Khi xưa, lúc Phật còn tại thế, bốn mươi chín năm nói pháp thì hoàn toàn không có một công cụ hay thiết bị nào để lưu giữ lại những lời dạy của Ngài. Nhưng, thật may, thị giả của Phật là người được tăng chúng tôn xưng là bậc thượng thủ đa văn đệ nhất. Thầy có khả năng nhớ tất cả lời dạy của Phật và trùng tuyên lại cho chúng tăng nghe không sai một chữ. Thầy cũng chính là người trùng tuyên lại hết thảy các bản kinh của Phật từng tuyên thuyết trong cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, tại chân núi Vibhara, gần thành phố Rajgir (Vương xá), kinh đô của vương quốc Magadha – sau khi Phật diệt độ.

Như vậy thì thời Phật và sau Phật, ba tạng giáo điển Kinh, Luật và Luận chỉ được truyền miệng, mãi sau hơn hai trăm năm Phật viên tịch trong cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba mới được vua A Dục (đế vương là người đề xướng và bảo trợ cho cuộc kết tập này) dùng văn tự chép kinh lên lá bối. Ngôn ngữ truyền miệng thì nhất định sẽ bị thay đổi, qua thời gian thời đại cũng lần không còn giống như nền văn hóa cũ, phương thức tu hành cũng đổi mới, xuất hiện nhiều bộ phái, vì vậy mà chư Tổ đã chế ra pháp Tứ Y để tăng sĩ đời sau học kinh, nương thầy tu tập không bị sai lối lầm đường.

meckl-antal-1103703-unsplash-Copy

Mỗi sứ giả thì có mỗi cách diễn xướng ba tạng giáo điển không giống nhau. Người diễn xướng có thể là bất kì ai, chứ không nhất thiết là một ông thầy đường đường tăng tướng, thời Phật thì có ngài Duy Ma Cật, đời Trần nước Việt ta thì có ngài Trần Tung (Tuệ Trung Thượng Sĩ), họ là những cư sĩ thâm hiểu và diễn xướng chánh pháp. Trong lịch sử Mật giáo Tây Tạng, vị đạo sư lại là một con người kì quặc, quái dị, thường xuyên đánh đập, chửi bới, đày đọa… đệ tử mình. Nhưng, vị đạo sư lại là những con người thực tu, thực chứng. Cốt, vị đạo sư làm như vậy là để rèn luyện sự nhẫn nhục, sự hy sinh và siêng năng cho đệ tử mình. Và trong phẩm “Nhập Pháp Giới” của kinh Hoa Nghiêm ta thấy rõ năm mươi ba bước đường cầu học của Thiện Tài Đồng Tử đã gặp rất nhiều vị thầy, trong đó có Tỳ Khoe ẩn sĩ, cư sĩ, đồng nữ, Vua chúa, dạ thần… nhưng Ngài không chấp vào người mà chỉ nương vào pháp của họ mà tiến đạo. Đó là Đại Thừa – nghĩa là cỗ xe lớn có thể chở và dung nạp tất cả… Phá bỏ mọi sự ràng buộc về hình tướng, vì hình tướng dầu thế nào đi nữa thì tánh giác vẫn vẹn nguyên, ai cũng có, quan trọng là có đủ tâm lực giữ vững bổn nguyện hay không? Đó là lý do chư Tổ khuyên ta nương vào pháp mà không nương vào người nói pháp (Y pháp bất y nhân).

Thời đầu, ba tạng giáo điển chỉ được truyền thừa bằng ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ chỉ là phương tiện để chuyển tải lý kinh, không thể nói hết được lý kinh mà chỉ diễn giải được một phần nào đó thôi. Lại cũng như Hoa Nghiêm Kinh, Phật thuyết kinh này phải nhập định Tam Muội Hải Ấn nói cho hàng Bồ Tát nghe, ai muốn nghe thì phải chuyên chú nhập sâu vào định mới có thể nghe. Vì, chỉ có hàng Bồ Tát mới có thể hiểu được lý kinh, còn hàng phàm phu thì không thể hiểu được.  Thời nay, ai muốn hiểu được lý kinh thì cũng phải thiền định vào trạng thái tĩnh lặng của thân tâm mới có thể liễu đạt được huyền nghĩa, chứ không thể hiểu kinh qua văn tự, sự bình luận, suy xét của ngôn từ. Ngôn từ chỉ là phương tiện, mà hễ là phương tiện thì ta phải nương theo nghĩa mà không nên nương theo ngôn ngữ, văn tự (Y nghĩa bất y ngữ).

Y trí mà không y thức cũng vậy. Nói cho cùng, ba tạng giáo điển cũng chỉ là một mớ lý thuyết suông, vì người chứng ngộ là Phật. Phật đã trải nghiệm qua rồi mới tuyên thuyết, ta là đệ tử học theo lời dạy của Ngài, học mà không ứng dụng được thì đó chỉ là lý thuyết. Nên, ta phải làm sao đưa cái lý thuyết đó ra thực tiễn của bản thân. Dầu ta học thuộc tam tạng giáo điển mà không có một lộ trình nào để ứng dụng tu tập thì ta cũng chỉ là một học giả, ta không thể trở thành một hành giả, thành tựu giả hay sứ giả. Trí thức không phải là cứu cánh mà trí tuệ mới chính là mục đích của người tu. Vì vậy mà ta nương vào trí tuệ chứ không nương vào trí thức.

Cũng như ta tụng Bát Nhã Tâm Kinh mỗi ngày mà cũng không cách nào “hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Đây là trái tim của giáo điển về trí tuệ siêu việt đến bờ kia mà tại sao ta đọc hằng ngày mà không thể nhập được? Ta thuộc nằm lòng “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị. Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc” nhưng Không ta phải tìm ở đâu? Tính vô sinh vô diệt của vạn hữu ta tìm ở đâu?

Cũng bởi, Tâm Kinh Bát Nhã là lý thuyết, nương lý thuyết mà tu thì vạn ức kiếp nữa cũng vướng vào vòng tái sinh không chủ động. Ta phải đưa bản tâm kinh này ra thực tiễn để ứng dụng thì đó mới là con đường đi đến cứu cánh thực sự. Con đường ấy – con đường ứng dụng Bát Nhã là con đường: hy sinh, nhẫn nhục, siêng năng, chân thật và tình thương. Vì sao? Vì cốt lõi của Bát Nhã là để ta phá ngã chấp và phân biệt. Mà hy sinh, nhẫn nhục, siêng năng đoạn đường này là đoạn đường ta phá đi cái ngã chấp của ý thức và trừ khử cái tính ưa phân biệt của mạt na thức.

Sống đời sống có sự hy sinh để phá đi sự phân biệt, vì khi đã hy sinh thì không có cái ngã, khi không có ngã thì lẽ nhiên cũng không còn sự phân biệt trong đó. Bởi lẽ, sau khi thấy, nghe, ngửi, nếm, va chạm hết tất cả trần cảnh nhưng vì hy sinh, nên ta mặc kệ nó, từ đó mà ý niệm phân biệt và chấp không còn nữa. Không phân biệt thì cái biết về trần cảnh cũng được đưa qua tàng thức, nhưng vì thức trung gian vẫn bình thường không khởi chấp nên khi qua tàng thức cái biết ấy rất thanh tịnh, từ đó thánh trí sẽ hiện ra. Vì vậy, dụng tâm hy sinh được thì ta sẽ đạt được Trí Diệu Quan Sát. Ta phải sống đời sống nhẫn nhục để có thể tự tại trước những nghịch duyên, như vậy ta sẽ phá đi được cái chấp, vì khi nghịch duyên đến mà ta không có sự nhẫn nhục thì sẽ chấp, mà chấp thì rất đau khổ. Đối với những thuận duyên như tài, sắc, danh, thực, thùy thì ta cũng cần phải có sự nhẫn nhục, vì nếu không có sự nhẫn nhục thì ta sẽ chạy theo nó, bị nó ràng buộc, không thể cất bước lên đường giải thoát. Dụng được tâm nhẫn nhục thì ta sẽ đạt được Bình Đẳng Tánh Trí. Và ta phải sống đời sống có sự siêng năng, sự siêng năng này chính là nguồn năng lượng để thúc bồi hy sinh và nhẫn nhục luôn hoạt động mạnh mẽ để chuyển hóa dần dần các hạt giống xấu trong A-lại-da. Nói ngắn gọn hơn là ta phải siêng năng hy sinh, siêng năng nhẫn nhục để luyện thân tâm mình. Có như vậy, dụng được tâm này thì ta sẽ đạt được Đại Viên Cảnh Trí.

Theo đó, nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân thức là năm thức ăn theo ba thức này để chuyển thành Hậu Đắc Trí. Vì bản chất của chúng là các giác quan có hình tướng của con người, chúng như một ống kính dùng để thu thập thông tin từ trần cảnh, còn sự nhận biết về chúng là do tâm, thế nên ta không thể chuyển hóa được chúng. Nếu chuyển thì phải chuyển từ tâm, tâm thanh tịnh thì tất nhiên, hình cũng sẽ thanh tịnh, vì lẽ này mà năm thức đầu là năm thức chuyển thành trí tuệ sau cùng.

Khi thực hành và chứng nghiệm được ba tâm này thì đời sống chân thật mới thật sự có, và khi có đời sống chân thật thì tình thương cũng theo đó mà xuất hiện. Chân thật và tình thương chính là Tánh Không và Từ Bi. Chuyển thức thành trí được rồi thì tất nhiên cũng đồng nghĩa rằng sẽ thấy được bản thể chân thật của các pháp là Tính Không. KHÔNG không phải là không có cái gì hết, mà tất cả đều do duyên hợp mà tựu thành, duyên hết thì ẩn tàng, ly tán, tất cả đều tương quan, tương duyên, tương tức, tương nhập với nhau, nên không có cái ta trong đó. Không sinh cũng không diệt, không có cũng không không, không nhân cũng không ngã, không bỉ cũng không thử, không tả cũng không hữu, tất cả là bất nhị, đều là một. Và khi đạt được Tánh Không (trí tuệ Bát Nhã) thì lòng từ bi thật sự lúc đó mới phát khởi mà yêu thương…

 

Khi thể nhập được Tánh Không, cũng đồng nghĩa ta liễu đạt được lý bát Nhã, cũng đồng nghĩa ta đạt được chân tâm thường trụ bất biến, Trí Tuệ cũng từ đó mà phát khởi ra. Có trí tuệ ta sẽ diễn xướng tam tạng giáo điển một cách chân thật, không hư dối. Bởi lẽ không đạt được chân tâm mà nói lý kinh thì chỉ là một mớ lý thuyết, không phải là sự trải nghiệm của bản thân. Nhưng bản kinh liễu nghĩa là những bản kinh thượng thừa không phải ai muốn nói là nói. Muốn hiểu kinh, muốn nói kinh thì trước hết ta phải tu cái đã, chứ không thể chấp vào học thức của mình được. Phật là người có tố chất thông minh từ bé, lớn lên tài năng văn võ vượt xa mọi mọi người mà khi đi tu Ngài đã phải mất hết năm năm cầu pháp, sáu năm khổ hạnh và bốn mươi chín ngày ngồi thiền quán dưới cội Bồ Đề mới có pháp để nói. Phật do tu rồi mới có pháp để nói. Bây giờ ta không thể lấy lời dạy của Ngài mà ngơ ngẩn cho là cứu cánh, không lo tu. Lời Phật dạy chỉ là ngón tay chỉ trăng. Nếu ta chấp cho ngón tay là trăng thì ta không thể thấy trăng. Ta phải lấy lời Ngài dạy ra mà ứng dụng, ứng dụng được thì lý thuyết ấy sẽ biến thành một thực tiễn sinh động.

Tam tạng giáo điển là nền tảng để ta học pháp, hành pháp và nói pháp. Ta cần phải nương vào những bản kinh liễu nghĩa của Đại Thừa, vì những bản kinh này là những bản kinh nói lên được nghĩa lý chân thật của các pháp về tánh không và từ bi. Chỉ ra một con đường đi đến giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, vượt ra ngoài sự chấp hữu của hàng Tiểu Thừa, và chỉ ra cái thấy không hạn lượng, rốt ráo viên mãn. Kinh Tiểu Thừa là những bản kinh chỉ giúp người ta hoàn thiện mặt đạo đạo đức trong cuộc đời, không có con được tu tập ứng dụng rốt ráo. Cho nên, ta phải nương vào nhưng bản kinh liễu nghĩa chứ không nương vào những bản kinh không liễu nghĩa (Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh).

(Nhìn dưới một góc độ khác: liễu nghĩa là tánh, bất liễu nghĩa là tướng. Ta có thể nói: Y tánh chứ không y tướng.)

(Nói như vậy không phải để chê bai kinh điển Tiểu Thừa, mà mục đích là để ta có một cái nhìn khách quan hơn, không để bản thân co ro trong cái hiểu biết chủ quan của mình).

Nói như vậy nhưng không phải bản kinh nào của Đại thừa cũng đưa đến thể tánh viên giác. Ví như kinh Vu Lan và Báo Hiếu, kinh A Di Đà… các bản kinh này thuộc hệ thống kinh giáo Đại Thừa nhưng vẫn mang sắc thái của Tiểu Thừa. Lấy ra một bản kinh để chứng minh: kinh A Di Đà mục đích là để chúng sinh cầu tha lực. Trong kinh có nói muốn sinh về cõi Cực Lạc tất phải cần thật nhiều thiện căn, phước đức và nhân duyên, mà hễ còn thiện căn, phước đức, nhân duyên thì còn nhân quả, hễ còn nhân quả thì còn sinh tử luân hồi.

Quay lại vấn đề, cốt lõi của Đại Thừa là để phá chấp, dụng trí tuệ đi vào cuộc đời. Hàng Thanh Văn thánh giả của đức Phật cũng còn chấp, họ chấp trong định, xuất định thì họ vẫn còn bị một số vần đề ô nhiễm tấn công như xuất bất tịnh khi ngủ vì bị ma dẫn dụ. Vì vậy mà họ không dám ra khỏi định để đi vào cuộc đời, cho nên các quả vị của hàng Thanh Văn còn gọi là quả vị bất động. Chỉ có hàng Bồ Tát xuất định ra ngoài vẫn giữ được tâm rỗng lặng cứu độ chúng sinh. Bồ Tát tu lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ) vẫn chưa rốt ráo mà cần phải tu thêm bốn độ của ngài Long Thọ nữa mới viên tròn, bốn độ đó là: phương tiện, nguyện, lực và trí. Trí cuối cùng mới đích xác là Sai Biệt Trí, còn trí tuệ của lục độ chỉ mới là Căn Bản Trí. Sai Bệt Trí được phát triển nên từ Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là Chân Tâm, sai biệt trí là diệu tâm. Chân Tâm là nền tảng tiến tới Diệu Tâm. Lấy Chân Tâm ra ứng dụng mới đạt được Diệu Tâm. Đó là lí do sau chặn đường cầu học của Thiện Tài Đồng Tử gặp vị thầy cuối cùng là ngài Phổ Hiền Bồ Tát lại chỉ Thiện Tài ra chợ. Cũng là lí do tại sao ngài Duy Ma Cật bác Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: không rời đạo Phật mà làm các việc phàm phu, cũng chẳng khởi diệt thọ tưởng định mà hiện các oai nghi chỗ đó mới là chỗ yên lặng. Đó là Đại Thừa. Kinh điển Đại Thừa nếu ta tu tập theo thì ta sẽ thấu rõ con đường Bồ Tát đã đi. Tu Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh. Sống trong đời ngũ trược, ẩn trong tướng phàm phu mà tâm vẫn rỗng lặng, thanh tịnh như hoa sen trong bùn nhơ.

Kinh điển mênh mông, đôi lúc ta cũng sẽ thấy choáng ngộp vì không biết phải tu như thế nào? Thế nên, muốn vững chãi trên đường tu thì tất, trước hết ta phải có một người Thầy. Người Thầy ấy phải là người Thầy có chánh tri kiến (Kinh Viên Giác – phẩm Phổ Giác).

(Nhìn dưới một phương diện khác quan hơn: nói Tiểu Thừa hay Đại Thừa thì vẫn còn chấp. Nên ta phải tu làm sao để quay về với Nhất Thừa. Mà Nhất Thừa thì không có thừa nào để nương, lại cũng chẳng có thừa nào để đi về.)

Như vậy, con đường ta đang đi với mục đích là gì? Ta phải có cái nhìn lại bản thân mình một cách khách quan, đừng vướng vào một ý thức chủ quan nào. Tu là sửa. Mà sửa cái gì thì đây là điều ta cần quán chiếu thật nhiều.

Thú thật, những điều tôi vừa chia sẻ cũng chỉ là những lời dạy tôi góp nhặt thu được từ Thầy tôi. Mục đích là gì thì tôi đã trình bày rất rõ.

 

<Tâm Thiền>