Mấy người bạn nước ngoài có lần phàn nàn: Sợ nhất là tháng sau Tết của người VN, bởi tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” khiến mọi công việc giao dịch đều gần như khó thực hiện. Mới Tết đó mà vèo cái đã qua Valentine rồi “nay tư mai đã là Rằm…”
Tôi nhớ lại thời gian được tòa soạn phân công đi viết về các vấn đề có liên quan tới tôn giáo, trong đó có lần thực hiện được cuộc phỏng vấn nhanh Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng vào một dịp trước Rằm tháng Giêng.
Hôm đó hình như là mười tư, tôi sắm cái lễ mọn tới chùa Quán Sứ, Hà Nội. Trước hết là vào lễ Phật: theo đúng quy định của nhà chùa, chỉ thắp một nén nhang cắm vào lư hương lớn ngoài sân, rồi bê đĩa trái cây nhỏ vào lễ. Không hóa vàng.
Cuộc trò chuyện với Hòa thượng Thích Thanh Tứ sau đó của tôi tuy rất ngắn, nhưng vẫn luôn bị gián đoạn bởi có rất nhiều phật tử từ các địa phương khắp Bắc – Trung – Nam ghé qua vấn an và để được nhận những lời chúc an lành từ Hòa thượng.
Ra về, tôi nhớ mãi những lời Hòa thượng nói về cái tâm, cái thiện trong mỗi con người chúng ta. Thiện Tâm ở tại lòng ta. Con người cứ sống ngay thẳng, làm những việc tốt cho mình và xã hội. Được như vậy thì ngày nào cũng là cát tường, giờ nào cũng may mắn. Cúng lễ cũng chủ yếu thể hiện cái tâm, một nén nhang mà lòng thành vẫn sẽ được Đức Phật từ bi chứng giám, phù hộ độ trì. Con người biết tự lực cánh sinh, siêng năng làm việc, có lòng quyết tâm sẽ vượt qua được những trắc trở của số phận…
Những tín điều này sau đó tôi cũng được nghe từ Thiền sư Thích Huyền Diệu, nhân một chuyến trở về thăm quê hương Việt Nam của ông. Thiền sư Thích Huyền Diệu là người gốc Việt đã đứng ra tổ chức xây dựng và trụ trì ngôi chùa Việt Nam mang tên “Việt Nam Phật Quốc tự” tại Lumbini (Nepal) – nơi Phật đản sinh và tại Bouddha Gaya (Ấn Độ) – nơi Đức Phật tu hành và đắc đạo, được coi là đất Phật.
Năm tháng trôi qua, tôi vẫn luôn giữ bên mình một món quà quý giá có được sau chuyến hành hương tới đất Phật Bouddha Gaya. Đó là chiếc hộp nhỏ làm bằng gỗ bồ đề có hình hoa văn đặc trưng của Ấn độ. Trong hộp có chuỗi tràng hạt cũng gọt bằng gỗ bồ đề, và một chiếc lá bồ đề ướp mỏng tang.
Trong tâm trí mình, tình yêu “quê hương thứ hai” của tôi luôn gắn với những hình ảnh người dân Ấn Độ có phần hơi lam lũ, nhưng rất sùng đạo, hiền lành và tình cảm. Dân số Ấn Độ đông hơn Việt Nam rất nhiều. Đền chùa miếu mạo của nước bạn cũng nhiều hơn và hầu như lúc nào cũng nườm nượp người tới lễ. Tuy nhiên dù đám đông có lớn đến đâu thì hầu như vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Người đi lễ phần lớn chỉ mang theo chiếc đĩa nhỏ đựng trái cây, thẻ hương trầm, tới cổng đền hoặc chùa mới mua thêm tràng hoa nhài trắng nho nhỏ đeo vào cổ tay. Bình thường người Ấn nói khá nhiều, nhưng tới những nơi chốn tôn nghiêm, họ rất trật tự vào lễ rồi lại lặng lẽ lui ra nhường chỗ cho người đến sau.
Được đi khá nhiều nơi trên đất nước bạn, nhưng tận mắt mình tôi chưa lần nào thấy có cảnh chen lấn, xô đẩy, đánh nhau hay cướp giật, trộm cắp. Cũng có cảnh những người ăn xin đeo bám, hoặc người bán hàng lẵng nhẵng nài nỉ khách (nhất là khách nước ngoài) mua hương, mua hoa làm phúc cho họ. Nhưng khách mua hay không, trả giá thấp thế nào, họ cũng tuyệt nhiên không bao giờ gây sự.
Đi trên đường xe cộ luôn tuân thủ luật giao thông. Có lần một người lái chiếc xe scooter (kiểu như xe lam ở VN mình) chở khách chạy nhanh, mớm cán chút xíu lên vạch kẻ ở ngã tư. Bị cảnh sát giơ gậy chặn lại, anh buồn bã rút ví trả tiền phạt (mất tiêu cả số tiền kiếm được trong ngày) mà không một lời cự cãi, than vãn hay xin xỏ.
Người dân Ấn Độ đi lễ tại một ngôi đền (ảnh: flickr.com).
Trong bài phóng sự “Delhi một thời để nhớ” viết sau khi rời Ấn Độ, tôi đã viết nhiều về ấn tượng của mình trước những sự tương phản rõ nét trong tính cách của đa số người Ấn. Giàu – nghèo phân biệt đẳng cấp là vô cùng lớn thì đã rõ rồi. Còn những sự cuồng tín, cực đoan, thì đúng là có nhưng chủ yếu thể hiện qua những khác biệt hoặc xung đột về chính trị, tôn giáo. Còn đa phần người dân Ấn, theo nhận xét của tôi, có cuộc sống nội tâm khá phẳng lặng, có thể nói là an phận và rất từ tâm.
Thấy có tai nạn trên đường, người Ấn sẵn sàng dừng xe cứu giúp người bị nạn nhưng rất có ý thức giữ nguyên hiện trường để phục vụ cho công tác điều tra sau đó. Không có những đám đông hiếu kỳ tập trung bao quanh, mọi việc đã có cơ quan chức năng làm nhiệm vụ và phân xử.
Tôi từng có vài lần vẫy xe scooter giữa đường, được bác tài nhẹ nhàng khước từ: “Đây không phải tuyến đường dành cho xe của tôi. Vui lòng chờ xe khác số hiệu…”, hoặc “Tôi đã kiếm đủ cho gia đình ngày hôm nay rồi”…
Tôi cũng từng nghe kể về những người ăn xin chỉ xin đủ sống cầm hơi trong ngày, cho thêm cũng không nhận để “nhường cho người khác”. Hay những trường hợp có những ông chủ gia đình rất giàu có, sau thời gian dài lăn lộn trên thương trường đã để lại một phần tài sản cho vợ con, một phần làm từ thiện. Còn mình rời nhà ra đi, dành phần đời còn lại cho các chuyến hành hương bất tận…
Cùng lớp học với tôi hồi đó tại Học viện Báo chí New Delhi có một số đồng nghiệp theo đạo Hồi. Điều rất dễ nhận thấy ở họ là đức tin vô bờ bến với Thánh Allah. Nhóm nhà báo Indonesia tuân thủ rất chặt chẽ chế độ ăn kiêng ít chất đạm, không rượu chè, nhịn từ sáng tới tối suốt tháng ăn chay Ramadan. Nhóm Ai Cập ăn chủ yếu là trái cây, khoai và cá. Đi đâu họ cũng mang theo tấm thảm nhỏ, cầu nguyện đúng năm lần mỗi ngày dù đang ở bất kỳ đâu: nhà ga, bến cảng, sân bay, trong phòng hay ngoài trời.
Đức tin cùng đời sống tâm linh nơi những con người có tâm tôi từng gặp đây đó trên các nẻo đường, quả là có sức nặng thuyết phục và lan tỏa…
Thanh Nguyễn