Các bạn thân mến!
Tôi biết các bạn đều là những người có lý tưởng, nhưng lý tưởng cần phải hiểu, sống và hành động một cách thực tế, chứ không thể là chỉ bánh vẽ, là ngôn từ, hay là ý niệm trừu tượng. Trước hết, chúng mình thử định nghĩa ‘lý tưởng’ cho rõ ràng trong cái nhìn của tuổi trẻ. Lý tưởng là tình thương, tốt đẹp, lành mạnh, cao thượng… Người lý tưởng là người có lương tâm, có tình thương, muốn giúp đỡ cho cuộc đời. Chúng mình thường nghe nói: “Người này thật là lý tưởng, nghĩa là đời sống người này thật là lành mạnh, cao thượng. Tâm hồn người ấy có sự độ lượng và tình thương. Công việc này thật là lý tưởng, tức là công việc này thật là tốt lành, có ý nghĩa, có đạo đức. Con đường này thật là lý tưởng, nghĩa là con đường trong sáng, với hướng đi lành mạnh, đem lại hạnh phúc và an vui cho mọi người…
Lý tưởng có khi được người ta hiểu như là một ước mơ, một sở thích, một nguyện vọng. Ví dụ như các bạn thường nói: “Trở thành bác sĩ là lý tưởng của chị. Em thích làm cô giáo trong tương lai. Em muốn trở thành hoạ sĩ. Anh muốn trở thành thủ tướng… Hiểu lý tưởng như thế cũng tạm được đấy, nhưng nó thiếu về phần nội dung và phẩm chất. Trở thành bác sĩ là tốt lắm rồi, nhưng chúng mình phải hỏi: “Bạn muốn làm bác sĩ để làm gì?” Nếu trở thành bác sĩ để giúp dân, giúp nước là lý tưởng cao thượng. Chúng mình xin ca ngợi bạn ấy bằng cả con tim. Nhưng, nếu bạn muốn làm bác sĩ với mục đích khác, thì nó không phải là ước mơ đẹp, là lý tưởng nữa. Các bạn có đồng ý với chúng mình về điểm này hay không? Bây giờ, ở các bệnh viện Việt Nam tìm ra một bác sĩ lý tưởng thật là khó khăn. Có tiền thì chữa bệnh, không tiền thì nằm đó cho đến chết. Các nghề khác như thầy giáo, cô giáo, y tá, công chức cũng được hiểu như thế. Vì vậy, đất nước và đồng bào rất cần sự hiện diện của những người có lý tưởng, tức là có lương tâm, có tình thương, có sự hy sinh, và có tình người.
Như vậy, người lý tưởng không hẳn phải làm bác sĩ, kỹ sư, chức to, quan lớn mà là tình người, lương tâm, sự hy sinh… Thế thì, bạn có thể trở thành người lý tưởng của đất nước chỉ trong giây lát, bởi tâm bạn đã có sẵn hạt giống lương tâm, biết thương người, yêu quê hương rồi.
Hiện giờ, bạn có thấy rác quá nhiều ở khắp trên mọi nẻo đường đất nước hay không? Chỗ nào cũng có rác, từ bụi tre, đường làng, con lạch, khe nước, bờ sông, bờ biển, bãi dương… đều có nhiều rác, bịch ni lông, giấy, đống rác. Các dòng sông và bờ biển, rác đang trôi lềnh bềnh, mất hết dáng thơ mộng và vẻ đẹp của nó. Nhưng điều quan trọng là các dòng sông thiếu đi sự sạch sẽ và đang bị ô nhiễm để trở thành những dòng sông chết. Mỗi khi có lũ lụt thì rác trôi nghênh ngang, thật là một hình ảnh không đẹp đẽ, dễ thương chút nào.
Yêu quê hương là một lý tưởng cao đẹp, và bạn có thể thực hiện được lý tưởng này ngay hôm nay. Chúng mình không muốn ca ngợi hoặc hô hào lý tưởng viễn vông, mà lý tưởng này là việc có thể xảy ra trước mắt các bạn. Chúng mình đang phát động phong trào tự giác để thắp lên ánh sáng ý thức “bảo vệ môi trường quê hương” bằng cách “không xả rác và lượm rác”. Tất cả các bạn trẻ đều có thể tham gia phong trào này. Bạn nào cũng có thể thực hiện được công việc lý tưởng này, chỉ cần có ý thức, có một trái tim, có một bao rác và mở mắt ra để nhìn về mọi nẻo đường quê hương.
Rác! Rác! Rác! Rác quá nhiều! Ai đã tạo ra nhiều rác như thế cho đất mẹ? Tại sao các bạn có thể làm ngơ mãi hoài như thế? Thay vì giết chết thời gian trong cô đơn, tuyệt vọng, ăn chơi, la cà phòng cà phê, trò chơi điện tử thì bạn có thể dùng bao rác để làm sạch quê hương. Bạn có thể trở thành người lãnh đạo cho phong trào này. Bạn chỉ cần có một bao rác, vừa lượm rác, vừa kêu gọi mọi người cùng nhau lượm rác. Bạn có tình thương, có sức lực, có khả năng nói lời dễ thương, vì vậy các bạn vừa làm gương, vừa thiết phục mọi người tham gia phong trào này. Chúng mình phải phát động phong trào này từ Bắc tới Nam. Hãy dùng mạng lưới, emails, blogs, bài viết, báo chí để gửi thông điệp đến cho mọi người, bà con, làng xóm. Bạn nào có quen biết với các ông to, bà lớn thì hãy nhờ họ giúp cho chương trình làm sạch quê hương bằng đài phát thanh, đài truyền hình… Chắc chắn các ông bà có chức sắc sẽ yểm trợ cho các bạn. Chúng mình cùng nhau giúp đất nước, chứ đừng lên án nhau nữa. Người nào cũng đều là con của mẹ Việt Nam. Chúng mình nên hành động để bảo vệ đất mẹ hơn là hô hào, lên án và tranh chấp. Đất nước còn nhiều vấn đề nhiêu khê nữa, nhưng trước hết là phải giải quyết cho sạch sẽ rác rến.
Lúc còn ở Việt Nam, tôi thường mang bên mình cái bao để lượm rác, nhưng cũng có nhiều lúc quên, thì tôi dùng chiếc nón lá để lượm rác khô, tức là giấy kẹo và bịch ni lông. Hồi đó, tôi đang ở chùa Từ Hiếu. Người ta xả bao nhiêu rác thì tôi lượm bấy nhiêu. Ngoài tôi ra còn có các sư chú và các sư cô khác lượm rác nữa. Chúng tôi đều làm một cách ầm thầm mà vui sướng. Bởi thế, bạn nào về chùa Từ Hiếu cũng thấy công viên chùa sạch sẽ và thơ mộng. Phải không ạ? Bạn nào chưa về chùa thì hãy về cho biết. Đẹp lắm. Chùa Từ Hiếu là một ngôi chùa còn giữ lại nhiều cây cảnh thiên nhiên, và nếu các bạn về thăm chùa thì xin đừng xả rác nhé. Các sư chú có đặt sẵn thùng rác khắp nơi trong khung viên chùa, mời các bạn bỏ rác thùng. Chúng mình cùng nhau tập một thói quen mới, vừa đẹp, vừa dễ thương để bảo vệ môi trường.
Sau giờ nghĩ trưa, tôi thích đi dạo trong sân chùa dọc theo con suối. Mỗi khi thấy rác ở trong con suối, tôi đều đi xuống để nhặt lấy nó. Con suối dễ thương, thơ mộng như vậy, thế mà bà con cứ vứt rác vào trong đó. Thật là tội nghiệp. Nhờ con suối này chảy thường xuyên, nên nó còn sống. Chứ nếu nó đứng yên thì con suối này đã chết vì ô nhiễm từ lâu rồi. Các bạn ơi! Các bạn hãy tới thăm các con suối, những dòng sông khác để chứng kiến tình trạng dơ bẩn của rác rến. Các bạn hãy cứu giúp suối khe, sông hồ của quê hương nhé. Đừng sợ dơ bàn tay, bởi vì bạn có thể rửa sạch bàn tay mà, nhưng xin bạn đừng để cho các dòng sông, các con suối chết nhé. Dòng sông, con suôi là mạch máu của quê hương và của con người. Đồng ruộng nhờ nước mới xanh tươi. Nếu dòng sông bị nhiễm độc thì nước đâu để tưới cho rau cải, ruộng vườn.
Hồi còn bé, mỗi ngày, tôi đều tắm ở dòng sông Phá Tam Giang. Nước sông thật là trong và sạch. Nó là cái hồ bơi thiên nhiên của bọn trẻ chúng mình, thế mà bây giờ nó bị ô nhiễm trầm trọng. Nước sông dơ quá, chỉ cần đặt chân xuống đã cảm thấy ngứa ngáy lắm rồi. Thật là tội nghiệp cho con sông, cho tuổi trẻ, cho mọi người. Tôi rất mong tất cả mọi người, nhất là các em thiếu nhi, ở các miền quê hãy thắp lên ý thức tự giác và bảo vệ, đừng trút rác vào các dòng sông và bờ biển nữa. Quí vị bà con, cô bác và các bạn muốn tiêu diệt sự sống của chính mình hay sao! Bên cạnh đó, các bác, các cô, các bạn hãy dùng cái thúng, cái rỗ để đi chợ. Ngày trước, bà con đâu có dùng nhiều bịch ni lông như thế. Tất cả thức ăn đều đặt gọn vào cái thúng, cái rỗ. Nó vừa vệ sinh, vừa sạch sẽ, mà không tạo thêm tờ rác nào. Hồi trước, quê mình đâu có rác ni lông nhiều như vậy, nhưng bây giờ người ta sản xuất ra bao và giấy kẹo ni lông nhiều quá. Các bạn hãy cho mọi người, các bà mẹ, các cô bác biết rằng rác ni lông rất khó tiêu hóa, và nó là chúa làm dơ bẩn và ô nhiễm môi trường.
Chúng mình ai cũng yêu quê hương, quan tâm (concern) cho đất nước, thì hãy mau mau cùng nhau thực hiện phong trào bảo vệ đất mẹ bằng cách không xả rác nữa và lượm rác thường xuyên. Đó là lý tưởng, là tình yêu đích thực, bởi vì yêu thương là bảo vệ.
Cảm tạ các bạn, hẹn lại lần sau để cùng nhau tâm sự.
Chân Pháp Đăng