Tôi giật mình thức giấc khi nghe tiếng chim hót líu lo líu rít bên ngoài: – Ôi! Tiếng chim hót ở đâu? Sao giống miền quê mình đến vậy… Vươn vai đứng lên, tôi nói trong tiếng ngáp dài rồi chợt im bặt khi kịp nhớ ra… Đây chẳng phải là những nơi mình từng đến đi trong suốt nhiều năm dài xa xứ.
Phải rồi. Tôi đang trở lại với ngôi chùa của mình. Ngôi chùa của ngày xưa. Trở lại khi tất cả cảnh vật và thời gian đã thay đổi quá nhiều. Ngôi chùa sau mấy lần tu sửa, bây giờ là một ngôi Bảo Điện với những đường nét hoa văn kiến trúc hiện đại. Tuy vị Sư huynh đáng kính cố gắng bảo tồn vài di tích cũ mà cũng không thể làm gì hơn được. Người nói với vẻ nuối tiếc trong ngày đầu tiên tôi trở về:
– Sư huynh muốn giữ lại mấy cây cột kèo nơi chánh điện, nhưng mối mọt đã đục khoét gần hết. Những cây cột thầy và các huynh đệ vào rừng đốn về. Kỷ niệm của một thời. Cũng là tâm huyết của thầy mình ngày ấy.
– Thôi Sư Huynh ạ! – Tôi buột miệng ngắt lời – Những cột gỗ non đó làm sao có thể chống chọi mãi với thời gian. Con người còn không thể giữ được nữa đây…
Sân chùa còn lại cội mai già được vun đắp thêm bởi nhiều lớp đất đen xốp để giữ gốc. Cây mai này sư phụ mang về trồng từ hồi con đường đến chùa còn là lối mòn quanh co đi qua các xóm nhà lá thưa thớt. Trải bao phong sương tuế nguyệt, gốc mai như được tiếp thêm hơi ấm và khí lạnh từ lòng đất nên càng to gốc lớn cành. Đây là di vật của thầy mà Sư huynh còn lưu lại. Sư huynh đã giữ được nhiều thứ. Bởi chỉ có Người là còn ở lại nơi này, là chứng nhân duy nhất cho bao lớp người đi qua và một thế hệ người đang tiếp bước.
Đi bách bộ ra sân, hít thở bầu không khí miền quê trong lành tĩnh lặng, tôi cảm nhận rõ sự sảng khoái sau một đêm dài ngon giấc. Sân trước vang lên tiếng chổi quét, tiếng cười nói của mấy chủ đạo nhỏ. Đâu đó còn đọng lại chút hình ảnh thân quen ngày nào. Không gian và lòng người mặc nhiên tươi tắn như nắng sớm buổi ban mai còn ướt đẫm sương trời. Rồi mai này khi nắng lên cao, cỏ cây sẽ nẩy chồi đâm ngọn. Mưa nguồn và nắng gió sẽ vun mầm cho những thân cây non vươn lên hấp thụ tinh khí đất trời mà xanh màu trổ quả. Nhưng đã có lúc, gió bão nơi vùng quê hương đã đẩy đưa mỗi người con Phật đi về một phương trời. Nơi bến bờ xa thẳm, bao người ra đi còn lưu giữ chút hồn quê bên mái hiên chùa?
… Một cảnh chùa nghèo yên tĩnh nơi vùng đất còn hoang hóa sơ khai. Ngày ngày mấy thầy trò vào rừng chặt tre nứa cắt cỏ tranh. Sau đó ì ạch đèo về bằng xe thồ để làm cột cho mái chùa tranh đơn sơ mà ấm cúng. Chùa mới thành lập nhưng chúng điệu cũng ngót nghét vài chục. Mấy Sư huynh lớn có thể phụ giúp Sư phụ làm vườn trồng lúa trồng khoai, lo tất mọi việc trùng tu xây dựng. Tôi và cả chục chú đạo đồng trang lứa, tuổi đời mới lên tám lên mười, ăn chưa no lo chưa tới, nên được thầy cho đi học văn hóa trường làng. Trường trên xóm chợ, hằng ngày lội bộ gần cả giờ mới tới. Có hôm trời mưa lớn, đường đi ngập lụt, Sư phụ bảo sư huynh chở cho đến lớp. Chùa chỉ có mỗi chiếc xe đạp sườn ngang, gắn yên xe thồ để tiện việc chuyên chở bắp đậu ra chợ đổi gạo. Sư huynh đặt tôi ngồi ở sườn trước, đằng sau đèo thêm hai chú nhỏ nữa. Xe chạy phăng phăng qua mấy vũng nước lầy lõm. Sình đất văng tứ tung lên người, hai chú ngồi sau lãnh đủ. Gặp mấy đoạn cua gấp, hoặc phải tránh các chướng ngại vật, Sư huynh bèn đưa thẳng chân phải lên ngay bánh trước để thắng lại. Loại xe này thường không gắn thắng và cũng chẳng có dè chắn nước. Thế là kẻ ngồi trước mặc sức hứng lấy những tia nước đục ngầu bắn lên tung tóe. Lúc này tôi chỉ còn biết nhắm nghiền hai mắt, lòng thầm mong cho xe chạy qua mau. Phải chi ngày ấy người ta tổ chức giải đua xe đạp đường lầy, chắc thế nào Sư huynh tôi cũng giật được thứ hạng cao nhất. Chỉ tội cho chúng nhỏ đi học mà mặt mày lúc nào cũng lem luốc, áo quần thì bê bết lấm bùn, nom chẳng ra dáng một học sinh tí nào.
– Ngày ấy chúng mình hành điệu thật kham khổ vất vả, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm vui, Sư huynh hỉ?
– Ừ! Thiếu thốn mọi thứ. Ăn thì chỉ nước tương với rau hái ngoài vườn, mà cơm cũng không được no lòng, nói chi đến quà vặt trái cây. Mặc thì chỉ được vài bộ vải thô xấu, lại chẳng mấy lúc được lành lặn sạch sẽ. Vậy mà cảnh thiền môn vẫn tràn ngập tiếng cười nói thân tình đạo vị. Mọi người vẫn hồn nhiên vui, hồn nhiên sống một đời an bần lạc đạo. Nếp sống thanh bạch chẳng khác gì cây cỏ chốn rừng xanh, chỉ nhờ hấp thụ tinh khí đất trời mà sanh sôi nảy nở.
– Sư huynh nói nghe văn vẻ và có ý vị ghê. Ngày xưa thầy mình nhìn người quả là không lầm. Biết ngày sau huynh sẽ kế thừa tông phong, làm rạng danh đạo pháp nơi quê nhà.
Sư huynh cười sau cái lắc đầu nhẹ nhàng tế nhị. Vẫn nụ cười hiền khô như ngày nào. Nụ cười hàm chứa bao sự thân thương dễ dãi. Người huynh trưởng từng là niềm kỳ vọng tin tưởng của sư phụ, luôn biết sống cần kiệm hài hòa lại hết lòng thương yêu huynh đệ. Mà những sư đệ của người thì phần nhiều tâm hồn còn trẻ con nên ưa thích mấy chuyện vui đùa nghịch ngợm, do đó mà không ít lần gây phiền lụy đến người anh cả. Những “sự cố” về thời hành điệu thì nhiều vô kể, nhưng tôi vẫn nhớ lần trốn thầy đi xem hát vào một đêm trăng rằm. Hôm ấy có gánh cải lương về đình. Chúng thích đi xem, vì sợ sư phụ nghiêm khắc nên không ai dám xin. Đến sau giờ tụng kinh tối, Sư huynh bảo:
– “Mấy chú cứ giăng mùng, bỏ đồ đạc tập vở vào đó rồi đắp chăn lên, giả như đang nằm ngủ. Huynh mở cửa cho đi rồi canh chờ lúc mấy chú về”
Quả là cao kiến. Hôm ấy đèn nhà Tổ vẫn để sáng. Như thường lệ, Sư phụ đinh ninh Sư huynh ngồi học bài với huynh đệ nên không xuống tuần tra. Mọi việc diễn ra trót lọt thuận lợi. Nào ngờ sáng hôm sau, thầy gọi tất cả lên tra hỏi ai bày ra cớ sự trốn đi xem phim hồi đêm. Sư huynh đứng ra chịu hết trách nhiệm… xin thầy tha cho mấy sư đệ.
Lại có lần tôi và điệu Tri chơi giỡn thế nào làm bể chậu hoa lan đẹp trước sân. Chúng tôi sợ xanh mặt chưa biết làm thế nào, thì thấy sư huynh đã mặc áo tràng bước vào hậu liêu xin nhận tội với sư phụ… do mình tưới cây sơ ý làm bể chậu hoa mà người rất yêu quý.
– Đệ nhớ nhiều chuyện thật. Huynh thì chỉ nghĩ làm sao huynh đệ mình có được một ngày hội tụ cùng nhau. Mọi người có những giây phút tâm tình cùng ôn cố tri tân. Nhắc lại chuyện xưa để nhớ tưởng đến ân đức các bậc Tôn Sư khai sáng và cũng là nhắc nhở sách tấn cho đàn hậu học.
Mấy ngày trở về, huynh đệ cứ luôn miệng nói đến cây mai già- kỷ vật của sư phụ mà cũng bởi năm mới đã cận kề. Cây mai có tuổi thọ hơn ba mươi năm rồi chứ ít gì. Mỗi năm gốc càng to, nhành tán càng vươn rộng, hoa nở càng nhiều. Tôi chưa từng thấy mà cũng không ngờ chùa quê mình còn có cây mai đẹp như vậy. Hồi đó, cứ mỗi lần lặt lá mai tôi thường hỏi thầy:- Sao mùa đông mà cây mai không tự rụng lá như mấy cây khác để mình phải mất công lặt… mất công chờ đúng ngày nó mới chịu ra hoa.
Sư phụ cười rồi nhỏ nhẹ phân tích:- Đó là đặc tính của giống mai. Một loài cây chỉ sinh sống nơi vùng nhiệt đới, không từng nếm trải cái rét buốt của mùa đông, nhưng quanh năm lá vẫn xanh, bất chấp thời tiết nắng mưa dời đổi. Hoa lại chỉ nở vào dịp đầu năm mới, khi lá đã được lặt sạch, vừa đủ cho con người thuởng thức vui xuân trong mấy ngày nhàn hạ. Sau đó những mầm lá non khác nhú lên, thân mai lại có một cuộc sống mới. Mỗi năm người ta có thể chiết cành lá đem đi khắp nơi. Nhưng cội mai già vẫn sống, vẫn vươn cành trổ nhánh, chờ đợi một lần trổ hoa khác, một mùa xuân khác trở về.
Khi xa hẳn mái chùa tôi mới có dịp nghiền ngẫm lại những lời thầy dạy về sự sống của cây mai. Ôi! Lòng thầy và mảnh đất một thời sỏi đá đã dưỡng nuôi biết bao mầm xanh thơ dại. Thời gian dài giúp cho cội rễ đâm sâu vào lòng đất, thì nhành lá cũng mặc sức vươn cao. Khi chu kỳ đến, cây mai lại lan tỏa chút hồn khí trinh nguyên cho trời đất kịp bước sang mùa đơm hoa thay lá.
– Huynh đệ mình ngồi đây thưởng thức chén trà sớm đi.
Chú tiểu bưng ra bộ tách trà và bình nước nóng đặt trên chiếc bàn đá, bên gốc mai già. Tôi ngồi đối diện, lặng lẽ nhìn sư huynh châm trà ra tách. Từng cụm khói bay lên, lan nhẹ vào không gian chút xuân tình ý vị…
– Hằng năm Tết đến, Sư huynh có thể cắt và tỉa ra mấy chục nhánh mai. Đem cắm trên chùa, nhà tổ, phòng khách và cho khắp cả xóm. Cội gốc già mà cành lá vẫn sum suê. Hồi mới làm chùa lại, gốc mai chưa lớn lắm cũng đã có người tới hỏi mua. Nhưng huynh nhất định không bán. Bên cội mai này, mỗi lần huynh đệ về thăm có chỗ ngồi lại uống trà đàm đạo. Nhành lá có thể cho, còn gốc thì không thể bứng. Đó là lời Sư phụ từng dạy. Gốc rễ còn thì còn tất cả. Người tu sĩ mình đi hành hóa muôn phương, nhưng không thể quên bỏ nguồn cội tâm linh… nơi mình đã từng gieo lên những hạt mầm niềm tin và trí huệ ban đầu.
Tôi nhấp từng ngụm trà thơm mà nghe hương vị thanh tao thấm vào gan ruột. Một cuộc hành trình mới đi hết hơn nửa đoạn đường. Một chén trà sớm còn chưa vơi cạn đáy; nhưng lúc này câu chuyện của đệ huynh thì cứ miên man theo dòng xúc cảm dâng tràn. Thời gian đi qua mang theo bao dấu mòn quá khứ. Những gì còn lại nơi đây chẳng gì hơn là tình sư môn nghĩa đạo mầu… trải qua năm tháng vẫn ấm áp như ánh xuân hồng bên cội mai vàng tươi sắc thắm./.
Lam Khê