Gần một năm nay, những tượng A La Hán được tôn trí phía trước Chùa Phật Đà, ai thấy cũng an tâm mát lòng. Chỉ trừ một số người khó tính, khắc khe từng chút về nghệ thuật chạm trổ điêu khắc, đã có không ít lời phê bình thẳng thắng.
Nào là tượng hơi bị méo. Ông La Hán này sao ốm quá, ông La Hán kia sao mập quá. Những tượng này không phải làm bằng đá nguyên chất, chắc bằng đá pha bột, hay đá giả hỏng chừng.
Thật tình, tôi đâu có khả năng, kiến thức phân biệt đá thiệt đá giả gì. Nhưng nhớ lúc thỉnh quý ngài an vị, 8 người thanh niên Phật tử khiêng không nổi. Có anh còn thắc mắc, ‘sao sư phụ thỉnh tượng gì mà to quá vậy. Hổng biết mấy ổng ăn thứ gì, mà nặng thấy mẹ luôn’.
Thế nhưng, dù phê bình gì đi nữa, tôi cũng đâu có phương tiện để đưa quý Ngài đi thẩm mỹ viện, đánh bóng, sửa mắt sửa mũi, bôi kem gì lại được. Nhứt là bên xứ này, tiền thẩm mỹ viện mắc gấp trăm lần tiền thuốc và tiền di chuyển.
Vì vậy, chỉ còn cách hoan hỷ chấp nhận, vui vẻ lắng nghe bao lời khen-chê, tốt-xấu của thiên hạ dồn về. Vả lại, mấy người khen-chê, đánh giá là Phật tử mà. Đệ tử Phật chê La Hán cũng là chuyện thường thôi. Nghe riết rồi thấy quen. Nhiều khi lâu quá không nghe ai chê bay chỉ trích, hai lỗ tai thấy thiếu thiếu điều gì!
Một hôm, có vị trưởng thượng, đã từng ở đây lâu đời. Hơn 20 năm lưu lạc ở Tiểu bang khác, vì miếng cơm manh ao, hay vì tình tiền gì đó, mà không có dịp trở lại thăm chùa, thăm hàng xóm, bạn bè, thăm tiểu bang nắng ấm tình nồng này một lần.
Không biết ông đến đây hồi nào, nhưng nghe quý sư cô nói, đã vào chánh điện lạy Phật, ra phía sau lạy Tổ, đi thiền hành lâu lắm, mới bắt đầu dạo quanh tượng Bồ tát Quan Thế Âm bên ngoài.
Sau đó, ông một mực đòi gặp vị sư trụ trì, với lời hỏi thăm:
– Ai là người trụ trì ở đây, ông hỏi quý sư cô.
– Dạ thưa bác, bác tìm thầy trụ trì có việc gì không ạ, quý sư cô hỏi lại.
– Mấy cô còn nhỏ đâu biết gì. Nhìn hình dạng mấy cô, tôi biết chắc ở Việt nam mới qua chớ gì? Cho tôi gặp thầy trụ trì đi, chỉ có thầy trụ trì mới xứng đáng nói chuyện với tôi, ông khăn khăn đòi gặp.
– Phòng thầy trụ trì phía dưới đó, bác đến thẳng gõ cửa, nhe bác. Quý sư cô trả lời
Nghe lời quý sư cô, ông đi một mạch đến cái thất cũ kỷ gần như mục nát, và gõ cửa giống như người đang bị cháy nhà, nhờ cấp cứu.
– Mở cửa, mở cửa, thầy trụ trì ơi, mở cửa.
– Xin Bác vào đây ngồi dùng trà, tôi lịch sự thân mật mời. Chuyện gì rồi thủng thẳng nói.
Thế là, ông tự nhiên bước vào phòng, ngồi đỉnh đạt, oai vệ không thua gì vua chúa hồi xưa. Vừa ngấm ngía, vừa quan sát quan cảnh xung quanh phòng.
Phần tôi thì im lặng đi nấu nước, pha trà…
– Mời bác dùng trà, tôi trân trọng mời hai tay!
– Được, thầy để đó, từ từ tôi uống. (Giọng nói cụt ngũng, giống như người bị thiếu hơi)
– Thầy ở đây được bao lâu rồi? Ông hỏi.
– Dạ thưa bác, chỉ mới vài năm hà, tôi điềm đạm trả lời.
Ông bắt đầu sửa cặp kiếng đen, trông có vẻ trí thức, nét mặt đổi sang nghiêm trang, trịnh trọng, giằng giọng nói thêm.
– Hồi xưa chùa này nhỏ xíu hà. Nhưng thanh tịnh, hoang sơ lắm. Tôi là một trong những người đến đây đầu tiên, lần hồi lập chùa, thỉnh tượng tôn thờ. Hồi đó, chỉ có tượng Phật bà Quán Âm phía trước, chưa có chánh điện, chưa có gì hết, mà Phật bà linh thiêng dữ lắm. Bây giờ trở lại, thấy cảnh vật thay đổi quá nhiều, xung quanh Phật bà sao mà để mấy ông tượng gì, mất trang nghiêm dữ vậy. Có ông ở trần, có ông cưỡi voi, cưỡi khỉ, cưỡi thú, thấy mắc sợ. Có ông lại cười toe toét, còn hơn người đời nữa. Có ông lại phạch bụng, phạch ngực ra, đứng trước Phật bà Quan Âm, sao giống mấy tay anh-chị ở cầu muối-Việt nam khi xưa vậy? Ở trước cửa chùa, mà để mấy ông tượng không có chút mỹ thuật như thế, thì ai dám tới gần, lai vãng viếng thăm, lễ lạy nữa. Cứ thế, thao thao hết phê bình này, đến phê bình nọ, hết ý kiến này, đến ý kiến khác, làm tôi hơi xây xẩm mặt mày.
Tôi thầm nghĩ trong bụng, chắc ông đi chưa giáp vòng 18 vị La hán, nên chưa thấy phía dưới bìa, còn có ông La Hán cầm bát xin ăn nữa.
Sẳn đó, dòng suy nghĩ vớ vẩn, mông lung, vọng tưởng trong đầu tôi tràn ra.
‘A, âu cũng là một sự ngẫu nhiên, thú vị. Quý ngài La Hán gần khu Phật bà, ai nấy no tròn, béo phì, giống như thành phần dư ăn, dư mặc. Còn khúc xa phía dưới, chắc không được hưởng hồng phúc của Mẹ Quan Âm, nên quý vị này phải vất vả, cầm bát đi xin ăn, vô tình gia nhập “cái bang” hồi nào mà không hay?’
Rồi tôi hoàn hồn trở lại, tiếp tục lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe, mà không có cơ hội trả lời, trả vốn gì hết. Vì ông khách có cho tôi cơ hội đâu mà nói.
Thôi đành, lẳng lặng uống trà, làm thinh uống trà, hết chung này, tới chung khác. Còn ông, vẫn cứ say sưa phê bình quý ngài La Hán, cũng hết vị này tới vị khác, một cách không thương tiếc.
Có lẽ, vì hoàn cảnh cơm áo gạo tiền, hồi còn ở Việt nam, hay thậm chí khi đặt chân đến đây, đầu tắt mặt tối, làm nhiều công việc mưu sinh, nên ông không biết những vị mình đang nói, đang phê bình là ai nữa. Ôi, thật đáng tội nghiệp, thật đáng để cho tôi suy nghĩ về cái gọi là ‘một đời người bôn ba, hay kiến thức của người Phật tử’.
Sau một hồi, thao thao bất tuyệt, mà không thấy phản hồi, chỉ thấy tôi uống trà. Có lẽ ông cũng chán, hay ông tự suy nghĩ: ‘cái ông thầy trụ trì trẻ tuổi này, miệng còn hôi sữa, đường đời chưa đi đến đâu, không biết lịch sử, mỹ thuật nghệ thuật, không biết thiền-tịnh-mật gì hết. Mình nói quá trời, mà sao ổng cứ uống trà hoài. Coi điệu bộ ổng uống giống như chết khát mấy mươi kiếp hỏng bằng, hay là ổng chẳng hiểu gì hết. Thôi về phức cho rồi. Ở đây nhìn mặt hoài thấy phát ghét’ Thế là, ông đứng lên, cáo từ ra về, với sắc mặt không vừa lòng chút nào.
Tiễn ông khách ‘có vẻ học thức’ ra về, dõi mắt nhìn theo, lòng tôi tràn đầy thương cảm. Thương cho kiếp người quá lao đao, lận đận, thương cho kiến thức hạn hẹp, và thương cho ‘cái tôi’ quá lớn của ông!
‘Cái tôi’ sẽ còn mãi, nếu con người chỉ biết phê bình, chỉ trích, hay chê bay, bới lông tìm vết. Trong khi đó, 18 vị La hán vẫn ung dung tự tại, vẫn tháng ngày thong dong trong khuôn viên chùa Phật đà, và trong lòng biết bao Phật tử!
Trên bầu trời, mây trắng vẫn bay bay, cơn gió nhẹ thoảng đi qua, làm dịu mát tâm hồn!!
Úc Châu, 30-04-2011
T.K.Thiện Hữu