Ngày xưa ấy con còn bé chạy bên ba mà không biết ba cũng có ba. Con vui đùa với ba mà không biết ba cũng có một thời bé nhỏ như con. Cha con mình hạnh phúc một đời mà con đâu nghĩ trong tim ba cũng có góc nhớ nhớ thương thương mà không thể nói cùng ai. Con dại khờ …nghĩ cha chỉ có con.
Những lúc con ngồi xoa những mắt cá chai dưới bàn chân ba mà chê chân ba “kỳ”. Ba cười nói chân ba giống ông nội. Con ngơ ngác nhìn, ngơ ngác không hiểu…Ngày hôm sau con lại nói chân ba giống chân ông. Con nói nào có hiểu ai là ông nội mình. Con đâu biết mỗi bước chân ba đi là một nỗi nhớ về hướng xa xôi…Ngày ba mẹ xin phép ông bà vào Nam buôn bán, rồi hiệp định Generver ký kết. Hai miền chỉ tạm không giao dịch trong 2 năm. Ba đâu ngờ cuộc chia tay tưởng là hai năm rồi kéo dài đến hai mươi năm ba chưa trở lại quê. Ba nghĩ hai năm như ngảnh đầu nhưng đó lại là hai mươi năm. Hai mươi năm nỗi nhớ khắc khoải cứ ẩn hiện trong ba.
Ngày cha con dùng miếng cơm ngon ba nghĩ ngoài ấy có ông bà lúc thiếu, lúc khó khăn. Ngày đông chiếc mền mỏng manh ngày nào có còn đủ ấm cho người mà con nằm bên ba cứ rúc rich cười, rúc rích đùa. Cha ôm con vào lòng vuốt vai con mà tưởng đang dựa vai cha già. Con thương ba ôm ba hôn lên tóc. Con cười ngất khi râu ba rậm cắn vào má con. Ba kể chuyện ngày nhỏ ba đi học con tròn mắt không hiểu ba cũng được ông chăm bẵm như con. Con chẳng hình dung ông nội như thế nào. Chiếc cặp của con bung đường chỉ ba ngồi may lại. Con ngồi bên hỏi : “ Ông nội có may cặp cho ba không, hở ba”. Mắt ba xa xăm : “ Ba không có cặp da. Chỉ có cặp bằng cói chiếu. Sau ông đan cho ba chiếc cặp bằng nan tre vì ông đan giỏ rổ giá rất đẹp”. Con chẳng thể tưởng tượng nổi cặp sách bằng nan tre. Con chưa hiểu tình cha con qua chiếc cặp con xách đi học. Chiếc cặp độc đáo nhất trên đời. Con cười chiếc cặp kỳ lạ. Rồi con hỏi: “ Ông nội có đưa ba đi học”. Ba xoa chân: Có chứ: “ Ngày mưa ông cõng ba đi học. Ngày đông ông trùm áo tơi rồi cõng ba đến trường.” Con cười nói: “ Ông thương ba ít hơn ba thương con”. Ba xoa đầu đứa con lém lỉnh. Một thuở dại khờ phải không ba.
Rồi một ngày có ông cụ hàng xóm thương ba vì ông cũng có một người con bằng tuổi ba rớt lại ngoài ấy. Nhận cho vơi thương, vơi nhớ. Ngày nào ông và ba cũng chuyện trò cùng nhau. Nhưng con không nhận ông vì ông đeo mắt kính, cằm có râu trắng. Con sợ mắt kính, sợ da nhăn, sợ hàm râu trắng phau bay trong gió. Thế là con không hưởng tình ông cháu… Khi con lớn đủ biết thì ông không còn. Con không có ông mà mất cả tình ông cháu…Dại khờ một thời phải không ba?
Hai mươi năm ba ngậm ngùi nhớ, ngậm ngùi thương khi mùa xuân vê, hè sang, đông đến. Nhìn mái tóc bạc, nhìn lưng còng ai đó phớt ngang qua nhà ba lại nhớ. Một thoáng chút buồn. Thấy nụ cười hiền hiền của người nông dân ba nhớ. Nỗi nhớ của ba ngày càng cao ngút ngàn khi ba đi vào tuổi già. Con cái nào đọc nỗi buồn qua vết hằn trên khóe mắt, khóe miệng. Ba không chia sẻ nỗi nhớ cho ai. Một mình ba nhớ…Con cái đuổi theo bóng nắng chói lòa phía trước. Con tưởng ai bình an và hạnh phúc như con. Một thuở dại khờ…
Ngày ba đọc tin ông bà không còn ba ngồi im nhìn vào khoảng không phía trước, mắt ba đỏ hoe nước không thể trào. Khi này con hai mươi tuổi, con cúi mặt nhận nỗi sót xa nào đó mênh mang. Tin ông bà mất trước khi con được gặp người. Ba đau lắm nhưng con không biết nỗi đau ấy lớn như thế nào? Con đốt nhang và mắt nhìn vào khoảng không vì không di ảnh ông bà. Con lạy người bằng tấm lòng bàng bạc…Nhưng ba đau lắm phải không ba? Con chưa cảm cái đau này. Đầu con chưa choáng, dạ con chưa xót…Một thuở dại khờ…
Khi con thành công trong đời và con bay vào đời. Nhưng khi ấy ba chậm chậm ngồi nhìn vào khoảng không và nhớ lắm. Già và cảm xúc dâng trào. Ba đứng trước bàn thờ và nén nhang ba khóc như chưa bao giờ được khóc. Con dìu ba đứng lặng im. Hai cha con đứng trước bàn thờ…Con ôm ba thật chặt…
Khi ba bệnh, hai cha con trong căn phòng rộng thênh thang. Ba ôm con vào lòng, con ôm cánh tay ba gầy guộc… con biết con sắp mất ba. Con không còn cách nào níu ba được Con đã dùng hết các loại thuốc mà không thể nào níu được ba. Ba không còn nói được nữa. Con không dám nói điều gì. Hai cha con ngối bên nhau. Bây giờ con mới đau cái đau mà ba chịu bao lâu nay. Con nắm tay ba mà không dám khóc. Đau lắm ba ơi! Ba đừng đi nhé ba. Chưa có cái đau nào đau hơn thế này. Con biết làm gì nữa hở ba. Con cho ba ăn từng muỗng cháo…Nhưng ba nào ăn được. Con ôm ngang người ba và gục mặt lên người ba. Ba nhẹ nhẹ vuốt tóc con. Làm sao con níu ba được. Cuộc sống chỉ còn từng giây phút. Con biết lẽ vô thường là thế mà con vẫn đau…
Một sáng mùa đông, ba lặng lẽ về. Ba về với ông. Con đứng không vững. Hai tay quơ phía trước tìm ba…Ba là cây cổ thụ đời con. Cây đổ con chỗ nào dựa. Ba chịu đựng năm mươi năm nhớ, năm mươi năm thương và ân hận vì mình đã không được gần mẹ cha, không được dâng chén cơm, miếng canh cho người. Tình cha con đứt từ ngày ba vào Nam, và cháu không được sống có ông bà. Những giây phút cuối của mẹ cha ba không được một lần nhìn, một lần nắm tay lần cuối… Mà con dại khờ nào có biết. Bây giờ con đau gấp hai lần ba ơi. Một thuở dại khờ…
Ba ra đi vào một ngày cận tết, ngoài hiên nắng se sắt và bên nhà hàng xóm trẻ nhỏ đang vui mừng khoe chiếc thắm. Con đứng lặng nhớ những gì ba chiều con suốt mấy mươi năm qua. Chỉ từ năm ấy ba im lặng…
Mất ba bốn năm rồi và con lấy lại bình an. Nhưng chút gió lạnh, chút nắng hanh hao con chạnh lòng nhớ…chạnh lòng xót xa …mỉm cười mình đã có hạnh phúc với cha yêu tuyệt vời nhất thế gian mà chỉ mình mình có. Ngồi một mình trong phòng thờ con nhìn di ảnh ba như tưởng ba còn đâu đây. Ba mỉm cười với con gái dại khờ của ba một cách hiền lành và thân thương. Ba vẫn ở trong trái tim con. Con nhớ ba.
Tết rồi đó ba. Ba ở nơi nào đó chắc cũng bình an như nhà mình. Nhất là thế, ba nhé!
Diệu Hòa