Người lãnh trách nhiệm quét dọn thiền đường đang làm việc, thấy Sư bước vào, người ấy hỏi:

– Hành Tuệ Quán có khó không?

Sư nói:

– Từ lâu ta có nghe ngươi than van gì về việc quét tước đâu.

Lời góp ý:  

Tuệ Quán (pannaya passati) còn gọi là quán chiếu Bát Nhã, hoặc Tuệ Minh Sát, Tuệ Quán Chiếu (vipassanà) v.v… đều lấy Tuệ Giác mà chiếu soi thực tướng của vạn pháp. Nói “kiến tánh”, nói “thấy thực tướng” đều chỉ là cách nói khác nhau về cùng một sự kiện. Thấy cái này tức thấy cái kia, không thấy cái này thì cái kia cũng mù tịt. Không thể chỉ thấy cái này mà không thấy cái kia được.

Hành Tuệ Quán chính là lặng lẽ chiếu soi hồn nhiên trong sáng. Có tinh tấn nên không phải dễ. Không gắng sức nên chẳng phải khó. Còn đối tượng của Tuệ Quán chính là thực tại hiện tiền (pháp đang là, dương xứ) nên Kinh nói: “Chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây”. Pháp lúc nào cũng hiện tiền: đi – đứng – ngồi – nằm, lau chùi – quét tước, tâm – vật, trong – ngoài chẳng luôn điều gì nên quán nên không. Cứ thực tại hiện tiền mà thấy y như thị (yathàbhùtam), đừng để tướng mê ngăn ngại, đừng để tướng vọng che lấp là Như Lai lập tức xuất hiện ở đời. Tướng mê thấy là tướng mê, tướng vọng thấy là tướng vọng thì “vô minh thực tánh tức Phật tánh”.

Vậy, Tuệ Quán chính là:

“Tâm địa nhược không

Tuệ nhật tự chiếu”.