Boong… boong… boong…Bà Hà giật mình khi tiếng chuông chùa xóm dưới vọng lên. Không cần xem đồng hồ bà cũng biết là 3 giờ rưỡi sáng. Bà đã chờ cái thời khắc này lâu lắm rồi. 24 tiếng đồng hồ. Với một người nằm bất động trên giường như bà, đó là cả một quãng thời gian kéo dài vô tận…
Lấy hết chút sức tàn còn lại trong người, bà Hà lại bắt đầu niệm Phật, như cái thuở bà còn đi chùa được. Nhưng càng cố gắng, tiếng bà phát ra như tiếng của một con vật lạ ục ặc trong cổ. Giữa không gian yên ắng của căn nhà, giọng bà trở nên thê thiết và ai oán. Bà cố tụng niệm để làm sao cho siêu thoát được cái kiếp đọa đày này. Sáu năm sống nhờ hoàn toàn vào sự trông nom, chăm sóc của con cháu, bà đã thấm thía tất cả nỗi đau, sự mệt mỏi và cả tủi nhục nữa… Nhưng trời vẫn muốn hành tội cái thân già ấy.
Ác một nỗi, nằm liệt giường nhưng thân thể bà vẫn nghe nhức buốt, đau đớn. Tai vẫn nghe tiếng cằn nhằn, có khi chửi rủa của những đứa con, đứa cháu. Và mắt bà vẫn nhìn thấy khoảng trần nhà phía đối diện mình… Đó là một cực hình đối với một con người…
– Mẹ kiếp bà già điên…!
Đứa cháu gái có nhiệm vụ nằm ở phòng ngoài canh bà đêm nay nãy giờ nằm im, bắt đầu lên tiếng. Dẫu biết đó là thói quen của bà ngoại mình, bởi cả ngày bà không biết trò chuyện với ai, nhưng nó không thể không bực mình vì mất giấc ngủ. Lần nào cũng vậy, cứ 3 rưỡi sáng là “bà già điên” lại thức dậy, niệm cái chi chi Nam-mô với Đà Phật, kêu ai là tát tát bồ bồ chi đó rồi khóc, rồi than khổ, rồi kêu cha kêu mẹ, kêu anh kêu em, kêu con kêu cái… Điệp khúc ấy con cháu trong nhà ai cũng đã quen, nhưng để chấp nhận là cả một vấn đề. Vì thế, đứa mô cũng nạnh nhau để tránh ngủ lại trông đêm “bà già điên”…
Nghe tiếng đứa cháu mà nước mắt bà Hà tự dưng lăn dài trên má. Con bé Thúy con của cái Lan là đứa cháu mà hồi nhỏ bà thương yêu nhất. Lúc còn sức, buôn bán ở chợ được quà gì ngon, bà đều mua về cho nó. Đến lúc yếu, con cháu, bà con mừng tuổi hoặc cho tiền mua quà ăn vặt, bà đều cho lại con bé một ít. Nhưng từ ngày bà nằm xuống, nó ít khi tới. Mà tới thì thường hay bỏ đói và chửi rủa bà nhất. Thói đời vốn vậy. Đến nỗi bà niệm Phật nó cũng chửi rủa thì thật là tội lỗi. Cơn tức của bà lên đến cổ họng. Nếu bước ra được, bà đã cho con cháu bất hiếu kia mấy cái cán chổi. Nhưng oái oăm là giờ bà nhấc tay chân lên được đã là một kỳ tích rồi. Thôi đành vậy. Rồi trời có mắt cả…
Nghĩ vậy, bà Hà càng niệm Phật to hơn, càng gào kêu cha kêu mẹ to hơn. Bởi kêu nhỏ cũng bị chửi, kêu to cũng bị chửi. Vậy tội chi kêu nhỏ. Mà đứa chửi mình lại là một đứa cháu ngoại nữa chứ. Mà thiệt tình, ai mới ngủ đây vài lần và không hiểu bà, sẽ ngay lập tức bảo là bà bị tâm thần. Nhưng không, bà rất tỉnh. Cả ngày, không ai trò chuyện, lại gần bà, trừ ba bữa cho ăn – mà có bữa cho có bữa không nữa – và những lần dọn dẹp vệ sinh cá nhân cho bà. Những đứa con, đứa cháu, ngày nào cũng ghé qua nhưng đều im lặng. Có lẽ chúng qua xem bà đã chết chưa.
Khốn nạn, có lần, cách đây gần một năm, thằng con cả bà, có sui rồi, khi vào thăm xong, quay ra, nói với con vợ nó ngồi phòng ngoài: “Bà già ni ngó bộ sống dai nhách rồi. Tụi mình chắc còn khổ dài dài đây…”. Từ đó, đa phần lúc chúng nó vào, bà đều nhắm mắt lại như ngủ. Chúng bảo nhau là bà ngủ khỏe ghê, ngủ cả ngày. Và không thèm đánh thức bà dậy cho ăn luôn. Thành ra, nhiều bữa bà khát và đói nhưng lúc kêu thì giọng nhỏ mà chúng nó lại giả đò không nghe. Chỉ đến lúc chuông chùa sớm vọng lại, bà như tỉnh táo hẳn. Và bắt đầu niệm Phật, nói chuyện với những người mà bà từng thân thương nhất và cầu xin cho mình chết nhanh ngày nào tốt ngày ấy. Nhưng biết bao lần nghe chuông tỉnh thức như vậy, bà vẫn “sống dai nhách”…
Cái đói lại cồn cào trong bà Hà với những cơn đau nhức thấu xương vì không vận động lâu ngày. Bà gào lên: “Mẹ ơi, cho con miếng cơm… Con đói chết mất mẹ ơi…”. Bà biết, mẹ bà thương bà lắm. Ngày chưa mất, cụ thương bà nhất nhà, một phần vì bà lúc ấy là chị cả, cáng đáng mọi việc trong nhà. Hai là vì một nhẽ mà chỉ cụ và bà Hà biết. Hồi sinh bà Hà ra, ông cụ thân sinh của bà bốc cho bà một lá số tử vi. Lá số cho biết bà khổ suốt đời, về già còn bị hành xác rồi mới chết. Nhưng thương lắm thì hai cụ cũng ra đi khi rồi. Bà hiểu có kêu người chết cũng vậy thôi. Nhưng kêu ai bây giờ?
Con cháu ngoại ngoài kia thì bà chắc chắn giờ có kêu nó 1.000 lần nó vẫn giả điếc hay chửi bới lại vì bà làm mất giấc ngủ của nó. Tụi con cháu bà giờ vậy hết. Một năm, hai năm đầu, chúng còn e dè, chửi sau lưng. Giờ thì chửi ngay trước mặt bà như muốn bà tức mà chết nhanh cho chúng rảnh nợ… Nhưng đâu dễ thế. Bà còn muốn chết đi nhiều hơn chúng nữa. Ngặt một nỗi đâu phải cứ muốn là được…
Chuông chùa sớm vừa dứt đợt cuối cùng. Có tiếng bước chân người sè sẹ lại bên giường bà Hà. Một bàn tay nhỏ xíu cầm lấy bàn tay bà, nói nhỏ: “Bà ơi, bà đừng khóc nữa. Con thương bà lắm, nhưng không biết làm sao… Con sợ chị Thúy la. Nãy giờ nghe bà niệm Phật và kêu khóc, con vừa sợ lại vừa thương. Nước mắt cứ chảy ra. Chờ chị Thúy ngủ lại con mới dám vào đây…”. Và bàn tay nhỏ ấy từ từ lau nước mắt cho bà Hà. Chưa bao giờ con cháu bà lại đối xử với bà như vậy…
Cố hết sức xoay mặt nhìn về phía có giọng nói con gái, bà lục ra trong trí nhớ của mình. À, con bé Hậu đây mà. Nó là bạn của cái Thúy, vẫn thường hay qua chăm bà giúp chị. Nhưng khác với cái Thúy, bé Hậu lúc nào cũng dịu dàng, nhẹ nhàng và tận tâm với bà, dù nó với bà chẳng có chút máu mủ nào cả. Đến nỗi, lúc dọn dẹp vệ sinh cá nhân cho bà, con Thúy chạy xa, còn bé Hậu lại là người lau dọn tử tế và sạch sẽ. Bà cứ ước chi cháu bà có một đứa bằng một nửa con Hậu là được…
Bé Hậu cũng hay trò chuyện với bà Hà về gia đình nó. Mẹ nó đi bước thứ hai, gặp ba nó và sinh ra nó. Tuổi thơ nhọc nhằn khi mẹ không lo gì mà chỉ bắt nó vừa học vừa làm thêm để đưa tiền cho bà đánh bài đánh bạc. Ba nó mất khi nó học lớp 9. Mẹ bỏ quê theo một ông nào đó vào Tây Nguyên sống, biệt vô âm tín cho đến giờ. Trong người nó, giờ biết bao nhiêu thứ bệnh, ngày nào cũng ngất xỉu mấy lần. Bác sĩ bảo nó thiếu máu trầm trọng do không sản sinh hồng cầu được, có thể không sống được lâu nữa.
Năm nay đã 20 tuổi nhưng nó chỉ cao hơn đứa mẫu giáo một chút và nặng hơn hai chục ký. Không có sức khỏe, con bé cứ đi làm lặt vặt cho người khác. Ai thuê chi làm nấy. Lạ cái là có làm nó mới lấy tiền. Bình thường ai cho cái bánh, trái cam nó ăn chứ nhất quyết không lấy tiền của người ta. Nhưng hằng ngày con bé vẫn tươi cười, vẫn giúp đỡ tận tình những ai khó khăn, hoạn nạn mà nó gặp. Nhiều lúc, còn 5 nghìn ăn sáng, thấy một người ăn xin, nó cho luôn không ngần ngại. Nghe con bé thủ thỉ tâm sự mà bà Hà thấy lòng xót xa. Ước chi giờ còn sức, bà sẽ nhận nuôi con bé và coi nó như đứa cháu ruột của mình…
– Bé Hậu, răng mi khùng rứa? Ngủ đi! Ngồi chi với bà điên ni!
Tiếng con bé Thúy gọi giật từ phía sau làm cả bà Hà lẫn bé Hậu suýt đứng tim. Hậu lí nhí:
– Dạ em nghe bà ngoại kêu mắc tiểu nên em vào xem thử…!
Con Thúy vẫn chua ngoa:
– Kệ bà ấy, mi ngủ đi. Có chi sáng dậy đã tính. Không chết đâu mà sợ…
Cái giọng của một con bé mới 25 tuổi mà cứ như một con mẹ bán cá ngoài chợ. Bà Hà khẽ thở dài. May mà nó chưa có chồng. Về nhà chồng mà cứ ăn nói như vậy thì ăn đòn nhiều hơn ăn cơm là cái chắc… Bé Hậu rơm rớm nước mắt, lủi thủi ra phòng trước. Bà Hà lại nhắm mắt trong tư thế của một người nằm ngủ. Bà muốn giơ tay kéo đứa con gái mà đã lâu nay bà con như máu mủ của mình lại, ôm vào lòng. Nhưng tứ chi bà bất động. Cũng không còn sức để kêu lên nữa. Trong đầu bà Hà lại văng vẳng tiếng chuông chùa…
Truyện ngắn của Nguyễn Thành Giang