Trong mỗi ngôi nhà ở làng quê, hay dưới mái chùa ngay giữa thủ đô Hà Nội, cố đô Huế hay TP.Hồ Chí Minh và khắp nơi trên cả nước, hàng ngày chúng ta vẫn được dùng một thức uống độc đáo – chè tươi, đó chính là nhờ việc quốc dân hóa cây chè của vị Thánh trà Việt – Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1400).
Thiền sư Tuệ Tĩnh thế danh Nguyễn Bá Tĩnh, ngài xuất thân trong gia đình ở Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm, Hồng Châu nay là thôn Phú Nghĩa, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Lúc lên 6 tuổi, cha mẹ đều qua đời, ông được một thiền sư chùa Hải Triều ở Yên Trang đưa về nuôi và dạy học. Đến 10 tuổi, tiểu đồng Bá Tĩnh lại được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (Nam Định) đưa về cho học với thiền sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. Ở đấy, Bá Tĩnh được gọi là Tiểu Tuệ, thường gọi là Tuệ Tĩnh, được học văn, học thuốc để giúp việc chữa bệnh ở chùa.
Đến năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh đi thi hương trúng bảng, nhưng vẫn ở chùa; năm 45 tuổi, thi đình, đậu Hoàng giáp. Năm 55 tuổi Sư bị bắt đi sứ sang Trung Quốc. Ngài bị nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái y.
Cả cuộc đời của ngài dành cho việc tìm thuốc Nam, chữa bệnh bằng thuốc Nam, theo phương châm: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”.
“Muốn giúp nhân dân
Trước tìm vị thuốc
Sách trời đã định cõi Nam bang
Thổ sản của khác miền Bắc quốc”.
(Trục giải chỉ nam dược tính phú)
Việt Nam là quê hương của cây chè, cây chè mọc tự nhiên từ bao đời thành cổ thụ là một thảo dược, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã khẳng định trong các bộ sách của mình về phẩm chất trà của phương Nam ẩn chứa nhiều dược tính quý giá và uống nước chè tươi không chỉ là thức uống thông thường mà còn trị được bệnh.
Trong Bản thảo dược tính 499 vị thuốc Nam, có ghi vị số 188 là Minh trà: “188. Minh trà: Trà ngon, vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, nhuận tạng, trừ tiệt khu phong, sáng mắt, nhẹ đầu, hạ đờm, trị chướng lỵ, tiêu thức ăn”.
Sách Trục giải chỉ nam dược tính phú ghi: “Trà, vốn thanh tâm giải khát, uống một bát thì muôn điều lo nghĩ tiêu tan”.
Ngoài việc dùng lá chè tươi làm thức uống vừa giải khát vừa tiêu bệnh, Thiền sư Tuệ Tĩnh còn chế biến trà khô và dùng nước trà làm phương thuốc Nam trị bệnh. Trong bộ sách Nam dược thần hiệu còn ghi:
Kinh trị đau lưng rất hay: “Trà ngon nấu nước đậm 5 chung, hòa với dấm 3 chung uống ngay thì lành”.
Kinh trị bị sương lạnh lở loét: “Hoắc dương, chè đầu xuân. Bằng nhau đốt ra tro hòa với dầu phết lên trên lá mà đặt vào”.
Lấy cái giản đơn mà ức chế cái phức tạp, đó là sự tài tình của vị đại danh y. Cây chè rất đỗi giản dị mà thật quý, ai ai cũng dùng được và nơi đâu cũng có. Từ đó mỗi góc vườn sẽ trở thành vườn thuốc quý, không chỉ dừng lại ở cây chè mà còn nhiều thảo mộc khác cũng được Thiền sư Tuệ Tĩnh tìm và phổ biến rộng cho toàn dân.
Cả cuộc đời gắn bó với Nam dược và đặc biệt với cây chè, những trang sách của Thiền sư Tuệ Tĩnh trong Nam dương Quốc ngữ phú còn ghi lại danh trà Việt: “Chè lưỡi sẻ là Tước Thiệt hảo trà”. Một danh trà mà người yêu trà đều mơ ước được một lần nếm thử.
Tất cả những gì được ghi và truyền lại tới nay cho thấy sự uyên bác của Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ngài không những đã xây dựng được nền móng y học của Việt Nam mà còn đề cao giá trị của thuốc Nam. Truyền thống thuốc Nam của Thiền sư Tuệ Tĩnh đã được đời sau kế thừa và phát huy rạng rỡ. Cây chè được trồng khắp nơi trải rộng từ vùng núi xuống đồng bằng và tục uống chè tươi độc đáo vừa giải khát vừa bảo vệ sức khỏe của người Việt là do chính vị Thánh trà Việt gầy dựng.
(Nguyễn Ngọc Tuấn)