Tết là ngày lễ hội lớn nhất trong năm, là dịp để mọi người đều hớn hở và đặt tất cả những niềm hy vọng và ước mơ của mình vào tương lai. Những ước mơ và hy vọng ấy có thể rất khiêm nhường như trả bớt nợ nần, kiếm đủ ăn cho gia đình, thế nhưng cũng có những ước mơ to lớn hơn như xây thêm một ngôi biệt thự, sắm một chiếc xe hơi mới, hoặc hùn hạp đầu tư trong những dự án kinh doanh quan trọng. Dù là những người phải chật vật vì sinh kế hay là các “đại gia” thì Tết luôn là một dịp để tất cả cùng quên đi năm cũ và gác lại những gì sau lưng mình để mà gửi đến nhau những lời chúc lành tốt đẹp nhất cho năm mới.
Thế nhưng theo truyền thống thì Tết cũng là dịp để tưởng nhớ đến những người đã khuất, ngoài ông bà hay cha mẹ mình ra thì cũng còn rất nhiều những người khác nữa. Đó là những người dù không thuộc gia đình mình, không cùng chính kiến hay lý tưởng với mình nhưng cùng mang một dòng máu và nguồn gốc tổ tiên với mình. Vì thế thiết nghĩ trong những ngày xuân chúng ta cũng nên mở rộng lòng mình để tưởng nhớ đến tất cả những người đã khuất, nhất là những người kém may mắn hơn mình đã phải nằm xuống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, phi lý và điên rồ, mang lại không biết bao nhiêu đau thương.
Những người đã vĩnh viễn ra đi bao giờ cũng yên lặng, không còn ồn ào, náo động, với đầy rẫy những hy vọng và ước mơ của những kẻ đang còn ngụp lặn trên cõi đời này như chúng ta hôm nay nữa. Nếu muốn thấu hiểu và chia sẻ cái yên lặng ấy với họ thì chúng ta cũng phải nhận ra cái yên lặng trong lòng mình, và đồng thời cũng phải cảm nhận được nó trong bối cảnh chung quanh. Thật vậy, giữa cảnh nhộn nhịp và ồn ào của ngày Tết thì cái yên lặng ấy quả rất khó phát hiện, vì thế chúng ta cũng nên nén lòng mình lắng xuống để có thể trực diện với nó. Sự yên lặng ấy rất kín đáo, nó len vào giữa những tiếng cười và tiếng khóc, nó nấp phía sau bạc tiền và sợ hãi.
Bên tách trà đầu xuân, những mong một vài vần thơ góp nhặt dưới đây đã được viết từ lâu có thể sẽ gợi lên một chút yên ắng và bâng khuâng nào đó trong lòng chúng ta. Thế nhưng biết đâu những vần thơ ấy cũng có thể khiến cho tách trà bớt thơm và đĩa mứt bớt ngọt hơn trong những ngày Tết, thì cũng xin người đọc niệm tình thứ lỗi mà hãy cùng hân hoan chào đón một năm mới tràn đầy hy vọng.
Bures-Sur-Yvette, 03.12.14
Bài thơ thứ I:
Bài thơ này được viết để tặng một người bạn cũ mà tôi gặp lại trong một dịp khá bất ngờ tại Hà Nội vào khoảng cuối năm 1989, trong một chuyến công tác ở Việt Nam.
Này T. ạ, ngày hôm đó, từ khách sạn Hữu Nghị đi đến nhà em trên đường Hàng Bún, ngang khách sạn Bông Sen, và trước khi bước vào khu chợ, anh trông thấy một người phụ nữ còn trẻ, trẻ lắm, chỉ độ hơn hai mươi. Người phụ nữ gánh một thúng rau phía trước, trong thúng phía sau có một đứa bé độ lên ba, đầu nghiêng sang một bên, đang ngủ gà ngủ gật. Đứa bé mặc áo vá ở vai, ở lưng, và quần cũng vá. Thúng phía trước đặt một cái rá vừa miệng thúng, bên trên có ba bó cải cúc, hai bó rau muống, một quả bí đao dàì hơn gang tay, một ít cà pháo và một ít ớt gom lại thành hai nhúm cạnh nhau.
Anh bước theo cùng một nhịp với chiếc gánh kẻo kẹt trên vai người phụ nữ. Thúng rau nhẹ hơn đứa bé nên người phụ nữ phải dang tay ra phía trước để ghì xuống giữ cho quang gánh cân đồng sức nặng. Dáng người phụ nữ mảnh mai và nhanh nhẹn. Anh rảo bước nhanh hơn và ngoảnh lại nhìn. Người phụ nữ mộc mạc, không chải chuốt. Mái tóc ngang vai, cài vén ra phía sau bằng một chiếc lược sừng. Mặt người phụ nữ thon dài nhưng đầy đặn, tuy dính vài vết bùn trên má và trên trán, nhưng không vì thế mà che dấu được nét trẻ trung, có thể còn gọi là non nớt nữa. Nhưng T. ạ, cặp mắt, cặp mắt buồn, bình thản, lạnh lùng và nhẫn nhục. Một cặp mắt hình như đang chôn dấu một cái gì đó, đang đè nén một tình cảm nào đó. Một cặp mắt sâu thẳm không mấy khi anh được trông thấy.
Hôm nay giữa biển khơi của vùng Bắc Âu, trời thấp và gió lạnh, lạnh hơn nhiều so với Hà Nội ngày hôm ấy, anh bỗng chợt nhớ đến bóng dáng của người phụ nữ gánh con và gánh rau đi về phía chợ Hàng Bún, hướng nhà em. Cái hình ảnh ray rứt đó làm cho anh nghẹt thở và khiến anh liên tưởng đến một giai đoạn lịch sử trên quê hương ta.
Ru Con
Con ơi con ngủ cho ngoan,
Mẹ còn cuốc đất lại còn tưới rau.
Chợ mai mẹ gánh cho mau,
Thúng rau phía trước thúng sau con ngồi.
Đong đưa nhịp võng à ơi,
Mẹ mơ mẹ tưởng đến ngày con khôn.
Ru con say giấc ngủ mòn,
Mẹ lau nước mắt mẹ mòn nhớ thương.
Nhìn con nhắm mắt mà thương,
Để mẹ trông lén vào gương chải đầu.
Ru con giấc ngủ chìm sâu,
Thương con lòng mẹ âu sầu héo hon.
Ru con say giấc ngủ mòn,
Quần con rách nát mẹ còn phải khâu.
Con ơi con ngủ cho lâu,
Để mẹ ngồi khóc mẹ đau một mình.
Lắc lư nhịp võng rung rinh,
Tủi thân cho mẹ một mình cô đơn.
Ngày nào mẹ gặp cha con,
Yêu cha mẹ mới tuổi tròn đôi mươi.
Nhìn con giấc ngủ nửa vờì,
Nhớ cha quên cả tuổi đời còn xanh.
Ngày xanh sao khéo mong manh,
Hoa chưa đơm trái trên cành đã tan.
À ơi con ngủ cho ngoan,
Cha con một nắm xương tàn rừng sâu.
Tình yêu như giọt mưa ngâu,
Chưa chùi giọt ngắn đã lau giọt dài.
Thương cha con ngủ cho say,
Để mẹ ngồi nhớ những ngày mẹ yêu.
Yêu cha con những buổi chiều,
Mồ hôi ướt áo nắng chiều nhạt phai.
Cha con chiếc áo sờn vai,
Lần đầu mẹ nhớ thuở ngày gặp nhau.
Áo này mẹ gối lên đầu,
Mẹ ôm mẹ ngủ vẹn màu thủy chung,
Nhớ sao thương mấy cho cùng,
Cha con lạnh lẽo hố chung xương tàn.
Con ơi con ngủ cho ngoan,
Mẹ mở cái áo mẹ quàng lên tim.
À ơi con ngủ cho im,
Áo này mẹ đắp mẹ tìm lấy hơi.
Bao giờ con lớn con ơi,
Con mặc được áo mẹ vui mẹ mừng.
Chờ lưng con đủ dài, vai con đủ rộng để khoác chiếc áo này của cha là hy vọng của mẹ. Niềm hy vọng đó sẽ giúp mẹ đủ can đảm để sống và để cam chịu số phận hẩm hiu của mẹ.
…Nhưng đến ngày đó anh biết không, em cũng sẽ phải già đi vì nhọc nhằn và thương nhớ. Hình bóng anh có lẽ cũng sẽ mờ dần trong đôi mắt em. Tai em cũng sẽ lãng để không còn nghe thấy tiếng thở của anh mỗi đêm. Chiếc áo này cũng sẽ phai nhạt hơi anh…
Con hãy ngủ cho say, để mẹ cởi cái quần này của con mà vá rồi giặt cho con. Mẹ hứa là Tết năm nay, mẹ sẽ mua cho con một chiếc quần mới, nhưng mẹ không thể phá chiếc áo này của cha để may quần cho con. Đó là kỷ vật duy nhất của cha con còn lại. Chiếc áo này mẹ còn nhớ cha con đã mặc khi gặp mẹ lần đầu. Những quần áo khác của cha, mẹ đã bán đi từ năm ngoái, khi con ốm nặng.
Con hãy nhắm mắt ngủ yên, như thế con sẽ cho riêng mẹ một vài giây phút ngắn ngủi để soi gương và chải lại mái tóc của mẹ. Thương cha mẹ thấy xấu hổ khi soi gương và chải tóc trước mặt con. Mẹ biết mẹ còn trẻ, mái tóc mẹ còn xanh. Mẹ rất sợ nhìn thấy hình bóng mẹ trong gương. Mẹ cố quên đi và chối bỏ những ngày xanh của mẹ.
Mẹ không kể cho con nghe những ngày hạnh phúc của mẹ bên cha, vì mẹ cũng không dám nghĩ đến nữa. Những ngày đó ngắn ngủi lắm, nhưng êm đềm biết bao.
Mẹ cũng không nói là tại sao cha con đã chết. Mẹ chỉ biết rằng những người đồng đội với cha con nhắn về cho biết là cha con đã nằm xuống với nhiều người khác nữa bên lề một con đường mòn trong dãy Trường Sơn, gần một thôn xóm nào đó. Tên gọi nơi này là gì thì mẹ cũng đã quên rồi vì chẳng biết là nó ở đâu. Đối với mẹ, cha con lúc nào cũng sống bên cạnh mẹ, an ủi mẹ , khuyến khích mẹ và giúp mẹ can đảm để nuôi con.
Khi lớn lên mẹ sẽ cho con đi học. Trong những giờ học lịch sử, cô giáo sẽ giảng cho con nghe tại sao cha con phải chết. Thật vậy mẹ cũng không hiểu được rành rọt. Thỉnh thoảng có những đoàn người đến đây bắc loa hô hào, giải thích nhiều lắm, nhưng mẹ không đủ trí thông minh để hiểu và nhớ hết để mà lập lại cho con nghe. Ngày còn nhỏ nào mẹ có được đi học đâu.
Thôi con ngủ đi, để mẹ được một lúc riêng tư để tưởng nhớ đến cha con và chải lại mái tóc của mẹ. Ngày mai mẹ sẽ gánh thúng rau phía sau, mẹ không cần ai trông thấy rau tươi của mẹ để gọi mua, mẹ sẽ đặt con vào thúng trước để lúc nào cũng nhìn thấy con. Mẹ sẽ vừa gánh vừa nói chuyện với con, dù con còn quá nhỏ để hiểu được mẹ đang nói gì. Mẹ sẽ chọn những quãng đường vắng để trò chuyện với con vì nếu người đi đường trông thấy thì biết đâu họ sẽ bảo mẹ là một người điên đấy.
Bắc Hải (North Sea) thuộc hải phận của xứ Tô Cách Lan (Scotland)
(trên giàn khoan Ocean Benloyal, ngày 12.06.1991)
Bài thơ thứ II:
Đi thăm con
Hôm nay đi thăm con.
Mẹ nấu cho con nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Mẹ vẫn thương con như khi con còn trong nôi,
Như khi con mới biết ngồi.
Từ quê lên hai ngày đường,
Mẹ nấu cho con nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Năm mười tám tuổi,
Con nằm xuống ở cái bìa rừng cao-su hẻo lánh này,
Một viên đạn nhỏ đã giết con.
Ngày xưa cha con cũng đã ngã xuống,
Vì một viên đạn đồng nhỏ xíu.
Những viên đạn của hận thù hay vui sướng?
Kẻ thù của con có vui mừng khi bắn trúng con?
Chắc họ được bằng khen thưởng và gắn huân chương?
Con đã làm gì khiến kẻ khác hận thù con?
Con có đau đớn lắm không khi ngã xuống ở cái bìa rừng cao-su hẻo lánh này?
Con có cảm thấy viên đạn xuyên vào da thịt con và hất con ngã xuống?
Mẹ tin rằng con đã nghĩ đến mẹ và thương mẹ trước khi con nhắm mắt!
Con hãy thức dậy với mẹ!
Hôm nay mẹ lại nấu cho con nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Mẹ vẫn thương con như khi con còn trong nôi,
Tập đi đôi chân còn vấp ngã.
Này con, đường xa chuối đã dập, xôi đã nguội.
Con hãy thức dậy với mẹ!
Con làm gì nên tội?
Để phải nằm xuống ở cái bìa rừng cao-su hẻo lánh này,
Ngày con mười tám tuổi.
Già nua hay lẩm cẩm,
Nghĩ đi rồi nghĩ lại,
Mẹ thương tất cả những ai có con dù là bên này hay bên kia,
Dù họ giàu sang, không nghèo hèn như mẹ,
Dù họ có học, không dốt nát như mẹ,
Nhưng có lẽ họ đều thương con mình,
Như mẹ đã thương con và vẫn còn thương con,
Thương con lúc con vừa biết nói, khi con còn rong chơi.
Này con, hãy thức dậy với mẹ,
Mẹ nấu cho con nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Đã hơn hai mươi năm mẹ đi thăm con,
Một nấm đất hoang ở cái bìa rừng cao-su hẻo lánh này.
Nếu con còn sống,
Có lẽ mẹ đã được cái diễm phúc đi hỏi vợ cho con,
Con Hai ở đầu xóm thiệt giỏi lại dễ thương.
Nó lấy chồng và lên Sài Gòn từ lâu rồi.
Sao con lại nằm ở đây,
Ngày con mười tám tuổi?
Thương con nhớ tiếng con cười,
Tưởng như những lúc rong chơi sau hè.
Nhớ con tan chợ mẹ về,
Reo vui đón mẹ bờ đê đầu làng.
Một ngày sao ngắn ngủi,
Trời chuyển mưa sụp tối.
Mẹ ra đường đón xe.
Tóc mẹ bạc trắng, dạo này đau yếu luôn.
Nếu còn đủ sức, năm tới mẹ lại đi thăm con,
Nấu cho con nồi xôi, xách cho con nải chuối.
Thôi mẹ về.
Saint-Rémy-Lès-Chevreuse, 23.10.1998
(viết trong lúc đang làm việc tại trung tâm khảo cứu của một công ty dầu khí trong vùng ngoại ô Paris, một năm trước khi về hưu)
Bài thơ thứ III:
Quê hương yên lặng
Thôn sâu say nắng buổi trưa hè,
Đàn gà nấp nắng sau lũy tre.
Dưới hiên mẹ ẵm con cho bú.
Đàn ruồi kéo đến bay vo ve.
Bỗng dưng súng nổ rát trên đê,
Lộp độp đạn bay viên đạn bay.
Đứa bé ưỡn bụng không kịp khóc,
Nhả vú em chết giữa ban ngày.
Lom khom ôm xác con mà chạy.
Lộp độp đạn bay viên đạn bay,
Máu đào phọt ướt con trên tay,
Duỗi chân mẹ chết giữa ban ngày.
Mặt mẹ mặt con dòng máu đỏ,
Đàn ruồi bâu lại bay vo ve.
Thế đó quê hương tôi lặng lẽ,
Oi ả như một buổi trưa hè.
Tôi yêu thương cái yên lặng của quê hương tôi,
Cái yên lặng của mẹ duỗi chân con nhả vú,
Cái yên lặng của những người nằm xuống,
Oi ả giữa tiếng ruồi vo ve.
Những người nằm xuống bao giờ cũng yên lặng.
Cái yên lặng của họ rát bỏng như những viên đạn lọt khỏi nòng súng.
Cái yên lặng đó vẫn ngủ yên trên quê hương tôi,
Âm thầm, xót xa, đớn đau và rỉ máu.
Tôi yêu thương cái yên lặng của những người còn sống,
Cái yên lặng len giữa tiếng cười và tiếng khóc,
Cái yên lặng nấp phía sau bạc tiền và sợ hãi,
Cái yên lặng thay vào chỗ của lương tri và lòng từ bi đánh mất.
Tôi yêu thương cái yên lặng của tổ tiên tôi,
Cái yên lặng lãng quên của giống nòi.
Cái yên lặng của mẹ duỗi chân con nhả vú,
Oi ả giữa tiếng ruồi vo ve.
Saint-Rémy-Lès-Chevreuse, 05.08.98
(đọc lại và hiệu đính, 01.12.14)
Bài thơ thứ IV:
Xe lên quán dốc
Xe lên quán dốc chiều sương,
Tà huy bóng ngả bên đường dặm cao.
Bốn bề hoang vắng cỏ lau,
Tre rừng nghiêng ngả một màu hoang sơ.
Xe dừng quán tối bơ vơ,
Dường trong mái chếch bóng mờ có ai?
Lão bà áo rách hai vai,
Vội vàng quạt bếp châm vài cành khô.
Chiều tàn lắng xuống hư vô,
Cụ ơi áo rách đã bao tuổi đời?
Ngày xưa tan biến mất rồi,
Trên vai cụ đó kiếp người bao xa?
Cụ hâm cho bát nước trà,
Tôi ngồi ấm dạ nhìn ra quãng đường.
Gập ghềnh quán dốc chiều sương,
Trong tôi hóa kiếp mười phương giang hồ.
Cụ bảo tôi cứ ngồi chờ,
Dặm xa con cụ rừng sâu sắp về.
Góc nhà con muỗi vo ve,
Lão bà, con muỗi và tôi cùng chờ.
Quán nghèo gian tối xác xơ,
Cả ba cùng đói bếp trơ than hồng.
Dặm xa se thắt đáy lòng,
Quê hương tôi đó bụi hồng tà huy.
Muôn phương rong ruổi tôi đi,
Dáng quê hương đó còn gì trong tôi?
Giang hồ thế đó kiếp người,
Chiều sương quán dốc hôm nay tôi về.
Bỗng nghe tiếng động bên hè,
Hình như con cụ đã về rừng sâu.
Củi khô một bó trên đầu,
Hóa ra thiếu phụ bạc màu áo thô.
Dắt theo đứa bé xanh xao,
Trên lưng một túi khoai đào còn dây.
Con đưa cho ngoại bọc khoai,
Đi vào chào bác, rửa khoai ngoại làm.
Trước nhà khe suối lom khom,
Bóng già nghiêng xuống lưng còm tóc sương.
Bơ vơ quán dốc bên đường,
Nghìn năm tuổi tác quê hương tôi gầy.
Vo ve con muỗi đâu đây,
Quanh tôi chỉ thấy thân gầy héo khô.
Ráng hồng rặng núi nhấp nhô,
Rừng tre trở gió rì rào sương tan.
Lấy que khơi lớp tro tàn,
Mặt người thiếu phụ lửa than ánh hồng.
Tóc mai thấm ướt sương rừng,
Mồ hôi đọng lại trên lưng áo mòn.
Lão bà bước đến lom khom,
Vùi trong bếp lửa tro tàn mớ khoai.
Hai người ngoảnh lại nhìn tôi.
Trong gian nhà tối bốn người nhìn nhau.
Đứa bé hai mắt thụt sâu,
Chiếc khăn rách nát quấn đầu rét run.
Bếp hồng tí tách lửa than,
Quanh tôi chiều xuống bạt ngàn sương đêm.
Lão bà bới lớp tro đen,
Khoai vùi cụ gắp lên bàn cho tôi.
Đói lòng nghẹn củ khoai bùi,
Thế rồi nước mắt tình tôi hai dòng.
Sơn La, 12.03.02
Hoang Phong