Cứ vào chủ nhật, chùa Long Động (hay còn gọi là chùa Lân, tọa lạc giữa dãy núi trùng điệp ở xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) lại nhộn nhịp khác thường.
Từ Quốc lộ 18, rẽ vào Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP. Uông Bí) đi khoảng 9 km nữa là tới Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Từ năm 2002, sau khi được Hòa thượng, thiền sư Thích Thanh Từ khởi xướng lễ đặt đá, xây dựng và qua nhiều năm tôn tạo, chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử trở thành nơi thu hút rất đông khách thập phương, đặc biệt là Phật tử đến đây tu học theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Du khách và Phật tử đến đây không hề thấy cảnh hỗn tạp, ồn ào, mà ấn tượng bởi vẻ u nhã, tĩnh lặng của ngôi chùa, thiền viện.
Vẻ đẹp của Trúc Lâm Yên Tử là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp kiến trúc với khung cảnh thiên nhiên rúi rừng hùng vĩ bao quanh.
Buổi sáng, những con đường mát bóng cây, rợp hoa khoe sắc giữa các thiền đường và bảo tháp đều tĩnh lặng, vắng bóng người.
Thảng hoặc, chỉ thấy vài bóng thiền sư bên hồ Tĩnh Tâm…
….Hay trong thư viện đọc sách.
Khi tiếng chuông được gióng lên lúc 14h, báo hiệu giờ nghe giảng pháp của Phật tử đã đến.
Từ các phòng khách, Phật tử theo ngả đường riêng quy tụ về Chánh Pháp Đường.
Sau giờ giảng pháp là thời khóa tập thiền của các thiền sinh, diễn ra trong vòng 30 phút.
Đa số thiền sinh là những người trung tuổi, nhưng cũng không hiếm những khuôn mặt trẻ xuất hiện trong các buổi tọa thiền.
Mỗi buổi tập thiền đều có thiền sư hướng dẫn, giám sát. Vị thiền sư cầm chiếc Thiền Bảng trên tay, nếu ai bị ngủ gục hay sai tư thế thì gõ nhẹ Thiền Bảng lên người đó.
Buổi tu tập của các Phật tử Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử kết thúc lúc 6h30’ tối, mọi người lại tự nhiên bước đi chậm rãi ra về.
Từ thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông, sau đến Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang đến đây giảng kinh thuyết pháp, qua những biến cố lịch sử, chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử lại trở thành nơi bảo tồn, phát huy tinh thần Thiền phái Trúc Lâm cho đến ngày nay.
(Nguyễn Quý)