Lúc tôi khoảng 14 tuổi, đang học trung học ở Luân Đôn. Cha mẹ và thầy giáo khuyên tôi đừng đi chơi đá banh buổi tối vào cuối tuần mà nên ở nhà học bài để lo thi bằng trung học đệ nhất cấp. Họ nói là khi thi đậu thì tôi sẽ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc.
Tôi nghe lời, lo học và thi đậu, nhưng tôi chẳng thấy hạnh phúc gì cả, vì sau đó phải học tiếp hai năm để thi tú tài. Cha mẹ và các thầy giáo khuyên tôi đừng đi chơi với bạn bè buổi tối hoặc chạy theo con gái cuối tuần mà nên ở nhà lo học bài. Họ nói bằng tú tài rất quan trọng, nếu thi đậu thì tôi sẽ sung sướng, hạnh phúc.
Một lần nữa, tôi lại vâng lời cha mẹ và các thầy giáo nên tôi thi đậu tú tài. Nhưng lại một lần nữa, tôi chả thấy sung sướng gì hết, vì sau đó tôi phải tiếp tục vào đại học, học ít nhất ba năm để lấy bằng cử nhân. Má tôi và các giáo sư (lúc này ba tôi đã mất) khuyên tôi không nên lân la ở các quán cà phê hoặc phòng trà, mà nên ở nhà lo học. Họ nói bằng cử nhân là một bằng cấp giá trị của đại học, nếu có được thì tôi sẽ hạnh phúc lắm.
Nhưng lần này tôi bắt đầu nghi ngờ. Bởi vì tôi có vài người bạn lớn tuổi hơn, đã học xong và có bằng cấp, nhưng hiện nay họ đang vất vả với những việc làm đầu tiên; có người phải làm thêm giờ để có tiền mua xe. Những người bạn này nói với tôi: “Khi nào tôi có đủ tiền mua được một chiếc xe hơi thì tôi sẽ sung sướng”.
Đến khi họ có đủ tiền mua được chiếc xe hơi rồi, tôi thấy họ cũng chẳng sung sướng gì hơn. Bây giờ họ phải làm việc cực hơn để sửa soạn mua một cái gì đó, hoặc họ đang tìm kiếm một người bạn đời. Họ nói: “Khi nào tôi lập gia đình đàng hoàng thì lúc đó tôi sẽ hạnh phúc”.
Sau khi lập gia đình, họ cũng chẳng hạnh phúc gì hơn. Tệ hơn nữa, họ phải làm thêm hai, ba công việc, lo để dành tiền mua nhà. Họ nói: “Khi nào mua được một căn nhà thì tôi hạnh phúc lắm”.
Nhưng mua được nhà rồi, hàng tháng vẫn phải trả nợ ngân hàng, như thế thì đâu có hạnh phúc gì. Ngoài ra họ bắt đầu sinh con đẻ cái. Nửa đêm con khóc phải dậy thay tã hay cho nó bú. Khi con bệnh hoạn thì bao nhiêu tiền để dành phải trút ra lo thuốc men cho nó.
Và rồi hai mươi năm trôi qua trước khi họ có thể làm những gì mong ước. Họ nói: “Khi nào con cái tôi học xong, có nghề nghiệp và tự lập được thì chúng tôi sẽ hạnh phúc”.
Đến khi tụi nó rời khỏi nhà ra riêng thì lúc đó đa số cha mẹ sắp đến tuổi về hưu. Do đó họ ráng làm tiếp vài năm để lãnh tiền hưu trí nhiều hơn. Họ nói: “Khi nào tôi về hưu thì lúc đó mới thật là sung sướng, hạnh phúc”.
Nhưng trước khi về hưu, và ngay cả sau khi về hưu, họ bắt đầu biết đạo và đi nhà thờ. Bạn có để ý đa số những người đi nhà thờ là những người lớn tuổi không? Tôi hỏi tại sao bây giờ họ lại thích đi nhà thờ? Họ trả lời: “Tại vì sau khi chết, tôi sẽ được hạnh phúc!”
Những ai nghĩ rằng “khi nào tôi có được cái này, cái nọ thì tôi sẽ hạnh phúc”, họ không biết rằng hạnh phúc đó chỉ là một giấc mơ trong tương lai. Giống như người đuổi theo cái bóng của mình, họ sẽ không bao giờ nếm được hạnh phúc trong cuộc đời.
(Thích Trí Siêu trích dịch từ sách “Who ordered this truckload of dung?” của Ajahn Brahm)