Câu 58-59: Như từ trong đống bùn nhơ vất bỏ, mới sinh ra hoa sen tinh khiết ngào ngạt làm đẹp ý mọi người, cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu manh muội mới sản xuất những vị đệ tử bậc chánh giác, đem trí tuệ soi sáng thế gian.

Lược giảng

Hai pháp cú nầy, Phật cho chúng ta một hình ảnh quá đẹp. Một hình ảnh quá quen thuộc với chúng ta. Đó là hình ảnh hoa sen. Một hình ảnh mà rãi rác trong các Kinh điển Nguyên thủy cũng như Phát triển Phật giáo đều có đề cập đến rất nhiều.

kinh phap cu 58

Hoa sen là biểu trưng cho tâm thuần tịnh trong sạch; cũng là biểu trưng cho tinh thần nhập thế và xuất thế của đạo Phật. Ai cũng biết chúng mọc lên từ nơi bùn lầy nước đọng. Dù mọc lên từ bùn nhơ, nhưng không vì thế mà chúng mang chất hôi tanh mùi bùn. Phật đem hình ảnh nầy để dụ cho những người tu hành đạt được quả vị giải thoát. Trước khi đạt được Giác ngộ, tất cả đều là phàm phu, là một con người rất bình thường cũng có đầy đủ những dục ái vô minh. Điển hình như đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước kia, Ngài cũng là một con người như bao nhiêu con người tầm thường khác. Ngài cũng có cha mẹ vợ con. Hơn thế nữa, là một hoàng tử sống trong ngai vàng điện ngọc, gác tía lầu son, bên cạnh Ngài có kẻ hầu người hạ. Ngài có một nếp sống của một con người vương giả. Ngài chỉ khác hơn người thường là ở chỗ đó. Nói rõ ra là chỉ khác trên phần địa vị quyền uy, vật chất sang trọng mà thôi. Nhưng, những chất liệu tạo thành con người, thì Ngài vẫn có đủ không khác gì chúng ta. Cũng là một con người bằng xương bằng thịt và bằng tất cả chất người. Có khác chăng, là Ngài nhờ công đức tu hành trong nhiều đời mà Ngài có được cái báo thân phước tướng hơn chúng ta. Mọi sự hưởng thụ khoái lạc vật chất ở đời, Ngài cũng đã nếm qua. Dù sống trong cảnh đầy nhung lụa vàng son đó, nhưng Ngài không cam tâm thụ hưởng. Ngài quyết tâm tìm một lẽ sống cao thượng hơn. Đó là sự khác biệt giữa Ngài với chúng ta. Nghĩa là Ngài là một con người sớm tỉnh ngộ, nhận ra sự đau khổ của cuộc đời. Sau khi giác ngộ, Ngài nhứt quyết xuất gia tu hành để tìm cho ra một con đường giải quyết sanh tử khổ đau cho mình và cho tất cả chúng sinh. Cuối cùng, Ngài đã thành tựu được bản nguyện lớn đó. Như vậy, Ngài cũng đích thực là một con người và sống trên cõi đời nầy mà tu hành thành Phật. Chớ Ngài không phải từ hành tinh nào khác rớt xuống. Đến các vị đệ tử xuất gia của Ngài cũng thế. Nhờ theo Phật tu học mà đạt thành quả vị. Tất cả đều ở trên trái đất nầy mà tu thành. Khác nào như hoa sen kia, từ dưới sình lầy ngoi lên để khoe hương khoe sắc. Nhận hiểu như thế, ta không có gì phải tự ty mặc cảm. Nếu ta nỗ lực tinh tấn tu hành, thì quyết chắc một ngày nào đó, ta cũng thành tựu đạo quả như Ngài. Bởi vậy, nên Ngài thường tuyên bố: “Ta là Phật đã thành các người là Phật sẽ thành”. Lời tuyên bố nầy, phải chăng, Ngài đã xác quyết một cách khẳng định rằng: “Mỗi người đều có khả năng thành Phật như Ngài”. Chẳng qua chúng ta chưa khai phát đúng mức cái khả năng thành Phật hiện đang tiềm tàng trong ta đó thôi. Nếu như mọi người đều hạ quyết tâm đi đúng theo lộ trình mà Ngài đã vạch sẵn, thì chắc chắn sớm muộn gì mọi người cũng đạt thành sở nguyện. Vì Phật tánh đã có sẵn trong ta, chẳng cần tìm cầu đâu khác. Đạo Phật bình đẳng và rất tự do là ở chỗ đó. Đạo Phật là đạo sống thực. Đạo Phật không chủ trương huyền hoặc mơ hồ như một vài triết thuyết khác. Những gì Phật nói ra, là do Ngài đã thực nghiệm thân chứng. Bởi thế, đạo Phật không phải là một học thuyết. Càng không phải là một giáo điều. Đạo Phật chủ trương nhắm đến xây dựng nếp sống hạnh phúc cho nhơn sinh ngay trong đời sống hiện thực. Lập trường của đạo Phật trước sau như một: “Nói và làm phải đi đôi”. Nói cách khác người tu theo Phật phải “tri hành hợp nhứt”. Nói một đường làm một ngã, đó không phải là người tu Phật. Vì đạo Phật không nói những chuyện viễn vông mơ hồ. Thực tế như hoa sen mọc lên từ bùn. Chỉ cần cố gắng vươn lên để tiếp nhận ánh sáng: “Ánh sáng giác ngộ”. Những ai đến với đạo Phật, mà mang tâm trạng của kẻ cầu khẩn van xin để được Ngài ban ân giáng phước, thì thật là uổng phí thất vọng. Phật không bao giờ làm những chuyện ảo huyền đó. Phật chỉ làm nhiệm vụ của một vị Thầy chỉ đường, hay một vị Thầy thuốc, cho thuốc và trị bệnh mà thôi. Trước sau Ngài vẫn là con người ở vị trí giác ngộ. Xin tất cả đừng xê dịch Ngài qua vị trí khác. Nhìn Ngài bằng cặp mắt ỷ lại, van xin, thì chỉ là một cái nhìn hoài công nhọc sức vô ích mà thôi. Bởi vì giáo lý của Ngài thường dạy, chúng sanh từ trong vô minh mà phát sanh trí huệ. Rời vô minh không có trí huệ. Nhưng vô minh không phải là trí huệ. Cũng như rời nước đục không có nước trong. Nhưng nước đục không phải là nước trong. Đó là lý Bất nhị trong Kinh Duy Ma Cật đã nói. Thế nên, người tu phải từ nơi cõi đời ô trược nầy mà thành. Cực lạc không thể rời đây mà có. Cực lạc hay Ta bà, tất cả đều từ tâm ta mà ra. Đi tìm cõi Cực lạc ngoài Ta bà nầy, thì đó chỉ là ảo tưởng, xa thực tế, vì tất cả chỉ là: “Nhứt chơn pháp giới”.

Cũng thế, đi tìm Phật ngoài tâm, thì không bao giờ có. Mã Tổ nói: “Tức tâm, tức Phật”. Phật và Tâm không hai, nhưng bảo một thì không đúng. Nói tức tâm, tức Phật chính là chỉ cho chơn tâm, chớ không phải vọng tâm. Cẩn thận chớ có lầm nhận. Bốn câu kệ chót trong bài Phú của Sơ Tổ Trúc Lâm có nói:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Tạm dịch:

Ở trần vui đạo sống tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền.

Người tu muốn thoát ra khỏi cỏi đời nầy, tách xa với cuộc sống của thế nhân, thì thật là chuyện không tưởng. Làm sao ta có thể tách biệt hoàn toàn cho được? Ngoại trừ ta không có mặt ở cuộc đời nầy. Hễ ta còn biết ăn, biết mặc, biết hít thở để sống, thì ta vẫn còn phải liên hệ chặt chẽ tiếp cận với bao nhiêu sự sống khác. Song có điều, khi tiếp cận với những cái khác, ta có còn giữ được thật chất con “Người Thật” của ta hay không? Đó mới là điều quan trọng. Cho nên, đến một giai đoạn nào đó, khi tâm ta “bừng sáng”, ta thấy ta không còn là cái ta riêng biệt, mà sự sống của ta là có mặt tất cả, chừng đó, Ngã, Pháp không còn, thì mới thật sự là con người: đói đến thì ăn, mệt ngủ liền. Đến đây, mới thật sự đúng với ý nghĩa: “Tùy duyên nhi bất biến”. Hay “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”. Đến đây, không phải là chuyện dễ dàng, phải là bậc thượng căn thượng trí mới có thể đạt được. Còn như hàng hạ căn hạ trí như chúng ta, chỉ có cách niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương của đức Phật A Di Đà, thì mới bảo đảm thoát khỏi luân hồi đau khổ.

Thích Phước Thái