Trong cuộc đời tương đối này, để sống không có lỗi, không vi phạm, không tổn hại bất kỳ là điều không có. Những người hoàn hảo đó không tồn tại được trong thế giới này. Bởi lẽ do duyên lành tốt thì họ phát huy được cái thiện, duyên kém yếu thì biểu hiện ra nghiệp chướng và phát huy cái xấu. Trong xã hội cũng vậy, những người có đạo đức, lương thiện không phải thuần thiện chỉ là họ có đủ điều kiện để phát huy cái thiện nổi lên, kiềm chế được cái ác, che đậy được cái ác.
Người biểu hiện thiện không hẳn là người thuần thiện, người biểu hiện ác cũng không hẳn là thuần ác. Nếu thật ác thì không bao giờ hoàn lương, người thật thiện không bao giờ lỗi lầm.
Cho nên ông bà ta có câu: Bần cùng sinh đạo tặc, để nói lên sự tương đối của cuộc sống. Bởi nếu khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, không ai còn nghĩ đến tội phước mà chỉ hành động theo bản năng, bất chấp mọi hành động để tồn tại. Ngược lại, kẻ ăn cắp cũng có thể hoàn lương được! Cho nên tính thiện ác là tương đối: Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười.
Vì thế, chúng ta không nên cho rằng người tu hành phải là những người thuần thiện rồi gạt bỏ những người đã lầm đường lạc lối, gây tạo ác nghiệp trong quá khứ đến với cửa Phật. Nếu quan điểm cho rằng cửa chùa là nơi chỉ dung chứa những con người thiện lành thì chùa chiền không có giá trị trên cuộc đời này.
Vì người lương thiện dù họ không đến chùa vẫn là người lương thiện. Chùa chiền ra đời chủ yếu cho chúng sanh nhiều lỗi lầm, cho kẻ xấu hồi đầu quy hướng, làm lại cuộc đời.
Cho nên, chúng ta đừng kỳ thị những người “xấu” tìm đến đạo mà phải nên khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hiểu biết thêm về Phật pháp. Việc kỳ thị, phân biệt này tưởng đâu là tốt cho đạo nhưng đó là một sai lầm lớn khi chúng ta ngăn cản đi một chúng sanh biết hướng đến con đường thiện lành.
Sống học tu theo theo Phật không phải để chứng tỏ mình, mà phải biết sống bao dung, sống rộng lượng trước những sai trái của người khác. Cũng như Đức Phật, Ngài đã trải qua những kiếp sống làm người xấu, kẻ ác ở tiền kiếp để rồi khi biết hướng thiện, Ngài vẫn trở thành một bậc giác ngộ muôn người tôn kính, là hình ảnh của hoa sen mọc trong bùn.
Những ai thường có tâm lý sợ tội?
Thực tế cho thấy những người biết tu mới biết sợ tội. Nhưng có những người sợ tội dựa trên chân lý. Đó là những người tu giác ngộ, tu hành đúng đắn nên họ sợ tội nhưng không hoang mang. Bên cạnh đó còn có những người sợ tội là do:
– Người không có hướng tu đúng đắn, nghe lời đồn rồi sinh ra tâm lý sợ hãi, bất an, hay diễn dịch ra tội lỗi.
– Rơi vào thất bại, khổ đau, bệnh tật thì nghĩ lại họ tự kết tội mình. Nên khi khổ rồi càng khổ hơn, hoang mang hơn.
– Những người yếu đuối, không xác định được các vấn đề trong xã hội nên cứ sợ cái này cái kia.
– Những tín đồ các tôn giáo, kể cả Phật giáo, học và tu chưa tới nên đặt ra những vấn đề lệch lạc.
Cho nên người tu học nhận thức rõ thì không để bị động bởi những người không có quan điểm tu học không đúng đắn. Và chúng ta không để mình là nạn nhân của những người tu học mê tín để ép uổng chúng ta. Phải nhận ra chân lý mới tu đúng, mới hạnh phúc và an lạc hơn khi tu hành.
Tóm lại, khi tiếp cận đạo Phật chúng ta phải sáng suốt trong mọi nhận định của mình về tội phước. Và luôn ghi nhớ lời dạy: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo (Nên làm việc thiện tránh đi việc ác. Tự làm tâm trong sạch, đó là lời Phật dạy).