Khi Đức Phật còn tại thế. Bấy giờ, Ngài đang ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kì-đà, nước Xá-vệ.

Một hôm có người cha vừa mất con. Mặc dù, ông theo đạo Bà-la-môn, cũng hiểu ít về tôn giáo, nhưng đứng trước giờ phút người thương yêu nhất ra đi mãi mãi thì ông không thể nào chấp nhận được. Cuối cùng, ông bị điên loạn, chạy lung tung khắp nơi, gặp ai ông cũng hỏi: “Bạn ơi! Có thấy con của tôi ở đâu không?”

Trải qua vài ngày, ông chẳng màng tới chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, nên tâm càng điên đảo nặng hơn. Một hôm, ông đến thẳng tinh xá của Đức Phật, ông cũng hỏi:

– Sa-môn Cù-đàm ơi! Ông có biết con của tôi ở đâu không?

Đức Phật bảo:

– Này Bà-la-môn! Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là khổ đau.

Ông ta đang cuồng loạn, nghe Đức Phật dạy cũng chẳng hiểu nói gì, liền quay lưng bỏ chạy đi, nhưng trong đầu vẫn nhớ mang máng lời Ngài: “Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là…hạnh phúc.” Ông chạy khắp nơi, nói với mọi người: “Sa-môn Cù-đàm bảo tôi như thế này: “Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là hạnh phúc.”

tam-dien-dao-nghe-phap-hieu-sai

Có những người nghe ông ta nói như thế đều cảm thấy rất kì lạ nói: “Đức Phật là bậc Đại giác có trí tuệ thì làm sao nói, con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là hạnh phúc?” Sau đó, câu nói này lan truyền khắp nơi. Một hôm, vua Ba-tư-nặc và phu nhân Mạt-lợi đứng trên lầu nhìn thấy dân chúng tụ tập, xem ra tình hình khác với mọi ngày trước đây. Họ vốn sống bằng nghề mua bán, an phận giữ mình. Vì sao hôm nay lại cùng tụm năm, tụm ba bàn tán, rốt cuộc xảy ra việc gì?

Do đó, nhà vua liền hỏi quan cận thần. Vị quan thưa:

– Muôn tâu bệ hạ! Mọi người đang bàn luận rằng: có một người đến gặp Phật xin nghe pháp. Ngài dạy ông ta: “Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là hạnh phúc.”

Vua nói:

– Lẽ nào có việc này! Rốt cuộc là việc này như thế nào?

Phu nhân Mạt-lợi là đệ tử Phật giáo thuần thành, nên liền thưa:

– Tâu bệ hạ! Đức Thế Tôn không bao giờ nói như thế, nếu đúng như Ngài nói như vậy thì có dụng ý của Ngài. 

Phu nhân liền sai một vị đại thần đến tinh xá gặp Phật để hỏi sự thật. Ngài giải thích rất kĩ càng: “Con người vì thương yêu sâu nặng mà phải xa cách thì rất đau khổ. Oán ghét mà gặp nhau thì cũng rất khổ. Hai việc này đều không có hạnh phúc.” Đức Phật nói lại lần nữa để cho vị đại thần trở về cung thưa lại với phu nhân Mạt-lợi.

Thật vậy! Con người đang thương yêu sâu nặng mà phải chia li thì tất nhiên là rất đau khổ, làm sao mà hạnh phúc được? Còn sống chúng với người mình oán ghét, đương nhiên cũng rất khổ sở, làm sao mà an lạc được?

Nhìn từ việc này, chúng ta thấy, tuy có người sống cùng thời với Đức Phật, đối diện với Ngài mà cũng xảy ra việc sai lầm, huống gì về sau này? Cho nên nói: “Nhân duyên thù thắng được gặp Phật. Nghe pháp không hành cũng uổng công.” Lại nói: “Thân người khó được, nay đã được. Siêng dưỡng huệ mạng làm tư lương.” Thân người khó được, nay chúng ta đã được, tiếp đến là chúng ta phải chuyên cần bồi dưỡng huệ mạng. Sinh mạng vốn có phân đoạn sinh tử, nhưng huệ mạng lại lâu dài liên tục. Trên con đường nhân sinh, chúng ta phải nhanh chóng tích trữ tư lương huệ mạng.

“Tâm Phật, tâm mình, hành chánh đạo. Sinh ra gặp Phật có khó gì.” Chúng ta biết rõ sau này sinh ra gặp Phật còn ở đời thật là không đơn giản. Chỉ cần chúng ta có tâm, hiểu được tâm Phật thì tất nhiên cảnh giới của Phật sẽ càng ngày càng gần chúng ta.

Pháp sư Thánh Nghiêm – Thích Nữ Viên Thắng việt dịch