(Hay: Đừng Nghĩ Về Thời Gian…!)
Nói đến thời gian và số kiếp tôi nhớ có lần nghe người ta nói: Muốn có hình tướng đẹp phải trải qua mấy ngàn kiếp tu. Tôi nghe “mà” giật mình, kiếp nầy mình mới chỉ quy y, tới chùa không mấy buổi như vậy thì mình chưa phải là tu; thế thì với hình tướng đẹp thôi đã phải trải qua vài ngàn kiếp, còn nếu muốn thành Phật thì “biết đến bao giờ”?
Điều suy nghĩ ấy khiến cho tôi hiểu được: “Tại sao người đời ít nghĩ đến Tu?”, nội vấn đề xuống tóc xuất gia họ thấy là khó; ăn chay lại là một vấn đề, cử thịt rượu tức mất đi “vui” và “say”, thì họ cảm thấy quá nhiều thiếu thốn, họ bảo “thiếu đi hương vị của cuộc đời”; đồng thời họ nghĩ “Tu phải cần thật nhiều kiếp nên họ nghĩ họ theo không nỗi, thôi thì cứ sống như thường thôi, ra sao thì ra, tới đâu thì tới”.
Thực ra, trong vấn đề tu hành đó chỉ là một căn cơ, là một cái duyên, là tự ở trong cái “nhân, quả” của mỗi con người, cái Tâm thức của họ trước kia đã kết duyên với Đạo, cái mầm đã có sẵn trước khi họ “tái sanh” vào một thân thể khác. Vừa do từ “nhân quả” cũng vừa từ “cận tử nghiệp” của kiếp trước truyền sang, họ sẽ “gặp duyên” tự khi nào, để từ đó họ nối kết trở lại với con đường Đạo: Tức là “Họ bắt đầu tu” trở lại.
Khi tôi ráng dành thì giờ để đọc bộ “Phật học Phổ thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn, thì trong phần Kinh Kim Cang Đức Phật có đề cập:
‘Tu Bồ Đề! Về quá khứ, ta làm vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời. Bị vua Ca Lợi cắt xẽo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; vì ta không còn chấp bốn tướng: nhơn, ngã, chúng sanh và thọ giả”.
500 kiếp cho mỗi một hạnh nhẫn nhục, bạn nghĩ với số lượng kiếp ấy chắc cũng khá nhiều, nhưng có lẽ bạn sẽ suy nghĩ nhiều hơn về các chữ “vô lượng kiếp” về trước hoặc về sau mà Đức Phật thường đề cập đến trong các Kinh điển. Trong bài nầy, tôi cũng muốn trình bày cùng bạn về vấn đề ấy.
Lúc đầu tôi cũng nghĩ như bao nhiêu người thường tình khác, với một kiếp mấy mươi năm hoặc trăm năm mà người ta đã thấy dài đăng đẳng, đầy khổ đau, chán chường và nhiều ngán ngẫm, huống hồ gì vài trăm, ngàn, vạn… vạn kiếp. Nhưng sau đó, thì tôi nghĩ lại: Nếu con người không tu hành để tìm đường thoát khỏi vòng xe quay Luân hồi thì vô lượng kiếp về sau vẫn phải còn ở trong Luân hồi, rồi phải chịu khổ đau, sanh lão bệnh tử như bây giờ, chắc lúc đó cũng lại buông xuôi “ra sao thì ra, tới đâu thì tới”!
Nhưng bạn ạ! Tuổi thọ kiếp của mỗi loài cũng khác nhau. Nếu như loài người tạm gọi là 100 năm; của loài phù du thì rất là ngắn; của tế bào da chúng ta thì nó cũng chẳng là dài. Đó là sự so sánh của chúng ta, chứ biết đâu loài phù du nó nghĩ với thời gian như vậy cũng quá dài rồi. Nếu nghĩ chúng sinh là những vật có sự sống, có “sanh bệnh lão tử”, có “sanh trụ dị diệt”, có “thành trụ hoại không” thì biết bao nhiêu mà kể, cho nên trong Kinh hay nói “vô số, vô lượng” là vì vậy. Như thân thể chúng ta có biết bao nhiêu là tế bào vì mỗi tế bào vẫn có sự sống của nó, rồi trong máu có số lượng bạch, hồng huyết cầu; rồi số lượng vi trùng có ích và có hại; đồng thời môi trường bên ngoài như không khí, nước đều có sự hiện diện của chúng sinh với số lượng “không thể đếm được”, nhưng chung quy tất cả đều có tuổi thọ. Sanh ra đến chết đi, dù dài dù ngắn vẫn là một kiếp. Từ vô thỉ đến nay đâu có biết là bao lâu thì sự luân hồi của ta “vẫn là vô lượng kiếp”. Đức Phật không lừa dối chúng sinh, không lừa dối chúng ta khi nói về một con số kiếp to lớn, “vô lượng kiếp về trước” và nếu không “tu hành” để vượt thoát luân hồi thì “vô lượng kiếp về sau” vẫn ở mãi trong cảnh luân hồi. Đức Phật đã nói rõ như vậy, chúng sinh nào có nghe, có tin hay không thì tùy: không tin thì thôi, tin thì cứ “thấp đuốc lên mà đi”!
Thoạt đầu tôi nghĩ đến số lượng mà khiếp tinh thần, nhưng khi tôi suy đi tính lại thì quả đúng là như vậy. Cái Tâm thức của tôi, tôi đã hiểu là nó có, có hiện diện nơi tôi vì khi tôi nằm mơ, thân xác tôi giống như một xác chết, nhưng trong mơ tôi thấy tôi vẫn sống, vẫn sinh hoạt, vẫn vui chơi hay cảm giác được đau đớn; hoặc lúc tôi bệnh tôi quá chán chường vì thân xác mình yếu đuối thì tôi lại thấy tinh thần mình đôi lúc hiện diện càng rõ ràng hơn thêm. Như vậy thì Tâm thức tôi từ đâu mà đến với thân xác nầy để tôi hiểu rằng hiện tại “đang có tôi”? Đức Phật sau 6 năm đi tìm Đạo chưa tìm được sự thỏa đáng của vấn đề, cuối cùng Ngài quyết thiền định cho ra lẽ ở cội Bồ Đề. Và Ngài đã khám phá được chân lý: Tất cả mọi người, mọi vật, mọi chúng sinh đều có đồng một bản thể, bản thể ấy rất trong sáng, thanh tịnh ở cõi thanh tịnh. Nhưng do vì vọng tưởng, u mê mà đã rời nơi ấy và lấy các cảnh, các vật giả tạm để làm thật, rồi bám víu vào đó để mình cảm thấy là đau khổ, cùng chịu cảnh luân hồi. Cõi Thanh tịnh ấy rất rộng lớn, bao la (vô biên), không có bắt đầu (vô thỉ) và cũng không bao giờ chấm dứt (vô chung). Như vậy thì Tâm thức tôi cũng có từ thời vô thỉ, và nếu kiếp nầy tôi chưa được giải thoát, chưa là Bồ Tát hay Phật hoặc vẫn không tu thì muôn vạn, vô lượng kiếp về sau tôi vẫn còn trong cõi luân hồi, vẫn chìm trong bể khổ mênh mông.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến lúc tôi còn nhỏ, vào những ngày lễ lớn ở chùa; chúng tôi là đám con nít đi chơi rong “đả đời”, rồi “canh” gần tới giờ ăn mới kéo nhau về chùa ăn “kiểm”, kiểm là món chay giống như canh nhưng đặc hơn có đậu phọng, bột khoai, bí rợ, khoai lang, ăn ngon lắm! Trước khi leo lên ván ngồi ăn thì cũng lên điện lạy Phật rồi mới xuống ăn. Đạo Phật trong thời niên thiếu của chúng tôi thì đơn giản như vậy. Chỉ biết đến chùa coi người ta làm lễ, rồi lạy Phật vài cái ở vài nơi, để ăn kiểm, ăn đồ chay. Khi nào rảnh rang không muốn đi chơi nữa thì kéo nhau đi vòng vòng coi mấy cái hình: Coi hình Ông Phật, Phật Bà, coi hai cái tượng gì một đen, một trắng; rồi các tranh bộ diễn tả Đức Phật xuất gia, hay thành đạo. Tranh các cảnh địa ngục: Tranh thì quỷ sứ đang cắt lưỡi, tranh thì cưa hai người ra bỏ vào chão dầu, tranh thì ngồi trên bàn chông… Bây giờ tôi không nhớ hết, nhưng có một bức tranh tôi còn nhớ lại rõ ràng vẽ hình người đứng đưa cái chén lên miệng trước bàn quỷ sứ và tại một đầu cầu. Với bức tranh ấy người ta nói trước khi bước qua cầu đi đầu thai thì phải húp chén “cháo lú” để khi sanh ra sẽ quên hết, quên tất cả những gì của kiếp trước. Đến bây giờ tôi vẫn chưa có thì giờ để tìm hiểu thêm vấn đề ấy. Nhưng quả thực con người sanh ra đời mấy ai nhớ lại chuyện xưa. Thỉnh thoảng trên báo chí hoặc các sách viết về huyền bí có viết vài mẫu chuyện kể của một số người nhớ lại tiền kiếp của mình ở một nơi, trong một gia đình nào đó.
Nhắc lại bức tranh ấy, tôi muốn nói với bạn một vấn đề: Nếu chúng ta nghĩ với 500 đời tu cho mỗi một hạnh nhẫn nhục, hoặc muốn có hình tướng đẹp phải mất mấy ngàn kiếp tu thì chúng ta thấy thật là đăng đẳng xa xôi, ta có thể thối chí bỏ đi ý định “muốn tu”. Nhưng nếu chúng ta nghĩ lại không tu bây giờ thì vô lượng kiếp về sau ta không thoát khỏi được vòng luân hồi, sự đau khổ vẫn hãy chồng chất triền miên không có thời gian chấm dứt như vậy ta sẽ còn khổ hơn. Đó là một lối nghĩ thông thường, một cách suy nghĩ tiêu cực. Tại sao ta không nghĩ theo bức tranh ăn “cháo lú” ấy. Mấy ai tái sanh ra đời để nhớ lại chuyện xưa. Chính Phật Thích Ca là Vị Bồ Tát từ cõi Trời thị hiện làm người mà vẫn hãy còn quên, thì chúng ta là “người trần mắt thịt” tất nhiên càng không nhớ hơn nữa. Nhưng biết đâu trong vô lượng kiếp về trước ta đã tu hành rồi, chỉ đợi kiếp nầy nữa thôi thì ta được giác ngộ trở thành Bồ Tát hoặc thành Phật cũng nên. Vì vậy ta cứ lạc quan, tinh tấn tu hành, chuyện gì đến nó sẽ đến. Trong bài “Phiền não thị Bồ Đề” (hay: Nhân một câu chuyện) tôi đã chứng minh với bạn, những con người đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời hiện tại chưa hẳn là nhận quả từ nhân xấu của các kiếp trước, mà có thể là chặng đường sau cùng để họ tìm được chân lý của “Đạo Vô Thượng”. Và ở bài “Sự ôn lại cuối đời” tôi đã phát họa cách tính “số phần trăm chất Phật” trong con người của mình để từ đó ta có được khái niệm từ những kiếp xa xưa ta có tu hay chưa và bây giờ đã đến được khoảng nào rồi. Tuy nhiên, việc nào cũng vậy nếu ta quyết chí, cương quyết và muốn đạt được thì ta sẽ đạt được. Nhưng theo luật nhân quả khi ta chưa trả dứt nợ cho người khác thì ta cũng không thể ung dung tự tại để rời xa sân khấu. Đó là một trách nhiệm ta phải trả, nếu không thì chủ nợ cũng sẽ đến đòi, cũng sẽ lôi ta trở lại như có lần tôi đã viết: “Giả sử hôm nay tôi bị thằng bạn nó nhận đầu tôi uống nước, ngày mai tôi là kẻ mạnh ‘nhất định’ tôi bắt nó phải uống nước lại trừ, nếu ngày mai nó là con mèo tôi vẫn cho nó uống nước mới hả giận lòng tôi”.
Một khi bạn đã suy nghĩ và quyết định tu thì bạn cứ mạnh dạn tiến hành, bạn cương quyết, nhưng chỉ sợ cho bạn không chịu nỗi đường dài đó thôi. Không thiếu gì người nhảy vào chùa tu chừng vài ba, hoặc mười năm rồi vẫn nhớ việc đời lại nhảy trở ra; có người vương vương việc Đạo mà lướng vướng việc đời. Đó là những vị “Thối Bồ Tát”, còn những vị “Bất thối Bồ Tát” là những vị phát tâm dũng mãnh, chỉ biết việc Đạo và nhất quyết đi tới cùng dù kiếp nầy có tìm đến được chân lý hay chưa, giống như Đức Phật phát nguyện: “Nếu không tìm được chân lý nhất quyết không rời khỏi cội Bồ Đề”.
Nhưng bạn ơi! Cứ tùy theo khả năng của mình thì mình chọn. Đức Phật đâu có bắt bạn phải xuất gia hẳn đâu! Bạn có thể tu ở nhà. Bạn có thể sống như một người bình thường nhưng tâm bạn lại là một tâm tu, bạn xét lại từng việc mình làm, kiểm điểm sai quấy, bạn hành việc thiện, bạn không khởi ý ác. Nếu lỡ lầm lỗi bạn sám hối, ăn năn sửa đổi, thế là bạn cũng tu rồi chứ gì? Tu là sửa đổi, sửa đổi những sai quấy, những hành động, việc làm có hại; những lời nói không hay hoặc những ý nghĩ không tốt, bất thiện. Nói chung là bỏ những gì đem hại, không tốt vô ích mà sửa đổi lại là đem ích lợi, niềm vui, nguồn hạnh phúc đến cho mình, cho người và cho chúng sinh: Ấy cũng là Tu. Tu cũng là cùng mục đích: Chấm dứt gây nhân, chỉ đợi trả quả mà thôi!
Bạn cứ tưởng tượng bạn đang đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông, nhìn một nhóm rất đông người đang lội vào bờ, phía trước có một số người ở trần không hành trang lội nhanh vào. Sau đó, là một số đông hơn họ còn mặc quần áo, trên lưng có ít hành lý. Và sau cùng, một đám rất đông quần áo đầy đủ, hành trang lỉnh kỉnh, ồn ào, họ vui vẻ từ từ lội vào bờ.
Tôi lấy ví dụ ấy chắc bạn sẽ dễ hiểu hơn. Bạn đứng quan sát trên cao ấy giống như cái nhìn của Chư Bồ Tát hay Phật đang nhìn vào chúng sinh. Còn những người ở trần lội nhanh vào bờ ấy giống như những người xuất gia, họ cởi bỏ tất cả những vướng bận của cuộc đời hay trần thế để hành việc Đạo, họ lội vào bờ với tốc độ nhanh hơn vì không còn gì để làm chướng ngại cho họ. Còn những vị còn chút ít hành trang quần áo ấy là các vị Cư sĩ tại gia: Họ còn vướng bận chút ít về gia đình, về hoàn cảnh. Và đoàn người đông đảo. lỉnh kỉnh ấy là đoàn Phật tử họ đang hướng về bờ giác nhưng họ vướng bận với cuộc đời nên họ “vừa đi vừa nói chuyện, vừa đùa giỡn” để quên đoạn đường dài đó thôi!
Tùy duyên, hoặc căn cơ mà chúng ta sẽ chọn ở vị trí nào, miễn là chúng ta có hướng về bờ (Hồi đầu thị ngạn), hơn là chúng ta còn vui chơi trên biển khổ mênh mông, hoặc là chúng ta càng lúc đi càng xa bờ hơn. Càng lội ra xa chừng nào thì đường trở về của ta sẽ lâu dài và gian nan chừng nấy. Ấy là một sự tất nhiên…!
Nguyên Thảo