Tôi bước vào không gian lễ hội trời đã ngả sang chiều, nhưng mọi người còn đông lắm. Trong cái ồn ào lắm khi cũng chán nên tôi men theo triền đồi vào một ngôi miếu cũ. Ngôi miếu thâm u nằm dưới tán những cây tùng cổ thụ. Tất cả đều đã đứng đây trầm tư mặc tưởng từ mấy trăm năm nay.

Vốn người xưa tạo ra ngôi miếu này là để thờ Tứ Đại Thiên Vương, nhưng không hiểu sao gần hai mươi năm nay không ai quản lý, tôn tạo, chăm sóc, nên nó lắm điều hoang phế. Nhưng cũng chính nhờ vào lẽ đó mà ngôi miếu càng rõ sắc tịch mịch của bóng thời gian hơn, và tượng Tứ Thiên Vương lại càng thêm oai linh trấn cõi.

Sau cõi thanh tịnh

Tôi vốn là người sùng bái và thích chiêm bái tượng, nên cứ mải miết ngắm nhìn từng chi tiết, từng biểu tượng của bốn pho tượng đá cao lớn mà quên cả những gì náo nhiệt ngoài kia. Bỗng tôi có cảm giác là có ai đang theo dõi mình từ phía sau lưng, quay lại nhìn thì quả thật có một người đang ngồi uống rượu bên một cái bàn đá. Tôi bước lại gần, đó là một người đàn ông già gầy ốm, có lẽ đã ngoài sáu mươi, tóc trắng dài, mang đôi kính thật dày. Chưa kịp chào hỏi, thì ông ta ngước mặt nhìn tôi, rồi cười một nụ cười mà tôi thấy rất quen thuộc. Không hiểu sao trong tai tôi lại văng vẳng tiếng đàn từ đâu rất xa vọng lại. Tiếng đàn làm tôi xao xuyến bồi hồi… Tôi nhìn  người đàn ông thật kỹ, rồi chào một cái. Tiếng đàn lại gần hơn, rồi tiếng đàn lại ngay trong miếu… Kỳ lạ!

– Con vẫn khỏe chứ! Ta đã đợi con rất lâu ở nơi này! Người đàn ông nói.

Lại là một tiếng nói quen thuộc, lại là nụ cười quen thuộc, đôi mắt kính quen thuộc đây mà. Hai mắt tôi bỗng sáng lên trong cái không gian thâm u của ngôi miếu cũ. Tôi hốt nhiên nhận ra đó là người thầy cũ.

– Trời ơi, thầy! Thầy đến đây sao!

Đúng rồi, là thầy Lộc, thầy Tạ Tấn Lộc của tôi. Tôi vui mừng khôn xiết, vì đã lâu lắm, lâu lắm rồi tôi chưa có dịp gặp lại thầy. Dòng máu nóng trong tim tôi như đua cùng nhịp thở. Cổ họng tôi như nghẹn lại vì xúc động. Một luồng gió từ ngoài cửa miếu thổi vào, bỗng tôi nghe xương sống ớn lạnh, rùng mình một cái. Tôi định thần.

– Ủa mà thầy Lộc đã mất từ mười mấy năm trước rồi kia mà! Ồ, không không, thầy vẫn còn đây mà!

Trí óc tôi luôn mâu thuẫn với trái tim tôi. Cái đầu bảo dứt khoát thầy đã mất, còn trái tim thì nhất định bảo thầy vẫn sống. Tôi vội cầm hai lòng bàn tay của thầy. Ôi, hai bàn tay ấy vẫn nóng hổi. Tôi đặt ngón tay lên cổ tay trong của thầy – mạch vẫn nhảy liên hồi. Tôi ôm choàng vai thầy, thầy liền đứng dậy. Bóng của ngọn nến leo lét soi rõ bóng của thầy và tôi trên mặt đất… Đúng rồi, thầy đâu có mất, thầy vẫn còn đây thôi. Trái tim đã chiến thắng. Như hiểu ý tôi, thầy nói:

– Thầy vẫn là thầy đây mà, làm gì mà cứ cuống lên thế!

– Dạ… dạ… thầy vẫn khỏe chứ?

– Thầy đã an nhiên trong cõi an bình…

– Thầy vẫn còn uống rượu sao?

– Thầy uống hương của rượu…

– Thầy vẫn còn đóng đàn và chơi đàn như trước không?

– Thầy không đóng đàn nữa, vì chỗ của thầy không có ai chơi đàn, nhưng thầy vẫn chơi đàn, một loại đàn không cần dây.

Trong lòng tôi bỗng nhớ hình ảnh anh chàng với tay hái một bông hoa thơm trước khi buông tay vào lòng vực thẳm vì  bị con hổ rượt đến bước đường cùng. Rồi câu trả lời của nhà sư trẻ “tôi đã bỏ cô gái lại bên kia dòng suối rồi, sao anh còn mang cô ta đến đây làm chi”, khi nhà sư cõng giúp cô gái qua đoạn suối… tất cả đều trong Thạch sa tập. Thầy rót một ly rượu để lên bàn, nhưng không uống, một mùi hương lạ thoảng qua, làm cho đầu óc con người ta thêm tỉnh táo. Thầy hỏi.

– Con đã đi đến đâu rồi?

– Dạ con vẫn đi trên con đường cũ, dù đường rất dài, nhiều ngã rẽ, nhưng nó luôn hấp dẫn vì mỗi chặng mới đều xuất hiện những bông hoa đẹp!

– Thế là tốt, con cứ đi, nhưng nhớ  phải đi trên chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thì con mới rốt ráo được con đường của mình.

Tiếng đàn lại du dương, âm thanh như từ đá mà phát ra, rồi âm thanh lại như khoan vào vách đá. Lòng tôi thoảng xa xăm và có cảm giác như mơ hồ. Rồi như sực nhớ, tôi hỏi lại thầy:

– Thầy giờ ở đâu, không đóng đàn nữa thì thầy làm gì để sống?

– Nhà thầy ở trên một vách núi đá cheo leo. Thầy không phải làm gì cả, chỉ mỗi sáng thầy có trách nhiệm khảy bốn dây từ – bi – hỷ – xả vào vách đá. Vách đá sẽ nghiệm thu tiếng đàn ấy rồi ban phát thanh âm ra cõi không gian vô tận mà thôi.

Tôi nghe mà thấy làm lạ, nhưng không rõ là lạ cái gì. Bóng đêm đã từ lâu trùm lấy không gian của khu rừng đồi và ngôi cổ miếu. Thầy vẫn rót ra từng ly rượu. Và mỗi ly rượu lại hóa thành mỗi ngọn nến cháy trong tâm tưởng của tôi. Hai thầy trò hàn huyên tâm sự hình như đã vượt ra khỏi cái không gian và thời gian hiện hữu này. Gió khuya càng lạnh, vành trăng cong như cái móc bạc treo mái của ngôi cổ miếu lơ lửng để khỏi tuột xuống cõi u mê âm u nào đó. Tôi có cảm giác như mình đang dần trút hết cái sức nặng của xương thịt, chỉ còn cái ánh sáng nhẹ nhàng trong trí tưởng. Bỗng thầy đứng dậy nói:

– Thầy về thôi, đã sắp đến giờ!

– Sao lại về sớm vậy thầy? Lâu lắm thầy trò mình mới gặp mà!

– Thầy phải về trước gà gáy!

Nói xong, thầy bước đi nhẹ đến không một tiếng động nhỏ. Tôi vội ôm thầy lại. Lạ kỳ, tôi lại ôm vào hư không. Thầy đưa tay vẫy. Tôi chụp lấy bàn tay thầy. Sao lại lạ kỳ, tôi chụp phải hư không… Ánh trăng mờ mờ, sương trút xuống như khói. Thầy vẫn vẫy tay chào và bước đi. Tôi muốn kêu thầy thật to, nhưng sao cổ họng cứ ứ nghẹn lại. Sương mù tỏa ra như khói, thầy đã lẫn mất trong màu sương… Tiếng đàn lại du dương trổi lên một cách u buồn, mỗi âm thanh rớt ra như bước chân của người trong xa vắng…

Tiếng đàn im bặt. Giữa trời dội xuống một tiếng boong… Một âm thanh của chuông đá, xuyên qua hồn tôi. Và lúc ấy, trên mái nhà một trái vú sữa khô rơi vọng vào mái tôn làm tôi choàng tỉnh giấc. Thì ra mình vừa bước ra từ một giấc mơ. Tôi xem đồng hồ thì đúng 1 giờ 17 phút sáng. Gà bắt đầu gáy phía sau nhà. Tôi sực nhớ hôm nay là ngày thanh minh mà lòng cứ bồi hồi, nằm mơ màng nhớ từng kỷ niệm xưa…

***

Hồi ấy, tôi là sinh viên năm thứ hai. Xa nhà đi học, vừa trải qua chuyện buồn, nên tôi càng quyết chí học tập. Một hôm, tôi qua khu tập thể thăm cô Dương Hồng dạy Văn học Trung Quốc của tôi. Không ngờ lại có dịp quen với thầy Tạ Tấn Lộc, chồng cô. Qua nói chuyện, thầy hiểu tôi và rất thương tôi. Thầy vốn là một nhà nghệ sĩ chơi đàn guitar tài ba. Thầy có mấy mươi năm công phu luyện đàn. Có thể nói, tiếng đàn của thầy đã đến mức xuất thần nhập hóa. Ấy vậy mà thầy lại là người lánh đời. Thầy sống âm thầm với ly rượu trắng và tiếng đàn thanh trong.

Ban đầu tôi cũng có dự định qua thầy học đàn. Tôi thích Hòn vọng phu 1 với âm thanh hùng hồn của vó ngựa khi xuất chinh; tôi yêu Hòn vọng phu 2 với tiếng lòng réo rắt của người chinh phụ trông chồng; tôi thâm trầm với tiếng vó ngựa cô đơn của Hòn vọng phu 3 khi người chinh phu trở về, vợ con đã hóa đá… Tất cả sự cảm nhận của tôi từ tiếng đàn thầy là thế. Nhưng lạ kỳ, tôi lại không có duyên với đàn, mà lại có duyên với triết học. Đó là duyên kỳ ngộ giữa thầy và tôi. Thầy chỉ dẫn cho tôi rất nhiều trường phái triết học, nhiều hệ tư tưởng của nhân loại. Nhưng rốt ráo thầy lại hướng tôi quay về với triết của nhà Phật. Cái hay là thầy không ép tôi nghiên cứu kinh điển Phật, điều đó thầy muốn tôi tự ý thức mà làm. Thầy chỉ dùng các công án thiền mà mở dần cánh cửa trí tuệ cho tôi… Thế là tôi được sống trong cái không khí yêu thương và cả sự uyên áo của Góp nhặt cát đá. Tôi lang thang trong rừng thiền để mà nhìn lại cuộc sống bên ngoài. Thầy đã giúp tôi thanh thản và tinh tấn, nhẹ dần thân tâm…

Tôi thích ngón tay gầy guộc của thầy. Thầy nói chơi đàn cũng như luyện võ, phải có nội lực. Không có nội lực thì chả làm được thứ gì. Có nội lực sẽ giúp ta vượt qua được giới hạn của chính mình. Thế là thầy lấy câu chuyện của Napoleon để giáo hóa tôi. Vốn khi nhà vua đang đi đánh trận xa thì hay tin vợ mình ở nhà ngoại tình với viên quan cấp dưới. Nhà vua liền trở về hoàng cung để xử tội chúng, nhưng cả hai người kia đều thú nhận là họ yêu nhau. Nhà vua liền cấp cho họ tiền bạc và một vùng đất, bảo họ hãy đến đấy chung sống và đừng bao giờ về hoàng cung nữa. Tôi hỏi thầy.

– Sao đó được gọi là trừng phạt?

Thầy nói một câu để đời.

– Sự trừng phạt nặng nề nhất đối với một người là cho hắn lấy người hắn yêu!

Đúng là trên mọi hận thù còn có sự tha thứ. Thầy đã cho tôi bài học lớn nhất về lòng từ bi. Và đó cũng là đỉnh cao của sự tài hoa. Tài hoa trong cung cách ứng xử… Tôi gần bên thầy không được bao lâu thì đã đến ngày ra trường. Ngày tôi tốt nghiệp, chuẩn bị về quê hương, tôi có ghé qua thăm và từ giã thầy. Thầy rót cho tôi một ly rượu, rồi lấy tay vỗ nhẹ vào đầu tôi ba cái. Tôi ngầm hiểu sau ba năm nữa, hãy lăn lộn với đời, rồi hãy về gặp lại thầy. Ấy vậy mà ai có ngờ, ngày tôi trở lại thì chỗ thầy ở đã hoang tàn đổ nát. Tôi hỏi những người hàng xóm mới biết thầy đã về với gia đình dưới Sài Gòn và thầy cũng đã mất… Tôi đứng hồi lâu bên nền ngôi nhà cũ, tưởng niệm người thầy đã quá cố. Tôi nhớ lắm… Thầy ơi, thầy đã đi đâu! Ôi những ngày mưa tháng nắng, những lúc buồn vui, tôi đều ghé qua thầy. Tô bánh canh thầy cũng sớt cho tôi một nửa, cuốn sách hay thầy cũng làm dấu cho tôi… Thầy đi… Tôi tự trách mình sao mà vô tình quá…

– Thầy ơi, thầy tha lỗi cho con…!

Gió khuya lành lạnh thổi như chừng sắp mưa. Tôi nằm xuôi hai tay, không dám để lên ngực vì sợ lại nằm mơ. Một hơi ấm của kỷ niệm nghĩa tình lại tràn qua buồng tim làm tôi rơi trong nửa vời thổn thức. Tiếng đàn lại văng vẳng vang lên xen lẫn tiếng mưa rơi. Những thanh âm cứ phần phật cắt xé không gian của màu trắng mỏng mà tìm đến trong con tim ly loạn của bao kiếp con người…

Lễ hội đã tan, người về đã hết, ngôi miếu cũ càng thêm lạnh vắng. Tôi quay lại định xá Tứ Thiên Vương rồi về, nhưng kỳ lạ thay trong ngôi miếu không biết ai đã đem đi đâu mất ba pho tượng, chỉ còn lại duy nhất Trì Quốc Thiên Vương tay ôm đàn với nụ cười quen thuộc. Và tôi nhận ra tiếng đàn từ pho tượng đá này, quả thật là cây đàn không hề có sợi dây nào vậy mà âm thanh cứ bật ra rồi dội vào vách đá. Vách đá lại ban phát như tràn ngập cả vũ trụ vô hình. Cái bàn chỗ thầy tôi ngồi ôi sao mà lạnh ngắt. Trái tim tôi như bừng sốt. Gà lại gáy sáng liên hồi.

(Truyện ngắn Hoài Chi)