bỏ việc đem quân đội trấn giữ hay lập căn cứ quân sự mang lại vẻ đẹp thân thiện cho thiên nhiên. Không lẽ chỉ có quốc gia này được quan tâm về quyền lợi còn quốc gia khác lại không. Mang lợi ích cho quốc gia mình bằng cách triệt hạ quyền lợi của quốc gia khác không phải là hành động của hoà bình, đi ngược lại với tình thương nhân loại. Nga, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Mỹ hãy xem lại các chiến lược. Buông bỏ Bắc Cực để Bắc cực có cơ hội đóng băng trở lại. Hành động của các vị chỉ làm cho Bắc Cực thêm tan chảy, và thế giới phải gánh chịu hậu quả bằng chính sinh mạng nhân loại. Như vậy có đáng hay không? Trữ lượng 90 tỉ thùng dầu có thỏa mãn tính ham muốn tiêu thụ và giàu có của con người hay đây là tình trạng đi đến cái nghèo. Địa Cầu nghèo nàn hơn bao giờ hết một khi không thể buông bỏ các kế hoạch khai thác dầu lửa nói riêng và tài nguyên nói chung. Đây không chỉ là chiến tranh lạnh mà là chiến tranh băng tuyết. Anan không thể hiểu nổi vì sao con người thích tạo chiến tranh, thích sản xuất vũ khí hủy diệt và thích khủng bố nhau. Ông thường xuyên nhắc nhở các nước kiềm chế, buông bỏ những kế hoạch đối đầu và nhất là nên hợp tác để kéo Bắc Cực trở lại. Tình người là quan trọng, nếu tình người mất đi thế giới còn lại gì. Khối lượng tài nguyên khổng lồ kia vẫn chịu cảnh vô thường như bao vạn vật khác. Lenin cũng phải chết như một người bình thường, xác của ông đến lúc nào đó cũng đem đi thiêu không thể giữ đến một ngàn năm nói chi là khối dầu lửa kia. Thực tế cho thấy dầu lửa không còn là vàng đen nữa mà là hiểm hoạ. Tại sao con người cứ muốn dấn thân vào những hiểm hoạ như thế?

Nhà chính trị buông bỏ các ý niệm về hoà bình và hạnh phúc là cách đem hoà bình và hạnh phúc trở về. Bất cứ ý niệm nào đưa ra về hoà bình và hạnh phúc đều đem lại chiến tranh. Chính vì đặt ra đủ thứ ý niệm, con người đòi hỏi người khác chấp nhận ý niệm đó và nếu không thỏa mãn thì khơi dậy binh đao. Mọi cố gắng của nhà chính trị là đem lại sự an lạc, hoà bình cho nhân loại. Hoà bình chỉ thực sự có khi các ý niệm không còn hoặc không chấp vào các ý niệm. Cái gọi là ý thức hệ chưa bao giờ là học thuyết hoà bình thực sự một khi còn chấp vào hành vi bạo động. Bất bạo động là tiền đề cho những động thái kiến tạo hoà bình. Khi thế giới này con người đi ngủ không cần khoá cửa và mọi quốc gia được đi lại tự do không cần xin thị thực thì mới có hoà bình. Bản thân nhà chính trị suy nghĩ tích cực và yêu thương cuộc đời mới xứng đáng đạt giải Nobel Hoà Bình và đi tiên phong trong các kế hoạch chấn hưng nhân loại. Không có ý niệm nào đúng và cũng chẳng có ý niệm nào sai. Ý niệm nào đem lại hạnh phúc chân thật cho mình và người thì ý niệm này xứng đáng nằm trong kế hoạch chấn hưng. Một ý niệm có lợi cho nước mình nhưng làm hại nước khác làm sao có thể chấn hưng nhân loại được. Ý niệm phát triển kinh tế, tạo nhiều của cải vật chất, tham gia tiến trình toàn cầu hoá, làm phẳng thế giới.. với không biết bao kế hoạch thực hiện nhưng chưa bao giờ làm cho con người bớt khổ. Thế giới càng bày trò bao nhiêu, càng thất vọng càng tiêu tốn năng lượng oan uổng bấy nhiêu. Đời sống có ý nghĩa không phải tạo ra những điều khác thường. Buông bỏ ý niệm khác thường và quay về với điều bình thường. Hoà bình là trạng thái hết sức bình thường của con người, cho phép bản thân tô điểm bằng những chất liệu của buông bỏ và chuyển hóa. Tại sao mình lại thích bị kẹt vào ý niệm trong khi mình biết chắc chắn nó sẽ mang đến không biết bao nhiêu đau khổ? Sĩ diện ngu xuẩn sẽ dìm mình chết xuống hố vực sâu vì nó có sợi dây thòng lọng rất lớn. Chỉ cần cởi bỏ sợi dây thòng lọng đó, đi ra khỏi hố sâu, mình có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời và cánh đồng lúa chín vàng. Lúc này mình mặc tình rong chơi thỏa thích trong tự do muôn màu. Buông bỏ những ích kỷ nhỏ mọn hay chủ nghĩa dân tộc để tấm lòng bao dung được mở rộng trải dài khắp chúng sinh. Có nguồn tài nguyên mới thế giới cùng nhau chia sẻ, đói cùng chịu no cùng hưởng. Nước nào cũng đầy đủ và ấm no thì đâu có gì phải tranh giành nữa. Nhà chính trị phải biết nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào đảng phái, tài nguyên hay thế lực nào. Dựa vào tài nguyên và thế lực bên ngoài để củng cố địa vị quyền lực chứng minh cho vị thế đang lung lay nếu không muốn nói là rất yếu đuối. Ôm giữ khư khư những ý niệm chỉ làm cho mình chết trong một nấm mồ không hương khói. Nỗi đau về chiến tranh đã qua thì cho nó qua đi, hằng cớ gì phải khơi gợi lại, trách móc đủ điều và đòi hỏi đủ thứ. Luật nhân quả lúc nào cũng công bằng, không hề sai sót mảy may nào. Thù hằn dai dẳng có bao giờ triệt hạ được kẻ thù, chỉ làm cho họ thêm hả hê. Hơn nữa người đau khổ nhiều hơn cả là người có tâm niệm thù hằn. Buông bỏ cái sân trong tâm, tâm có cơ hội tiếp xúc dòng nước, nhẫn nhục và tha thứ làm cho nhà chính trị lớn lên thêm chứ không nhỏ bé đi. Lịch sử không bao giờ ca ngợi những quốc gia đi xâm chiếm quốc gia khác hay tranh giành tài nguyên mà ca ngợi những anh hùng biết buông bỏ, hy sinh bản thân vì hoà bình và an lạc của nhân loại. Cuộc sống đơn giản của thánh Ghanhi là minh chứng cho người anh hùng đáng được ca ngợi. Tần Thủy Hoàng dù có công xây Vạn Lý Trường Thành hay hàng trăm cái như thế cũng không đáng ca ngợi vì xương máu của không biết bao nhiêu người đổ ra để làm nên cái gọi là kỳ quan thế giới kia. Kỳ quan cách mấy chẳng bao giờ tồn tại lâu vì cái gì sinh ra cũng phải diệt, nói cách khác là chuyển từ dạng này sang dạng khác. Tất cả đều trở về với đất mà thôi. Đất có khi lại tốt cho cây trồng, chỉ e rằng đất đó quá ô nhiễm, cây mọc còn không nổi huống chi ra hoa kết trái. Nhà chính trị buông bỏ mọi thứ mà có thể gây đau khổ và lo lắng để đi đến những suy nghĩ, hành động, lời nói làm an lạc cho bản thân mới có thể sống trong môi trường chính trị đang đóng băng được tan chảy. Cái gọi là chiến tranh băng tuyết hay chiến tranh lạnh sẽ không còn, thay vào đó là sự tươi mát của thế giới, sự rạng rỡ của Địa Cầu và sự bình yên giữa các quốc gia.

8. Ngày Thế Giới Sống Trong Hiện Tại 1-9

Sống trong hiện tại đã trở thành khẩu hiệu của mọi tôn giáo ngày nay và chính hiện tại đóng góp cho hoà bình nhân loại. Nền chính trị phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, nhưng khó khăn cách mấy cũng chỉ trong hiện tại, không thể nào chắc chắn được chúng sẽ kết thúc vào một tương lai nhất định. Ngày hôm nay đối trị với khó khăn hay khủng hoảng là điều cần làm, không có đợi đến ngày mai hay mai sau. Xây dựng một chủ nghĩa đâu có phải là mang đến cho người dân hạnh phúc của 100 năm nữa mà là trong giây phút này. Nền chính trị phục vụ cho cái sẽ đạt được trong 100 năm nữa chắc chắn sẽ mang yếu tố giả tạo, nếu không nói là không tưởng. Một trường đại học ở Mỹ tuyên bố sẽ mở ngành Tương Lai Học là không cần thiết bởi vì cái được dạy phục vụ cho tương lai, mang trạng thái xa rời hiện tại thì dù có giỏi cách mấy vẫn chỉ là tương lai. Tương lai có rạng rỡ hay không tuỳ thuộc vào phút giây hiện tại. Trong quá khứ con người đã không tiên liệu được khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra vào khoảng tháng 9 năm 2008 thì làm sao có thể biết được trong tương lai sẽ không tái diễn những khủng hoảng như thế.  Chính phủ ra sức kích cầu tiêu dùng nhưng nếu người dân không có tiền thì làm sao kích cầu trong khi tiền thì đổ vào các công ty lớn, còn người dân không được hỗ trợ về mặt tài chính. Đó là nghịch lý của cái gọi là giải quyết khủng hoảng. Hiện tại đang có khủng hoảng và con người thích giải quyết khủng hoảng hơn là thực tập để không có việc khủng hoảng xảy ra. Hiện tại, khủng hoảng đã có mặt và điều cần thiết là làm thế nào để sống an lạc với khủng hoảng và biết kiềm chế bản thân để xem khủng hoảng là chuyện bình thường. Ngày 1-9 được lấy làm Ngày Thế Giới Sống Trong Hiện Tại, theo đó những kế hoạch, dự án hay giải quyết vấn đề đều phục vụ cho hiện tại. Hiện tại có rỡ ràng thì tương lai mới rực rỡ được. Hiện tại xám xịt thì tương lai sức mấy sáng sủa.

Bằng chứng cho thấy kinh tế thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đề cao giá trị tư bản, con người làm nô lệ hay trả giá cho chính cái mình tạo ra. Dính mắc vào kinh tế thị trường và toàn cầu hóa không chỉ khủng hoảng theo kiểu đơn phương độc mã mà sự dính mắc này tạo ra phản ứng dây chuyền. Kinh tế thị trường dù định hướng tư bản hay định hướng xã hội chủ nghĩa cũng vậy thôi, đều là sự dính mắc vào chủ nghĩa tiêu thụ, lợi nhuận, số lượng, hay vẻ hào nhoáng bên ngoài trong khi chất lượng nền kinh tế  hoàn toàn không được để ý tới. Bây giờ khủng hoảng tài chính nhưng trong tương lai khủng hoảng lương thực là điều không thể tránh khỏi khi diện tích nông nghiệp giảm dần và các vùng đồng bằng ngày càng ngập mặn. Con người chắc chắn sẽ quay trở về việc phát triển nông nghiệp nhiều hơn phát triển công nghiệp, công nghệ hay vũ trụ. Nhà chính trị nghiên cứu hiện tại để nhìn thấy tương lai. Hiện tại mang dáng dấp của thiếu thốn và nghèo đói, con người cần ăn để sống hơn là tiện nghi. Hiện tại không được sửa chữa, số người đói vì thế sẽ gia tăng thêm nữa. Buông bỏ những tiện nghi tốn kém không chỉ bảo tồn được thiên nhiên mà còn giúp duy trì các thành quả nông nghiệp để nuôi sống con người. Liên Hiệp Quốc chắc chắn biết được kỷ nguyên của thế kỷ 21 không phải kỷ nguyên của phát minh vượt trội, vũ trụ và khám phá thế giới mới mà là kỷ nguyên của nông nghiệp. Tức là con người sẽ quay trở về giai đoạn ban đầu của họ là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái và qui mô hơn. Buông bỏ thói quen tiêu xài hay thói quen cho rằng phát triển gắn liền với bằng phát minh sáng chế để thấy những điều bấy lâu tin vào đều lầm tưởng. Sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu thụ đã qua và đã đến lúc nó phải thoái vị nhường chỗ cho tiết kiệm và sống giản đơn. Bản thân Anan luôn hưởng ứng các công cuộc tiết kiệm năng lượng nhưng muốn làm điều đó, hãy ngưng dạy con cháu của mình tham gia vào các chiến dịch tiêu thụ.  Hiện tại với sự khủng hoảng kinh tế, con người đã giảm tiêu thụ rất nhiều, vấn nạn thất nghiệp xảy ra và chính phủ lại gia tăng tài trợ kích cầu, tức là tiếp tục quay lại con đường cổ xúy cho tiêu thụ và cho rằng sức mua càng cao thì kinh tế sẽ phục hồi cũng như phát triển trở lại. Thất nghiệp hiện tiền vì việc chia sẻ công việc ít quá. Nếu một người giảm giờ làm để nhường công việc cho người khác, có phải có nhiều người được làm việc hay không. Tiền lương giảm đi đồng nghĩa với tiêu thụ ít lại nhưng việc làm lúc nào cũng có. Thực tập cách sống trong hiện tại để tìm kiếm hạnh phúc trong những điều bình dị hơn là chạy đua theo lối tiêu thụ vô bổ, để rồi đến khi không đủ khả năng thỏa mãn, con người cố gắng tạo ra nhiều loại việc làm không cần thiết, khủng hoảng kinh tế khiến cho các loại việc làm này dư thừa và con người ngày càng ngập ngụa trong khủng hoảng.

Bản thân nhà chính trị bị sốc bởi khủng hoảng kéo dài và dự báo có thể lâu hơn nữa. Khủng hoảng tạo ra khổ đau cho người nghèo lẫn người giàu. Người giàu mất đi tiền của nhưng vẫn có thể sống tốt được còn người nghèo lại nghèo thêm và thiếu đói. Điều này minh chứng cho việc con người sẽ phải buông bỏ những khổ đau cũ để đối diện với khổ đau mới: nỗi đau của cái nghèo rình rập. Nếu không buông bỏ được nỗi đau cũ, họ sẽ gánh trên vai, oằn cả lưng để chất chứa hay tập hợp các nỗi đau. Buông bỏ các nỗi đau thì họ sẽ thấy khỏe hơn nhiều. Sở dĩ có nỗi đau nghèo đói vì con người thích đưa ra tiêu chuẩn cho cái giàu và các chỉ số chứng minh cho việc thoát nghèo. Sự sống đâu có yêu cầu phải đưa ra tiêu chuẩn hay chỉ số để theo đuổi chi trong khi mọi thứ đã tự quyết định. Việt Nam sau bao nhiêu năm nổ lực để thoát nghèo và cái nghèo chưa giải quyết được thì khủng hoảng kinh tế làm cho số hộ nghèo tăng trở lại và lại phải bắt đầu từ đầu. Các nhà chính trị đặt ra mục tiêu dĩ nhiên để giúp người nghèo có cơ sở mà cố gắng vươn lên, nhưng chính mục tiêu này lại gây đau khổ cho người trong việc chạy đua hay cố gắng quá sức để đạt mục tiêu. Cái mà con người cần không phải là mục tiêu kia mà cái cần nhất là làm sao trong khủng hoảng vẫn có thể sống hạnh phúc, hạnh phúc một cách đường hoàng và không bị nghèo đói dìm chết. Sở dĩ ta nghèo vì những tiếng gọi của cái giàu bao vây chúng ta, xiết chặt lấy những tâm hồn tức tưởi, bắt ta phải chấp nhận cái này đòi hỏi cái kia.

Nghèo đói khiến một người đàn ông dùng súng bắn vào những người vô tội với tâm trạng buồn bực vì mất việc làm xảy ra vào đầu tháng tư năm 2009 tại toà nhà Hội Công dân, thị trấn Binghamton, tiểu bang New York, Hoa Kỳ là minh chứng cho sự quẫn trí, mặc cảm thua kém và bị chế giễu. Con người thích đánh giá người khác qua bằng cấp, chất lượng công việc và số tiền họ có trong ngân hàng nhiều hơn là nhìn vào bản chất thân thiện của con người. Nếu được quan tâm và không bị khinh miệt, chắc chắn người đàn ông này sẽ không xử sự bạo lực như vậy. Hiện tại đã quá khổ đau nhưng con người thích châm dầu vào lửa, thêm mắm thêm muối để làm cho vết thương thêm rát, khổ đau vì thế tăng dần. Nếu không biết cách giải quyết và đối diện, con người lại đi tìm bạo lực mà giải quyết. Thực hết sức vô lý. Xã hội phải biết cách giáo dục con người sống có lối thoát trong hiện tại hơn là tạo ra những con người chỉ biết bó tay. Xã hội có trách nhiệm rất lớn cho cái chết của những người tại Hội Công dân hơn là đổ lỗi cho người đàn ông kia. Ông ta chỉ là nạn nhân của một xã hội cho phép sử dụng súng tràn lan, đánh giá quá mức về đồng tiền và xem thường tính mạng con người. Nếu người đàn ông này biết cách thực tập sống trong hiện tại, ông ta sẽ đối diện với nỗi đau thất nghiệp và nỗi đau bị chế giễu một cách kiên cường. Thất nghiệp là cơ hội để ông ta nhìn lại cách chi tiêu của mình, điều gì đáng xài và điều gì không nên xài. Người khác chế giễu vì họ tôn thờ vật chất mà vật chất đâu có bền lâu, có đó rồi mất đó, những người như vậy đáng thương hơn đáng trách. Người đàn ông sẽ có thì giờ tiếp xúc với các điều kiện mầu nhiệm đang có mặt ở xung quanh, chúng giúp bản thân điều tiết trạng thái căng thẳng và bình tĩnh trở lại. Khi đó ông ta có thể sáng suốt vạch ra các kế hoạch tìm việc mới và sống bình thản với tai nạn thất nghiệp của mình. Bản thân xã hội cũng cần thực tập sống trong hiện tại, quán chiếu nguyên nhân vì sao người đàn ông này có hành động kinh khủng. Những lời lên án hay chỉ trích chỉ làm cho hiện tại thêm đau khổ và nặng nề. Tha thứ là cách xoa dịu nỗi đau để hiện tại có thể được tiếp tục.

Hiện tại là nền tảng của hoà bình, theo đó tâm an trú trong hiện tại, nhận biết hiện tại cho dù hiện tại là hạnh phúc hay khổ đau. Những gì nhà chính trị làm ngày hôm nay quyết định vận mệnh của đất nước ngay chính lúc ấy và đi vào tương lai. Nói về lịch sử, những gì mà thời đại Lý Trần làm tại Việt Nam khi xưa có tác động đến dân chúng vào thời gian ấy mà thôi và dĩ nhiên sẽ có sự tiếp nối trong tương lai nhưng điều mà vua chúa làm lúc bấy giờ trước hết là vì sự an nguy, thịnh vượng và hoà bình của triều đại hiện tiền của mình. Bây giờ cũng vậy, đảng nào nắm chính quyền đều phải lo cho hiện tại hơn là làm những gì trong hiện tại để bảo vệ cho cái 50 năm tới. Hiện tại có quyền năng rất lớn trong việc xây dựng niềm tin, cởi bỏ những rào cản và biết lời hứa có thực hiện hay không. Con người sống trong hiện tại trân quý từng giây phút trôi qua của sự sống, vì thế họ biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Hoà bình không dành cho quá khứ hay tương lai mà hoà bình thực sự có mặt trong hiện tại, an trú trong hiện tại tức là an trú trong hoà bình. Hoà bình là kỳ quan của hiện tại nhưng con người hay đấu tranh cho những thứ không phải là kỳ quan nên còn lâu mới thấy được hoà bình. Buông bỏ những đấu tranh đó đi là tiếp xúc được với hoà bình ngay trong cơ thể và khi hoà bình từ bên trong đầy dẫy nơi thân tâm, con người mới bắt đầu nhận diện hòa bình đang lắp đầy không gian và thời gian, hòa bình đó là bây giờ và ở đây. (16)

9. Kênh Truyền Hình Phật Giáo Thế Giới

Truyền hình ngày nay có quá nhiều tin giật gân, đơn giản vì các phóng viên thích “scandals” để có thể thu hút nhiều khán giả. Tình trạng người trẻ ngày càng bạo động và suy nghĩ bất cần đời vì bị nhiễm những hình ảnh bạo động, ủy mị, chán chường hay đau đớn trên màn ảnh. Có những thông tin không đúng với sự thật và cũng có thông tin đúng với sự thật được thêm màu mè cho hấp dẫn,  nhưng cái gì thêm thắt thì không còn đúng nữa. Có nhiều kênh chính trị tuyên truyền những cái hay của một đảng phái nhưng chuyên đi nói xấu người khác, tự đề cao bản thân và cố tình bôi nhọ đối tượng mình cho là đối lập. Truyền hình hay phát thanh là một phương tiện của báo chí nên đưa những tin giật gân như cướp bóc, ô nhiễm, tệ nạn, thảm sát, giết người, đánh nhau, chiến tranh, bạo động,… nhưng cái mà họ tường thuật mang tính nói cho hết thời gian và sau đó chẳng hề có bất  cứ giải pháp nào giải quyết vấn đề hay ca ngợi tình thương, nếu có cũng nằm trong phạm vi của tiêu thụ, lên án và tự khen mình. Hôm nay tôi có xem chương trình thời sự 12 giờ của kênh HTV9, trong khoảng 12 tin đưa ra có ít nhất chín tin hoàn toàn không tốt và với cách nói chuyện khá lấp lửng với những câu nhận xét mơ hồ không đi đến đâu, và đặc biệt họ nói chuyện rất nhanh như bị ma đuổi vì sợ không kịp thời gian ngắn ngủi dành cho buổi phát sóng. Với tất cả những điều này nhất thiết phải có kênh truyền hình Phật giáo lấp đầy khoảng trống hớ hênh của truyền hình. Con người xem truyền hình như cái máy xem, vừa xem vừa ăn, nói chuyện hay cười giỡn ồn ào và có khi hoàn toàn dính mắc vào đó. Có người ăn uống, ngủ nghỉ theo tâm trạng của truyền hình nhiều hơn của chính mình. Kênh truyền hình Phật giáo được phát trên toàn thế giới bằng cáp hay vệ tinh với hàng trăm thứ tiếng khác nhau nhằm mục đích giáo dục hay chia sẻ kinh nghiệm chuyển hóa khổ đau, thực tập hạnh phúc hơn là tuyên truyền tôn giáo. Kênh này không nhắm tới việc cổ xúy cho chính trị nhưng lại hỗ trợ người làm chính trị rất nhiều. Khi xã hội có điều kiện thực tập hạnh phúc, họ sẽ theo dõi chương trình và áp dụng vào việc sống sâu sắc trong hiện tại, đồng thời xây dựng môi trường ôn hoà cũng như cộng đồng bất bạo động. Thông tin trên Truyền Hình Phật Giáo Thế Giới không dẫn con người đến siêu hình hay phơi bày khổ đau, mà ngược lại nêu  lên những thực tiễn của hạnh phúc, ôm ấp nỗi khổ niềm đau và chuyển hoá thành niềm an lạc, biến mỗi con người thực tập hoà bình cho tự thân, bảo vệ môi trường và yêu thương muôn loài. Thật vô lý khi có quá nhiều kênh thời sự và giải trí nhưng hầu như không thấy kênh Phật giáo toàn cầu nào. Truyền hình giải trí có bao giờ chứng minh tính hoà bình thực sự của chúng đâu. Con người có quyền thừa hưởng những di sản của Phật giáo, đem tinh thần Phật giáo vào đời sống hàng ngày và sống với niềm tin vào hoà bình của nhân loại. Truyền hình Phật giáo không thể là tờ nhật trình mang tính tường thuật, mà nói về  đời theo hướng hiểu biết và thương yêu hơn là chỉ trích, lên án và tuyên truyền. Theo đó áp dụng không ngừng nghỉ Năm giới Cư sĩ và 14 giới tiếp hiện làm nền tảng cho những lời bình luận, lời khuyên hay lời chia sẻ. Các phát ngôn viên có thể là tu sĩ, cư sĩ hay người thực tập Phật giáo chỉ sử dụng lời nói ái ngữ và hoàn toàn không đứng về phe nào của xã hội hoặc chính trị. Sứ mệnh của họ là xây dựng hoà bình, giáo dục người trẻ tu tâm dưỡng tánh cũng như làm thế nào sống yêu thương đích thực, tận hưởng hạnh phúc chân thật trong hiện tại.

Động đất tại Ý xảy ra rạng sáng 6-4-2009 ở khu vực miền Trung cho thấy con người không hề biết khi nào mình sẽ chết, chết ra sao và làm sao chết. Trong số những người chết, người trẻ không phải ít. Những toà nhà theo kiến trúc Ý dù cổ hay hiện đại cũng sụp đổ minh chứng cho điều mà mình sáng tạo, tự hào hay dính mắc vào cũng trở về cát bụi. Truyền hình Phật giáo khuyên tấn người trẻ tu tập và sống sâu sắc trong hiện tại ngay khi họ còn trẻ, không có đợi đến lúc bệnh tật hay già nua mới tu vì con người sống nay chết mai, biết sống an lạc ngay bây giờ rồi ngày mai chết cũng không nuối tiếc. Liên Hiệp Quốc thành lập kênh truyền hình này không nằm ngoài mục đích đó. Hoà bình mà tổ chức cố gắng xây dựng sẽ tan tành mây khói khi Địa Cầu cứ thiên tai, bệnh tật triền miên. Người giàu hay nghèo đều phải chết và nếu chết bất đắc kỳ tử trong đau đớn vẫn chưa kịp tu tập thì uổng lắm. Anan sử dụng thông điệp của Phật giáo nói chuyện với người trẻ toàn thế giới trên truyền hình Phật giáo về việc gìn giữ Năm giới Cư sĩ và sống an lạc ngay bây giờ, hơn là chạy theo các chủ nghĩa tiêu thụ và đấu tranh cho những điều làm tàn hại con người. Các nhà chính trị ở Ý khi động đất diễn ra đã làm việc hết sức mình để huy động lực lượng cứu người, nhưng nỗi đau mất người thân và tài sản khó có thể chuyển hóa ngay tức khắc mà cần có thời gian. Nhà chính trị biết thực tập hướng dẫn người dân cách thức chuyển hóa khổ đau và sống yêu thương trong từng phút giây của khổ đau. Người thân ra đi nhưng lại được tiếp nối bởi chính người còn sống và sự qua đời của họ không minh chứng cho kết thúc mà sự khởi đầu mới đang diễn ra. Người còn sống vì vậy sẽ sống hạnh phúc và yêu thương hết lòng để sự tiếp nối tốt đẹp, cả người còn sống và chết đều an lành. Buộc tội những người xây dựng kém chất lượng ở Ý làm cho thực tại càng thêm đau khổ. Chẳng có ai hạnh phúc khi đi buộc tội người khác. Chính quyền Ý lo tập trung cứu hộ và giúp đỡ người còn sống trước tiên, sau mới nghĩ đến chuyện tìm hiểu các nguyên nhân gây đau khổ khác.

Kênh truyền hình Phật giáo trực tiếp các bài pháp thoại của tất cả các nhà sư trên toàn thế giới, trong đó không thể không nhấn mạnh các tiết mục giải trí mang tính giáo dục tôn trọng thiên nhiên, đề cao giá trị gia đình và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em. Phần lớn thời gian phát sóng dùng để hướng dẫn thiền tập và chia sẻ các câu chuyện chuyển hóa khổ đau từ người thật việc thật. Những người không thể đến tự viện tu tập có thể sử dụng kênh truyền hình này làm chất xúc tác cho thực tập tại gia, nơi công sở hay văn phòng làm việc. Một chương trình đặc biệt dành cho các nhà chính trị trong việc áp dụng tinh thần Phật giáo vào trong các chiến lược phát triển đất nước của mình. Nhà chính trị đã có đời sống chính trị của riêng họ nhưng đời sống tâm linh làm cho họ thêm có đức tin, chính đức tin này thúc đẩy bản thân sử dụng quyền lực mang âm hưởng của tình thương để quản lý xã hội bằng đức trị hơn là pháp trị. Pháp trị mang tính trừng phạt, tạo sự sợ hãi và trấn áp người khác. Trong khi đó, đức trị mang tính chuyển hóa, bao dung, giáo dục và xây dựng. Sử dụng đức trị vào con đường chính trị tức là sử dụng tôn giáo vào việc chăm nom đất nước. Nguyên thủ quốc gia nuôi dưỡng đất nước mình, không phải cai trị đất nước nên dù nắm quyền sinh sát trong tay cần sử dụng đức trị để không lạm dụng quyền hạn. Làm Tổng thống hay Chủ tịch nước rất khó giữ giới tôn trọng sinh mạng vì một số quyết định phải ban hành án tử hình. Để tránh trường hợp này xảy ra, quốc gia không nên áp dụng bất kỳ án tử hình nào và trong luật không cần thiết có án tử hình. Nhà chính trị thích tôn thờ một vị anh hùng,  người từng làm chính trị hay từng chiến đấu trên sa trường hơn là tôn thờ một người thực tập tình thương. Nhưng dù anh hùng cỡ nào cũng không thể nhắc tới mãi vì thời gian sản sinh biết bao nhiêu vị anh hùng. Chắc chắc trước công nguyên cũng có anh hùng và trong tương lai sẽ có nhiều anh hùng nữa. Anh hùng cần phải định nghĩa lại, người thực sự anh hùng là người chiến thắng được mình, chiến thắng được kẻ thù bằng lòng bao dung, hiểu biết và thương yêu.

Kênh truyền hình có tác dụng xây dựng hoà bình phù hợp với các nền văn hóa khác nhau và được thiết kế theo nhu cầu đa dạng văn hóa. Phật giáo nhất thiết phải được làm mới phù hợp với nhiều ngôn ngữ, vùng miền và khu vực. Những nơi được xem là có hoà bình được truyền tải những thông điệp duy trì và gìn giữ hoà bình, những nơi chưa được coi là chưa có hoà bình sẽ truyền tải những thông điệp kiến thiến, tái tạo hòa bình trên tinh thần xây dựng tình huynh đệ, cùng nhau chung sống an lạc. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hoà bình, các bài tập chuyển hóa khổ đau và rèn luyện hành vi bất bạo động từ trong tâm. Con người đến với nhau vì tình thương hơn là quyền lợi và không có gì tạo ra hố sâu ngăn cách hay không có gì gọi là bảo vệ giá trị một quốc gia nhưng gây tổn hại cho quốc gia khác. Dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, Việt Nam cần xem xét lại và cũng chẳng phải xem xét lại chi, ngưng lại dự án để bảo tồn con người. Lợi ích kinh tế rất quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất. Cái gì cho là quan trọng thì môi trường quan trọng hơn. Những gì cho là quan trọng nhất thì con người quan trọng hơn cả. Chẳng cần hội thảo mất thì giờ ai cũng biết việc khai thác bauxite không chỉ bất hiếu với Tổ Hùng Vương mà còn bất hiếu với dân tộc, con cháu và chắc chắn lịch sử không bao giờ tha thứ cho hành động đi ngược lại sự bảo tồn con người. Kênh truyền hình Phật giáo kêu gọi thực tập hòa bình ngay từ những quốc gia không có chiến tranh, từ việc phát triển kinh tế và từ những bài học trên giảng đường. Kinh tế dù phát triển cách mấy nhưng môi trường không được bảo vệ, đất nước này còn tệ hại hơn cả chiến tranh, vì ô nhiễm môi trường là hình thức khác của chiến tranh. Bây giờ người ta có chiến tranh công nghệ, chiến tranh Internet nhưng không thể nghĩ đến chiến tranh kinh tế, chiến tranh thực phẩm, chiến tranh môi trường. Hồ Chí Minh từng tuyên bố miền Bắc chiến đấu giặc đói và giặc dốt. Nhu cầu phát triển kinh tế không màng gì đến môi trường là một thứ giặc: giặc ô nhiễm. Truyền hình Phật giáo nói lên tác hại về môi trường trên toàn thế giới và sự chảy máu của thiên nhiên toàn cầu để giáo dục con người ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ có bảo vệ môi trường mới đem lại lợi ích kinh tế lớn nhất, khai thác tài nguyên dù trên đất liền hay ngoài biển khơi chưa bao giờ chứng minh cho việc phát triển kinh tế hay lợi ích kinh tế, nói chi đến gìn giữ hoà bình. Lịch sử không thể chứng minh được việc khai thác tài nguyên đem lại hòa bình cho nhân loại.

TG Minh Thạnh