Câu 33: Tâm kẻ phàm phu thường xao động biến hóa rất khó chế phục gìn giữ, nhưng kẻ trí lại chế phục tâm mình làm cho chánh trực một cách dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên.
Lược giảng
Người tu hành, còn là phàm phu khi chưa lên Thánh vị A la hán, thì không một ai dám bảo đảm tin ở nơi tâm mình. Tại sao? Vì cái tâm đó là tâm vọng, thay đổi bất thường. Đã là vọng, tất nhiên nó không bao giờ yên. Suốt ngày nó phan duyên theo trần cảnh. Giống như con vượn chuyền cây và con ngựa chạy rong nơi đồng nội. Bởi thế, các nhà Duy Thức gọi nó là “tâm viên ý mã”, nghĩa là vượn lòng ngựa ý. Nhà thiền gọi nó là loại trâu hoang, thật không dễ gì chế phục. Muốn chế phục được nó, người tu trước tiên phải biết mặt mũi nó. Nếu không biết nó, thì làm sao chế phục? Trong nhà thiền gọi là chăn trâu. Muốn chăn thì phải biết trâu là gì và hình dáng nó ra sao? Trâu tức là vọng tưởng. Vì vọng tưởng, cho nên nó luôn xao động bất an. Đã thế, thì làm sao biết hình dáng của nó được. Nó luôn biến hóa không lường. Vì biến hóa không lường, nên rất khó chăn nó.
Bởi thế, nên Pháp cú 33, Phật nói: “tâm kẻ phàm phu thường xao động biến hóa rất khó chế phục gìn giữ”. Đó là nói kẻ phàm phu tâm còn thô động rất khó gìn giữ. Ngược lại, Phật nói: “những kẻ trí chế phục tâm mình làm cho chánh trực một cách dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên”. Người trí là người giác ngộ sáng suốt. Đã giác ngộ sáng suốt (chưa hoàn toàn), thì tâm vọng tưởng thô phù không còn. Cho nên đối với những vị nầy, họ điều phục tâm ý của họ một cách dễ dàng. Nói cách khác, họ đã làm chủ được họ. Vọng tưởng không còn thì làm sao khuấy động họ được. Ví như mặt trời xuất hiện, thì mây mù phải tan biến. Mặt trời chánh niệm của họ luôn thắp sáng. Do đó mà tâm của họ được chánh trực. Đến đây, họ mới có thể tin tưởng ở nơi tâm mình.
Thích phước Thái