Câu 80. Người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm cung tên lo uốn cung tên, thợ mộc lo nảy mực đo cây, còn người trí thì lo tự điều phục lấy mình.
Lược giảng
Pháp cú nầy, Phật nêu ra ba thí dụ qua ba hình ảnh của mỗi công việc chuyên môn và cần thiết, việc ai nấy lo. Qua ba thí dụ nầy, nếu suy rộng ra, ta thấy rất hay trong việc áp dụng tu hành. Mặc dù đây không phải là thâm ý của Phật muốn nói đến.
Người tưới nước thì lo dẫn nước. Hình ảnh nầy cho ta thấy, một thí dụ cụ thể trong việc khéo ứng dụng học hỏi tu hành. Ngoài việc nói lên tính chất chuyên môn ra, nó còn gợi lên đất bị khô cằn cần phải dẫn nước vào. Người làm ruộng, cần phải dẫn thủy nhập điền. Muốn lúa tốt không thể thiếu nước. Đất quá khô khan, thì lúa làm sao phát triển tốt tươi được. Tất nhiên, nó phải héo và chết dần. Nhứt là bị hạn hán lâu. Cũng thế, đất tâm của chúng ta cũng đang bị khô cằn, vì thiếu nước Chánh pháp tưới vào. Vì thiếu nước Phật pháp tưới vào, nên những “cây lúa trí tuệ” càng ngày càng bị khô héo và chết rụi dần. Muốn cho chúng được tươi tốt, kẻ biết lo chăm sóc, thì không thể không lo dẫn nước Phật pháp vào. Phải dẫn nước và tưới vào một cách thường xuyên. Có thế, thì mới mong đạt được thành quả tốt đẹp.
Đến điều dụ thứ hai, Phật nêu ra người thợ lo uốn nắn cung tên. Đây là một thí dụ, một hình ảnh rất lý thú. Công dụng của cung tên là để bắn. Người muốn bắn giỏi cần phải học cách bắn. Đồng thời phải thường xuyên luyện tập. Có thế, thì mới mong bắn bách phát bách trúng. Khi bắn, tất nhiên phải nhắm thẳng mục tiêu mà bắn. Người bắn giỏi không thể để lệch mục tiêu. Cũng vậy, cung tên Thiền định và Trí tuệ là hai thứ rất cần thiết đối với người tu hành. Vì người tu hành mà thiếu hai thứ nầy, thì thử hỏi: “làm sao có thể bắn được lũ ma quân phiền não?”. Vì lũ giặc nầy, không giây phút nào mà chúng không tấn công ta.
Thế nên, người chiến sĩ giải thoát, muốn đạt được mục đích của mình nhắm tới, thì không thể nào dám bỏ rơi cung tên. Có thể nói, cung tên như bùa hộ mạng của ta. Không có chúng là chúng ta sẽ mất mạng ngay. Và chỉ có hai loại cung tên nầy, mới có thể tiêu diệt được bọn giặc ma quân phiền não. Trong sách Thiền có nêu ra câu chuyện về việc bắn tên nầy.
Thiền Sư Huệ Tạng cũng gọi là Thạch Cũng, lúc còn tại gia, Sư chuyên nghề săn bắn, không thích gặp các nhà tu. Một hôm, nhơn đuổi bầy nai chạy qua trước am Mã Tổ, gặp Mã Tổ đứng trước.
Sư hỏi:
– Hòa Thượng thấy bầy nai chạy qua đây chăng?
Mã Tổ hỏi lại:
– Chú là người gì?
– Thợ săn.
– Chú bắn giỏi không?
– Bắn giỏi.
– Một mũi tên chú bắn được mấy con?
– Một mũi bắn được một con.
– Chú bắn không giỏi.
– Hòa Thượng bắn giỏi không?
– Bắn giỏi.
– Một mũi tên Hòa Thượng bắn được mấy con?
– Một mũi tên bắn được một bầy.
– Sanh mạng chúng nó, đâu nên bắn một bầy.
– Chú đã biết như thế, sao không tự bắn?
– Nếu dạy tôi bắn tức không có chỗ hạ thủ.
– Chú nầy phiền não vô minh nhiều kiếp, ngày nay chóng dứt.
Ngay khi đó, Sư ném cung bẻ tên, tự lấy dao cạo tóc, theo Mã Tổ xuất gia.
Một hôm, Sư làm việc ở nhà trù, Mã Tổ xuống hỏi:
– Làm việc gì?
Sư thưa:
– Chăn trâu.
– Làm sao chăn?
– Một khi vào cỏ, bèn nắm mũi kéo lại.
– Con thật là chăn trâu. (Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, trang 209, do Thiền Sư Thích Thanh Từ soạn dịch).
Đến thí dụ thứ ba, Phật nêu ra một hình ảnh thí dụ: “người thợ mộc lo nảy mực đo cây”. Người thợ mộc mà thiếu mực giây, thì còn gì là thợ mộc. Dù cho người thợ mộc có tài ba đến đâu, cũng không thể nào thiếu hai thứ dụng cụ nầy. Vì nó có công dụng làm cho ngay thẳng. Muốn cưa cắt cây mà không nảy mực, tất nhiên, là cưa phải xéo và đôi khi còn bị hư cây. Còn nếu không có thước tấc, thì làm sao đo cây. Cả hai thứ rất quan trọng đối với người thợ mộc. Cũng thế, người tu hành nếu thiếu thước, mực “giới luật” thì còn gì là người tu. Tu hành không có dùng mực thước giới luật để gìn giữ đo đạc cho ngay thẳng, không cong quẹo, thì tất nhiên, người đó sẽ rơi vào hố trụy lạc khổ đau.
Muốn biết người tu có đức hạnh hay không, là phải cần lấy mực thước giới luật để đo. Thiếu hai thứ nầy, thì không thể nào đo đạc chính xác được. Cũng thế, người tu thiếu gìn giữ giới luật, thì không thể nào tiến đến đạo quả cao thượng được. Vì giới luật là nền tảng của đạo giải thoát vậy.
Sau khi nêu ba thí dụ trên, cuối cùng, đức Phật so sánh và kết luận: “còn người trí thì lo tự điều phục lấy mình”. Câu kết luận nầy của Phật làm cho chúng ta nhớ lại pháp cú thứ 9 trong Phẩm Song Yếu. Phật dạy: “mặc áo ca sa mà không rời bỏ những điều uế trược, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn”. “Điều phục lấy mình” đâu có khác gì là “thành thật khắc kỷ”. Người tu hành muốn được giải thoát mà tối ngày cứ để cho tâm buông lung phóng túng chạy rong theo trần cảnh, thì làm sao giải thoát cho được. Muốn giải thoát, chúng ta cần phải chế phục tâm mình. Chúng ta không cho nó tự do buông lung vào ngũ dục, lục trần. Phải thường xuyên cảnh giác khắc chế sáu căn. Trong sáu căn, đầu đảng là Ý căn. Tên đầu đảng nầy sắp đặt chủ mưu mọi việc. Thiện hay ác đều do nó chủ động tạo thành. Cho nên, Phật dạy nhiệm vụ chính của người tu không luận xuất gia hay tại gia, đều phải nhiếp hộ sáu căn. Vì luân hồi hay giải thoát, đều do sáu căn nầy mà ra. Điều nầy, trong Kinh Lăng Nghiêm Phật đã chỉ bày rất rõ cho Ngài A nan. Phật nêu ra và so sánh với ba việc làm của ba hạng người chuyên môn trên, để Phật nói rõ về nhiệm vụ của người tu. Người đời thường nói: “nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”. Chỉ cần một nghề, chuyên tinh làm tới nơi tới chốn, thì kết quả rất thành công tốt đẹp. Ngược lại, người nhiều nghề, không nghề nào tới đâu, cái gì cũng biết mưa mứa, không ra chi, thì thử hỏi người đó sẽ ra sao? Chắc chắn là họ sẽ thất bại trong nghề nghiệp của họ. Cũng thế, người tu hành, muốn có kết quả thành công như ý muốn, thì không thể tạp tu được. Mỗi người phải chọn cho mình một pháp môn hành trì. Tất nhiên, phải phù hợp với căn cơ của mình. Sau khi chọn xong (trạch pháp) mình phải chuyên cần tinh tấn tu tập.
Thí như, chúng ta đã chọn pháp môn niệm Phật, thì ngày đêm đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta phải hết lòng chuyên tâm niệm Phật. Nhờ sự chuyên tâm đó, mà kết quả chúng ta sẽ chóng được thành công. Nghĩa là chúng ta sẽ đạt được “nhứt tâm bất loạn”. Có người, vì thiếu quyết tâm chọn cho mình một pháp môn tu hành vững chắc, rồi cứ nay chạy chỗ nầy, mai chạy chỗ kia. Nghe đâu lạ lạ là chạy theo. Chạy theo mà không cần dùng trí huệ biện biệt. Người như thế thuộc dạng người “ba phải”. Nghĩa là cái gì đối với họ cũng phải hết. Cuối cùng, họ chẳng được lợi lạc gì! Hạng người như thế, tu cả đời, rốt lại chỉ là con số không to tướng.
Có người còn tệ hơn, cái gì họ cũng tin và tu theo, họ không cần biết tà chánh gì cả. Hỏi họ lý do tại sao? Họ bảo: họ là người tu theo kiểu mới: “Hòa đồng Tôn giáo”. Giáo nào họ cũng tu theo được. Dù đó là tà giáo. Miễn sao có chữ Giáo là được. Quả thật, họ là hạng người rất đáng thương!
Tóm lại, qua pháp cú Phật dạy trên, chúng ta cần phải lưu tâm suy tư chính chắn. Vì nó rất quan trọng cho việc tu hành của chúng ta. Nếu muốn thành công trên đường tu, chúng ta cần phải nhìn lại mình thật kỹ. Phải thường xuyên quán chiếu vào pháp môn mình đang tu. Có nhìn lại và hành trì miên mật pháp môn mình đang chọn tu như thế, thì chắc chắn con đường thành công đối với chúng ta sẽ không còn xa vời nữa.
Thích Phước Thái