Tôi xin chia sẻ chút trải nghiệm cá nhân xung quanh sự lương thiện ở đời, mục đích, nguyên tắc sống, và có khi không hề đơn giản.
Ở học đường phổ thông, tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao được phân tích nhiều. Khát vọng lương thiện của nhân vật chính, Chí, ám ảnh người đọc và đấy là dụng ý của tác giả. Trong tận cùng bế tắt, khốn quẫn, người đàn ông đáng thương ấy thốt lên “tôi muốn lương thiện, ai cho tôi lương thiện?” cứ như truyền thông điệp lên án xã hội đương thời – nói theo đúng giáo án. Cứ như hướng dương vươn lên tìm ánh mặt trời, mầm thiện không hề mất nơi con người bị coi là bất lương, bất hảo. Và bài ca cuộc sống ở đấy chăng?
Nho giáo ngự trị một thời ở một phần phương Đông, trong căn bản về đạo đức học, “nhân chi sơ tính bổn thiện” là khẳng định có giá trị: con người vốn thiện. Phật giáo, tôn giáo xuất hiện ở phương Đông, có phát biểu nổi tiếng ngay cả với người ngoại giáo: Ta (đức Phật) là Phật đã thành, chúng sinh là PHẬT SẼ THÀNH. Và, mỗi người có hạt ngọc quý giá trong chéo áo chính mình. Chung quy, trên đời con người vốn tốt và đủ khả năng tốt.
Nhưng cuộc sống muôn đời không đơn giản, mưu sinh nhọc nhằn, cạnh tranh sinh – tử, thiện – ác có lúc khó phân minh, vàng thau lẫn lộn… Lương thiện, khát vọng lương thiện có lúc bị chơi vơi ngay cả với người được coi bản lĩnh nhất. Cuộc sống khắc nghiệt, cám dỗ, áp lực, phút yếu lòng, sự lo lắng xa xôi… khiến người trong cuộc lắm khi chông chênh dường về nẻo thiện. Các phiên tòa nào chỉ có những gương mặt xấu xí, hầm hố; trước vành móng ngựa ngày càng xuất hiện nhiều những bậc vốn đức cao vọng trọng, dân áo cổ cồn, nhưng danh gia thế phiệt và thậm chí, tu sĩ. Thế mới biết để lương thiện không hề giản đơn, mà xét cho cùng ở đời nào có chi đơn giản?
Nỗi lo, lo nhiều, song hành cũng mỗi thân phận con người. Nếu ở thời nguyên thủy, rồi cổ đại, khi phương tiện tư liệu sản xuất nghèo nàn, sự lệ thuộc thiên nhiên nặng nề, tự cấp tự túc, con người lo xung quanh miếng ăn để sống, thiên tai, thú dữ, nguy cơ từ các bộ lạc thù địch… Tiến bộ xã hội, các cuộc cách mạng xã hội và khoa học kỹ thuật cứ ngỡ giảm gánh nặng lo toan cho con người, nhưng tức cười khi càng ngày gánh lo càng nặng nề hơn.
Ngày nay người ta lo những gì? Cơm áo đã đành, những nhu yếu phẩm và điều kiện sống căn bản nhất, nhưng đấy mới chỉ là chút xíu thôi. CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI lo chỉ số chứng khoán tăng giảm từng giờ, giá vàng, dầu thô, lãi suất ngân hàng, thái độ các chính phủ xung quanh điểm nóng, dự báo tài chính tín dụng, bệnh tật và trị liệu, môi trường, thời trang và sức khỏe các nhân vật công chúng, đường truyền internet và chất lượng vô số dịch vụ, tuyển sinh – việc làm…. Nói chung, liệt kê và hệ thống hóa, mô tả nỗi lo con người ngày nay thực sự là công việc nặng nề đòi hỏi công sức và chuyên môn cao. Mà lo lắng, căng thẳng có mâu thuẫn với hạnh phúc không? Đương nhiên.
Về tâm lý học, nỗi sợ – nỗi lo là một động cơ kỳ lạ, nó mạnh mẽ lắm, đến khó tin. Bị sức ép lo lắng sợ hãi lắm khi con người hành động khác thường, nguy hiểm. Về tội phạm học, nhiều vụ án cho thấy hung thủ hành động phạm tội dưới sức ép sự lo lắng, sợ hãi.
Lương thiện là nguyên tắc sinh tồn, kim chỉ nam của sự sống đẹp. Nếu bạn tin sắt đá rằng trong mọi trường hợp người tốt, người lương thiện không bị chế vì đói, bạn sẽ có sức mạnh đáng kể trên đời. Tôi sống lương thiện, tốt, trung thành với các chuẩn mực đạo đức, và tôi tin rằng tôi không thể vì thế mà bị đói khát, thế là ổn. Và niềm tin ấy có căn cứ.
Thế giới ngày nay, ngay ở những vùng miền đất nước có trình độ phát triển thấp, nhu cầu và khả năng cung cấp nhu yếu phẩm tối thiểu: lương thực, thực phẩm, nước sạch… đã khác thời nguyên thủy hay cổ đại rất xa. Về lương thực chính ở Á Châu, lúa nước, riêng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã thừa nuôi dân cả nước và xuất khẩu số lượng lớn. Về lý thuyết, nước Mỹ thừa khả năng tài chính cứu trợ gạo, lúa mì, lương thực khác cho bất cứ biến cố thiên tai dịch họa nào trên phạm vi toàn thế giới. Đói, cũng về lý thuyết, đã lùi rất xa. Nếu ngày nay nạn đói còn sẽ được phân tích với kết quả khác ngày xưa nhiều, nó do những nguyên nhân khác ngày trước.
Nếu bạn lương thiện, niềm tin không sợ đói là chỗ dựa quan trọng. Mỗi người có bàn tay, kỹ năng và trình độ nhất định, sự thích nghi cùng chỗ dựa cộng đồng, mồ hôi mưu sinh sẽ được đền đáp. Trái đất cho dù không rộng bất tận vô cùng, nhưng vẫn đủ chỗ cho mọi người đấy thôi.
Bạn cứ yên tâm sống tốt, và đừng lo nhiều về sự đói. Thịnh đạt bằng thiện nghiệp, người lương thiện có cơ hội và chỉ số thuận để làm giàu hơn, tôi tin vậy.
Bạn có chia sẻ không?
(Nguyễn Thành Công)