Câu 48: Cứ sinh tâm ái trước và tham luyến mãi không chán những bông hoa mà mình vừa góp nhặt được, đó chính là cơ hội tốt cho tử thần lôi đi.

Lược giảng

Nói lên cái tệ hại của người tu hành lòng còn ái trước và tham luyến danh lợi thế gian. Bông hoa mà mình góp nhặt được là để dụ cho những thứ tài sản của cải mà mình cóp nhóp tạo ra.

kinh phap cu pham hoa 48
Trong 12 nhân duyên, “ái” là nguyên nhân hiện đời để gây ra sanh tử khổ đau tiếp nối đời sau. Vì “ái trước”, nên mới có “chấp thủ”. Do có chấp thủ, nên tạo nghiệp, để rồi thọ sanh trong các cõi (hữu). “Ái, thủ, hữu”, ba thứ nầy có sự liên hệ với nhau rất chặt chẽ, khác nào như chùm trái ác xoa. Sở dĩ con người có lòng ái trước sâu nặng, là vì con người chấp ngã quá lớn. Chấp ngã có 2 thứ: “Ngã và ngã sở”. Ngã là chấp cho cái “ta” là chơn thật. “Ngã sở” là chấp những thứ tài sản của cải do mình tạo ra cũng là chơn thật. Nhưng Phật nói, tất cả đều là huyễn mộng giả dối. Vì cho là thật, nên những gì con người tạo ra đều muốn bảo vệ nó cho đến cùng. Có đôi khi, vì quá nô lệ bảo vệ tài sản mà con người phải tán thân mất mạng. Do đó, mới thấy lòng tham luyến chấp trước của con người thật quá sâu nặng. Sâu nặng còn hơn núi Tu di. Nhưng con người quên rằng, càng chấp nặng nhiều chừng nào thì khổ đau nhiều chừng nấy. Bản thân mình còn không gìn giữ được, nói chi đến những thứ tài sản ngoài mình. Thí như, gốc cây không có thì làm gì có ngọn cây. Ấy thế mà, còn một tấc hơi tàn, con người vẫn còn bám víu bảo thủ, không bao giờ biết thức tỉnh buông ra. Kinh nói: Tài sản của cải thuộc về năm nhà: “hỏa gia, thủy gia, tặc gia, tử gia và sung công gia”.

Trong 5 nhà nầy, nhà nào cũng có quyền cướp đoạt hết tài sản của ta. Chẳng những chúng cướp đoạt tài sản của ta thôi, mà chúng còn cướp đoạt luôn mạng sống của ta nữa. Chúng không dung tha bất cứ ai cả. Điều ta nên nhớ, dù mình có tạo tiền của cho nhiều, cuối cùng rồi, thần chết cũng không dung tha. Một khi “nhà nước tử thần” ban hành lệnh gọi nhập ngũ, thì dù cho ở bất cứ lứa tuổi nào cũng đều phải phục tùng chấp hành nghiêm chỉnh. Một khi đã “nhập ngũ” rồi, thì một đi không hẹn ngày trở lại. Dù cho có địa vị chức tước quyền uy tột đỉnh hay giàu sang tột bực đến đâu, cũng không ai có thể tránh né hay hối lộ cho nhà nước tử thần được. Hàng hàng lớp lớp đều phải xuôi tay cúi đầu tuân lệnh. Biết thế, mọi người nên thức tỉnh tu hành, bớt lòng ái trước tham luyến thế gian, để chuẩn bị cho ngày mình nhập ngũ được an toàn nhẹ gánh. Vì vậy, pháp cú trên, Phật thức nhắc chúng ta mỗi người nên nhớ đến ngày “tử thần lôi đi” mà ráng lo cố gắng tu hành. Cõi đời nầy, rốt lại cũng chỉ là ảo ảnh phù du mà thôi! Nên nhớ: “Cát bụi cũng trở về cát bụi. Xin người nhớ cho và xin người nhớ cho!”.

Thích Phước Thái