Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền Phật giáo du nhập từ khá sớm, khoảng thế kỷ thứ IV. Gắn chặt với nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Phật giáo góp phần định hình và phát triển đất nước Hàn Quốc như ngày nay. Điều này lý giải vì sao, đến nay, với sự du nhập của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, song Hàn Quốc vẫn luôn ra sức gìn giữ những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc mình, đó là những ngôi chùa cổ xưa, nơi lưu dấu nét đặc sắc qua từng thời kỳ hình thành nên đất nước.
1. Chùa Hae-In và bộ Đại tạng kinh trên gỗ
Nói về những ngôi cổ tự lâu đời và nổi tiếng bậc nhất xứ Hàn, trước hết phải nhắc đến Hae-in Sa, hay còn gọi là Hải Ấn tự, một trong những thành tựu về kiến trúc tôn giáo dưới thời đại vương triều Silla (năm 57 TCN – năm 935 SCN).
Xây dựng vào năm 802, chùa Hae-in cùng với chùa Tong-Do (nay đều thuộc tỉnh Gyeongsang) và chùa Song-Gwang (tỉnh Jeolla), là những ngôi chùa được xếp vào hàng Tam bảo tự của Hàn Quốc, tức ba ngôi chùa tượng trưng cho ba ngôi Tam bảo, trong đó chùa Hải Ấn đại diện cho Pháp, hai ngôi chùa còn lại lần lượt đại diện cho Phật và Tăng.
Xét về tổng thể, chùa Hae-in sở hữu những đường lối kiến trúc cổ xưa, đẹp nhất trong số những ngôi cổ tự ở Hàn Quốc, với vị thế nằm tựa lưng vào sườn núi Gaya, phía sau là chập chùng những ngọn núi khác bao quanh hướng về phương Bắc, ở phía Nam lại có dòng suối chảy nhẹ, góp phần tạo nên không gian hài hòa và thanh tịnh giữa thiên nhiên, theo đúng tinh thần nhà Phật.
Hiện nay, ngôi chùa đứng đầu tông phái Tào Khê này được quy hoạch nằm bên trong Công viên quốc gia Gayasan (Gayasan National Park) của Hàn Quốc, tuy nhiên không vì vậy mà làm mất đi sự trang nghiêm vốn có của ngôi cổ tự; mặt khác, tọa lạc nơi lưng chừng núi, chùa Hae-in không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách để thưởng lãm khung cảnh thanh nhã sau mỗi chuyến leo núi, mà còn là nơi thu hút một lượng lớn các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hàng năm, đến để tiếp xúc Phật pháp và đặc biệt là chiêm ngưỡng, tìm hiểu về mộc bản Đại tạng kinh, bộ kinh được khắc trên gỗ bằng chữ Hán độc nhất trên thế giới hiện nay.
Bộ Đại tạng kinh với tên gọi Bát vạn Đại tạng kinh, hay Cao Ly tam tạng (gọi chung: Tripitaka Koreana) được chế tác vào thời vương triều Goryo (thế kỷ X – XIV) với sự hỗ trợ đắc lực của hoàng hậu Choe Ji Won, là bản điêu khắc kinh tạng Phật giáo trên 81.258 phiến gỗ bạch dương quý, gồm 52.382.960 ký tự, được chia thành 6.568 tập.
Mỗi bản gỗ có kích thước rộng 70cm, dài 24cm, dày khoảng từ 2,6 – 4cm và nặng khoảng 3 – 4kg, được xử lý cẩn thận trước khi tiến hành điêu khắc để tránh mục rã. Qua đó cho thấy sự tài tình, bàn tay khéo léo và sự kiên trì tinh tấn của các chư Tăng cùng nghệ nhân điêu khắc thời bấy giờ. Mộc bản này được hoàn thiện trong suốt 16 năm ròng rã (1236-1251), nhưng đến năm 1398 mới chính thức được chuyển đến và lưu giữ tại chùa Hae-in cho đến nay.
Đối với nền Phật giáo Đông Á, bộ Đại tạng kinh này được nhìn nhận là tác phẩm kinh pháp khắc tay trên gỗ hoàn thiện và giá trị nhất từ trước đến nay, trở thành một trong những bảo vật quốc gia của Hàn Quốc nói riêng và di sản văn hóa của toàn nhân loại nói chung. Nhận thức được điều đó, chùa Hae-in đã cho xây dựng một “Tàng kinh các” (Janggyeong Panjeon), để lưu trữ bộ Đại tạng kinh. Nơi này không những có hệ thống thông gió tốt, thích nghi với mọi độ ẩm, mà còn duy trì được nhiệt độ lý tưởng bên trong so với bất kỳ ngôi nhà nào khác ở miền núi.
Theo các nhà khoa học, mặc dù tàng kinh các là một công trình kiến trúc gỗ, với diện tích 1.204m2, không gắn máy điều hòa hay máy sưởi, song không khí bên trong luôn duy trì ở nhiệt độ khá ổn định, nhờ đó bảo tồn toàn vẹn những mộc bản, bất chấp thời tiết khắc nghiệt trải suốt bốn mùa ở Hàn Quốc trong chừng ấy năm.
Do kết cấu vô cùng đặc sắc như vậy, công trình này cũng đồng thời được Tổ chức UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, cùng với chùa Hae-in và mộc bản Đại tạng kinh, năm 1995.
2. Chùa Bulguksa và những bức tượng Phật bằng đá trong hang
Không chỉ chùa Hae-in, nhiều ngôi chùa tráng lệ khác cũng đã được xây cất dưới thời vương triều Silla. Đánh dấu giai đoạn hưng thịnh nhất của Phật giáo Hàn Quốc từ thời kỳ đầu, bấy giờ trở thành quốc giáo của đất nước, có thể nói là chùa Bul-guk (tức Phật Quốc tự).
Được xây dựng vào năm 751 dưới thời vua Gyeong Deok, do tướng quân Kim Dae Seong chủ trì, nhưng phải đến năm 774 chùa mới chính thức được hoàn thiện dưới triều đại vua Hye Gong. Chùa Bul-guk nằm trên triền sườn núi To Ham Sa (nay thuộc tỉnh Gyeongju), được mệnh danh là ngôi chùa cổ nhất và ngoan cường nhất Hàn Quốc, bởi vẫn trường tồn cho đến ngày nay dù phải trải qua nhiều đợt xâm hại và cướp bóc do chiến tranh gây ra. Ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc độc đáo, bằng các vật liệu chủ yếu từ đá và gỗ.
Mặt phía trước chùa là hai điện thờ chính: Một thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và một thờ Đức Phật A Di Đà. Với những đường nét cổ kính cùng bề dày lịch sử của mình, năm 1962, chùa Bul-guk được sắc phong là nơi lưu giữ “7 quốc bảo của Triều Tiên”, còn duy trì cho đến nay.
Xét về góc độ mỹ thuật, nhiều kiến trúc sư Hàn Quốc cũng như các chuyên gia nước ngoài đặc biệt ca ngợi đường lối kiến trúc của chùa Bul-guk, khi các công trình của chùa đều được xây dựng theo từng hàng, từng dãy thẳng tắp, nằm phía trên những phiến đá được chồng xếp lên nhau một cách ngay ngắn và hợp lý. Những phiến đá này có công dụng như nền móng, để nâng đỡ toàn bộ kết cấu các công trình chùa.
Nếu nói đến chùa Hae-in, người ta hay nhắc về mộc bản Đại tạng kinh, thì khi đề cập “Phật Quốc tự”, người Hàn Quốc lại nghĩ ngay đến “Hang Phật ngồi” (Seokguram). Hang Seok-gul được những người nghệ nhân nơi này dựng lên khi tiến hành xây chùa Bul-guk, từ hàng trăm phiến đá với đủ thứ hình thù, được mài dũa và chạm khắc thành hình tượng Phật ngồi an vị trên bệ sen đá, đặt ở chính giữa hang.
Xung quanh tượng Phật là các bức tượng được chạm nổi trên bề mặt tường hang, tượng trưng cho các đệ tử, các vị Bồ-tát và Hộ pháp luôn theo kề cận Đức Phật. Bên cạnh việc thiết trí tôn nghiêm theo tinh thần Phật giáo, các bức tượng này còn có tác dụng giúp cho hang động tránh được sự bức hại của thời tiết, do có cấu tạo từ đá granic, loại đá hoa cương tự nhiên, với độ bền cao, chịu nhiệt tốt và chống thấm nước.
Ngoài ra, trần hang còn được tạo thành hình bán nguyệt và khắc chạm một đóa sen lớn, bao phủ toàn bộ mái vòm, tạo nên công trình mang đậm tính mỹ thuật.
Theo thống kê từ KBS World, chỉ tính đến năm 2015, Hàn Quốc đã có tới 12 công trình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trong đó có 3 công trình là những ngôi cổ tự, hầu hết đều được xây dựng vào triều đại Silla – thời kỳ vàng son của Phật giáo trong lịch sử.
Vừa qua (2-2-2017), Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc đã đệ trình lên Tổ chức UNESCO việc công nhận thêm 7 ngôi già-lam của nước này vào danh sách Di sản văn hóa thế giới, bao gồm: chùa Beop-ju, núi Songni; chùa Tong-do, núi Yeongchuk; chùa Bu-seok, núi Bonghwang; chùa Bong-jeong, núi Cheondeung; chùa Ma-gok, núi Taehwa; chùa Seo-nam, núi Jogye và chùa Dae-heung, núi Duryun. Qua đó cho thấy nỗ lực bảo tồn và gìn giữ các di tích lịch sử của quốc gia này.
(Giao Hảo)