LẠY BÀ CHÚA SAM PHÙ HỘ
Đến mùa vía Bà Núi Sam, Châu Đốc, hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau về lạy Bà, cầu mua may, bán đắc, làm ăn thịnh đạt và sinh con theo ý muốn. Nhiều người còn cầu Bà phù hộ cho được tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức. Và còn nhiều điều van xin, cầu nguyện thầm kín khác nữa.
Trong số những đoàn người đến viếng điền Bà có một vị Phật tử trẻ tuổi, vốn tin nguyên lý duyên khởi2 và không tin vào quyền lưc ban phước, giáng hoạ của thần thánh của các tôn giáo khác.
Vừa bước đến cổng đền, năm bảy em trai bán vé số xúm quanh anh. Một đứa trong nhóm mời rao:
– Anh ơi, mua vé số đi. Bà ở đây linh lắm: cầu gì được nấy.
– “Vé số của em linh hơn anh ạ. Sáng nay em đã lạy Bà và cầu cho người mua trúng số độc đắc. Mua giùm em đi!” Một đứa khác xen vào.
– “Anh ơi,” một đứa khác ngắt lời, “Hãy mua của em. Cả mùa vía Bà năm nay, em ăn chay. Ngày nào cũng lạy Bà phù hộ. Người mua vé số của em đã trở thành triệu phú nhiều lắm.” Bé phân bua.
Anh Phật tử thương lũ trẻ con nghèo kho, mua đều của mỗi em một tờ vé số, rồi từ tốn nói:
– Như vậy, các em phải là những người trở thành triệu phú trước tiên chứ!?
Bọn trẻ suy nghĩ hồi lâu, rồi liếc nhìn nhau ngơ ngác . . . cho đến lúc anh phật tử mất dạng từ phía chân đồi.
THƯỢNG ĐẾ PHẢI ĐẮC CỬ
Sau ngày công bố kết quả bầu cử tổng thống và hai tòa thượng và hạ nghị viện của quốc gia trái đất, hàng trăm triệu người vây quần bên tượng và hình của Thượng đế và nói: Chúng con không thừa nhận Ngài. Chúng con muốn Ngài đắc cử!
Từ mấy từng mây xanh, Thượng đế nghe thấu được lời kêu ca, cảm thấy không vui, bèn cho Táo quân xuống trần nghiên cứu tại sao thiện hạ không thừa nhận ngài. Táo quân vâng lệnh đáp máy bay xuống địa cầu để thăm dò ý kiến. Vừa bước xuống máy bay, Táo quân bị đám đông mang đầy hoa thơm và quà chen lấn và làm ông té ngả. Đám đông đó hốt hả đi nhanh về phía chiếc trực thăng cá nhân vừa hạ cánh. Táo quân bẻn lẻn ngồi dậy rồi hỏi một người hành khách già:
– Tại sao họ vội vã đến thế? Họ đón ai vậy?
– “Anh ngớ nhẩn quá!” Người hành khách già nói với Táo quân, “Ông thượng nghị viện vừa đắc cử đã đến!” Người hành khách nói tiếp, “Ông ấy sẽ có thể trở thành thống đốc của một bang trong vài tuần bầu cử sắp tới. Họ mang hoa và quà tới chào đón ông. Tôi cũng vậy!”
– “Thế à!” Táo quân nói một cách thất vọng.
Nói xong, Táo quân buồn bả đi ra khỏi sân bay, hướng về quầy Taxi trả tiền trước.
– “Bán cho tôi một vé đi đến đền Thánh địa của trái đất,” Táo quân nói với người bán vé.
– “Xin lỗi anh, hôm nay không có Taxi!” Người bán vé giải thích, “Tất cả tài xế đều bận hợp để bầu chọn vị chủ tịch của công đoàn Taxi.”
– “Nhưng khách hàng là thượng đế kia mà!” Táo quân phàn nàn và cố giải thích.
– “Chả có nghĩa lý gì!” Người bán hàng đáp lại. “Bầu cử là quan trọng hơn hết của ngày nay. Chức chủ tịch hội đoàn rất có quyền uy. Khi đắc cử chức vụ này, người chủ tịch có thể đắc cử chức thượng nghị viện và rồi thống đốc nữa v.v…” Người bán hàng vui vẻ giải thích.
Vô cùng thất vọng, Táo quân đành đón xe bus đi về Thánh địa của trái đất. Tới nơi đã 9.30 tối. Thay vì thấy tín đồ, Táo quân chỉ thấy toàn cảnh sát ở trải dài từ cồng vào trong đền; trên tay họ toàn là vũ khí tối tân và cả máy móc phát hiện và báo chất nổ từ xa.
– “Tai sao các anh không cho tín đồ vào đền cầu nguyện Thượng đế?” Táo quân chất vấn anh cảnh sát trưởng.
– “Anh không biết sao, ngài tổng thống vừa đắc cử của chúng ta sẽ đến!” Vị cảnh sát trưởng từ tốn trả lời.
– “Nhưng cửa đền sẽ đóng vào lúc 10 giờ tối, khi ấy Thượng đế phải đi ngủ. Bây giờ đã 9.30 giờ rồi. Nếu tổng thống không tới trước 10 giờ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Họ phải đi về trong vô vọng à!” Táo quân cật vấn.
– “Có gì đâu!” Vị cảnh sát trưởng trả lời. “Thiện hạ phải về là chuyện thường thôi!” Anh nói tiếp. “Thượng đế xẽ phải chờ tổng thống. Ngài sẽ không đi ngũ cho đến khi tiếp và ban phước cho vị tổng thống mới đắc cử này!” Anh tự tin giải thích.
– “Thượng đế phải chờ một người phàm tục!” Táo quân bất mãn than. “Tại sao Thượng đế phải chờ người phàm chớ!” Táo quân buông nhẹ thêm một câu trách móc.
– “Phàm tục!” Vị cảnh sát trưởng gằng giọng. “Anh dám bảo tổng thống là người phàm tục à! Tổng thống là người được dân bầu. Tổng thống là tối thượng. Thượng đế phải chờ ông, nếu ông có đến trể!” Vị cảnh sát trưởng khẳng định.
Táo quân suy nghĩ hồi lâu về câu nói trên, rồi bắt đầu nghi ngờ về khái niệm phàm tục và Thượng đế. Không cần vào đền và không cần hỏi thăm ý kiến thiên hạ và các tín đồ đứng ngoài cổng đền, Táo quân buồn bả trở về trời.
– “Lạy Ngài, Thượng đế của con!” Ông kính cẩn khoanh tay trước Thượng đế thưa, “Con vừa trở về từ trái đất và con thấy rằng thiên hạ ở đó nói đúng và họ có lý.” Táo quân khẳng định, “Ngài phải đắc cử!”
– “Đắc cử!” Thượng đế không vui bảo, “Ngươi bảo sao, ta phải đắc cử à!”
– “Người phàm đắc cử đã thật sự trở nên tối thượng hơn Ngài và trở thành Thượng đế của loài người!” Táo quân trả lời. “Đây là điều con học được từ trái đất!” Táo quân khẳng khái kết luận.
ĐƯỢC RƯỚC VỀ BÊN PHẠM THIÊN
Một vị phật tử lớn tuổi buồn bả tìm đến nhiều chùa để hỏi vì sao bà làm nhiều việc từ thiện xã hội mà vẫn bị nhiều tai ương, nạn ách. Hầu như mỗi chuyến từ thiện đều đem lại cho bà một sự cố, một tai nạn.
– “Kính bạch thầy!” Bà cung kính thưa với một vị thượng tọa, “Sao đời con luôn gặp nạn, nhất là trong khi làm từ thiện. Làm từ thiện nhỏ thì con gặp tai nạn nhỏ. Làm từ thiện lớn thì con gặp tai nạn lớn.” Bà hạ giọng đặt câu hỏi, “Thế không có nhân quả thiện ác sao? Hay Phật và Bồ-tát không phò hộ người làm lành?” Bà ngẹn ngào rơi nước mắt, trên đôi má gầy gò còn rớm máu mủ do tai nạn bị lật xe trong một chuyến từ thiện lớn nhất trong đời bà, tháng vừa rồi.
– “Cụ hăy bình tâm!” Vị thượng tọa an ủi, “Chúng tôi là tu sĩ, những người được xem là ruộng phước cho đời, tu hành từ nhỏ đến lớn, làm biết bao việc lành lợi ích cho nhân quần xã hội, mà vẫn bị gặp tai ương và bệnh tật.” “Cụ à!” Vị thượng tọa dạy tiếp, “Nghiệp báo hay nhân quả đạo đức không chỉ là hoa trái của một đời người. Nó là một chuổi tương quan vô cùng phức tạp của nhiều đời, bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai.” Vị thượng tọa giải thích, “Tai ương của chúng ta ở đời này là những trái đắng mà chúng ta đã gieo hạt và trồng cây xấu ác ở nhiều đời trước. Việc làm từ thiện hôm nay chỉ là những hạt giống ngọt mới gieo trong mảnh đất có nhiều cây trái xấu ở đời trước, nên chúng chưa kịp trổ quả phước thì cây ác đã cho trái đắng rồi.” “Cụ hãy tin tôi, rồi đây không sớm thì muộn, trong tương lai của kiếp này hay kiếp sau, cụ sẽ hưởng quả phúc!” Vị thượng tọa khẳng định.
Bà kính cẩn chấp tay chào vị thượng tọa ra về, nhưng lòng vẫn không thấy thỏa mãn về câu trả lời. Cái tai nạn trật tay, lệch mủi và thẹo đầy trên đôi má gầy gò . . . không làm cho người phật tử lớn tuổi này nản lòng làm việc thiện. Nhưng hầu như khi đi đến chùa nào, đến vị thượng tọa nào để hỏi thăm, bà cũng chỉ nghe được câu trả lời tương tự, với vài chi tiết và cách diễn tả hay minh họa khác nhau, cái cách trả lời này không làm dịu được nỗi bâng khuâng và thắc mắc của bà. Hôm nọ, nghe bạn bè phật tử nói nhiều về một đại đức trẻ tuổi vừa tu học bên xứ Phật trở về, bà đã đến thăm vị ấy và cũng đặt một câu hỏi tương tự:
– “Thưa thầy, sao đời tôi gặp nhiều bất hạnh quá. Thầy hãy xem, gương mặt đầy thẹo và chưa lành mủ này là do tai nạn bị lật xe trong một chuyến làm từ thiện xã hội tháng trước đấy!” Bà phân bua và yêu cầu vị đại đức trẻ giải thích. Không vội giải thích, vị tu sĩ trẻ hỏi:
– “Còn những người làm từ thiện cùng đi chung một chuyến xe bị lật đó thế nào?” Vị tu sĩ trẻ hỏi bà với một giọng từ ái.
– “Thưa thầy, vài người vẫn còn nằm viện, vài người bại liệt, và vài người chết!” Bà vừa kể vừa khóc, “Tội cho họ quá!!!” Bà không quên nêu chi tiết, “Tôi là người già nhất trên xe và cũng là người bị thương nhẹ nhất.”
– “Đó là phước báu của cụ đấy, cái phước báu do suốt đời làm từ thiện không mệt mỏi!” Vị tu sĩ nhắn mạnh.
Bà nhướng mắt tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi nói,
– Vậy sao!
– “Tôi kể cho cụ nghe chuyện làm phước ở Ấn Độ.” Vị tu sĩ từ tốn nói. ” Vào tháng 6 và tháng 7 năm 1999, hàng trăm xe chở tín đồ Ấn giáo trở về thánh địa của họ để chiêm bá và câu nguyện. Báo chí ghi lại nhiều chuyện thương tâm. Ba chiếc xe trong số đó bị xe hàng đụng, chết không còn một người toàn thây. Hai xe bị rơi xuống sông Hằng không tìm được xác v.v… Trước sự cố đó, nhiều thân nhân của những người bị chết buồn bả từ bỏ đạo vì nghĩ rằng thần và trời của Ấn giáo không linh, nhưng nhiều người khác đã biểu tỏ niềm hạnh phúc như, “Người thân của tôi đã được Phạm Thiên, đấng sáng thế, rước về cõi trên rồi. Rồi đây, người thân của tôi sẽ ngồi chung bàn với các vị thần linh khác để phò hộ nhân sanh và để chúng ta tôn thờ!”
Kể xong, vị tu sĩ trẻ không quên kết luận cho bà cụ:
– Cụ thấy đấy, cách thức nhận định và đánh giá vấn đề trở nên vô cùng quan trọng đến thế, nhất là đối với con đường vun bồi đời sống đạo đức!”
Bà cụ bùi ngùi xúc đông rồi lại rơi những giọt thánh thoát trên gò má còm xương và đầy thẹo. Rồi, miệng bà nở một nụ cười thật tươi, thật duyên dáng và nói:
– Nghĩa là Phật và Bô-tát chưa muốn rước tôi! Các ngài muốn nhắn nhủ tôi hãy tiếp tục làm việc thiện!
Vị tu sĩ trẻ chấp tay, gật đầu chào bà cụ. Bà cụ vui vẻ chào thầy ấy ra về với một tấm lòng thanh thản và tin sâu nhân quả.
CUỘC HỌP CỦA CÁC THƯỢNG ĐẾ VỀ NĂM 2000
Vào những tháng cuối năm 1999, các vị thượng đế của các tôn giáo lớn trên thế giới gặp gở nhau để tổ chức cuộc họp về năm 2000. Buổi họp đến, các thượng đế cấp quốc tế, chẳng hạn như, của Ấn Độ, của Trung Quốc, của Do thái, của thành Gia-du-xa-lem và của khối Trung Đông đều có mặt. Ngoài ra, còn có các thượng đế cấp quốc gia và địa phương đều đến đông đủ. Nhưng bất hạnh thay, các thượng đế cấp nhỏ này không được dự họp, vì đẳng cấp xã hội thấp kém của mình. Họ phải đứng ngoài phòng họp để chờ kết quả. Chủ tọa của cuộc họp cấp cao về năm 2000 là thượng đế của Ấn Độ, vị thượng đế có tuổi lớn nhất. Thư ký của cuộc họp là thượng đế của Trung Quốc.
-“Kính thưa quý thượng đế đồng nghiệp!” Thượng đế của Ấn Độ khai mạc cuộc họp, “Chỉ còn vài tháng nữa, năm 1999 sẽ trôi qua và năm 2000 sẽ đến, cái năm mà kinh thánh của một số thượng đế ghi rằng sẽ tận thế. Quý thượng đế đồng nghiệp có ý kiến gì về cái ngày này và có biện pháp gì để biến nó thành hiện thực,” thượng đế chủ tọa trân trọng mời.”
“Đó là ngày phán xét cuối cùng,” thượng đế khối Trung Đông vội vã nói.
“Đây là điều kinh thánh của tôi nói trước, ai mà không biết!” thượng đế Do Thái cắt ngang. “Vấn đề trọng tâm, như thượng đế chủ tọa nói, là làm thế nào để biến nó thành hiện thực,” thượng đế Do Thái nói thêm.
“Đây là công việc mà tôi đã lưu tâm hơn 50 năm nay, kể từ Ấn Độ độc lập và chia Pakistan thành một nước độc lập trên bản đồ thế giới,” thượng đế Trung Đông phân trần. “Khi Pakistan hiện hữu như một nước độc lập, tôi đã không ngừng kích động thiên hạ của tôi ở nước này gây chiến với Ấn Độ.”
Thượng đế này kể chi tiết, “Từ một trận Saichen đẩm máu vào năm 1960 cho đến cuộc chiến Kargil 6 năm 1999 vừa qua, tôi gần thành công trong việc kích hai nước này sử dụng bom hạt nhân để tiêu hủy nhau. Nhưng nỗ lực này đã thất bại, do Pakistan không được sự ủng hộ của Mỹ và khối G-8 và Ấn Độ lại bận rộn trong cuộc bầu cử.” “Tôi đành bất lực!” thượng đế này than vãn.
“Nỗ lực đó có chi đây mà nói!” thượng đế thành Gia-du-xa-lem so sánh. “Chắc qúi vị vẫn còn nhớ thế chiến thứ hai, tôi đã hỗ trợ đắc lực cho dân tôi ở Đức và Ý, và ngoài ra, tôi còn phối hợp nhịp nhàng với thượng đế xứ Thần Đạo, gây chiến tranh đẩm máu trên toàn cầu.” Nhưng rồi chuyện không đi đến đâu,” thượng đế thành Gia-du-xa-lem tiếc nuối tiếc, “Mỹ chỉ dội hạt nhân vào xứ Thần Đạo, rồi ba cường quốc này bị quân đội đồng minh đánh bại tan tành!”
“Bại là phải!” thượng đế Trung Quốc nói, “thời điểm đó đã đến năm 2000 đâu mà nỗ lực hết mình!” thượng đế này trách nhẹ. ” Kinh thánh của tôi không hề nói đến chuyện tận thế, do đó, tôi không muốn tham gia bàn kế sách biến nó thành hiện thực,” thượng đế Trung Quốc lánh một cách không ngoan.
“Chúng ta phải bắt mồi từ xa chứ!” thượng đế thành Gia-du-xa-lem biện hộ. “Gần đây,” ông kể, “Tôi muốn làm lớn chuyện ở Kosovo. Mỹ nhún tay tiếp và rồi như quý đồng nghiệp thấy tôi đã không thành công!” thượng đế này dẫn chứng thêm, “Và một lần vào mấy năm trước, tôi đã kích Irac đánh chiếm Cô-quét và thả bơm hạt nhân vào nước này, nhưng Mỹ lại can thiệp và phá đám. Các khoa học gia nước này đã phá hủy các bom hạt nhân của Irac trên không trung và đã cấm vận nước này làm cho khối Hồi giáo không dám ủng hộ Irac.” thượng đế này kết luận một cách chán chường, “Cũng lại Mỹ chọt gậy bánh xe nữa!”
“Đáng đời lắm!” thượng đế khối Trung Đông cười chọc tức. “Nếu anh cầu viện tôi lúc đó thì mọi việc đã xong rồi.” Ông buông nhẹ thêm một câu, “Trung Đông là xứ sở cai trị của tôi chứ đâu phải của ông!”
“Sao quý vị lại cãi vã với nhau!” thượng đế chủ tọa can. “Chúng ta họp là để bàn giải pháp chứ đâu phải để giành công và cãi lộn,” thượng đế chủ tọa không quên nhắc nhỡ.
“Dễ thôi,” thượng đế thành Gia-du-xa-lem nói. “Quý thượng đế đồng nghiệp hãy cố gắng xúi giục thiên hạ của mình gây chiến với nhau và cuộc gây chiến này sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba. Lúc đó, thì quả địa cầu này của còn là mãnh vụn của bụi mù pha với màu máu!” thượng đế này nói một cách tự tin và tâm đắc.
“Nhưng thời gian còn quá ít làm sao chúg ta có thể thành công?” thượng đế Do Thái chất vấn. “Hiện nay, hội đồng bảo an liên hiệp quốc có đến ba nhóm. Ba nhóm đều phá kế hoạch và quyết định của nhau. Nhóm này đồng ý thì nhóm kia chống kịch liệt. Lam sao lấy được biểu quyết của đa số” thượng đế này phân trànn nỗi khó khăn.
“Đúng, đúng!” Các thượng đế đồng nghiệp đều chắc lưỡi và gật đầu suy nghĩ. “Làm sao bây giờ?” Một vị thượng đế chợt lên tiếng.
“Không sao, tôi đã có cách!” thượng đế thành Gia-du-xa-lem vui vẻ nói. “Chủ chăn của tôi dưới thế có đến hàng ngàn tiến sĩ giỏi, làm việc dưới trướng. Tôi sẽ bảo vị chủ chăn ra lệnh các vị tiến sĩ này tạo nên môn “giải thích học” để lý giải sự cố tận thế năm 2000, theo cách thức lý giải sự cố 2YK của máy vi tính vậy.”
“Nghĩa là làm sao, chúng tôi không hiểu!” các thượng đế khác ngạc nhiên hỏi.
“Nghĩa là giải thích chữ “tận thế” theo nghĩa biểu tượng triết lý, chứ không theo nghĩa đen của từ: thế là đời, tận là chấm dứt, là bị hủy diệt hết,” vị thượng đế thành Gia-du-xa-lem giải thích cặn kẽ.
“Có lý đấy!” thượng đế chủ tọa nói. “Tôi được mệnh danh là đấng đã tạo dựng nên thế giới, đấng duy trì thế giới và đấng hủy diệt thế giới. Nếu ta không muốn hủy diệt thì thế giới vẫn còn nằm trong sự bao bọc và duy trì của ta. Sự cố năm hai ngàn cũng vậy,” thượng đế chủ tọa tâm đắc vô cùng.
“Như vậy tất cả món hời của cuộc giải mã ý nghĩa “Tận thế” thuộc về món hời của ông sao!” các vị thượng đế đồng thanh lên tiếng.
Chuyện bàn cãi không đi đến đâu, bổng văng vẳng từ ngoài vọng vào là tiếng của một vị thượng đế địa phương:
“Kế hoạch non như vậy làm sao thành công được.” Ông đắc chí nói tiếp với một giọng khêu khích và chọc tức, “Có gì đâu, nếu kế hoạch tận thế không xong, thì các anh phải tự sát trước chứ!”
“Bắt anh ấy lại!” thượng đế chủ tọa và thư ký ra lệnh.
Các thượng đế xúm chạy ra khỏi phòng họp, nhào tới vị thượng đế địa phương nhỏ bé, chụp lấy ông rồi đánh túi bụi. Trong cơn đau đớn, vị thượng đế này đã bấm nút “mìm tự sát” trong người ông. Một tiếng nổ khốc liệt vang lên, rung chuyển cả địa cầu. Các vị thượng đế dự họp chết tan sát. Các thượng đế địa phương không được dự họp một số cũng bị chết, số còn lại chạy chốn để khỏi bị truy án can hệ.
Rồi năm 2000 trôi qua trong bình yên! Sự kiện tận thế đã chấm dứt!
CÁC CÁCH SỬ DỤNG CHIẾC BÈ
Trước khi sang được bờ bên kia sông, vị đạo sư cao thượng đã từng bị con sông làm cho khổ lụy: nào là nước lụt của sông dâng lên quá cao không thể vận chuyển đây đó dễ dàng và nhất là không thể vượt sang bờ kia sông được. Sau sáu năm công phu tu tập, bằng mọi phương pháp, kể cả phương pháp khổ hạnh ép xác, cuối cùng vị đạo sư đã giác ngộ, thành tựu đạo quả, vượt qua khỏi thác lũ của sông bên này. Vì thương tưởng đến những người còn lại ở bên kia sông sống trong tình trạng không biết đến ngày mai, đã không quản gian khó làm hàng trăm chiếc bè với kích cở, hình thù và màu sắc khác nhau, gởi tặng cho những người còn bên kia sông. Trong số những người bên kia sông đến nhận các chiếc bè, có các nhà thi sĩ, nhà họa sĩ, nhà du lịch đó đây, nhà trang trí nội thất, nhà thương buôn và các tu sĩ nữa. Nhưng có nhiều người không thèm nhận bè để sang sông vì họ cảm thấy hài lòng với tình trạng lũ lụt của sông mà không chút bận tâm mơ tưởng gì cao xa hơn tình trạng sống hiện nay của họ.
“Cảm ơn vị đạo sư đã có lòng thương tưởng!” nhà du lịch trầm trồ nhìn chiếc bè rồi nói. “Chiếc bè đẹp thật.” Ông khen nức nở, rồi chất hành lý lên bè, đi du lịch đó đây trên vùng sông nước cho đến cuối đời mà không bận lòng chèo sang bờ bên sông.
“Cảnh trí sông nước giáp trời xanh thật là tuyệt!” nhà thơ tức cảnh sanh tình, lên thuyền cùng bạn bè thưởng ngoạn gió mát trăng thanh trên sóng nước cả năm này sang tháng nọ, mà không chán. Nhờ chiếc bè và cảnh trí đẹp, ông và bạn bè đồng thuyền với ông đã sáng tác hàng trăm bài thơ tình tứ uyên áo, sâu sắc.
“Chiếc bè tốt này sẽ tuyệt đẹp nếu ta trang trí thêm cho nó!” nhà trang trí nội thất thầm nghĩ rồi bỏ ra nhiều ngày mua thêm nhiều vật liệu trang hoàng cho chiếc bè giống như một tòa lâu đài lộng lẫy di động trên sông nước. Ông và vợ con vô cùng hạnh phúc trên chiếc bè đã được bàn tay khéo léo của ông chăm sóc. Ông và gia đình không chèo thuyền đi xa mà chỉ ở quanh quẩn bên bờ này.
“Cám ơn vị đạo sư tốt bụng!” nhà thương buôn thầm nghĩ rồi mơ tưởng, “ta sẽ làm giàu bằng chiếc bè tốt này, đưa người du lịch đó đây và đưa người sang sông!” Rồi ông sống và làm giàu bằng cái nghề chở người đi đó đây để thưởng ngoạn cảnh sông nước bao la dưới trời trong xanh tuyệt đẹp.
“Cảnh trí thật là tuyệt vời! Ta phải vẻ cảnh nên thơ này!” nhà họa sĩ, không thèm nhận chiếc bè, thong thả ngồi xuống trên bờ sông, lấy giấy và bút ra vẻ cảnh chiếc bè ngao du trên sống nước bao la. Tranh của anh tuyệt vời đến độ người ta đã bán đấu giá rất cao.
“Ta phải sang sông, để còn chờ người khác sang sông nữa!” vị tu sĩ vội vã lên trên chiếc bè và mời nhiều người cùng lên, nhanh tay chèo sang sông. Sau khi sang sông, ngắm nhìn chiếc bè đã giúp mình thoát lũ, ông thả chiếc bè trở lại bên kia bờ, rồi không quên thầm nguyện:
“Mong sao mi chở thêm nhiều người sang sông nữa nhé!” Nói xong, ông tiếp tục lên đường.
Một số hành khách đi cùng bè với ông tỏ vẻ bất mãn, nói:
“Chúng ta phải giữ chiếc bè này làm kỷ niệm. Tại sao chúng ta bỏ nó? Nó giúp chúng ta nhiều lắm!”
“Tại sao chỉ giữ để làm kỷ niệm, chúng ta hãy cùng nhau vát về nhà mà thờ chứ,” một người khác bất đồng và lên tiếng đề nghị.
“Có lý lắm!” cà đám đông họa theo rồi khen, “anh nói đúng!”
Trong khi cùng nâng chiếc bè lên vai, vị tu sĩ đã đi mất dạng. Đám đông lặng lẽ nhìn nhau, rồi nhìn về bờ kia sông thấy cảnh các nhà thi sĩ, nhà họa sĩ, nhà thơ, nhà thương buôn, nhà trang trí nội thất đang chòng chềnh trên mặt nước phong ba trước cơn gió dữ, và rồi nhìn thấy cảnh những người không có bè đang lặn hụp và bị sóng nước cuốn trôi!!!
DẠ . . . DẠ, CON KÍNH BẠCH THẦY!
Tại một ngôi chùa thuộc cấp bậc trung trong một thành phố lớn của Việt Nam, vị Hòa thường trụ trì qua đời. Lễ tưởng niệm và tống táng vị Hòa thượng này rất đơn giản nhưng không kém phần trân trọng. Sau đó không lâu, Giáo hội đã bổ nhiệm một vị đại đức trẻ tuổi lên làm trụ trì ngôi chùa đó. Gần một năm trôi qua, vào một buổi sáng nọ, một chị phật tử độ tuổi trung niên đến chùa viếng thăm vị Hòa thượng. Bước vào phòng trụ trì, chị gặp một vị tu sĩ nhỏ người, trẻ trung giống như vị thị giả chị gặp năm trước. Chị bảo:
“Em làm ơn cho chị gặp Hòa thượng trụ trì.” Chị phật tử phân trần, “Gần một năm rồi chị không đến thăm Hòa thượng!”
Vị tu sĩ đó vui vẻ mời chị ngồi, rót nước mời chị uống, hỏi thăm mục đích của chị đến gặp trụ trì. Chị bảo chị đến gặp Hòa thượng để xin Hòa thượng một lời khuyên về cách khắc phục tâm tánh vội vã của chị. Vị tu sĩ trẻ khuyên chị cố gắng chú tâm và tỉnh thức trong từng hành vi cử chỉ của tâm và của thân. Khi nào thấy tâm nôn nóng về một viẹc gì thì phải biết tâm mình đang bị bốc cháy với lửa vội vã mà cố gắng hít thở thật sâu và tâm niệm rằng ta không nên vội vã, vì vội vã thường dẫn tới sai lầm. Vị tu sĩ khuyên chị vài cách khác để khắc phục tâm, chẳng hạn như phương pháp thay thế và phương pháp trì hoãn v.v… Phương pháp thay thế là thay chủ đề tư duy về sự nôn nóng quyết định làm một việc bằng một chủ đề khác, chẳng hạn như phong thái ung dung của đức Phật để cố gắng bắt chước ngài và từ bỏ tánh vội vã. Phương pháp trì hoãn nhằm suy tư về tính thời gian cần thiết một cách tối thiểu của một vấn đề. Sự nhảy vọt về thời gian có thể dẫn đến sự chín háp của công việc và gây nhiều bất lợi về sau. Nghe vị tu sĩ trẻ giải thích, chị phật tử cảm thấy sót ruột vô cùng và nài nĩ thầy cho chị gặp Hòa thượng.
“Em làm ơn thưa với Hòa thượng có Diệu Viễn tới thăm Hòa thượng.” Chị buông thêm một câu nhẹ, “Em thông cảm, chị bận lắm!”
“Xin chị vui lòng chờ cho một chút, thầy trụ trị sẽ ra liền!” Vị tu sĩ trẻ tuổi từ tốn đáp.
Nói xong, thầy bước vào buồn trong, mặc áo tràng nâu vào, thong thả bước ra rồi ngồi xuống ngay chính cái ghế củ kỷ mà thầy vừa đứng dậy. Chị phật tử trở nên xót ruột hơn, vội vã hỏi:
“Bộ Hòa thượng trụ trì bận hay Hòa thượng không có ở chùa? Sao không thấy Hòa thượng ra?”
“Thưa chị, Hòa thượng trụ trị đã qua đời cách đây một năm rồi!” vị tu sĩ trẻ khoan dung nói.
“Em bảo sao, Hòa thượng về cõi Phật rồi hả? Hồi nào vậy, sao chị không hay?” chị hỏi dồn dập.
Vị tu sĩ trẻ kể lại cơn bệnh ngặc nghèo đã cướp đi mạng sống của Hòa thượng vào năm ngoái, trước sự kính tiếc và nhớ thương vô vàng của phật tử bốn phương, mặc dù Hòa thượng đã được các bác sĩ giỏi ngày đêm canh nhau chăm sóc. Chị phật tử nghe thầy kể, nghẹn ngào rơi nước mắt, tự trách mình không thường xuyên tới chùa nên không biết gì về tin từ trần của Hòa thượng. Vừa lao nước mắt, chị vừa nghẹn ngào nói với vị tu sĩ trẻ:
“Thôi thì, em làm ơn cho chị gặp vị trụ trì mới!”
“Thưa chị, bần tăng là người được Giáo hội bổ làm trụ trì thay thế Hòa thượng ạ!” vị tu sĩ trẻ khoan thai nói tiếp, “Bần tăng có thể giúp chị được gì không?
Biết vị tu sĩ trước mặt mình là vị trụ trì mới của chùa, chị bẻn lẻn đổi giọng:
“Dạ, dạ . . . con kính bạch thầy . . .” chị lúng ta lúng túng bày tỏ xin lỗi về sự thất lễ. “Bạch . . . bạch thầy, cho con xin sám-hối!” Chị nói lập bập
“Có sao đâu!” vị tu sĩ buông nhẹ. “Ngôn ngữ xưng hô là cách mặc ước trong giao tế thôi, có gì đâu mà phải để tâm chấp mắc!” thầy vui vẻ giải thích.
Sợ chị ngại ngùng vị thầy liền chuyển sang đề tài về cách khắc phục “tâm vội vã” cho chị nghe, mà khi nãy thầy đang còn nói dở dang. Sau đó, thầy tận tình dạy cho chị cách tu thiền quán sát hơi thở và hành vi của đức Phật và khuyên chị siêng năng đi chùa hơn. Nghe thầy giảng giáo lý, chị cảm thấy thích vô cùng. Sau bài giảng, chị chào thầy ra về.
Tiển chị ra khỏi cửa phòng, nhìn dõi theo từng bước chân của chị, vị trụ trị trẻ thầm nghĩ: “Cuộc đời này lạ thật, con người ta trọng vọng cái “danh” cái “chức vụ” đến thế. Cùng lời dạy của một người, nếu lời dạy đó không được khoát lên mình nó một chức vụ, chưa chắc người nghe đã chịu tin và làm theo, dù lời dạy đó có đúng và sâu sắc, nhưng nếu lời nói đó được khoát lên áo của một người có chức vị, như trụ trì chẳng hạn, thì người ta mới chịu nghe: nghe một cách tâm đắc và hoan hỷ làm theo! Ấy mới biết, theo cách này người ta đã bỏ lở rất nhiều cơ hội để học hỏi trong giao tế và trong cuộc sống!”
LẮC ĐẦU VÀ GẬT ĐẦU
Sau hai mươi năm bế quan tỏa cảng, chính phủ Việt Nam bắt đầu cấp hộ chiếu cho phép các tu sĩ Phật giáo đi du học vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Người có phước được viện trợ tốt thì đi Pháp, đi Nhật, người kém hơn thì đi Trung Quốc và người ít nguồn viện trợ hơn nữa thì đi Ấn Độ, xứ sở đã khai sanh ra ánh đạo vàng Giác Ngộ. Trong số hơn 25 vị đi Ấn Độ vào năm 1994, có một vị tu sĩ trẻ tuổi, năng động và hiếu học.
Ngày đầu tiên ra chợ mua nhu yếu phẩm, thầy gọi một chiếc xe richshaw đạp, giống giống với chiếc xe kéo ở các tỉnh miền Tây Nam bộ Việt Nam.
“Từ đây đi ra chợ Camp bao nhiêu tiền?” thầy hỏi vị đạp xe.
“đếch ru-pe,” tức “mười đồng rupee”, anh đạp xe trả lời.
“át ru-pe,” tức “tám đồng được không?” thầy mặc cả, vì thầy biết rằng giá chính thức chỉ có năm đồng rupee thôi.
Anh đạp xe lắc đầu năm bảy cái. Thầy bỏ đi vì nghĩ anh khôgn chịu giá tám đồng.
“Come, come” tức “lại đây, lại đây!” anh đạp xe gọi vói theo thầy.
Nghe anh gọi, thầy hỏi lại cho chắc:
“Tám đồng hả!” “tám đồng nghe!” thầy nói thêm.
Anh đạp xe lại lắc đầu lia lịa. Thầy hơi bực bội quay lưng đi nhanh. Anh đạp xe lại gọi vói theo.
“Béch-thô” lên xe!” anh đạ xe mời thầy.
“Tám đồng phải không?” thầy lại hỏi.
Anh đạp xe lại lắc đầu vài cái. Thầy bỏ đi thẳng một nước mà không ngó ngoái lại, mặc cho anh đạp xe mời gọi “béch-thô, béch-thô” mời [thầy] lên xe, mời [thầy] lên xe.
Một tuần lễ sau đó, thầy bắt đầu học tiếng Hindi và văn hóa Ấn Độ, thầy mới hiểu ra rằng “lắc đầu” là dấu hiệu biểu tỏ “sự đồng ý” của người Ấn, mà người Việt Nam biểu tỏ bằng cái “gật đầu” và “béch-thô” là “mời ngồi lên xe!” mà thầy cứ tưởng anh nói tiếng Việt theo giọng ngọng: “[trả giá] bết thế.”
Thích Nhật Từ