Câu 25. Bằng sự cố gắng, hăng hái không buông lung, tự khắc chế lấy mình, mà kẻ trí tự tạo cho mình một hòn đảo chẳng có ngọn thủy triều nào nhận chìm được.

Lược giảng

Phật dạy: Kẻ buông lung là kẻ sống chạy ra ngoài, tức “bối giác hiệp trần”, làm nô lệ cho ngoại cảnh. Đã sống theo ngoại cảnh, tức mất mình. Muốn nhận rõ bộ “Mặt thật xưa nay” của mình, tất nhiên, là phải nhìn thẳng lại mình.

kinh phap cu pham khong buong lung 25
Ở đây, Phật dạy: “tự khắc chế lấy mình”, tức phải phản quan tự kỷ. Vua Trần Nhân Tôn khi còn theo học với Tuệ Trung Thượng Sĩ có hỏi một câu: Cái gốc của người tu thiền là gì? Tuệ Trung Thượng Sĩ trả lời: “ Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Nghĩa là: phải hằng xem xét lại ở nơi chính mình, đó là bổn phận chính yếu của người tu, không chạy theo cảnh ngoài. Có nhìn kỹ lại mình, mới thấy rõ những vọng niệm dấy khởi để mình gạn lọc, lau chùi. Đó là nói theo nghĩa thường, trong phạm vi đối trị để tu. Nếu luận nghĩa siêu việt hơn, theo Thiền Tông, thì vọng tưởng vốn không thật, nên khi mình nhìn thẳng lại nó, thì nó sẽ tan biến mất hình mất dạng. Như trường hợp Tổ Huệ Khả đã ứng dụng thật hành, khi được sự chỉ thẳng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, qua câu chuyện an tâm. Tổ Huệ Khả nói tâm con không an, cầu xin Tổ Bồ Đạt Ma chỉ cho cách an tâm. Tổ Bồ Đề Đạt Ma bảo: “Ngươi đem tâm ra ta an cho”. Khi đó, Tổ Huệ Khả nhìn lại, không thấy bóng dáng chú nào, mới thưa: “con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Nhân đó, Tổ Huệ Khả đã biết đường vào.

Lũ giặc phiền não luôn chực sẵn nhận chìm ta bất cứ lúc nào, nếu chúng ta thiếu cảnh giác, tỉnh thức. Vì thế, Phật bảo: “Là kẻ trí phải tự tạo cho mình một hòn đảo vững chắc”. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta mãi lặn hụp đắm chìm trong biển đời sanh tử khổ đau, mặc dù chúng ta ai cũng sẵn có “ Hòn đảo tánh giác”, nhưng vì bị mây mù vô minh che phủ, nên chúng ta quên mất. Nếu một phen chúng ta nghe lời Phật dạy, sớm biết hồi đầu tỉnh giác quay về hòn đảo an toàn đó, thì không có một ngọn thủy triều nào có khả năng nhận chìm chúng ta được.

Thích phước Thái