Nếu có lúc rảnh rỗi thì sau khi niệm “Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật”, tụng một quyển kinh A Di Ðà, tụng ba biến chú Vãng Sanh, tán Phật một lượt thì càng hay. Cách hành trì này tối đơn giản, hợp thực tế, quyết định thành công.
1. Chuyển biến nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn
Sự khổ vui của mỗi người vốn là một thứ quả báo, phải vận dụng cả ba đời để quán sát. Nếu chẳng hiểu rõ đạo lý này, làm sao thông hiểu được? Hiện tại chúng ta gặp phải nghịch cảnh, mắc phải tai nạn, đương nhiên là có dính líu đến nhân quả. Cách để chuyển biến, tiêu trừ chúng nhanh nhất chính là Niệm Phật. Trong kinh từng nói chí tâm niệm Phật một câu, tiêu trừ được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Nếu đã tiêu trừ được tội thì nào còn có nghịch cảnh, tai nạn gì nữa! Kinh còn dạy người niệm Phật A Di Ðà được vô lượng vô biên chư Phật ở bốn phương, thượng, hạ hộ niệm. Phật là bậc pháp lực vô biên vạn đức, vạn năng, đã được Phật gia bị thì còn sợ gì tai nạn cơ chứ?
2. Thoát khỏi luân hồi, trường sanh vĩnh viễn
Ngoài lục đạo lại còn có cảnh giới nào khác thì thật là chuyện lạ. A! Lục đạo là cảnh phàm, nào biết còn có cảnh Thánh. Cảnh Thánh chính là cõi Phật. Trong các thế giới ở phương Tây, có thế giới Cực Lạc, là quốc độ của Phật A Di Ðà, hoàn toàn do bảy báu tạo thành, trang nghiêm thanh tịnh.
So với bất cứ cõi thiên cung nào, thế giới Cực Lạc cũng tốt đẹp hơn ngàn vạn vạn lần. Ðiểm tuyệt diệu nhất là thọ mạng vô lượng, chẳng giống như cõi trời, cõi người sanh tử chẳng ngừng trong lục đạo. Trong kinh có dạy: Nếu ai sanh về đó thân đều sắc vàng, quang minh chói lọi, thần thông đầy đủ, nghĩ đến áo liền có áo, nghĩ ăn liền có ăn, thọ mạng vô lượng, sống mãi đến khi thành Phật.
Phương pháp rốt ráo để sanh về đó là như kinh đã dạy: Niệm A Di Ðà đến Nhất Tâm Bất Loạn. Lúc lâm chung, nhất định A Di Ðà Phật đến rước đi.
3. Nêu lời cổ huấn để chứng minh
Những điểm tốt lành vừa được đề cập trong hai đoạn trên đều được chép trong kinh, vốn ngàn lần, vạn lần chân thật, chẳng cần phải nhọc công nêu chứng minh. Nhưng càng chứng minh nhiều thì tín tâm càng thêm kiên cố nên chẳng ngại dài dòng, nêu thêm mấy câu về “mười đại lợi ích của việc niệm Phật”. Nghĩa là người niệm Phật quyết định sẽ được mười điều lợi ích:
1) Ngày đêm thường được hết thảy chư thiên, đại lực thần tướng ẩn thân thủ hộ người ấy.
2) Thường được hai mươi lăm vị đại Bồ Tát như Quán Âm bảo vệ, gia hộ.
3) Ngày đêm thường được chư Phật hộ niệm, A Di Ðà Phật thường phóng quang minh nhiếp thọ người ấy.
4) Hết thảy ác quỷ, dạ-xoa, la-sát đều chẳng hại được, chẳng bị trúng phải rắn độc, thuốc độc.
5) Nước, lửa, oán tặc, đao binh, súng ống, gông, cùm, lao ngục… đều chẳng mắc phải.
6) Những tội nghiệp đã tạo khi trước thảy đều tiêu diệt.
7) Ðêm ngủ mộng thấy điềm lành, hoặc thấy thân sắc vàng thắng diệu của Phật A Di Ðà.
8) Tâm thường hoan hỷ, vẻ mặt tươi tắn, khí lực sung mãn, việc làm tốt đẹp.
9) Thường được hết thảy mọi người trong thế gian cung kính lễ bái giống hệt như kính Phật.
10) Lúc lâm chung tâm không hãi sợ, chánh niệm hiện tiền. Tây Phương Tam Thánh dùng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Ðộ, liên hoa hóa sanh, hưởng sự vui thắng diệu.
Xin quý vị chú ý: Trong mười điều lợi ích này, chín điều trước đều là những lợi ích chuyển hóa nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn. Ðiều lợi ích cuối cùng là thân sau thoát khỏi luân hồi.
Phương pháp niệm Phật
1. Khóa lễ sáng chiều đơn giản nhất
– Nam mô đại từ đại bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (niệm một lần, lễ một lạy, hoặc chỉ chắp tay).
– Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật (niệm một lần, lễ một lạy, hoặc chỉ chắp tay).
– Nam mô A Di Ðà Phật (không cần lễ bái, chỉ cung kính niệm. Quỳ niệm, ngồi niệm, đứng niệm đều được. Tối thiểu là trăm câu đến ngàn câu, vạn câu tùy theo công việc rảnh hay bận của mỗi người. Chỉ nên từ ít tăng lên nhiều, đừng từ nhiều giảm xuống ít).
– Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (một niệm, một lạy).
– Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (niệm một niệm, một lạy. Quán Âm, Thế Chí là hai vị hiệp sĩ [Bồ Tát thị giả thân cận] của đức A Di Ðà, thường gọi chung là Tây Phương Tam Thánh. Niệm Phật xong, lẽ đương nhiên nên lạy hai Ngài)
– Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (một niệm, một lạy. Cực Lạc thế giới có rất nhiều vị Bồ Tát, tương lai đều là thầy bạn của mình nên cũng nên lễ bái)
Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật tịnh độ
Trên đền bốn ân trọng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai thấy nghe,
Ðều phát tâm Bồ Ðề,
Hết một báo thân này.
Cùng sanh cõi Cực Lạc.
(Ðây là bài hồi hướng, cũng nói về nguyện lực niệm Phật của mình).
Lễ bái lui ra.
* Phụ chú:
Mỗi ngày sáng chiều hai lượt thực hành công khóa trên đây. Rửa tay, súc miệng, đối trước tượng Phật thắp hương, đảnh lễ, theo đúng pháp tụng niệm. Nếu không có tượng Phật hoặc chỗ mình ở không thuận tiện thì không đốt hương, không đảnh lễ cũng được, chỉ hướng mặt về Tây, trong lòng cung kính thì cũng có công đức tương tự. Ðừng niệm những chữ ghi trong dấu ngoặc.
2. Phương pháp niệm Phật mười hơi
Cho đến hết một hơi, niệm dăm ba câu hoặc sáu bảy câu “Nam mô A Di Ðà Phật”. Niệm hết mười hơi như vậy bèn niệm bài hồi hướng một lượt, lễ bái lui ra.
* Phụ chú:
Cách này dành cho người cực kỳ bận rộn, chỉ tốn thời gian không quá năm phút. Ðiều trọng yếu nhất là mỗi ngày sáng chiều phải thực hành một lần. Vạn phần chẳng được gián đoạn. Có tượng Phật thì đối trước tượng Phật niệm tụng, không có tượng Phật thì hướng về phía Tây mà làm.
Hai cách niệm Phật vừa đề cập trên là dành cho người quá bận rộn. Nếu có lúc rảnh rỗi thì sau khi niệm “Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật”, tụng một quyển kinh A Di Ðà, tụng ba biến chú Vãng Sanh, tán Phật một lượt thì càng hay. Cách hành trì này tối đơn giản, hợp thực tế, quyết định thành công.
Trích TUYẾT HƯ LÃO NHÂN TỊNH ÐỘ TUYỂN TẬP
(Tuyển tập những bài viết về Tịnh Ðộ của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam)
Trích dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Theo duongvecoitinh.