Dọc suốt hai bên xa lộ, trên những cánh đồng hoang, trên những triền núi đổ xuống thung lũng, và đây đó nơi những khu vườn nhỏ nép bên đường, hoa bướm, cúc dại, cúc vạn thọ, cho đến thủy tiên vàng, và nhiều loài hoa dại khác đã cùng trổ sắc vươn lên, chào đón mùa xuân mới. Từ vệ đường, vươn khỏi những ngọn lá xanh mướt là những cánh hoa vàng, đặc biệt là bồ-công-anh, như hàng triệu mặt trời nhỏ, tủa cánh mạnh mẽ, vàng rực, sáng cả một vùng trời đất (*). Nắng ấm mùa xuân tưởng chừng như tô thêm sắc vàng óng ả cho muôn hoa. Xuân trên đồng hoang, hoa vàng, hoa trắng trải dài bất tận.
Lòng bình yên, vô sự, không gì thôi thúc nơi chốn về. Dừng xe bên đường, nơi doi đất nhô ra biển, tận hưởng vẻ phong quang tươi nhuận của mùa mới. Những cây bồ-công-anh trổ hoa từ tháng trước nay đã trổ trái cầu trắng, mọc tràn lên mép đường gần bãi đậu xe. Gió biển lồng lộng thổi vào từ khơi xa, lùa những hạt mầm màu nâu với đôi cánh trắng như thiên thần, mang đi. Các thiên thần mỏng mảnh từ đất hóa sinh, lơ lửng bay theo gió rồi đáp vu vơ đâu đó trên các triền đồi.
Tháng Tư đã về. Đứng nơi bờ đông, nhớ bờ tây biển Thái Bình.
Bờ tây, tháng Tư năm ấy, đã có những cuộc di tản vĩ đại. Gia đình ông-bà cha-mẹ, vợ-chồng, con-cái, hớt ha hớt hải, dắt díu nhau, tuôn theo dòng người hỗn loạn. Lên tàu, xuống ghe, đáp máy bay, đón xe đò, thậm chí bằng xe máy ba bánh, hai bánh, xe đạp, và chạy bộ, chỉ mong ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mồ mả và bàn thờ tổ-tiên. Lo sợ gì đây? Giặc ngoài xâm lăng hay giặc cướp vào làng đốt phá mà phải rùng chạy kinh hoàng?
Bờ tây, biển ấy, từ tháng Tư năm đó, đã có những cuộc ra đi trong đêm, không hẹn ngày về. Cha già đốt thuốc trầm tư. Mẹ hiền chắp tay nguyện cầu. Ngày tháng mất tên, mất dấu. Đại dương một màu đen nghịt, làm nấm mồ vô chủ bao la nuốt chửng những oan hồn bơ vơ tuyệt vọng.
Bờ tây, dải đất ấy, có những ngôi nhà xưa với người mới, con đường cũ thay tên, người thân quen ngày một thưa thớt, ra đường ai cũng là khách lạ, cúi mặt không dám nhìn nhau. Trời vẫn xanh như xưa, đất vẫn vàng như xưa, mà mắt người sao chỉ nhìn ra màu tăm tối.
Trên đất ấy, từ ngày tháng nầy năm ấy, bỗng xuất hiện hàng loạt những kẻ vong thân, không còn biết hay nhớ nguồn cội và căn tính của mình; rồi những kẻ nầy lại sản sinh hàng loạt những kẻ sắt đá vô cảm, đặt lên những bệ cao của thang bậc cuộc đời. Buông cuốc cầm cân, chân lấm lên bàn khua mệnh lệnh. Tham lam. Kiêu hãnh. Mặc nhiên tọa hưởngnhững phúc lợi không giới hạn, vượt khỏi tầm ước mơ nhỏ bé của hàng triệu người chung quanh.
Ôi, ước mơ của những người cùng đinh đói khổ! Ước mơ gì? Hạt gạo, củ khoai, miếng vải nhỏ đủ che thân đứa con thơ dại. Lang thang tìm việc, bỏ bút cầm rựa, lên rừng tìm miếng ăn, mắt mờ đục, ngày cũng như đêm, không còn nhìn thấy gì ngoài vực thẳm tối đen.
Rồi có những thiền sư từ ngày tháng năm ấy, trong đại định mà cảm nhận được nỗi thống khổ của sinh dân… xếp bồ-đoàn, cất mõ chuông, lặng lẽ đi vào dòng đời uế tạp: hòa nỗi đau với người đói khổ, chia nỗi nhục với kẻ trắng tay. Tường rêu gõ nhịp (**), kẻ sĩ trầm ngâm, nghe sâu tiếng khóc quê hương vẳng theo tiếng khua xiềng xích lao tù. Những giọt lệ mặn của bao sinh linh rơi dài và khô nhanh dưới trời hồng. Vị mặn của đại dương thì giống, dung tích của đại dương có thể so, nhưng làm sao đong lường được nỗi thống khổvà uất hận triền miên của bao lớp người, bao thế hệ già-trẻ đã thay nhau đứng dậy, thay nhau nằm xuống, những mong bồi đắp cho ước vọng an vui, thanh bình của người sau.
Suốt mười năm, hai mươi năm, ba mươi cho đến bốn mươi năm như thế… bờ tây ấy, bãi biển kia, vẫn là bãi bờ nuôi dưỡng bao đời sống của con dân da vàng, từ thôn quê đến thành thị, từ ruộng nương ra ngư trường, nhưng đất càng lúc càng đen, biển mỗi ngày mỗi đỏ, đồng bằng khô cháy, cá chết giạt bờ, mù mịt khói bụi lấp cả mây xanh. Đất trời mênh mông mà nay sao chật hẹp, còn lối nào để đi, còn hơi nào để thở! Từng đêm chong mắt nhìn tận chân trời góc bể, nhìn nước non xa khơi nghìn trùng. Ôi, nước còn hay mất mà lòng đau như kẻ vong quốc, vong gia!
Tháng Tư, nhớ nhà. Nhớ con đường mẹ dẫn con đi đến trường mẫu giáo ê a học vần. Nhớ con đường mẹ đưa con lên ngôi chùa trên đồi cao có quả chuông thật lớn. Trường kia không còn. Chùa xưa, lầu chuông gác trống, cũng đã thay áo mới, mất rồi vẻ phong rêu. Nhưng chuông thì còn trên đồi cao ấy; ngày đêm vẫn từng hồi vọng tiếng ngân dài đến nhân sinh.
Tháng Tư, đã hơn bốn mươi năm, qua rồi những hoài vọng một thời tuổi trẻ như hải triều cuồn cuộn chồm tới mây xanh. Giờ nầy, đứng đây, nơi bờ đông ngóng mắt xa nhìn bờ tây. Tóc phai như những quả cầu trắng, chen giữa rừng hoa bồ-công-anh vàng rực, bạt ngàn. Gửi ước nguyện Thái Bình theo những cánh thiên thần nhỏ, bay đi, bay đi…
California, viết cho tháng Tư, 2017
Vĩnh Hảo