Teno là một thiền sư vừa hạ sơn, sau 10 năm khổ luyện công phu, sư đến yết kiến thiền sư Nanin, một đại thiền sư nổi danh thời ấy. Vừa gặp mặt Nanin đã hỏi: 
–         Lúc nãy nhà thầy bỏ chiếc dù bên phải hay bên trái đôi guốc trước khi vào thiền thất của ta? 
Teno bối rối thú nhận rằng đã không nhớ rõ và đành ở lại xin thụ giáo với sư Nanin.

Một lần khác Nanin lại hỏi: 
–         Khi nãy thầy bỏ dép trước khi vào thất thầy đã bỏ dép ở chân nào trước?
Teno cũng không thể trả lời được. 

Nhiều năm trôi qua Nanin vẫn không dạy dỗ gì thêm ngoài chuyện dù dép. Cho đến một hôm tự thấy mình đã hoàn toàn hành thiền được trong bốn oai nghi. Teno đến từ giã thầy ra đi. Nhưng lại thêm một lần rủi ro nữa.  Thầy mở cửa hơi mạnh tay khiến nó vang lên một tiếng động nhỏ…điều này chứng tỏ thầy đã dụng một sức lực quá mức cần thiết…Teno lại phải ở bên thầy thêm vài năm để học về cách đóng cửa…
Và sau 6 năm ở với Nanin, sư trở thành một thiền sư lừng danh của nước Nhật. 

PC: Rốt cuộc cũng chỉ là chuyện dù với dép, tay với chân…Sao không là chuyện có chút gì là cao siêu huyền bí hết? Vậy mà Teno đã dám bỏ ra 6 năm dài để học những chuyện vặt vãnh ấy. Muốn bắt chước Teno còn khó hơn là bắt chước Tây Thi nhăn mặt nữa…Hỡi ai!  Những điều mà chúng ta bỏ qua và khinh thường luôn luôn là những điều cổ nhân lưu ý nhất. 

Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy