Giáo điển nhà Phật có câu “Nhất thiết duy tâm tạo”. Không nói đến nghĩa lýsâu xa của duy tâm, duy thức, chỉ hiểu một cách đơn giản là mọi việc đều lưu xuất từ tâm, trói hay mở cũng do tâm. Tâm khởi kiết sử tham lam, sân hận, si mê…; tâm vọng động thì lập tức liền bị ma trói buộc. Ngược lại, tâm không động, không dính mắc kiết sử phiền não thì ra ngoài cảnh giới ma; vượt thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, lo, khổ, não.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ngày xưa Thích-đề-hoàn-nhân bảo trời Ba mươi ba: Nếu lúc chư Hiền cùng A-tu-la chiến đấu, nếu A-tu-la chẳng bằng, chư Thiên thắng được, các ông hãy bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói năm vòng mang đến đây!
Lúc đó A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại bảo các A-tu-la:
– Các khanh hôm nay cùng chư Thiên chiến đấu, nếu thắng được hãy trói Thích-đề-hoàn-nhân đưa đến đây!
Tỳ-kheo nên biết! Bấy giờ hai bên đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-la thua, trời Ba mươi ba bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói lại đem đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, đặt ngoài trung môn, tự quán sát trói đủ năm vòng. Bấy giờ vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền nghĩ rằng: ‘Chư Thiên này có pháp chính đáng, còn A-tu-la hành phi pháp. Nay ta chẳng ưa làm A-tu-la’. Ngay đó vua liền ở trong cung các vị Trời. Khi đó, A-tu-la vương sanh niệm này: ‘Pháp chư Thiên chánh đáng, A-tu-la phi pháp. Tôi muốn trụ nơi đây’.
Nghĩ như vậy rồi, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền biết thân mình chẳng còn bị trói, vui thú ngũ dục. Nếu vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la sanh niệm này: ‘Chư Thiên phi pháp, pháp A-tu-la chánh đáng. Ta không cần trời Ba mươi ba này, muốn trở về cung A-tu-la’, thì khi ấy thân vua A-tu-la liền bị trói năm vòng, ngũ dục vui thú tự nhiên tiêu diệt.
Tỳ-kheo nên biết, sự trói buộc mau chóng không gì hơn việc này. Bị ma trói buộc cũng mau hơn thế. Nếu khởi kiết sử, thì liền bị ma trói buộc; động thì ma trói buộc, không động thì không bị ma trói buộc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên cầu phương tiện khiến tâm chẳng bị trói. Hãy ưa chỗ nhàn vắng. Sở dĩ như thế là vì các kiết sử này là cảnh giới ma. Nếu các Tỳ-kheo ở trong cảnh giới ma, thì trọn không thể giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết; chẳng thoát sầu, lo, khổ, não. Nay Ta nói về mé khổ này. Nếu lại có Tỳ-kheo tâm không di động, chẳng dính mắc các kiết sử, thì liền thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, lo, khổ, não. Nay Ta thuyết mé khổ này. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nên học như vầy: không có kiết sử thì vượt ra khỏi cảnh giới ma. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 34.Đẳng kiến,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.350)
Lời Phật dạy thật rõ ràng. Vì tâm còn kiết sử phiền não, vọng động dấy khởi tham ái nên chúng ta bị ma trói buộc không thể giải thoát. Nếu tâm an trú chánh niệm không vọng động, tâm giác tỉnh chiếu soi phiền não quyết không dính mắc thì hành giả ra khỏi sanh tử.
Trói hay mở là do tâm. Tu tâm chính là giữ tâm khôngđộng (Định), không dính mắc phiền não (Tuệ). Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, người tu mà có Chỉ, có Quán hay có Định, có Tuệ thì thành tựu giải thoát, đây chính là điều mà các Tỳ-kheo cần phải học.
Thế Tôn luôn cảnh tỉnh “Các Tỳ-kheo, nên cầu phương tiện khiến tâm chẳng bị trói. Hãy ưa chỗ nhàn vắng. Sở dĩ như thế là vì các kiết sử này là cảnh giới ma” và khuyến tấn “Các Tỳ-kheo! Nên học như vầy: không có kiết sử thì vượt ra khỏi cảnh giới ma”. Những lời dạy tha thiết ấy trải qua mấy ngàn năm vẫn luôn đồng vọng, nhắc chúng ta tu tập Giới-Định-Tuệ nhằm thoát khỏi trói buộc của ma, thành tựu giải thoát.
(Quảng Tánh)