Xưa, có một người có việc phải đi thuyền sang sông. Giữa đường anh làm rơi thanh kiếm quý xuống nước, vội vã anh đánh dấu nơi bẹ thuyền.

Người đồng hành ngạc nhiên hỏi: 
-Anh đánh dấu nơi bẹ thuyền chi vậy? 
Anh chàng đáp: 
-Tôi đánh rơi thanh kiếm quý ngay chỗ này nhưng chưa rảnh rỗi để tìm được. Vì vậy tôi phải làm dấu nơi bẹ thuyền, để lúc trở về sẽ tìm lại nó dễ dàng hơn. 

Mọi người nghe nói đều mỉm cười. 

Em thân mến! Chúng ta đã hiện diện trên cõi đời này như anh chàng dong thuyền sang sông nọ. Mỗi lần lầm lỗi nhất là những lỗi lớn, em thường xuýt xoa đau xót, xoay qua tự hành hạ lấy mình: cắt máu viết lời thề hoặc lấy hương đốt thân chẳng hạn. Dòng đời luôn luôn trôi chảy, những gì đã qua rồi không bao giờ trở lại…Và trên cái dòng sông miên man bất tận đó, ta phải luôn luôn giáp mặt với những hoàn cảnh mới mẻ hơn, sống động hơn…có thể nào đem những tâm thức cũ để áp dụng cho một hoàn cảnh mới hay không? 

Người bạn ngày hôm qua mà ta gặp gỡ chuyện trò thân mật lưu luyến đó…ngày hôm nay gặp lại đã mang một tâm thức mới mất rồi. Vậy mà ta vẫn mang hình bóng cũ phủ lấp con người hiện thực và bao nhiêu tắng ái khổ sầu đều bắt nguồn từ nơi mê lầm này chăng? Em đã mỉm cười khi nghe chuyện anh chàng khắc châu cầu kiếm…còn đối với chuyện khắc thân thể mình để…cầu giải thoát khỏi một lỗi lầm của quá khứ thì em tính sao đây? 

“Việc qua rồi chẳng nhớ
Việc chưa đến đừng lo
Việc hiện tại chớ đem lòng vọng tưởng.” 

Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy