Khổ đau là trạng thái tâm mình buồn rầu, tuyệt vọng hoặc thân mình bệnh tật không khỏe. Từ khổ tiếng Anh dịch là suffering hoặc là illbeing. Suffering là khổ, còn illbeing là không khỏe, là bị ốm. Trái với khổ thì có từ happy, là hạnh phúc. Với nhà Phật thì hay dùng từ an lạc hay hơn hạnh phúc. Từ tiếng Hoa, khổ là đắng苦, trái ngược với khổ là cam 甘là ngọt. Câu “ đồng cam cộng khổ”, chia bùi sẻ ngọt là xuất phát từ khổ và từ cam của tiếng Hoa.
Trong cuộc sống, va chạm hàng ngày là điều không tránh khỏi. Nếu mình thương yêu đích thực thì mình lắng nghe chia sẻ cho nhau, góp ý cho nhau để tiến bộ. Phật gọi đó là hành động chính kiến, chính tư duy và chính ngữ. Từ Chính 正 nghĩa của người Hoa là thẳng, không có cong, không có quẹo. Chính Kiến là nhìn đúng sự việc. Chính tư duy là suy nghĩ đúng đắn. Chính ngữ là nói lời đúng, lời nói nhẹ nhàng, góp ý chân tính. Nếu người thân mình làm mình đau khổ, làm những điều mình thấy sai mình phải suy nghĩ lựa lời góp ý, khuyên bảo. Nếu mình mặc kệ, ôm cái giận mà không giải bày, không tâm sự thì không phải.
Mình không nên hành xử như vậy. Bởi giáo lý nhà Phật dạy, yêu thương đích thực không có chỗ cho tự ái. Nếu mình đau khổ, mình phải tìm đến người mình thương yêu nhất, tin tưởng nhất, để chia sẻ, để được giúp đỡ. Đừng ôm giữ, tự ái trong người.
Câu chuyện vợ chồng chàng Trương thời xưa, là bài học cho để chúng ta tránh những hành xử sai lầm khi gặp phải khổ đau. Cô gái tên là Vũ Thị Thiết, ở làng Nam Xương, đã chết oan uổng bởi ngộ nhận, bởi thiếu truyền thông giữa 2 người.
Chỉ vì ngộ nhận mà người chồng đã làm chết người vợ trẻ, con của anh ta phải mồ côi mẹ. Nếu người chồng hỏi vợ mình: ” Người hay đến với em mỗi đêm là ai? Đứa bé này có phải con của anh và em không? Em hãy giải thích cho anh rõ, bởi anh rất đau khổ .”. Nếu người chồng hỏi vợ như vậy, vợ anh ta sẽ có cơ hội để giải thích, và mọi tiêu cực có thể tránh được.
Đành rằng, lỗi không chỉ của người chồng, mà người vợ cũng có lỗi trong đó. Cô ấy có thể đến bên chồng mình và hỏi “Anh ơi, anh buồn bực điều gì mà không thèm nhìn mặt em, không thèm nói chuyện với em? Em đã làm gì sai? Em rất đau khổ nếu anh cứ như vậy. Anh phải trả lời cho em nghe.”
Bởi cả người chồng và người vợ không vượt qua tự ái để giải bày những nghi ngờ của nhau, kết cục là đau buồn.
Câu chuyện vợ chồng chàng Trương cho chúng ta một bài học. Mỗi khi mình nghĩ rằng, người mình thương đang làm mình đau khổ, thì tốt nhất mình phải chia sẻ nỗi khổ đau với người đó. Đừng giữ kín nỗi đau trong người làm gì. Mình hãy nhớ rằng yêu thương đích thực không có chỗ cho tự ái.
(Hoàng Phước Đại – Đồng An)