Xưa, nước Tề đem quân đi đánh nước Lỗ. Vừa đến biên giới, quân Tề thấy một người đàn bà nước Lỗ tay bồng tay dắt hai đứa bé đi lánh nạn.
Tướng quân giặc kéo đến, người thiếu phụ vội bỏ đứa bé đang bồng trên tay xuống, bế đứa kia chạy trốn. Ðứa bé bị bỏ rơi chạy theo kêu khóc, người thiếu phụ vẫn không ngoảnh lại. Tướng quân nước Tề cho bắt người thiếu phụ lại hỏi:
– Ðứa bé chị đang bế là con ai? Ðứa chạy theo là con ai?
Thiếu phụ thưa:
– Ðứa tôi bế là con người anh tôi, đứa tôi bỏ lại là con ruột tôi. Sức tôi không thể nào bảo toàn cả hai đứa nên đành bỏ nó lại.
Tướng giặc ngạc nhiên hỏi:
– Phụ tử tình thâm, sao chị nỡ bỏ con mình để giữ lấy con của người?
Thiếu phụ đáp:
– Con tôi là tình riêng, con anh tôi là nghĩa công…Bỏ con đẻ tuy đau lòng quặn ruột thật, nhưng tôi không thể “bất nghĩa” mà sống được…Và con tôi, có lẽ cũng không muốn có một người mẹ vô nghĩa như thế.
Tướng quân nước Tề bèn tâu với vua xin bãi binh. Vì một người đàn bà ở vùng biên địa còn giữ gìn được như thế huống là các hàng sĩ phu. Vua Tề đồng ý.
Vua nước Lỗ biết chuyện, thưởng cho thiếu phụ 100 tấm lụa và phong cho hai chữ: “Nghĩa Cô”
Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy