Tâm bình thế giới bình - Tâm an cảnh sẽ an (Phần 3)

Hiệp ước xóa bỏ cấm vận kinh tế và án tử hình – Tâm Bình Thế Giới Bình

Xóa bỏ cấm vận về mặt kinh tế là biểu hiện của tình thương con người hơn là thỏa hiệp hay giải quyết các bất đồng giữa quốc gia này hay quốc gia kia. Mục đích của cấm vận không phải để chống lại một dân tộc mà chống lại một đảng phái hay chính quyền nào đó. Tuy nhiên người gánh chịu hậu quả nhiều nhất là người dân của quốc gia và bỗng nhiên trở thành nạn nhân của các thế lực thù địch và đối đầu nhau. Người dân có thể không đứng về phe nào của quá trình đối nghịch nhưng họ phải gánh chịu hậu quả của tất cả mọi thứ. Cấm vận kinh tế như cuộc chiến tranh ngầm theo kiểu giết người từ từ, theo đó con người không đủ khả năng tiếp cận với thức ăn, thực phẩm, thuốc men hay các điều kiện gia tăng sản xuất. Cấm vận chứng minh cho hiện trạng yếm thế của chính phủ áp đặt lên một chính phủ khác, đồng thời làm giảm đi một người bạn trong quan hệ quốc tế. Thật nghịch lý nếu hai quốc gia ở gần nhưng không thể thăm viếng hay chào hỏi nhau. Cấm vận kinh tế là biện pháp lỗi thời nhất và được cho là không đúng đắn khi một nhà chính trị biết thực tập tình thương. Người dân của quốc gia bị cấm vận không đáng phải chịu khổ, nhất là trẻ em, người già và phụ nữ. Toàn cầu hóa kinh tế thế giới có những mặt tiêu cực nhưng mặt tích cực là không chấp nhận sử dụng quyền lực chính trị tạo các rào cản trong giao thương quốc tế vì điều này chỉ làm kiệt quệ chính nước đi cấm vận mà thôi. Việc Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994-1995 là một cử chỉ thiện chí và bây giờ trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Vậy thì tại sao vẫn còn chần chừ chưa hoàn toàn xóa bỏ cấm vận kinh tế đối với Cu ba, một quốc gia nhỏ bé nhưng vẫn khát khao sống còn trên thế giới đầy dẫy những biến động? Việc xóa bỏ này không có nghĩa chính quyền Hoa Kỳ nhượng bộ chính quyền Cu ba mà việc làm này chứng minh hai nước muốn trở thành bạn bè của nhau, chấm dứt nhiều thập niên thù địch, không chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ mà còn tạo thuận lợi cho người dân Cu ba có thể phát triển, nhất là trẻ em. Thiết nghĩ tất cả các quốc gia tham gia Liên Hiệp Quốc đều ký kết một Hiệp ước mang tên Xoá Bỏ Cấm Vận Kinh Tế hoặc Hiệp ước Không Bao Giờ Cấm Vận Kinh Tế. Với hiệp ước này, tất cả các nước không sử dụng quyền lực chính trị hay mạng lưới đồng minh của mình áp đặt, ngăn cản, cấm đoán việc tự do buôn bán, làm ăn, đầu tư hay chuyển tiền từ các thương vụ chính đáng lên các quốc gia khác. Lịch sử sẽ trả lời về tính chất đúng đắn của học thuyết chính trị, nhưng con người cần ăn để sống và tu tập nên phát triển kinh tế lành mạnh sẽ không được phát huy nếu như con người tại một quốc gia bị cô lập về mặt kinh tế.

Song song với hiệp ước không áp dụng cấm vận kinh tế, các quốc gia cần tham gia Hiệp ước Không Áp Dụng Án Tử Hình. Điều này đồng nghĩa với việc xóa bỏ hẳn lệnh tử hình trong hiếp pháp. Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac là người ủng hộ mạnh mẽ việc đưa nội dung bãi bỏ án tử hình vào hiến pháp. Tính mạng con người không thể bị xâm phạm dưới bất cứ hình thức nào cho dù người đó có tội chồng chất bao nhiêu. Tội không thể giải quyết bằng phán quyết chết vì án tử hình chứng minh cho sự bế tắc của cả một xã hội hay một quốc gia. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tội ác của một con người là do đâu, có phải do hằng hà sa số yếu tố chính trị, kinh tế, môi trường, giáo dục, đạo đức…? Án tử hình ban ra đồng nghĩa với án tử hình cho một chế độ chính trị, một nền kinh tế, môi trường sống, nền giáo dục và đạo đức học… Người nhận án nằm trong tất cả môi trường và chịu sự chi phối của môi trường đó, cho nên hành vi phạm tội của người này do tất cả các môi trường chịu trách nhiệm. Xử bắn người này đồng nghĩa với việc công nhận tội ác của mọi đối tượng vừa nêu. Con người dù thế nào vẫn cần con đường sống. Khi họ được giáo dục và đặt trong hoàn cảnh tốt, chắc chắn họ sẽ trở nên tốt đẹp. Quản trị con người bằng các biện pháp tình thương lúc nào cũng có hiệu quả hơn là sử dụng các biện pháp trừng phạt. Tình thương khiến con người tự giác, còn trừng phạt khiến con người đối đầu khủng khiếp thêm nữa. Các nhà tù cần đổi tên thành Trung tâm Tái tạo và Nuôi dưỡng Tình thương để nhắc nhở tù nhân hãy sống vì tình thương. Năm giới cư sĩ được giảng dạy và thực tập trong nhà tù, khơi dậy bản chất yêu thương vốn có của con người. Bãi bỏ án tử hình đối với mọi tội danh là hành vi cứu người, thể hiện lòng nhân đạo và cam kết chuyển hóa khổ đau. Bất kỳ chính phủ nào còn giữ án tử hình đồng nghĩa với tâm của tập thể chính phủ đó rất bạo động, bản thân còn bạo động như vậy thì làm sao có đủ khả năng gìn giữ hoà bình cho đất nước. Trái đất nóng lên là bản án tử hình cho toàn nhân loại rồi, con người không nhất thiết phải đặt ra bất kỳ án tử hình nào nữa.

Chính quyền thường thích cấm cái này cái kia và điều cần phải cấm hơn cả là cấm sử dụng súng, vũ khí, và các chất độc có liên quan. Tiền bạc đâu phải để sản xuất vũ khí mà nên dùng vào việc nghiên cứu bảo vệ môi trường. Vũ khí dù đơn giản hay phức tạp, dù thô sơ hay hiện đại chưa bao giờ chứng minh tính chất hòa bình của nó. Nhiều người làm giàu nhờ buôn bán vũ khí. Thực chất họ đang nghèo đi mà không biết. Nếu hạn chế việc sử dụng súng bằng cách không cấp giấy phép cho những người tâm thần thì cũng vậy thôi, bất cứ ai dùng súng đều có triệu chứng tâm thần hết. Các thợ săn dùng súng bắn chết con thú và bây giờ con người lại dùng súng bắn chết chính con người hoặc chính mình. Nếu như cấm vận thì cấm vận vũ khí là tốt nhất. Những người chuyên chế tạo bom hay vũ khí và tự hào về những sản phẩm của mình là những người điên rồ. Họ cần thực tập về tình thương và tham gia các khoá tu học cách làm thế nào để yêu thương đích thực. Quốc gia nói không với vũ khí, kể cả các loại súng săn là quốc gia khôn ngoan. Sinh mạng con người quý giá không có gì có thể đánh đổi. Không thể vì lợi nhuận của các tập đoàn vũ khí hay lợi ích kinh tế mà đem sinh mạng để trên đầu ngọn súng. Ngân sách quốc gia cần cho y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường, còn đem đầu tư mua các máy móc hay trang bị quân đội nhằm tăng cường khả năng bắn giết chỉ làm cho đất nước thêm cằn cỗi và nghèo nàn đi.

Cuộc chiến tại Iraq là một bản án tử hình tập thể, dân chủ và hoà bình đâu chưa thấy, chỉ thấy số lượng người chết cứ tăng dần theo năm tháng. Con người làm nô lệ cho những quan điểm của chính mình và tuyên bố gìn giữ hoà bình bằng chiến tranh. Ở đâu có súng đạn, ở đó có chiến tranh. Thường dân vô tội Iraq chết không biết bao nhiêu. Đây là một thứ án tử hình không cần có toà án phán quyết, không cần luật sư bào chữa và không cần đọc bản án. Chiến tranh phải có chết chóc, đó là chuyện đương nhiên nhưng tại sao hơn 20 thế kỷ đấu tranh cho hoà bình, con người chưa bao giờ có hoà bình thực sự? Sử dụng súng đạn xây dựng hoà bình và dân chủ không thể chứng minh thành công của nó và con người làm nạn nhân trong khi đáng được hưởng hoà bình và dân chủ. Con người tự ban cho mình án tử hình nên không cần ai phải phán quyết nữa. Những người được xưng là anh hùng lại là những người sát hại sinh mạng nhiều nhất. Đề cao những người như vậy đồng nghĩa với việc cổ xúy cho hành vi bạo động, thích chém giết và còn lâu mới thấy hòa bình. Những nghiệp xấu trong quá khứ hay tiền kiếp đẩy một người ra chiến trận, làm người lính, thậm chí bắn giết ngay chính đồng bào của mình. Họ trở thành anh hùng vì không tiếc thân mạng hy sinh cho tổ quốc nhưng nếu nhìn kỹ, con người đang chém giết vì ý thức hệ nhiều hơn gìn giữ hòa bình. Ý thức hệ mang tính vô thường do con người đặt ra, sống chết vì nó giống như tôn thờ cái ảo, chết vì cái ảo thì làm sao có hoà bình bền lâu được. Nhiều nước tại châu Phi trong cơn đói khát, hạn hán, dịch bệnh đang cần cứu trợ trong khi quốc gia khác sử dụng tiền của dân để chế biến và sản xuất vũ khí nhằm tiêu diệt lẫn nhau. Tổng số tiền phục vụ chiến tranh có thể xây dựng sự thịnh vượng cho một châu lục, thậm chí toàn cầu, giúp con người thoát khỏi nghèo đói và bảo vệ Địa Cầu. Nhưng chúng không được sử dụng như vậy, chúng dùng vào mục đích chiến tranh hơn. Con người đừng than thân trách phận nữa. Con người mãi sống trong chiến tranh vì con người thích thế, bằng chứng là con người đã hành động như vậy.

Anan kêu gọi chính quyền Baghdad thiết lập an ninh và hoà bình cho quốc gia mình để không biến đất nước thành một bãi xử bắn. Cấm vận vũ khí tức là nói không với việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và sử dụng vũ khí, không phải là cấm việc giao thương hàng hóa vũ khí. Nhà chính trị dứt khoát nói không với cấm vận kinh tế vì con người đến gần nhau thông qua các hoạt động kinh tế và tình thương hàn gắn con người lại với nhau. Bãi bỏ án tử hình và chấm dứt chính sách chiến tranh, cho phép con người có cơ hội sống còn thực tập thay đổi, sống có ích cho cộng đồng. Bản thân nhà chính trị thực tập tình thương để không dính mắc vào việc đưa ra các quyết định tử hình người khác hay phát động chiến tranh. Người Việt Nam hay nói: Một câu nhịn, chín câu lành. Nhường nhịn thích hợp để có hoà bình còn đòi lấn lướt thì chiến tranh xảy ra và con người gánh chịu hậu quả tất cả.


Hiệp ước tất cả vì trẻ em và môi trường – Tâm Bình Thế Giới Bình

Theo UNICEF, rất nhiều trẻ em trên khắp thế giới bị lạm dụng, bị bóc lột, bị buôn bán vì mục đích tình dục, lang thang không nơi nương tựa rất nhiều. Bên cạnh đó còn có trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ nghèo đói phải làm việc, trẻ bị bỏ rơi, bị nhiễm bệnh và thất học. Bộ phim Triệu phú ổ chuột “Slumdog millionaire” đã vạch trần bộ mặt của nghèo đói, trong đó trẻ em phải tự kiếm sống, không được giáo dục và không thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế. Hoàn cảnh đã đẩy trẻ em vào những con đường cơ cực và hết sức nguy hiểm trong khi gia đình quá túng thiếu hoặc không được quan tâm đúng mức của xã hội. Tình trạng tội phạm trẻ em và vị thành niên tăng lên  mà nguyên nhân đâu phải tại các em, hoàn cảnh đã bắt các em như vậy. Chiến tranh, kinh tế suy thoái, môi trường xuống cấp… làm cho trẻ em chịu thiệt thòi nhiều hơn tất cả. Trẻ em đâu đáng phải bị đối xử như thế. Thế giới này là của trẻ em, đâu phải của các tập đoàn kinh tế, các thế lực chính trị hay sự thống trị của tiền bạc. Sự suy đồi về đạo đức đưa các yếu tố xã hội xuống cấp và trẻ em phải hứng chịu. Trẻ em từ khi còn là phôi thai hay bào thai đã bị người ta vứt bỏ và giết chết. May mắn được chào đời thì ngày đón nhận ánh bình minh cũng là ngày rớt vào địa ngục vì bị bỏ rơi. Đến lúc lớn lên làm đủ thứ việc để có được bữa ăn, chưa nói đến điều kiện sinh hoạt hết sức tồi tệ. Các bậc cha mẹ hãy nhìn lại, nếu chưa đủ khả năng chăm lo cho các sinh mạng bé nhỏ, thì phải biết gìn giữ bản thân và học các phương pháp tình dục an toàn. Nếu đã có con thì phải chịu trách nhiệm về điều kiện sinh sống và hoàn cảnh của các sinh mạng đó.

Trẻ em đẹp như một bông hoa và nếu không được chăm sóc và giáo dục sẽ trở thành những bông hoa héo. Xây dựng cho trẻ em một niềm tin về cuộc sống để biết rằng cuộc đời trên thế gian này rất đẹp. Hướng các em sống thiện bằng cách giáo dục và thực tập các giá trị đạo đức làm người. Người lớn cứ mải mê với các trò chơi của họ và bỏ mặc trẻ thơ sẽ có tội với bản thân, cộng đồng và dân tộc. Con cái là sự tiếp nối của cha mẹ, để cho sự tiếp nối kia èo uột là phản bội với tổ tiên và nhân loại. Nạn bạo hành và ngược đãi trẻ em xảy ra khắp nơi. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của trẻ và chúng trở thành nạn nhân của bạo động, cho đến khi lớn lên, trưởng thành vẫn khó có thể xóa nhòa. Các nhà chính trị khoan hãy chỉ trích nhau hay cố gắng xây dựng quyền lợi cho riêng mình mà hãy chung tay bảo vệ và phát triển trẻ em .

Trẻ em là niềm vui ở hiện tại và nền tảng tương lai. Trẻ thơ chính là sức mạnh dân tộc và tương lai đất nước nên giáo dục trẻ em những điều sai lệch và nhồi sọ có thể đưa cả dân tộc đi chệch hướng tới 100 năm hoặc hơn nữa. Nhà chính trị lợi dụng quyền lực áp đặt nền giáo dục theo kiểu nhồi sọ hay giáo dục bạo động chắc chắn sẽ tạo ra một xã hội bạo động, xói mòn đạo đức và khả năng chuyển hóa rất chậm. Số lượng trẻ em bị tai nạn, tự tử và bạo động xuất hiện khắp nơi không chỉ chịu tác động từ phim ảnh mà còn yếu tố gia đình và hành vi bắt chước người lớn. Nhà chính trị xây dựng hoà bình trước hết vì trẻ em và tất cả mọi lợi ích kinh tế đều phải có khả năng phục vụ cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Trẻ em có quyền vui chơi và học hành nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong chính trị. Tiếng nói trẻ em có hiệu lực rất lớn nên cần được lắng nghe. Liên Hiệp Quốc khuyến khích các quốc gia thành lập Bộ Trẻ Em hay Bộ Thiếu Nhi theo đó thiếu nhi có thể tham gia ứng cử vào quốc hội và làm bộ trưởng cũng như đưa ra quyết định cho chính mình. Thật ngạc nhiên khi cho rằng trẻ em đứng vị trí số một trong các vấn đề ưu tiên nhưng không được tham gia vào các quyết định liên quan đến mình. Trẻ em không phải là món hàng đem rao bán hay đánh đổi mà là mầm sống của cả dân tộc hay Địa Cầu này, bảo vệ trẻ em sẽ giúp cho người lớn hay người già được tiếp nối đúng đắn. Người già thích chơi đùa hay trò chuyện với trẻ em, đơn giản vì họ thấy mình như một đứa trẻ cần được chăm sóc và quan tâm. Vận động tranh cử hay cổ xúy cho các phong trào chính trị nên hướng đến sự an toàn và phát triển trẻ em. Trẻ em chưa bao giờ được quan tâm đúng mức nên mọi hoạt động vì trẻ em từ trước đến nay vì thế chưa bao giờ là đủ. Nhà chính trị chạy theo quyền lợi quá nhiều, còn trẻ em giống như được xem là đứng ngoài của tiến trình. Thử nhìn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người ta thường đổ tiền cứu trợ vào các tập đoàn tài chính nhiều hơn vào các tổ chức thiếu nhi, quỹ bảo trợ nhi đồng hay tập trung giáo dục trẻ em. Đứa trẻ ngoan hay hư đều do người lớn và vì trẻ em người lớn phải biết tu tập và dạy trẻ nhỏ tu tập, không phải cung phụng đầy đủ vật chất rồi được mệnh danh là cứu trợ trẻ em. Ngày nào đó đứa trẻ lớn phồng lên thành người lớn, hãy giúp cho em có đường đi đúng đắn, không đi vào con đường của dục vọng hay là nạn nhân của các trò hề chính trị. Nhà chính trị thực tập tâm từ không bắt ép trẻ em đi theo những lý thuyết sáo rỗng hay mớ học thuyết nhồi sọ, dù là tư sản hay cộng sản. Trẻ em xứng đáng hưởng tâm từ của người lớn hơn là bị sắp đặt theo lối có lợi cho người lớn. Điều có lợi cho nhà chính trị nhưng có hại cho trẻ em trong hiện tại và về lâu dài thì điều này có phải là lợi không hay thực chất con người đang lợi dụng trẻ em để xây đắp nền móng cho mình. Anan đề cao tinh thần chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Dĩ nhiên trẻ em phải có tiếng nói đích thực, người lớn không thể sử dụng quyền lực của mình áp đặt trẻ em phải như thế này phải như thế kia mà chỉ nên hướng trẻ em trên con đường đạo đức đúng đắn. Nói rằng đạo đức đúng đắn vì trên đời đầy dẫy đạo đức giả, có những đạo đức giả bị lầm tưởng là đạo đức đúng đắn. (17)

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ trẻ em. Các tổ chức hay nền chính trị nào biết cách và toàn tâm toàn ý bảo vệ môi trường xứng đáng làm bảo mẫu cho trẻ em. Còn ngược lại suốt ngày tìm cách để ra đủ thứ dự án tàn hại môi trường thì nhà chính trị là người vô cảm, không còn một chút tình phụ tử hay mẫu tử nào nữa. Môi truờng bị đối xử tệ bạc vì con người không biết trân quý trẻ em. Trẻ em bây giờ phải hứng chịu không biết bao nhiêu bệnh tật, thực phẩm không đảm bảo và ô nhiễm bởi các trò của người lớn. Người lớn bày trò đủ thứ và họ gánh chịu hậu quả, nhưng trẻ em gánh chịu hậu quả hơn cả thảy. Trẻ em còn bị ‘stress’ huống chi là người lớn. Nguyên nhân là do môi trường. Có những toà nhà cao tầng mọc lên không có nổi một cây xanh và cây xanh bị đốn ngã để xây dựng khu công nghiệp hay tô điểm cho cái gọi là lợi ích kinh tế. Nhà chính trị phải có đạo đức môi trường, tức là hành xử với môi trường một cách có đạo đức. Tâm niệm khai thác tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế không thể chứng minh một nhà chính trị hay một nhà kinh tế có đạo đức môi trường được. Tiêu chuẩn để bầu chọn Tổng thống hay Thủ tướng không thể không tính đến tiêu chuẩn đạo đức này. Hiệp ước Bảo Vệ Môi Trường là cam kết gìn giữ đạo đức môi trường bằng những hành động và phương án cụ thể, theo đó con người không được xâm hại môi trường và nên đề cao vai trò bảo vệ sự sống của môi trường. Nguyên thủ quốc gia có thành công hay không là do biết cách bảo vệ trẻ em và vì lòng khát khao bảo vệ trẻ em nên luôn bảo vệ môi trường bằng bất cứ giá nào. Con người dù nghèo đói cách mấy hay kinh tế kiệt quệ cách mấy không bao giờ tìm cách phá bỏ môi trường cả bởi vì chính sách hay dự án nào mang tên khai thác tài nguyên hay đốn ngã cây xanh luôn là chính sách không đúng đắn. Than đá khai thác rồi cũng hết, dầu lửa sử dụng rồi cũng hết. Dính mắc vào cái ‘rồi cũng hết’ là đi vào thế giới của đoạn diệt mà cái gì đoạn diệt sẽ gây ra đau khổ mà thôi và điều gì làm cho người lớn đau khổ nhất, trẻ em gánh chịu nhiều hơn cả.

Nhà chính trị thường dựa dẫm vào khoa học để ngụy biện cho năng lực phá hủy môi trường của mình. Chiến tranh tàn hại thiên nhiên ngay lập tức và phát triển kinh tế làm cho thiên nhiên chết từ từ. Nếu nói khoa học là số một thì tại sao khoa học không thể cứu vãn được Địa Cầu và ngăn chặn nhiệt độ gia tăng. Những căn bệnh thời đại xuất hiện không ngừng với sự hỗ trợ của các loại vi khuẩn mới. Nhà khoa học không thể tìm kiếm nhanh chóng loại vaccine hay thuốc trị bệnh cho chủng loại bệnh đang làm dày danh sách “các căn bệnh chưa có thuốc trị”. Có người đang cố sức bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật lại có người đang ra sức phá hoại thiên nhiên hay giết hại động vật. Vụ án sát sinh động vật quí hiếm do một người Việt Nam chủ mưu xảy ra tại Nam Phi để lấy các bộ phận của chúng nhằm bán kiếm tiền chứng minh cho việc tiền bạc làm con người rối trí và mờ mắt như thế nào. Chung qui chỉ vì đồng tiền thôi. Con người có khả năng sống chung với thiên nhiên và các loài động vật. Đừng biến thiên nhiên hay động vật trở thành các loài khủng long tuyệt chủng để rồi vài trăm năm nữa, trẻ em không biết thế nào là đàn thiên nga bơi đùa lãng mạn giữa hồ nước xanh. Nhiều khi lúc này người ta tìm thấy xương hóa thạch của một con thiên nga!? Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ các loài động vật, cho chúng có môi trường để sống và nhất là trẻ em. Trẻ em cần không gian để thở và sinh hoạt. Xây đắp thiên nhiên là xây đắp trẻ em, nên nói bảo vệ trẻ em phải nói bảo vệ thiên nhiên. Hiệp ước bảo vệ trẻ em và thiên nhiên phải đi chung như vậy.


Hiệp ước cùng sống chung an lạc trên trái đất – Tâm Bình Thế Giới Bình

Thế giới này không có gì tai hại bằng sự bất hoà. Bạn bè bất hòa vì tranh giành nhau, gia đình bất hòa vì không biết nhường nhịn, các quốc gia bất hòa vì ai cũng muốn hơn thua. Liên Hiệp Quốc bất hoà chắc thế giới này còn nổi loạn hơn nữa. Sở dĩ có sự bất hòa vì ai cũng cho mình đúng, sĩ diện quá lớn và bị cái tôi ngu xuẩn làm chủ. Hiệp ước Cùng Sống Chung An Lạc Trên Trái Đất được ký kết bởi tất cả quốc gia với lời cam kết cùng thực tập để lắng nghe, thấu hiểu, thông cảm, tha thứ và hoà giải. Những người trong cuộc bất hoà đau khổ rất nhiều, chẳng có gì sung sướng nhưng vẫn thích vướng vào. Nhưng người xung quanh phải chịu thiệt thòi. Hai vợ chồng cãi nhau vì quan điểm bất đồng, đứa con chịu nhiều áp lực và sầu khổ hơn cả. Hai quốc gia đánh nhau, người dân gánh chịu mọi hậu quả. Sự giao tranh giữa chính quyền Sri Lanka và lực lượng hổ Tamin, người dân phải chạy di tản và không thể an cư nơi chỗ cũ được nữa. Người gây ra đau khổ cho mình rồi gieo rắc đau khổ đó cho nhiều người khác theo kiểu trả thù đời càng nhúng bản thân vào sự tột cùng của đau khổ. Nguyên nhân của bất hòa chủ yếu vì tranh chấp hơn thua kém bằng, chứng minh quyền lực và tranh giành địa vị. Nếu xóa bỏ tất cả những thứ tà dục như vậy, con người khỏe re, sẵn sàng đón nhận những nguồn an lạc ngay trên Địa Cầu này.

Cộng đồng cần thực tập nếp sống nhu hoà và nhường nhịn. Trẻ con bây giờ hay nóng giận và cáu gắt vì bị ảnh hưởng của thời tiết hay tác động của môi trường sống. Người lớn có khác gì nhiều lúc chẳng kiềm chế được mình. Quí trọng sự hoà thuận thì làm việc gì cũng trôi chảy. Anan chỉ mong muốn áp dụng chủ nghĩa hoà thuận vào các đường hướng của mình hơn là trừng phạt, cấm vận hay gửi quân đi gìn giữ hoà bình. Một tổ chức phải có sự hoà thuận, hoà thuận dẫn đến đoàn kết, có vui cùng hưởng có họa cùng chia. Thế giới an lạc luôn có mặt của sự hoà thuận. Trong gia đình, gà cùng một mẹ không nên đá nhau. Trong đất nước, bầu và bí cùng leo chung một giàn. Trên trái đất, con người ủng hộ và thực tập hành vi không phân biệt giữa các sắc tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, giới tính… Máu của ai cũng đỏ và nuớc mắt của ai cũng mặn nên hoà thuận với nhau cùng sống chung an lạc, xóa bỏ tất cả địa ngục trần gian. Địa ngục không nằm ở đâu xa xôi, nó ngay Địa Cầu này. Chỉ cần tạo ra một trận bất hòa nhỏ xíu cũng đủ thấy địa ngục đang hiện tiền rồi.

Liên Hiệp Quốc và nhà chính trị áp dụng sáu pháp hoà hợp mà đức Phật đã dạy nhằm xây dựng an lạc cộng đồng dân cư, an ninh khu vực, hoà giải dân tộc và hoà bình thế giới. Pháp thứ nhất là cùng chung sống dưới một mái nhà, một quốc gia, một khu vực, một châu lục và một quả Địa cầu. Sống chung cùng hưởng thái bình, đoàn kết cùng chống lại thiên tai bệnh tật và sữa chữa những lỗi lầm làm cho Địa Cầu nóng lên. Pháp thứ hai là sử dụng lời nói ái ngữ chỉ để nói lời hòa giải, hiểu biết và thương yêu mà thôi. Cái miệng không thể bị ô nhiễm nên sử dụng cái miệng xây đắp hoà bình. Hoà bình hay chiến tranh do lời nói mà ra, một lời nói có thể gây tan nát tất cả, chiến tranh bùng nổ nhưng một lời nói có thề hàn gắn tất cả, hoà bình lên ngôi. Mọi âm mưu chiến tranh và bạo động đều phải từ chức, nhường ngôi cho hoà bình và bất bạo động. Pháp thứ ba là gìn giữ ý tứ và suy nghĩ của mình. Con người thích những câu chuyện gây sốc nên cố gắng nhào nặn và chế biến những sản phẩm gây sốc. Đó là những suy nghĩ rạn nứt, gây chiến, bất cảm thông và sợ hãi. Khi tâm địa hoà hợp, con người đến với nhau vì tình người, không phải đến với nhau vì quyền lợi. Các quốc gia lên bàn đàm phán cứ mãi nói những câu sáo rỗng như quyền lợi quốc gia hay giá trị đất nước mà chưa bao giờ dám nói vì tình người cả. Đàm phán vì tình người thì làm gì có chuyện chỉ trích và bỏ ra về khi hội nghị thương thảo chưa đến hồi kết thúc. Pháp thứ tư là thực tập giới hạnh, giữ gìn đạo đức và rèn luyện tâm ý. Tu sĩ có giới luật, gia đình có kỷ cương và quốc gia có phép nước. Tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc ứng xử chung được đề cao bởi các nhà đạo đức có thể giữ cho xã hội ổn định. Quốc gia nào càng ít có thông tin gây sốc càng tốt vì bình yên có mặt nhiều hơn. Ít thông tin gây sốc không có nghĩa là che dấu sự thật mà nói lên sự thật và xã hội chỉ ổn đinh thực sự khi sự thật được tôn trọng. Đạo đức con người phải thực tập trước đã mới nói đến đạo đức cộng đồng hay xã hội. Cộng đồng là tập thể mang yếu tố cá nhân. Cá nhân có đạo đức thì cộng đồng mới có đạo đức. Hoà hợp về đạo đức và quản lý xã hội bằng đức trị đưa thế giới đến chân thiện mỹ nhiều hơn bằng pháp trị hay quyền lực trị. Pháp thứ năm là hiểu biết và thương yêu. Những bất hoà được giải quyết bằng lắng nghe, chia sẻ và hòa giải. Khi hiểu được nhau, các quốc gia dễ dàng thông cảm và yêu thương tất cả quốc gia khác. Nhà chính trị biết cách làm việc không chỉ yêu thương dân tộc mình mà còn tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Pháp thứ sáu là bình đẳng. Điều này đem lại sự hòa hợp Địa Cầu, đơn giản bất bình đẳng là nguyên nhân lớn nhất khiến con người không thể hoà thuận được. Phân chia giai cấp và phân biệt đối xử được lịch sử nhắc đến không biết bao nhiêu lần vì chúng mang chiến tranh đến cho nhân loại. Chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, ý thức hệ cũng bởi tâm phân biệt mà ra. Thực tập tâm bình đẳng, nhà chính trị thấy rằng mình phục vụ cho đại đa số nhân loại, không phải cho một nhóm người nhỏ bé nào đó. Đây là sứ mệnh của nhà chính trị, không chỉ phụng sự quốc gia mà phụng sự nhân loại. Nhật Bản sử dụng đồng tiền của họ đầu tư khắp nơi trên thế giới, thực chất đang giúp đỡ chính nước của họ. Cho nên muốn quốc gia mình hoà bình, mình phải góp tay vào việc gìn giữ hoà bình của thế giới. Không có gì gọi là công việc nội bộ, công việc này mà không giải quyết được để nó bùng nổ ra cả khu vực, cái gọi là nội bộ kia có thể gây chiến tranh. Lắng nghe người khác đóng góp ý kiến về công việc nội bộ của mình khiến mình giải quyết công việc nhanh chóng và tạo dựng môi trường chính trị hoà dịu hơn. (18)

Sự nóng lạnh của chính trị khiến cho việc áp dụng sáu pháp hòa hợp trở nên rất quan trọng trong việc đem lại tính quân bình cho môi trường chính trị. Các quốc gia bắt tay nhau làm lành và sống đời thân thiện sẽ khiến cho một số quốc gia chuyên gây hấn bị cho ra rìa nhưng nếu họ đồng ý hòa giải, thế giới luôn sẵn sàng bầu bạn với họ.  Chung sống hoà bình là nhu cầu của nhân loại và bất cứ nhà chính trị nào cũng am hiểu nhu cầu đó nên mọi chính sách ngoại giao đều nhằm nhu cầu này. Muốn thế giới sống chung thì người trong nước phải có khả năng sống chung. Trong nước ổn định thì khu vực và thế giới mới ổn định. Xây dựng nền chính trị an lạc theo đó dù một đảng hay nhiều đảng cũng có thể đoàn kết và bổ sung cho nhau. Kết hợp của nhiều bổ sung khiến nền chính trị thêm toàn diện. Đối với đa đảng, việc nhận xét đảng kia chỉ làm cho đảng kia tốt hơn lên và sự hoà hợp giữa các đảng mang đến lợi ích cho dân chúng rất nhiều. Đối với một đảng, người dân có quyền được lắng nghe và đánh giá đảng cầm quyền theo đó người dân làm chủ mọi quyết định của đảng. Độc đảng hay đa đảng, tiếng nói và sự hợp tác của người dân là quan trọng nhất bởi vì đảng phục vụ dân chứ không thể nào dân phục vụ đảng được. Dù là Obama hay Chavez, đã lãnh đạo đất nước thì lấy dân làm gốc, không phải lấy học thuyết của bản thân làm gốc. Hòa hợp gần gũi với dân chúng giúp nhà lãnh đạo thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của dân và vì thế chỉ ban hành những chính sách có lợi cho dân mà thôi.

Tất cả con người dù thuộc dân tộc nào đều là bà con hay anh em của nhau mà đã vậy thì không gây chiến tranh mà sống hoà thuận êm thấm. Ngày Trái Đất đánh dấu sự kiện con người không chỉ chung tay xây đắp lại môi trường mà còn tom góp hạnh phúc của tình huynh đệ. Viễn cảnh của thế giới không cho phép nhà chính trị đưa đất nước vào thế đối đầu mà hợp tác để giải quyết các vấn đề chung toàn cầu như môi trường hay bệnh tật. Kỷ nguyên đối đầu đã chấm dứt và kỷ nguyên này nên là kỷ nguyên của hợp tác, thiện chí và hòa bình. Bất cứ phe phái nào đi ngược lại kỷ nguyên này tức là chống lại loài người và chống lại chính bản thân họ. Vấn đề của nhà chính trị không phải là ai đúng ai sai mà làm thế nào có thể sống hoà hợp trong sự an ninh vẫn còn mỏng manh của thế giới. Một khi thế giới hòa hợp, con người không mảy may phân biệt bất cứ thứ gì và có nhiều điều kiện chia sẻ hạnh phúc hơn. Các học thuyết về hạnh phúc và hoà bình hãy đem ra áp dụng thay thế các học thuyết về chiến tranh. Diện tích đất đai ngày càng thu hẹp do nước biển dâng cao nhưng vẫn còn đủ chỗ cho tất cả mọi người sống chung an lạc. Chiến tranh luôn gây ra những thương tổn và mất mát trong khi hoà bình chỉ làm duy nhất công việc là hàn gắn và hoà giải. Cha mẹ nhìn hai đứa con đấu đá nhau chắc chắn buồn lắm và tổ tiên nhìn hai quốc gia gầm gừ cũng không lấy làm vui. Trong cuốn từ điển nên xóa bỏ hai chữ kẻ thù và đặt ra hàng triệu từ mới có nghĩa bạn bè. Đơn giản bạn bè mang tới hạnh phúc và thịnh vượng, còn kẻ thù chỉ chất chứa khổ đau và nghèo đói. Thực tập hoà giải để mọi xung đột vắng mặt. Hạnh phúc đích thực khi con người lìa bỏ những tranh giành và đối đầu, dành thời gian để yêu thương và lắng nghe nhau.


Hiệp ước giữ gìn tiết hạnh và tôn trọng sự sống của bào thai – Tâm Bình Thế Giới Bình

Cả người nam và người nữ đều phải giữ gìn tiết hạnh bởi vì việc quan hệ tình dục với người không phải là chồng hay vợ của mình hay việc sống thử thực tế cho thấy chưa bao giờ giải quyết được sự cô đơn của con người mà còn làm gia tăng thêm nhiều đau khổ. Năng lượng đau khổ khi bị chà đạp tiết hạnh hay chối bỏ trách nhiệm lên cao đến nổi lấn át cả nỗi đau chiến tranh và chính điều này làm cho người không còn khả năng hoà bình. Thật vô lí nếu chỉ đề cao việc giữ tiết hạnh của nữ giới còn nam giới thì không. Người nam vẫn phải biết giữ mình trước những cám dỗ xác thịt và nói không với các quan hệ không lành mạnh. Người trẻ tìm đến con đường quan hệ tình dục để khỏa lấp các khoảng trống thời gian nhiều đến nỗi các nhà đạo đức học phải lên tiếng cảnh báo về sự suy đồi của giới trẻ. Nhà chính trị cũng không thể đứng ngoài việc này. Tuy nhiên khó có thể lên án họ trong khi đủ thứ văn hóa đồi truỵ hay văn hóa sống thử tràn lan khắp nơi. Đây là những thứ giặc mà nhà chính trị phải vào cuộc, không chỉ khoán việc giáo dục đạo đức cho nhà trường hay tôn giáo. Hiệp ước Giữ Gìn Tiết Hạnh không phải ký giữa các quốc gia mà ký kết giữ gia đình và con cái, cộng đồng và người trẻ, xã hội và người dân, theo đó mọi người cam kết bảo vệ thân và tâm của mình được trong sạch. Liên Hiệp Quốc đưa ra hiệp ước này không nhằm mục đích chính trị nhưng đích thực nó mang hơi hướm của chính trị. Chính trị xây dựng trên nền tảng đạo đức nên nói hiệp ước này liên quan đến chính trị không hề sai. Nhiệm vụ của nhà chính trị không chỉ thiết lập một xã hội ổn định mà còn một xã hội có đạo đức. Giữ gìn tiết hạnh luôn mang giá trị đạo đức hiện đại nhất và không bao giờ lỗi thời. Khi xã hội thực sự có đạo đức, giá trị gia đình được bảo vệ, nhà chính trị làm việc dễ dàng hơn nhiều.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn tiết hạnh là quản trị sự tự chủ. Những hành vi quan hệ tình dục không lành mạnh đều do sự tự chủ yếu kém. Người không thể tự chủ bản thân trước đòi hỏi của xác thịt luôn ở trong tình trạng của chiến tranh vì bị thúc ép và đau khổ khi không được thỏa mãn. Các điều kiện dẫn đến việc không thể tự chủ quá lớn khiến cho bản thân buông trôi. Người có khả năng tự chủ bởi tà dục có thể tự chủ được sự nóng giận hay si mê. Chiến tranh giữa người trẻ hay các gia đình xảy ra vì sự tự chủ thật sự yếu đuối. Môi trường và điện ảnh có nhiều tác động tiêu cực đến người trẻ khiến họ lao vào các trò chơi dục tình như con thiêu thân. Việc ăn uống quá mức khiến năng lượng tình dục tăng trưởng và các đòi hỏi về tình dục vì thế cũng tăng theo. Có thai ngoài ý muốn là hậu quả của những cuộc tình chóng vánh và khi chối bỏ trách nhiệm, con người lại tìm đến con đường phá bỏ bào thai. Đây là hành vi gây chiến tranh to lớn và nguy hiểm nhất không gì có thể miêu tả nổi tác hại của nó. Anan kêu gọi người trẻ cùng nhau ký kết vào Hiệp ước Tôn Trọng Sự Sống Bào Thai với mục đích khuyến khích người trẻ phải biết bảo vệ nhau, gìn giữ những sinh mạng mới và chịu trách nhiệm về hoàn cảnh cũng như sự giáo dục đối với các sinh mạng này. Nhà chính trị tạo điều kiện cho người trẻ thực tập sống có trách nhiệm trong tình yêu. Môn học Quản Trị Trách Nhiệm nên đưa vào học đường giáo dục mọi người cách sống có trách nhiệm. Chiến tranh xảy ra vì con người sống vô trách nhiệm với bản thân và sinh mạng người khác. Tôn trọng sinh mạng là ý thức về tôn tạo hòa bình và chán ghét chiến tranh.

Dưới đây là một bức thư đã được gửi tới Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kiến nghị chính phủ nước này cần bảo vệ sự sống bào thai và sự sống tế bào gốc. Bức thư không chỉ là thông điệp đối với Hoa Kỳ mà còn là thông điệp với tất cả các quốc gia, bất cứ nhà khoa học hay bất cứ người nào đã ban hành luật lệ, tạo điều kiện, ủng hộ việc phá thai và nghiên cứu tế bào gốc nên có tình thương với con cháu của mình mà ra sức bảo vệ sự sống, cho dù nhỏ nhặt nhất. Người có tình thương sẽ đọc bức thư này thật kỹ và không bỏ qua nó dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Từ: TG Minh Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam

Đến: Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Barack Obama

Thủ đô Washington

Hoa Kỳ

Về việc:   Chia sẻ với Tống thống về Đề nghị ban hành trở lại lệnh cấm tài trợ nghiên cứu tế bào gốc và lệnh cấm tài trợ phá thai (bằng tiếng Việt và bằng tiếng Anh)

Kính chào Ngài Tổng Thống!

Tôi là một người tu tập trẻ tại Việt Nam và thực tập theo các lời dạy theo đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật cũng giống như đức Chúa giáo hóa và khuyến khích mọi loài chúng sinh thực tập tình thương, bảo vệ sự sống của muôn loài cho dù loài đó được sinh ra từ bào thai, từ trứng, từ biến hóa hay từ nơi ẩm thấp. Mọi loài đều sợ chết và bản thân con người ai cũng sợ chết, cho nên nếu Ngài trân quý và bảo vệ sự sống của chính Ngài, gia đình Ngài, dân tộc Ngài và toàn thế giới, thì Ngài sẽ ban hành trở lại lệnh cấm tài trợ phá thai và lệnh cấm tài trợ nghiên cứu tế bào gốc. Bức thư này là sự chia sẻ về tình thương với Ngài và chính phủ của Ngài với niềm tin rằng Ngài vẫn còn tình thương, vẫn có tình thương, năng lượng tình thương của Chúa, năng luợng tình thương của Phật trong Ngài vẫn còn. Tình thương sẽ thôi thúc Ngài bảo vệ sự sống bào thai và sự sống tế bào gốc.

Sự kiện một người da màu đầu tiên lên làm Tổng thống Hoa Kỳ là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ không phân biệt sắc tộc và mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau. Điều này mang lại niềm tin cho nước Mỹ và các quốc gia khác trên toàn thế giới về một nền hòa bình không chỉ ở nước Mỹ mà còn phần còn lại của thế giới. Hoà bình đồng nghĩa với tôn trọng sự sống, trong đó mọi người dân có quyền bảo vệ mạng sống của mình một cách chính đáng và mạng sống bắt đầu từ phôi thai hay bào thai. Hoà bình chắc chắc không có mặt khi cái gọi là quyền phá thai và nghiên cứu tế bào gốc được sử dụng. Hoà bình không chỉ có nghĩa là chấm dứt chiến tranh mà hoà bình còn có nghĩa vắng mặt mọi khổ đau, thực tập bản thân để khổ đau không có mặt và nếu có khổ đau thì thực tập chuyển hóa khổ đau đó đi. Việc Ngài ban hành gỡ bỏ hai lệnh cấm trên tức là Ngài chấp nhận việc không có hòa bình ngay trên nước Mỹ, nói chi hoà bình đến thế giới. Chắc chắn Ngài khổ đau rất nhiều nếu vợ của Ngài đi phá thai hay hiến tế bào gốc phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Làm như vậy chẳng khác nào giết con mình và việc gỡ bỏ hai lệnh cấm chẳng khác nào giết chết đồng bào mình, mà cái này là giết từ trong trứng. Hổ dữ còn không ăn thịt con huống chi là con người, là Tổng thống một nước.

Lên làm Tổng thống không lâu, Ngài đã ký bãi bỏ lệnh cấm dùng ngân khoản của liên bang tài trợ cho các tổ chức kế hoạch hóa gia đình hoạt động ở nước ngoài. Nếu nói vấn đề phá thai là quyền được lựa chọn (pro-choice) thì đây là quyền sai lầm đồng nghĩa với quyền cho phép giết người hợp pháp, vì nó chấp thuận lối sống quan hệ tình dục bừa bãi hay không biết cách phòng tránh thai và không có trách nhiệm với đứa con. Điều cần suy nghĩ không phải là có nên phá thai hay không, mà là sống và quan hệ như thế nào để không phải có thai. Nếu người phụ nữ biết sức khỏe của mình không tốt thì không nên để tình trạng có thai xảy ra. Cặp vợ chồng trong trường hợp chưa muốn có thai phải biết cách tự kiểm soát và áp dụng các phương pháp tránh thai. Bào thai là kết quả tình yêu giữa người nam và người nữ, là kết tinh hạnh phúc và chất liệu bảo tồn sự sống. Phá thai không khác nào giết chết tình yêu, giết chết hạnh phúc và giết chết sự sống. Là nguyên thủ quốc gia, phải biết một điều cơ bản như vậy và đem thân mạng của mình ra sức đấu tranh giữ gìn sinh mạng thai nhi. Đứa trẻ là kết hợp giữa tinh cha huyết mẹ, chúng háo hức chờ đợi, khát khao nhìn thấy thế giới và mong mỏi cất tiếng khóc chào đời, ấy vậy quyền được sống của chúng bị tước bỏ bởi chữ ký oan nghiệt của Ngài Tổng thống.

Tiếp theo sau đó, nghĩa là chữ ký ban đầu hãy còn chưa ráo mực, chữ ký tiếp theo Ngài dành tặng cho tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm tài trợ nghiên cứu tế bào gốc, cho phép hủy bỏ các phôi người vài ngày tuổi để có được các tế bào gốc. Hành động sai lầm thứ nhất chưa được sửa chữa đã tiếp nối đến hành động sai lầm thứ hai và biết đâu trong tương lai Ngài sẽ tiếp tục phạm sai lầm thứ ba. Các nhà khoa học đã nguỵ biện cho yêu cầu của mình bằng việc sử dụng tế bào gốc để nghiên cứu các phương thức chữa trị bệnh cho con người. Các vị có nghĩ người bệnh chưa được cứu mà sinh mạng của người khác phải bị giết và để cứu một người lớn phải giết đi một đứa trẻ, thậm chí hàng trăm hàng ngàn đứa trẻ. Như vậy có đáng không? Khoa học được thành lập để nâng cao phẩm chất sự sống, đâu phải để tán thành cho việc nghiên cứu giết chết sự sống. Khoa học đem sinh mạng của người khác ra giết hay nghiên cứu là hành vi phản khoa học. Con người muốn không bị bệnh thì thực tập cách sống, ăn uống, suy nghĩ, làm việc thích hợp để không phải bị bệnh. Khi bị bệnh do cách sống sai trái lại đi đòi hỏi chính những đứa con của mình phải chết, phải hy sinh vì cha mẹ chúng. Thật vô lý hết sức. Giết chết mầm sống chẳng khác nào tội diệt chủng, Ngài sẽ nghĩ như thế nào nếu quyết định của Ngài dẫn đến thảm họa diệt chủng bào thai lan rộng ra toàn cầu?

Sứ mệnh của Ngài nói riêng và các nguyên thủ quốc gia nói chung là xây dựng hòa bình và bản chất của hoà bình là bảo vệ sự sống, muốn bảo vệ sự sống to lớn thì phải bảo vệ cho được sự sống nhỏ nhoi. Sự sống bé nhỏ nhưng quí giá vô cùng  lại có thể trở nên sự sống to lớn và vĩ đại. Ngài nghĩ sao nếu Hoàng hậu Maya, mẹ của đức Phật Thích Ca phá bỏ bào thai đức Phật thì sau này làm gì có đức Phật giáo hóa chúng sinh, hơn nữa nếu đức Mẹ Maria phá bỏ bào thai sẽ sinh ra Chúa thì sau đó làm gì có Chúa cứu rỗi linh hồn của biết bao nhiêu con người, và nói gần đây, nếu mẹ của Ngài lúc vừa biết có thai Ngài đã cố gắng gìn giữ Ngài như thế nào, nếu như bà ấy phá bỏ cái thai đó đi thì bây giờ làm gì có Ngài, làm gì có Tổng thống Barack Obama? Tôi tin rằng Ngài là đứa con có hiếu, nên Ngài hiểu vì sao mẹ Ngài cưu mang Ngài chín tháng mười ngày và nuôi Ngài lớn lên, tình thương của người mẹ dành hết cho Ngài, Ngài mang trong người gen của cha của mẹ. Vậy Ngài sẽ làm gì để giúp các đứa trẻ có cơ hội sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ chúng? Và nếu chúng bị giết, cơ hội yêu thương và được yêu thương của chúng bị tước mất rồi. Ngài đã bốn mươi mấy gần năm mươi tuổi, Ngài là Tổng thống một quốc gia nhưng với mẹ, Ngài chỉ là một đứa trẻ cần có mẹ, hãy nhìn mẹ Ngài, bà ấy hạnh phúc như thế nào khi lần đầu tiên nhìn thấy Ngài cất tiếng khóc đầu đời.

Tình thương không có sự kỳ thị và tình thương không có biên giới. Đức Phật dành cả đời để giáo hóa chúng sanh với chủ đề duy nhất là xây dựng tình thương cho bản thân con người và nhân loại. Tình thương đức Phật vượt ra khỏi khu vực Nam Á, đến khắp các quốc gia trên thế giới và không biết bao nhiêu người thực tập theo lời dạy của đức Phật. Đức Chúa đã hy sinh để con người được sống. Tình thương của đức Chúa không còn gói ghém trong một khu vực mà đã đi từ quốc gia này đến các quốc gia khác. Mỗi con người đều có thể là một đức Phật hay một đức Chúa, đại diện cho đức Phật hay đức Chúa thực tập tình thương khắp chốn nhân gian. Người có tình thương sẽ bảo vệ sự sống của muôn loài. Con người đã vận động bảo vệ sinh mạng của các loài động vật và tại sao không bảo vệ nổi sinh mạng con người. Nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam và các nước khác, người có tình thương sẽ không làm lơ và vấn đề không phải là công lý hay không, vấn đề là tình thương, khi có tình thương, con người sẽ tìm cách chữa trị và cứu sống các nạn nhân. Tuy nhiên, mạng sống của các em bé khi còn là thai nhi và phôi thai ngay trong nước Mỹ còn không được bảo vệ, huống chi là các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam xa xôi. Chỉ cần ban hành trở lại hai lệnh cấm và giúp người dân ý thức trong phương cách sinh hoạt, sống lành mạnh cũng như bảo vệ sức khỏe thì hai lệnh này dù có cấm hay không cũng đâu quan trọng nữa. Nhưng khi chưa biết phải sống thế nào cho có trách nhiệm, thì hai lệnh cấm ban ra là tất yếu.

Ngài hãy lắng nghe các vong linh thai nhi kêu gào khắp nơi, chúng kêu gọi tình thương từ cha mẹ, chúng kêu gọi tình thương từ những người làm luật, chúng kêu gọi tình thương từ Ngài. Mạng sống của chúng bị lợi dụng, bị chết oan và chúng trở nên bơ vơ trong thế giới bên kia. Các vong linh bắt thế giới này phải trả giá. Kinh tế sẽ tiếp tục khủng hoảng nếu Ngài Tổng thống không ban hành lệnh thay đổi quyết định, tức là đồng thuận với người tiền nhiệm của Ngài, Ông George Bush, người ra sức bảo vệ sự sống cho tế bào gốc và thai nhi. Có những điều người tiền nhiệm cũ làm có thể Ngài phải thay đổi nhưng có những điều Ngài phải bảo vệ và gìn giữ như là gìn giữ việc bảo vệ sự sống cho tế bào gốc và thai nhi. Thế giới vong linh chắc chắn sẽ không tha thứ cho cái chết của họ và sẽ đến nước Mỹ đòi nợ. Cái nợ đầu tiên nước Mỹ phải trả là các chính sách phục hồi kinh tế khó lòng mà thành công, hoặc thành công chậm chạp, hoặc lại tiếp tục rơi vào suy thoái. Quyết định của Ngài làm cho kinh tế thêm suy thoái hơn nữa. Dù vậy, quyết định đưa ra sai, biết thay đổi và sửa sai vẫn còn hơn biết sai mà không sửa. Chỉ cần Ngài lập tức ban hành trở lại việc cấm tài trợ phá thai và cấm tài trợ nghiên cứu tế bào gốc là Ngài có thể cứu sống không biết bao nhiêu mạng người. Tượng Nữ thần Tự do đặt ở New York biểu tượng cho quyền tự do làm người, không phải là quyền tự do giết chết sự sống. Tình thương trong Ngài vẫn còn và Ngài hãy sử dụng tình thương đó hợp với đạo đức con người. Tôi nghĩ Liên Hiệp Quốc, toà thánh Vatican, các tổ chức tôn giáo, những người trong Quốc hội Hoa kỳ, các bà mẹ, các trẻ em, các tổ chức vận động bảo vệ sự sống… cần lên tiếng bênh vực quyền được sống của thai nhi và trẻ em. Nếu không, các quốc gia khác sẽ có hành động tương tự và thảm họa sẽ lan tràn khắp Địa Cầu: thảm họa thai nhi diệt vong. Nếu đánh đổi sinh mạng của tôi để có được các quyết định về bảo vệ sự sống tế bào gốc, bào thai, trẻ em và thế giới này, tôi sẵn sàng đánh đổi. Tôi hy vọng vì hoà bình cho trẻ em và hoà bình thế giới, Ngài Tổng thống sẽ đọc lời chia sẻ từ một người trẻ xa xôi ở một quốc gia nhỏ bé. Quyết định thay đổi trở lại của Ngài càng chậm, sinh mạng của các trẻ em đang hình thành càng bị đe doạ. Ngài nói Ngài thương nước Mỹ và thế giới nhưng không thương nổi sự sống của tế bào gốc và thai nhi, Ngài hãy xem lại lời nói của mình có đúng với cách Ngài làm hay không. Tôi hy vọng Ngài sẽ có quyết định đúng đắn về vấn đề này, có nhận thức đúng đắn về sự sống và lời nói yêu thương đi đôi với hành động. Tôi chờ đợi quyết định của Ngài phù hợp với người tiền nhiệm, ông George Bush, người mà Ngài phải học rất nhiều.

TG Minh Thạnh

Việt Nam

P.S: Mọi hành động hoà bình vì sự sống của trẻ em và trẻ em chỉ có mặt khi tôn trọng các yếu tố làm nên chúng.


Hiệp ước bảo vệ sự sống muôn loài – Tâm Bình Thế Giới Bình

 Ký kết Hiệp ước Bảo Vệ Sự Sống muôn loài, toàn thế giới cam kết tôn trọng sinh mạng con người, kể cả các loài động vật và côn trùng. Sinh mạng con người có sự tương tức hay mối liên hệ mật thiết với tất cả các loài nên sự diệt vong hay tuyệt chủng của loài khác đều minh chứng cho sự diệt vong của loài người. Sự tiến hóa nhân loại không nằm ngoài sự tiến hóa của sinh vật và môi trường. Thế giới ngày càng nhỏ bé hơn khi số lượng chủng loài ngày càng giảm bớt và cũng theo đó các bệnh tật mới xuất hiện. Loài người ăn cái gì sẽ nhiễm bệnh cái đó. Ăn thịt gia cầm và cúm gia cầm có mặt. Ăn thịt heo và cúm heo có mặt. Ăn thịt bò và bệnh bò điên có mặt. Ăn cá và biết đâu trong tương lai lại có cúm cá. Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới ăn rau củ nhiều hơn ăn thịt cá và rau củ lại sử dụng phân bón hóa học quá nhiều nên người dùng lại dễ bị ung thư. Ăn uống lành mạnh thì phòng ngừa được bệnh tật hơn và có thể cứu được thế giới. Thế giới được cứu không phải bằng những vị anh hùng hay siêu nhân mà thế giới được cứu bởi những người biết ăn chay, bảo vệ sự sống muôn loài, bảo vệ môi sinh và làm mới nhân loại.

 Hoà bình không chỉ dành cho con người mà cho muôn loài, không thể con người có hoà bình mà các loài khác có chiến tranh. Hoà bình nhân loại gắn kết chặt chẽ với hòa bình của các loài động vật. Con rắn nuốt con thỏ sẽ tạo ra chiến tranh giữa rắn và thỏ. Con người ăn thịt heo hay gia cầm sẽ tạo ra chiến tranh giữa loài người và gia súc. Cúm heo là thứ vũ khí mà các loài gia súc sử dụng để chống lại việc con người tàn sát chúng nhằm phục vụ bữa ăn vô tội vạ. Nhà chính trị đấu tranh cho không phân biệt sắc tộc thì các loài động vật cũng thế, chúng sẽ đấu tranh cho việc phân biệt động vật. Nhiều quốc gia coi trọng và yêu mến chó mèo nhưng các quốc gia khác lại không. Đến lúc nào đó có thể xuất hiện cúm chó và cúm mèo cho việc sử dụng chó mèo vào thực phẩm. Bệnh SARS diễn ra cách đây không lâu khiến cả thế giới phải điêu đứng và có thể vi trùng đã xuất phát từ động vật. Thế giới vừa đối đầu khủng hoảng kinh tế vừa đối đầu thiên tai, bệnh tật và tệ nạn xã hội gia tăng như hải tặc, thảm sát công cộng… là kết quả của những hành động do chính con người gây nên.

 Bảo vệ các loài sinh vật và cho phép chúng sống chung an lạc với con người, đồng thời cung cấp đầy đủ môi trường cho các loài sinh vật kia. Loài khủng long bị diệt chủng nhưng không phải chúng hoàn toàn biến mất và có thể chúng đang xuất hiện ở hành tinh nào khác. Nói vậy để biết trân quý động vật ở thế giới này vì nếu tất cả các loài động vật không còn, điều này có nghĩa loài người trên trái đất này có cơ hội sống sót rất mỏng manh. Hoà bình nằm ở chỗ con người tôn trọng hoà bình của muôn loài, cây cối, biển cả, sông hồ… Anan đảm trách việc gìn giữ hoà bình và việc gìn giữ này không chỉ nằm giới hạn trong khuôn khổ con người mà cần trải rộng ra khắp các loài động vật. Hình ảnh hoà bình ở thế giới loài vật không chỉ nằm trong phim hoạt hình, nó còn nằm trong thế giới thật và con người không biến thế giới đó trở nên nhạt nhòa. Các tổ chức bảo vệ động vật luôn đấu tranh cho sự sinh tồn của các loài động vật và việc này cần Liên Hiệp Quốc hỗ trợ, đồng thời đưa lên thành tổ chức cấp thế giới, theo đó nêu rõ mối liên hệ giữa động vật và con người trong các sứ mệnh gìn giữ hoà bình. Vương quốc loài người và vương quốc loài vật không hề tách biệt nhau, ngược lại chúng là một, đều mang hình tứ đại, do tứ đại kết hợp và cũng do tứ đại tan rã. Con người có hoà bình khiến loài vật có hoà bình và loài vật có hoà bình khiến con người có hoà bình. Đại gia đình này không thể không kể đến loài vật. Con người mang trong mình các yếu tố của loài vật và chính con người cũng là loài vật, chẳng qua tự xưng là loài vật cấp cao. Trong xã hội, con người từng đấu tranh không phân biệt giai cấp, để cho mọi tầng lớp chúng sinh đều được đối xử bình đẳng như nhau. Và cũng vì thế nhà chính trị cần đấu tranh cho sự không phân biệt động vật, dù đó là động vật cấp cao hay động vật cấp thấp. Dịch bệnh từ động vật là tiếng chuông cảnh báo về đòi hỏi quyền đối xử bình đẳng của các loài động vật cho là cấp thấp với các loài động vật tự xưng là cấp cao. Con người thường hay giành quyền lợi trước động vật cấp thấp bây giờ hãy nghĩ lại việc san sẻ quyền lợi với động vật cấp thấp. Biết đâu sau này bên cạnh nhân quyền còn có động vật quyền, tiếng nói của động vật có thể gây sức ảnh hưởng đến đời sống chính trị. Con người bị áp bức thì vùng lên đấu tranh, động vật bị áp bức, động vật sẽ tấn công con người, đó là tất yếu của lịch sử. Nếu động vật có cơ hội sống hoà bình với con người, cả hai phía sẽ chấp nhận nhau nhiều hơn.

Vụ thảm sát động vật hoang dã ở Nam Phi tại nhà riêng do một người Việt Nam chủ mưu là ví dụ cho thấy con người chẳng bao giờ để thế giới động vật được yên và vụ cúm heo bùng phát tại Mexico rồi lan ra Bắc Mỹ cũng là ví dụ động vật không chịu nổi sự giết hại của con người. Lòng từ bi của con người kêu gọi bản thân dừng lại bởi vì lòng từ bi đó phát khởi từ tấm lòng cao thượng và yêu thương muôn loài một cách tự nhiên không tuân thủ bất cứ nguyên tắc hay luật pháp nào. Những hành động gây hại đến sinh mạng động vật đều phải dừng lại. Chả trách được con người, bản thân họ còn bức hại lẫn nhau nói chi đến sinh mạng động vật. Con người muốn sống hoà bình với động vật phải biết tha mạng cho chính con người đã rồi mới tính đến chuyện tha mạng cho loài vật. Một căn bệnh bùng phát ở một địa phương có thể lan nhanh ra toàn cầu. Một quốc gia khủng hoảng kinh tế có thể lan khắp thế giới. Một khu vực bị ô nhiễm cũng có thể làm Địa Cầu ô nhiễm. Một thảm hoạ xảy ra ở một thành phố, cả nhân loại phải gánh chịu. Động vật bị tàn sát, nhân loại bị tàn sát theo. Ăn thịt động vật chẳng khác nào ăn thịt chính mình, tổ tiên mình. Giết vài con tê giác để đổi lấy vài chục ngàn đô la, không thể xem sinh mạng động vật rẻ như vậy.

Mọi hiện tượng xảy ra đều làm nhân duyên cho nhau hoặc nương tựa nhau mà phát khởi. Không có gì tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi. Khủng hoảng kinh tế, bệnh tật, thiên tai không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi. Khi hội đủ điều kiện, chúng sẽ phát sinh và cũng khi hội đủ điều kiện, chúng sẽ tan biến. Hãy xem xét lại những gì con người đã làm trong quá khứ và hiện tại, ta đã làm gì để cho kinh tế khủng hoảng, cho bệnh tật phát sinh và cho thiên tai có cơ hội hoành hành. Những điều này xảy ra đều do bản thân gây nên mà thôi và con người phải trả giá cho tất cả những sai lầm của mình. Thay vì đùm bọc và che chở muôn loài, ta lại tàn sát chúng và khi không thỏa mãn ta tàn sát lẫn nhau để mưu cầu cho lợi ích cá nhân, sự tiêu thụ và gia tăng tiện nghi. Sống chung an lạc với muôn loài là lợi ích, sự hưởng thụ và tiện nghi lớn nhất. Giảm thiếu các lò sát sinh, cho động vật có cơ hội sống hoà bình với loài người, bản thân loài người có thể phòng ngừa được nhiều bệnh tật. Đừng bao giờ nghĩ rằng  động vật mang bệnh tật hay dịch cúm đến cho con người mà chính con người tự tạo ra nó.

Đời sống con người dựa trên nền tảng thực tập đạo đức, từ bi và lòng bao dung, nói cách khác đời sống là chuỗi tiến trình thực tập tình thương. Người không thực tập tình thương xem như đã chết. Làm đến tổng thống mà không thực tập nổi tình thương chẳng khác nào một xác chết lèo lái đất nước đi vào nẻo chết và biến dân tộc thành những xác chết như mình. Thực tập tình thương làm cho các xác chết có sự sống, dân tộc có sự sống và thế giới có sự sống. Sự diệt vong của con người có liên quan đến sự diệt vong của loài vật. Nói bao tử là một cái nghĩa địa hay một bãi rác cũng không sai. Con người chất chứa rác rến hay xác chết vào bao tử và từ đó khởi sinh nhiều bệnh tật và đau thương. Con người chế tạo nhiều vũ khí để sát phạt nhau nhưng chẳng bao giờ chế tạo các phương tiện đủ sức bảo vệ một cách toàn vẹn. Chỉ có tình thương mới giúp cho muôn loài có cơ may được sống. Tình thương không thể nằm ở đầu môi chót lưỡi mà phải bằng những hành động cụ thể, bằng các phương án và chiến dịch cụ thể. Tình thương không đem ra để thuyết giảng và rao bán, đó là sự thực tập của tự thân, biến tự thân thành phương tiện thực tập tình thương, hàn gắn mọi nỗi đau mất mát của muôn loài. (19)


Hiệp ước bảo vệ nếp sống đơn giản và sống chậm – Tâm Bình Thế Giới Bình

Sống chậm không có nghĩa là chậm phát triển. Phát triển nhanh mà không có hạnh phúc thì nhanh cách mấy cũng vô ích. Hiệp ước Bảo Vệ Nếp Sống Đơn Giản Và Sống Chậm không đồng nghĩa với việc không làm gì cả hay quay về thời đại nguyên thủy mà sống chậm để tận hưởng những giây phút thực sự sống và có mặt trong phút giây hiện tại. Phong cách sống chậm có thể làm giãn những xung đột chính trị, có thì giờ nghiên cứu hoà giải và hoà bình hiện tiền lâu hơn. Sự vội vàng trong chính trị dễ gẫy đỗ và nền móng chính trị chưa vững chắc sẽ làm sụp đổ cả một nền chính trị. Thế giới càng phẳng nên đời sống chính trị càng nhanh. Các nhà ngoại giao đi lại giữa các nước như con thoi, hết đến hội nghị thượng đỉnh này đến hội thảo khu vực kia, nhưng hội thảo càng nhiều các vấn đề rối ren cứ thế tiếp tục trôi ra. Nhà chính trị cứ phải chạy theo đủ thứ mục tiêu: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… nên nói đến sống chậm nghe có vẻ mơ hồ và xa rời quá. Quyền lợi cá nhân và đảng cầm quyền gắn chặt vào đời sống  nhà chính trị cùng với sức ép của dân chúng khiến nhà chính trị như ngồi trên đống lửa, hồi hộp và lo sợ. Công việc chính trị lúc nào cũng có, xã hội lúc nào cũng có vấn đề và hội hộp lúc nào cũng xảy ra. Mọi việc cứ tiến hành và phát triển nhưng chầm chậm lại thôi, không để tình trạng chính trị quá nóng. Cái gì nóng quá sẽ phỏng tay. Hạnh phúc đến từ những cái chậm, hạnh phúc kéo dài lâu. Còn sống chóng vánh, hạnh phúc chóng vánh, cuộc đời cũng chóng vánh theo. Nền kinh tế phát triển nóng vội không hề chứng minh sự tích cực của nó mà còn có thể gây tổn hại vì những biến động nhỏ cũng khó xoay sở. Phát triển kinh tế vừa phải thì năm nào cũng tăng trưởng dương, không nhiều cũng không ít.

Sống chậm cần phải được toàn cầu hóa. Bây giờ kinh tế toàn cầu hóa, văn hóa toàn cầu hóa và thậm chí tôn giáo cũng toàn cầu hóa, nhưng việc sống chậm vẫn đang được toàn cầu hóa một cách chậm chạp. Anan ngày nào cũng đi thiền hành từ nhà để xe đến chỗ làm nhưng nhiều lúc kết quả của sống nhanh cứ làm ông khắc khoải, nuối tiếc. Nhà chính trị cũng vậy, nhiều lúc thích hối tiếc thời đã qua, nhớ đến cái gọi là thời vàng son trong khi không chịu chấp nhận hiện tại và chấp nhận sống nhẹ nhàng trong hiện tại. Toàn cầu hóa có gì phải sợ, nếu trước đây khủng hoảng ở một nước thì chỉ có nước đó gánh chịu thôi còn ngày nay toàn cầu hóa rồi, khủng hoảng nước này nhiều nước phải vạ lây. Vậy đó, có lợi cùng hưởng có hoạ cùng chia. Nhà chính trị trước đây đối đầu bây giờ bắt tay nhau rầm rập. Chuyện này cũng tốt đâu có gì phải phàn nàn hay chê trách. Toàn cầu hóa là tất yếu nhưng vấn đề là toàn cầu hóa cái gì. Nói về văn hóa, có những văn hóa được chấp nhận hoặc không nhưng có những văn hóa bị đánh đồng với văn hóa bình thường. Sống thử chưa bao giờ chứng minh là văn hóa tiến bộ cả, ấy vậy mà có khối người chạy theo rồi đổ thừa cho toàn cầu hóa văn hoá.

Sống nhanh thì chết sớm, giống như một nền chính trị hối hả thì nền chính trị cũng chết sớm, nếu còn sống thì cũng đang giãy chết. Sống chậm sống lâu hơn và có thể lật lá bài tẩy của sống nhanh. Đời sống chính trị vội vã tạo ra sự chán nản rất mau nhưng điều chú ý là sự chán nản kia kéo dài lê thê so với tiến trình hối hả. Con người thích chiến lược đánh nhanh rút gọn hơn ăn dầm nằm dề. Người nghệ sĩ nào cũng thích sống lâu trong lòng công chúng và vội vàng chế tác đủ thứ kỳ tích để được chú ý đến. Một thần tượng âm nhạc Việt Nam vừa mới thành danh đã có tham vọng vươn lên vị trí cao nhất của làng âm nhạc cùng với những kế hoạch mang tính chất vội vàng, tuổi trẻ của người này vì thế sẽ trôi qua vùn vụt, đến lúc không được như ý muốn hay thời vàng son trôi qua, sự thất vọng gia tăng và nỗi đau đớn tột cùng sẽ khó có thể xoa dịu được. Làm chính trị cũng vậy, cái gì có thời hạn chót hay muốn kịp tiến độ đều có khả năng lôi kéo con người vào kiếp sống nhanh và chạy theo tương lai nhiều hơn hiện tại. Nhà chính trị hoạch định hiện tại giỏi hơn người chỉ biết hoạch định tương lại. Hiện tại đang là khủng hoảng kinh tế, thiên tai và dịch bệnh. Nếu hiện tại được thực hiện thì những lời hứa sẽ được thực hiện, bằng không những gì trước đây đã nói chỉ là những lời hứa suông, nói cho vui, nói cho hết thì giờ hay nói cho có chuyện để làm. Hiện tại là điều kiện cần và sống chậm là điều kiện đủ. Tổng thống hay thủ tướng có trăm công ngàn việc nhưng dính mắc vào các việc đó mà không nhận diện được công việc sẽ làm cho công việc trở thành địa ngục, làm nô lệ công việc, quyết định đưa ra sẽ mang tính sát hại nhiều hơn tính hoà bình. Hitler là kiểu người như vậy, ông ta làm nô lệ công việc và nô lệ cho cả chiến tranh. Việc thảm sát người Do Thái hay gây chiến hết dân tộc này đến dân tộc khác nhằm phục vụ cho việc thỏa mãn của ông bầu chiến tranh. Hitler chẳng qua chỉ là đầy tớ của chiến tranh mà thôi. Người như vậy thật tội nghiệp. Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cái gọi là Việt Nam hóa chiến tranh cũng khiến cho bất kỳ người nào tham gia đều đau khổ như nhau, bên thắng hay bên thua đều đau khổ. Chiến tranh có bao giờ mang màu sắc của hạnh phúc đâu, có chăng chỉ là những ảo tưởng nhằm lấp liếm đau khổ mà thôi.

Cải cách quốc gia là đổi mới lối sống. Nước Mỹ với vị Tổng thống da đen đầu tiên luôn tuyên bố cải cách đất nước vì nước Mỹ cần sự thay đổi. Nhưng thay đổi bằng các chính sách thì làm sao thay đổi được nước Mỹ. Lối sống là cái cần phải thay đổi trước hết. Người ta đã quen với tiêu thụ, thảm sát học đường hay đề cao cái tôi và những dự án hối hả thì làm sao thay đổi nước Mỹ. Thiếu niên Nhật muốn vào trường đại học danh tiếng hay chuẩn bị tương lai đã phải lo học, ôn thi đến nỗi ngã gục ngay trên bàn học thì làm sao có thể hoạch định cho tương lai được. Hiện tại đã bị ngã gục thì tương lai làm sao đứng thẳng. Lối sống chậm không chỉ hàn gắn các giá trị gia đình mà còn giúp giải quyết khủng hoảng. Giải quyết khủng hoảng hối hả khiến cho khủng hoảng càng gia tăng thêm. Cải cách giáo dục là gì? Có phải cải cách giáo trình, phương pháp giảng dạy và cung cấp tiện nghi trường học hay không? Thật sự sai lầm nếu nghĩ như vậy. Giáo dục chỉ được cải cách khi lối sống được mang vào trường học giảng dạy và giúp cho trẻ em ý thức về sống chậm, thiếu niên thực tập sống chậm và sinh viên thực hành sống chậm. Nhà trường dạy quá nhiều về lối sống nhanh cho nên tạo ra một thế hệ sống nhanh, mà sống nhanh dễ dàng dẫn đến bừa bãi, kiệt quệ, yếu đuối và vô trách nhiệm.

Sống chậm không phải là triết lý mà là lý tưởng. Nhiều nhà chính trị cứ cho lý tưởng của mình là đúng đắn theo kiểu đánh phủ đầu nhưng thực sự đó lại là ảo tưởng. Sống nhanh là thứ ảo tưởng của những con người tuyệt vọng cần được cứu giúp. Người tôn thờ ảo tưởng đáng thương hơn đáng tránh và họ cần được hỗ trợ để tháo bỏ ảo tưởng đó, trở về với lý tưởng trong sạch. Sống chậm để thấy cuộc đời đáng sống và các chính sách phát triển đất nước nhằm phục vụ cho lối sống chậm. Sống nhanh mà cẩu thả thì sống làm gì, sống chậm mà sống lâu vẫn hơn. Nhà chính trị sống chậm không bao giờ chứng minh là kẻ bất tài, lười biếng hay vô dụng mà ngược lại là người đang cống hiến cho xã hội: cống hiến sự sống đang chầm chậm trôi. Giống như một người tu sĩ, nói rằng người không giúp ích cho xã hội là không đúng, người này đang cống hiến sự tu tập, tình thương, từ bi và chánh niệm. Sự cống hiến của người này khiến cho thế giới của tự thân người đó hoà bình và các thế giới khác thọ hưởng rất nhiều. Quan điểm sống chậm kéo con người ra khỏi guồng máy chính trị bạo động, hẹp hòi và ích kỷ. Nhờ vậy, các quốc gia có đủ, thậm chí nhiều thì giờ làm bạn của nhau, thông cảm nhau và hiểu nhau hơn. Con người sống nhanh nên chỉ biết thù hận, phá bĩnh, quấy rối và khó chịu. Sống chậm để có dư dả thời gian xoa dịu những quấy rối đó. Bất cứ ai trong chúng ta đều có khả năng sống chậm vì thời gian là vô tận nhưng thời gian đối với mỗi chúng ta không có nhiều. Thời gian được sử dụng để dạo chơi hơn là chạy tới chạy lui.

Sống chậm không chỉ giúp làm mát lại Địa Cầu mà còn làm chậm tiến trình nổ của bom nguyên tử cho đến khi nó bị tịt ngòi. Sống nhanh đồng nghĩa với quả bom nổ chậm và con người tiến gần đến ác quỷ hơn biến thành thiên thần. Mỗi nhà chính trị không thể là ác quỷ mà phải là những thiên thần. Thiên thần chỉ biết giúp đỡ chúng sanh không bao giờ ăn hiếp chúng sanh. Con người có thể là thiên thần hay ác quỷ, thế thì tại sao không trở thành thiên thần đẹp đẽ mà lại đi chọn ác quỷ làm gì. Ác quỷ biết tu tập sẽ trở thành thiên thần và thiên thần không lo tu tập sẽ trở thành ác quỷ. Sống nhanh quá mức sẽ khiến cho việc sáng tạo không kịp đáp ứng, sự thỏa mãn của con người thay đổi theo tốc độc của ánh sáng và đất mẹ phải oằn lưng rên xiết. Con người chịu không nổi chính mình. Các trò chính trị cũng chịu không nổi với chính chúng. Địa Cầu này vẫn làm công việc thiền quay và cống hiến cho nhân loại không biết bao nhiêu mà kể. Nếu Địa Cầu quay quá nhanh hay quá chậm đều có thể ảnh huởng đến sự sống nên Địa Cầu đã chọn quay êm đềm hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày và không quan tâm đến tốc độ quay của các Địa Cầu khác. Địa Cầu chỉ lo bổn phận của mình, đơn giản nhưng thật to lớn. Con người cũng vậy, sống quá nhanh hay quá chậm cũng không tốt, vấn đề là sống quân bình. Nền chính trị có quân bình sẽ không gây thù hằn với ai, làm bạn với tất cả các nước và có đầy đủ cơ hội lắng nghe nhau.


Hiệp ước bảo vệ và tôn trọng sự thật

Khi công lý không được thực thi, sự thật không còn được tôn trọng. Sự thật dù tốt hay không tốt cũng là sự thật. Bất cứ người nào cũng mang trong mình sự thật tốt và không tốt. Điều quan trọng làm dám nói lên sự thật và tôn trọng sự thật. Hiệp ước Bảo Vệ Và Tôn Trọng Sự Thật giữa các quốc gia cam kết nói thật và xây dựng văn hóa nói thật. Thế giới ngày nay điên đảo vì con người không biết tôn trọng sự thật, bày đủ thứ trò lừa dối và thay hình đổi dạng sự thật. Trong khi đó sự thật là thước đo cho việc xây dựng hoà bình. Quốc gia nào tôn trọng sự thật, quốc gia đó càng có hoà bình. Quốc gia nào che dấu sự thật và ủng hộ sự không thật, quốc gia đó chưa hay chẳng biết chút gì về hoà bình. Một khi sự thật bị bỏ lơ, môi trường chính trị không còn trong sạch, tham nhũng và hối lộ tràn lan, đạo đức chính trị xuống cấp và xã hội sẽ hỗn loạn. Làm một cuộc cách mạng về sự thật giúp các nhà chính trị đứng vững và đi vào lòng dân chúng. Cách mạng không chỉ đơn thuần là đánh đổ cái cũ và tạo ra mới. Nếu cái mới tệ hơn cái cũ thì cách mạng làm gì. Thế giới ngày nay cần phải cách mạng sự thật, tức là đem sự thật ra ngoài ánh sáng, cho nó được tắm nắng. Sự thật bị bỏ tù, nhà chính trị tự hại mình. Người nói dối thường ở trong tình trạng sợ hãi, sợ bị trừng phạt và sợ bị mất chức, vì thế tạo cho mình vỏ bọc sự thật ảo, mà cái gì ảo đều mang tính bong bóng, đến lúc nào đó chịu không nổi, bong bóng sẽ nổ.

Sự thật do ta biết, trời biết, đất biết. Có thể nhà chính trị cố tình che dấu sự thật với mọi người xung quanh nhưng bản thân không thể nào che dấu nổi chính mình. Nhà chính trị nổi giận rất ghê ghớm, trời đất còn kể chi. Nhưng nếu trời đất nổi giận, nhà chính trị phải trả giá cho mạng sống và dân tộc mình. Vì lợi ích của mình và người, nhà chính trị biết nói lời sự thật và nương vào sự thật để hành xử không lúc nào dời đổi. Câu chuyện về một ông vua cởi truồng chứng minh ông ta không chịu lắng nghe sự thật mà chỉ biết nghe những điều không thật. Ông vua này không mặc quần áo nhưng những người hầu cận và quan quân đều làm như vẻ ông ta đang mặc quần áo, thậm chí còn khen tặng quần áo đẹp nữa. Chỉ có trẻ nhỏ biết nói thật mới vạch trần được sự thật là ông ta không mặc đồ. Điều này cho thấy lắng nghe lời nói dối làm cho nhà vua sống trong sự sai trái nhưng không hề biết mình sai trái. Dân chúng cũng vậy, nếu bị ru ngủ bởi những lời nói dối và cho đó là thật, dân chúng sẽ phải sống trong sự sai trái và khi sai trái tột cùng, điều sai bị cho là bình thường, con người lập tức trở nên vô cảm với cả lời nói dối và lời nói thật. Họ đâm ra nghi ngờ, không tin tưởng nhà chính trị, đồng thời chẳng quan tâm đến sự thật nữa, điều này khiến xã hội giãy chết.

Sự thật là sự sống vì sự sống là sự thật đang diễn bày. Sự thật bàng bạc trong không gian và không có gì che dấu nổi sự thật. Đức Phật giảng nền tảng đức tin về lời nói của người khác khi các vị Sa Môn hay Bà La Môn thuyết giảng đạo của mình. Thiết tưởng, bài kinh này có thể được áp dụng vào thực hành chính trị. Thứ nhất, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù đó là truyền thuyết. Nhà chính trị áp dụng truyền thuyết để tuyên truyền văn hóa nhằm củng cố truyền thống hay các giá trị tổ tiên, tuy nhiên truyền thuyết chưa chắc là sự thật. Truyền thuyết được miêu tả để nói về tự hào dân tộc và tô điểm tổ tiên, như Việt Nam cho rằng mình là con Lạc cháu Hồng và người Nhật cho rằng mình là con của Mặt Trời. Những truyền thuyết dạy con người về tinh thần dân tộc, tình đoàn kết và năng lượng giống nòi, nhưng nói truyền thuyết là sự thật cần phải xem lại. Thứ hai, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù đó là truyền thống. Truyền thống có những cái phù hợp với thời đại nhưng cũng có cái không, vì vậy đặt niềm tin tuyệt đối vào truyền thống và không có sự uyển chuyển tạo nên nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Nhà chính trị áp dụng những cái hay của truyền thống nhưng cũng không quá áp đặt mình vào các lối truyền thống xa rời thực tế. Lợi dụng truyền thống để che dấu sự thật không phải ít nên cần sáng suốt theo dõi những sự việc mang lớp áo truyền thống nhằm tránh niềm tin mù quáng. Thứ ba, chớ vội tin bất cứ điều gì cho dù điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền khắp nơi. Một người truyền tin sai và được hàng trăm người nhắc lại giống như chiếc máy photocopy sao chép những lời nói sai. Nhà chính trị có nhiều cơ hội truyền tải thông điệp trước công chúng hay báo chí là phương tiện trực tiếp liên kết sự thật với con người. Nếu sự thật bị sai lệch thì cộng đồng có khả năng đi theo hướng đó một khi lời nói được tin cậy quá mức mà không có sự soi xét đa chiều nào. Thứ tư, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù điều đó được ghi lại rõ ràng trong kinh điển hay sách vở. Kinh điển được truyền tụng qua nhiều năm và không tránh khỏi những dị bản, sách vở cũng vậy, được cải biên và sửa đổi liên tục. Học kinh chỉ để học, học lịch sử cũng chỉ để học. Việc học kinh điển hay lịch sử đều nhằm chuyển tải tình thương và sự thật qua các thế hệ. Nói rằng lịch sử hay kinh điển hoàn toàn đúng và đặt niềm tin vào thì hãy coi chừng, kinh điển có thể trá hình và lịch sử cũng có thể trá hình. Sự thật còn bị dễ dàng bóp méo, nói chi đến kinh điển hay lịch sử. Thứ năm, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù là điều đó thuộc lý luận siêu hình. Con người thích nghe chuyện ma quái, kinh dị và điện ảnh hay tiểu thuyết bây giờ mang những tiết tấu phù thủy hay siêu hình quá nhiều. Kênh truyền hình Walt Disney làm rất nhiều bộ phim về đề tài phù thủy và đưa trẻ em, kể cả người lớn vào những mơ mộng siêu hình. Thậm chí có người lợi dụng các suy luận khác thường nhằm trấn an dư luận hay mục đích chính trị. Nhà chính trị nhất thiết phải sử dụng sự thật chứng minh cho các lý luận siêu hình hơn là sử dụng lý luận siêu hình chứng minh cho sự thật. Tuy vậy, nhiều người lợi dụng tín ngưỡng để đưa con người vào mê hồn trận của siêu hình và không ít người tin theo rồi đâm ra sợ hãi và sùng bái sai lệch, nếu điều này bị lợi dụng bởi chính trị sẽ mang tai hại cho quốc gia. Thứ sáu, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù điều đó phù hợp với lập trường và ý kiến của mình. Lập trường của nhà chính trị có thể sai lầm và nếu quan điểm của người khác được cho phù hợp với mình tức là cũng sai lầm như vậy, rồi hoan nghênh, vô tình lôi kéo người này vào tri giác sai lầm. Vấn đề như thế không phải là hiếm vì nó xuất hiện trong chính trị khắp nơi trên thế giới. Con người đánh hay đàn áp nhau cũng chỉ vì khác biệt quan điểm và thích tạo lập phe cánh vì cho người này cùng phe còn người kia thì không. Thứ bảy, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù là điều đó được dựa trên căn cứ hay dữ kiện hời hợt. Sau khi nghe một tin loáng thoáng về một sự việc chưa có rõ bằng chứng và nguyên nhân, nhà chính trị đã vội đưa ra kết luận. Điều này rất nguy hiểm vì có khi chiến tranh xảy ra từ một sự kiện rất nhỏ bé và không đáng. Thứ tám, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù là điều đó hợp định kiến của mình. Sự thật được chấp thuận hay chỉ trích cũng bởi nó có thuận theo định kiến của mình hay không. Nhà chính trị giỏi không phân biệt đối xử, tức là không lấy làm ham thích với ý kiến phù hợp và không lấy làm phẫn nộ với ý kiến đối lập. Sự thật theo chiều hay ngược chiều gió đều là sự thật, vấn đề là có cảm thấy mát mẻ đối với hai loại gió này không. Thứ chín, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù là điều đó được sức mạnh quyền uy ủng hộ và giúp đỡ. Nhà chính trị thường sử dụng quyền lực che dấu sự thật sẽ tạo ra làn sóng chống đối mà thôi, vì cái gì càng bị che dấu có ngày sẽ lòi ra và tác hại của việc che giấu không thể lường được. Nhiều người ham thích tin vào những lời người khác nói vì đó là tổng thống, thủ tướng, nguyên thủ quốc gia hay người có nhiều tiền bạc. Người ta thích tin vào người có uy quyền, ăn trên ngồi trước hay người lãnh đạo. Cần phải cân nhắc kỹ sự thật trên lời nói vì lời nói thiếu chánh niệm có tính chất ru ngủ và con người trở nên lười biếng với sự thật. Thứ mười, chớ vội tin bất cứ một điều gì cho dù điều đó được các nhà truyền giáo cũng như các đạo sư tuyên thuyết hay trao truyền. Cũng vậy, bất cứ học thuyết chính trị nào được rao giảng cần phải có chứng nghiệm thực tế, nếu không chỉ là lời nói suông, tin vào lời nói suông khiến con người đi vào thế giới ảo hồi nào không hay. Lắng nghe chỉ để lắng nghe thôi nhưng phải suy xét sự thật đó có phải sự thật hay không và những điều nhà chính trị sẽ làm có thực sự đem lại hạnh phúc cho nhân dân và hoà bình thế giới hay không. Bất cứ học thuyết nào mang lại sự thù hận, ganh ghét, thêm kẻ thù, ít bạn, tạo chiến tranh, bạo động và mất tình đoàn kết đều không cần nghe hay làm theo.

Chính trị không có sự thật giống như xây dựng địa ngục trần gian. Một quốc gia chuyên tra tấn tù nhân hay bắt giam người không rõ nguyên nhân và tìm cách xoá nhoà sự thật, quốc gia này đang cố tạo ra địa ngục trần gian. Những người Do Thái bị bắt vào nhà xông hơi ngạt đến chết thời thế chiến thứ hai chẳng khác nào địa ngục trần gian. Nhà chính trị không thể nào tạo thêm những địa ngục như thế. Muốn vậy không đồng thuận với văn hóa nói dối mà phải thiết lập văn hóa nói thật. Những cái gọi là bí mật quốc gia chẳng qua vì con người sợ hãi chính mình, sợ mất an ninh, sợ bị tấn công và khi nỗi sợ phát khởi, con người đã không còn hoà bình nữa. Văn hóa nói dối khắp nơi trên Địa Cầu, trong gia đình người ta còn dối nhau nói chi đến xã hội. Muốn xã hội không còn nói dối, bản thân phải sống thật và đối xử thân thiện với mình bằng sự thật. Bảo vệ sự thật là nhiệm vụ của nhà chính trị chân chính và thành công trước hết là nói lên sự thật, nương tựa vào sự thật không lúc nào đổi dời. Một nhà nước minh bạch chỉ cho phép nói thật và hành xử theo lẽ thật, còn nếu không mình đã bán nước cho những điều giả dối. Tôn trọng sự thật là tôn trọng tình thương, vì thương người, thương dân nên nhà chính trị dám bày tỏ và yêu mến sự thật. Người nói dối lúc nào cũng tìm cách đương đầu với sự thật, người như vậy rất đáng thương vì chẳng lúc nào được yên.


Hiệp ước bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm

Thân tâm con người có nhiều nhơ nhuốc nhưng cũng có nhiều thánh thiện. Nếu biết lợi dụng thân tâm làm điều thánh thiện thì thế giới này lợi lạc biết bao. Nhà chính trị cần làm gương trong việc thực tập làm điều thánh thiện. Không có gì phải cao siêu, trước hết hãy đối xử dễ thương với bản thân. Hiệp ước Bảo Vệ và Nuôi Dưỡng Thân Tâm  do tự nhà chính trị cam kết trong việc giảm thiểu sử dụng rượu bia, không dính mắc vào ma tuý và các thế lực mafia, không cho phép phổ biến các sản phẩm bạo động và đồi truỵ, không tưới tẩm người trẻ bằng các các văn hóa ủy mị và hoàn toàn chế tác các sản phẩm lành mạnh. Anan từng khuyến khích thế giới ăn chay và xây dựng văn hóa cộng đồng nhằm bảo vệ muôn loài và nương tựa nhau mà sống. Liên Hiệp Quốc có vai trò gìn giữ di sản văn hóa và chấn hưng văn hóa cũng nghĩ đến xây dựng và phát triển văn hóa nuôi dưỡng thân tâm. Quốc gia không có chiến tranh nhưng đi vào văn hóa làm bệ rạc thân tâm cũng đồng nghĩa với chiến tranh.

Tại Việt Nam, 33,5% dân số sử dụng rượu bia và 1/3 trong số này dưới 20 tuổi theo bản tin của Vnchanel. Rượu bia đứng hàng thứ năm trong mười nguyên nhân gây ra tử vong cao trên toàn thế giới. Đó là chưa nói những tệ nạn xã hội xảy ra do hậu quả của say sưa mất hết lí trí. Các hội nghị đàm phán chính trị cũng lấy rượu làm câu nói đầu môi hay thết đãi chính khách. Thiết tưởng văn hóa giao tiếp bằng rượu này nên được thay thế bằng trà hay nước khoáng. Rượu bia khiến người ta phạm tội ác và có thể nhiều quyết định đưa ra không được sáng suốt. Bộ Trưởng Tài Chính Nhật Bản ông Shoichi Nakagawa ngày 17/2/09 phải tuyên bố từ chức là tấm gương điển hình không chỉ cho nhà chính trị Nhật mà còn các nhà chính trị khác toàn cầu về việc không thể phát triển sự nghiệp một khi nghiện ngập rượu. Người dân có quyền biết về giá trị tài sản và nguồn gốc tài sản của một chính khách nhưng cũng có quyền biết về đời sống cũng như thói quen của họ có ảnh hưởng đến công việc hay không. Nguyên thủ quốc gia không nên bổ nhiệm một người nghiện ngập vào vị trí lãnh đạo cao ở một bộ hay cơ quan của đất nước vì điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình công tác của cơ quan đó cũng như hình ảnh quốc gia.

Bên cạnh việc nghiện ngập rượu bia, ma tuý là yếu tố thứ hai gây tàn hại nhà chính trị nói riêng và xã hội nói chung. Toàn bộ xã hội và hệ thống chính trị phải đoàn kết và thống nhất trong việc nói không và tuyên chiến với ma tuý. Các thế lực buôn bán ma tuý đã mua chuộc và hối lộ ngay cả nhà chính trị và nếu không giữ được mình, nhà chính trị sẽ sa ngã ngay lập tức. Ma tuý có thể làm xói mòn đạo đức chính trị và biến chất những người trong bộ máy chính trị. Nhà chính trị gìn giữ Năm giới Cư sĩ sẽ biết bảo vệ và gìn giữ thân tâm, trong đó có việc không sử dụng rượu bia và các chất ma tuý. Việc buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma tuý  có thể giết chết một đời người bởi cám dỗ của đồng tiền và tà dục do ma tuý mang lại. Lạm dụng ma tuý không bao giờ giải quyết được sự cô đơn và nỗi buồn của con người mà còn biến họ trở thành nô lệ và có thể phạm tội ác. Nhà chính trị luôn ủng hộ cuộc chiến chống ma tuý nhưng chống không chưa đủ mà còn phải phòng. Sân chơi giải trí lành mạnh và các phương pháp chuyển hóa khổ đau cho người trẻ được sử dụng và tạo lập khắp nơi nhằm giúp người trẻ không có cơ hội tìm đến ma tuý, đồng thời giúp họ thấy rõ tác hại của nó. Những người lạm dụng ma tuý chắc chắn có rất nhiều đau khổ và không ai chỉ cho họ con đường thoát khổ, tìm kiếm hạnh phúc chân thật trong hiện tại, nên họ che lấp nỗi khổ bằng con đường ma tuý. Bản thân người nghiện biết chắc chắn ma tuý không phải là thiên đường nhưng vẫn cứ dấn thân vào. Toàn cầu hóa gia tăng, ma tuý cũng theo đó gia tăng. Công nghệ phát triển và ma tuý cũng phát triển theo công nghệ. Thế giới bất ổn, ma tuý cũng theo đà lấn lướt. Muốn giải quyết tệ nạn ma tuý, nhân loại phải kiểm soát được tiến trình toàn cầu hóa, công nghệ và an ninh. Tác hại của ma tuý được đưa giảng dạy vào học đường, đồng thời hợp tác liên quốc gia ngăn chặn các thế lực làm giàu bằng cách hủy hoại con người như vậy.

Yếu tố tiếp theo để bảo vệ thân tâm là không giải trí bằng các bộ phim hay tranh ảnh kích động bạo lực, cuồng tín, thèm khát, sợ hãi và hận thù. Thứ nhất, nhà chính trị đi theo đường lối bất bạo lực nên không thể chấp nhận những sản phẩm bạo lực được sản xuất và phát hành nơi quốc gia mình. Tác động của phim ảnh bạo lực không nhỏ lên người trẻ và xã hội bất ổn một phần là do các sản phẩm đó. Những học thuyết cuồng tín, tức là tin theo một cách mù quáng mà không hề biết việc thực hiện học thuyết có mang lại hạnh phúc thực sự cho con người trong phút giây hiện tại hay không. Thứ hai, sản phẩm cuồng tín tràn lan là thành quả lao động của những người theo đuổi niềm tin mù quáng. Cái gì cuồng tín đều đem lại sự đau khổ và bất hạnh. Cuồng tín không chỉ có nghĩa là tin tưởng mê mờ vào kinh điển của một tôn giáo mà còn mang ý nghĩa tin tưởng một ai đó, lời nói hay hành động của người này không một chút đắn đo và suy xét về mặt đạo đức. Một người cha có đứa con đã chết, ôm lấy tro của đứa con mà sống và gìn giữ đống tro như ngọc vàng, hễ ai nói động đến là không chịu nổi. Cuồng tín đưa con người vào thế kẹt, chỉ có đi xuống chứ không thể đi lên. Thứ ba, sản phẩm thèm khát không được khuyến khích đầu tư và sản xuất. Những nhà chính trị cố gắng gây ngủ người dân bằng các sản phẩm độc hại để họ không có thì giờ đánh giá những việc làm sai trái của chính phủ. Điều này làm tha hóa đạo đức xã hội và tình người xuống cấp nghiêm trọng. Quốc gia hoàn toàn sạch sẽ không nên để các sản phẩm này len lỏi ở bất cứ phương tiện nào vì đã nói đến thèm khát thì không có gì hay ho cả. Thứ tư, sản phẩm tạo sự sợ hãi và hận thù càng không thể được tiêu thụ vì đâu có gì giỏi khi làm người khác sợ hãi hay kích động hận thù. Điều này chỉ làm cho xã hội bất an, mất tình đoàn kết dân tộc và người dân thêm ca thán. Các truyền hình hay báo chí không bao giờ tham gia vào việc đưa tin tức một chiều với mục đích kích động hận thù, lên án hay chỉ trích, bởi vì như thế chỉ làm tình hình thêm tội tệ, vấn đề chưa giải quyết được gì mà hận thù chồng chất thêm mãi không thôi. Nếu chủ nghĩa cộng sản tuyên bố mình là tốt đẹp sẽ không bao giờ chỉ trích chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản cũng thế, tự cho mình là tốt đẹp thì không chỉ trích trở lại chủ nghĩa cộng sản. Nếu gọi là tốt đẹp thì tất cả các chủ nghĩa phải trở thành bạn bè, mà đã là bạn bè thì chỉ hành xử dễ thương với nhau. Còn nếu không thể hành xử dễ thương với nhau, chẳng có học thuyết nào tốt đẹp cả.

Nuôi dưỡng thân tâm bằng các ca khúc ca ngợi giá trị gia đình, tình yêu quê hương và tình yêu đích thực, con người có cơ hội sống trong thời khắc của hoà bình. Nhà chính trị không nên lợi dụng âm nhạc để ru ngủ con người vào thế giới của uỷ mị hay thú đau thương, đồng thời không sử dụng âm nhạc làm phương tiện kích động bạo lực. Âm nhạc có giá trị tưới tẩm những hạt giống yêu thương và hạnh phúc, âm nhạc sẽ bị ô nhiễm nếu mang mầm mống của chiến tranh và hận thù. Bài hát “Hàn gắn thế giới” (Heal the world) của Micheal Jackson kêu gọi con người hàn gắn những nỗi đau mà cùng chung sống bên nhau. Bài “Chúng ta là thế giới” (We are the world) cũng vậy. Tất cả chúng ta đều là anh em, cùng sống chung một nhà và con người vẫn còn tình thương cho nhau. Bảo vệ xã hội bằng các ca khúc ca ngợi yêu thương, ca ngợi hoà bình thì xã hội sẽ nhớ và thực tập nhiều hơn. Đời là biển khổ nhưng đời cũng là biển hạnh phúc, tận dụng đời chế tác hạnh phúc cho nhau. Nhà chính trị không tuyên truyền sự yếm thế, não nề và tuyệt vọng mà chỉ tuyên truyền sự vững chãi, sức sống mãnh liệt và hàn gắn nỗi đau.

Điều cuối cùng nhưng không phải đã hết là chỉ tiêu thụ những sản phẩm không có độc tố. Toàn cầu hóa khiến chiến tranh kinh tế diễn ra dễ dàng. Bây giờ người ta gây sức ảnh hưởng về mặt chính trị và hơn thua với nước khác bằng con đường kinh tế. Thế kỷ này có khả năng đánh dấu những cuộc chiến tranh kinh tế nhiều hơn. Những sản phẩm có độc tố, mang mầm bệnh hay khủng bố bằng virus không phải ít. Sản phẩm sữa, nước uống tinh khiết, thực phẩm chứa độc tố, khai thác tài nguyên môi trường, xâm nhập hàng hóa vào thị trường lẫn nhau, giá cả thấp… đều có khả năng tạo ra các cuộc chiến tranh kinh tế. Nhà chính trị tham gia vào tiến trình hoạch định chính sách và bảo vệ nền kinh tế nhớ rằng chiến tranh kinh tế hay chiến tranh văn hóa có thể  bằng các sản phẩm có độc tố hay không có độc tố nhưng khi đã diễn ra, chúng ảnh hưởng đến chính trị to lớn không thể nào trở tay nổi.


Hiệp ước bảo vệ và vun bồi lòng khoan dung

Nhà chính trị vun bồi lòng khoan dung sẽ hành xử với dân chúng một cách từ bi và độ lượng. Mọi hành vi trấn an dân chúng đều thông qua con đường bất bạo động với lòng khoan dung sâu sắc. Hiệp ước Bảo Vệ và Vun Bồi Lòng Khoan Dung là sự ký kết giữa nội bộ chính phú, chính phủ với người dân, và giữa các chính phủ với nhau. Đây là lời cam kết thực tập hành vi bất bạo động trong tất cả mọi tình huống nhằm bảo vệ an ninh và hoà bình dân tộc. Nhà chính trị có lòng nhân ái không chỉ quan tâm đến nỗi khổ của người dân mà còn quan tâm đến nỗi khổ của đồng loại, tức là các nước khác. Lòng khoan dung không giới hạn bất cứ đối tượng nào mà nhân rộng ra nhiều dân tộc hay quốc gia. Anan không thể chỉ quan tâm đến một quốc gia mà quan tâm đến tất cả các quốc gia, cho dù họ có phải là thành viên Liên Hiệp Quốc hay không. Một đất nước phú cường luôn bảo vệ dân tộc mình bằng lòng bao dung, quyết tâm cưu mang tất cả mọi thành phần và đón nhận các quan điểm khác biệt. Sự khác biệt làm cho đất nước thêm phong phú và lòng khoan dung minh chứng cho tình đoàn kết dân tộc. Bài học về lòng nhân ái sau bao nhiêu năm xây dựng thế giới của tổ tiên luôn khẳng định chỉ có lòng khoan dung mới đem dân tộc về phía mình, đất nước phồn vinh, muôn dân an lạc. Nhà chính trị không có lòng khoan dung chỉ tự làm khổ mình, nhưng như vậy chưa đủ, cả dân tộc và thế giới bị vạ lây.

Muốn làm chính trị trước hết thương được bản thân và vì thương mình mới thương được mọi người. Nói rằng xả thân cứu người quên cả thân mình thực sự không đúng mà phải nói cứu người chính là cứu mình. Nếu chỉ lo cứu mình mà không thể cứu người thì thực sự mình đang giết chết mình. Nhà chính trị chỉ lo giữ cái ghế hay chức vụ mà quên cứu dân, để dân đói, dân khổ, dân kêu than, thì nhà chính trị chẳng qua đang đào mồ tự chôn. Lòng khoan dung vì thế đến với người đã tạo ra lỗi lầm với mình, nên khoan dung với mình rồi khoan dung với người. Các chính phủ thường hay liệt kê danh sách những người chống đối, phản động, đối lập hay kẻ thù nhưng nếu có lòng khoan dung, danh sách này không cần thiết nữa. Vua Trần Thái Tông, Việt Nam từng nói: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là từ tâm của bậc đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình giết thì đó là điều xấu không hay. Nếu vì hà nỗi căm hận trong chốc lát, mà mang tiếng giết kẻ đầu hàng, thì chi bằng tha mạng sống vạn ức người để dập tắt mầm mống chiến tranh cho đời sau, sử xanh sẽ ghi chép, tiếng thơm để lại muôn đời, như vậy há chẳng tốt đẹp sao?”. Lời nói thật hay xuất phát từ vị vua đức độ đầy lòng khoan dung, tha thứ cho kẻ thù và xoá bỏ mọi thù hận với ngay người xâm lăng đất nước mình. Bên xâm lăng và bên bị xâm lăng đều có những nỗi khổ niềm đau như nhau, bên nào cũng phải hy sinh và có nhiều mất mát. Họ đều là nạn nhân của các chế độ chính trị và thời thế đẩy họ vào cuộc chiến tranh tương tàn không gì tránh khỏi. Người tu sẽ không đứng về phía nào của cuộc chiến tranh và thực tập yêu thương cho sự mất mát của cả hai phía. Nhà chính trị biết điều này sẽ tha thứ cho kẻ bại trận, không tìm cách báo thù và không cố tình tạo ra chiến tranh. (20)

Cuộc thi viết thư về Tại sao thế giới cần lòng khoan dung kêu gọi mọi người viết về lòng khoan dung để nhân loại có thể tồn tại và hoà bình lâu hơn trên Địa cầu. Thiết tưởng cần có nhiều cuộc thi như thế, nhưng thi thôi chưa đủ mà cần phải thực tập, thực tập cho bản thân và những người xung quanh. Sự kiêu căng, ngạo mạn của kẻ thắng trận có thể giết chết lòng khoan dung của họ và ngay lập tức họ trở thành kẻ bại trận. Việc Sadam Hussein bị bắt, đem ra xét xử và treo cổ có thể được thay đổi bằng lòng khoan dung. Lấy đi mạng sống của ông ta cũng không làm cho Iraq có hoà bình sớm hơn. Người Mỹ loan báo thắng trận trên mặt trận Iraq nhưng không tha nổi mạng sống già yếu của kẻ bại trận thì đó không thể nào gọi là chiến thắng được. Say sưa với chiến thắng, tự ái vì phải nhượng bộ hay tôn thờ tinh thần được làm vua thua làm giặc biến nhà chính trị giảm đi tính nhân bản trong việc hành xử chính trị của mình. Chính sách chiến tranh, chính sách chém giết và chính sách tử hình chưa bao giờ chứng minh một chính phủ đồng thuận với hoà bình. Hoà bình chỉ có mặt khi tất cả chính sách này vắng mặt hay từ bỏ. Đơn giản bởi vì lòng khoan dung không đồng nghĩa với chiến tranh, chém giết và các án tử hình. Lòng khoan dung khiến cho kẻ thù trở thành bạn, chiến tranh thành hoà bình và con người không còn đố kỵ nhau.

Nếu như loài người không còn lòng bao dung nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Điều này không cần phải nói vì loài ngoài đã biến mất từ lâu, mà thay vào đó sinh vật mang hình dáng người đang tồn tại trên Địa Cầu. Nhà chính trị chạy theo những thói thù hận của người đời và không cho phép lòng bao dung ngự trị, quốc gia mà người này lãnh đạo đang bị cai trị nhiều hơn. Ngược lại, lòng khoan dung được đem ra áp dụng để lãnh đạo đất nước, quốc gia này có phước báu và biết tu tập. Nhà chính trị lắng nghe trung thần, người biết chỉ ra lỗi lầm của mình và khơi gợi tâm từ hay lòng khoan dung. Nếu chỉ biết nuôi những người không dám nói lên sự thật, kích động hận thù và gây chia rẽ dân tộc, nhà chính trị sẽ lâm vào hoàn cảnh khó xử, nhiều lúc tiến thoái lưỡng nan và có lỗi với tổ tiên. Lịch sử luôn ca ngợi nhà lãnh đạo có lòng khoan dung và quan tâm đích thực đến lợi ích quốc gia. Lịch sử cũng nêu cao những người biết cách hoà hợp dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh và kiến tạo hoà bình cho nhân loại. Nếu đất nước vừa kết thúc chiến tranh, nhà chính trị vừa thắng thế đã ban hành chính sách và biện pháp trả thù, hoà bình chưa được hưởng mà chiến tranh tiếp theo đã có mặt, đây là chiến tranh trả thù.

Hỡi người hận thù bậc nhất và người có lòng khoan dung bậc nhất, ta thương yêu tất cả hai ngươi, một người đang hận thù rất đáng thương và một người đẹp đẽ rất đáng yêu. Người hận thù bậc nhất lúc nào cũng đau khổ bậc nhất và người khoan dung bậc nhất lúc nào cũng dễ thương bậc nhất. Bản chất của hận thù là đau khổ nên khi hận thù là mình hận thù cái đau khổ của mình. Bản chất của khoan dung là hạnh phúc nên khi khoan dung mình khoan dung cho hạnh phúc của mình. Địa Cầu ra đời để thiết lập ngôi nhà chung cho tất cả mọi người, ngôi nhà của lòng khoan dung. Địa Cầu rất xanh và đẹp, nó không đáng là nơi chất chứa khổ đau và hận thù. Người có lòng khoan dung biết lắng nghe sự thật, không ghê sợ sự thật cũng không vướng mắc vào sự thật, đồng thời đối diện với sự thật một cách vững chãi. Người không có lòng khoan dung vô cùng sợ hãi sự thật, lên kế hoạch để tàn sát sự thật và xây dựng nhà tù chôn vùi sự thật. Một nhà chính trị đang khổ đau nhưng tự lừa dối mình bằng các hành động không khổ đau nhưng kỳ thực khổ đau càng dâng cao và bùng nổ, lòng khoan dung bị cầm tù. Nhà chính trị chưa làm gì nhiều cho dân chúng lại còn đòi hỏi sự cung phụng và bắt buộc dân chúng khen tặng, đến lúc chết còn bắt dân chúng thương tiếc khóc than, như vậy có phải mang tội với dân chúng hay không. Người tu sĩ cũng vậy, khi tu tập chưa giỏi và chưa thực sự có thực chứng đã yêu cầu cư sĩ cúng dường và đại chúng bái sám, ăn cơm bá tánh mà tâm địa không tu, có phải tội rất nặng hay không. Nhà chính trị hay viên chức chính phủ sống còn nhờ sự đóng góp của dân chúng, nếu không lo cho dân sẽ mang tội bất hiếu với dân, đất nước không hưởng phước đã đành, thế hệ con cháu sẽ oằn lưng ra chịu trận. Chính phủ bắt dân chúng cung phụng cho mình thì tự do không còn nữa, cái quí nhất của một quốc gia là có chính phủ lo cho dân và cái hay nhất của một quốc gia là có chính phủ sẵn sàng hi sinh vì dân. Các bậc minh quân thường không dành thì giờ để tuyên truyền mà dành thì giờ làm việc, thực hiện các hành động cụ thể, đem ra áp dụng những kế hoạch đem lại hoà bình và thịnh vượng cho dân.

Nhà chính trị có giàu lòng khoan dung hay không? Nếu có, ra làm chính trị được rồi, nếu chưa, kiếm việc khác làm. Nhà chính trị không có lòng khoan dung thì đó không phải là nhà chính trị hay chỉ là nhà chính trị trá hình.  Thực tập lòng khoan dung và vun bồi nó, đừng để lòng khoan dung trôi đi quá nhanh. Không thể có lòng khoan dung với gia đình mình còn dân thì không. Dân không phải là con cái hay cháu chắt của nhà chính trị mà là đối tác. Nhà chính trị chỉ là người do dân thuê, thay mặt dân xây dựng đất nước. Dân có quyền bầu ra người lãnh đạo của mình và người lãnh đạo này cũng sẽ chịu sự chi phối của dân, tức là dân sẽ yêu cầu người lãnh đạo từ chức nếu không thể kham nổi công việc. Nhà lãnh đạo từ chức là người có lòng khoan dung với dân vì bản thân không đủ khả năng để lãnh đạo nên nhường cho người khác tiếp tục sự nghiệp. Khi lãnh đạo không nổi mà vẫn cứ tiếp tục duy trì chức vụ, có thể sẽ làm hại dân và điều này dẫn đến chiến tranh, hoà bình không thể có mặt. Nhà chính trị khoan dung sẵn sàng từ chức khi cần thiết và nhường vị trí đối tác cho người đủ sức cứu nguy đất nước. Sĩ diện là cái gì, có đem ra cho người khác xem được không? Dẹp bỏ sĩ diện đi, lòng khoan dung sẽ biểu hiện và lúc này, nhà chính trị không dành việc mà biết san sẻ với nhiều người tài. Mọi cơn bão sẽ đi qua nếu sử dụng lòng khoan dung xoa dịu chúng, bằng không cơn bão cuốn trôi nhà chính trị đi vào sự hận thù và thiếu hiểu biết.


Hiệp ước chấn hưng nhân loại

Thế kỷ 21 có phải là thế kỷ của sự bốc cháy, nổi loạn và nhiễu nhương hay không? Câu trả lời không chỉ dành cho người trẻ mà hầu hết tất cả người làm chính trị. Nhân loại đang ở thế kỷ 21 nhưng nhân loại có thoát được hệ lụy của thế kỷ 20 với bao nhiêu ngụp lặn trong chiến tranh, thù hận, chém giết và ăn chơi sa đoạ. Nhân loại là thiêng liêng nhưng cũng là điều dơ dáy và nhân loại tiếp tục đối đầu với những chuyện như vậy cùng với các vấn đề liên quan đến môi sinh, nghèo đói, bệnh tật và khủng bố. Thuộc hàng “nhân loại” không phải dễ và dĩ nhiên không phải ai cũng muốn làm người được. Khi sinh ra làm người lại muốn thực sự tính người cũng không phải đơn giản. Các tổ chức đang ra sức chấn hưng nhân loại nhưng càng chấn hưng, nhân loại càng kiệt quệ. Thực sự nhân loại đang đuối sức, bơ vơ, lạc lõng dẫn đến thất vọng và tuyệt vọng. Thù hận đã đóng một lớp dày trên mặt đất, trên ánh mắt người đời và làm biến dạng nụ cười trẻ thơ. Tình thương tràn ngập nhân loại nhưng nhân loại không chịu tận hưởng, cứ mãi kiếm tìm những vô vọng, ảo tưởng và mông lung. Lửa đang thiêu đốt nhân loại. Đó là các thứ dục giết người không cần gươm dao. Chấn hưng nhân loại bằng cách giảm thiểu các ngọn lửa, dập tắt những đám cháy và ban phát nhiều cơn mưa an lành. Nhân loại không thể chấn hưng khi các ngọn lửa đó vẫn còn và chấn hưng không xuất phát từ bên ngoài mà xuất phát từ bên trong. Nói về chấn hưng gia đình, không phải chấn hưng cái nhà, cái cửa, cái xe… mà chấn hưng bản thân gia đình đó, chấn hưng ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt… Chấn hưng cái nhà thì gia đình tan nát, chấn hưng gia đình thì sẽ xây được cái nhà vững chắc. Cũng vậy, chấn hưng kinh tế chưa bao giờ chứng minh cho việc chấn hưng nhân loại mà chấn hưng đạo đức đã rồi mới chấn hưng được kinh tế. Đạo đức suy đồi thì cái gọi là chấn hưng kinh tế kia chỉ là giả danh, có chăng còn góp phần làm cho đạo đức suy đồi hơn nữa. Gia đình có đạo đức chuyển từ nhà tranh sang nhà ngói cũng không sa ngã, nếu không nhà ngói sẽ trở thành địa ngục và chứa toàn những con ma trong đó. Xã hội có đạo đức chuyển từ kinh tế yếu kém sang kinh tế phát triển sẽ giữ được nền tảng bền vững, nếu không, cái gọi là kinh tế phát triển chỉ là phương tiện nuôi dưỡng những sa đọa mà thôi. Nói vậy chấn hưng nhân loại là chấn hưng đạo đức bởi vì một khi có đạo đức mọi vấn đề đều có thể được giải quyết dễ dàng và nhiều khi các vấn đề không còn nữa hoặc những vấn đề cho là nghiêm trọng cũng trở nên nhỏ nhoi. Vô đạo đức không bao giờ là nền tảng của nhà chính trị và nếu nhà chính trị có đạo đức thì mới mong chấn hưng được đất nước và nhân loại có cơ hội nhiều hơn. Nhà chính trị có đạo đức không bao giờ đàn áp đạo đức, tạo cơ hội cho việc phát triển và thực tập đạo đức. Nhà chính trị không có đạo đức rất sợ hãi đạo đức, sợ nghe người khác nói về đạo đức và dĩ nhiên ra sức đàn áp đạo đức, nhân loại vì thế cũng trở nên chiều hướng như vậy.

Hiệp ước Chấn Hưng Nhân Loại được ký kết giữa chính phủ hay nhà chính trị với người dân của mình theo đó mỗi người cam kết thực tập các hành vi có đạo đức và tôn trọng quyền làm người. Chấn hưng nhân loại chính là chấn hưng quyền làm người. Quyền làm người không có thì chấn hưng nhân loại làm gì. Con người không phải là nô lệ cũng không phải bị đối xử như một nô lệ. Chế độ nô lệ đã bị tiêu diệt từ lâu và nhà chính trị không thể xây dựng bất cứ hình thức nô lệ nào nữa. Liên Hiệp Quốc là cơ quan chính trị lớn nhất và tất cả mọi hành xử đều vì tôn trọng quyền làm người. Con người sinh ra để làm người đâu phải làm cái gì khác, nên phải trau dồi bản thân để xứng đáng là con người. Anan không muốn bất cứ chính phủ hay nhà chính trị nào cổ xuý những học thuyết, lời nói và hành động đi ngược lại quyền làm người. Quyền con người đem ra thực tập và sử dụng, không nằm ở những mớ lý thuyết suông hay tuyên truyền vô nghĩa. Nếu nhân loại không làm được thì nhân loại phản bội chính mình. Nhân loại thường chúc nhau về tài lộc và thịnh vượng, nhưng ít ai chúc nhau có thêm quyền làm người trong năm mới. Thay vì nói năm mới mua may bán đắt hơn năm ngoái thì chúc năm nay “được làm người” hơn năm ngoái vì có nhiều tiền chưa chắc được làm người mà có thể ít được làm người hơn. Bản thân nhà chính trị phải được làm người thì mới ban hành các chính sách có tính người. Cách đây vài ngày, khoảng đầu tháng 5/2009 chính quyền Washington, Hoa Kỳ vừa chấp thuận hôn nhân đồng tính. Đây nói về quy chế hay luật nhưng việc ban hành này thực chất có làm cho các cuộc hôn nhân đồng tính hạnh phúc hay họ vẫn tiếp tục chấp nhận nhiều khổ đau. Việc chấp thuận phá thai có phải là quyền làm người hay không, hay chỉ là quyền chối bỏ quyền làm người của bản thân và người khác. Phá thai là hành vi vi phạm nhân quyền nặng nề nhất bởi con người không tôn trọng sự sống ngay chính đồng loại của mình thì thử hỏi làm sao chấn hưng nổi nhân loại.

Chính trị dân chủ thường cho rằng tự do về chính trị như tự do ăn nói hay phản biện có thể đem lại sự phồn vinh và minh bạch cho nền chính trị một quốc gia. Điều này cần phải xem lại, tự do về chính trị chưa bao giờ minh chứng hạnh phúc thực sự mà chỉ có tự do về tinh thần mới đem lại hạnh phúc thực sự. Tự do chính trị mang tính chất ràng buộc và dính mắc trong khi tự do tinh thần mang tính buông bỏ và dễ chịu. Nhân loại cần được chấn hưng theo hướng tự do như vậy, tức là buông bỏ mọi thù hận và dễ chịu với yêu thương. Tự do đòi hỏi không thể gọi là tự do mà đang bỏ tù chính mình. Tự do ngôn luận là quyền tất yếu của con người nhưng ăn nói thế nào để sự thật được sáng tỏ và xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa các cộng đồng trong xã hội, không phải là lên án, chỉ trích, bài bác, kích động bạo lực và gây chiến. Phản biện cũng vậy, xã hội là tập thể các cộng đồng nên phản biện xã hội là quyền con người. Nếu không làm gì sai thì xã hội chẳng phản biện làm gì vì nhân loại đâu có ở không để ngồi phản biện cái này cái kia. Xã hội không có phản biện là xã hội chết hay xã hội ảo trên mạng Internet. Phản biện thế nào để con người yêu thương, gắn bó, lắng nghe và hiểu biết hơn, phản biện không phải để chứng minh cái tôi, tạo thế đối đầu hay gây bất ổn xã hội. Nhà chính trị chỉ hiểu việc tự do ngôn luận và phản biện là nói. Đó chỉ là một chiều, tự do này còn bao hàm cả nghe nữa. Ngôn luận và phản biện được chấp nhận là tự do chân chính một khi người nói và nghe đều hợp tác trong việc lắng nghe và ái ngữ. Đảng Quốc xã do Hitler khởi xướng chưa bao giờ chứng minh cho việc chấn hưng nhân loại khi mọi đàn áp và triệt tiêu vẫn còn sử dụng. Hoà bình chỉ có mặt khi không còn cái gọi là đàn áp và triệt tiêu. Bởi vì hoà bình có nghĩa làm bạn với cả bạn và người cho là kẻ thù. Không học thuyết chính trị nào được xem là đúng đắn hoàn toàn hay tuyệt đối vì chúng do con người đặt ra, không phải là chân lý hay sự thật. Học thuyết nào cũng có cái hay riêng và cái dở riêng. Điều quan trọng là biết áp dụng cái hay và từ bỏ cái dở. Có thể áp dụng cái hay của nhiều học thuyết khác nhau làm đường hướng đi chung cho mình nhưng phải xem xét điều đem ra áp dụng đó có thực sự đem lại hạnh phúc và phù hợp với đạo đức nhân loại hay không. Dính mắc vào một học thuyết một cách mù quáng sẽ biến mình thành người cận thị hay người mù, không thấy đường chi cả, đi mò mẫm trong bóng đêm. Có người đem đèn đến soi cho mình, tặng cho mình cặp kiếng hoặc kính lúp nhưng mình quá u mê nên cứ mãi chịu cận thị hay mù mờ mà từ chối thiện chí của người khác. Chấn hưng nhân loại, nhà chính trị phải đưa nhân loại ra khỏi bóng đêm, tăm tối, nếu cận thị thì chữa đi và nếu mù thì thay mắt đi. Người mù và thỏa thích với cái mù của mình, ấy là người mù vậy.

Chỉ có công bằng bình đẳng mới thực sự đem lại tự do và hoà bình nhân loại. Công bằng bình đẳng không có nghĩa là chia đều theo kiểu đầu người mà người làm ít hưởng ít người làm nhiều hưởng nhiều, người có tài lãnh đạo đất nước, người tài ít thì chấp nhận làm thường dân. Người tài ít hay không có tài cán gì mà làm lãnh đạo hay người có tài lại đi làm nông dân thì thực sự không có bình đẳng và đất nước này không có tự do hay hoà bình. Người tỉnh thức biết người nào có tài hay người nào ít tài và sử dụng được cả người tài lẫn ít tài tuỳ theo sức đóng góp của họ. Nhân loại nằm trong thể chế chính trị nào cũng đều đang mất tự do vì bản thân họ bị ràng buộc vào các khái niệm hay định nghĩa về tự do. Tự do mà còn có khái niệm, giống như hạnh phúc có định nghĩa thì đó không phải là tự do hay hạnh phúc. Hạnh phúc có được khi không phải dính mắc vào bất cứ thứ gì thì đó mới là tự do hạnh phúc. Công bằng bình đẳng có nghĩa không phân biệt đối xử, tất cả mọi người đều như nhau, giống như chết rồi, xác đốt thành tro, cát bụi không thể phân biệt. Nhà bác học Newton phát hiện ra luật vạn vật hấp dẫn tức là luật này tự nhiên mà có chứ không phải ông Newton ngồi chế ra rồi đem đi phân phát khắp nơi. Nhân loại có khả năng chế tác ra các học thuyết về tự do thì nhân loại cũng có khả năng buông bỏ chúng, nhưng kỳ thực khi buông bỏ tất cả các học thuyết, con người trở nên tự do. Ngay bản thân đức Phật cũng nói rằng không nên tin những gì Phật nói mà phải chiêm nghiệm xem điều này có thực sự đem lại hạnh phúc và giải thoát hay không, lúc đó mới đặt niềm tin và hành trì theo, cho nên kinh điển cũng không thể bị kẹt vào. Kẹt vào các học thuyết là nhân loại bỏ tù chính mình, bản thân không có tự do thì làm sao đi gieo rắc tự do cho người khác. Bất cứ nền chính trị nào cũng đều mang tính vô thường, khi đầy đủ nhân duyên một nền chính trị ra đời và cũng khi đầy đủ nhân duyên một nền chính trị sẽ diệt vong, và nghiệp chung của một quốc gia quyết định nền chính trị mới tốt hơn hay tệ hại hơn mà thôi. (21)

TG Minh Thạnh