CHIẾC ÁO TRÀNG
Đờng phố vắng hoe. Quán xá đều đã đóng cửa. Chỉ những khu vực chợ búa mới thấy có người tập trung qua lại với biểu hiện vội vội vàng vàng, Đã bước sang ngày thứ mười một của đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Khu xóm gần ngôi chùa nhỏ cũng yên tĩnh như các xóm khác. Tam quan của chùa đã được Sư trú trì cho mở toang hết cả ba cổng từ mấy ngày qua để tiến hành phát chẩn từ thiện, chia sẻ bớt khó khăn cho người nghèo khó. Một chiếc bàn lớn trải khăn vàng sáng, màu vàng của pháp y, được đặt ngay giữa sân, lùi vào bên trong cổng giữa của tam quan chừng hai mét, trên đó đã sắp đầy những phần quà gói ghém tươm tất, gọn gàng. Bên cạnh bàn lớn là một chiếc bàn khác chất đầy những túi gạo trắng, cũng đã được những người thiện nguyện mang khẩu trang y tế túc trực cân đong, sắp xếp ngăn nắp để phát trao cho bất cứ ai ghé đến nhận về, không phân biệt tín ngưỡng đạo giáo…
Khoảng gần trưa, mặt trời đã lên cao, như mấy ngày trước, Sư trú trì rời tịnh thất ra đến cổng tam quan để kiểm tra, thăm hỏi việc phát chẩn. Có một vài người tàn tật, nghèo rách mới vừa ghé dến khúm núm nhận những “lộc chùa” với vẻ mặt rạng rỡ, tươi vui. Những nét tươi vui đó đã làm cho Sư vô cùng hoan hỷ, chừng như Sư vừa được uống xong những bát thuốc bổ dưỡng cho thân tâm. Và rồi, khi Sư còn đang đứng đó, cạnh chiếc bàn lớn đã vơi đi hơn nửa phàn quà chia sẻ, thì một người phụ nữ chạy xe ghé đến, dừng xe tắt máy, dắt bộ vào bên trong sân chùa qua cổng nhỏ bên trái. Người phụ nữ cởi bỏ khẩu trang và mũ bảo hiểm ra, hướng về phía Sư mà chắp tay sen búp, cúi gập mình kính cẩn bái chào. Sư nhận ra người quen, liền cười, giọng cất lên thân thiện:
– Này tín nữ, sao mấy ngày giãn cách xã hội, nhà chùa có tổ chức phát gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người nghèo, nhà khó khăn, mà không thấy chị đến nhận?
– Bạch thầy, bao năm qua đến chùa cầu pháp, được thầy giảng dạy về “thiểu dục tri túc”, thấm hiểu và thực tập đã nhiều, nên con luôn biết đủ, không tham cầu gì thêm ạ!
– Lành thay, lành thay!
– Con cũng có chút đắn đo suy nghĩ trước câu khẩu hiệu “Nếu bạn khó khăn hãy nhận lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” ạ.
– Đắn đo? À, tôi hiểu, gia cảnh nhà chị thì tôi có biết. Chị “ít muốn, biết đủ” quanh năm suốt tháng, trải qua nhiều năm ròng là thật giỏi thật tốt rồi, rất đáng tán dương. Nhưng trong biến động lần này thật khác thường, đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, tôi xin hỏi… có thật là nhà chị “ổn” không
– Bạch thầy… có chút bất ổn ạ.
– Một chút bất ổn làm cho chị phải một chút đắn đo?
– Dạ, đúng vậy. Lâu nay, con buôn thúng bán mẹt kiếm đồng ra đồng vô đắp đổi qua ngày, được bao nhiêu xào bấy nhiêu, không tích cóp để dành được khoản nào để phòng xa. Con trai của con làm nhân viên nhà hàng, nay thất nghiệp về nằm nhà. Con gái của con ở bên nhà chồng, đang nuôi con nhỏ. Vì vậy, thời gian giãn cách xã hội đã gây nên bức tường rào chướng ngại…
– Hiểu rồi, chị không cần phải kể thêm. Lâm hoàn cảnh như vậy, đâu có ổn, sao chị không đến đây nhận lấy một phần của thập phương bá tánh chia sẻ?
– Dạ, con đắn đo chỗ đó. Cứ ngồi gẫm xét mình có thật sự ổn không? Nếu không nhận thì nhà mình có chết đói không? Không đói thì cũng thiếu thốn, thiếu thì khổ. Con cứ dằn vặt miết… Nếu đến nhận thì lại thấy bất ổn.
– Sao bất ổn?
– Vì xưa nay con luôn ăn mặc tươm tất, chỉnh tề khi ra ngoài, khi đến chùa, và đi bằng chiếc xe tay gas của bên ông cha chồng cho sau khi chồng con qua đời…
– À, chị e ngại sẽ bị thiên hạ dị nghị, chê bai là khá giả mà đi cướp phần của người nghèo khó khăn?
– Bạch thầy, đúng là vậy, thầy thấu rõ tâm ý của con rồi!
Sư nở nụ cười hiền từ:
– Do chị bị vướng nhiều phan duyên nên mới… khổ vậy. Ta sống tùy duyên chứ đừng nên phan duyên. Bây giờ tôi biểu chị đừng nhận gì hết, đi tay không về; hoặc bày chị bước ra ngoài kia hiên ngang nhận lấy liền một phần rồi đi về lẹ lẹ thì dễ quá. Nhưng chị sẽ không được thoải mái, nhận mà sẽ như nhận món nợ cũng chẳng lợi lạc gì.
– Dạ… vậy bây giờ con phải làm sao cho ổn đây thầy?
– Chị lên xe chạy về nhà đi, rồi chịu khó đi bộ quay lại đây nhận một phần. Khi đi, nhớ mặc áo tràng vào, đó là chiếc áo của người tu tập pháp Phật, khoác lên rồi thì không còn phân biệt giàu nghèo đói no, thượng lưu hay bình dân nữa!
– Nam mô Phật! Con đội ơn thầy đã giải thoát cho con!
Tâm Không – Vĩnh Hữu