Từ gốc cây thiên tuế cổ thụ trăm năm mọc trên tản đá hình thù cổ quái nhìn xuống con đường rừng ẩn hiện trong lá rung rinh theo làn không khí nóng buổi trưa, người ta nhìn thấy một con vật màu đen rất to đang di động. Buổi trưa nắng chang chang, rừng vắng ngắt, cây cối đứng yên như bị đóng đinh vào đá, cả khu rừng chìm trong giấc ngủ bình yên, người ta nghe tiếng lạch cạch nặng nề lăn trên đá. Đứng trên cao nhìn xuống thấy đó là một con rùa núi khổng lồ hiện ra. Cái mai của nó như chiếc nong nuôi tằm và đen như lọ chảo. Con rùa bò chậm chạp xuống núi, khi ẩn, khi hiện, mất đi rồi đột ngột hiện ra. Con rùa bò tới bờ Khe Hoa dừng lại.
Hằng ngày sau giờ Ngọ, lo xong bữa ăn trên chùa lão Nạy đội cái chảo to tướng xuống suối rửa. Lão thì thấp bé, cái chảo gang úp trên lưng, trông xa giống hệt con rùa núi tu luyện ngàn năm rời hang động đi về miền Tây Trúc tìm đất Phật.
Chúng tăng trên chùa Hồng An đông đúc, có khi cả trăm người. Các đệ tử làm lụng khai sơn phá thạch dựng tượng Bồ Tát cực nhọc lắm. Bữa cơm chay chỉ có rau rừng chấm tương, không có gì tẩm bổ nên họ ăn cơm nhiều. Mấy chú điệu mười một mời hai tuổi, mới vào chùa tu, tóc còn để chõm mỗi bữa cũng hết ba bốn chén to. Không có cái nồi nào nấu đủ, nhà chùa lấy cái chảo gang, loại dùng để nấu đường. Cái chảo to lắm, có thể ngồi bên trong làm thuyền bơi được.
Chảo rất nặng, bình thường phải hai người khiêng. Cả chùa không ai có sức và chịu khó hằng ngày khiêng chảo xuống suối rửa rồi mang lên. Lão Nạy phải làm công việc khó khăn nặng nhọc này một mình. Lão lấy sợi dây dừa cột nối hai quai chảo, dăng ngang qua miệng, căng ra như hai sợi dây đàn. Lão đội chảo lên đầu, hai sơi dây vắt qua vai. Cây đũa bếp, loại đặc biệt, to và dài như mái chèo được lão dắt nơi lưng quần. Trông lão đội cái chảo to tướng xuống núi chẳng khác gì con rùa mang cái mai nặng nề lần mò đi tìm nước. Trên chùa có hàng tiểu tăng tráng niên mạnh mẽ, ngày đêm rèn luyện võ nghệ để giữ chùa. Bọn này học công phu kim cương trảo với môn võ công thiếc túc, mỗi lần biểu diễn uy lực kinh người, thế nhưng không ai đủ sức đội cái chảo. Có lần tăng Vạn Lực thử vác, chừng mấy bước thì run rẩy sụp xuống, chảo úp lên đầu như nấm mồ sắt. Trên chùa có khi tổ chức thi thố võ công. Chúng tăng xúi lão Nạy biểu diễn môn vận công cử đỉnh, ai dè lão yếu xìu, không làm được. Lão nói mình nâng được chảo nặng là nhờ cái “tâm”. Chúng đệ tử không tin bảo lão ngồi tham thiền nhập định. Lão ngồi luôn ba ngày ba đêm giữa nắng mưa. Chúng tăng hốt hoảng lấy nước xối cho lão tỉnh lại kẻo không ai nấu cơm cho mọi người ăn.
Thời gian mới vào chùa làm công quả, lão Nạy có con vợ xinh đẹp. Lão đi tu nhưng không chịu xuất gia, chỉ lên chùa làm công quả. Sư ông không cho lão thí phát (cạo đầu) và cũng chẳng ban Pháp danh (tên Phật) lão chẳng buồn chi về việc này, cứ ngày ngày đội chảo đi rửa.
Tới Khe Hoa, muốn đặt cái chảo nặng xuống cũng phải có cách. Lão hạ mình xuống từ từ, kê cạnh chảo lên tảng đá. Đến khi cái chảo đứng nghiêng, một cạnh đặt trên đát, cạnh kia tựa vách đá, lão cẩn thận chui ra, vươn vai thở. Ay là lúc con rùa trút được cái mai. Lão nghỉ ngơi một lúc rồi lật ngửa cái chảo ra kéo dần xuống nước. Lúc này chão hoá thành con thuyền bồng bềnh trên mặt nước. Lão nghiêng chảo cho nước tràn vào, cầm cây đũa khua trong lòng chảo giống như người chèo thuyền trên cạn, trông rất buồn cười.
Nhưng lão là người không biết cười. Lão miệt mài làm việc, không hấp tấp nôn nả, đầu óc lờ mờ về những câu hỏi ngu ngơ, vu vơ:
– Tại sao ta ở đây?
– Tại vì cái chảo.
– Tại sao cái chảo ở đây?
– Tại vì ta…
Buổi trưa trong rừng im lặng lạ thường. Tiếng chim vọng lại mơ hồ nghe như từ một nơi nào đó không có thực trên đời. Im lặng đến nỗi nghe cả tiếng lá vàng rơi trên mặt nước. Mấy con cá phóng lên búng đuôi tanh tách, lão lấy cơm đãi cá. Lão bảo cá:
– Nói đi.
– Nói gì?
– Nói chào ông lão.
Cá nói:
– Chào Bồ Tát!
Lão kinh ngạc:
– Ta mà là Bồ Tát ư?
– Ai cho cá ăn, kẻ đó là Bồ Tát…
Cá ăn no kéo nhau đi. Một lúc sau cá quay lại nói: “Ngày lão công đức viên mãn, cá trở về dự lễ đăng quang”. Lão chẳng hiểu cá nói lễ lạc nào. Từ đó lão nghĩ: Ai cho cá ăn kẻ đó là Bồ Tát. Ai không cho cá ăn, kẻ đó không là Bồ Tát. Ai muốn là Bồ Tát phải cho cá ăn. Ai không muốn là Bồ Tát, không cho cá ăn… Lão ngồi rửa chảo, đầu óc cứ vẩn vơ “Ai cho cá ăn”.
Nắng trưa lấp loá trên mặt sóng. Nắng như mảnh gương chiếu thẳng vào cặp mắt lão già. Lão hỏi nắng:
– Ban ngày thắp đèn lên làm gì
Nắng chẳng trả lời, lão trả lời thay nắng:
– Nắng không làm nắng thì làm chi?
Rồi lão tự nhủ: Ta không làm cái công việc hằng ngày đội chảo xuống suối thì làm việc chi hỡi lão già quê mùa dốt nát, đi tu mà một câu kinh cũng chẳng thuộc. Lão kéo chảo vào bờ, nghiêng lại đổ nước ra, lôi tới hòn đá, vần lên, khom lưng chui vào lòng chảo vận công, cắn răng nín hơi đứng lên làm kiếp con rùa. Lão đội chảo đứng trên phiến đá bằng như bàn thạch. Nước từ người lão chảy xuống đọng thành vũng trên mặt đá. Hai bàn chân lão gầy gò đen đủi xấu xí, móng như móng con kỳ đà móc vào da cây.
Có lần thằng điệu Toàn Phong mười hai tuổi để chõm bồng con heo xuống suối luyện công. Sư huynh Toàn Bích dạy nó hàng ngày bồng heo xuống suối tắm. Mỗi ngày heo lớn một ít. Mấy tháng sau heo nặng cả tạ. Một đứa bé mười hai tuổi vác heo béo trăm cân lên dốc, công phu ấy ai bằng? Lần này điệu Toàn Phong thấy lão già vận công run rẩy đứng lên, nó đùa:
– Bao giờ phiến đã lõm xuống như ổ gà, ấy là lúc công quả viên mãn, lão hoá Phật!
Lão hỏi:
– Chân mềm, đá cứng, biết đời nào lõm?
Tiểu Toàn Phong nói:
– Đá mòn một li, thân mòn một thước, tâm mòn một trượng…
Lão lo sợ hỏi:
– Thế còn chi là thân, tâm?
– Chớ lo chi, có phép Phật hoàn nguyên, có là kim cương bất hoại cũng tan nát dưới thân tâm – Rồi tiểu Toàn Phong đặt điều nói láo – Cứ nâng chảo một vạn lần là hoá Phật…
Lão Nạy tưởng thực từ đó mỗi lần cõng chảo xuống suổi rửa lão đều đếm. Lão nhớ rất rõ con số, lão tin một cách vô cùng chắn chắn vào cái điều viễn vông đó. Mấy năm sau tuổi tác làm cho lão yếu hơn. Mỗi lần nâng chảo lão đều cắn răng bậm môi, vận nội công hết sức với niềm tin mãnh liệt vào con số một vạn. Con số tuy lớn, lão cứ như con mối gậm nhấm từ từ, không vội vã. Tháng ngày lặng lẽ trôi…
Một hôm sư ông giảng kinh nói sát hại một sinh linh phải đoạ một kiếp. Lão Nạy ngồi nghe kinh, ngủ gục, vùng dậy tát thật mạnh vào má mình. Một con muỗi đói tan xác. Sư ông quở: Đệ tử phạm sát giới rồi. Sám hối đi! Lão hỏi thế muỗi cắn người có phạm tội không? Sư ông nói muỗi không cắn người để làm trò chơi, cho vui, cho thoả. Muỗi hút máu người để ăn, để sống, như đệ tử hằng ngày thọ trai. Đệ tử đang ăn cơm có ai đập nát hình hài thì sao?
Từ đó lão Nạy không giết con muỗi con ruồi, con kiến. Đi đâu lão cũng rón rén, sợ dẫm phải sinh linh. Tiểu Toàn Phong nói: “Chỉ còn sợ ban đêm vô tình phạm giới”. Từ đó mỗi đêm lão Nạy tự trói tay chân mình vào thành giường.
Có lần sư ông trụ trì cho đệ tử triệu lão lên bảo điện. Lão qùi mọp run sợ nghe phán:
– Chúng đệ tử nói nhà ngươi nửa đêm thường lẻn vè ngủ với vợ, phải không?
– Bạch sư phụ có.
Sư ông kinh ngạc tự hỏi: tại sao tội tày trời, chẳng có bằng cớ, hắn lại không biết chối? Sư ông hỏi:
– Ngươi có biết hành động như thế là phạm tội nặng nề không?
– Bạch sư phụ đệ tử không biết.
Sư ông lựa lời, nói:
– Kẻ xuất gia không được tà dâm.
Sư nổi trận lôi đình:
– Thế đêm hôm khuya khoắt mò về nhà làm chi?
– Người ta đồn nửa đêm có yêu quái về trêu ngươi con vợ hiền của đệ tử. Đệ tử đem bộ “Hàn ma kinh” về nhà ngồi nơi bậc cửa tụng niệm trừ ma cho tiện nội an giấc, tửng bưng sáng lại về chùa công phu…
Sư ông vỡ lẽ à lên một tiếng, hỏi tiếp:
– Thế con ma nó có sợ kinh bỏ đi không?
– Thưa không phải ma, đó là thằngBái làm nghề thiến heo ở cuối xóm…
– Thế ngươi có trói đầu nó dẫn lên quan trị tội không?
– Thưa không…
– Hay là ngươi đã tự xử nó rồi? Ta nghe chúng đệ tử nói nhà ngươi có tài mài dao, dao cùn mài cũng sắc như dao cạo. Hay là ngươi đã lấy đầu gian phu dâm phụ?
– Thưa không. Đệ tử mài dao để “đoạn phiền não” (cắt đứt nỗi buồn) của chính mình. Ay là con dao từ bi, chẳng gây nghiệp sát sinh…
Sư ông ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Chúng nó mắc tội tày đình sao không xử?
– Thưa có tội gì đâu?
Sư ông bực mình, nói:
– Trong việc này chúng nó không có tội, chẳng lẽ tội lỗi là ở nhà ngươi?
Lão Nạy cúi gục, tỏ vẻ khổ sở vô cùng. Lúc sau lão ngẫng lên, như tìm ra chân lý:
– Bạch sư phụ, đệ tử đã nghĩ ra tội lỗi của mình rồi!
Sư ông càng kinh ngạc: “Ngươi có tội chi?”
– Có tội làm kinh động giấc ngủ của người khác.
Sư ông ngao ngán, đứng dậy rủ áo ra đi, tới cửa quay lại nói: “Đứng lên đi đi, đừng quì nơi đó làm gai mắt ta nữa!”.
Chúng huynh đệ bày lão đêm đêm nằm mùng chống muỗi không cần cột tay. Lão Nạy tự làm cái mùng. Trong rừng có rất nhiều tre. Lão đốn tre về vót nan đan mùng. Lão đem tre ngâm nước rồi vùi dưới bùn ba tháng, vớt lên chẻ ra phơi cho phai bớt mùi hôi, rồi vót thành sợi, mỗi sơi dài năm thước mộc, nhỏ như sợi tóc. Lão chẻ hơn một vạn bốn ngàn sợi tơ tre như thế mới đủ làm cái màn. Muốn chẻ được những sợi tơ tre lão phải đem rựa xuống Khe Hoa tìm đá quí mà mài. Đó là phiến đá bùn trong nước, đá quí ngàn năm. Liếc một cái dao cùn sáng ngời. Liếc thêm cái nữa dao sắc bén như nước. Ngọn gió rừng thổi chiếc lá vàng rơi trên lưỡi dao chẻ ra làm đôi mà lá chưa kịp rùng mình. Từ ngày khởi công cho tới ngày hoàn thành là hơn một ngàn ngày đêm công phu. Cái mùng đan bằng nan tre đẹp lắm, nó mềm mại và vàng óng như lụa, đêm đến gió rừng thổi qua nghe ngào ngạt hương rừng…
Lão nằm trong mùng được một đêm, sáng ra đem mùng hoả thiêu. Chúng đệ tử hỏi duyên cớ đốt mùng, lão nói:
– Nằm trong mùng muỗi không đốt được, sướng cái thân ta. Nhưng muỗi đói muỗi chết há không mắc tội sát sinh ư? Ta không nằm mà cũng chẳng để ai nằm…
Nghe thấy ai cũng cười cho rằng lão già điên…
Ba mươi năm sau lão Nạy đã già. Thân hình lão nhỏ lại và choắt cheo như con khỉ, thế mà lão thường ngày vẫn cõng cái chảo gang to tướng xuống suối. Lão đếm: chín ngàn chín trăm chín mươi tám… Chín mươi chín…
Hôm nay ngày cuối cùng, đủ số một vạn. Lão thấy phiến đá bàn thạch lõm sâu hơn một tấc. Lão rùng mình. Cả đất trời mở hội đăng quang. Mây tụ rồi tan, nứt ra một khoảng trời xanh thăm thẳm, trông lên thấy có dải lụa rủ từ trên cao xuống thành con sông nối với nguồn Khe Hoa. Lão vần cái chảo gang xuống nước. Lão leo vào trong, bây giờ lão rút lại nhỏ như đứa bé lên mười. Cái chảo gang chỉ hơi chao đảo rồi đứng yên, nó mới chìm một nửa ngấn nước. Con thuyền bập bềnh trên sóng, sự lạ hiện ra. Bao nhiêu lọ nồi bám quanh chảo phút chốc rơi ra để lộ màu sáng ngời chất vàng mười. Cặp đũa bếp dài như đòn gánh làm mái chèo dính đầy cơm nguội phút chốc bốc mùi thơm ngào ngạt ấy là mùi hương của trầm hương, kỳ nam. Con thuyền vàng rời bến ra giữa dòng.
Mấy con cá ngày trước chỉ mới bằng hạt thóc, nhờ cơm chùa trong ba mươi năm, bây giờ đã trở thành kình ngư, to bằng cái gối ôm, vảy sáng như dát bạc. Cá nghe tin lão lên đường kéo nhau tới làm cuộc hành trình vượt vũ môn cùng với lão hành hương tìm về xứ Phật. Có con rùa ngày trước chỉ mới bằng chiếc vỏ trứng ì ạch theo lão xuống suối nay thành con rùa núi khổng lồ mình ánh lên hào quang sắc tím thạch ngọc lựu. Rùa ngậm trong miệng một hạt minh châu nhả ra thành chiếc tù và thổi lên khúc đạo ca sâu hoá bướm, đá hoá ngọc, than hoá kim cương, người thành thánh.
Dòng nước suối trong buổi ban mai đầu tiên trở lại nói: Nước đi chu du thiên hạ, suối trôi về sông, sông chảy ra biển, mặt trời nung nấu bốc hơi thành mây, gặp lạnh mây thành mưa, lại rơi xuống rừng, chảy theo mạch, góp thành suối trong một vòng luân hồi miên viễn, tới kì quay lại dự lễ đăng quang của lão đây. Lão trò chuyện với nước. Ba mươi năm qua, một vạn lần đi về, công việc nhọc nhằn nhưng vui thú. Ta tự hỏi ba mươi năm đó lão già nghèo nàn dốt nát, quê mùa, một câu kinh không thuộc, không làm việc rửa nồi chảo thì làm gì? Nước chỉ cho lão nhìn trời. Trên trời một đám mây to như núi. Mây là một khối cứng, sắc cạnh, lóng lánh như ngọc trai. Lão hỏi: Kẻ xa lạ kia sao không xưng danh tánh? Mây nói, chẳng phải ai đâu, vẫn là kẻ năm xưa theo lão hạ sơn. Lão nói: ta nhớ ngày trước ngươi thường khoác áo trắng. Nay thay lòng đổi dạ hay sao lại mặc áo hồng? Mây nói ngày vui ngàn năm có một ai lại đi chọn màu tang chế?
Con thuyền vàng trôi nhanh hơn. Sau nó lướt vùn vụt trên mặt nước. Niềm vui trong lòng con người tốt nhất thế gian cũng tăng theo con thuyền vô thường. Sau thì không còn vui nữa mà sung sướng. Sung sướng tột độ, ấy là cực lạc. Con thuyền đã trôi đến tận cùng bờ giác. Thuyền theo dòng nước trắng xoá làm cuộc hoá thân cuối cùng. Nó rơi trong ngọn thác cao ngàn trượng, trắng xoá…
Đến giờ cơm, chúng đệ tử không có cơm ăn mới nghĩ tới lão. Họ chia nhau đi tìm thấy lão với cái chảo gang tan tành dưới thác. Chúng đệ tử đem lão về chùa, thương khóc. Sư ông bảo: “Các đệ tử khóc làm chi. Lão Nạy đã tới miền cực lạc rồi”.
Quý Thể