Trước khi nói tới tình thương chân thật, ta phải tự đặt câu hỏi rằng: Ta đã có khả năng thương và hiểu được ta hay chưa? Thường thường ở ngoài đời, người ta cảm thấy cô đơn, lạc loài và thiếu thốn tình thương và sự hiểu biết. Họ cảm thấy có một nhu yếu mãnh liệt thôi thúc đi tìm kiếm tình thương, sự thông cảm và hiểu biết từ một người khác, bởi thế cho nên người con trai hay người con gái nào cũng luôn luôn đi tìm kiếm bạn. Họ chơi thân với một người bạn rồi lại chia tay vì trong tình thương ấy có sự mâu thuẫn và bất đồng ý kiến. Họ lại đi tìm một người bạn khác rồi cũng chia tay và cứ tiếp tục lập lại những lỗi lầm như thế. Cả đời cứ mãi chạy đi tìm tình thương và sự hiểu biết ở bên ngoài từ người khác. Càng tìm càng cảm thấy lạc loài và cô đơn, bởi vì làm sao có thể tìm ra được một người hiểu ta một cách sâu sắc thật sự.
Câu hát: ”Vì biết thương mình mà đã biết thương trần gian” trong bài ca ”Tâm An” của sư cô Chân Giải Nghiêm có thể đáp ứng lại nhu yếu tìm kiếm và thiếu thốn này. Ta luôn luôn cần tình thương nhưng điều kiện tiên quyết là thương được chính mình. Sau đó ta mới biết thương được người khác. Không ai có thể hiểu được ta hơn ta. Không hiểu tạm đủ những thao thức, ước mơ, tình cảm và tâm tư, ta không thể nào thương được mình.
Ðặt câu hỏi rằng: ‘‘Ta đã biết thương và hiểu được ta hay chưa?’’ là một cơ hội để nhìn lại cách ta thương. Thương mà không hiểu thì chưa phải là tình thương chân thật, cho nên tình thương phải đi đôi với sự hiểu biết, tức là trí tuệ. Thiếu trí tuệ ta không thể thương được. Không hiểu được những khổ đau, thao thức, tâm tư và ước mơ của con trai, người cha không thể thương được con mình. Không biết con đang lo âu, hồi hộp và bất an trong kỳ thi này, người cha không thể giúp cho con mình vượt qua khó khăn. Nếu người cha biết rằng năm cuối của nha khoa rất khó khăn và nan giải thì ngoài sự khích lệ tinh thần, người cha còn đề nghị với con đi học thêm với những người thật sự có kinh nghiệm trong ngành. Hãy khích lệ và cổ động cho con lên tinh thần. Năng lượng tinh thần và tình yêu là một sức mạnh tâm linh giúp con ta làm được những chuyện khó làm.
Thầy tôi là một vị ân sư có khả năng thương yêu tuyệt vời, bởi vì Người hiểu được tâm tính của đệ tử. Ngoài việc dạy dỗ tận tình ra, Thầy còn biểu lộ được tình thương một cách cụ thể. Có một lần, tôi đang gặp khó khăn và Thầy đã dạy cho tôi khá mạnh nhưng ngày hôm sau, Thầy đến Xóm Thượng để tìm cách an ủi tôi. Thầy đã giúp tôi phơi áo quần. Tôi cảm động vô cùng, bởi vì tôi không thể ngờ một vị cao tăng danh tiếng với nhiều đức độ có thể biểu lộ được một cử chỉ quá khiêm nhượng mà cao đẹp như thế. Hành động nhỏ ấy gói ghém một tình thương vô bờ bến và lòng thanh thoát bao la, cho nên bao nhiêu buồn giận của tôi đều tan biến hết ngay lúc ấy.
Bà Tư qua Mỹ năm 1980 cùng với năm đứa con. Trong năm đứa con có một đứa con gái thật dại dột. Ðã lỡ làng một cuộc tình duyên từ hồi còn ở Việt Nam rồi mà không học được bài học thương đau ấy. Ðáng lý qua tới Mỹ, cô nên tìm cách làm lại cuộc đời trong lúc còn đang trẻ, trái lại cô này không chịu học hành gì cả mà cứ la cà với bạn bè và cuối cùng cô thương một chàng trai cùng lớp. Hai anh chị rủ nhau bỏ nhà qua tiểu bang khác để sống chung đã làm cho bà Tư và gia đình buồn phiền thật nhiều. Mấy năm sau, cô cảm thấy hối hận nên liên lạc về xin lỗi với mẹ và báo cho gia đình biết rằng cô sắp sinh em bé. Bà mẹ ấy đã tha thứ cho con từ lâu nên sau khi nhận được tin tức, bà đã sẵn sàng qua New York đỡ đần sinh đẻ cho đứa con gái và cháu ngoại. Sau một thời gian, anh mãi mê ham chơi cờ bạc nên đã ăn cắp và vơ vét hết tiền bạc dành dụm. Suốt ngày, anh cứ lẩn thẩn quanh quẩn nơi những sòng cờ bạc như một con ma đói trong khi đó chị phải đi làm tối ngày để bòn mót từng đồng nuôi con. Cố nhiên, hai vợ chồng cứ gây lộn và cãi vã mỗi ngày, càng ngày càng tệ, anh cộc cằn nóng nảy, chị chửi bới chua cay nên cuối cùng anh chị ly dị nhau. Chị cảm thấy đau khổ vô cùng, bởi vì một phần cảm thấy có lỗi với mẹ, một phần vì tình yêu bẽ bàng, đắng cay và tệ bạc. Năm xưa, chị đã không nghe lời mẹ, đã chạy theo tiếng gọi tình yêu và chính tình yêu ấy đã đánh mất tuổi trẻ và cơ hội thành đạt của chị đồng thời chỉ đem lại nhiều khổ đau cho chị. Trong khi đó tình thương của bà mẹ vẫn còn nguyên vẹn. Bà đã tha thứ lỗi lầm quá khứ của con lại còn an ủi và vỗ về cho con trong lúc khó khăn, đau khổ.
Chị Vân kể rằng: ”Con có một đứa con gái tên là Lawrence. Con may mắn được tu tập với Sư Ông Làng Mai mười mấy năm qua và đã nếm được niềm vui sống. Mỗi ngày con đều làm hộp cơm trưa (lunch box) với tất cả thương yêu và niềm vui cho cháu đem đến trường. Trong hộp cơm trưa ấy ngoài thức ăn ra con cẩn thận ghi một bài kệ, một câu kinh hay một câu thơ cho cháu. Những câu kệ ấy được trích từ cuốn sách Từng Bước Nở Hoa Sen. Ví dụ như:
‘‘Thức dậy mỉm miệng cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.’’[1]
‘‘Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời’’
Hôm nay trời đẹp lắm!
Con có biết đôi mắt con
Vẫn còn sáng hay không?
Những bài thi kệ này đã giúp cho con trở về được với chính con. Con có thể sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại mà không còn chìm đắm trong buồn đau về quá khứ và trôi lăn trong lo âu, sợ hãi của tương lai. Con cảm thấy cuộc đời sao dễ thương và đáng yêu quá! Đôi mắt con còn trong sáng, rừng cây vẫn còn xanh tươi và ngày mới vẫn còn đẹp đẽ và yêu thương. Con có mặt cho sự sống và tiếp xúc với tình thương trong nắng mai, gió chiều… nên con cũng muốn con gái của con có cơ hội sống trong giây phút thiêng liêng mầu nhiệm của hiện tại. Con biết rất rõ bánh mì không đủ làm cho con gái hạnh phúc toàn vẹn. Ăn no nhưng tâm ý buồn đau, lo lắng và chán nản thì cháu vẫn có thể đau khổ như thường. Ý thức điều ấy con luôn luôn nhớ viết từng câu thơ, bài kệ và lời nhắc nhở cháu rằng: ‘‘con hãy vui lên, hãy nhìn nắng mai, hãy mỉm cười với cuộc đời…’’ Tình thương của con làm bằng lời kinh câu kệ của Sư Ông, của Bụt, bằng sự có mặt đích thực của con để đưa cháu vào ánh sáng thương yêu đối với cuộc đời. Ngày Lawrence vào đại học, con hỏi cháu: ”Con có muốn gì từ mẹ nữa không?” Cháu trả lời: ”Con không muốn gì cả nhưng con sẽ nhớ hộp cơm trưa của mẹ. Vào đại học, con sẽ ở thường trú trong đó thì làm sao con có cơ hội để ăn hộp cơm trưa gói tình thương cao quí của mẹ.”
Nghe câu chuyện này tôi cảm động đến chảy nước mắt. Ở thế giới Tây phương bận rộn như thế này mà có một bà mẹ nuôi con bằng tình thương tuyệt vời như thế. Tôi thật là kinh ngạc và kính trọng chị Vân vô cùng. Làm hộp cơm trưa trong suốt mười mấy năm trời cho con gái đều có một bài thơ, câu kệ và lời khích lệ hạnh phúc thật là một tình thương vô bờ bến. Chị phải có một ý thức thương yêu nồng nàn và khả năng kiên nhẫn lắm mới nhớ để viết từng câu kinh, bài kệ mỗi ngày như thế. Hiện giờ chị Vân thường hay làm công quả ở tu viện Lộc Uyển. Chị thương tăng thân như thương chính bản thân mình. Sự tu tập của chị rất vững vàng và sâu sắc nên hành động của chị biểu hiện chất liệu hy sinh và thương yêu đối với mọi người nhất là tăng thân xuất gia rõ ràng lắm.
Cha mẹ lý tưởng là cha mẹ biết thương yêu, và tình thương thiêng liêng ấy được làm bằng hiểu biết. Không hiểu rằng con đang đau khổ mà cứ la rầy và trách móc thì cha mẹ đã vô tình đẩy con vào thế tuyệt vọng khiến cho nó có thể làm những điều lầm lẫn gây khổ đau cho cả gia đình. ‘‘Có một cậu con trai người Việt ở Montreal, Gia Nã Ðại, rất là hiền hậu. Cậu rất ưa học về nghệ thuật trong khi đó bố của cậu muốn con trai học ngành bác sĩ như đứa con trai người hàng xóm. Bố mẹ nào cũng thương con cái và muốn cho con mình có một tương lai rạng rỡ nên thường hay áp đặt lên con cái những ước mơ của bố mẹ. Người cha thường hay trách móc và chê bai con trai mình trong khi đó ông cứ ca tụng con người hàng xóm cạnh nhà. Ðứa con nghĩ rằng hình như bố chẳng gì thương mình và không xem mình là người có giá trị nào cả. Cậu cảm thấy đau khổ một phần vì bố không hiểu được mình và cộng thêm tính mặc cảm tự ti khá nặng cho nên đã nhảy xuống sông tự tử, để lại lá thư tuyệt mạng với bao nhiêu niềm đau nỗi khổ. Trong thư ấy cậu xin lỗi là đã không làm vừa lòng bố mẹ để làm một đứa con hiếu thảo của gia đình. Ðây là một thảm kịch cho nhiều gia đình Việt Nam tỵ nạn.’’[2]
Không hiểu chính xác những khó khăn và vấn đề của người thương, ta đã không giúp ích được gì cho người ấy mà lại còn tạo thêm khổ đau, hờn dỗi và trách móc. Tình thương thiếu sự hiểu biết rất dễ đánh mất người ta thương.
Pháp Đăng