Một bài kinh Phật ghi rằng: Một lần Pessa, con của người huấn luyện voi, đến gặp đức Phật và nói với Ngài:

“Con chẳng gặp khó khăn gì với lũ voi. Hình như chúng nghĩ sao, làm vậy. Khi chúng có một ý định gì đó, con hiểu ngay, và chúng làm đúng theo ý định đó. Nhưng sao con người khó hiểu quá. Họ nói một đường và làm một nẻo. Loài người sống trong sự rối ren như vậy, còn loài vật sống trong sự cởi mở”.

Đức Phật xác nhận với Pessa:

“Thật như vậy, này Pessa! Này Pessa, rối ren thay, như loài người! Cởi mở thay, như loài thú vật!”

Đúng vậy. Voi sống trong rừng cây, còn con người thì sống trong ‘rừng’ tâm tưởng” (Kinh Kandaraka, Trung bộ kinh số 51).

***

con-nguoi-song-trong-rung-tam-tuong
Theo lời xác nhận của đức Phật, con vật sống đơn giản hơn, nên chúng cởi mở hơn. Con người, vì sống nhiều với cái tưởng (nghĩ, tưởng tượng, ngỡ rằng…) nên trở nên phức tạp – phức tạp với chính mình và phức tạp với người khác.

Bạn tưởng mình hiểu vô thường và đủ mạnh mẽ để vượt qua những bất trắc của cuộc sống cho đến khi chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của một người thân trong gia đình và bạn chỉ muốn chết theo người ấy.

Bạn cứ ngỡ mình đủ bao dung và tha thứ cho đến khi phát hiện đứa bạn thân nhất đã bỏ trốn với một khoản tiền lớn bạn đã thương mà cho nó mượn không một chứng từ; cái còn lại là lòng mình chứa toàn hận thù cay đắng.

Bạn tưởng chừng mình đủ mạnh mẽ, từng tuyên bố “sẽ tiễn ‘người ấy’ đi ngay nếu phản bội” cho đến khi phát hiện người bạn đời không chung thủy thì bạn không thể làm được điều mình từng tuyên bố. Điều khó hiểu là chính bạn là người khóc lóc muốn níu kéo cuộc hôn nhân của mình…

Như vậy đó, vì không hiểu hết mình, bạn cứ sống với những cái “tưởng” nhiều hơn thực tế để rồi tự chuốc lấy nỗi khổ niềm đau cho bản thân.

Đau khổ tỷ lệ thuận với khoảng cách giữa cái bạn “tưởng” và “sự thật” cuộc sống. Đối với các bậc thánh, khoảng cách này không tồn tại và các Ngài luôn an trú trong bình yên, hạnh phúc. Nói cách khác, các vị ấy không có cái gọi là “tưởng” mà chỉ sống với thực tế, vì các ngài có đủ trí tuệ để nhìn xuyên suốt bản chất cuộc sống, tự thân trải nghiệm cuộc sống như đang là. Do vậy, quý Ngài sống an nhiên và tự tại, nói sao làm vậy.

Khi bạn thấu hiểu lòng mình nhiều hơn, ý nghĩ và lời nói của bạn sẽ càng gần với hành động của bản thân hơn, an lạc và hạnh phúc theo đó cũng được chế tác nhiều hơn, bạn sẽ bớt dần đi việc “nói một đường, làm một nẻo”. Cuộc sống trở nên thanh thản và có ý nghĩa hơn khi bạn dành thời gian và năng lượng để nhìn thấu tâm mình nhiều hơn vậy.

(st)